Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 10, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
THỜ CÁ ÔNG & HÁT BẢ TRẠO
LÊ HỒNG KHÁNH


TỤC THỜ CÚNG CÁ ÔNG VÀ HÁT MÚA BẢ TRẠO CỦA CƯ DÂN VEN BIỂN - HẢI ĐẢO QUẢNG NGÃI
Lê Hồng Khánh

I. TRUYỀN THUYẾT:

Thờ cúng cá Ông là một tín ngưỡng khá phổ biến trong cư dân duyên hải Việt Nam, từ vùng tiệm cận dãy Hoành Sơn vào đến Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, trong đó có cư dân vùng ven biển – hải đảo tỉnh Quảng Ngãi.

Nhiều tài liệu khảo sát còn cho thấy tục này xuất hiện ở cả những địa phương nằm sâu trong đất liền như vùng tam giác châu Bình Dương (hạ lưu sông Trà Bồng thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), xã Vang Quới Đông (huyện Bình Đại, tỉnh Bến tre), thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).

Nghiên cứu về nguồn gốc, phong tục, tập quán, ngành nghề của cư dân những vùng này cũng như hành trình mở đất của người Việt thời các chúa Nguyễn về sau, các nhà nghiên cứu đưa ra ý kiến xác tín, rằng chính cư dân sống bằng nghề chài lưới ven biển khi ngược theo các cửa sông, định cư sâu trong đất liền đã mang theo tục cúng cá ông, vốn gắn với cư dân duyên hải, đến với vùng đất mới. Các vạn chài Mỹ Huệ, Đông Yên (xã Bình Dương, Bình Sơn) sống ở một cù lao khuất trong cửa sông Trà Bồng “nước bao vây cách biển nửa ngày sông”, nhưng đến nay vẫn giữ nghề đánh cá biển; trong khi đó nhiều gia phả, tục lệ của cư dân Vàm Láng (Gò Công Đông) cho thấy cha ông họ đã từ ven biển Quảng Ngãi giong thuyền đánh cá đi dọc theo bờ biển vào tận phương Nam để tìm nơi định cư mới. Vượt qua đèo Ngang trở ra Bắc, tục thờ cúng cá ông và cùng với nó là lăng thờ ông, trò hát múa bả trạo đã hầu như vắng bóng, hoặc chỉ là những lễ cầu ngư mang sắc thái khác biệt về tín ngưỡng.

Từ các dữ liệu giàu sức thuyết phục về lịch sử, văn hoá, dân tộc học, các nhà nghiên cứu hầu hết thống nhất nhận định tục thờ cúng cá Ông là một tín ngưỡng của người Chăm cổ, vốn gắn bó nhiều với biển cả, đã được người Việt (và cả người Việt mang hai dòng máu Việt – Chăm, hậu duệ của người Chăm bản địa và người Việt lưu dân) tiếp thu và nhập vào đó nhiều nét tín ngưỡng - văn hoá của cư dân văn hoá Đông Sơn để trở thành một tín tục mang đậm dấu ấn truyền thống của hai dân tộc. Một số vùng, rõ nhất là ở Bình Thuận, tục nầy lại dung nhận thêm yếu tố tín ngưỡng của cộng đồng người gốc Hoa, chủ yếu là vùng duyên hải Hoa Nam, định cư lâu đời ở Đàng Trong.

Có một huyền thoại Chăm cho rằng cá voi là hoá thân của vị thần tên là Cha Aih Va. Thời trẻ, Cha Aih Va được cha mẹ cho theo thầy học phép. Sau hơn mười năm tu luyện, trở thành người có pháp thuật cao cường, thiên biến vạn hoá, Cha Aih Va lại bùng lên khát vọng cháy bỏng trở về xứ sở, nhưng người thầy không đồng ý vì cho rằng học trò mình cần thêm thời gian để tu luyện và lĩnh hội đầy đủ tinh hoa huyền thuật. Nhớ cha mẹ, quê hương, Cha Aih Va cãi lời thầy, tự biến thân thành cá voi, theo sông lớn tìm đường ra biển. Người học trò phạm giới luật không thoát khỏi lời nguyền trừng phạt của thầy. Cá voi Cha Aih Va bị các loại thuỷ tộc hành hình, trải qua nhiều kiếp nạn. Sự trừng phạt cũng đồng thời là thử thách. Xác Cha Aih Va trôi dạt vào đất liền rồi biến thành thiên nga bay về cố xứ. Chốn quê nhà, thiên nga Cha Aih Va đau lòng khi biết cha mẹ đều đã qua đời nên buồn bã bay đi tìm một hoang đảo để sống. Tại đây, từ hình hài thiên nga Cha Aih Va lại hóa thành người, tiếp tục tu luyện và qua đời trên đảo vắng. Cảm khái tấm lòng hiếu thảo của Cha Aih Va, sẵn sàng chịu xả thân, vượt mọi nguy nan tìm về bên cha mẹ, quê nhà, nên thượng đế hoá phép để Ông biến thành vị thần cứu nạn cho người đi biển.

Khi thành thần, Cha Aih Va đổi tên là Pôn Ri Ak tức Thần Sóng biển, lênh đênh nơi đầu sóng ngọn gió, ngày đêm đau đáu cứu độ chúng sinh. Giữa bão táp, phong ba, nghe tiếng kêu cứu của thuyền đi biển bị nạn, thần Pô Ri Ak lập tức biến thành cá voi, rẽ sóng đến nâng con thuyền và cứu người đưa vào bờ.

Cũng có một truyền thuyết khác, lưu truyền dưới dạng bài ca về các thần linh của người Chăm. Theo đó, đã từng có thời kỳ ba người con của vua Kỳ Nam (Patan Gahlan) kết hợp với cá Ông để ngự trị xứ sở của họ, cả trên cạn và dưới biển. Vì vậy, khi cá Ông xuất hành thì tất cả các loài cá khác phải theo hầu.

Lại có truyền thuyết của người Việt kể: Bồ tát Quán Thế Âm thường vân du khắp nơi, từ trên đất liền ra biển cả để thấu cảnh chúng sinh. Trong một lần tuần du Đại Hải, nhìn những sinh linh khổ ải bị chết chìm ngoài biển khơi vì bão tố, lòng ngậm ngùi thương xót, ngài đã xé chiếc áo cà sa của mình làm muôn mảnh nhỏ thả trên mặt biển rồi hoá phép biến những mụn vải ấy thành loài cá cứu người. Để tăng thêm sức vóc cho loài vật thay mình độ chúng, Bồ tát Đại từ Đại bi mượn bộ xương của ông Tượng trên rừng ban cho bầy cá đó, khiến chúng có vóc dáng to lớn và sức mạnh như voi rừng, nên có tên gọi là cá Voi. Lại thấy cá Voi to lớn di chuyển chậm chạp, mỗi khi có nạn tai xảy ra ở nơi xa, khó bề đến kịp, Quán Thế Âm Bồ tát liền ban cho chúng phép thâu đường để lội thật mau, hầu làm cho tròn trách nhiệm cứu vớt người lâm nạn.

Truyền thuyết trên đây có lẽ là một Phật thoại, xuất hiện muộn hơn, vào thời điểm đạo Phật đã thịnh hành ở tiểu lục địa Ấn Độ và lan toả ra khắp vùng Đông Nam Á, phủ thêm một màn sương huyền ảo lên tín ngưỡng của cư dân bản địa.

