Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 09, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
CA DAO LÝ SƠN
LÊ HỒNG KHÁNH
Các bài liên quan:
    LÝ-SƠN THẮNG CẢNH, LÀ HẢI ĐẢO TIỀN ĐỒN CỦA QUẢNG NGÃI
    LÝ-SƠN, NGÀY VỀ

 


Bình minh trên đảo Lý Sơn

* * *

CA DAO LÝ SƠN: NHỚ ĐẤT LIỀN, NHỚ XA KHƠI
Lê Hồng Khánh

 

Khoảng ba trăm năm trước, có những người Việt đầu tiên rời quê cũ là 2 làng An Hải và An Vĩnh, giương buồm lá, chèo thuyền nan, ra cù lao Ré (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) để sinh cơ, lập nghiệp và cũng để thay đồng bào mình canh giữ một góc biển trời Tổ quốc.

Trong hành trang của họ, có hình ảnh cố hương, đó là những làng quê men theo bờ biển Sa Kỳ, có bãi cát vàng nối rặng dương xanh, mõm Ba Làng An khuất xa dần theo khói sóng... 

Một trích đoạn bản đồ xứ Quảng Nam thời Lê (chụp lại từ tư liệu).

 

Ai là người Lý Sơn đầu tiên cất lên câu hát nhớ quê? Hát cho riêng mình và gởi thanh âm theo tiếng sóng, hay hát giữa đêm trăng ngồi bên nhau trên đất đảo mà kể chuyện đất liền? Chỉ biết rằng, đã có hàng vạn những câu ca thương nhớ, thiết tha tình nghĩa, khắc khoải nỗi niềm đã được người Lý Sơn hát lên, truyền nhau, từ đời này sang đời khác.

Trời mưa trong Quảng mưa ra
Mưa qua hòn Bé, hai ta lạnh lùng...

Cơn mưa ướt áo ấy chắc gì đã đến từ đất liền, chắc gì đã vòng qua hòn Bé. Nhưng trong nỗi nhớ, mưa ấy là ở chốn quê nhà, chốn nhớ thương. Mưa ấy chập chờn sang hòn Bé, chập chờn trên sóng biển, để càng nhớ hơn, càng xót xa hơn. “Hai ta lạnh lùng” vì kẻ ở đất liền, người đang ngoài đảo, hay cả hai ta đang từ phía đảo nhìn về quê cũ mờ xa ? ...

 


Phong cảnh Lý Sơn, nhìn từ chùa hang (Ảnh: Lê Hồng Nguyên Khoa)

 

Ngày mưa, chỉ thấy những cơn mưa. Còn những lúc trời trong, từ đảo có thể thấy được đất liền, thấy hòn Nam Châm sừng sửng, thấy núi Thình Thình, thấy mũi đất Tổng Binh:

Trời trong ngó thấy Tổng Binh
Muốn về thăm bạn, giận mình chẳng ghe ...

Nhớ đất liền như thế. Lại còn có một - phương - nỗi - nhớ, vọng theo hút mắt khơi xa. Đó là nỗi nhớ những người lênh đênh trên biển những người đi về phía mặt trời, đi về phía Hoàng Sa...

Số là, từ cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, các Chúa Nguyễn đã cho thành lập Đội Hoàng Sa, tuyển trai tráng ở 2 xã Anh Vĩnh, An Hải trong đất liền và 2 phường An Vĩnh, An Hải ngoài đảo để sung vào đó mà đi tuần sát, khai thác quần đảo Hoàng Sa. Ra đi từ Sa Kỳ, đoàn thuyền đến Hoàng Sa thu nhặt hóa vật, hải sản, dựng bia chủ quyền, đo đạt hải trình, rồi tiếp tục vòng theo phía Bắc, cập cửa Eo để vào dinh Phú Xuân. Cuộc hành trình kéo dài từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch hàng năm với bao nhiêu trắc trở, gian nan, cập kề cái chết. Bởi thế mà trước khi đi Hoàng Sa, mỗi người lính phải chuẩn bị sẳn cho riêng mình một đôi chiếu, 7 sợi dây mây và 7 chiếc đòn tre. Nếu gặp chuyện chẳng lành, những người còn lại trên thuyền sẽ đem xác thân người xấu số quấn vào chiếc chiếu, nẹp chặt vào 7 đòn tre, lấy dây mây buộc lại. Thi thể người lính âm thầm hy sinh vì tổ quốc sẽ được thả xuống biển khơi với hy vọng mong manh là “chiếc quan tài chiếu” ấy sẽ trôi dạt vào phía gần bờ để có chiếc thuyền nào đó bắt gặp, vớt lên đem chôn cất. Chiếc thẻ tre nhỏ khắc tên họ, quê quán, phân hiệu đơn vị của người mất, được cài kỷ trong bó di hài sẽ là dấu hiệu cần thiết để người trên bờ nhận dạng.

 

Một lăng thờ Cá Ông ở Lý Sơn (Ảnh: Lê Hồng Khánh).  

 

Gian nan, nguy hiểm là thế, nhưng người lính Hoàng Sa nào có hề hà:

 

Hoàng Sa đi có về không,

Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi ..

           

Họ ra đi vì lệnh vua, vì Tổ quốc, để lại đằng sau là sự chờ đợi, thương nhớ của người thân:

 

Chiều chiều ra ngóng biển khơi

Ngóng ai như ngóng đợi người Hoàng Sa

Chiều chiều ra ngóng biển xa

Ngóng ai đi lính Hoàng Sa chưa về...

 

 

Mt góc đo Lý Sơn (nh: Lê Hng Khánh)

 

 Câu hát xót xa buồn càng khiến chạnh lòng hơn vì những hy sinh, chịu đựng của bao thế hệ cha ông trong cuộc hành trình gian nan giữ nước!

 

Lý Sơn, tháng 7.2002

Lê Hồng Khánh

 

 

Xem Bài liên hệ tại đây

Xem các Bài khác cùng tác giả tại đây

Trở về Webpage www.nuiansongtra.net

 

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh