Những nhà nghiên cứu về Hải dương học cho biết rằng trong lòng đại dương đều có sự sống linh hoạt của các loại rong biển, ốc đảo, san hô. Có tiếng hát của loài hải ngư tạo sự sống động muôn màu sắc dưới đáy biển. Còn trên mặt phẳng của đại dương những con sóng chuyển động vo tròn, cuồn lưu thịnh nộ đã tạo nên bản trường ca bất tận, bên cạnh nổi lên những màu sắc xanh, trắng, vàng, hồng bởi sự tán sắc của ánh sáng mặt trời.
Những nhà nghiên cứu về Côn trùng học, Thực vật và Động vật học cũng đồng ý rằng mỗi loài đều có ngôn ngữ đặc tính riêng của nó. Như con dế, các loài ong, ve sầu, thạch sùng, ngựa trời v.v…Mỗi loài có bản năng sinh tồn, có giọng ca đặc thù mang âm điệu u hoài, đoản ca buồn da diết hòa tấu trong những đêm dài hoặc những ngày nắng của mùa Hạ. Những cánh rừng nguyên thủy, rặng tre làng, cánh đồng lúa, rừng thông cũng reo vang tạo nên lời ca du dương mỗi lấn có gió thổi đến.
Loài chim muông có giọng hót ngọt ngào như chim vành khuyên, con khướu, họa mi. Tiếng hót dòn dã líu-lo như cưỡng, chích chòe, sáo, tu hú, chim khách, chìa vôi. Đặc biệt có tiếng hót u buồn trầm thiết như con chim mỏ vàng nước nam, con quốc, bìm-bịp, hoàng-oanh. Có loại chim hót những ca khúc hoang dại vô ưu nơi rừng thưa hoang dã như con chim chà-chiệng, te-te, đội-mũ, chốc-quạch v v…Nói đúng hơn những khúc ca ví von, trầm bỗng của các loại chim đã rải vào không gian của vũ trụ một âm thanh tuyệt vời làm lay-động vạn vật, quyến rủ tha nhân mặc khách.
Còn con người là một sinh vật khôn ngoan hơn biết dùng khí cụ, ngôn ngữ, tiếng hát của mình để trang trải nỗi lòng buồn vui, giận hờn qua nhiều hình thức khác nhau để cống hiến cho người đời thưởng lãm. Ngày nay đứng trước nền văn minh tân tiến về khoa học kỹ thuật, thông tin, tín học của nhân loại. Nền âm nhạc phát triển tột bực, những âm thanh, tiếng hát của các nghệ sĩ được phóng đi toàn cầu do vệ tinh chuyển tải không phân biệt một thứ ngôn ngữ nào hay một Châu đại lục nào…
Trong thi ca, âm nhạc Việt nam có nhiều đặc trưng cho mỗi giai đoạn tiến hóa của dòng lịch sử. Những đoản ca du thể, khúc ca trù, hát chèo , hát bộ, ca dao, phong giao đối đáp phát sinh từ bản sắc của dân tộc, truyền khẩu từ đời nầy đến đời khác không ai chiu nhận là tác giã. Đã trở thành những áng văn chương kiêt tác, những bài ca dao bất hủ lưu dấu ngàn đời:
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen....
Hoặc:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân....
Ngoài ra còn có những bản tình ca, tâm ca, dân ca phát xuất từ nỗi buồn của cuộc chiến, nỗi uẩn ức bởi sự áp bức đè nén qua mỗi thời đại, nỗi day dứt đó tư phát ngay trong lòng chế độ hoặc trong khám lạnh tù đày. Sau nầy mới đươc thê hệ kế tiếp khám phá phổ quát vào dân gian. Còn hình thức diễn ngâm cổ xưa như giọng hò xứ Quảng, điệu Nam-ai Huế, hò lý Nam-bộ, lô-tô, lý-con-sáo chỉ sống một giai đoạn rồi bị đẩy vào lãng quên khi mà nền nhạc vàng, nhạc Rock thịnh hành. Chúng ta tin tưởng trong thế giới âm nhac còn có rất nhiều tài năng bị quên lãng. Họ như tiếng chim hót thanh-thót, lạc-loài trên đồng lúa, nương dâu hay dải non ngàn để tự mua vui, an ủi cho riêng mình một cách hồn nhiên. Chúng ta phải quí mến và trân trọng họ. Nơi nào đó trong không gian sâu lắng chúng ta bỗng nghe ca khúc Kỷ Niệm của một thôn nữ ca vang:
Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng
Chiều đong đưa những bước chân đau mòn
Chợt nghe mùa thu bay trên trời không….
(Xin còn gọi tên nhau, Trường Sa)
Có phải tiếng hát ấy nghe sao tím cả lòng, ám ảnh như bước chân tiền sử?
Viết đến đoạn nầy, tôi lại sực nhớ đến tiếng ca u hoài mang nỗi đau trong cuộc nội chiến của một cô thôn nữ ở tại xóm An Hội, Thi Phổ, quận Mộ Đức vào giữa thập niên 1960’s. Tôi muốn trưng dẫn một sự thât mà con người trong thời buổi ấy ít ai để ý đến hoặc gạt bỏ cho đó là chuyện phiếm bên lề cuộc đời. Tiếng ca ấy không được phổ biến rộng trên diễn đàn, sân khấu văn nghệ nhưng thực tế đã gây nên ấn tượng không nhỏ cho dân đia phương:
Trần Thị Như Toa là một cô gái nhà quê nghèo có nét đẹp thanh tao, dáng dấp như một thếu nữ trâm-anh khuê-các, học giỏi tính tình hiền hậu, bà con lối xóm ai cũng khen. Mẹ thì mất sớm sống bên người cha cần cù chất phác, ít quan tâm đến sự sinh hoạt của con gái, chỉ cặm cụi lo việc đồng áng, chăn nuôi và trồng tỉa hoa màu lấy lợi tức nuôi con ăn hoc mà thôi. Năm ấy cuối mùa Hạ, Toa vừa đậu Trung học đệ nhất cấp cũng là năm Toa vừa đúng 16 tuổi, cha Toa rất là vui mừng, ưu tiên đủ mọi thứ cần thiết cho Toa bước vào những năm học kế tiếp. Bỗng một ngày kia, tiếng trống tan trường của trường Trung học Nguyễn Công Trứ ngưng đổ, thấy Toa đi học về vừa đến cầu Đập thì nỗi cơn điên ném sách vở và xe đạp xuống sông đứng hát với giọng trầm buồn:
Đào anh Đương trôi nổi bờ mương
Sao em không thấy anh Đương
Sao chiều Thu nắng tắt thôn buồn
Sao không còn tiếng sáo người thương…
. . .
Những khách bộ hành, bà con lối xóm thấy vậy sững sốt bàn ra tán vào đủ thứ chuyện: nào là bị thất tình, loạn trí, vướng mắc giới thần linh quở phạt. Còn cha Toa hốt hoảng tìm mọi cách chữa trị nhưng vô hiệu quả, mỗi ngày bệnh con gái mình trầm trọng thêm. Đến giai đoạn Toa bỏ học, trốn cha đi hát lang thang ở cổng trường, cổng chợ từ Thạch Trụ đến chợ Quán Lát, đôi lúc đứng trên bờ sông Giắt Dây, bờ đập Bến-Thóc hát một mình:
Anh đưa em sang sông
Một chiều nắng ươm hồng
Rồi anh không trở lại
Em đứng lẻ chờ mong…
Lần lượt bà con lối xóm tìm hiểu khám phá ra, chính Toa đẫ yêu đơn phương cậu con trai tên Đương kế bên nhà chỉ cách một con mương nước nhỏ. Đặc biệt cậu trai nầy thường cầm ống tiêu thổi bài thơ TIẾNG THU của thi sĩ Lưu Trọng Lư vào những buổi hoàng hôn.
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên cỏ vàng khô…
Vì hoàn cảnh đặc biệt Đương phải theo Mẹ vào Sài Gòn sinh sống, theo học trường Quốc Gia Âm nhạc. Từ đó tiếng tiêu hoàng hôn không còn nghe nữa. Toa ngẩn ngơ thương nhớ bơ-phờ, tự sáng tác hát những bài ca giọng buồn như oán trách thân phận mình.