Muộn hơn nữa, là những truyền thuyết về cá ông gắn với thời kỳ bôn tẩu của Nguyễn Ánh. Nhà nghiên cứu Thái Văn Kiểm, thuật lại: “Gia Long, lúc đó vẫn còn là hoàng tử Nguyễn Ánh, bị quân Tây Sơn truy đuổi sát sao phải bỏ chạy về phía cực Nam. Khi thuyền của ông tới cách cửa sông Soi Rạp vài dặm, con sông định ranh giới hai phủ Gia Định và Gò Công, thì một cơn bão nổi lên. Thuyền sắp chìm thì vị vua tương lai bỗng nảy ra ý nghĩ cầu xin trời phù hộ. Và thế là điều kỳ diệu xảy ra: một con cá voi xuất hiện, bơi dưới thuyền và đưa thuyền đến một nơi cách bãi biển Vàm Láng, làng Kiến Phước, phủ Gò Công vài mét”


Tài liệu thành văn ở nước ta ghi chép về chuyện cá voi cứu người xuất hiện vào thời nhà Nguyễn. Trương Quốc Dụng trong Thối thực ký văn chép: “Hải thu, tục gọi là cá Ông Voi, mình dày không vây, đuôi giống đuôi tôm, kỳ nó rất sắc, mũi ở trên trán [....] Khi phong ba nổi dậy, thuyền bị đắm giữa biển, cá voi xuất hiện thường đội lên lưng đưa thuyền vào gần bờ, vẩy đuổi bỏ lên”.

Trịnh Hoài Đức đã ghi lại trong Gia Định thành thông chí về cá voi những dòng như sau:

-“Tượng ngư (cá voi): Đầu tròn, nơi trán có lỗ phun nước ra, miệng mũi giống như con voi, trơn láng không có vảy, đuôi có hai chi giống như đuôi tôm, tính từ thiện, biết cứu trợ người, nên các nhà ngư nghệ thường gọi là nhân ngư”. 

Quốc sử quán triều Nguyễn trong Đại Nam nhất thống chí chép:

-“Cá Voi có tục danh là cá Ông Voi, đầu tròn, nơi trán có lỗ phun nước ra, sắc đen trơn láng, không có vảy, đuôi có hai chĩa như đuôi tôm, có tánh từ thiện, hay giải cứu cho người khi qua biển mắc nạn. Ðầu niên hiệu Minh Mạng, vua đặt tên là Nhân Ngư , đến đầu niên hiệu Tự Ðức đổi lại Ðức Ngư. Loại cá này ở trong Nam Hải thì linh, còn ở biển khác thì không linh.”

Một số ghi chép về cá Ông ở vùng biển Việt Nam cũng được tìm thấy trong các tài liệu, ký sự của người Trung Hoa, như những lời dẫn lại sách Chính tự thông của Trí nguyên, hoặc An Nam trí dự lục ký của Cao Hùng Trưng...Nội dung những hiểu biết về cá Ông trong các tài liệu này khá sơ lược và cũng không khác mấy ghi chép của các tác giả Việt Nam và thường được xếp vào mục “dị lục” (ghi lại, tìm lại những điều lạ, những chuyện khác thường).

Trong quá trình khảo sát ở vùng ven biển Quảng Ngãi và đảo Lý Sơn (cù lao Ré), chúng tôi có dịp kiểm chứng và chia xẻ nhận định với nhà nghiên cứu Nguyễn Phương Thảo: khi được hỏi, chưa có ngư dân nào khẳng định rằng mình hoặc bạn chài được cá Ông cứu nạn. Những trường hợp “Cá Ông cứu” qua lời kể của họ luôn được đặt trong một thời điểm quá khứ mơ hồ hoặc bản thân người được cho là có diễm phúc đó cũng là một nhân vật huyền thoại.

Có giả thuyết cho rằng trong bão tố có những con cá voi vì lý do sức khoẻ không đủ sức lặn sâu, hoặc bơi vượt ra ngoài vùng ảnh hưởng của bão nên đã tìm cách dựa vào một vật nào đó để di chuyển dần vào bờ. Cái tựa đỡ ngẫu nhiên ấy lại vô tình giúp cho con thuyền lâm nạn giữ được thăng bằng tương đối, tạo điều kiện cho ngư dân nỗ lực bình sinh vượt qua cơn lâm luỵ. Và rồi người được cứu thoát ngỡ rằng vị thần hộ mệnh dưới hình hài con cá khổng lồ kia đã ra tay tế độ cho mình. Tuy nhiên, đây chỉ là giả thuyết, cần phải có sự kiểm chứng của các nhà khoa học.

Về những truyền thuyết liên quan đến cá voi, rái cá gắn với quảng đời bôn tẩu của Nguyễn Ánh, nhà nghiên cứu Thái Văn Kiểm trong khi ghi lại như nói trên cũng đã khẳng định đó chỉ là những câu chuyện dân gian khẩu truyền trong cộng đồng cư dân ven biển. Cá voi, rái cá có cứu Nguyễn Ánh hay không là điều quá đổi hồ nghi. Nhưng gắn chuyện này vào cuộc đời nhiều gian nan của người mở đầu triều Nguyễn rõ ràng có ý tô đậm cái gọi là “chân mạng đế vương” của ông ta. Hơn nữa việc phong trần, xếp đẳng cho con vật vốn đã được sùng bái chốn lê dân cũng còn hàm ý thể hiện quyền uy tối thượng của Thiên tử đối với mọi sinh linh trong cương vực trị vì, dù đó là “dân đen con đỏ” hay quái nhân, dị vật trên non, dưới biển.

Theo từ điển Bách khoa Nông nghiệp, “Cá voi (Balaenus) còn có tên khác là cá Ông, cá ông voi, chỉ động vật có vú ở bên thuộc họ Cetacea họ Balaenidae. Bề ngoài giống cá, nhưng có máu nóng, thở bằng phổi, nuôi con bằng sữa. Tổ tiên cá voi có lẽ là động vật ăn thịt, sống ở cạn, 60-70 triệu năm về trước chuyển xuống nước. Do môi trường có ma s át lớn, cấu tạo cơ thể được biến đổi thích nghi. Thân trần, hình thoi, thuôn về phía đuôi, kết thúc bằng vây đuôi, hai cánh nằm ngang. Chi trước biến thành vây ngực, chi sau, da, lông, các tuyến mỡ, tuyến mồ hôi và tai ngoài bị thoái hoá. Đa số các loại động vật có vây lưng, khiến cơ thể thăng bằng trong nước. Dưới da có lớp mỡ dày, cổ không thể hiện rõ. Mũi có một, hai lỗ có van. Phổi rất dễ co giãn (vì thở bằng phổi nên có tới 60-70% thời gian sống trong vùng nước động). Cột sống có 41-98 đốt, xương sườn có 17 đôi, nhưng chỉ có 11-12 đôi liền. Cá voi có thể lặn sâu dưới nước đến 1,5 giờ. Thính giác phát triển mạnh xác định được chính xác âm hưởng truyền tới nhờ xoang khi ở sọ và vi ệc tách hệ thần kinh hai tai. Vị giác và xúc giác (qua da) khá nhạy. Mắt bé, thị giác đóng vai trò thứ yếu…Cá voi l à động vật có vú lớn nhất hiện nay. Thân dài từ 12 đến 33 mét tuỳ theo loại. Có con nặng trên trăm tấn. Các loại thuộc nhóm cá voi răng chủ yếu ăn cá, thân mềm, chân đầu; các loại cá voi không răng chủ yếu ăn thân giáp xác trôi nổi”.

