Ca dao được lưu truyền cho đến ngày nay phần lớn là nhờ vào các hình thức sinh hoạt dân ca trong lao động, lúc nghỉ ngơi hoặc trong các hội hè đình đám của quảng đại quần chúng. Trong các hình thức sinh hoạt dân ca này, hình thức dân ca đối đáp giữ một vai trò rất quan trọng.
Dân ca đối đáp là một cách gọi cho tất cả các thể loại hát, hò đối đáp. Vì phần lớn những khúc hát, hò đối đáp là để bộc lộ tình cảm giữa trai và gái, thế nên có nhiều nơi gọi hát hò đối đáp là hát huê tình, hát giao duyên.
Có những vùng rộng lớn có chung một hình thức hát hò đối đáp như hát trống quân ở nhiều tỉnh trên đất Bắc, hát quan họ Bắc Ninh, hát giặm Nghệ Tĩnh,...thì ngược lại, ở mỗi địa phương lại cũng có thể có nhiều hình thức hát hò đối đáp khác nhau. Hát ví được phổ biến ở nhiều địa phương phía Bắc đèo Ngang nhưng tùy theo từng nhóm nghề nghiệp mà có tên gọi khác nhau như ví phường vải, ví phường nón, ví phường cấy, ví phường củi...ở Hà Tĩnh. Ngay trong cùng một loại công việc như chèo đò có hò chèo đò, đó là cách gọi chung, còn tùy theo điệu hát mà có tên gọi riêng như hò mái nhì, hò mái ba, hò mái đẩy, hò đò ngược, hò xuôi dòng...
Hát hò không phải chỉ xảy ra giữa đám bình dân trong hoặc sau những giờ lao động mệt nhọc hay vào những dịp hội hè đình đám, hát hò còn xảy ra trong cả cung vua, phủ chúa. Ông Nguyễn Án (1770-1815), tự Tùng Niên đã mô tả một trò chơi vào lễ hội Trung thu trong phủ chúa Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm (1767-1782) với chi tiết như sau:
-"...Nội thị từ tam phẩm trở lên, chít khăn mặc áo như đàn bà, bày hàng ở ria đường bán những tạp hóa cùng các đồ hoa quả chả rượu, thức gì cũng có, chồng chất như núi. Cung nhân qua lại mua bán, vừa mua vừa cướp, không cần hỏi giá cả bao nhiêu ; đua nhau đem những câu hát quê ra đối chọi với nhau (ĐĐN nhấn mạnh), tiếng cười đùa vang cả trong ngoài." (1).
Những câu hát quê ở đây tức là những câu ca dao được hát lên theo giai dieu65 dan6 ca mà Nguyễn Du trong bài thơ Thanh Minh Ngẫu Hứng đã gọi là thôn ca (Thôn ca sơ học tang ma ngữ, nghĩa là: Nghe khúc hát thôn quê mà học được lời nói trong nghề trồng dâu gai). Xem thế đủ biết dân ca đối đáp là một hình thức dân ca khá phổ biến và được trình diễn trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Tuy ca dao được lưu truyền lâu dài là nhờ vào các sinh hoạt dân ca, nhất là các hình thức dân ca đối đáp, thế nhưng, trong các bộ sưu tập ca dao chúng ta có ngày nay lại rất hiếm thấy những câu ca dao mang hình thức đầy đủ hai vế "hát xướng" và "hát đáp". Tại sao vậy?
Có thể nói, từ khi người Việt biết quần tụ thành bầy đoàn để lao động, người dân Việt đã biết dùng hát hò để trợ lực trong lúc lao động hay giải trí sau khi lao động. Sau đó, họ đã biết dùng hát hò trong các ngày hội hè đình đám hay trong các cuộc tế lễ, như trong tác phẩm Việt Nam Cổ Văn Học Sử, ông Nguyễn Đổng Chi đã viết:
-"Lại nữa có lối hát đối đáp về ái tình. Vào những ngày hội hoặc ngày tế thần, thường thường là mùa Xuân, xa ngày cấy hái, trai gái các bộ lạc thôn ấp thường tụ tập lại một nơi, đặt ra lời ví hát ghẹo nhau, trong khi gảy đờn, thổi sáo, đánh trống, múa nhảy hay là bày các trò vui." (2)
Có hát hò tức có sáng tác thành những câu hát, câu hò. Lúc khởi thủy chỉ là một người hát rồi có nhiều người phụ họa, nhưng dần dà về sau, có bên "hát xướng" thì lại có bên "hát đáp". Những khúc hát này nếu hay, hợp với tình cảm, ước vọng của nhiều người, nó liền được ghi nhớ và hát đi hát lại nhiều lần. Mỗi lần hát, nó lại được sửa đổi cho hợp với tâm trạng của đám quần chúng thưởng thức mới. Vả lại, mỗi khúc hát cũng lại có sinh mệnh riêng của nó. Có thể ở thời gian nầy nó được nhiều người truyền tụng nhưng đến một lúc nào đó, hoàn cảnh xã hội thay đổi, tâm lý quần chúng thay đổi theo, thì những khúc hát không còn phù hợp nữa và dần dần đi vào lãng quên cho đến một lúc nào đó, nó bị quên hẳn. Do đó, trải qua trường kỳ lịch sử của dân tộc, bao nhiêu khúc hát đã mất đi, bao nhiêu khúc hát còn lại nhưng đã biến dạng, nhiều khúc hát chỉ còn lại một phần (phần xướng hoặc phần đáp) nhờ vì nó hay và phù hợp với sự thưởng ngoạn của nhiều người qua nhiều thời đại.
Chẳng hạn:
“Cô kia cắt cỏ một mình
Cho anh cắt với chung tình làm đôi
Cô còn cắt nữa hay thôi
Cho anh cắt với làm đôi vợ chồng”
là vế "xướng" của một chàng trai mà chúng ta không có vế "đáp" của cô gái.
Lại chẳng hạn:
“Có hát thì hát cho bổng, cho cao
Cho gió lọt vào, cho chúng chị nghe
Chị còn ngồi võng ngọn tre
Gió đưa cút kít không nghe thấy gì"
là vế "đáp" ngoa ngoắt của một cô gái nào đó mà chắc hẳn đã bị phía đàng trai hát vế "xướng" cũng ngoa ngoắt không kém, rất tiếc ta lại mất vế "xướng"!
Lại cũng có những câu ca dao, tuy mang hình thức đối đáp, nhưng chắc hẳn không phải để hát hay hò mà đây chỉ là những câu bông đùa thuộc dạng ca dao trào phúng. Chẳng hạn những câu ca dao đối đáp dưới đây nhằm châm biếm những anh đàn ông "ham của lạ" bị bắt quả tang. Chuyện xảy ra trong một gia đình thuộc thời kỳ nông nghiệp cổ truyền của xã hội ta xưa. Xưa, khi người phụ nữ sinh đứa con đầu lòng (con so) thì sinh tại nhà cha mẹ đẻ để được mẹ chăm sóc và chỉ dẫn cho những điều cần thiết mà đôi khi con dâu không dám hỏi mẹ chồng, từ đứa thứ hai về sau (con rạ) mới sinh ở nhà chồng: "Con so nhà mạ, con rạ nhà chồng" (tục ngữ).
Khi sinh con rạ, nếu nhà chồng neo đơn, cha mẹ vợ thường cho em vợ giúp chị giữ cháu trong khi chị sanh nở. Lợi dụng tình trạng này, nhiều anh chồng tán tỉnh em vợ và vì thế ta thấy trước đây hay có tình trạng 2 chị em cùng lấy một chồng. Những câu đối đáp sau đây nhằm mô tả chuyện anh chồng "lôi thôi".
Chuyện kể rằng, vì nhà ở riêng neo đơn, cô em vợ đến giúp giữ cháu khi chị sinh đứa con thứ hai. Anh chồng thao thức khi ở phòng bên cô em vợ đang ngủ với cháu. Anh lần mò bò đi tìm nơi tán tỉnh. Chẳng may chị vợ tỉnh thức báo động:
“Đêm khuya gà gáy ó o
Hỡi chàng quân tử kia bò đi đâu?”
Biết bị "bể mánh" anh chồng đánh liều chữa thẹn:
“Đêm khuya gà gáy ó o
Anh ngủ chẳng được, anh bò anh chơi!”
Cô em vợ đang nằm với cháu biết được câu chuyện, dì nó lên tiếng cảnh tỉnh:
“Cháu ơi, cháu ngủ cho no
Của dì dì giữ ai bò mặc ai!”
Tội nghiệp anh chồng!
Trong tác phẩm Văn Chương Bình Dân, giáo sư Thanh Lãng đã có nhận xét như sau về lối văn vấn đáp trong ca dao:
-"Nhưng có lẽ trong tất cả những thể văn ta gặp thấy ở văn chương bình dân, không có một lối nào có một nghệ thuật tế nhị như lối văn vấn đáp". (3)
Và trong tác phẩm Thi Ca Bình Dân, quyển 4, hai tác giả Nguyễn Tấn Long và Phan Canh cũng đã nhận xét:
-"Trong các điệu hát, điệu hò bình dân chỉ có loại hò đối đáp là loại trữ tình nhiều nhất, vì đó là lối phô diễn tình cảm giữa gái trai trong mọi sinh hoạt hằng ngày". (4)
Thực ra, trong ca dao, ta thấy có nhiều câu mang hình thức đối đáp, nhưng nó lại chỉ được sưu tập một vế, thiếu một vế. Trong lúc đó, cũng có những câu, có thể mang nội dung là nói với người thứ hai, nhưng đôi khi nó chỉ là câu "hát xướng" của một người, người kia có thể không "hát đáp" trả lời.
Ta thử tưởng tượng, có một đám thợ cấy đang chuyện trò vui vẻ, chốc chốc lại hò lên vài câu tình tứ. Bỗng xuất hiện trên đường cái quan một khách bộ hành đang lầm lũi đi trong trời nắng gắt. Các cô thách đố nhau, cô nào có can đảm chòng ghẹo người khách bộ hành kia chơi. Thế là, từ đám ruộng cấy, cất lên tiếng ca lanh lảnh thật dễ thương:
“Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân đứng lại em than vài lời
Đi đâu vội mấy anh ơi,
Đợi em đi với có đôi bạn cùng”.
Có thể ông khách mỉm cười, nhưng ông khách vẫn lầm lũi bước đi. Cô bạn bên cạnh cũng không vừa, tiếp luôn:
-“Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân đứng lại em than đôi lời
Đi đâu vội mấy anh ơi
Việc quan đã có chị tôi ở nhà”.
Ông khách nghĩ thầm chắc mấy cô thợ cấy đang “tấn công” mình đây. Ông khách làm bộ phớt lờ, giả vờ rảo bước. Một cô khác tìm cách “chọc giận” ông khách:
-“Hỡi anh đi đường cái quan
Em xem khăn gói anh mang những gì?
Hay là giận vợ ra đi?
Anh cứ thú thật em thì mang cho.
Ông khách ngoái cổ nhìn lại. Hình như ông đang nâng cái ô (cái dù) lên cao để cho dễ nhìn. Cô thứ tư thấy có thể cá đã muốn cắn câu, tiếp luôn với một giọng vô cùng tình tứ:
-“Hỡi anh đi đường cái quan
Xin anh đứng lại em than vài lời:
Đi đâu vội mấy anh ơi!
Cái quần, cái áo như người nhà ta
Cái ô em để trong nhà
Khen ai mở khóa đưa ra cho chàng “.
Cô thứ năm đoán chắc là cá đã cắn câu, khoát tay ra vẻ thương hại cho ông khách, cô tiếp luôn với một giọng vừa tình tứ, vừa khôn ngoan:
-“Hỡi anh đi đường cái quan
Lại đây em thở em than vài lời
Anh là quân tử ở đời
Thì anh đừng tưởng những lời nguyệt hoa”.
Cô bên cạnh hích tay cô bạn, lấy nón vẫy vẫy ông khách rồi mỉm cười hát tiếp:
-“Anh kia đi ô cánh dơi
Để em làm cỏ mồ hôi ướt dầm
Có phải đạo vợ, nghĩa chồng
Thì mang ô xuống cánh đồng mà che”.
Nghe đến đây, ông khách chắc đã toát mồ hôi hột, vội vàng bước thật nhanh không dám ngoái nhìn trở lại!
Có thể có những khúc ca, mà trong những lúc đang làm việc ngoài đồng như cấy, gặt, gieo mạ, bón phân..., người hát chỉ hát bâng quơ giải muộn hay để quên đi giờ giấc, không đòi hỏi phải có người hát đáp, thì cũng có những khúc hát đòi hỏi phải có người hát đáp. Đã gọi là hát đối đáp thì phải là đối đáp giữa nam và nữ. Không thể có chuyện đối đáp giữa nam với nam hay nữ với nữ. Tuy nhiên trong kho tàng ca dao hàng vài chục ngàn câu, chúng ta cũng đã bắt gặp được một câu đối đáp giữa nữ và nữ. Chẳng han, trong một đám cấy, có một cô nào đó hát đùa người bạn gái vừa mới có chồng bằng câu:
-“Của chua ai thấy chả thèm,
Em cho chị mượn chồng em vài ngày!”
thì cô gái vừa mới có chồng có thể nở một nụ cười bẽn lẽn rồi trả lời ngay:
-“Chồng em nào phải trâu cày,
Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm!”.
Có những câu ca, xét qua nội dung, ta có thể nghĩ là nó có thể không được sáng tác trong thời gian lao động hay trong các đám hát hội hè đình đám mà có thể là được sáng tác ngẫu hứng trong những khi gặp gỡ tình cờ trên đường đi để chòng ghẹo nhau mà thôi. Ta cũng biết rằng, xưa kia ca hát không phải là độc quyền của một hạng người nào, dĩ nhiên, không kể thể loại hát ả đào hay hát cửa đình, ca hát trong cung vua...đòi hỏi những tay chuyên nghiệp, thì các thể loại dân ca vẫn được mọi tầng lớp dân chúng vận dụng trong đời sống hằng ngày.
Chẳng hạn, có một chàng trai thấy một cô gái đang gánh một gánh hàng kĩu kịt trên vai, chàng ta bèn buông lời ca chòng ghẹo. Chàng cũng khéo léo lắm trong cách tỏ tình ban đầu của mình:
“Gánh nặng mà đi đường vòng
Tuy rằng không gánh nhưng lòng cũng thương!”.
Thấy cô gái không nói gì, anh chàng bèn hát tiếp giọng cợt nhả:
-“Gánh nặng mà đi đường dài
Để anh gánh đỡ một vai nên chồng”.
"Mà lòng cũng thương" nghe còn nhẹ nhàng; đến lại đòi "gánh đỡ một vai nên chồng" thì có vẻ gì đường đột suồng sã quá. Cô gái biết anh chàng đang chòng ghẹo mình, không phải tay vừa, nàng trả lời một cách trịch thượng:
-“Gánh thì chị lại trả công
Mặt em chả đáng làm chồng chị đâu!”.
Trong những buổi hát hò đối đáp, hoặc là trong thời gian lao động, ngoài thời gian lao động tức những lúc nghỉ ngơi, hay trong thời gian lễ hội, các nghệ sĩ dân gian thường sắm vai tình nhân để gởi lời thề non, hẹn biển, những lời chào mừng khi gặp gỡ, những lời nồng nàn hứa hẹn kết tóc xe tơ, những lời than thở lúc chia ly. Cũng có lắm khi hát hò đối đáp là dịp để cho hai bên trai gái trêu ghẹo nhau, thử tài nhau, hoặc dựa vào những khúc hát để phê phán những thói hư tật xấu của con người, của xã hội.
-"Ngày xưa phần lớn ca dao trữ tình làm ra để hát. Rồi từ những bài hát lại có những câu tách ra thành ca dao... Chính vì vậy mà trên phần lớn ca dao trữ tình còn in rất rõ khuôn dấu của dân ca. Khuôn dấu ấy là lối đối đáp, do các kiểu hát tập thể (ghẹo, ví, trống quân, cò lả...) của dân tộc ta mà có. Đối đáp là nói chuyện bằng lời thơ, điệu hát giữa đôi trai gái, giữa hai họ, hai phường...” (5)
Có nhiều bài ca dao đối đáp chúng ta không thể xác định được câu nào là câu của bên nữ, câu nào là của bên nam. Trong trường hợp này, nếu bên nam hát "xướng", câu ca dao sẽ có ý nghĩa khác, nếu bên nữ hát "xướng", thì câu ca dao lại có ý nghĩa khác. Chẳng hạn 2 câu đối đáp sau đây:
- Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím,
Em có chồng rồi em trả yếm lại anh.
- Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh,
Yếm em em mặc, yếm gì anh anh đòi.
Ở đây, người viết mượn lại lời giải thích trong bài "Phất phơ hai dải yếm đào": (6)
"Đây là một khúc ca đối đáp giũa một người nam và một người nữ. Chúng ta thử minh xác xem đây là một cuộc trả yếm hay là một cuộc đòi yếm.Vì đây là một khúc ca được thể hiện trong một buổi hát đối đáp nào đó nên nội dung đích thực của nó chỉ là một giả thiết. Tuy nhiên, dù chỉ là một giả thiết thì giả thiết đó cũng phải phản ảnh được tâm tình chung của quần chúng thì mới được quần chúng lưu truyền cho tới ngày nay.
Chúng ta sẽ không bàn đến câu 1 và câu 3, vì 2 câu này chỉ là câu đưa đẩy thuộc thể phú trong nghệ thuật cấu tạo một bài ca dao. Quả thực nó không liên quan gì đến câu 2 và câu 4, và vì vậy, dù hoa cúc vàng có nở ra bất kỳ loại hoa gì gì đi nữa thì nó cũng không làm thay đổi ý nghĩa đích thực của câu 2 và câu 4.
Có 2 giả thiết:
* Giả thiết 1:
Nếu cô gái hát trước thì đây là trường hợp xin trả yếm. Ta có thể nói xuôi ý câu này như sau: Đây là chiếc yếm anh tặng em khi chúng mình yêu nhau, nhưng nay vì duyên nợ không thành, bây giờ em đã có chồng, nên em xin trả chiếc yếm này cho anh . Và chàng trai đã trả lời một cách dịu dàng: Quả là anh có tặng em chiếc yếm đó, thế nhưng bây giờ em đã mặc nó và vì vậy bây giờ nó là của em. Nó đâu còn là của anh nữa mà bảo anh đòi!
* Giả thiết 2:
Nếu người con trai hát trước thì đây lại là đòi yếm. Lời người con trai thật cương quyết: Ngày trước tôi có cho cô một cái yếm. Nay cô đã có chồng cô phải trả lại cái yếm đó cho tôi. Cô gái đốp chát lại một cách đanh đá: Này, tôi bảo cho mà biết, yếm tôi đang mặc thì nó phải là yếm của tôi chứ yếm gì của anh mà anh lại đòi! Vô duyên!
Xét về phương diện tâm lý, đã có can đảm đòi lại cái yếm mà mình đã cho người mình yêu, dù rằng người yêu của mình đã ôm cầm sang thuyền khác, thì đó là một hành vi không còn tình nghĩa. Đã không còn tình nghĩa thì giọng điệu phải gay gắt. Giọng điệu của chàng trai đã gay gắt thì giọng điệu của cô gái cũng phải chua ngoa cho tương xứng. Cứ xét theo giọng điệu thì giọng điệu của câu 2 không thể là giọng điệu của một người "đòi nợ" và giọng điệu của câu 4 không thể là giọng điệu của một người "bị đòi nợ". Chữ "em" và chữ "anh" trong câu 2 và trong câu 4 nghe hiền lành, tràn trề tình cảm.
Thử là giả thiết 2, bài ca dao phải được chuyển cách xưng hô như sau:
- Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím
Cô có chồng rồi cô trả yếm lại tôi
- Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh
Yếm tôi tôi mặc, yếm gì anh anh đòi!
chứ không thể là cách xưng hô "anh - em" "em - anh" tình tứ như thế được”.
Trên đây người viết chỉ bàn góp về một ít điểm bên lề khi bàn về hát hò đối đáp. Ngày nay, đối với nhiều dịa phương tại quê nhà, hát hò đối đáp đã trở thành một loại hình nghệ thuật diễn xướng thuộc về dĩ vãng. Ngay trên quê hương Quảng Ngãi của chúng ta, có lẽ bà con chúng ta cũng không còn cái diễm phúc được nghe những giọng hát hố, giọng hò giã gạo đối đáp giữa những đôi nam nữ lanh lảnh âm vang trên khắp các cánh đồng, sau những rặng tre xanh quanh thôn ấp vào những đêm trăng đang mùa gặt hái nữa. Đáng tiếc biết chừng nào!
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
Tài liệu tham khảo:
1. Tang thương ngẫu lục (bản dịch Trúc Khê), Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, năm 2000, tr 26
2. Việt Nam cổ văn học sử - Nguyễn Đổng Chi - Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa, Sài Gòn, năm 1970 - trang 55
3. Văn Chương Bình Dân - Thanh Lãng - Phong trào Văn hóa, năm 1954, trang 137
4. Thi ca Bình dân Việt Nam, q.4, Xuân Thu (Hoa Kỳ) tái bản, trang 48.
5. Lối hát đối đáp trong ca dao trữ tình - Cao Huy Đỉnh trích trong Ca dao Việt Nam- Những lời bình, nhà Xuất bản Văn hóa Thông Tin, Hà Nội, năm 2000, trang 43
6. Phất phơ hai giải yếm đào - Đào Đức Nhuận (nuiansongtra.net)
Xem các Bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về Webpage www.nuiansongtra.net