Sau hai năm tiếng tiêu ấy lại xuất hiện vào những chiều trên chiếc cầu Giắt Dây. Hỏi ra, Đương đã trở thành người lính chiến trở về nguyên quán, trấn giữ chiếc cầu trên dòng sông quê mẹ. Vào một chiều Toa vừa đi vừa hát, quần áo dơ bẩn rách tơi tả, đầu tóc rối bời đi qua cây cầu 4 nhịp nầy. Bỗng nghe tiếng tiêu u-hoài ngày xưa. Toa bừng tỉnh dừng lại đứng bên Đương lắng nghe tiếng tiêu chiều:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức…
(Lưu Trọng Lư)
Tiếng tiêu vừa ngưng, Toa liền hát:
Anh đưa em sang sông
Chiều nay nắng nhạt hồng
Tiếng tiêu sao vời vợi
Giết chết một cõi lòng…
Hai người đứng nhìn nhau, hai tâm hồn lãng mạn hòa hợp nhau với tiếng tiêu buồn cùng với tiếng ca u hoài, cảm thông nhau để mặc cho hai dòng lệ chảy. Một người lính VNCH đi thênh thang trên con đường chinh chiến, yêu quê hương như yêu Mẹ không quản hiểm nguy dãi dầu mưa nắng. Một người con gái nhà quê dịu dàng đôn hậu chịu đựng những mất mát khổ đau, chịu cảnh ly tán chia lìa. Tất cả đều muốn có một mái ấm gia đình, muốn có một tình yêu bến vững hạnh phúc bên nhau nhưng chiến tranh đem đến cho họ biết bao nhiêu oan nghiệt. Toa và Đương làm chứng nhân cho một thế hệ, môt giai đoạn đất nước nhiễu nhương. Chính vì vậy, Toa và Đương đã mến yêu nhau kết thành đôi bạn đời. Toa không còn điên đi hát lang thang nữa, lo xây dựng gia đình, lo cho chồng và cho mình. Thỉnh thoảng đi hát giúp vui cho những đêm văn nghệ do xóm làng tổ chức mà thôi.
Bỗng một ngày kia, chiếc búa định mệnh đập vỡ mối tình thơ mộng ấy. Đương quên mình kiên dũng chiến đấu giữ chiếc cầu, đẩy lui nhiều đợt tấn công của Việt Cộng, họ cố ý đánh sập cây cầu Giắt-Dây. Chẳng may Đương bị đạn pháo kích tử thương. Hay tin đau buồn nầy, Toa đến chiếc cầu cõng xác chồng về. Cha của Toa và những chiến bính đồng đội với Đương ngăn cản để cho xe Hồng thập tự làm nhiệm vụ. Toa lắc đầu từ chối tay ghì giữ xác chồng trên lưng, miêng cười và hát:
Trời ơi! Đi cõng xác chồng
Bên bờ sông chảy một dòng nắng trong
Anh đi non mước phiêu bồng
Hiến đời đâu nghĩ riêng lòng em đau.
Hát đưa tiếng trúc tiêu sầu
Tiễn anh lần cuối nát nhàu buồng tim.
Từ đó Toa dạn dày hơn, cái đau khổ tột cùng đó làm Toa chai lỳ đối diện trước cuộc sống hiện tại. Toa đã cảm nhận được ý nghĩa của cuộc đời, giữa sự sống và sự chết, suy nghiệm cõi trần gian và cõi hư vô chỉ cách nhau bằng sợi dây vô hình nào đó trong vô cùng không tưởng của con người, nên Toa quyết đinh xin cha đi tu. Bắt đầu một cuộc hành trình đầy gian-lao, tủi nhục pha trộn lẫn nước mắt qua mỗi chặng đường đi xin khắp nơi, mục đích là góp tiền để xây dựng một ngôi chùa. Mãi đến năm 1979 tâm nguyện ấy đã thành. Toa chọn dưới chân đèo Hố Mua, cạnh chân hòn đá Kẹp núi Trầu phía Tây quận Mộ-Đức khoảng chừng 6 km xây ngôi chùa thờ Phật. Một một cái am nhỏ thờ bức ảnh của Đương kèm với ống tiêu năm xưa mà Đương thường dùng thổi vào những buổi hoàng hôn.
Nếu ai có dịp đến thăm đập Đá-Bàn, nhìn về hướng Tây Bắc sẽ thấy một ngôi chùa xây về hướng Đông, con đường đá sỏi ghồ ghề dẫn đến chùa, hai bên đường có hai hàng cây bạch đàn cao vút đứng reo trong gió núi. Đến tại ngôi chùa lợp bằng tranh bốn gian xây bằng đá chẻ, chỉ có một Ni cô sớm hôm gõ chuông, gõ mõ tụng kinh với giọng đều đều thảnh-thoát không vướng sầu lo, đó là Trần Thị Như Toa một thôn nữ ngày xưa có tiếng ca u-hoài làm rung động tâm-hồn bà con thôn xóm, khách lãng-du và một gã học trò khờ khạo như tôi.
Thu-Phân năm 2010
Đỗ Vĩnh Khanh.
Xem các Bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về Webpage www.nuiansongtra.net