Tháng Tám vì đâu mưa vội vã
Vì đâu gân lá ửng Thu sầu
Nghe trong cổ tích buồn tôi đã
Thổn thức mưa đàn, khúc nhớ đau.
(Hà Huyền Chi)
Mưa, mưa rơi vào không gian của vũ trụ, mưa vào lòng nhân thế. Mưa bay qua phố núi, mưa rơi xuống bính nguyên, mưa trên công viên, trên đồng hoa cỏ nội, tiếng mưa rã rích vỗ bên thềm… Tất cả tiếng mưa là âm thanh rạt rào rơi mênh mông trên cỏ, cây, hoa, lá, trên mặt đất, biển, sông, hồ, khẽ rung trên đôi môi tình tự, giục giã lời ái ân, là nỗi ray rức, là niềm nhớ nhung khôn cùng… làm nguồn cảm hứng cho các nhà thơ viết nên thi ca.
Tôi chỉ đề cập ở đây những nhà thơ của Quảng Ngãi ở hải ngoại viết về MƯA trên mảnh đất thân yêu của quê hương Núi Ấn Sông Trà. Tôi xin phép trích đoạn một số bài thơ mưa mà những tác giả đã đăng tải trong các Đặc San Xuân Quảng Ngãi Nam, Bắc Cali., Georgia, New England, Texas, trên trang mạng Nuiansongtra.net và sưu tầm từ những thi tập đã xuất bản. Thiển ý của tôi muốn đưa những dòng thơ Mưa đến cùng quí độc giả suy gẫm và ngâm nga cho vui những ngày đầu Xuân năm Tân Mão.
Có ai về Đức Phổ quê hương của nhà thơ Trần Anh Lan, chính vần thơ của anh như lời thì thầm dẫn chúng ta trở về trên con đường lá me bay ngày trước, để nghe từng bước chân kỷ niệm, ôn lại trang tình tuổi nhỏ. Dừng lại bến Thủy-Triều quê xưa, nghe cơn mưa chiều đổ lạnh, dư âm nào bỗng thoáng hiện ngôi trường cũ. Cô gái Du-Quang, em ngơ ngác như con chim bé nhỏ lạc lối đi về, tóc phủ vai gầy, sầu nghe lất phất tiếng mưa bay. Trần Anh Lan diễn tả rất tỉ mỉ sâu sắc, dùng từ ngữ mới lạ, mang âm hưởng ngọt ngào, lời thơ lãng mạn trữ tình, hồn thơ anh cho ta những cảm xúc đay nghiến chân thành, gợi lên nỗi nhớ từng kỷ niệm qua mỗi địa danh trên quê hương đã bỏ lại. Tim thấy nơi anh một tâm hồn đồng cảm, một mối tình rách nát chia xa, còn sót lại một chút ngậm ngùi man mác, như bài thơ ”Đức phổ Quê Tôi” trích trong thi tập “Hoang Vắng Đôi Bờ”:
Nhớ Thủy triều
Cơn mưa chiều đổ lạnh
Trường cũ đâu rồi, tờ lưu bút năm xưa
Tôi sông Trà Câu ngập cơn hồng thủy
Giờ chia tay ta đâu dám tiễn đưa.
Núi Cửa đó…
Mối tình đầu…
Nơi Lăng Ông xem hát bộ
Thương cô gái Du Quang
Tóc phủ vai gầy
Ta kết tơ trời đan tà áo tím
Ôm mối sầu nghe lất phất mưa bay.
(Đức Phổ Quê Tôi - Trần Anh Lan)
Cửa biển Mỹ Á là nơi nỗi tiếng đẹp của tỉnh Quảng Ngãi, bờ biển uốn khúc ôm sát chân dãy Trường Sơn, có rừng thông dài thẳng tắp in xanh đậm trên bờ cát trắng, có hai hàng dừa soi bóng trên dòng sông Hậu. Căn nhà nhỏ bên hồ sen xóm Thất, Phổ Xuân có một nhà thơ còn là sinh viên chưa biết giăng mắc của cuộc đời và cuộc sống phù hư nơi cõi tạm là gì thì thuyền tình rẽ lối “đọng lại chút dấu tích hình hài dằn vặt xót xa”. Cảm xúc khi nghe tiếng mưa về, hình dung lên mắt Mẹ và tự hỏi: “Mưa sao không sáng lên thắm trời xanh, và hỏi có thấy gì không anh?”. Hồn thơ dẫn ta về với trực giác, cùng nghe tiếng mưa rơi trên ngọn cây nghiêng lá cành xanh xao xác, lớp lớp vỡ nhòa, mưa lại kéo dài như lời hò hẹn ở kiếp sau. Hãy đọc bài thơ ”Tình Mưa“ của Nữ sĩ Nguyễn Kim Thoa viết cho tâm trạng cô đơn, nỗi khao khát, nhớ nhung biến động của một thời, rồi rực cháy trên ngọn lửa tình yêu, lồ lộ những quyến rủ đam mê. Chúng ta cùng nghe những vần thơ mưa như tiếng khóc não nùng, trich dẫn dưới đây:
Mưa về
Nghe thấy gì không anh
Những ngọn cây nghiêng lá cành xao xác
Còn giọt rơi lớp lớp còn hoàng bạt
Vùi dạt nhựa đời trên chính mảnh đất chúng mình
Đau đớn không anh?
Mưa lại về
Mãi sao mưa không sáng thắm trời xanh
Như một buổi em biết nhìn mắt mẹ
Ôi mắt bao dung che làn gót nẻ
Buổi tơ trời giăng ý trẻ về đâu?
Còn lại mưa đời hò hẹn kiếp nào sau…
Mưa cứ lăn
Từ chòi trần gieo băng giá
Chợt nghe sợ khoảng trời chắp vá
Người tôi ơi, đời có nghĩa gì đâu
Một cảnh tình vẫn mãi miết ngàn sau.
(Tình Mưa - Nguyễn Kim Thoa)
Từ trong tận cùng tâm khảm của thi nhân, chúng ta nói được rẳng không có một thi sĩ nào mà không nặng nợ với giai nhân, nhất là dĩ vãng ngủ yên trong hồ mắt ”Liêu trai” màu trăng mặc khách. Lòng muốn điên loạn khi nghe thấy tiếng em cười, cuồng dại bởi câu em nói. Đó là dòng thơ của Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích, nếu ta đi rong chơi xuyên suốt Thi Tâp “Từ Đó Em Yêu” sẽ gặp trong bài thơ ”Lời Ru Tình”. Ông cũng diễn tả bạo dạn hơn với bài thơ ”Nỗi Nhớ Không Em”. Ông viết dưới mọi hình thức khác nhau nhưng ít thấy ông đề cập về Mưa. Tôi bắt gặp duy chỉ có mỗi bài thơ THU ông viết theo thể loại ngũ ngôn tứ cú:
Mưa rơi trên áo em
Từng hạt trôi êm đềm
Giọt sầu nào trên má,
Giọng buồn nào ru đêm!.?
(Bốn Mùa của Hương – HN/NTI)
Có thể nói rằng tiếng mưa là nguồn cảm hứng chuyên chở tâm thức của thi nhân lãng mạn, tiếng mưa có thể là nỗi cảm xúc biến dạng từ tâm hồn thi nhân thành thứ đam mê ngoài thực tế của cuộc đời, gắn liền với bóng giai nhân, cảm xúc đó bừng dậy khi thấy những hạt mưa rơi ướt trên tà áo em, không có em như vầng trâng úa nhạt gát bên thềm. Nỗi nhớ dằng vặt tan nát cõi lòng và lo sợ mưa rơi sẽ lảm mòn gót nhỏ:
Những ngày không có em
Thân vàng như lá đổ
Trăng úa gát bên thềm
Mưa rơi mòn gót nhỏ
(Vết sầu ly hận – Đỗ Vĩnh Khanh)
Nhà thơ Thủy Lâm Sinh quê hương miền cát trắng (Đức Hải, Mộ Đức), thơ ông viết rất là trong sáng, gần gủi với cây cỏ đồng nội, bên bến bờ quê hương ông, bên dòng sông Trà xanh chảy êm ả, Ông có thơ văn đăng rải rác trên các báo ở hải ngoại. Bài thơ ”Mưa có về Xứ Quảng”, nơi phương trời xa xôi ông hỏi về người em gái tại quê nhà với lời thơ chân thật êm ái ngọt ngào:
Xứ Quảng bây giờ mưa lắm không em?
Từng cơn mưa có rả rich bên thềm
Lối cũ anh về nước tuôn trắng cả
Nước từ sông Trà trắng xóa cơn mê
(Mưa có về xứ Quảng - Thủy Lâm Sinh)
Đi tìm tòi ý thơ, theo tôi nhận xét thơ của nhà thơ Bùi Văn Cang dùng ngôn ngữ trong thơ rất chuẩn mực điêu luyện có sức hấp dẫn gọi mời. Đọc thơ ông nghe như chính lòng mình bâng khuâng, cảm xúc. Mưa trong thơ ông như vũ khúc Nghê thường, mưa làm rạn vỡ mảnh gương tình, ông viêt như cho ta thấy một thi ành sống động chờn vờn trước mặt:
Đêm giũ tóc mây đen vần vũ mộng
Ngày trút mưa rạn vỡ mảnh gương tình
(Trích Thi tập Bóng Thời Gian - Bùi Văn Cang)
Phải chăng tiếng mưa lay động làm vỡ màn đêm, lấp ngàn tinh tú thắp sáng không gian, sợi mưa đan vắn, đan dài trong đêm mộng mị bằng những điệp khúc không lời như chuyện lòng tan tác của mảnh đời thi sĩ. Nhà thơ Huy Văn đã nghẹn ngào:
Mưa như muốn vỡ về đêm lẽ bóng
Đan vắn, dài, đêm tí tách mưa rơi!
Bằng xa xăm của điệp khúc không lời
Mưa đang kể chuyện lòng ta tan tác!...
(Cơn mưa đời - Huy Văn)
Một nhà thơ ”cảm thức theo thời gian” qua từng bước đường chinh chiến, đó là Phương Đình. Ông sáng tác rất nhiều bài thơ nói về lính, mang tên các địa danh nỗi tiếng của đất nước như Đông Hà, Ái Tử, Bích La Thôn, Cửa Việt, Eakar vùng đất đỏ Cao Nguyên Trung Việt. Đặc biệt nơi quán trọ bên đường dừng chân đêm mưa, ai hiểu được nỗi lòng người lính mang một hoài bảo bất biến đối với tiền đồ Tổ Quốc. Trăng và men rượu nâng hồn thi sĩ đến tận cùng chơi vơi, phản phất hương xưa màu trăng kỷ niệm, chan chứa môt nỗi buồn mênh mông sầu xứ khi nghe tiếng mưa đêm rơi ngoài quan ải. Chàng trai lứa tuổi đôi mươi Phương Đình mãi thao thức chuyện đời mình và vận mệnh của đất nước mà ông phải can qua, Ông đã gởi gắm chân thật nỗi lòng mình bằng dòng thơ trác tuyệt sau đây:
Trăng đã lên rồi, men cũng lên
Mưa rơi từng giọt đọng bên thềm
Sầu ai quán lữ đêm nao ấy
Nửa kiếp sông hồ tưởng đã quên.
(Quán trọ đêm Mưa – Phương Đình)
Và còn nữa. Mưa…mưa mãi làm trời đất bao la sầu, chảy vào hồn người cảm giác mênh mông như màu sáng tinh anh của vầng nhật nguyệt. Gió mưa đêm ấy, ”Mưa…Mãi” như một điệp khúc cuồng loạn, tiếng mưa giục giã như gọi tên em, làm cho Phương Đình mải-mê chìm đắm trong nửa mộng tình bẽ bàng:
Mưa…mưa mãi
Mưa…trong lòng nhân thế
Vũ trụ sầu
Và hồn thấy mênh mông!
. . . . . . . . .
Gió mưa đêm ấy, Ôi! Cuồng loạn
Nửa mộng tình duyên chớm bẽ bàng!
(Mưa…Mãi - Phương Đình)
Những nhà thơ có số lượng bài thơ đăng trên Website nuiansongtra.net nhiều hơn hết có lẽ là nhà thơ Ngô Văn Giai. Thơ ông viết với những từ ngữ bình dị, đọc dễ hiểu, thích hợp ở mọi trình độ văn hóa, mọi lứa tuổi. Nên thơ ông nhiều người thích đọc, âm điệu thơ thì nhẹ nhẹ. Gió Thu về, mưa bay lất phất, lá rơi xào xạc, chinh là tiếng lòng ông hòa nhịp vào cảnh vật của thiên nhiên:
Gió Thu lại thổi về rồi
Mưa bay lất phất, lá rơi đầy trời
Đêm mưa nghe tiếng Thu rơi
Lá kêu xào xạc giữa trời quạnh hiu.
(Mưa Thu – Ngô văn Giai)
Thơ là miền cư ngụ của tâm hồn thi sĩ, là bến hẹn của nội tâm tự phát, là biểu hiên những cảm xúc, đam mê, không gò bó ràng buộc bởi những từ ngữ, điển tích rời rạt sáo rỗng. Thơ phải đi vào sự thật chân chính, rõ ràng như hai vế cân bằng của toán học. Chúng ta tìm thấy bằng chứng đó trong thơ của nhà thơ Minh Triết Trần Thiện Đạt, dòng thơ ông cấu trúc với âm điệu êm ái quyến rũ nhẹ nhàng, làm cho người đọc cảm xúc lâng lâng. Hiện nay tuổi Ông đã lớn nhưng hồn thơ Ông trẻ như lứa tuổi mười sáu, lời thơ buồn man mác len nhẹ vào tâm hồn người đọc, thênh thang như áng mây bay, ông nhân cách hóa rất đặc sắc, ngộ nghĩnh: “mưa mềm nhung gót bé”, mà ta thấy ông ký thác tâm sự mình trong bài thơ Tà Áo… đã đăng trong Tuyển Tập đặc san Kỷ Yếu Trường Xưa:
Ngoài vạn dặm ta gửi về quê cũ
Lòng rất thơ và quá đổi yêu thương
Thủa nào xưa ta cắp sách đến trường
Phố buổi ấy mưa mềm nhung gót bé
Chiều Thị xã ta âm thầm bước nhẹ
Tà áo dài tha thướt … vướng mây bay…
. . . . . . . .
Hoa sực nức hương đời trong tuổi ngac
(Quảng Ngãi niềm nhớ khôn nguôi – Minh Triết TTĐ)
Với nhà thơ Hồ Phi viết táo bạo hơn dùng từ ngữ tả chân gãy gọn, không cầu kỳ khách sáo. Hãy đọc thơ Ông diễn tả mùa mưa lũ trên dòng sông Trà, quan cảnh sinh hoạt của cư dân sống hai bên sông mà ông mô tả trong bài thơ ”Trà Giang” trích đoạn sau đây:
Lũ lụt Thu, Đông, bờ dựng rớ
Rời nguồn, trôi, chép, cá váo cơ
Ngày đêm mưa gió chen nhau vớt
Rêu cũi trôi sông, rộn xóm bờ…
(Trà giang – Hồ Phi)
Những Thi sĩ có nổ lực sáng tác cho ra những tác phẩm mới lạ và hay mấy đi nữa cũng không thể nào níu lại khoảng cách không gian và thời gian bắt kịp theo đà phát triển không ngừng của nền văn hóa dân tộc được. Giờ đây chỉ còn là ảo ảnh mong manh biến thiên theo cuôc diện của thời đại đổi thay muôn màu sắc, chỉ còn lại kiếp lữ hành cô đơn hát ca khúc “mùa mưa” mang tâm trạng buồn man mác khi nghe tiếng mưa rơi ngoài trời. Hạt mưa nào chuyên chở hết nỗi trăn trở, niềm đau viễn xứ của con người qua mấy cuộc bể dâu:
Hạt mưa nào âm thầm rơi trên gối
Hạt mưa nào chuyên chở mấy niềm đau
Hạt mưa nào qua mấy cuộc bể dâu
Hạt mưa nào nữa đời xa nguồn cội…
. . . . . . . . .
Hạt mưa rơi theo làn mây bay vội.
(Mây – Liên Phương)
Tôi chỉ ghi lai trên đây một số bài thơ của những nhà thơ Quảng Ngãi viết về mưa. Mưa buồn, mưa hắt hiu, mưa sụt sùi, mưa lạnh lạnh, mưa xào xạc, mưa giăng mắc cuôc đời v.v…để nhớ về mùa mưa trên xứ Quảng. Sự thật kiến thức dẫn giải về thơ của tôi hạn hẹp không lột được ý của từng tác giả. Nhưng bản tính tôi thích đọc, nghiên cứu thơ “Không có thơ thì hồn anh sẽ chết. Ngọn bút tà, giũ mộng áng thơ bay”. Và rất mến mộ những bài thơ mà các tác giả đã tận dụng trí tuệ mình trong công cuộc sáng tác cống hiến một tác phẩm nói về Mưa. Tiếp theo nữa, tôi cố gắng sao lục nhưng không làm sao có đầy đủ số lương thơ Mưa để trưng dẫn. Vả lại chủ trương của mỗi tờ báo đều có giới hạn, nên tôi chỉ tóm lược đại khái một số bài có sẵn trên các tạp chí đã xuất bản, nếu có bỏ sót mong qui vị lượng tình tha thứ. Đồng thời đây cũng là dịp tôi muốn nêu tiêu biểu môt số tác phẩm, để đánh dấu một chặng đường thăng tiến trong ”làng thơ“ của các nhà làm văn hoc Quảng Ngãi ở hải ngoại hầu lưu lại trong kho tàng văn hóa đặc thù của con dân Núi ấn Sông Trà. Càng đọc thơ tôi càng thấy bầu trời văn học Việt Nam cao rộng và đẹp đẻ biết bao nhiêu.
Trời Xuân mưa ấm gió ngàn
Hồn xa xót lạnh đêm tàn tạ bay…
(Trích Thơ và Thời gian – Hoa Văn)
Đầu mùa Đông 2010
Đỗ Vĩnh Khanh
Xem các Bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về Webpage www.nuiansongtra.net