Lễ Khai Giảng Niên Khóa 1956-1957 Trường Trần Quốc Tuấn
“Rồi một chiều xuân thơ trinh, cho lòng mình về với dĩ vãng”.
("Chiếc lá cuối cùng", Tuấn Khanh)
KÝ ỨC VÀO TRƯỜNG
Hè 1961, trời thật nóng. Tôi vừa mới xong lớp nhứt trường tiểu học, rất vui và cảm thấy nhẹ người, vì được biết năm nay không thi tiểu học nữa. Thầy Hiệu Trưởng thông báo tôi là một trong hai học sinh của quận Sơn Tịnh được nhận phần thưởng của Ngô Tổng Thống. Vì là phần thưởng đặc biệt của Ngô Tổng Thống, nên sẽ được phát một cách long trọng ở rạp Kiến Thành, có ông Tỉnh trưởng chủ toạ.
Lần đầu tiên trong đời, tôi được qua thị xã Quảng Ngãi, đến rạp Kiến Thành để nhận phần thưởng
Rạp hát Kiến Thành
Từ ngoài nhìn vào, tôi thấy có đội kèn nhà binh và lính bồng súng chào, để đón ông Tỉnh Trưởng. Bên trong rạp có quạt máy, đèn điện sáng choang.
Từ nhà tôi qua thị xã chỉ có năm cây số, vậy mà tôi có cảm tưởng như đến một cõi nào lạ lẫm hết sức: giàu có, sang trọng và quyền uy quá đỗi, so với cái xóm nghèo bên kia sông Trà Khúc của tôi.
Ông tỉnh trưởng Nguyễn Văn Tất đến, trong tiếng quân nhạc dàn chào. Ông bận bộ đồ veston màu trắng, trông thật oai vệ. Sau phần giới thiệu của ông trưởng ty tiểu học vụ, và phần đọc diễn văn của ông Tỉnh trưởng, lễ phát phần thưởng bắt đầu. Có khỏang 20 học sinh tiểu học, đại diện cho 10 quận và thị xã trong tỉnh được gọi tên để lên lĩnh phần thưởng.
Nhận phần thưởng xong, tôi về nhà và trở lại nếp sống bình thường: làm việc nhà, làm ruộng, ôn bài để chuẩn bị thi vào lớp đệ thất Trần Quốc Tuấn.
Cây phượng già trước Trường Trần Quốc Tuấn
Nghe nói kỳ thi này rất cam go. Hơn ba ngàn thí sinh chỉ tuyển 350. Tôi cũng cảm thấy lo, mà chẳng biết lo gì. Tối hôm trước ngày thi, ba mẹ cúng con gà, báo cáo Ông Bà phù hộ cho con cháu gặp may mắn trong thi cử. Đơn giản, trang nghiêm và thành kính. Ba mẹ bảo sao, tôi cứ thế làm y như vậy.
Buổi sáng ngày thi, anh bạn cùng xóm có xe đạp, chở tôi đi thi rất sớm. Đến cổng trường Trần Quốc Tuấn, tôi hơi choáng vì thấy trường gì mà to lớn quá chừng, bằng mấy lần trường tiểu học của tôi. Xung quanh đông đảo phụ huynh, thí sinh ồn ào bàn tán, khiến tôi cũng cảm thấy lo lắng. Thí sinh lần lượt vào phòng thi. Thí sinh phải thi ba môn: buổi sáng tập làm văn, thường thức và buổi chiều là môn toán.
Tôi còn nhớ đề tập làm văn:
-“Hè này trò chọn đi nghỉ hè ở vùng núi hay vùng biển? Tại sao?”
Quê tôi núi cũng có, biển cũng có, nhưng từ trước đến giờ tôi có được đi nghỉ hè ở vùng nào đâu? Ngày thường cũng như tháng hè, cứ đi học về thì lo phụ mẹ việc nhà, phụ làm ruộng với ba mẹ, nhất là những ngày muà cấy hay muà gặt. Thế nhưng đây là tập làm văn mà, tôi phải cố gắng tưởng tượng để tả vùng núi, vùng biển, rồi lại kết luận là năm nay tôi đi nghỉ hè ở… nhà bà Ngoại, vì được bà cưng, rất vui và được ăn cơm ngon nữa chớ.
Đề thi thường thức có câu hỏi:
-“Trò hãy vẽ bản đồ nước Úc và ghi tên Thủ đô Úc”.
May quá, có ai đó đã ném nháp vào, và người cạnh tôi là bạn Vy Chớ vớ được. Thế là tôi được hưởng xái nháp của Vy Chớ. Giờ thi này hơi lộn xộn, mất trật tự. Võ Chanh, học sinh xóm trên, lớ ngớ thế nào, nghe nhắc lõm bõm thủ đô nước Úc là Canbera, lại ghi vào bài là Câu Cá Rô. Võ Chanh bị rớt kỳ thi đó.
Học sinh Trường Trần Quốc Tuấn
Trưa về Ba hỏi con tập làm văn thế nào? Có sao kể vậy. Ông bảo lạc đề rồi con ơi. Ông có vẻ buồn, trầm ngâm một lát, rồi cũng cảm thấy tức cười. Có lẽ ông cho rằng đề thi oái ăm quá. Nhè những đứa trẻ nhà quê, suốt đời ru rú với trâu bò gà vịt như tôi, mà bắt tả chuyện nghỉ hè miền biển, miền núi. Đúng là…lung tung.
Buổi chiều thi toán. Tôi nhớ mang máng đề toán vòi nước. Cài hồ có dung tích nhất định. Có mấy vòi nước chảy vào hồ với tốc độ gì đó, mấy vòi nước chảy ra với tốc độ gì đó. Hỏi bao lâu nước cạn hoặc đầy hồ. Bây giờ thì tôi không nhớ rõ là hồ cạn hay đầy, chỉ nhớ đại khái vậy thôi. Bài làm cũng tạm được.
Thi xong tôi cảm thấy rất khoẻ và vô tư, không bận tâm gì đến chuyện đậu rớt. Nhưng Ba Mẹ thì tỏ ra rất lo lắng. Sau này thì tôi hiểu được tại sao. Tôi mà rớt, phải đi học trường tư, thì mỗi tháng phải nộp học phí rát cả ruột .Tôi cứ ở nhà phụ việc với Mẹ. Lúc nào rảnh thì đi đá banh, đánh vụ, đánh trổng, bắn bi…
Khoảng chừng nửa tháng sau, vào buổi trưa, chú Phát (Dương Thái Phát) đi xe đạp tới báo:
-“Mày đậu rồi, hạng 63, trung bình. Hôm qua trường xướng danh, treo bảng, và đã xếp lớp. Mày vào lớp đệ thất 4”.
Vậy thôi, chứ tôi cũng không đi xem bảng. Tôi cảm thấy vui, nhưng là niềm vui nhẹ nhàng, không so được với niềm vui sôi nổi của Ba Mẹ.
Xóm trên và xóm dưới, số học sinh thi đậu cũng nhiều. Dương Trọng, Dương Thái Phát, Trần Thanh, Trần Ngộ, Trương Hậu, Võ Thành Văn, Dương Khôi Anh, Dương Mộng Hổ, Đỗ Kim Đông.
Không có học sinh nữ nào trong xã thi đậu Trần Quốc Tuấn. Phát và Hổ đậu rất cao. Hình như khoá này Phan Thông thủ khoa, có tới chín á khoa thì phải. Dương Thái Phát, Dương Mộng Hổ, Lương Văn Việt, Nguyễn Thi Mỹ Anh, Nguyễn Văn Chừng… Thật hoành tráng.
Từ ngày thi đậu Đệ thất Trần Quốc Tuấn, hình như tôi được chú ý, và trở thành quan trọng hơn. Nhiều người hỏi thăm, nhất là khi đi ăn đám giỗ. Bà con trầm trồ, xúm hỏi chuyện, khen ngợi. Không biết đàng nào mà trả lời. Mấy đứa bạn cùng chơi thì chiều chuộng, nể nang mình hơn hồi chưa đậu. Buồn cười nhất là ông Bảy Nguồn, ông cai trường tiểu học cũ, gặp tôi, ông cầm tay, khen nức nở, nói:
-“Bây ráng qua Thị xã học giỏi, sau này làm Tổng Thống cho tao nhờ”.
Tôi lúc đó có biết gì tới Tổng Thống đâu, nhưng có nhớ tới câu chuyện trong sách giáo khoa, có ông Đại tướng Carnot về làng, đi thăm thầy cũ, thế là đủ cảm thấy sung sướng,như mình đã là đại tướng rồi vậy.
Rồi Cậu Ba cho cây viết Pilot màu xanh, có khắc tên tôi. Dượng Một cho hủ mực Paker, ông anh họ cho cuốn G Mauger I đã cũ… Lên đường dự ngày khai giảng, từ đó tôi là học sinh của trường Trung Học TQT niên khóa 1961 - 1968, trong suốt bảy năm, năm đầu Đệ Thất 4, năm cuối Đệ Nhất B3.
KÝ ỨC TRỞ VỀ.
Năm 1968, Mậu Thân, tôi đậu tú tài 2, và xa mãi ngôi trường có bảy năm học tập ở đó, để đi học tiếp, rồi lập gia đình, lập nghiệp, và ở hẳn Saigon. Tôi đã trải qua bao biến động của thời thế, của cuộc đời…, để thấy rõ được cái tính chất vô thường của cuộc sống. Thế nhưng, ở một lĩnh vực trừu tượng của tâm hồn, tình cảm của tôi đối với những người thầy cũ, bạn cũ, trường xưa… thì hầu như chẳng có gì thay đổi. Xa quê, xa trường đã trên bốn mươi năm rồi còn gì, vậy mà, sao tôi cảm thấy tình cảm của mình vẫn đầy vấn vương, không hề phai nhạt.
Tôi có nhiều may mắn, hình như trong hơn bốn mươi năm đó, năm nào cũng có dịp về thăm quê, thăm bạn, thăm trường. Mỗi chuyến về thăm, thấy trường dần dần thay đổi. Nhân sự đông hơn, cơ sở vật chất rộng hơn, cao hơn, đẹp hơn, nhưng sao… hình như trường ngày càng có vẻ xa lạ với mình? Những thầy cô bây giờ, những học sinh bây giờ có chút nào đồng điệu với mình, có muốn đón nhận tấm lòng của một cậu học trò Trần Quốc Tuấn của ngày xưa cũ? Tóc đã bạc rồi, mà lòng không bạc, khi đứng trước cửa trường xưa. Tôi đang tìm gì ở đó? Chút tình, tuổi thơ ngây, hoài bão, kỷ niệm? Hay tìm cái nền tảng nhân văn của trường mình? Có lẽ là tất cả.
Tôi đã đi nhiều nơi, gặp nhiều bè bạn cũ, sản phẩm của trường. Có thể là những người bạn thành đạt, trở thành những ông lớn, những đại gia. Có thể là những người bạn sa cơ. Tôi từng gặp từng người bạn cũ đang sống bằng nghề chạy xe ôm ở Pleiku, một người khác đang chạy xích lô ở Nha Trang, một bạn nữa đang trồng rau cải ở Bảo Lộc. Có những bạn một thời ôm chí lớn, chọc trời khấy nước, bây giờ đã “đi về bàn tay không”, hàng ngày lầm lũi với nương rẫy. Mà dù ở đâu, dù hoàn cảnh sống như thế nào, tôi vẫn cảm thấy đó là người đồng điệu, vẫn ngồi tâm sự hàn huyên không chán. Vẫn sôi nổi kể chuyện đời, sôi nổi nhắc về trường xưa, tự hào về thầy cô, bè bạn cũ... Trao đổi đủ chuyện trên đời, văn chương, âm nhạc, tình yêu, chiến tranh, chính trị, tôn giáo, Tự Lực Văn Đoàn, kiếm hiệp Kim Dung, thơ cũ, thơ mới, thầy Hy, thầy Trai, thầy Phước, .. Cô Hoa, thầy Thư, thầy Kỉnh… Thật tình tôi không chán, vẫn thấy nhân cách, cá tính của từng bạn, có chiều sâu, bản lĩnh và mạnh mẽ. Bạn bè tôi có người là VNCH, có người là VC, ai cũng có cái riêng, nhưng vẫn có một nét đồng điệu rất chung nào đó khi gặp gỡ nhau. Và như vậy, chúng tôi luôn có một tiếng nói chung để tồn tại. Phải chăng đó là tiếng nói bắt nguồn từ “hào khí Đông A” hay còn gọi là bản sắc Trần Quốc Tuấn.
Tháng 10 năm 2004, đi dư hội chợ quốc tế về đồ gỗ ở Hight Point, North Carolina (USA), xong việc, tôi bay về Cali thăm bè bạn. Tụ họp lại, cũng phần đông là các bạn Trần Quốc Tuấn cũ. Gặp Trần Xuân Lợi, sĩ quan Thủy quân Lục chiến, đẹp trai, dữ dằn ngày xưa. Tôi từng gặp Lợi một lần, năm 1973, tại trường Bộ Binh Thủ Đức. Lúc đó Lợi, 25 tuổi, cấp bậc đại úy, đi học khoá tham mưu cao cấp Tiểu Đoàn. Tại Mỹ, gặp tôi, Lơị hỏi, mày xưa theo VC? Tôi thản nhiên: Ừ.
Rồi chúng tôi cùng sôi nổi, nhắc lại chuyện trường xưa, bạn cũ. Những kẻ nơi đất khách, những người ở quê nhà. Những người bạn đã mất trong thời binh lửa: Lý Hồng Việt, Nguyễn Trung Thành (Campuchia), Lương Quang Lộc (Quảng Trị), Lê Ngọc Thanh (Tiên Phước, Quảng Nam)… Đêm đó tôi say như chưa từng biết say. Sáng chia tay, kìm lòng lắm để khỏi rớm nước mắt.
Trường Trần Quốc Tuấn ngày nay
Tháng 11 năm 2010, về Đức Nhuận, Mộ Đức, dự giỗ mẹ Lê Quang Huyền, chúng tôi cùng gặp gỡ trong một mâm cơm có Trần Thuật Ngữ, Trần Đức Mạnh, Nguyễn Đông Sơn. Vui, say và đầy hào khí như mấy chục năm về truớc. Tôi có biết hát đâu, mà vẫn hát như thường, có biết ngâm thơ đâu, mà vẫn sang sảng, mà gào lên những bản trường ca...
Một ngày nọ, tôi đưa gia đình về thăm quê, cùng đi thăm trường cũ. Vợ nói, trường anh học có vẻ buồn, sao xa nhà quá vậy! Cô con gái đầu, ngậm ngùi, thương cho đời học sinh vất vả của ba. Cậu con trai lớn, lạnh nhạt, vô tư. Cô con gái kế, sôi nổi hơn, hỏi về các trò chơi của ba thời đó. Cậu trai út chia sẻ đôi chút, hỏi ngày xưa ba ngồi học ở chỗ nào? (đâu còn nữa)… Tự nhiên tôi cảm thấy mềm lòng, cảm thấy mình xa lạ ngay trong cái ngôi trường thân thương một thời tuổi nhỏ. Ngay cả bên cạnh những người thân yêu nhất trên đời. Sao lạ vậy? Mất hết rồi sao? Không ai chia sẻ cả? Ngôi trường to lớn, hùng vĩ, oai nghiêm này mà là trường Trần Quốc Tuấn của tôi? Những đám đông qua lại đằng kia, có chút gì ràng buộc với quá khứ và kỷ niệm? Vợ và các con tôi làm sao hình dung được những ảnh hình quá khứ, những khuôn mặt cố nhân in dấu ở ngôi trường này!!
Dương Minh Chính, Hạ Long 2009
Tôi buồn mà không giận. Như một buổi chiều Đông nào đó, trời mưa lạnh, đã 17h30, tôi đứng trước cổng trường, xin người bảo vệ cho vào, để đi một vòng năm phút rồi ra. Vậy mà có được đâu, vì đã hết giờ rồi. May phước, lần đó tôi không xưng là học trò cũ.
“Từng người tình bỏ ta đi, như những dòng sông nhỏ” Chả nhẽ mọi thứ đều đã phôi pha? Không, tôi tin là mình vẫn còn nhiều chứ? Rồi cũng chính tôi lại băn khoăn: liệu có thực sự là nhiều lắm không? Chắc là còn, như những người bạn trong đời (70% là bạn học Trần Quốc Tuấn) và những hồi ức về một thời tuổi nhỏ, những kỷ niệm in sâu trong tâm thức, lúc nào cũng sẵn sàng bùng cháy khi gặp được một mồi lửa nhen lên. Mồi lửa đó, chúng tôi đặt cho một cái tên chung: tinh thần Trần Quốc Tuấn.
Dương Minh Chính
12/12/2010
Đọc Bài liên hệ tại đây
Trở về Homepage www.nuiansongtra.com