Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
NGHĨ VỀ NGƯỜI QUẢNG NGÃI
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
Ảo ảnh (Y Vân, Saxophone: Đình Thanh)


Tìm ra bản chất riêng của dân chúng trong một địa phương, chẳng hạn bản chất riêng của người Quảng Ngãi, quả là một việc làm thiên nan vạn nan. Tuy vậy cũng đã có một số tác giả có những nhận xét riêng về người Quảng Ngãi.

Chẳng hạn:

* Các sử thần triều Nguyễn là Cao Xuân Dục, Lưu Đức Xứng và Trần Xán đã nhận xét về người Quảng Ngãi như sau trong Đại Nam Nhất Thống Chí:
 

-“Quảng Ngãi đất xấu, dân nghèo, tính tình kiệm ước. Địa thế tuy hẹp mà khí mạch rất hậu nên đời nào cũng sản xuất hạng danh thần, nhiều người trường thọ, nhiều sĩ phu dĩnh ngộ, tuấn tú.” (1)

* Tác giả Chân Như trong bài viết Đường Đi Ven Biển đưa ra cái nhìn của ông trong cuộc du hành từ Bình Thuận ra Quảng Nam với nhận xét:

-“Người Bình Định khéo, người Phan Thiết thực, người Nha Trang nhã, nhưng người Quảng Ngãi thì lại đảm hơn tất cả.” (2)

* Nhà biên khảo địa phương chí Phạm Trung Việt là con dân của miền núi Ấn sông Trà, trong tác phẩm Non Nước Xứ Quảng đã viết:
 

-“Người địa phương có cá tính riêng, cứng cỏi, co cượng “Quảng Ngãi hay co” (co cượng, lý sự, ưa tìm sự thật, cần biết sự lý) mẫu người lý tưởng phần lớn đều có tinh thần quốc gia cực đoan. Người dân thường thì ưa tranh tụng “Làm đơn Quảng Ngãi”. Phần đông sống cần kiệm, đảm đang nhẫn nại ; trong cuộc sống hằng ngày họ ưa giữ khí tiết nhưng không kém phần khoáng đạt (nhất là giới có học thức) một khi đã chọn lý tưởng” (3)

Trong phần dưới đây, chúng tôi chỉ nêu lên một số sự kiện lịch sử hay nhân vật tiêu biểu cho từng vấn đề để từ đó chúng ta có thể nhận diện được phần nào tính cách của người Qu£ng Ngãi.

Trong nông nghiệp, nước là một nhu cầu khẩn thiết bậc nhất đối với các loại cây trồng (nước-phân-cần-giống). Để đáp ứng với nhu cầu khẩn thiết nầy, người Quảng Ngãi đã sáng chế ra hệ thống guồng xe nước 10 bánh, 12 bánh.

Có thể đây không phải là phát minh đầu tiên của người Quảng Ngãi. Có thể là đã có nhiều nơi dùng guồng xe nước như một số tỉnh vùng thượng du Bắc bộ. Nhưng dân vùng cao ở đây chỉ dùng guồng xe một bánh, chu vi guồng xe nhỏ. Trong lúc đó, người Quảng Ngãi đã phát minh ra những guồng xe nước có chu vi rộng, và số bánh xe có khi lên đến 10 hay 12 bánh đem nước sông đổ vào những kênh mương lớn, nhỏ tạo nên một hệ thống dẫn thủy nhập điền rất quy mô và hữu hiệu cung cấp nước cho ruộng đồng các quận miền trung du luôn luôn xanh tốt. Đây chẳng phải là một phát minh vĩ đại của con người Quảng Ngãi đó sao?

Nói về nghề trồng mía và nấu đường thì dân chúng nhiều tỉnh trong nước cũng trồng mía, nấu đường. Quảng Ngãi có nhà máy đường thì miền Bắc có nhà máy đường Sơn La, nhà máy đường Nghệ An, miền Trung có nhà máy đường Cam Ranh, miền Nam có nhà máy đường Biên Hòa. Thế nhưng chỉ dân Quảng Ngãi mới biết chế biến từ đường mía ra đường phổi, đường phèn là 2 loại đường đặc sản của Quảng Ngãi không tỉnh nào có. Đây chẳng phải là do đầu óc sáng tạo của người dân Quảng Ngãi đó sao?

Nguyễn Thông (1827-1884), một nhà yêu nước, một nhà thơ nhà văn tên tuổi của đất Lục tỉnh Nam Kỳ, khi làm Bố chánh Quảng Ngãi (1870-1873), mắc lỗi nhỏ nhưng vì bị vu oan nên bị giam cầm. Nhiều nhân sĩ Quảng Ngãi đã tìm cách thân oan cho ông. Qua việc nầy, ông đã viết “Truyện bốn người” (nguyên tác: Tứ nhân truyện) để ca ngợi tính trung thực, yêu lẽ phải và tình cảm chân chất của người dân Quảng Ngãi.

Bốn nhân vật trong Truyện Bốn Người mà Nguyễn Thông nhắc đến là bốn con người thật, đó là tú tài Bắc Nhai Trần Bá Tuấn người Chương Nghĩa, nhàn sĩ Đông Tân (không rõ tên họ thật), cư sĩ Nguyên Điền Nguyễn Đăng Cẩn người huyện Tư Nghĩa và ông già Bình Trang (không rõ tên họ thật). Khi Nguyễn Thông bị nạn oan, “lúc ấy ông Bắc Nhai thì vợ ốm hơn một tháng không dậy được cũng bỏ mặc không ngó ngàng gì tới, ông Đông Tân thì cha già bảy mươi tuổi cũng nhờ cậy hàng xóm trông nom, cùng mang lương lặn lội với ông già Bình Trang đi gấp ra kinh bày tỏ việc của tôi cho các quan biết. Ông Nguyên Điền thì đang cày trên ruộng, nghe chuyện tức khắc bỏ cày mà về, chạy tới các bạn nhờ tìm cách giúp tôi thoát nạn, thảy đều không cho tôi biết.” (4)

Trước nghĩa cử cao đẹp tận tình vì lẽ phải đó của những con dân người Quảng Ngãi, ông Nguyễn Thông đã đưa ra nhận xét về những con người Quảng Ngãi này như sau:

-“Tuy rằng phải trái tự có công luận, nhưng việc cảm nhau về ý khí, giúp nhau khi hoạn nạn tựa lo cho cha anh của chính mình như bốn người đã làm, hoặc giả cũng mang cái phong thái của các bậc nghĩa liệt đời xưa chăng? Bốn người ấy đã giúp tôi trong cơn nguy khốn mà chẳng muốn nêu rõ tên tuổi ; cho nên tôi thuật lại việc làm của họ, truyền trong một đôi người quân tử có cùng sở thích, để biết rằng trong khoảng núi Ấn sông Vệ vốn có nhiều bậc kỳ sĩ không thể đánh giá theo bề ngoài.” (5)

Dù vì hoàn cảnh phải rời bỏ quê hương để đến một nơi xa lập nghiệp, người Quảng Ngãi cũng không bao giờ muốn chối bỏ quê hương nguồn gốc của mình. Đó là Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832). Cha ông là Lê Văn Toại theo thân phụ là Lê Văn Hiếu vào Nam lập nghiệp ở Định Tường mới sinh ra Lê Văn Duyệt ở vàm Trà Lọt. Khi lớn lên, ông theo giúp Nguyễn Ánh lập nhiều chiến công. Vì thế, sau khi thắng nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Long đã phong cho ông tước Quận công và trao giữ chức Tổng trấn Gia Định thành (gồm toàn bộ đất Nam Kỳ lục tỉnh). Trong thời gian làm Tổng trấn Gia Định thành, ông đã cho thành lập một số cơ binh riêng người miền Trung, đối với lưu dân và ngay cả bọn tội phạm gốc gác người Quảng Ngãi ông luôn có biệt nhãn. “Người gốc Quảng Ngãi (tù phạm, lưu dân) gom về cơ Minh Ngãi, được Tả Quân tin dùng vì cùng một quê quán” (6). Ông lúc nào cũng nhận mình là người Quảng Ngãi, dù ông được sinh ra ở đất Đồng Nai, vì thế, các sử quan triều Nguyễn, trong bộ Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển viết về Quảng Nghĩa đã ghi tên ông vào danh sách các danh thần của Quảng Ngãi. Năm 1924 vua Khải Định đã ban sắc dụ cho làng Bồ Đề nay thuộc xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức lo việc phụng thờ Tả quân Lê Văn Duyệt như một vị thượng đẳng thần. Nơi phụng thờ ông còn giữ câu đối nói lên tâm chí của Lê Văn Duyệt:

Đa khai Mộ Đức tâm
Hậu tích Bồ Đề chí
(Mở rộng lòng Mộ Đức
Chứa đầy chí Bồ Đề)

Đền thờ của Đức Tả Quân gọi là Lăng Ông ở Gia Định lúc nào cũng khói hương nghi ngút và vào những ngày Tết Nguyên đán thì dân chúng nườm nượp đổ về đây để chiêm bái như đi trẩy hội.

Người Quảng Ngãi đi đâu cũng nhớ về miền Ấn Trà quê cha đất tổ, và dù ở đâu vẫn giữ bản chất “Quảng Ngãi hay co”, luôn nghĩ đến quyền lợi của tập thể cộng đồng, không chịu khuất phục trước bất cứ hành vi bất công nào. Như câu chuyện “Ông già Ba Tri” gốc Quảng Ngãi đã từng được dân chúng Nam Bộ truyền tụng.

Chuyện kể rằng, gia tộc Thái Hữu Kiểm, gốc người Quảng Ngãi, đã đến lập nghiệp tại Ba Tri từ thế kỷ thứ 18. Nhờ có công trạng với Nguyễn Ánh nên Thái Hữu Kiểm được phong chức Trùm Cả An Bình Đông thuộc quận Ba Tri. Để tạo cuộc sống thuận tiện cho dân chúng, Cả Kiểm cho xây chợ Trong nằm cạnh rạch Ba Tri cách chợ Ngoài của Xã Hạc chừng 3 cây số. Chơi ép Cả Kiểm, Xã Hạc khiến dân dưới quyền đắp đập không cho ghe thuyền từ Hàm Luông đến được chợ Trong. Cả Kiểm phát đơn kiện lên phủ huyện, bọn phủ huyện ăn tiền bênh vực Xã Hạc. Không chịu để bọn quan quyền địa phương chèn ép, Cả Kiểm đã cùng 2 kỳ lão địa phương cơm đùm cơm gói đi bộ từ Ba Tri ra tận kinh đô Huế trên ngàn cây số để khiếu kiện lên nhà Vua. Vua Minh Mạng (1820-1840) đã xử cho Cả Kiểm thắng kiện. Bọn Xã Hạc phải phá đập. Từ đó dân Bến Tre gọi Cả Kiểm là “Ông già Ba Tri” (7).

Và “Ông già Ba Tri” trở thành một thành ngữ trong ngôn ngữ hằng ngày của người dân Nam Bộ “Người già cả mà quắc thước, can đảm, có công sửa làng giúp nước, lập chợ, mở đường (lời P.T.G) - Người già mà cứng cỏi, cương quyết đến khó tánh, không lùi bước trước trở ngại.” (8)

Người Quảng Ngãi được tiếng là rất hiếu khách. Tặng quà cho khách mà được khách vui vẻ nhận thì vui như chính mình được nhận quà. Mời khách ăn một bữa cơm mà được khách nhận lời thì mừng như chính mình được dự một bữa dạ yến.

Thái Đình Lan, người huyện Bành Hồ, Đài Loan, vào năm 1835, trong một chuyến đi biển, thuyền của ông bị bão dạt vào bờ biển Quảng Ngãi và đã được chính quyền địa phương cho tá túc để đợi lệnh triều đình cấp phương tiện về nước. Sau này ông thi đỗ Tiến sĩ và có viết một tác phẩm nhan đề “Hải Nam tạp trứ” (những ghi chép tản mạn về biển phương Nam) trong đó có một phần ghi lại những quan sát, những nhận xét của ông về sinh hoạt và dân tình của người dân vùng tỉnh lỵ Quảng Ngãi ngày nay. Theo ông, trong hơn 2 tháng lưu trú tại thành Cù Mông (tức tỉnh lỵ Quảng Ngãi ngày nay) ông đã được dân chúng nơi đây đối xử rất tốt và khi được vua Minh Mạng cho về nước, ông đã được “từ quan chức đến thứ dân đều tặng ông nhiều vàng bạc lẫn những thứ sản vật của địa phương và cùng rơi lệ tiễn biệt” (9). Đây chẳng phải là lòng hiếu khách và tình cảm nồng nàn của người dân Quảng Ngãi đó sao!

Đối với khách người Quảng Ngãi còn trân trọng làm vậy huống nữa là đối với cha mẹ, những bậc đã sinh thành ra mình. Trước đây, các cụ già thường kể cho con cháu nghe về gương hiếu thảo của Nguyễn Văn Danh, một người sống vào nửa đầu thế kỷ thứ 19. Ông người Trà Bình trại nay thuộc xã Tịnh Trà, miền tây huyện Sơn Tịnh. Nhà ông ở vùng cận sơn hoang vu có nhiều mãnh thú. Cha ông, một lần đi thăm ruộng bị cọp vồ chết. Sau khi tìm được xác cha không toàn thây về chôn cất, ông quyết chí bắt cho được con cọp đã giết cha mình để báo thù. Ông đào hố, đặt bẫy khắp nơi và bắt được nhiều cọp nhưng không phải là con cọp đã giết cha mình vì con cọp vồ cha ông là con cọp bị thọt một chân. Sau khi bắt đúng con cọp thọt chân, ông đã tự tay giết cọp lấy gan cọp đặt trước mồ cha để tế. Lòng hiếu thảo của ông được dân chúng khắp vùng truyền tụng và vào tháng 6 năm Mậu Thân (1848), vua Tự Đức (1847-1883) ban cho ông biển ngạch “Hiếu nghĩa khả phong” để làm gương cho mọi người.

Về phương diện tôn giáo, Quảng Ngãi cũng đã cống hiến cho đất nước một vị thiền sư danh tiếng, có công lớn trong việc chấn hưng, thống nhất và phát huy Phật giáo Việt Nam vào thế kỷ thứ XX. Đó là Hòa thượng Thích Khánh Anh (1895-1961)

Theo Giáo sư Nguyễn Lang (tức Thiền sư Nhất Hạnh) trong “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận”, Hòa thượng Khánh Anh là một trong ba cây cột trụ đầu tiên của nền chấn hưng Phật giáo Miền Nam: Khánh Hòa (1877- ?), Huệ Quang (1888-1956) và Khánh Anh.

Thế danh của ông là Võ Hóa, quê xã Phổ Nhì, tổng Lại Đức nay thuộc xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức. Năm 21 tuổi (1916), ông qui y tại chùa Quang Lộc (Mộ Đức). Nhờ sẵn có vốn Hán học uyên thâm nên việc tu học Phật pháp của ông được nhiều thuận lợi. Năm 1927, ông rời quê hương Quảng Ngãi để vào Nam Kỳ hoằng dương Phật pháp.

Năm 1935, ông cùng các thiền sư Khánh Hòa, Huệ Quang, Pháp Hải lãnh đạo Long Xuyên Phật Học Hội, mở Phật Học Đường do ông làm Đốc học để lo việc đào tạo tăng tài, hoằng dương Phật pháp, viết cho tạp chí Duy Tâm cổ xúy cho việc chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Năm 1945, ông chuyên tâm vào việc dịch thuật và biên khảo các tác phẩm Phật giáo. Về dịch thuật có “Hoa Nghiêm Nguyên Nhân Luận, Nhị khóa hợp giải, 25 bài thuyết pháp của Thái Hư đại sư, Tại gia cư sĩ luật, Duy thức triết học, Quy nguyên trực chỉ”. Về biên thuật có 3 tập “Khánh Anh văn sao” gồm những bài giảng về Phật pháp, những sáng tác về thi ca và câu đối của ông.

Năm 1955, Hội Phật Học Nam Việt được thành lập, ông được mời vào Ban Chứng Minh Đạo Sư. Ngày 21-3-1957, tại Đại Hội Tăng Già Nam Việt kỳ 3 họp tại chùa Ấn Quang ông được suy tôn lên ngôi Pháp chủ. Đại hội Giáo hội Tăng già Toàn quốc kỳ 2, ngày 10-9-1959, đã long trọng suy tôn ông lên ngôi vị Thượng thủ lèo lái vận mệnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ông viên tịch vào ngày 16-4-1961.

Giáo sư Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận đã đánh giá cao vai trò của Hòa thượng Khánh Anh:

-“Thiền sư Khánh Anh là một vị cao tăng bác học. Sự nghiệp đạo hạnh và văn hóa của ông là một viên đá lớn trong ngôi nhà Phật học Việt Nam.” (10)

Về phương diện văn hóa, người Quảng Ngãi cũng đã có những cống hiến thật xuất sắc. Ở đây, chúng ta không thể ghi chép đầy đủ những gì mà người Quảng Ngãi đã đóng góp cho sự bảo tồn và phát huy nền văn hóa của dân tộc. Nhưng, dù chỉ với vài ba tên tuổi, chúng ta cũng có thể thấy được sự cống hiến tích cực của người Quảng Ngãi là quan trọng và xứng đáng biết bao.

Trước tiên chúng ta phải ghi công đầu cho Ân Quang hầu Trần Công Hiến, người huyện Chương Nghĩa, làm quan thời Gia Long (1802-1819). Trần Công Hiến sinh ra và lớn lên trong thời buổi đất nước đầy loạn lạc nhiễu nhương. Đất Quảng Ngãi nằm trong vùng tranh chấp giữa chúa Nguyễn và nhà Tây Sơn. Ông đã phò chúa Nguyễn Ánh và lập được nhiều huân công và khi ông này đánh bại vua Cảnh Thịnh của nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước, lên ngôi cửu ngũ lấy hiệu là Gia Long (1802), Trần Công Hiến được cử giữ chức Trấn thủ Hải Dương.

Một thực tế đau buồn của lịch sử: cuộc nội chiến kéo dài đã làm cho sách vở cũng bị vạ lây, nhiều kho sách bị thiêu rụi, nhiều kho sách bị thất tán...

Vì vậy, ngoài công việc hành chánh lo cho đời sống của dân chúng sau những năm chiến tranh loạn lạc, Trần Công Hiến đã cùng với 2 người bạn đồng tâm là Đốc học Trung Chính bá và Trợ giáo Thái Đức nam lập nên một cơ sở văn hóa tại Hải Dương có tên là Hải Học Đường, nhằm mục đích sưu tập, lưu trữ và ấn hành các tác phẩm văn học do ông sưu tầm, biên soạn như Lịch đại sử toản yếu (sử), Cố Lê tứ trường văn tuyển (văn), Danh thi hợp tuyển (thơ, 12 quyển), Danh phú hợp tuyển, Danh văn tinh tuyển, Đại Việt thủy lục trình ký (diễn nôm), Lịch đại sách lược...

Nhà biên khảo Nguyễn Duy Long đã có nhận xét về ông như sau:

 

-“Tên tuổi Ân Quang hầu Trần Công Hiến không chỉ gắn liền với những trận chiến khốc liệt giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn mà còn ghi lại dấu ấn đậm nét trong hoạt động in ấn mà Hải Học Đường do ông chủ xướng sáng lập được xem là tổ chức qui mô nhất vào đầu thế kỷ XIX góp phần truyền bá và lưu giữ di sản văn hóa dân tộc.”(11)

Nói đến sự nghiệp về văn hóa không thể không nhắc đến Trương Đăng Quế (1794-1865), hiệu Đoan Trai, biệt hiệu Quảng Khê, người xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh. Thi đỗ hương cống (tức cử nhân) khoa Kỷ mão (1819) cuối đời Gia Long (1802-1819) và là người khai khoa cho học giới Quảng Ngãi. Bước vào quan trường năm Minh Mệnh nguyên niên (1820) với chức Hành tẩu bộ Lễ, kết thúc hoạn đồ 43 năm trải qua 3 triều vua Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848-1883) từng giữ những vai trò trọng đại Phụ chính Đại thần, Cần chánh điện Đại học sĩ, phong tước Tuy Thạnh quận công. Khi mất được phong hàm Thái sư, trên bia mộ được khắc hàng chữ “Lưỡng triều cố mạng lương thần” và được thờ trong Thế miếu.

* Là một nhà giáo dục, ông từng giữ chức Đông cung Bạn độc dạy cho hoàng tử Miên Tông sau này là vua Thiệu Trị, chức Kinh diên giảng quan đàm đạo kinh sách với vua Tự Đức.

* Là một nhà văn hóa, giữ vai trò Tổng tài Quốc sử quán trông nom việc biên tập các sách: Đại Nam liệt truyện tiền biên (truyện các nhân vật nước Đại Nam tức Việt Nam, phần tiền biên), Đại Nam thực lục tiền biên (Ghi chép xác thực sử nước Đại Nam, phần tiền biên), Hoàng Việt hội điển toát yếu (Tóm lược về những điều cốt yếu của điển lệ nước Đại Nam), Nam giao nhạc chương (Âm nhạc trong tế lễ Nam giao), ngoài ra còn có tác phẩm Thiệu Trị văn quy, Nhật Bản kiến văn lục.

* Là một nhà thơ, ông có chân trong Tùng Vân Thi Xã cùng với các nhà thơ nổi danh đương thời như các ông Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương...và là tác giả của Học Văn Dư Tập còn gọi là Quảng Khê Thi Tập, Quảng Khê Văn Tập, Giang Đình Yến Tập.

* Là một nhà cai trị đại tài, từng được giao trọng trách Phụ chính Đại thần dưới đời vua Thiệu Trị và Tự Đức. Năm 1835 thời Minh Mệnh làm Khâm sai Đại thần lo việc đo đạc điền địa vùng lục tỉnh Nam Kỳ lập sổ địa bạ và đinh bạ mà ngay người Pháp cũng phải công nhận là một công trình có giá trị khoa học và được họ sử dụng cho đến đầu thế kỷ 20.

* Là một nhà ái quốc, ông đã cùng Nguyễn Tri Phương cầm đầu phái chủ chiến chống đối việc ký kết Hòa ước 1862 nhường 3 tỉnh miền đông Nam Ký cho Pháp, khuyến khích dân chúng không dùng hàng ngoại hóa.

Sử quan triều Nguyễn đã đánh giá về ông trong Đại Nam liệt truyện như sau:

Quế lúc làm quan giữ mình khiêm tốn, chính trực, kiến văn nhiều, xử đoán khéo, trải hơn 40 năm, ngồi ở chức Tể Tướng, thế mà ăn mặc giản tiện sơ sài, không khác gì lúc còn chưa làm quan, vả lại có tính siêng năng như Bộc xạ họ Phòng, có mưu trí như Ngụy công họ Hàn, đã biết thì không điều gì không nói, đã nói thì không điều gì không nói hết lời.” (12)

Trương Đăng Quế chẳng phải đã mang hình ảnh tuyệt vời của một người Quảng Ngãi vừa “kiệm” vừa “đảm” đó sao?

Trong học giới nước ta vào thế kỷ thứ XIX, Nguyễn Bá Nghi (1807-1870) được đánh giá như một nhà văn hóa có nhiều khám phá tiên phong. Ông người làng Lạc Phố nay thuộc xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, đỗ Phó bảng năm 1832 và là người đỗ đại khoa đầu tiên của Quảng Ngãi, làm quan đồng triều với Trương Đăng Quế, từng giữ chức Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, Hiệp biện Đại học sĩ.

Nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng (1875-1947), chủ nhiệm kiêm chủ bút của báo Tiếng Dân (1927-1943) ở Huế đã đánh giá Nguyễn Bá Nghi như sau:

Nguyễn Bá Nghi...chuyên việc học thực dụng, thường bác Tống Nho, có làm sách và xin sửa đổi phép học...Ông này học thức nhiều điều đáng phục.” (13)

Trong sách Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, học giả Đào Duy Anh cũng có nhận xét:
 

-“Nguyễn Bá Nghi có sách chú giải lại cả Tứ Thư và bỏ hết nghĩa của Tống Nho, cùng Nguyễn Hữu Tạo có thuyết chữ “quyền”, về sách Luận Ngữ phản với nghĩa của Chu Tử (Nguyễn Triều).” (14)

Căn cứ vào hai nhận xét nêu trên, ta thấy Nguyễn Bá Nghi quả là một học giả Nho học uyên bác, một nhà canh tân triết học, một nhà cách mạng tư tưởng thật quả cảm khi chú giải những sách gối đầu giường của Nho gia là bộ Tứ thư (Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh Tử) đã dám nêu ý kiến riêng phản bác lại Tống Nho là nền Nho học cực thịnh đương thời, được các vua đầu triều Nguyễn hết sức tôn trọng.

Rất tiếc, cho đến ngày nay, chúng ta cũng chỉ biết Nguyễn Bá Nghi là tác giả của Sư Phần thi văn tập và qua nhận xét của hai học giả kể trên mà vẫn chưa có một học giả nào cất công tìm hiểu một cách đầy đủ những tác phẩm của Nguyễn Bá Nghi, những tư tưởng của Nguyễn Bá Nghi, chứng minh một cách trung thực hai nhận xét nêu trên để chúng ta có thể có một cái nhìn thật đúng đắn về sự nghiệp văn hóa của một bậc tiền bối miền núi Ấn sông Trà!

Tinh thần chống ngoại xâm kiên cường và bất khuất của người Quảng Ngãi đã được thể hiện ngay trong những mẫu chuyện cổ tích mà cha ông của họ đã kể cho nhau nghe từ thuở xa xưa khi mới đặt chân lên vùng đất phía nam đèo Hải Vân này.
 

Như ta đã biết Cao Biền là một danh tướng Trung Hoa từ thời nhà Đường (618-907). Sau khi quân Nam Chiếu, một tộc người Thái ở sát địa giới miền Tây Bắc nước ta, đem quân đánh Giao Châu lúc bấy giờ đang là An Nam Đô Hộ Phủ thuộc nhà Đường, vua Đường sai Cao Biền đem quân chinh phạt (865). Sau khi thắng quân Nam Chiếu, vua Đường đổi An Nam thành Tĩnh Hải và cho Cao Biền làm Tiết độ sứ vào năm 865 đến năm 875, Biền được về làm Tiết độ sứ Tây Xuyên (Tứ Xuyên) và về sau đã chết già trên quê hương ông (Trung Hoa). Thế nhưng, theo truyện kể từ xưa của người Quảng Ngãi thì Cao Biền đã thất bại và chịu chết ngay trên đất Quảng Ngãi.

Theo tục truyền, ngoài tài điều binh khiển tướng, Cao Biền còn là một nhà địa lý có tài, một nhà phù thủy cao tay ấn. Thấy đất Giao Châu của ta có lắm huyệt đế vương, Biền thường cưỡi diều giấy đi yểm long mạch hoặc tìm cách cướp long huyệt.

Vậy là theo truyền thuyết, Biền đã phá long mạch tại sông Trà Khúc (truyện Long Đầu hý thủy), yểm long mạch ở núi Xương Rồng Đức Phổ... Thế nhưng, trong tiềm thức bất khuất của người dân Quảng Ngãi, mọi mưu mô của Biền tại đất Quảng Ngãi đều đi đến thất bại. Âm binh của Biền tạo nên chỉ là một lũ âm binh dậy non chẳng có thực lực gì đáng gờm (truyện Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non), trận đồ bát quái của Biền đã phải biến thành một đồi đá lổm ngổm trên đồi La Hà (truyện La Hà thạch trận) và cuối cùng Cao Biền đã phải bỏ xác trên dất Quảng Ngãi chôn vùi luôn mộng đế vương của một tên giặc xâm lăng theo ước nguyện của người đân xứ Quảng (Ngó lên cái mả ông Cao Biền - Có đôi chim nhạn đang chuyền nhành mai...) Đây là một đụn cát nằm dọc theo bờ biển phía Nam cửa Lở và được dân chúng địa phương gọi là “mả Cao Biền” cho dù trên thực tế tên tướng xâm lăng này đã chết già trên đất Tàu!!!

Tinh thần kiên cường bất khuất trước bạo quyền hay trước kẻ thù xâm lăng đã được thể hiện ngay trong trường kỳ lịch sử sinh tồn của người Quảng Ngãi kể từ ngày sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất núi Ấn sông Trà này.

Người Quảng Ngãi hãnh diện vì đã có những người con tỏ bày khí tiết kiên cường bất khuất của con dân miền núi Ấn sông Trà. Làm sao chúng ta có thể kể hết tên tuổi các anh hùng liệt nữ, hoặc hữu danh hoặc vô danh đã đem chính máu xương của mình để bảo vệ cho sự trường tồn của Tổ quốc Việt Nam. Ở đây chúng ta chỉ có thể nhắc đến một vài tên tuổi đặc biệt, một số sự kiện lịch sử đặc biệt mà thôi.
 

* Tháng 4-1882, quân Pháp từ Sài Gòn kéo ra Bắc. Đến ngày 25-4-1882, xâm lược Pháp gởi tối hậu thư buộc Tổng đốc Hoàng Diệu phải nộp thành Hà Nội. Hoàng Diệu cự tuyệt, ra lệnh cho quân sĩ chiến đấu và chính ông đã lên mặt thành để chỉ huy. Trước lực lượng hùng hậu của địch, thành Hà Nội thất thủ, Tổng đốc Hoàng Diệu lui về võ miếu viết tờ “Di Biểu” xin tạ tội với triều đình rồi dùng khăn quấn đầu thắt cổ tuẫn tiết ngay vào ngày 25-4-1882. Cái chết trung liệt của ông đã được người đời ca tụng bằng tác phẩm Hà Thành Chính Khí Ca.

Trước đó non 10 năm, khi quân Pháp tấn công chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương cũng đã đốc chiến rất oanh liệt. Thế nhưng, trứng không chọi nổi với đá, con trai của ông tức phò mã Nguyễn Lâm tử trận, và ông chịu tuẫn tiết theo thành khi thành Hà Nội rơi vào tay quân giặc vào ngày 20-11-1873. Em ông là Nguyễn Duy cũng chết vì việc nước. Sự tuẫn tiết oanh liệt khảng khái của gia đình ông đã được vua Tự Đức khen ngợi “Nhất môn tam tiết”.

Nhưng trước cả sự tuẫn quốc của Nguyễn Tri Phương đến những 14 năm, trước Hoàng Diệu gần 24 năm, một người con yêu dấu của Quảng Ngãi là Võ Duy Ninh cũng đã khẳng khái tuẫn quốc một cách oanh liệt không kém.

Võ Duy Ninh (1804-1859) người xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, đỗ cử nhân năm 1834, ra làm quan đã từng giữ chức Bố chánh, Lại bộ Tả tham tri. Theo tinh thần Nho giáo, tang cha mẹ được xem là đại tang, làm con phải cư tang ba năm, vậy mà, trong lúc đang cư tang mẹ, triều đình lập tức triệu hồi ông về giữ chức Hộ đốc Gia định, chuẩn bị lực lượng để chống sự xâm lăng của thực dân Pháp sau khi chúng thấy không thể chiếm được Đà Nẵng. Ông đã kêu gọi quân sĩ chiến đấu đến cùng, sức quân ta không đủ kháng cự với tàu đồng súng lớn, thành Gia Định thất thủ, Võ Duy Ninh bị thương nặng, bất tỉnh. Khi tỉnh lại, biết thành trì đã mất vào tay giặc, ông đã dùng gươm để tuẫn quốc vào ngày 17-2-1859 (15).

Võ Duy Ninh chẳng phải là vị chỉ huy quân sự cao cấp đầu tiên đã tuẫn quốc khi thành trì bị mất vào tay giặc Pháp xâm lăng đó sao?

* Ngày nay dân Nam bộ còn truyền tụng câu ca dao:

Gò Công anh dũng tuyệt vời,
Ông Trương “Đám lá tối trời” đánh Tây
.

Ông Trương đây tức là Trương Định (1820-1864), để tỏ lòng tôn kính, dân chúng gọi ông là Trương Công Định.

Quê ông ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh. Năm ngoài 20 tuổi, ông theo cha là Lãnh binh Trương Cầm vào Nam lập nghiệp và cưới con gái một nhà hào phú tại Tân An (nay là Long An). Năm 1850, hưởng ứng kế sách khẩn hoang của triều đình, ông tập họp đám dân nghèo từ Quảng Ngãi theo ông vào Nam và lưu dân địa phương thành lập đồn điền khai hoang vỡ hóa và luyện tập võ nghệ. Khi quân Pháp đem quân từ Đà Nẵng vào Nam tấn công thành Gia Định (1859), ông đem đám người nầy về cộng tác với Nguyễn Tri Phương giữ thành Kỳ Hòa. Khi Đại đồn bị mất, ông đã cho lui quân về Gò Công tiếp tục kháng chiến. Quân sĩ dưới quyền ông có khi lên đến trên 10,000 người, trải rộng mặt trận kháng chiến gồm vùng Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Gia Định lan rộng đến biên giới Cao Miên. Lực lượng của ông được sự tiếp trợ đắc lực của các nhân sĩ yêu nước Nam Kỳ lúc bấy giờ như Nguyễn Thành Ý, Đỗ Trình Thoại, Hồ Huân Nghiệp, Thiên hộ Dương, Nguyễn Đình Chiểu tức Đồ Chiểu, cử nhân Phan Văn Trị... Triều đình của vua Tự Đức muốn chủ hòa, ra lệnh cho ông Trương bãi binh và bổ nhiệm ông đến phục vụ ở Bình Thuận. Trong lúc đó quân sĩ dưới quyền và nhân dân vùng Gò Công, Tân An quyết giữ ông lại và suy tôn ông trong vai trò Bình Tây Đại Nguyên Súy. Ông quyết chống lệnh của triều đình, nhận trọng trách của nhân dân giao phó để chiến đấu bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc như ông đã từng khẳng khái trả lời Phan Thanh Giản khi ông này thay mặt triều đình kêu gọi ông bãi binh:

 

-“Triều đình nghị hòa thì cứ nghị hòa, còn việc của Định thì Định cứ làm. Định thà đắc tội với triều đình chứ không nỡ ngồi nhìn giang san này chìm đắm...”.

 

Ôi! Còn tấm lòng vì dân vì nước nào cao cả hơn nữa chăng?

Tháng 2 năm 1863, quân xâm lược Pháp mở mặt trận quy mộ tấn công đại bản doanh của ông ở Gò Công, 2 phó tướng tử trận, ông rút về Gia Thuận tục gọi là “Đám Lá Tối Trời” đặt đại bản doanh tiếp tục chiến đấu. Ngày 22-8-1864, do sự phản bội của tên Huỳnh Công Tấn, ông bị quân Pháp vây khổn và bị trọng thương. Không để cho quân xâm lược bắt sống, ông đã dùng gươm để tuẫn quốc.

Nhà báo Thuận Căn đã viết:

-“Cái tinh thần bất khuất trước uy vũ và kiên trì khắc phục khó khăn của người Quảng Ngãi đã đóng góp cho lịch sử Dân tộc một người anh hùng: Trương Công Định.” (16)

“Tinh thần bất khuất trước uy vũ” của người Quảng Ngãi đã được chứng minh một cách hùng hồn bằng chính những cuộc quật khởi đòi quyền sống ngay trên quê hương núi Ấn sông Trà trong nhiều thế kỷ qua và sau đây là một số sự kiện chính yếu đã đóng góp vào lịch sử oai hùng của Dân Tộc:

* Năm 1695, dưới thời Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), không chịu nổi sự áp bức của quan lại địa phương, dân chúng Quảng Ngãi đã nổi lên chống đối dưới sự lãnh đạo của 2 người tên Linh và Quảng Phú. Có lẽ đây là sự kiện quan trọng đầu tiên mà sử sách còn ghi lại nói lên tinh thần bất khuất của người dân Quảng Ngãi trước sự cai trị hà khắc của cường quyền.

* Phong trào Tây Sơn khởi lên từ vùng núi non phía tây tỉnh Bình Định với sự đóng góp về nhân tài vật lực của người Quảng Ngãi không phải là nhỏ. Dưới đây là những bằng chứng:

- Thiếu phó Trần Quang Diệu quê gốc xã Phổ Thuận huyện Đức Phổ cùng phu nhân là nữ tướng Bùi Thị Xuân (người Bình Định) đã tham gia phong trào này ngay từ ngày đầu và đã có những đóng góp to lớn tạo nên những thành quả quan trọng cho Phong Trào Tây Sơn. Ông đã từng chỉ huy những cánh quân theo Nguyễn Huệ vào Nam dẹp quân Xiêm La ở Rạch Gầm - Xoài Mút (1784), kéo quân ra Bắc cùng Quang Trung Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh (1789). Năm 1802, ông cùng vợ con bị quân Nguyễn Ánh bắt và đều bị hành hình.

- Đô đốc Trương Đăng Đồ, người xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, hưởng ứng Phong trào Tây Sơn, đã cùng tướng Nguyễn Tăng Long quy tụ một số dân chúng Quảng Ngãi lập căn cứ Tuyền Tung phía tây Bình Sơn sau đó đã từng theo Quang Trung Nguyễn Huệ ra Bắc đại phá quân Thanh (1789). Khi nhà Tây Sơn thất thế, Nguyễn Ánh chiếm Thăng Long (1802), bị giặc bắt, ông và vợ là nữ tướng Nguyễn Thị Dung đã dùng gươm để tuẫn tiết.

Phong trào Tây Sơn có 5 nữ danh tướng, thường được gọi là “Tây Sơn ngũ phụng thư”, trong đó có 2 nữ tướng người Quảng Ngãi, đó là nữ tướng Nguyễn Thị Dung người Mộ Đức, vợ của Đô đốc Trương Đăng Đồ và nữ tướng Huỳnh Thị Cúc, người Sơn Tịnh, em gái của Lại bộ Thị lang thời Tây Sơn Huỳnh Văn Thuận. Hai bà đã có nhiều công lớn trong việc huấn luyện đoàn nữ binh của phong trào Tây Sơn.

* Sau một thời gian ngắn đất nước sống trong cảnh thanh bình (1802-1858), đến năm 1858, thực dân Pháp cho nổ tiếng súng xâm lăng đầu tiên trên nước ta. Đến năm 1884, với hòa ước Giáp thân (6-6-1884) đất nước ta hoàn toàn nằm trong tay đô hộ của người Pháp. Không chịu nổi sự chèn ép của thực dân Pháp, hai đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã tạo ra cuộc binh biến tại kinh thành Huế (5-7-1885) định tiêu diệt thế lực của Pháp tại đây nhưng bị thất bại. Hai ông bèn rước vua Hàm Nghi phải rời bỏ kinh thành chạy ra Quảng Trị và hạ chiếu Cần vương.

Tiếp chiếu Cần vương, cử nhân Lê Trung Đình (1857-1885) người xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh đã cùng tú tài Nguyễn Tự Tân (1848-1885) người xã Bình Phước đem 3.000 nghĩa quân đã được huấn luyện từ căn cứ Tuyền Tung (Bình Sơn) kéo về chiếm tỉnh thành trong 4 ngày. Trong trận huyết chiến cuối cùng, phó tướng Nguyễn Tự Tân tử trận, chánh tướng Lê Trung Đình bị bắt. Không lay chuyển được ý chí sắt đá của một thanh niên 28 tuổi, giặc đem ông ra chém vào ngày 23-7-1885. Cuộc khởi nghĩa cần vương của ông thất bại nhưng đã nêu bật được tinh thần chiến đấu dũng cảm, lòng yêu nước nồng nàn và gương hy sinh oanh liệt của những người dân Quảng Ngãi.

* Nói đến tinh thần bất khuất kiên cường của người dân Quảng Ngãi, không thể không nhắc đến cuộc kháng sưu tại Quảng Ngãi bắt đầu xảy ra:“

-“Vào khoảng 5 giờ chiều ngày 28-3-1908, 25 lý trưởng, phó lý trưởng tổng Bình Hòa, phủ Bình Sơn kéo thẳng đến tòa Công sứ Pháp ở Quảng Ngãi xin giảm thuế. Ngày 31-3, số biểu tình lên đến 1,500 người và càng ngày càng tăng.” (17).

Lực lượng biểu tình vây tòa Công sứ, cho bắt những tên tay sai cho Pháp đem giam một nơi. Cuộc bao vây kéo hơn nửa tháng đến ngày 17-4, “Pháp sai lính Khố xanh đàn áp dữ dội, xả súng bắn thẳng vào đám biểu tình, nhiều người bị chết và bị thương. Cả ngàn người bị Pháp bắt, cùm, trói, đem phơi nắng.” (18)

Còn hình ảnh nào bi tráng hơn hình ảnh của hàng ngàn con dân Quảng Ngãi, cơm đùm cơm vắt, bất chấp đòn roi, súng đạn, tù đày, thay phiên nhau bao vây sào huyệt của bọn thực dân hàng vài mươi ngày đêm để đòi quyền sống?

* * *

Nhà thơ Nguyễn Vỹ (1910-1971), người quận Đức Phổ, trong bài thơ Quảng Ngãi Quê Hương Tôi đã viết nên những vần thơ vừa hùng tráng, vừa sảng khoái lạ kỳ:

... Quảng Ngãi, quê hương tôi
Dân tình bất ly,
Dân trí bất nhược,
Dân đức bất suy,
Dân tâm bất khuất
Khí thiêng nung đúc
Văn chương kiệt phách hào hoa
Bất chấp cường quyền uy vũ
Áp bức độc tài
Toàn dân nam phụ lão ấu
Can trường chiến đấu
Bảo vệ ruộng mía, đồng khoai...

Những đức tính cao cả “dân tình bất ly, dân trí bất nhược, dân đức bất suy, dân tâm bất khuất” đó đã tạo nên biết bao nhiêu gương trung liệt của người Quảng Ngãi được khắc ghi trong tâm khảm của con dân Việt Nam hay trong những trang sử vàng son của dân tộc Việt Nam mà trên đây chúng tôi chỉ có thể giới thiệu được một phần nhỏ mà thôi.

ĐÀO ĐỨC NHUẬN

Tham khảo:

(1) Non nước xứ Quảng tân biên - Phạm Trung Việt - NXB Khai Trí, 1969 - tr. 42
(2) Người Việt đất Việt - Toan Ánh - NXB Nam Chi Tùng Thư - 1967 - tr. 400
(3) Non nước xứ Quảng tân biên - Phạm Trung Việt - Hoa Kỳ, 1998 - tr. 92
(4) Nguyễn Thông - Cao Tự Thanh - NXB Long An, 1994 - tr. 229
(5) Nguyễn Thông - Cao Tự Thanh - NXB Long An, 1994 - tr. 230
(6) Đình miếu & Lễ hội dân gian Miền Nam - Sơn Nam - NXB Trẻ, 2009 - tr. 138
(7) langmykhe.tripod.com
(8) Tự Điển Việt Nam (quyển Hạ)- NXB Khai Trí, 1970 - tr. 275
(9) Quảng Ngãi: Một số vấn đề... – Nguyễn Đăng Vũ – NXB Khoa Học Xã Hội, 2007, tr.75
(10) Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 3 - Nguyễn Lang - NXB Văn Học, 2000 - tr. 1011
(11) Nguyễn Duy Long - nuiansongtra.net
(12) Tự Điển Văn Học bộ mới - NXB Thế Giới, 2004 - tr. 1860
(13) Các nhà khoa bảng Nho học Quảng Ngãi - Cao Chư - NXB Đà Nẵng, 2001 - tr.109
(14) Việt Nam Văn hóa Sử cương - Đào Duy Anh - NXB Xuân Thu HK - tr.238
(15) Quảng Ngãi: Đất nước, Con người... - NXB TT Quảng Ngãi, 2001 - tr.57
(16) Khuôn Mặt Quảng Ngãi - Phạm Trung Việt - Nhà sách Nam Ngãi, 1973 - tr.17
(17) Trần Gia Phụng - Dân biến tại Quảng Ngãi - Quảng Ngãi Canada, Bính Tuất 2006
(18) - như trên –


Xem các Bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về Webpage www.nuiansongtra.net  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh