Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 07, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
SẮC MÀU THỜI GIAN
LÊ VĂN CÔNG


Đầu thập niên 70, chiến tranh Việt Nam vẫn tiếp diễn một cách ác liệt. Những trận chiến đẫm máu xảy ra khắp nơi, đặc biệt là ở miền Trung, với điểm nhấn là cuộc hành quân Lam Sơn 719 tiến hành ở Nam Lào. Cả đất nuớc chìm trong máu lửa. Lãnh thổ miền Nam bị chia cắt thành các vùng giải phóng, vùng xôi đậu và vùng quốc gia. Các trại tỵ nạn mọc lên như nấm. Tại vùng quốc gia, hầu hết thanh niên đến tuổi quân dịch đều phải gia nhập vào hàng ngũ quân đội hơn một triệu người. Chỉ có một bộ phận nhỏ thanh niên còn được ở ngoài vòng cương toả, đó là các đối tượng được hoãn dịch gia cảnh, hoãn dịch công vụ hoặc hoãn dịch học vấn. Điều kiện hoãn dịch vô cùng khắt khe: nhất là hoãn dịch học vấn. Sinh viên phải vào đại học đúng 18 tuổi, và nếu quá trình học tập từng năm một không đạt được kết quả, phải lưu ban, là ngay lập tức sinh viên đó phải lên đường nhập ngũ.

Đối với đám sinh viên dân sự ở các trường đại học y, dược chúng tôi, thì ngoài áp lực về việc thi cử, áp lực về việc đối diện với quân trường, còn có thêm áp lực về chi phí học tập. Học trình y dược rất dài, từ 5 đến 7 năm học. Bất cứ một sơ sẩy nào xảy ra trong quá trình học tập dài dằng dặc ấy đều có thể khiến chúng tôi bị cắt đứt con đường học vấn, vác súng lên đường tham gia vào cái guồng máy bắn giết. Mà chúng tôi đâu có được toàn tâm toàn ý dồn sức vào việc học tập cho cam. Để bù đắp những chi phí học tập mà gia đình không thể cáng đáng, chúng tôi phải tự bươn chải kiếm tiền bằng cách đi dạy kèm. Tuy nhiên, cộng cả hai khoản tài trợ từ gia đình lẫn lương dạy kèm, vẫn không đủ trang trải cho các chi phí ngày càng đắt đỏ.

Trong cái hoàn cảnh như vậy, thì đối với nam sinh viên y dược, mơ ước trở thành sinh viên quân y là điều dễ hiểu.

Trường Quân y QLVNCH ở thủ đô Sài Gòn toạ lạc bên phải đường Nguyễn Tri Phương nối dài, gần nhà thờ Đồng Tiến, là một khuôn viên có diện tích khoảng chừng năm hecta. Bộ chỉ huy của trường là một toà nhà nằm ngăn cách với đường Nguyễn Tri Phương bằng một khoảng sân rộng tráng ciment, giữa sân có cột cờ. Phiá lưng của bộ chỉ huy là vũ đình trường, rộng lớn hơn sân trước nhiều lần, ở giữa cũng có trụ cờ, là nơi tổ chức chào cờ mỗi sáng thứ Hai, đồng thời cũng là nơi thao dượt của tân sinh viên.

Trường Quân y có trách nhiệm đào tạo nhân sự cho ngành quân y VNCH, bảo gồm nhân sự cao cấp, trung cấp và sơ cấp. Các quân nhân thuộc ngành quân y, bị bắt buộc phải trải qua một thời kỳ huấn luyện tại đây.

Để đào tạo nhân sự cao cấp, mỗi năm trường quân y tuyển sinh một lần với chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm là 40 sinh viên ngành y, 10 sinh viên ngành dược, và 10 cho ngành nha.

Điều kiện để được dự thi: là nam sinh viên y, dược, nha có sức khoẻ tốt, đã thi đỗ kỳ thi cuối năm thứ nhất.

Mới nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng nếu kể từ một người có bằng tú tài toàn phần, muốn trở thành sinh viên quân y, bạn phải vượt qua đến ba kỳ thi: kỳ một, thi tuyển vào đại học y, dược có tỷ lệ đỗ khoảng 5 đến 10%, kỳ hai, thi hoàn thành chương trình học của năm thứ nhất, với tỷ lệ đỗ khoảng 60- 70% và kỳ ba, thi tuyển sinh vào trường quân y, tỷ lệ đỗ khoảng 50%.

Nếu vượt qua được cả ba kỳ thi như vậy, bạn sẽ được đền bù khi trở thành sinh viên quân y hiện dịch. Bạn sẽ được quân đội “nuôi” ăn học trong suốt thời gian còn lại tại các trường bạn đang học, cho đến khi bạn tốt nghiệp. Tiêu chuẩn “nuôi dưỡng” rất ư là “sĩ quan”, cho nên hoàn toàn rất đáng mơ ước: năm đầu tiên, sinh viên quân y được nhận lương Chuẩn uý, hai năm kế tiếp lương Thiếu uý, các năm sau lĩnh lương Trung uý. Ra trường bạn sẽ trở thành Y sĩ, Dược sĩ, Nha sĩ với cấp bậc Trung úy.

Cái nhóm anh em sinh viên y dược người Quảng Ngãi chúng tôi sau khi cố gắng vượt qua hai kỳ thi hóc búa là kỳ thi tuyển sinh đại học, rồi kỳ thi cuối năm thứ nhất, thì hầu hết đều bị bệnh viêm…màng túi. Gia đình ở quê đang gặp khó khăn do phải tản cư khỏi các vùng xảy ra chiến sự. Nguồn tiếp tế bị cắt hẵn hoặc ngày càng èo uột. Việc dạy kèm không dễ tìm, mà dù có tìm được thì thu nhập cũng chẳng đáng là bao so với chi phí học tập. Do đó ai nấy đều hăm hở trong nỗ lực thi vào trường quân y. Tuy vậy, số người trở thành sinh viên quân y cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Bên Dược mỗi khoá chỉ có một sinh viên Quảng Ngãi trúng tuyển: khoá 19 có Phạm Sơn. Khoá 21 có Lê Văn Công. Khoá 22 có Nguyễn Xuân Hồng. Bên Y, khoá 19, 20, và 21 không có sinh viên Quảng Ngãi. Các khoá sau này có Phạm Ngọc Hoa, Nguyễn Văn Chừng, Nguyễn Văn Bích và Cao văn Hơn.

Sau khi trúng tuyển, các tân sinh viên phải qua một thời kỳ “huấn nhục” sáu tuần lễ, để tập dượt nề nếp của một quân nhân. Trong sáu tuần lễ đó, sinh viên phải ăn ở trong trường, buổi sáng phải dậy sớm tập thể dục có hướng dẫn, sau đó đến trường đại học để học bình thường. Tối đến phải tập họp điểm danh, rồi sinh hoạt văn hoá. Sinh hoạt văn hoá chứ hoàn toàn không phải học tập chính trị. Chẳng hạn, đợt sinh hoạt văn hoá đầu tiên, trường mời nhà văn Hoàng Hải Thuỷ đến nói chuyện với đề tài: “Thầy thuốc và nhà văn”. Ông văn sĩ họ Hoàng đã dẫn chứng nhiều ví dụ sinh động để chứng minh mối nhân duyên gắn bó giữa nghề văn và nghề thầy thuốc: cả hai đều cố gắng cứu chữa nỗi đau của con người.

Sau sáu tuần huấn nhục, các tân sinh viên được phép mang quân trang ai về… nhà nấy. Đi học ở đại học bình thường. Chỉ yêu cầu mỗi sáng thứ Hai phải mặc quân phục, vào trường quân y làm lễ chào cờ và…khám tóc, xem đã cắt gọn chưa. Một thời điểm bắt buộc phải vào trường mà ai cũng thích, đó là khoảng ngày hai mươi lăm hàng tháng, chúng tôi phải vào trường, xếp hàng để lĩnh lương.

Trong suốt thời gian là sinh viên Quân Y, ít nhất bạn phải có hai kỳ huấn luyện quân sự vào dịp hè, mỗi đợt một tháng. Về phương diện học tập, sinh viên Quân Y phải tuân thủ các chương trình học có kiểm tra do trường tổ chức. Do đó sinh viên quân y có điều kiện để trở thành các sinh viên học giỏi. Sau bao nhiêu biến cố về thời cuộc, những tên tuổi chói sáng trong ngành Y, có nguồn gốc xuất thân từ trường Quân Y, đã khằng định điều đó. Ở Mỹ có bác sĩ Trương Văn Như, khoá 21 Quân Y hiện dịch, được vinh dự xếp hạng là một trong 12 bác sĩ xuất sắc ở Mỹ. Năm 2004, Như được tổng thống George Bush mời ăn cơm ở Bạch Cung. Ở Việt Nam có bác sĩ Trần Đông A, cây dao mổ số một cuả Sư Đoàn Nhảy Dù, hiện nay là một giáo sư đầu ngành ở Sài Gòn, nổi tiếng với ca mổ tách rời hai bé Việt Đức. Bác sĩ Phan Thanh Hải, nguyên thủ khoa nội trú thuộc khoá 21 Quân Y hiện dịch, nay là Tổng giám đốc Medic. Bác sĩ Phạm Minh Chiếu, nguyên nội trú, khoá 21 Quân Y hiện dịch, nay là viện trưởng viện tim, TPHCM. Bác sĩ Nguyễn Văn Chừng, nay là chuyên gia đầu ngành gây mê hồi sức, bác sĩ Phạm Ngọc Hoa, chuyên gia hang đầu về chẩn đoán hình ảnh, bệnh viện Chợ Rẫy.
 

* * *

 
 

Tàu, ghe thuyền, xà lan di tản Vùng I vào Nam trong ngày Vùng I thất thủ


Khoá 21 sĩ quan Quân Y hiện dịch QLVNCH làm lễ tốt nghiệp tháng 11 năm1974, song đó chỉ là phần tốt nghiệp về học vấn chuyên môn và thủ tục quân trường. Sau khi các sinh viên đã hoàn thành luận văn tốt nghiệp tại các trường đại học dân sự thuộc Viện Đại học Sai Gòn, trường quân y đã tổ chức một buổi lễ mãn khoá linh đình với lễ nghi quân cách, có dạ vũ và có xuất bản Kỷ yếu. Sau đó các tân sĩ quan còn phải theo đuổi các chương trình huấn luyện đặc biệt về quân sư tại trường bô binh Thủ Đức, rồi chương trình hành chánh quân y, chương trình tiếp liệu Y Dược do tổng cục Quân Huấn tổ chức tại trường Quân Y.

Thành ra, khi chúng tôi, là các sĩ quan vừa tốt nghiệp khoá 21 quân y hiện dịch, từ Sài Gòn bay ra Đà Nẵng nhận nhiệm vụ, thì nhằm vào thời điểm những ngày cuối tháng hai, đầu tháng ba 1975. Cả thảy có năm người của khoá 21 quân y hiện dịch sẽ nhận công tác tại vùng I. Đó là các bác sĩ Võ Công Khanh, bác sĩ Đặng Thệm. Ba dược sĩ là Trần Minh Vân, Trần Ngọc Hùng và tôi.

Tuy chỉ có năm người, nhưng từ Sài Gòn, chúng tôi đã không khởi hành cùng lúc và phương tiện cũng khác. Đặng Thệm và Trần Minh Vân đi máy bay quân sự. Trần Ngọc Hùng đi tàu Hải Quân vì có ông anh là hạm trường. Võ Công Khanh và tôi đi máy bay cuả Air VN.

Buổi sáng đi Đà Nẵng, Phượng Loan cùng Má Niệm tiễn tôi ra sân bay. Má Niệm của Phượng Loan là một phụ nữ hiện đại, không biết đi Honda nhưng lái ô tô rất cừ. Sáng hôm ấy Má lái chiếc Volkwagen đến trường Quân Y đón tôi, chở ba đứa chúng tôi đi ăn sáng, rồi vào sân bay dân sự Tân Sơn Nhất. Cuộc đưa tiễn diễn ra ấm áp và nhẹ nhàng. Phượng có vẻ ngượng ngùng ít nói. Má nhắc, ra đến Đà Nẵng con nhớ viết thư về kẻo các em nó nhớ.

Trên chuyến Caravelle hôm ấy, tôi ngồi cạnh dân biểu Trần Vạn Phiên. Ông cũng từ Sài Gòn về Quảng Ngãi. Ông là người nổi tiếng, nhưng tính tình vui vẻ cởi mở. Ông hỏi thăm tôi để làm quen, và khi biết tôi là một dược sĩ quân y mới ra trường, ông hỏi tôi có muốn về làm việc tại Quảng Ngãi, thì ông có thể giúp đỡ, vì ông có mối quan hệ rất tốt với các giới chức quân chính. Thực ra tôi chưa có một chủ kiến gì về nơi làm việc sắp đến của mình . Trước mắt, theo công lệnh điều động, tôi và các bạn được phiên chế về Liên đoàn 71 Quân Y, thuộc bộ tư lệnh quân khu I. Việc sắp xếp ai sẽ làm việc ở đâu tại quân khu I, sẽ do Liên đoàn phụ trách.

Hơn một năm rồi, tôi chưa về nhà, kể cả cái tết Kỹ Mão vừa qua. Do đó việc trước hết, là tôi phải tranh thủ mấy ngày chưa đến hạn trình diện để về Quảng Ngãi thăm viếng gia đình. Sau khi lấy phòng ở cư xá Sĩ quan Đà Nẵng, cất kỹ các loại quân trang quân dụng, tôi thay thường phục, khoá trái cửa phòng và lên xe đò trực chỉ Quảng Ngãi.

Con đường quốc lộ nối Đà Nẵng Quảng Ngãi có lẽ là quãng đường an ninh tốt nhất ở miền Trung. Tuy nhiên hai bên đường vẫn hằn lên bao dấu vết của chiến sự. Nhiều căn nhà ven đường bị thiêu trụi. Những cây cầu bị giật sập, xe phải chạy vòng qua những đọan đường đất nham nhở với những chiếc cầu tạm.

Cái dải đất ven biển miền Trung này vào những ngày tháng Ba Dương lịch là những ngày thời tiết đẹp nhất trong năm. Nắng vàng như mật ong, trời trong xanh, với gió Nồm lồng lộng, thổi qua những cánh đồng lúa đang lên đòng, ngậm sữa, mang theo một mùi hương nồng nàn quyến rũ. Có lẽ đó là tài sản quý giá nhất trời đất đã ban tặng cho con người, mà ngay cả chiến tranh, vốn hung hãn và tàn bạo, cũng không thể hủy hoại.

Niềm hưng phấn bắt nguồn từ việc kết thúc cái quá trình học tập gian khổ, để bước vào cuộc đời với những bước đầy tự tin, được những cơn gió nồng đượm hương lúa quê nhà mơn man, tôi như chìm trong một cảm giác say đắm mơ hồ. Rồi cuộc gặp lại Cha Mẹ, các em, những bà con thân thuộc ở quê hương, đã khiến những ngày về Quảng Ngãi của tôi rộn rã niềm vui. Tôi như quên mất là quê hương mình đang chìm trong một cuộc chiến tranh ác liệt. Nhưng thật rủi ro, cuộc chiến tranh ấy đã không hề quên tôi.
 

* * * 
 

 

Quân & dân Vùng I rời Đà Nẵng vào Nam bằng những xà-lan


Thành phố Đà Nẵng những ngày đầu tháng Ba 1975, vẫn còn giữ được cái dáng vẻ thanh bình, mặc dù trên đường phố, xuất hiện nhiều sắc lính. Đây là điều tự nhiên vì Đà Nẵng là thủ phủ của quân đoàn I và vùng I chiến thuật. Tư lệnh vùng I là tướng Ngô Quang Trưởng, một danh tướng sừng sõ của QLVNCH. Để đảm bảo an ninh cho vùng địa đầu chiến tuyến, tướng Trưởng được tăng cường Sư Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến và Sư Đoàn Nhảy Dù được lấy từ lực lượng tổng trừ bị. Bên cạnh đó còn có các Chiến Đoàn Biệt Động Quân, Sư Đoàn 1, Sư Đoàn 2 và Sư Đoàn 3 Bộ Binh chưa kể Địa Phương Quân và Dân Vệ.

Đầu tháng 3-75, Thường Đức, một quận lỵ ở miền tây Quảng Nam bị uy hiếp và xảy ra đánh lớn. Trận chiến hút vào đó hai Chiến đoàn Biệt Động nhưng vẫn nhùng nhằng và vấn đề chỉ được giải quyết khi có sự tham chiến của một Lữ Đoàn Nhảy Dù. Bộ Tư lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù đóng quân ở Non Nước. Dược sĩ Lê Ngọc Thạnh, bạn tôi, thuộc tiểu đoàn quân y, Sư Đoàn Nhảy Dù, tìm gặp tôi ở Đà Nẵng. Hai đứa đi ăn tối rồi đi xem văn nghệ ở trường Phan Chu Trinh. Đó là buổi gặp gỡ đầu tiên và cũng là cuối cùng của chúng tôi ở Đà Nẵng. Sau khi Ban mê Thuột thất thủ, sư đoàn dù được lệnh rút về Sài Gòn để bảo vệ thủ đô.

Buổi chiều ngày 16 tháng 3, tôi gặp lại anh Vũ. Vũ là người bạn cùng quê Đức Nhuận, học Quốc Gia Hành chánh, đang làm Trưởng ty thuế vụ Quảng Nam. Vũ lái xe scout đến đón tôi ở cư xá Sĩ quan, hai đứa đi vào một phòng trà. Câu chuyện xoay quanh tình hình thời sự, với mối ưu tư nặng trĩu trong lòng mỗi người. Sau sự thất thủ Ban Mê Thuột, thì bộ tư lệnh quân đoàn II ở Pleiku đang di tản. Huế, Quảng Trị cũng đang bị uy hiếp nặng nề.

Những tin tức trái ngược về tình hình lan truyền theo kiểu rỉ tai, đã khiến cho moị người hoang mang. Có tin cho hay, Mỹ đã ký kết với Hà Nội thoả thuận cắt đôi miền Nam từ Nha Trang trở ra thuộc mặt trận giải phóng, Nha Trang trở vào thuộc quốc gia. Rồi tin đồn TT Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút bỏ Quảng Trị và Huế, co cụm ở Đà Nẵng. Tôi đi một vòng quanh thành phố, và thấy lãnh sự quán Mỹ đang dọn dẹp để di tản. Đây là dấu hiệu rõ nhất của một sự rút lui. Sân bay Đà Nẵng rộn rịp một cách bất thường. Một người bạn của tôi là Đặng Thới Điện hứa chắc như cua gạch là sẽ xoay cho tôi một suất máy bay để bay về Sài Gòn nếu tình hình bi đát. Anh của Điện là chỉ huy phó sân bay Đà Nẵng. Tuần lễ tiếp theo, rất nhiều tin tức trái ngược được loan truyền. Lúc thì có tin đồn bỏ Huế Quảng Trị để co cụm Đà Nẵng. Khi TT Nguyễn Văn Thiệu hô hào tử thủ Huế và tướng Ngô Quang Trưởng lên đài phát thanh Thừa Thiên, tuyên bố sẽ chết ở Huế, thì giá vàng lập tức giảm từ một trăm ngàn xuống bảy mươi ngàn một lượng.
 

Chiến hạm Hải Quân VNCH chở dân chúng & quân nhân Vùng I xuôi Nam


Song tiếp theo, tin tức về cuộc di tản thất bại ở Cao nguyên đã nhấn chìm mọi hy vọng. Ý đồ chiến lược của TT Thiệu, với tham vọng mang đại quân từ cao nguyên về phòng thủ các tỉnh duyên hải đã bị bẻ gãy. Đây là một thất bại điển hình của quân đội Sàigòn, khi người lãnh đạo không học thuộc bài học rút quân của Gia Cát Lượng trong sáu lần ra Kỳ Sơn. Trong chiến tranh, nếu như tiến quân khó một thì rút quân khó gấp mười lần. Khi tiến quân, hai bên bắn nhau, một đổi một. Khi rút lui, chỉ có địch bắn, còn ta thì đưa lưng hứng đạn. Có thể nói, thất bại trong cuộc rút lui khỏi cao nguyên là một đòn trí mạng đánh vào tinh thần QLVNCH, và trở thành nhân tố chủ yếu quyết định sự tan rã từng mảng của quân đội miền Nam.

Ngày 24 tháng Ba, Quảng Ngãi di tản và hàng ngàn người đã chết tại Dốc Sỏi Bình Liên. Ngày 26 tháng 3, tôi gặp gia đình anh Vũ tản cư từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng. Những thông tin ở quê nhà thật kinh hoàng. Gia đình anh Vũ, sau đó đã xuống tàu xuôi nam. Anh Vũ và tôi chọn phương án ở lại đến giờ chót.

Tôi vẫn đi lăng quăng trong thành phố, hỏi thăm tin tức từ những người lính có khuôn mặt thất thần vừa chạy về từ Huế, từ Quảng Ngãi. Tình hình Đà Nẵng như một chảo dầu đang sôi. Vốn là một thành phố có vài trăm ngàn dân, song những ngày này, Đà Nẵng phải dung chứa hàng triệu người. Từ các huyện của Quảng Nam đổ về. Từ Quảng Trị, Huế chạy vào. Từ Quảng Ngãi, Quảng Tín chạy ra. Những câu hỏi, những nỗi niềm đau thương mất mát, những suy tính ra đi hay ở lại, khiến cho con người như trở nên ngây dại.

Chiều ngày 28 tháng 3, anh Vũ đi xe Honda đến cư xá sĩ quan tìm tôi. Anh vừa từ Hội An lái xe vượt qua lằn đạn của du kích, để chạy về Đà Nẵng. Anh cho biết Quảng Tín đã di tản, và tình hình Đà Nẵng đang nguy ngập. Không còn cách nào khác, tôi gói ghém đồ đạc và cùng anh chạy qua Sơn Chà.

Con đường từ cầu De Lattre đi Sơn Chà, đầy nghẹt người di tản. Xe Honda cuả chúng tôi bị kẹt giữa cầu. Không có cách nào có thể chạy xe, chúng tôi bỏ xe và chạy bộ. Đến được bãi biển Tiên Sa thì đã sáu giờ tối. Cả một rừng người đen kịt trên bãi biển. Ngoài khơi xa, có một chiếc tàu lớn đang neo đậu, nhấp nháy ánh đèn nhưng tàu con trung chuyển thì không có chiếc nào cập bến.
 

Chiến hạm của Hải Quân VNCH chở dân, quân Vùng I xuôi Nam

 

Bảy giờ tối. chúng tôi đang đứng lẫn lộn giữa đám đông nhốn nháo đen kịt trên bãi biển Tiên Sa, bỗng kinh hoàng nhận ra là cả cái đám đông khổng lồ này, đang trở thành bia sống cho một đợt pháo kích với đạn 175 ly. Những tiếng nổ đinh tai nhức óc sau tiếng hú ghê rợn và những tia chớp sáng. Phản ứng chung của mọi người là nằm xuống bãi cát chịu trận. Với đám đông hỗn mang này, làm gì còn có đường nào để chạy. Vả chăng chạy trong lúc đạn pháo xung quanh đang nổ ầm ầm thì có khác nào tìm cách tự sát. Cảm tưởng của tôi khi nằm úp mắt xuống bãi cát Tiên Sa, hồi hộp chờ đợi một quả pháo sẽ nổ trên đầu mình là một cảm giác khó tả. Nó pha lẫn giữa niềm hy vọng được tạo ra từ tiếng rì rầm cầu nguyện xung quanh rằng mình sẽ được các đáng thần linh che chở, với cái cảm giác bất lực ghê gớm của một con người đang đi trong chiến tranh.

Sau khoảng mười lăm phút và chừng hai mươi quả đạn pháo, trận pháo kích đột ngột chấm dứt. Có tin truyền miệng là đã có đợt phản pháo từ căn cứ pháo binh trấn đóng trên núi Sơn Chà. Có bao nhiêu người đã chết và bị thương trong đợt pháo kích này? Họ đã được xử lý ra sao? Không ai rõ. Sau đợt pháo kích, một số người quá kinh hãi, đã tìm đường quay lại Đà Nẵng.

Đám đông vẫn trông chờ một cách vô vọng về những chiếc tàu trung chuyển sẽ ghé vào đón người tỵ nạn. Mười giờ đêm, người dồn về Tiên Sa mỗi lúc một đông. Hy vọng được tiếp cứu càng mờ mịt. Tôi và Vũ quyết định tìm một con đường khác. Cách bãi biễn Tiên Sa hơn một cây số là căn cứ Hải quân Bạch Đằng. Nơi đó đang có dấu hiệu chuyển người ra tàu lớn bằng những chiếc tàu con. Tại sao không thử đi tìm con đường sống? Chúng tôi đi bộ đến cổng căn cứ Bạch Đằng. Toán Quân cảnh vũ trang tận răng, ngăn chúng tôi lại. Người quân cảnh nhìn hai hoa mai trân ve áo tôi, rồi liếc nhìn Vũ:

- Trung uý được vào. Còn anh này là dân sự, thì không được.

Trong đầu tôi ngay lập tức xuất hiện một sự lựa chọn. Có thể nào cứ việc đi vào căn cứ, nhảy lên một chiếc tàu con để ra tàu lớn, thể là thoát? Phần Vũ, cứ để cho anh ấy tự lo? Nhưng như vậy thì rõ rang mình đã bỏ rơi bạn bè trong lúc nguy khốn. Có thể nào, có thể nào? Trong đầu tôi ong ong một sự lựa chọn. Và cuối cùng tôi nói với người quân cảnh:

- Nếu anh không cho bạn tôi vào, thì tôi cũng không vào.

Tôi dắt tay anh Vũ quay ra.

Chúng tôi quay trở lại bãi biển Tiên Sa. Dọc đường Vũ nói với tôi:

- Nếu lúc nãy cậu cứ mặc kệ mình, vào trong căn cứ Hải quân Bạch Đằng, thì chắc chắn là cậu đi thoát.

Tôi hiểu ý Vũ muốn nói gì. Tôi chỉ ậm ừ:

- Nhưng mình đâu thể làm như vậy được..

Bãi Tiên Sa vào nửa đêm càng đông nghịt với hàng nghìn người nữa từ Đà Nẵng đổ về. Không gian như đanh lại vì sự ồn ào, nóng bức và căng thẳng. Chúng tôi cùng ngồi trên bãi cát, dựa lưng vào nhau, để nghỉ mệt. Dưới cái chật chội nóng bức của đám đông, tôi mệt mỏi thiếp đi.

Bỗng có tiếng la: “tàu đến!” Choàng tỉnh dậy, đồng hồ chỉ ba giờ kém năm. Ngoài khơi xa, có một con tàu đang tiến vào. Một con tàu rất nhỏ, sức chứa nhiều lắm cũng chỉ độ hơn trăm người.

Cảng Tiên Sa có một hàng rào kiên cố bằng lưới B40 dọc theo bãi biển. Lối vào cảng là một chiếc cổng lớn có hai cánh cửa sắt đang khoá trái, Như vậy muốn bước qua cầu cảng để lên tàu, tất yếu phải đi qua cổng. Vì thế, khi có dấu hiệu tàu sắp cập bến, cả đám đông rùng rùng chuyển động, hướng về chiếc cổng sắt. Tiếng kêu la do bị dẫm đạp cất lên một cách hoảng loạn khắp nơi.

Bị xô đẩy trong đám đông, cuối cùng thì không hiểu bằng cách nào, chúng tôi cũng chen được đến gần cổng chính của cảng. Vũ nói với tôi bằng giọng thất thần:

- Hình như mình bị xô đẩy và đã dẫm phải một em bé.

Khuôn mặt đích thực cũa chiến tranh vừa hé lộ cái bản chất phi nhân tính của nó. Mà chúng tôi thì đang đi qua chiến tranh. Đành vậy. Đây không phải là lúc ray rứt về những phạm trù đạo đức của đời thường. 


 


 

Đám đông vẫn liên tục dồn ép, xô đẩy. Những người may mắn đứng gần cổng đã móc tay vào lưới B40 để cố giữ cho chặt trước nguy cơ bị đẩy văng khòi khu vực cổng.

Ba giờ ba mươi, cổng được mở khoá. Đám đông ùa vào cầu cảng. Nhưng chiếc tàu vừa tiến vào cảng chỉ neo đậu cách cầu cảng cả trăm mét. Trên cầu cảng chỉ thấy những chiếc xà lan bỏ trống. Đám đông ùa xuống đứng chật tất cả chiếc xà lan. Tôi và Vũ đứng trên chiếc xà lan ngoài cùng. Chiếc tàu đang tiến dần vào bờ. Có mấy người lính Hải quân đang cố nối kết chiếc sà lan với chiếc tàu kéo. Đến đây thì tôi hiểu. Rằng chiếc tàu sẽ làm nhiệm vụ kéo những chiếc xà lan đầy người ra chỗ neo đậu của tàu lớn. Chiếc xà lan chúng tôi đang đứng, rùng mình chuyển động. Chúng tôi cùng thở phào nhẹ nhõm. Thế là thoát khỏi Đà Nẵng, nơi đang có những tiếng nổ lớn và không ai biết tình hình ra sao. Nếu kẹt lại trên bãi biển Tiên Sa đến ngày mai, thì số phận quả thực khôn lường.

Bốn giờ sáng, chiếc xà lan của chúng tôi tiếp cận được chiếc tàu lớn. Tôi nhìn rõ chiếc tàu sáng rỡ ánh đèn, mang tên Pioneer Containder, khoang tàu đã đầy ắp người và hàng chục chiếc xà lan cũng đầy ắp người đang vây quanh. Độ nửa tiếng đồng hồ chờ đợi. Thang tàu được rút lên. Tàu đã không còn chỗ, đành nhổ neo xuôi Nam, bỏ mặc chúng tôi gữa biển khơi. Còn chiếc tàu kéo đã tiếp tục nhiệm vụ, đi kéo những chiếc xà lan khác, từ trong bờ ra ngoài biển.

Từ đó đến sáng, chúng tôi ỏ trong tình trạng bềnh bồng giữa biển. Không thấy một chiếc tàu lớn nào. Trong tư thế ngồi tựa vào một cây cột sắt, tôi thiếp đi.

Buổi sáng mùa Xuân trên biển có nắng ấm và những luồng gió nhẹ mơn man. Quanh tôi là những xà lan đầy người. Những con thuyền nhỏ từ bờ vẫn tiếp tục chạy ra, mang theo những người tỵ nạn, chạy quanh các xà lan, thấy chỗ nào còn thưa người thì tiếp cận, để những người tỵ nạn leo lên. Một trong những chiếc thuyền đó chạy ngang qua chỗ tôi. Tôi thấy cả bốn người bạn cùng khoá của mình: Võ Công Khanh, Đặng Thệm, Trần Ngọc Hùng và Trần MInh Vân. Tôi kêu lớn, và họ bảo lái thuền tấp lại. Thế là chúng tôi lại đoàn tụ trên xà lan. Tôi hỏi thăm tình hình Đà Nẵng. Trần Minh Vân kể:

- ĐẾn nửa đêm hôm qua, tụi này còn ở Bộ tư lệnh Quân Đoàn. Đánh lớn ở gần sân bay. Đại tá Bùi Thiều cho một chiếc jeep và căn dặn tài xế đưa các sĩ quan qua Sơn Chà. Đến nơi, thì tất cả đều hỗn loạn. Tụi mình thuê một chiếc ghe tư nhân chạy ra đây.

Buổi trưa trời nắng gắt, chúng tôi ai nấy đều khát khô cả cổ. Người ta bảo đói lâu chết nhưng khát thì chết lẹ lắm. Chỉ mong sao có tàu đến vớt. Nhưng suốt ngày không thấy một chiếc tàu lớn nào. Trên biển mênh mông chỉ có một chiếc tàu kéo và khoảng mười chiếc thuyền đổ bộ của Thuỷ Quân Lục Chiến chạy tới chạy lui. Buổi chiều, có một chiếc morale bay thấp, thả dù gạo sấy và một số can đựng nước. Nhưng số lượng ít ỏi đó chẳng khác gì tình trạng lửa xe nước gáo. Suốt ngày 29 trôi qua trong thất vọng. Những lời nguyền rủa bắt đầu vang lên. Với lực lượng Hải quân được trang bị hùng hậu, song đến lúc hữu sự, mới thấy rõ sự bất lực một cách tệ hại của chính quyền Sài Gòn.

Một đêm nữa nặng nề trôi qua. Xà lan vẫn bềnh bồng trên biển. Cái mát mẻ của đêm làm dịu bớt cái khát cháy cổ. Cơ thể không còn sự cân bằng muối nước, nên tôi có cảm tưởng người mình lúc nào cũng chông chênh. Thức không được, ngủ cũng chẳng xong. Vũ thì còn nói được vài câu: “tụi mình đúng là vừa trải qua một trận vào sinh ra tử”.

Sau khi thiếp đi một lúc, tôi tỉnh dậy khi một ngày mới bắt đầu. Vậy là đã hơn ba mươi sáu giờ trôi qua không được uống nước. Cái đáng sợ là những tia nắng mặt trời làm tăng thêm nhu cầu cấp bách về nước của cơ thể. Tôi đánh liều uống đại một ngụm nước biển. Mặn đắng. Năm phút sau, cơ thể cảm thấy nôn nao. Tôi cố gồng mình chịu trận và hướng suy nghĩ của mình về chuyện khác để quên đi cơn khát. Tôi nhớ và thương quá Cha Mẹ. Cha Mẹ chắc không thể nào hình dung cậu con trai vừa về thăm gia đình, mang lại niềm vui lớn, thì nay lại đang lâm vào hoàn cảnh trớ trêu như hiện tại. Bao năm chịu đựng gian khổ để mong đứa con thành đạt, có chỗ cậy nương lúc tuổi già, thì đúng lúc này đây, sự cố đã ập đến. 
 

 

Buổi trưa, trời kéo mây. Có vài hạt mưa lác đác. Nếu trời mưa thì cả đám đông sẽ được cứu khỏi cơn chết khát và sẽ hồi sinh. Song mưa chỉ có vài hạt. Trần Ngọc Hùng bảo vừa rồi có một cô gái bỗng nhiên lại liếm lên má của anh ta. Té ra vì có một giọt mưa đọng trên đó.

Hai giờ chiều. Khi tâm trạng của chúng tôi chìm vào nỗi bi quan, tuyệt vọng nhất thì bỗng nghe tiếng la hét nổi lên. Từ đàng xa, lù lù xuất hiện trên biển một chiếc tàu hàng to lớn, trắng toát. Cứu tinh của chúng tôi đã đến.

Tôi đang cảm thấy vui mừng vì mình đã có đường sống, thì có cảm giá là lạ. Một nòng súng lạnh băng chỉa vào thái dương tôi. Đó là tên lính Thủy Quân Llục Chiến đứng cách tôi hơn hai mét vừa băng tới. Tôi hỏi:

- Cái gì vậy?

Hắn ta hất hàm:

- Cởi chiếc đồng hồ ra.

- Ăn cướp à?

- Mày không cởi ra, tao bắn.

Trần Minh Vân xen vào:

-Ê, khoan đã, cha nội.

Tôi biết Vân cũng có lận lưng một khẩu Colt 45. Nhưng suy tính tình thế, tôi thấy không nên sinh chuyện. Tôi bảo:

- Thôi Vân. Cởi thì cởi, chiếc đồng hồ có đáng gì.

Thật ra đó là chiếc đồng hồ người nhái rất đắt tiền, mà hắn ta đã để ý từ lâu.

Tôi quan sát xung quanh. Những tên TQLC khác cũng dở trò trấn lột.

Xà lan được chiếc tàu nhỏ kéo áp sát mạn chiếc tàu lớn. Tôi nhìn rõ cũng là chiếc Pioneer Containder hôm nọ. Có lẽ sau khi đổ khách nó vừa quay ra. Như vậy, để cứu cả cư dân miền Trung, đến giờ này Sài Gòn chỉ điều động có mỗi một chiếc tàu duy nhất ? Thật là đốn mạt.

Leo được lên tàu, việc đầu tiên là chúng tôi tìm đến vòi nước. Có một vòi nước lớn đang xịt lên cao rồi rơi xuống. Mọi người há miệng hứng lấy những giọt nước quý giá mà ai cũng khao khát suốt hai ngày nay. Nhân viên trên tàu phân phát cho mọi người thức ăn. Tôi nhận được một hộp sỮa đặc có đường. Tôi và Vũ chia nhau uống sống.

Sau đó chúng tôi cùng leo xuống hầm tàu, qua một cầu thang. Nơi đây có vẻ an toàn và sạch sẽ.

Hầm tàu rộng độ sáu chục mét vuông. Có gần trăm người cùng leo xuống tìm nơi trú ngụ. Tôi bỗng lên cơn đau bụng dữ dội. Chắc là do bụng tôi không chịu được sữa sống. Phải leo khỏi hầm tàu tìm nơi giải quyết. Tôi đi dọc theo hành lang tàu. Một tên TQLC chận tôi lại, sờ nắn tìm tiền bạc. Không có gì, hắn tịch thu của tôi đôi dép. Ở mũi tàu, tôi thấy hai tên TQLC đang bắn vào một thanh niên ở trần rồi vất xác xuống biển. Có lẽ anh thanh niền này đã kháng cự hành vi cướp bóc của chúng. Khắp tàu, chỗ nào cũng vang lên tiếc kêu khóc. Tôi gặp lại Vân, Hùng anh Khanh, anh Thệm trên boong tàu. Có hai người mới gia nhập nhóm chúng tôi, Đó là vợ chồng thiếu tá Khanh, quận trưởng Thăng Bình, Quảng Tín. Bà Khanh mặt tái mét, run rẩy trước cảnh cướp bóc đang diễn ra trên tàu. Hẳn là bà đang mang theo rất nhiều tiền.

Tôi lại tiếp tục quay lại hầm tàu để gọi anh Vũ lên chỗ anh em. Nhưng tại cầu thang xuống hầm tàu, có hai TQLC mang súng AR16 canh gác, không cho ai lên xuống. Không hiểu chuyện gì, tôi đành quay lại boong tàu. Đang đi bỗng có người chận tôi lại. Một tên TQLC khác. Nhưng tên này tỏ ra lễ phép. Hắn bảo:

- Bác sĩ, nhờ bác sĩ cứu bạn em.

Tôi nheo mắt, rồi chợt hiểu. Tôi bận bộ đồ lính với hai hoa mai và phù hiệu quân y. Dưới mắt hắn tôi đúng là một bác sĩ quân y thứ thiệt. Bên cạnh hắn là ba TQLC khác, hai người đứng, một người nằm. Người nằm, mắt nhắm nghiền, có khuôn mặt xanh tái, môi nhợt nhạt, ở bụng lòi ra một đùm ruột lòng thòng, Anh ta bị đâm bằng lưỡi lê. Không rõ ai đâm.

Tôi hỏi:

- Anh ta bị sao vậy?

- Bạn em bị VC đâm đấy bác sĩ.

VC ở đâu ra mà đâm hắn. Chắc lại đi ăn cướp rồi bị phản ứng đây.

Tôi không phải là bác sĩ. Nhưng tôi bỗng nghĩ ra một cách. Tôi bảo:

- Các anh khiêng người này lên boong đi, mới có thể cứu được.

Chúng răm rắp vâng theo. Lên đến boong, tôi gọi anh Khanh và anh Thệm ra trao đổi. Tôi nói:

- Tình hình này có vẻ rất căng. Bọn TQLC chúng đang cướp dưới sàn tàu, nhưng sau đó tất chúng sẽ tràn lên đây. Tôi có cách khiến khu vực chúng ta đang ở an toàn, nhưng trước hết hai anh phải cứu tên TQLC đang bị lòi ruột kia đã.

Bác sĩ Khanh và BS Thệm đồng ý. Hai anh xách túi đồ nghề lại bên cạnh tên TQLC bị thương. Anh Khanh tiêm cho hắn một mũi thuốc giảm đau, sát trùng vết thương, đẩy đùm ruột vào trong rồi khâu lại. Xong lại tiêm cho hắn một mũi trụ sinh.

Bệnh nhân mở mắt lờ đờ nhìn mọi người.

Ba tên TQLC reo lên:

- Cảm ơn bác sĩ.

Tôi nghiêm mặt:

- Các anh phải để bạn anh nằm đây để tiện chăm sóc, và phải cử người canh gác, tuyệt đối không cho thêm người lên boong. Coi như đây là trạm cấp cứu, có chuyện gì cứ mang lên đây, chúng tôi sẽ cứu giúp.

Bọn lính dạ rang và đi tìm đồng bọn để cắt đặt canh gác.

Nhờ vậy, mặc dù khắp tàu sôi động những vụ cướp bóc, bắn giết, khu vực “trạm cấp cứu “ của chúng tôi đã trải qua một đêm yên bình.

* * *

Khoảng năm giờ chiều, tàu quay mũi chạy về phương Nam, bỏ lại sau lưng một một vùng biển vẫn dập duềnh cơ man là xà lan chất đầy người.

Hướng về Nam, tàu sẽ chạy qua Quảng Ngãi, miền quê yêu dấu, nơi đó có Cha Mẹ và các em tôi. Bây giờ mọi người thế nào? Thời cuộc này, biết đến bao giờ gặp lại. Lòng tôi đau xót khi nghĩ đến việc tàu đi ngang qua quê nhà mà mình không thể nào ghé thăm. Tôi thoáng nghĩ đến Quận Công Trương Đăng Quế, khi đi kinh lược miền Nam, thuyền đi ngang Quảng Ngãi mà vì công vụ, không thể ghé thăm, đã tức cảnh làm một bài thơ:

Không hoài tang tử kính,
Trùng xương thử miêu ca,
Khởi lập thụyền đầu vọng
Dao thôn ẩn bệ la.

Tạm dịch:

Quê nhà thương biết mấy,
Xóm thôn giờ thế nào?
Đầu thuyền xa chỉ thấy,
Quê mình dưới tàng cao.

Nhưng Trương Đăng Quế làm thơ nhớ quê trong tâm trạng của một đại thần nhậnh lện vua đi kinh lược. Còn tôi, là tâm trạng của một sĩ quan mà cái tổ chức mình tham gia đang rã tan từng mảng. Sự hoang mang và dao động với những gì đã và đang xảy ra trong vòng một vài ngày nay, đã bị đẩy lên đỉnh điểm.

Tôi nhớ đến buổi trình diện đầu tiên ở quân đoàn. Y sĩ Đại tá Bùi Thiều, sếp quân y của quân khu I tiếp chúng tôi với phong thái ung dung. Khác với hình dung của tôi về một ông đại tá to béo, bác sĩ Bùi Thiều trông mảnh khảnh như một thư sinh. Ông mời năm anh em chúng tôi ngồi ở salon rồi bảo sĩ quan cần vụ pha nước.

Ông chăm chú nhìn từng người rồi đưa ra một câu hỏi đột ngột:

- Trong các anh, ai là Lê Văn Công?

Tôi giật mình, và hồi hộp đứng dậy:

- Thưa Đại Tá, có tôi.

Ông khoác tay:

- Anh ngồi xuống, chúng ta nói chuyện. Nhưng tôi sẽ nói chuyện với anh không phải với tư cách một Đại Tá nói chuyện với một Trung Uý. Mà tôi sẽ nói chuyện với tư cách một độc giả với một tác giả.

Tôi ngẩn người, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Ông lấy từ kệ sách một cuốn sách màu đen, bìa mạ vàng. Chính là cuốn kỷ yếu của khoá 21 quân y hiện dịch. Ông lật tìm bài viết rồi đọc to:

- Tiến trình của lịch sử đã minh chứng là trong sự sụp đổ của các nền văn minh, khi mà tất cả các giá trị đã bị san phẳng, khi mọi người bị bắt buộc phải sắp hàng ngang trong một cuộc đua tranh mới, thì chỉ có những người trí thức dấn thân (homo faber) mới có thể vươn lên, thích nghi để giành lại thế đứng của mình, để không trở thành nạn nhân trong một “ngày tàn của thần thánh” (gotterdamerung)

Ông ngẩng lên nhìn tôi:

- Tôi thích đoạn văn này của anh, vì thấy nó vừa hay vừa lạ. Thực ra chủ yếu là anh suy nghĩ đến điều gì khi viết như vậy?

Tôi cảm thấy bối rối. Ông đã dành cho tôi một vinh dự bất ngờ. Và tôi ngần ngừ:

- Thưa Đại Tá, ngày tàn của thần thánh trong thần thoại Hy Lạp, có nhiều nét tương đồng với ngày sụp đổ của những hệ thống quyền lực trên thế gian. Cái bi đát của người trí thức là nằm ở chỗ: họ không phải là quyền lực, thậm chí là đối tượng truy bức của quyền lực, song khi quyền lực ấy sụp đổ, thì lại trở thành nạn nhân của sự sụp đổ.

- Và theo anh, nguyên nhân?

- Từ chính thái độ tháp ngà của họ. Họ không dấn thân vào cuộc sống mà chỉ giấu mình vào cái vỏ tri thức để phê phán, đôi khi chế giễu cuộc sống. Rối đến lúc cuộc sống trả lời cho họ.

Ông thừ người, rồi khoác tay:

- Có lẽ chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong một dịp khác. Bây giờ thì trở lại với công việc. Các anh là tân sĩ quan mới về Liên đoàn. Do tình hình đang chuyển biến dồn dập, có lẽ các anh cứ tạm thời ở lại Liên đoàn, chờ cho tình hình tạm ổn rồi sẽ tính tiếp.

Cuộc đối thoại ngắn ngủi ấy chỉ mới diễn ra cách đây mấy tuần lễ. Bây giờ thì lịch sử đang lên tiếng. Theo kiểu nói của Alexis Tolstoi, đó là những bước chân khe khẽ lúc ban đầu, rồi sau đó dần dần trở nên dồn dập. Suy nghĩ miên man, tôi chợt thiếp đi. Trong giấc mơ có màu đỏ rực, tôi còn nghe một tiếng nổ lớn.

* * *

Trời sáng, tàu vẫn chạy ngoài khơi. Tôi gặp Vũ ngồi ủ rủ ở bìa lối đi cạnh thành tàu, Vũ kể:

- Sau khi cậu lên rồi, bọn TQLC thiết lập chế độ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Mình linh cảm là sẽ có chuyện không lành. Trước đó, khi mọi người xuống hầm đều bị chúng khám xét hành lý, cho nên ai có tiền chúng đều biết rõ. Ngồi bên cạnh mình là một viên Trung Uý làm ở ban Quân lương tiểu khu Quảng Tín. Có một tên TQLC tay lăm lăm khẩu colt 45 kè sát bên anh. Mỗi lần hắn ra lệnh, anh đều mở ba lô đưa cho hắn độ năm trăm ngàn. Hắn biến đi giấu tiền rồ quay lại lấy tiếp. Đến lần thứ mưới, mình nghe viên Trung úy nài nỉ:

- Em chỉ còn có bây nhiêu, anh để cho em vào Sài Gòn nuôi vợ con.

Tên TQLC chỉa súng vào đầu viên trung uý:

- Đưa đây, không tao bắn.

Hắn vươn tay qua người viên Trung Uý, giật lấy chiếc balô. Viên Trung úy cố gắng giằng lại. Một tiếng súng nổ. Máu và óc của viên Trung úy văng tung toé. Viên Trung úy ngả xuống. Tên TQLC thản nhiên cầm chiếc balô bỏ đi.

Cả trăm cặp mắt thất thần nhìn vụ thảm sát nhưng không ai dám hé môi.

Khoảng nửa đêm, cả đám TQLC dồn mọi người qua một bên hầm tàu. Chúng buộc mọi nguời cởi hết quần áo ngoài vất qua bên kia. Sau khi lục soát và lấy đi tất cả tiền bạc, chúng rút khỏi hầm tàu. Khi tất cả đã lên khỏi cầu thang và mọi người đang nhốn nháo tìm lại quần áo để mặc, thì bỗng nhiên có một tiếng nổ đinh tai nhức óc. Bốn năm người ngả xuống. Thì ra chúng đã quăng xuống hầm tàu một trái lựu đạn. Mọi người kinh hoàng, hớt hãi tranh nhau trèo lên cầu thang để thoát ra ngoài.

Vũ kết luận:

- Đây là một trải nghiệm về tình trạng vô chính phủ. So với một chính phủ độc tài tồi tệ nhất, thì tình trạng vô chính phủ còn tồi tệ hơn nhiều.

* * *

Tám giờ sáng ngày 31 tháng 3 năm 1975, tàu Pioneer Containder cập cảng Cam Ranh. Khi xếp hàng đi theo hành lang để xuống cầu thang tàu, chúng tôi đau lòng chứng kiến thêm một thảm cảnh: trên một sàng sắt dài dọc theo lối đi, thi hài của hàng trăm em bé bị bỏ lại. Đây là những em bé có tuổi đời từ sơ sinh đến bốn năm tuổi, có thể có em vừa sinh ra ngay trên xà lan. Không chịu đựng nổi đói khát và nắng gió suốt ba ngày trời giữa biển khơi, các em đã chết tức tưởi, khi chưa được sống.

Tôi không hình dung nổi tâm trạng những người mẹ của các em bé này. Họ đã phải đau lòng ra sao khi chứng kiến đứa con rứt ruột của mình, lả dần , lả dần trên tay vì thiếu nước, mà mình thì không làm gì được. Trong khi nước đang vây quanh đến ba phần tư trái đất này. Họ nghĩ gì khi bỏ lại thi hài đứa con thân yêu trên con tàu hoang lạnh này, khi không còn cách nào khác với cuộc hành trình vô định trước mặt?

Chúng tôi cùng lặng lẽ cúi đầu đi qua các em, với nỗi đau xót, ngậm ngùi đã bị đông cứng, không còn có thể biến thành một giọt nước mắt.

Ngày mùng 2 tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Hoa kỳ Gerald Ford tuyên bố từ Palm Spring:

-“Thành phố Đà Nẵng đã thất thủ. Đây là một tấn đại thảm kịch của nhân loại”.

Hai năm sau, 1977, Frank Snepp, với tác phẩm Decent Interval, đã dựng lại toàn cảnh cái bị kịch của sự sụp đổ miền Nam, trong đó sự thất thủ Đà Nẵng và những gì xảy ra trên biển Đà Nẵng là một thảm kịch làm lay động lòng người.

Có điều, cả Gerald Ford lẫn Frank Sneff, chắc đều không biết, rằng đối với chúng tôi, những người trong cuộc, thì sự thất thủ Đà Nẵng, và những gì xảy ra trên biển Đà Nẵng, mới chỉ là màn khởi đầu của tấn bi kịch.

Lê văn Công
(Tháng 4-2011)


Xem các Bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về Webpage www.nuiansongtra.net  

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh