Mở speakers ON, click vào mũi tên màu trắng để nghe âm-thanh.
Không muốn nghe nữa, click vào hai gạch song song thẳng đứng
(góc trái dưới cùng trong khung) để tắt âm thanh.
NGÀY VỀ
Sáng tác: Hoàng Giác
Ca sĩ: Duy Khánh
* * *
Một buổi sáng đẹp trời, tôi có cái hẹn với một số học sinh cũ tại nhà M. Nguyệt. Để đến được chỗ hẹn, tôi phải đi ngang qua một nơi mà đối với tôi có muôn vàn kỷ niệm êm đềm. Nơi đó ngày xưa có một ngôi trường trung học tư thục. Tôi đã dạy ở ngôi trường này từ ngày mới bắt đầu khai giảng cho đến khi vì vận nước tôi phải bỏ trường mà chạy và ngôi trường từ đó cũng đóng cửa luôn. Như có một sức quyến rũ kỳ lạ, tôi bảo người xe thồ cho tôi dừng lại nơi này mươi phút. Chỉ mươi phút thôi. Thế nhưng tôi đã đứng đó không biết bao lâu. Tự nhiên tôi có cảm nghĩ như thời gian đang dừng lại. Và không gian như cũng đang thay đổi. Tôi nhớ cái cổng trường. Tôi nhớ cái văn phòng nằm sát cạnh đường đi Giao Thủy và con đường mòn lên dốc Chùa. Tôi nhớ những cây phượng trước sân trường ra hoa đỏ rực vào những ngày trường sắp nghỉ hè. Mà tôi đang đứng đây vào một ngày cuối mùa hè đây mà. Tôi đứng đây chắc đã lâu lắm. Chắc hẳn không phải là mươi phút. Rất nhiều người qua lại. Tôi không nhìn thấy khuôn mặt nào quen thuộc. Giờ đây, ngay lúc này, tôi là một con người xa lạ, hoàn toàn xa lạ. Không ai nhìn tôi để nhận ra có một con người xa lạ đang đứng nơi nầy để tìm về dĩ vãng. Bỗng tôi nhớ lại mấy câu thơ của Hạ Tri Chương, một nhà thơ đời nhà Đường bên Tàu. Ông lìa quê hương từ thời còn trẻ. Ông trở về cố hương khi tuổi đã già. Ông vẫn còn giữ giọng nói của quê hương mình nhưng mái tóc đã thưa đi nhiều. Bọn trẻ con nhìn ông xa lạ, cười hỏi: Ông khách này ở nơi nào đến vậy kìa? Ý nghĩa của bài thơ là như vậy còn nguyên tác của bài Hồi Hương Ngẫu Thư đó như thế này:
“Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
Nhi đồng tương kiến bất tương thức,
Tiếu vấn: Khách tòng hà xứ lai?”.
Khi lìa xa ngôi trường thân yêu nầy tôi đã ở vào lứa tuổi trung niên. Ba mươi sáu năm trở về tìm lại ngôi trường cũ, tôi đã là một người ở lứa tuổi “thất thập cổ lai hy!”. Cổng trường không còn. Hàng phượng không còn. Ngôi trường cũng không còn nữa. Hoàn toàn biến mất. Không một dấu tích, dù chỉ là một dấu tích thật nhỏ. Thế nhưng ngôi trường như vẫn còn sừng sững trong tâm hồn tôi, trong trái tim tôi. Bởi vì, sau những phút giây bàng hoàng choáng váng đó, bỗng dưng những khuôn mặt thân thương của những em học sinh cũ mà tôi vừa mới gặp ngày hôm trước tại đám cưới con gái Trương Ngọc H. những Nguyễn Trọng Th., những Võ Văn T., những Đặng Quốc T., những Hà Thị X. và v.v...như đang hiển hiện trước mắt tôi một cách sinh động lạ thường trong một không gian đầy ắp những kỷ niệm thân thương đến nghẹn ngào. Tiếng của người xe thồ chú ơi mình đi thôi như đánh thức tôi ra khỏi giấc mơ tuyệt đẹp. Tôi lên xe thồ mà ngỡ như mình đang đi trong cơn mộng du. Loáng thoáng đâu đó những tiếng cười và trước mắt tôi là đám học sinh cũ đang đứng chờ tôi không biết tự bao giờ. Những ánh mắt nhìn ngạc nhiên mà tha thiết. Những nụ cười rạng rỡ. Những cái bắt tay rụt rè. Chỉ nhìn thôi, chỉ cười thôi cũng đã nói lên bao nhiêu là cảm tình tha thiết chân thành. Các em tíu tít hỏi tôi. Thầy có nhớ em không thầy. Thầy có nhớ cái thằng học trò ngày xưa phá nhất lớp không thầy. Em hay làm “sơ-mi” môn của thầy, thầy còn nhớ không thầy. Biết bao nhiêu là câu hỏi. Tôi cũng chỉ cười... Ngày xưa, ông Phan Khôi làm bài thơ Tình Già kể chuyện hai người yêu thuở còn trẻ, không lấy được nhau và phải cách xa nhau 24 năm. Đến khi gặp lại nhau thì...
“Hai mươi bốn năm sau
Tình cờ đất khách gặp nhau
Hai cái đầu đều bạc
Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được!”.
Họ yêu nhau tha thiết lắm. Vậy mà chỉ có 24 năm xa cách họ đã “nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được”. Huống hồ thầy trò mình xa nhau đã 36 năm hoặc lâu hơn thế nữa. Ngày xa nhau, các em chỉ là các cô cậu học trò 15, 17. Bây giờ gặp lại nhau, tất cả các em đã bước qua ngưỡng cửa của lứa tuổi “tri thiên mệnh” lâu rồi. Các em có thể nhận ra thầy nhưng thầy thì khó mà nhận ra hết những khuôn mặt học trò thân yêu của mình sau một cuộc bể dâu 36 năm đằng đẵng. Xin lỗi các em. Hãy tha thứ cho tuổi già nếu tôi không nhớ hết tên tuổi và khuôn mặt các em. Tôi vẫn canh cánh bên lòng những giờ đứng trên bục giảng. Tôi mường tượng lớp học có các em đang ngồi bên dưới. Với những khuôn mặt ngây thơ rạng rỡ. Với những ánh mắt hiền hòa hồn nhiên. Bỗng những tiếng cười thủy tinh của các em làm rạn vỡ cả cái không gian kỷ niệm tĩnh mịch của tôi. Thì ra các em đang đứng chờ tôi lên xe để đi về hướng đông thăm một người bạn gái bất hạnh, mắc một căn bệnh trầm kha tưởng đã phải lìa bỏ trần gian nầy từ lâu rồi. Trương Thị Phường đã kéo dài cuộc sống bằng tình thương yêu đùm bọc của gia đình và sự thường xuyên thăm viếng, an ủi của nhóm bạn Hàn Thuyên. Đó là một nghĩa cử thật đẹp trong tình đồng môn. Và đối với V. Luyến các em cũng đã có một nghĩa cử tương tự. Khi Luyến ngã bệnh các em đã thường xuyên thăm viếng. Khi biết Luyến bị bệnh nan y các em đã cùng gia đình tìm mọi cách đưa Luyến vào Sài Gòn chạy chữa. Nhóm bạn Hàn Thuyên ở Sài Gòn đã tìm mọi cách đưa Luyến vào bệnh viện chuyên khoa để điều trị. Khi biết không còn cứu vãn được nữa các em đã tìm giúp phương tiện để đưa Luyến về quê hương và Luyến đã vui vẻ ra đi trong vòng tay thương yêu của bạn bè.
Hãy giữ mãi truyền thống Hàn Thuyên tốt đẹp đó nhé, các em học sinh thân mến của tôi.
Sau khi thăm Phường, các em đưa tôi ngược về miền Tây đến đốt nhang trước bàn thờ của Luyến. Thắp ba cây nhang cắm trước di ảnh của Luyến, tôi thầm nghĩ, trước lúc vĩnh biệt cõi trần gian tạm bợ nầy, chắc Luyến đã nghĩ về đám bạn bè Hàn Thuyên thân yêu của mình bằng những cảm tình nồng ấm biết bao!
Giã từ căn phòng khói hương nghi ngút của người học trò vắn số, các em đưa tôi về nhà Nguyễn Phú S. dùng bữa cơm thắm tình thầy trò. Các em kể chuyện, các em ca hát. Khi Ngô Th. hát bài Bụi Phấn, không ai bảo ai, tất cả các em đều cất tiếng hát theo. Tôi không biết tác giả bài ca là ai, nhưng tôi chắc một điều, tác giả kính mến người thầy của mình lắm lắm. Tiếng đồng ca của các em như đưa tôi trở về dĩ vãng nào xa xăm. Tôi nhớ loáng thoáng nghe như trong chiêm bao...bụi phấn rơi trên bục giảng... bụi phấn vương trên tóc thầy... bụi phấn như làm tóc thầy bạc thêm. Tiếng hát dứt trong nỗi ngậm ngùi. Ngày tôi đứng trên bục giảng, tóc tôi còn xanh lắm. Tóc các em cũng còn xanh lắm lắm. Vậy mà bây giờ gặp lại nhau tóc thầy, tóc trò đều đã ngả màu sương khói. Buổi tiệc tàn, trên đường về, tiếng hát của các em như vương đầy bụi phấn ngơ ngẩn theo tôi. Và tiếng hát như len vào cả trong giấc ngủ. Tôi chợt nghe lòng mình thảng thốt một niềm nhớ nhung kỳ lạ:
“Ba mươi sáu năm rời xa bục giảng
Ta ngẩn ngơ như kẻ lạc linh hồn
Nhớ bụi phấn một thời trong dĩ vãng
Ngỡ đến ngày sương trắng lạnh hoàng hôn
Hàn Thuyên ơi! Bao năm rồi cách biệt
Mái tóc nào xanh mãi với thời gian?
Dù bụi phấn chỉ còn trong ký ức
Mái tóc thầy, trò nay phủ một màn sương!”.
Gặp các em ở Bình Sơn vừa tròn một tuần lễ, tôi vội vã vào Sài Gòn để lo vài việc lặt vặt trước khi về lại Cali. Huỳnh Văn S. đón tôi về nhà, định tổ chức bữa ăn thân mật tại nhà để khoản đãi tôi và một số bạn cũ Hàn Thuyên đang sinh sống tại Sài Gòn nhưng cuối cùng Vũ Đình Th. và S. đã quyết định mời tất cả đến nhà hàng và chiều tối hôm đó các em đã cho tôi sống lại những giây phút nồng nàn tình nghĩa thầy trò. Xa nhau gần bốn mươi năm nay mới gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi. Những câu chuyện của ngày xưa hầu như không dứt. Mỗi em kể lại một kỷ niệm nào đó của mình với tôi. Có thể có những chuyện tôi còn nhớ. Có thể có những chuyện tôi đã quên. (Nhớ nhớ, quên quên là chuyện thường tình của tuổi già mà!). Có em nhắc lại một vài kỷ niệm trong những giờ tôi lên bục giảng. Những lần tôi hay đọc đùa những câu trong sách Tam Thiên Tự “thiên - trời, địa - đất, cử - cất, tồn - còn...” hoặc kể cho các em nghe những câu chuyện cổ tích. Chuyện Trương Chi - Mỵ Nương. Chuyện Tiên Dung - Chử Đồng Tử. Chuyện trong Ngàn Lẻ Một Đêm của xứ Ba Tư huyền bí. Chuyện của những vị anh hùng liệt nữ trong lịch sử Việt Nam. Những câu chuyện đã làm cho các em “mua vui cũng được một vài...phút giây” sau gần 2 tiếng đồng hồ ngồi yên lặng nghe giảng bài và chép bài. Để thần kinh các em bớt căng thẳng mà tiếp tục giờ học kế tiếp, buổi học kế tiếp. Không ngờ chàng thư sinh còn nhớ ngày xưa tôi đọc “thiên trời, địa đất...” đó ngày nay đang chăm chú nghiên cứu về ngôn ngữ học, là đồng tác giả của một bộ từ điển sắp sửa chào đời. Tôi đã được gặp chàng trên căn gác bề bộn những sách là sách, và tôi đã nghe Vũ Đ.Th. tác giả của bộ từ điển đó say sưa trình bày về những nguyên tắc căn bản đầy khám phá để thực hiện công trình tâm huyết của mình. Ngày xưa tôi giảng bài, Th. chăm chú nghe. Ngày nay Th. say sưa giảng giải về phương pháp làm việc của chàng, tôi cũng chăm chú nghe một cách thích thú. Th. ơi, hãy cho tôi chia sẻ niềm hạnh phúc tuyệt vời này với em.
Ngồi bên cạnh các em, nghe các em tâm sự, tôi thấy lòng mình ấm áp lạ thường. Có em hỏi tôi thầy ơi ở bên đó thầy có nhớ về quê hương Việt Nam không thầy. Tôi chợt nghe lòng mình chùng xuống. Sao lại không! Nhớ nhiều, nhớ nhiều lắm nữa. Tôi đã nói với các em là tuổi càng cao nỗi nhớ quê càng đậm đà tha thiết, tuổi càng cao nỗi nhớ quê càng ray rứt não nùng. Huống nữa tôi đã xa quê mười mấy năm ròng:
“Xưa ta thương Kiều chịu đời luân lạc
Mười lăm năm đất khách quê người!
Ta bây giờ mười sáu năm phiêu bạt
Nhớ thương quê thăm thẳm một phương trời!”.
Trên mảnh đất quê hương thân yêu “thăm thẳm một phương trời” đó tôi còn có bao nhiêu là kỷ niệm, bao nhiêu người thân thương, trong đó có các em, không nhớ làm sao cho được!
Buổi tiệc hội ngộ sau 36 năm xa cách giữa thầy trò cũng là buổi tiệc tiễn đưa. Ngày mai đây tôi lại trở về với gia đình ở mãi tận bên kia bờ đại dương. Lại những ánh mắt bùi ngùi nhìn nhau tha thiết như những ánh mắt thân thương mà tôi đã bắt gặp trước đây mấy tiếng đồng hồ khi mới gặp lại nhau. Tôi đã nhận được nhiều lời chúc thật chân thành. Riêng tôi, tôi chỉ còn biết cầu chúc các em và gia đình thật bình an và hạnh phúc trong những tháng ngày sắp đến và hứa một ngày nào đó không xa lại được trở về thăm quê hương cùng các em ôn lại những tháng ngày xinh đẹp nhất của tuổi thanh xuân dưới mái trường Hàn Thuyên thân yêu ngày cũ.
Cuối Hè 2010
P. TRẦN ĐÀO
Xem các Bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về Webpage www.nuiansongtra.net