Trong dân gian, cá Ông được gọi bằng ông Nam Hải, ông Chuông, ông Sứa, Đức Ngư, Ông Lộng, Ông Khơi, Ông Sanh, hoặc gọi theo cách tôn xưng khiếm danh là Ông. Ra khơi, khi buông lưới gặp cá ông người lái chính (Tổng lái) sẽ hạ lệnh cho bạn chài mở lưới cả ở hai cửa chướng và nồm rồi vái: “Ông lỡ vào lưới, ông ra cửa nầy”, khi nào cá voi tìm được đường ra mới thôi.

Cá voi chết, gọi là“luỵ”, “đi tu”, thường do bệnh hoặc do các loài cá dữ, đặc biệt là cá voi sát thủ (orcas) tấn công. Cũng có trường hợp cá voi bị người dùng vũ khí sát hại. Tuy nhiên điều này chỉ gây ra bởi các đội thuyền nước ngoài, dân chài người Việt tuyệt nhiên không làm hại cá voi. Nhiều khi do những tác nhân gây nhiễu loạn hệ thống định vị, cá voi bơi chệch hướng, hoặc do sóng to gió lớn cá bị tấp vào bờ, mắc cạn nhưng chưa chết, dân chài tìm mọi cách giải cứu, đưa cá xuống nước để bơi ra biển.

Dân gian tin rằng bắt gặp cá ông luỵ là điều may mắn (Thấy Ông vào làng như vàng vào tủ - ngạn ngữ). Người bắt gặp cũng như ngư dân cả làng, vạn sẽ gặp nhiều điều lành, làm ăn được mùa, phát đạt. Khi xác cá voi trôi dạt vào bờ biển của làng, vạn nào thì người dân nơi ấy phải lo làm lễ tang cho Ông. Họ rất vui mừng khi được Ông "lụy" vào bờ biển của làng mình, vì cho rằng đó là phúc lớn, lễ tang phải được tiến hành hết sức thiêng liêng, trang trọng. Hàng năm người ta tổ chức lễ tế Ông để tỏ lòng tôn kính, hàm ân và cầu cho cả vạn được mùa, nhà nhà no ấm.

Tục thờ cúng cũng như thái độ trọng vọng đối với cá Ông, khi sống cũng như khi chết, thực ra là một hình thức tín ngưỡng vật linh mà ở đây trực tiếp là quan niệm cho rằng loài cá nầy là vị thần độ mạng, đấng cứu tinh trong những trường hợp gian nguy trên biển. Trong tâm thức của cư dân chài lưới, những người sống lênh đênh nhiều ngày giữa biển khơi, lắm khi gặp sóng to gió lớn, tai hoạ đắm thuyền, mất mạng là nỗi ám ảnh trực tiếp trong cuộc mưa sinh đầy gian khó. Hình ảnh cá Ông Voi trong tâm thức của họ là chỗ dựa tinh thần quý giá, nơi gởi gắm niềm tin. Niềm tin này ban đầu là một nhu cầu giúp người ta có thể chịu đựng gian khổ, hiểm nguy trong cuộc mưu sinh, dần dần dấu vết của niềm tin hằn sâu vào tiềm thức, trở thành một tín ngưỡng dân gian.

II. LỄ TANG, LĂNG THỜ VÀ LỄ CÚNG CÁ ÔNG:

Nghi thức tang lễ cá Ông được tiến hành theo “Thọ mai gia lễ”, có giản lược một số tiểu tiết. Người trông thấy Ông luỵ đầu tiên sẽ làm “Trưởng nam”, chịu tang Ông trong 3 năm, như đối với cha mẹ mình. Sau khi làm lễ tế Ông tại lăng, dân làng làm lễ tế Ông tại bờ biển - nơi Ông lụy. Một số nơi còn có đội bả trạo hát chèo hầu kể công ơn cá Ông đã cứu mạng những ngư dân không may gặp nạn trên biển do phong ba, bão tố. Người đi đưa đám vừa đông vừa tỏ thái độ nghiêm cẩn như đưa tang một bậc kỳ lão trong làng. Ngoài ban tế tự và nhân dân trong làng, vạn còn có đại diện các vạn chài khác đến tham gia lễ tang và phúng điếu.

Trước năm 1945, Nhà nước phong kiến quy định vùng nào bắt được cá Ông chết thì hương lý phải trình lên phủ, huyện để quan trên cho người về khám định, cấp tiền tuất, hương đèn, vải đỏ quấn đủ bảy vòng và cho khâm liệm, xây lăng. “Trưởng nam” được cấp ruộng hương hoả lo việc hương đèn, cúng bái và được làng miễn sưu dịch trong 3 năm.
 

Đủ ba năm, kể từ ngày tổ chức tang lễ, người ta tiến hành cải táng. Bộ xương ở “mộ” được lấy lên đem rửa sạch bằng rượu, nước ngũ vị rồi xếp vào quách, đưa vào điện thờ làm lễ Thượng ngọc cốt, rồi cất giữ trong lăng, có người trông coi hương khói.

Một số nơi ở vùng ven biển Quảng Ngãi có cả nghĩa địa cá voi như ở Thạch Bi (Đức Phổ), Lệ Thủy (Bình Sơn). Cũng ở đây nghi thức tang lễ đối với cá Ông luỵ đến nay vẫn được bảo lưu hầu như nguyên vẹn, nhất là vùng ven biển thuộc huyện Bình Sơn và huyện đảo Lý Sơn.

Trước đây, hầu hết các làng xã dọc theo ven biển từ Sa Cần phía cực Bắc đến Sa Huỳnh cực Nam và đảo Lý Sơn đều có lăng (hoặc miếu, dinh) thờ cá Ông, những vạn chài có đông cư dân làm nghề đánh cá thì thường lập lăng riêng ở vạn. Kết quả khảo sát cho thấy số lăng thờ cá Ông hiện còn lại ở Quảng Ngãi phân bố như sau:

- Huyện Đức Phổ: Lăng Núi Khỉ (Thạnh Đức – xã Phổ Thạnh), lăng Thạch Bi (Sa Huỳnh, Đức Phổ), lăng Khánh Bắc (xã Phổ Vinh), lăng Hải Tân (xã Phổ An).

- Huyện Mộ Đức: Lăng An Chuẩn (xã Đức Lợi)

- Huyện Bình Sơn: lăng Hải Ninh, lăng Vĩnh An (xã Bình Thạnh), lăng Cù Lao (xã Bình Chánh), lăng Đông Yên (xã Bình Dương), lăng Châu Bình (xã Bình Châu), lăng vạn Tuyết Diêm (xã Bình Thuận), lăng Mỹ Huệ, lăng Thanh Thuỷ.

- Huyện Tư Nghĩa: Lăng Phổ An (xã Nghĩa An), Lăng Cỗ Luỹ Nam (xã Nghĩa Phú)
- Huyện đảo Lý Sơn; Lăng Cồn, Lăng Thứ, Lăng Chánh, Lăng Tân, Lăng Xóm Rồng.

Trong số các lăng trên, có hai lăng nằm ở địa điểm không sát biển là lăng Cù Lao (xã Bình Chánh, Bình Sơn) – cách bờ biển 5 km, lăng Đông Yên (Xã Bình Dương, Bình Sơn) – cách bờ biển 15km. Lăng lớn nhất là lăng Thạch Bi (Sa Huỳnh, Đức Phổ), tôn tạo năm 2002. Các lăng còn giữ được sắc phong thần (từ Minh Mạng đến Khải Định) là lăng Thanh Thủy (6 đạo), lăng An Chuẩn (4 đạo), lăng Cổ Luỹ Nam (1 đạo)..

Theo các cụ già số lượng các lăng thờ cá Ông vào thời điểm đến trước tiêu thổ kháng chiến nhiều gấp 3 lần số lăng hiện nay. Nhiều lăng được xây dựng lần đầu vào thời điểm nửa đầu thế kỷ XIX. Lăng vạn Mỹ Tân xã Bình Chánh xây dựng lần đầu năm 1781. Lăng Cồn ở huyện đảo Lý Sơn có những dấu vết kiến trúc, đồ thờ cho thấy nơi đây có thể vốn đã là một kiến trúc thờ tự của người Chăm. Hầu hết các lăng còn tồn tại đến nay đều đã qua rất nhiều lần tu sửa hoặc xây dựng lại trên nền lăng cũ, vốn đã bị phá huỷ trong chiến tranh hoặc do bão lụt.

Ở nhiều nơi, ngoài việc thờ Ông, trong lăng còn thờ các thuỷ thần khác cùng với tiền hiền, hậu hiền, linh hồn những người chết sông, chết biển. 

 

Lăng thờ là nơi diễn ra lễ cúng cá Ông, còn gọi là cúng ông Nam Hải, cúng ông Lộng, ông Khơi...
 

Theo lời truyền tụng trong dân gian, lễ cúng cá Ông có từ thời Lê Cảnh Hưng (1740 – 1786) hoặc sớm hơn nữa. Tuy nhiên, phải đến đầu thể kỷ XIX, dưới thời Gia Long, đặc biệt là dưới thời Minh Mạng lễ cúng mới có được quy củ tương đối chặt chẽ còn duy trì đến ngày nay. Ở Quảng Ngãi, sổ sách ghi chép của người đời sau và lời khẩu truyền dân gian cho biết lễ cúng được tổ chức quy mô ở lăng vạn Đông Yên (xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) lần đầu tiên vào năm 1811.
 

Lễ cúng cá Ông tiến hành một năm 2 kỳ (Xuân Thu nhị kỳ) nhưng ngày giờ cúng cụ thể ở các lăng không giống nhau. Đơn cử vài trường hợp:


- Vạn Đông Yên: (xã Bình Dương, huyện Bình Sơn)
+ Kỳ Xuân: mùng 8 tháng Giêng (Âm lịch)
+ Kỳ Thu: Rằm tháng Giêng (Âm lịch)


- Vạn Hải Ninh (xã Bình Thạnh, Bình Sơn)
+ Kỳ Xuân: Mùng 10 tháng Giêng (Âm lịch)
+ Kỳ Thu: Rằm tháng tám (Âm lịch)
 

- Vạn Phổ An (Nghĩa An, Tư Nghĩa):
+ Kỳ Xuân: 16 tháng Giêng (Âm lịch)
+ Kỳ Thu: Rằm tháng bảy (Âm lịch)

Trong khi lệ Xuân thường được tổ chức đơn giản thì lệ Thu được tổ chức chu đáo và đầy đủ nghi thức. Các lão ngư dân cho rằng lệ Xuân là thời điểm đầu mùa có ý nghĩa cáo Ông, cầu cho mùa đánh bắt năm mới được may mắn, an lành. Sau những ngày vui Tết Nguyên đán, mọi nhà lo tập trung sửa soạn thuyền, lưới, lương thực để chuẩn bị cho chuyến ra biển đầu tiên nên lễ tế chỉ diễn ra với quy mô đơn giản, tuy không thiếu sự trọng vọng, nghiêm cẩn. Lệ Thu là thời điểm kết thúc vụ đánh cá của một năm (mùa bão ở khu vực Nam Trung bộ bắt đầu từ tháng 7, 8 âm lịch). Các hộ ngư dân sau những chuyến làm mùa cũng đã có của ăn của để. Người đi biển lúc nầy không còn ra khơi mà chỉ đánh bắt gần bờ, để tránh bão. Vì vậy, người ta tổ chức lễ cúng chu đáo, tươm tất để tạ ơn Ông đồng thời cũng là dịp vui chơi sau những ngày gian nan, vất vả.

Mỗi năm cứ đến lệ Xuân, lệ Thu các hộ ngư dân trong vạn đóng góp tiền, các vật cúng và lo sửa chữa lăng để chuẩn bị cúng Ông. Đây cũng là kỳ hội trong làng thu hút già trẻ, gái trai tham gia đông đảo, tổ chức hát xướng, ăn uống vui vẻ. Các bậc Mạnh Thường Quân cũng nhân dịp nầy ra ân bố thí, cúng dường.

Trình thức một lễ hội cúng cá Ông ở ven biển Quảng Ngãi thường bao gồm Lễ túc yết, Lễ nghinh Ông và Chánh lễ.

- Lễ túc yết (hay gọi tắt là lễ yết, lễ Tiên thường) là lễ hiến cáo, tiến hành vào chiều tối trước ngày chánh tế, bao gồm các bước từ sơ hiến, á hiến đến chung hiến. Lễ nầy có ý nghĩa bẩm báo Thần Hoàng bổn xứ, Thổ địa, cung thỉnh thần Nam Hải và các vị thủy thần, các vị tiền hiền, hậu hiền, tiền vãng, hậu vãng về dự lễ. Có nơi lễ tiên thường người ta dâng cúng thức chay, có các nhà sư làm lễ cầu siêu tế độ cho những người bị rủi ro chết trên sông biển,

- Lễ nghinh Ông thường diễn ra vào khoảng cuối canh 4, đầu canh 5 ( khoảng từ 3 – 5 giờ sáng ngày Chánh tế), là lễ rước thần Nam Hải và các vị thần về dự lễ. Đoàn thuyền nghinh Ông thường có 3- 4 chiếc, trang trí cờ hoa rực rỡ, thuyền chánh có bày hương án, bài vị, lễ vật... Những người tham gia lễ nghinh Ông có chánh tế, các bồi tế, tư văn, hành nghi, học trò gia lễ, các nhà sư, ban nhạc lễ. Có nơi còn có đội chèo bả trạo và đội gươm theo hầu.

Bắt đầu hành lễ, sau hiệu lệnh của Chủ Vạn, đoàn người xuất phát đi từ lăng ra bến trong tiếng trống giục liên hồi. Đi đầu là lá cờ đại, liền sau là đội chèo quần xanh, áo trắng, nẹp đỏ, đầu chít khen đỏ, tay cầm chèo, kế đến là đội gươm mặc quần áo đen nẹp trắng, đầu đội mũ đỏ có trang trí nẹp. Tiếp theo là kiệu rước có 4 người khiêng, bên trên đặt linh vị cùng các thức cúng gồm: bàn trầu, nậm rượu, đèn, hương, hoa, vàng mã, gạo, muối. Hai người cầm cờ phướn đi hai bên. Theo sau kiệu là hai tư văn cùng chủ vạn, ban nhạc, đội trống (có tiểu cổ, đại cổ), các ban xóm. Những năm tổ chức lớn còn có thêm đội lân múa dẫn đường. Ra đến bến, đoàn rước được chia ra các thuyền để đi nghinh. Thuyền chánh lễ có đặt bày hương án chở chủ vạn, bồi tế, tư văn, hành nghi, học trò gia lễ, các nhà sư, ban nhạc. Hai thuyền khác, một thuyền chở đội chèo, một thuyền chở đội gươm. Khi tất cả các thuyền đã sắp xếp ổn định chủ lễ ra hiệu xuất phát. Thuyền chánh lễ đi đầu chính là chiếc thuyền được ngư dân trong vạn chọn từ trước. Thuyền đó trong năm phải đánh bắt được nhiều hải sản, chủ thuyền là người đức độ, uy tín, không có tang trong gia đình. Đi bên trái (hàng tả gọi là đốc) là thuyền chở đội chèo, bên phải (hàng hữu gọi là lái) là thuyền chở đội gươm. Đoàn thuyền xuất phát trong tiếng hò reo, tiếng trống, tiếng hoan hô tạo nên âm thanh rộn ràng náo nức. Theo sau là các thuyền của ngư dân đông đến hàng chục chiếc, chở nhiều người.

Đoàn thuyền đi ra biển đến một nơi đã hẹn trước, cách bờ chừng vài , ba hải lý thì dừng lại, neo đậu thuyền để làm lễ cúng, đốt vàng mã, hương trầm, thả trầu, rượu, muối, gạo, hoa xuống biển. Xong lễ cúng đoàn thuyền quay về bến theo trật tự xếp đặt như lúc đi ra. Về đến bến, người dân trong vạn kéo ra đông đúc để đón rước. Các vị cao niên long trọng hầu đưa hương án lên bờ và rước về lăng an vị. Trong khi đó, trong các gia đình làng chài, nhà nào cũng bầy hương án ra trước sân để đón Ông.

Chánh tế là buổi lễ chính, thường diễn ra vào khoảng 5 - 6 giờ sáng. Lễ vật hiến tế trong lễ chánh tế thường phải là tam sanh, trong đó có 1con heo sống (đã cạo sạch lông, mổ bụng, nhưng chưa ra thịt) đặt quay đầu về chánh điện. Thành viên ban tế tự giống như các thành viên tham gia lễ nghinh Ông. Lễ chánh tế cũng diễn ra các bước: sơ hiến, á hiến, chung hiến như lễ yết, có thêm múa gươm, hát bả trạo. Đội gươm múa hầu thần theo các bước hiến tế, còn đội bả trạo múa sau khi các bước hiến tế đã kết thúc, vừa có ý nghĩa hầu thần vừa phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của nhân dân trong làng, vạn.

Lễ Chánh tế kết thúc, người dân trong vạn tập trung tại lăng Ông, ăn uống liên hoan vui vẻ, tạo nên không khí vui tươi, đoàn kết trong cộng đồng. Cũng cần nói thêm rằng, trong các ngày lễ, lăng Ông được trang hoàng hết sức rực rỡ, trang nghiêm, chăng đèn, cờ hoa. Các chủ thuyền đều chuẩn bị bàn hương án, nhang, đèn, bánh trái, xôi, để cúng tại gia. Tàu thuyền cả vạn tập trung về đậu ở bến thật đông vui, náo nức.

III. HÁT MÚA BÁ TRẠO:

Hát bả trạo (chèo đưa linh, chèo hầu linh, hát bạn chèo, hát đưa Ông…) là một hình thức diễn xướng dân gian gắn liền với lễ cúng cá Ông, sử dụng phối hợp các động tác múa, ca hát và âm thanh nhạc cụ tái hiện hành trình ra khơi của người đi biển.“Bả” có nghĩa là chặt, nắm chặt; “trạo” là mái chèo. Bả trạo là nắm chặt mái chèo, thể hiện ý chí vững tay trên biển cả, sẵn sàng đối phó với phong ba. Cũng có người gọi là bá trạo (một trăm mái chèo), thế nhưng hầu hết các lão ngư ông cũng như đa số cư dân ven biển – hải đảo Quảng Ngãi đều gọi là bả trạo.

Điểm đặc biệt của đội hình bả trạo là nghệ nhân trình diễn phải toàn nam giới, không giới hạn độ tuổi. Bên cạnh đội gươm tượng trưng cho đội quân hầu thần Nam Hải, đội chèo bả trạo gồm một Tổng mũi (còn gọi là Tổng tiền), một Tổng khoang (Tổng thương, Tuần thuyền) một Tổng lái và bạn chèo (con trạo) từ 10 đến 16 người, tùy theo từng đại phương, nhưng phải luôn luôn là số chẳn.

Về trang phục: tổng lái mặc lễ phục cổ truyền (áo dài đen, quần trắng) cầm mái chèo 4 thước ta (2m). Tổng mũi cũng ăn mặc lễ phục như tổng lái nhưng hoá trang như một diễn viên hát tuồng trong vai tướng mặt đỏ, cầm cặp sênh điều khiển. Tổng khoang mặc áo ba màu, tay cầm gàu tát nước. Tổng lái cầm sào. Bạn chèo đầu chít khăn, chân quấn xà cạp, thắt lưng vải đỏ, chân đi đất, tay cầm mái chèo dài 3 thước ta (1m20).

Khi tiến ra sân diễn, cả đội đi theo hàng một, dẫn đầu là Tổng mũi, đến Tổng khoang, tiếp đó là bạn chèo, sau cùng là Tổng lái. Bạn chèo cầm mái chèo dựng đứng bên tay phải, mũi chèo hướng lên trời. Đến điểm trình diễn, cả đội đi thành vòng tròn rồi, sau đó tách ra 2 hàng (một hàng là các bạn chèo mang số lẽ ; hàng kia và các bạn chèo mang số chẳn). Đứng đầu, giữa hai hàng bạn chèo là Tổng mũi, tiếp đến là Tổng khoang, sau cùng là Tổng lái. Đội hình bả trạo khi trình diễn vừa mô phỏng hình con thuyền đang lênh đênh trên biển, vừa tái hiện các động tác chèo thuyền của ngư dân.

Khi Tổng mũi cầm sênh, hoặc trống lệnh hướng về bạn chèo để gõ, bạn chèo cuối mình về phía trước làm động tác chèo thuyền. Lúc Tổng mũi cầm sênh quay lui, bạn chèo ngã mình lui để chèo. Tất cả diễn ra đồng bộ và nhịp nhàng như thể mọi người đang cùng con thuyền lướt sóng trên biển lớn.

Trong lúc cùng mọi người trình diễn, Tổng mũi từng chặp dừng lại để xướng hát, than, ngâm thơ, lý và diễn trò. Bạn chèo tiếp tục diễn theo động tác chèo thuyền đã được cách điệu nghệ thuật và hát xô theo người lĩnh xướng. Tổng khoang phối hợp với Tổng mũi để trình diễn, thỉnh thoảng cầm gàu làm động tác mô phỏng việc tát nước ra khỏi khoang thuyền. Tổng lái vừa hát cùng Tổng mũi vừa cầm sào điều khiển con thuyền. Tổng mũi giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong đội bả trạo, ông ta phải là một nghệ sĩ biểu diễn thành thục từ các thể ca hát dân gian như: ngâm, lý, hô thai, phú, hò đến các làn điệu hát tuồng như nói lối, tán, oán, thán, xướng, hát nam...

Kết thúc buổi diễn, Tổng mũi gỏ hai tiếng sênh, tất cả bạn chèo cầm cán chèo dựng thẳng mũi lên cao. Khi nghe tiếng sênh tiếp theo thì nhập thành hàng một, mái chèo vẫn cầm dựng đứng như tư thế lúc ban đầu khi trình diễn, sau đó theo Tổng mũi đi khuất vào trong.

Bên cạnh và cùng với đội bả trạo là ban nhạc, nếu đầy đủ thì gồm 1 trống chầu, 1 trống cơm, 2 đàn nhị, 1 bộ phách, 1 kèn trung, 1 kèn tiểu và 1 cặp sênh tiền (hoặc trống con) trong tay Tổng mũi. Ban nhạc mặc áo dài truyền thống, đầu đóng khăn.

Một cuộc hát bả trạo có 4 chặng: Chặng đầu là xuất bến, chặng 2 kéo lưới, chặng 3 đưa thuyền vượt sóng to, gió cả, có sự hỗ trợ của thần linh; chặng 4 là phần kết thúc, con thuyền bình an về bến trong niềm vui của gia đình, làng vạn.

Về nội dung, hát múa bả trạo kể lại công đức của cá Ông đã ra ơn giúp đỡ người đi biển trong cơn hoạn nạn, nói lên ý chí chịu đựng gian khổ, sự đồng lòng, đồng sức vượt qua bão táp phong ba, đồng thời thể hiện sinh động tình yêu thiên nhiên biển cả, khát vọng được mùa, ấm no hạnh phúc.

Căn cứ vào mối liên hệ của cuộc hát bả trạo với lễ cúng Ông, có thể chia loại hình diễn xướng nghi lễ nầy thành 2 nhóm:

Nhóm 1, tạm gọi là bả trạo vui chơi, chỉ những cuộc hát không gắn liền với nghi thức tế lễ. Nhóm nầy phổ biến ở các địa phương vùng ven biển Nam bộ, một số vùng thuộc bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), ven biển huyện Đức Phổ, huyện đảo Lý Sơn(Quảng Ngãi). Ở đây, trong dịp cúng cá ông người ta thường tổ chức các đám hát nhằm mục đích giải trí, vui chơi, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư có dịp thưởng thức sinh hoạt văn nghệ dân gian như hát bội, hát chúc phước lộc thọ, hát múa bả trạo.

Nhóm 2, tạm gọi là bả trạo nghi lễ, chỉ những cuộc hát gắn liền với nghi thức tế lễ, góp phần thể hiện tổng thể “kịch bản” hành lễ và trở thành một bộ phận của cuộc lễ hoàn chỉnh. Nhóm nầy phổ biến ở hầu hết vùng ven biển Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận…Tính nghi thức dẫn đến sự chặt chẽ trong trình thức, mô hình của cuộc hát, cho dù phần lời vẫn có những thay đổi, gia giảm phù hợp với kỳ cúng, địa điểm cúng, quy mô và bối cảnh xã hội.

Nhìn chung, trong lễ hội cúng cá Ông ở Quảng Ngãi, hát múa bả trạo giữ một vị trí quan trọng trong nghi thức Lễ - Hội, vừa là sinh hoạt tâm linh vừa là một hình thức văn nghệ dân gian đáp ứng nhu cầu sáng tạo và thưởng ngoạn của cư dân vùng biển. Cùng với việc sử dụng những bài ca, điệu múa mang âm hưởng cuộc sống lao động, thể hiện tâm tư, tình cảm của người miền biển, sự gắn kết hữu cơ giữa nghi thức tế lễ và trò diễn trong hát múa bả trạo cho thấy đây là hình thức diễn xướng mang đậm tính nguyên hợp của văn hoá dân gian.

Tuy là hình thức nghi lễ, sinh hoạt tâm linh, nhưng lời ca điệu hát trong bả trạo thường sử dụng vốn ca nhạc dân gian của địa phương như: Hò khoan, hò giựt chì, hò hụi, hò rị, hò chèo thuyền, góp phần làm giảm tính bi ai vốn có trong tế lễ. Ca nhạc và vũ đạo ở đây hoà quyện với nhau như một hình thức sân khấu có tuồng tích. Động tác múa và chèo thuyền được cách điệu thành con thuyền, mô phỏng sinh hoạt nghề biển.

“Kịch bản” (thường gọi là “Bổn tuồng”) một cuộc hát múa bả trạo ở vùng Bình Thuận, Bình Thạnh, Bình Dương, Bình Chánh (huyện Bình Sơn) thường được thể hiện như sau:

1. Tổng mũi:

Bắt đầu theo điệu nói lối của tuồng đồ:

Hô: Ơi! Bả trạo ơi! (Trống)

Xô: Ơi!

Hô: Hôm nay 18 tháng giêng, như thường lệ bổn vạn ta làm tế lễ Chư thần. Trên bàn thờ nghi ngút khói hương, thần Nam Hải đã về đây ngự trị đó nghe! 

Anh em ta chuẩn bị đồng quỳ xuống thẳng hàng, bỏ chèo nan lạy thần linh 3 lạy, đó nghen” (điều khiển lạy)

Một lạy đền ơn thần Nam Hải
Hai lạy cầu cho quốc thái dân an
Ba lạy cầu cho biển được bình an, được mùa cá rộ, đó nghen!
{Trống và xô trổi lên giống như }

(Hơi ai)
Được (a) mùa cá rộ (ơ............) Chớ Bá Trạo ơi! (chớ để) mai (a) về cá (a) mực (a) đầy (a) khoang (trống) (Tổng mũi + Xô). Hò Đưa... .

2. Tổng lái: Cũng theo điệu nói lối như trên, về phần hô giống như

Ơi! Bả trạo ơi! Toàn bả trạo lướt tay chèo đưa thuyền ta lướt tới. Để mai về cá mực đầy khoan.

3. Tổng mũi: Vẫn điệu hô và nói lối tuồng (có hơi ai), nhưng ở đây xuất hiện một làn điệu hò khoan rất khoẻ khoắn và tươi mát, âm hình tiết tấu ngắn gọn, rất phù hợp với những động tác lao động nặng nhọc của ngư dân:

Nhịp nhàng – tươi vui

Thuyền ta (mà) vượt sóng (mà) lênh đênh (a) Hò (là) khoan đồng lòng (mà) chung sức. Hố khoan ta (là) bền. Hò là khoan ới hò là khoan. Hò là khoan ới hò là khoan. Vui đời sông nước (mà) bao la. Hò là khoan tình quê biển cả. Hố khoan đậm (a) đà. Hò là khoan đậm đà tình quê. Hò là khoan ới hò là khoan.

Sau đó hô như (1). Trước mênh mông của biển cả, đôi khi trong tâm hồn người đi biển thoáng một nỗi buồn, như đoạn ai sau:

Trôi dạt (hơ...) mênh mông giữa nước (ơ) trời (ơ). Bá Trạo ơii! Một thuyền (a) lướt sóng bạn đường ơi. Hò đưa…

4. Tổng lái: Nối tiếp trên cùng một âm điệu có sắc thái (P) và quyết tâm trong nhiệm vụ của mình:

Mái (a) chèo đẩy mạnh (hơ...) liền tay. Ơi!
Bá trạo ơi! Tổng lái đường (a) dây (ơ) đã có tôi (ơ)

Hò đưa...

5. Tổng mũi: Hô như (1) và dõng dạc ra lệnh: “Bủa lưới đó nghen!” thì lập tức điệu “Hò rị” vang lên thúc giục:

Hò rị (hò kéo lưới) - Khoẻ khoắn - dứt khoát’
Hố rị cùng hò rị Hố rị Hố rị cùng hò lên Hò là
Lên cùng kéo lưới lên Hò là lên Kéo lên (mà) cho kịp (ơ) nè

Hố (a) lên Những con cá vàng (nè) Hò là lên hỡi hò là lên…

6. Tổng thương: Như một nhân vật “ít nói làm nhiều” sự xuất hiện của tổng thương trong “Bổn tuồng” tương đối ít, nhưng lại gây ấn tượng khá mạnh mẽ.

Vào: Hô như (1) và hát theo điệu nói lối tuồng: Như ta là Tổng thương thị ngã danh Tổng thuyền trung canh thủ, đêm nằm chẳng ngủ, ngày đứng không an, mắt xem trời gìn giữ thuyền lan, tay tát nước coi đường giông gió...

7. Tổng mũi: Hô to “Kìa gió đã thổi lên....” bắt bài hò rị hình dung kéo lưới cho kịp thời trở về bờ.

Sau đó Tổng mũi hô to: Ô! Này anh Tuần thuyền ơi! Kìa neo đã mắc cạn, đoàn bả trạo nhổ hoài mà không lỏng, khó lòng kéo lên!

8. Tổng lái: Hát Nam ai nghe thật buồn thảm:

Đã nhìn biển¬ (a) thẳm (hơ) thêm sầu, chớ bả trạo ơi!” không ngăn giọt (a) lệ giòng châu khó (a) ngừng...

[Trống nổi và “Hò đưa” Như]

9. Tổng mũi: Như nảy ra một sáng kiến và cũng một cung điệu trên:

Ơi bả trạo ơi! Giữa cuồng phong bão nổi thuyền ta gặp hiểm nghèo. Anh em ta tạm gát tay chèo, quỳ xuống lạy thần linh cứu hộ đó nghen.

Cúi đầu mà lạy thần linh
Xin cho neo lỏng kéo lên bủa dày. Hò đưa! như

Nói lối tuồng, gần như reo vui:

Kìa xa xa vòi nước đang phun lên. Thần Nam Hải đã về đây ứng cứu. Huớ bả trạo ơi! Thần linh cứu độ một lòng phải ghi...

Tiếp theo tổng mũi bắt bài hát cho cả đội (vẫn hơi Nam ai):

Đây rồi của biển quê ta
Rừng dương vi vút bến dừa xôn xao. Hò đưa! như 

Sau đó tổng mũi điều khiển toàn đội đồng thanh hát (theo thể nói lối trong tuồng đồ):

Chúc thôn hương thọ tỷ Nam Sơn
Cầu vạn lạch phước như Đông Hải

(Cả đội cuối đầu tỏ lòng cầu chúc)

Qua tổng thể kịch bản, ta thấy phần ca nhạc được kết cấu rất chặt chẽ, nhất là khi chuyển đoạn, chuyển cảnh trong từng tình huống cụ thể. Âm hưởng chính tạo ra từ toàn bộ kịch bản là tính bi tráng, nghiêm trang, thông qua việc sử dụng thể nói lối tuồng đồ, dùng nhiều hơi Nam ai. Bên cạnh đó, các làn điệu dân ca, dân nhạc cũng được vận dụng khéo léo nhằm tái hiện cuộc sống lao động thường nhật của người đi biển, qua đó gởi gắm tâm tư, tình cảm của họ trước thiên nhiên bao la và niềm hoài nhớ đất liền. Các làn điệu dân ca như hò khoan, hò rị, xuất hiện tương đối nhiều trong từng lớp hát của kịch bản. Sự đồng tâm hiệp lực để vượt qua những thử thách nghiệt ngã của thiên nhiên, biển cả và cuộc sống được phản ảnh rất rõ ở tiếng hô bao giờ cũng cùng một cao độ của Tổng mũi, Tổng lái, Tổng thương và con xô. Khi kết một đoạn nói lối hoặc hò hát thì bao giờ cũng xuất hiện ba âm tương đối trầm (so với Tổng phổ) ngân dài, nghe rất cung kính và đượm buồn.

Âm nhạc ở đây phần lớn sử dụng âm hình truyền luật với nhịp điệu tương đối tự do. Chính vì thế, vai trò của trống đặc biệt quan trọng, không kém tiếng trống chầu trong tuồng. Tiếng trống giúp người hát và người nghe hoà quyện vào tinh thần của kịch bản, khi thúc giục liên hồi, khi nhẹ nhàng thành kính, khi day dứt buồn đau. Phần lời trong bổn tuồng hầu hết được viết theo thể thơ lục bát, ngâm khúc và nói lối. Đôi khi có xuất hiện thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, song thất lục bát, nhưng rất hiếm. Nhiều khúc hát thâm thuý dùng nhiều từ Hán Việt, bên cạnh những câu ca tiếng Việt mộc mạc, bình dân. Từ điều này, có thể phỏng đoán “bổn tuồng” trước tiên được các nhà nho gần gũi với giới bình dân sáng tác, dựa theo chất liệu âm nhạc tuồng và âm nhạc dân gian giàu bản sắc của cư dân biển. Dần dần qua con đường truyền khẩu trong dân gian và do cảm hứng sáng tạo của từng người diễn, cộng vào những yếu tố dị bản khó tránh khỏi trong dân ca - dân nhạc, “bổn tuồng” được thêm thắt, bổ sung và sáng tạo không ngừng để phù hợp với từng thời kỳ, từng bối cảnh cụ thể của cuộc sống. Trong quá trình đó, hát múa bả trạo liên tục được cải tiến trên nền định hình của nghi thức tế cá Ông để trở thành một sinh hoạt nghi lễ trang nghiêm đồng thời là một hình thức diễn xướng văn nghệ dân gian đậm đà bản sắc vùng miền, góp phần giáo dục và rèn luyện con người lòng dũng cảm, yêu nghề, gắn bó tha thiết với thiên nhiên biển cả, trọng lối sống nhân nghĩa, nặng tình tương thân tương ái.

IV. BẢO TỒN DI SẢN VĂN HOÁ:

Cho đến nay, tục thờ cúng cá ông và theo đó là hát múa bả trạo vẫn còn được lưu giữ khắp vùng ven biển, hải đảo Quảng Ngãi. Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, từ sự đóng góp của bà con vạn chài và các bậc Mạnh Thường Quân, nhiều lăng thờ cá ông đã được sửa chữa, trùng tu. Một số lăng, được đầu tư nâng cấp về quy mô kiến trúc, mỹ thuật như Lăng Tân (xã Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn), lăng Thạch Bi (Sa Huỳnh – Đức Phổ)... Lễ tế cá Ông xuân thu nhị kỳ cũng được tổ chức long trọng, nghiêm cẩn. Các Đội hát múa bả trạo vẫn duy trì tập luyện và sẵn sàng phục vụ những dịp tế Ông tại vạn mình cũng như ở các vạn bạn khi có lời mời. Vùng ven biển huyện Bình Sơn và huyện đảo Lý Sơn vẫn là nơi lễ hội cúng cá Ông diễn ra khá thường xuyên, chu đáo, giữ đúng định kỳ, có sự tham gia của đông đảo người dân cũng như du khách trong và ngoài tỉnh. Nhiều người tha hương làm ăn cũng nhân lệ cúng Ông thu xếp về thăm quê để có dịp hoà mình vào không khí lễ hội của bà con cố quận. Nếu như ở Bình Sơn lễ cúng cá Ông thường đi liền với hát múa bả trạo thì ở huyện đảo Lý Sơn, hội đua thuyền tứ linh (Long Ly Quy Phụng) là trò vui cộng đồng không thể thiếu trong những dịp xuân kỳ thu tế.

Câu ca dân gian sau đây ca ngợi các nghệ nhân bả trạo vùng ven biển Bình Sơn đến nay vẫn còn giữ nguyên ý nghĩa:

Tiếng đồn ban nhạc Bầu Bèo
Bạn gươm Mỹ Huệ, bạn chèo Tuyết Diêm.

Bầu Bèo thuộc xã Bình Chánh, Mỹ Huệ là một trong hai thôn của xã Bình Dương, vạn Tuyết Diêm thuộc xã Bình Thuận là những nơi có các đội bả trạo hát hay, múa đẹp nổi tiếng. Không cần phải quá am hiểu nghệ thuật diễn tấu, người xem cũng dễ dàng nhận ra vai trò của các nghệ nhân thủ vai Tổng mũi, Tổng thương, Tổng lái trong một cuộc hát múa bả trạo, đặc biệt là các Tổng mũi. Đây là những người vừa làm nhiệm vụ sáng tác, dàn dựng, biểu diễn, vừa giữ vai trò tổ chức, hướng dẫn các “bạn gươm, bạn chèo” trong đội, mà hầu hết còn ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Tiếp sau các bậc cao niên Đỗ Tòng, Đặng Ngân (thôn Tuyết Diêm, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn), Nguyễn Biên, Nguyễn Văn Tiệu (thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn)…là các nghệ nhân thuộc thế hệ hậu bối Võ Đình Khôi (Vũ Huy Bình), Ao Văn Tuận…truyền nhau gìn giữ câu hò điệu hát của quê hương, trong đó có hát múa bả trạo. Họ là những nghệ sỹ tài hoa nơi phường vạn, gắn bó sâu sắc với đời sống dân chài, các cuộc lễ cúng Ông thiêng liêng và những đêm hát múa bả trạo say đắm lòng người.

Có thể nói rằng, hát múa bả trạo là một trong những loại hình diễn xướng dân gian hiếm hoi còn được bảo lưu sống động trong cộng đồng cư dân ven biển trước vô vàn những chuyển động của đời sống xã hội, đặc biệt là sự thâm nhập không thể ngăn cản của các hình thức ca hát, vui chơi theo lối sống hiện đại.

Cũng có ý kiến đề cập đến những thay đổi trong lễ cúng cá Ông và trò diễn bả trạo hiện nay so với vài mươi năm trước. Lưu tâm đến điều đó là cần thiết để kịp thời bảo nhau uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, dung tục hoá lễ hội, song cũng cần nhận thấy trong bối cảnh xã hội không ngừng chuyển động, đời sống tâm linh của con người cũng sẽ có những biến đổi tất yếu, và do đó dẫn đến những biến đổi trong đời sống tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống: Một số yếu tố mới xuất hiện, một vài yếu tố cũ mai một dần, có khi mất hẳn, là lẻ tự nhiên. Vấn đề là những biến đổi, thích nghi đó có làm mờ nhạt bản sắc văn hoá gốc, có khiến mất đi tính độc đáo, xa rời nguồn cội nhân bản của lễ hội hay không.

Một câu hỏi đặt ra lúc nầy là: Liệu có thể khai thác lễ hội cúng cá Ông và hát múa bả trạo vào mục đích phục vụ du lịch hay không và nếu có thì khai thác như thế nào? Câu hỏi thật đơn giản, nhưng câu trả lời lại không dễ. Đã có không ít những dự án khai thác du lịch không thành công vì được sinh ra một cách vội vàng, duy ý chí, vừa không xem xét đầy đủ những điều kiện khách quan vừa thiếu những tác động chủ quan cần thiết trong quá trình tổ chức thực hiện. Sẽ là điều không khó lắm nếu phải tìm những ví dụ như vậy ngay trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Một khi những dự án du lịch dựa trên cơ sở khai thác di sản văn hoá không thành công thì hệ quả không chi đơn thuần là thất bại về kinh tế, mà theo đó là sự đánh mất niềm tin từ người dân, sự huỷ hoại, hư hại, biến tướng các giá trị văn hoá quý báu mà cha ông đã dày công vun đắp và lưu truyền cho các thế hệ hôm nay.

Những năm qua, lễ hội cúng cá Ông và hát múa bả trạo đã thu hút sự lưu tâm đáng kể các nhà nghiên cứu và giới truyền thông. Các lễ hội, trò diễn, dân ca của cư dân ven biển Quảng Ngãi, trong đó lễ hội cúng cá Ông và hát múa bả trạo đã được Viện nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch ghi hình một cách có hệ thống. Một số công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh trực tiếp nghiên cứu hoặc có liên quan đến lễ cúng cá Ông và diễn xướng bả trạo đã được triển khai. Hát múa bả trạo cũng đã được giới thiệu tại nhiều liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng, phục vụ những sự kiện có sự tham gia của đông đảo công chúng, khách du lịch trong và ngoài nước.

Là một loại hình diễn xướng dân gian mang đậm yếu tố nguyên hợp, thu hút sự đăm mê của nhiều người và đặt biệt là gắn liền với nghi thức cúng tế cá Ông của cư dân ven biển, hải đảo, hát múa bả trạo có đủ những điều kiện cơ bản, tự thân để trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang đậm giá trị văn hoá tinh thần, vừa đem lại lợi ích về kinh tế, vừa góp phần quảng bá, giới thiệu di sản văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc Quảng Ngãi.

Phát triển du lịch biển đảo, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người dân duy trì lễ hội cúng cá Ông và hát múa bả trạo, đầu tư nghiên cứu để tìm hiểu những nét riêng, độc đáo của bả trạo Quảng Ngãi là những tác động khách quan cần thiết để bảo tồn có hiệu quả và đúng hướng lễ hội nầy.

Quảng Ngãi, tháng 2/1998 – tháng 4/2011
Lê Hồng Khánh


Xem các Bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về Webpage www.nuiansongtra.net  

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh