Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
TÂM SỰ ĐÊM GIAO THỪA
P. TRẦN ĐÀO


Phút Giao thừa vừa mới qua. Cỗ bàn vừa hạ xuống. Cả nhà đi ngủ, chỉ còn mình tôi ngồi lặng trước bàn thờ tổ tiên trong giờ phút thiêng liêng này. Tôi vừa thắp thêm một tuần nhang nữa. Năm cũ vừa dứt và năm mới cũng vừa bắt đầu trong sự thinh lặng kỳ lạ của nơi chốn tôi đang sinh sống. Không có tiếng pháo Giao thừa. Không cả tiếng côn trùng rền rĩ trong đêm. Hoàn toàn yên lặng. Thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng xe chạy ngang qua nhà. Tôi nhìn lên hình của thầy mẹ tôi. Hình như ông cụ, bà cụ cũng đang nhìn tôi. Lúc chiều tôi đã nói với các con tôi là vào giờ Giao thừa ông bà sẽ về ăn Tết với chúng mình. Các con tôi nhìn tôi trố mắt ngạc nhiên. Tôi giải thích với các con tôi rằng, người Việt Nam mình tin chỉ có thể xác là chết và tan rữa đi thôi, còn linh hồn thì bất diệt. Linh hồn tổ tiên vẫn phảng phất đâu đó bên cạnh chúng ta để phù hộ chúng ta bất kỳ lúc nào chúng ta cầu khấn. Và mỗi lần cúng giỗ như hôm nay là các cụ thế nào cũng về. Và tôi cứ mường tượng linh hồn các cụ đang lung linh lãng đãng đâu đó trong làn khói hương nghi ngút để chứng kiến cảnh con cháu đang cầu nguyện và vui Xuân. Trong bầu không khí trang nghiêm nầy, tôi nhớ đến vô cùng những câu thơ của nhà thơ Hoàng Ngọc Liên:

Đất chuyển mùa sang, Xuân lại đến
Quê người trong nỗi nhớ khôn quên
Lung linh giao cảm làn hương nến
Nghi ngút dâng lời nguyện nửa đêm
”.
(Hoàng Ngọc Liên – Có một Xuân nào)

Tôi vừa mới “dâng lời nguyện nửa đêm” trong “nỗi nhớ khôn quên” nơi “quê người” đây. Hai tiếng “quê người” nghe sao mà tội nghiệp! “Đất khách, quê người”. Đất là đất của người ta nào phải của ta! Quê là quê của người ta nào phải của ta! Sống nơi đất khách quê người mà “bâng khuâng nhớ cảnh, nhớ người” nơi quê hương ngày cũ. Nhớ nơi chôn nhau, cắt rốn. Nhớ mồ mả tổ tiên. Nhớ bà con ruột thịt, nhớ chòm xóm láng giềng. Nhớ những anh em bằng hữu một thời oanh liệt can trường trong chiến đấu, một thời tủi nhục mà hiên ngang trong các trại tù bây giờ đã kẻ mất người còn. Nhớ khóm mai vàng trước ngõ nở rộ mỗi độ Xuân về. Nhớ rộn rã tiếng cười vui đua nhau hái lộc nơi chùa làng trong đêm Trừ tịch… Biết bao nhiêu nỗi nhớ nơi quê hương mà bây giờ phải gọi là “cố hương”:

Đốm nhang cháy dở như quầng mắt
Khói có bay về tận cố hương?
Vườn người, tôi chiết cành Xuân thắm
Nhớ quê vết cắt trượt xuống hồn
”.
(Trần Mộng Tú – Chiết cành)

Tôi đang ngồi trước bàn thờ gia tiên trong giờ phút thiêng liêng này của Trời Đất. Trên bàn thờ vẫn một mùi hương trầm tỏa ngát. Những sợi khói mong manh bay dật dờ trong căn phòng tĩnh lặng. Nhìn những sợi khói lãng đãng mông lung, tôi muốn bắt chước nhà thơ Trần Mộng Tú âm thầm tự hỏi khói hương nghi ngút này “có bay về tận cố hương?”. Ôi! Câu hỏi nghe sao mà se sắt đến nao lòng!

 

Quang cảnh một Lễ Cúng Tất niên tại quê nhà vào những ngày cuối năm. 

 

Bây giờ tôi đang ngồi đây trong căn phòng mênh mông nỗi nhớ này mà hồi tưởng lại những mùa Xuân xưa trên đất khách – những mùa Xuân đầu tiên vừa đặt chân lên miền đất hứa này. Người thiên hạ vẫn rộn ràng vui Xuân. Người thiên hạ vẫn tưng bừng đón Tết. Phố Bolsa những ngay cuối tháng Chạp đông nghẹt những người là người. Chen chúc trong những rừng hoa muôn hồng ngàn tía từ những chậu cúc, những chậu thược dược đến những cành mai, cành đào, những giò thủy tiên…Chen chúc bên những quày hàng bánh mứt chẳng thiếu loại nào từ bánh chưng, bánh tét, bánh dẻo, bánh in đến đủ các loại mứt sác màu sặc sỡ… Chen chúc bên những quày pháo từ pháo phong, pháo tống đến các loại pháo bông…Tôi đã lang thang bên cạnh biển người đó mà thấy lòng mình trống vắng lạ lùng. Lại mang tâm trạng “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!”. Một nỗi buồn kỳ lạ. Một nỗi buồn mênh mông làm quặn thắt tâm can. Vẫn thao thức nhớ. Vẫn bồi hồi thương. Nhớ và thương mảnh đất quê hương đã ngàn trùng xa cách, dù mới cách xa mà đã gọi là “cố quốc”. Mà sao lại là cố quốc?

Này Xuân rộn rã làm gì
Với thân luân lạc từ khi cõi ngoài
Dặm nghìn cố quốc xa xôi
Những thao thức, những bồi hồi năm canh
”.
(Duy Năng – Rộn ràng Xuân dẫu nơi đây)

Tôi hằng ước ao có một ngày về để được hít thở “hơi ấm quê hương”. Hơi ấm quê hương! Nói sao cho cùng, nói sao cho hết. Ngôn ngữ nào có thể mô tả được hơi ấm của quê hương? Nơi đó có hơi ấm của mùi đất ải. Nơi đó có hơi ấm của mùi mạ non. Nơi đó có hơi ấm của thoang thoảng hương cau. Nơi đó có hơi ấm của ngọt ngào hương bưởi. Nơi đó có hơi ấm của mùi dạ lan ngan ngát vườn chùa. Và nhớ làm sao hơi ấm trong vòng tay dịu hiền của mẹ một thuở ấu thời. Và nhớ làm sao hơi ấm trong vòng tay chí cốt của bằng hữu anh em một thuở chung lưng đấu cật để bảo vệ mảnh đất quê hương. Vậy mà bây giờ tôi đang ngồi đây, trong căn phòng ăm ắp mùi hương trầm trong đêm Giao thừa này để thấy hồn mình như chìm vào một nỗi nhớ thương mông lung kỳ lạ:

Ai có về bên kia đất nước
Thở dùm tôi hơi ấm quê hương
Tôi, con én lạc mùa Xuân trước
Vẫn khóc âm thầm nơi viễn phương
”.
(Trần Trung Đạo – Xuân đất khách)

Trần Trung Đạo ơi! Anh “vẫn khóc âm thầm nơi viễn phương”. Còn tôi? Tôi đã mười lăm năm lìa xa Tổ quốc – tròn mười lăm năm thương và nhớ khôn nguôi. Ngày bước chân ra đi mái tóc còn xanh, nay nhìn vào gương đã thấy tóc mình điểm bạc. Ôi! Thời gian…Thời gian vẫn lạnh lùng trôi…Bây giờ ngồi đây, trong cái sâu thẳm tĩnh mịch của đêm Giao thừa, ngâm khe khẽ mấy câu thơ của Trần Vấn Lệ mà thấy lòng mình chùng xuống một nỗi vấn vương khôn tả:

Phần tư thế kỷ – Việt Nam ôi!
Góc biển, chân mây, xế tuổi người
Hai chữ Thanh Bình – Xuân thắm thiết
Nằm trong câu chúc, ước mơ thôi
!”.
(Trần Vấn Lệ – Tùy bút Xuân)

Mười lăm năm rời xa quê hương yêu dấu, phải chăng mình đã đánh mất quê hương? Không. Không đâu. Không phải vậy đâu. Hình ảnh thân thương ngập tràn kỷ niệm của quê hương yêu dấu, dù có ngàn trùng xa cách vẫn không thể nào xóa nhòa trong tâm tưởng của tôi – những kỷ niệm của một thuở thanh bình, những kỷ niệm của một thời tao loạn, và cả kỷ niệm của những năm tháng tù đày. Nhiều, nhiều lắm, kể sao cho xiết. Tôi lại nhớ đến mấy câu thơ của Trần Thiện Hiệp và tôi nghĩ có phải chính tôi đang đắm hồn mình trong ý thơ buồn bã này không nữa:

Mỗi Tết ba ngồi ôn chuyện cũ
Để hồn bay lẫn khói trầm hương
Cành Xuân gió sớm rơi hàng lệ,
Mà ngỡ mình rơi hạt lệ sương
”.
(Trần Thiện Hiệp – Tết về tâm sự với con)

Nhà thơ tâm sự với con mà thật ra là tâm sự với mình. Nhà thơ tâm sự với chính mình, vậy mà tôi cứ ngỡ là tôi đang tâm sự với tôi – tôi đang tâm sự với chính tôi. Tôi cảm nhận dường như hương hồn của tổ tiên đang quyện trong khói trầm hương lung linh trước mặt. Tôi đã “để hồn bay lẫn khói trầm hương” trong giờ phút Giao thừa thiêng liêng này để cho tâm tư bay về vùng quá khứ xa thật xa…mà nhớ, mà thương.

Và bỗng dưng tôi lai nhớ đến câu thơ của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến khóc cho bạn mình là ông Nghè Vân Đình Dương Khuê: “Tuổi già hạt lệ như sương!”

Rồi tôi liên tưởng đến những câu thơ đầy ắp chân tình của nhà thơ Trạch Gầm. Trạch Gầm cũng đang tâm sự, cũng đang tỉ tê thầm thỉ với những đứa con yêu quý của mình trong đêm Giao thừa:

Điều cha muốn nói cùng con…
trong đêm giao thừa đón tết
chẳng phải chuyện học hành
cũng chẳng phải chuyện tương lai
cha chỉ muốn nhắc lại con một vài chuyện cũ…
hình như con đã quên!...trên đất lạ quê người
…”.
(Trạch Gầm – Đêm giao thừa ngồi tâm sự cùng con)

Trạch Gầm ơi! Có phải anh đang tâm sự với hai cô con gái yêu dấu của anh không? Phải mà không phải, tôi nghĩ vậy. Tôi nghĩ là anh đang tỉ tê thầm thỉ với chúng tôi, những chiến hữu của anh, những người đã một thời cùng anh đem chính máu xương của mình để bảo vệ mảnh đất miền Nam thân yêu, vậy mà bây giờ…!? – không phải là tất cả, chỉ một số nhỏ trong chúng tôi, tôi nghĩ thế. Và cũng không phải là thầm thỉ tỉ tê đâu. Anh trách cứ một số người. Anh cảnh tỉnh một số người. Bọn họ đã quên, quên thật rồi tư cách của người tị nạn chính trị. Họ đã quên, quên thật rồi những tháng ngày bi thảm trên quê hương. Quên những tháng ngày bị đọa đày trong những trại tù “cải tạo” nơi ma thiêng nước độc. Quên những muỗi vắt sình lầy ở cái nơi được mệnh danh là vùng “kinh tế mới”. Quên những tháng ngày bữa đói bữa no cùng vợ con sống nheo nhóc dật dờ nơi vĩa hè các thành phố lớn. Quên thân phận của những công dân hạng ba, hạng tư. Quên những cảnh hãi hùng trên biển cả mà có kẻ đã phải nuốt hận nhìn vợ con mình bị hải tặc hành hạ, hãm hiếp và chính họ cũng đã phải nhận những trận đòn thù thừa sống thiếu chết. Họ bây giờ xênh xang “áo gấm về làng” phè phỡn trên nỗi thống khổ của chính con em mình, của chính đồng bào mình! Tôi không dám nghĩ tiếp nữa. Hãy xót thương! Hãy xót thương!

Tôi đã thắp mấy tuần nhang rồi cũng không nhớ nữa. Hình như có lúc tôi đã thiếp đi và tiếng tích-tắc của chiếc đồng hồ treo tường đã đánh thức tôi dậy. Tôi dụi mắt và nhìn lên tường. Tiếng tích-tắc đều đều của chiếc đồng hồ trước mặt như vẫn rót những âm điệu buồn buồn vào hồn tôi trong cái tĩnh mịch không cùng của đêm Giao thừa này. Tôi lại dụi mắt và nhìn vào chiếc đồng hồ. Đã bốn giờ sáng rồi. Tôi pha một bình trà và chiêu một ngụm trà đầu năm. Mùi và vị của trà Ô-long như đánh thức mọi giác quan. Tôi cảm thấy sảng khoái một cách lạ lùng. Bất chợt, tôi ngâm khe khẽ câu thơ của Nguyễn Bính:

Năm mới tháng Giêng, Mồng một Tết
Còn nguyên vẹn cả một mùa Xuân
”.

Vâng, mùa Xuân vẫn còn nguyên vẹn chín mươi ngày. Bây giờ mới là buổi sáng đầu tiên của một năm – một buổi sáng tinh khôi! Tôi lại nhìn lên bàn thờ. Hình ảnh của thầy mẹ tôi như có vẻ mới hơn, tươi tắn hơn, sống động hơn. Và hình như thầy mẹ tôi vẫn âu yếm nhìn tôi – nhìn đứa con luân lạc, đã rời quê hương từ 15 năm trước. Tôi muốn thỉnh ly rượu trên bàn thờ thầy mẹ tôi chiêu một ngụm để nhớ lại hình ảnh của thầy tôi thuở sinh thời nhưng rồi lại thôi. Tôi lại muốn thiếp đi trong nỗi nhớ mênh mang không cùng của một ngày Xuân nơi đất khách quê người:

Ly rượu Giao Thừa chưa kịp uống
Ngủ vùi, khỏa lấp cả đam mê
”.
(Trạch Gầm – Lại một mùa Xuân)

Los Angeles, 1-2009
P. TRẦN ĐÀO



Xem các Bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về Webpage www.nuiansongtra.net  


 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh