Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn học
CÔNG ƠN CHA MẸ CON NÀO DÁM QUÊN
ĐÀO ĐỨC NHUẬN

ƠN NGHĨA SINH THÀNH
Sáng tác: Dương Thiệu Tước
Ca sĩ: Hương Lan

* * *

CÔNG ƠN CHA MẸ CON NÀO DÁM QUÊN

Đào Đức Nhuận

 

Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra...

Cha kính yêu của chúng con! Công ơn của cha và hình ảnh của cha vẫn mãi mãi sừng sững cao vời trong tâm trí của chúng con. Cha đùm bọc, cha che chở cho bầy con của cha từ lúc sơ sinh cho đến khi trưởng thành và sự che chở đùm bọc đó mới cần thiết biết dường nào:

Con có cha như nhà có nóc

Nào ai có thể mường tượng được một ngôi nhà không có nóc? Và làm sao con có thể nghĩ được một gia đình vắng bóng người cha? Cha là cột trụ của gia đình. Cùng với mẹ, cha đã có một cuộc sống tất bật, gian truân, quên cả thân mình cũng vì con:

- Anh đi làm mướn nuôi ai
Cho áo anh rách, cho vai anh mòn?

- Anh đi làm mướn nuôi con
Áo rách mặc áo, vai mòn mặc vai!

Xin hãy nhìn kỹ vào hình ảnh hy sinh cao vời đó của cha!

 

 

Có thể là vì nghèo cha phải đi làm mướn, làm thuê cho người khác, thế nhưng, làm mướn ở đây cũng có thể là “làm mướn” cho chính cuộc sống thường nhật của mình, tức là đem sức lao động cật lực của chính mình để tạo ra của cải vật chất nuôi con!

Cùng với mẹ, cha đã lo lắng cho các con của cha từ tấm bé, cha thương yêu, đùm bọc các con của cha tuy không bộc lộ thiết tha nồng nàn như tình thương yêu của mẹ, nhưng tình thương yêu đùm bọc của cha cũng quan trọng và cần thiết biết bao nhiêu. Bởi vì cha là người luôn luôn đỡ đần những công việc nặng nhọc, nhất là những công việc đồng áng cần nhiều sức lực; nhưng nếu chẳng may cha quá vãng, người con lớn phải lo thay cha để đỡ đần công việc nặng nhọc cho mẹ và như thế là con phải lao động như một người lớn để mẹ có thể chăm sóc cho bầy em thơ dại:

Còn cha gót đỏ như son
Một mai cha thác gót con đen sì

Và cha là cái gạch nối cần thiết giữa tiểu gia đình và đại gia tộc của giòng họ; nếu chẳng may cha quá vãng sớm, cái gạch nối cần thiết không còn nữa, bà con thân thích rồi cũng dần xa:

Còn cha nhiều kẻ yêu vì
Một mai cha thác ai thì yêu con!

Và mẹ nữa, mẹ yêu quý của các con! Cùng với tình thương yêu kín đáo mà bao la của cha, tình thương yêu của mẹ như nguồn nước suối trong lành dịu ngọt vỗ về cuộc sống cho các con. Dưới mắt nhìn của bầy con của mẹ, mẹ là báu vật của cuộc đời, mẹ là suối nguồn hương vị ngọt ngào đầy quyến rũ:

Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp mật, như đường mía lau

Mẹ vất vả và chịu hiểm nguy vì con ngay từ khi con còn trong bào thai cho đến khi khai hoa nở nhụy mẹ tròn con vuông mà không một lời than van, không một lời đòi hỏi.

...Bào thai chín tháng mang ta
Kiêng khem, tật bệnh ai hòa chịu chung?

Việc sinh nở của tổ tiên ta ngày xưa thật muôn vàn hiểm nguy, nhất là trong những trường hợp sinh khó thì mười phần chỉ có một phần sống sót, vì thế việc sinh nở của mẹ được xem như là một cuộc “vượt cạn” đầy nguy nan:

Vượt bể Đông có bè có bạn,
Mẹ sinh ta vượt cạn một mình...

Nghe tiếng khóc oe oe đầu đời của con, mẹ ngụp lặn trong niềm hoan lạc, và mẹ biết rằng từ giờ phút nầy, mẹ bắt đầu một cuộc đời mới trong tình mẫu tử thiêng liêng:

Thương thay chín chữ cù lao
Tam niên nhũ bộ biết bao nhiêu tình!

Khi con đã được sinh ra, Mẹ biết mình còn phải bận bịu vì con, phải gian nan vất vả trăm chiều cũng vì con nhưng đồng thời cũng mang lại cho mẹ một niềm vui vô cùng to lớn:

Có con đi chẳng kịp người
Mắc cho con bú, mắc cười với con

Nghe những tiếng nói bập bẹ thơ ngây đầu đời của con, mẹ sung sướng khác nào làm chủ một kho tàng đầy ngọc ngà châu báu:

Có vàng vàng chẳng hay phô
Có con con nói trầm trồ mẹ nghe

Mẹ luôn canh chừng giấc ngủ thiên thần cho đứa con bé bỏng của mẹ. Mẹ đưa con vào giấc ngủ êm đềm bằng những lời ru óng ả mượt mà ngọt ngào tình tứ. Với những ngày đầu đời của con, mẹ thách đố với thời gian, mẹ hy sinh giấc ngủ của mình để canh chừng cho giấc ngủ của con:

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chầy thức đủ năm canh

Mẹ quên thân mẹ và bao giờ cũng chỉ nghĩ đến con, tất cả vì con. Vào những ngày tháng xa xưa, trên quê hương Việt Nam còn nghèo khó, tã của trẻ em chỉ là một nửa vuông vải vừa đủ quấn quanh mông đứa bé. Bé tiểu tiện thường ướt ra cả chiếu. Vậy là mẹ vội vàng thay tã cho con rồi đặt con sang chỗ ráo, mẹ nằm chồng lên chỗ con đái rồi lại tiếp tục cho con bú hay tiếp tục ru con ngủ:

Nuôi con chẳng quản chi thân,
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn

Và cũng vào những ngày xa xưa đó, quê hương mình làm gì đã có những sữa tươi, sữa bột, những thực phẩm chế biến sẵn cho trẻ sơ sinh như bây giờ. Để nuôi con, ngoài nguồn sữa mẹ, mẹ phải nhai từng miếng cơm cho nhuyễn như hồ để mớm cho con thơ của mẹ:

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương!

Trong từng bữa ăn, mẹ nhường những phần ăn ngon nhất cho chồng cho con, đó là biểu thị của đức hy sinh cao cả của người phụ nữ Việt Nam:

...Miếng nạc thời để phần chồng
Miếng xương mẹ gặm, miếng lòng con ăn

Đứa con là núm ruột thương yêu của mẹ, thế nên, mỗi khi con bị trái gió trở trời là mỗi khi mẹ thấy mình như đang ngồi trên đống lửa, như đứng trên đống than:

...Những khi trái nắng, trở trời
Con đau mà mẹ đứng ngồi không yên

Đứa con là núm ruột thương yêu của mẹ, thế nên, mỗi khi con nhuốm bệnh thì mẹ cũng thấy như chính mình nhuốm bệnh, mẹ lo lắng bồi hồi, mẹ nghĩ ngợi xót xa:

Con ho lòng mẹ tan tành,
Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi!

Đối với các bậc cha mẹ, dạy dỗ con cái là bổn phận hàng đầu, bởi vì cha mẹ vẫn luôn tâm niệm rằng:
Có con chẳng dạy, chẳng răn
Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng!

Vậy nên, ngay từ khi con còn tấm bé, cha mẹ đã lo lắng tìm thầy dạy dỗ cho các con mai sau nên người:

Dạy con từ thuở tiểu sinh
Gần thầy, gần bạn tập tành lễ nghi
Học cho cách vật trí tri
Văn chương, chữ nghĩa nghề gì cũng thông

 

 

Các con làm sao quên được những lời khuyên răn vừa ngọt ngào âu yếm, vừa tha thiết chí tình của cha mẹ đối với các con:

Con ơi muốn nên thân người
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha...

Bởi vì các con vẫn luôn luôn nghĩ như lời thế nhân vẫn thường căn dặn:

Cá không ăn muối cá ươn
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư

Nỗi lo lắng của cha mẹ đối với các con thật không cùng. Và nỗi lo lắng đó cứ tăng dần, tăng dần theo thời gian trưởng thành của từng đứa con:

Miệng ru mắt nhỏ hai hàng
Nuôi con càng lớn mẹ càng lo thêm

Không phải chỉ có một mình mẹ lo mà là nỗi lo lắng chung của cả cha và mẹ - những nỗi lo thật chính đáng, mà cũng vô cùng thiết thực. Con tài giỏi quá, cha mẹ sợ con ỷ vào cái tài mà sinh ra kiêu mạn khinh người. Con khờ dại quá, cha mẹ sợ con ra đời không theo kịp chúng, kịp bạn:

Con tài: lo láo, lo kiêu
Con ngu: thì lại lo sao kịp người

Khi các con chưa lập gia đình riêng, thậm chí ngay cả khi đã trưởng thành, cha mẹ vẫn thường đỡ đần cho các con của cha mẹ nhiều việc lắm. Tuy lúc nào cha mẹ cũng muốn đỡ đần công việc nặng nhọc cho các con của cha mẹ, nhưng cha mẹ cũng từng khuyên các con không nên hoàn toàn ỷ lại, phải tự mình biệt lo toan mọi việc:

Có mẹ thời mẹ làm cho
Nhỡ mà không có phải lo mà làm

Cha mẹ chăm chút cho đời sống của các con, lúc nào cũng mong cho con cái được bằng chúng bằng bạn, không muốn cho con cái phải thua sút một ai dù đời sống gia đình có vất vả trăm chiều. Có rời khỏi bàn tay bảo bọc của cha mẹ, các con mới thấy hết giá trị của tình thương yêu bảo bọc của mẹ cha đối với mình:

Ở nhà với mẹ, với cha
Cái nón tiền rưỡi, quai ba mươi đồng
Đến khi bước về nhà chồng
Cái nón mười đồng, quai lại bằng mo!

Thế nên các con khi lập gia đình riêng cũng muốn được sống gần mẹ, gần cha để nhỡ khi tối lửa tắt đèn còn có nơi nhờ cậy:

Muốn cho gần mẹ, gần cha
Khi vào thúng thóc, khi ra quan tiền

Và các con khi muốn lập gia đình riêng cũng dựa vào điều kiện:

Tham nơi sây trái, sây hoa
Tham nơi có mẹ có cha mà nhờ

Khi các con đã khôn lớn, đã biết đem sức lực để tạo cuộc sống riêng mới thấy hết giá trị của miếng cơm, manh áo của cha mẹ lo cho mình - cho dù chỉ là một bát cơm độn, một manh áo vá nhưng là miếng cơm manh áo đầy ắp tình thương yêu của cha mẹ đối với các con:

- Cơm cha áo mẹ ăn chơi
Cất lấy cơm người đổ bát mồ hôi!

- Cơm người khổ lắm mẹ ơi!
Chẳng như cơm mẹ chỉ ngồi mà ăn!

Cha mẹ không chỉ là nơi nương tựa của các con về đời sống vật chất mà cha mẹ còn là nơi cho các con nương tựa về đời sống tinh thần với những lời khuyên răn, chỉ bảo thiệt hơn trong cuộc sống hằng ngày:

Thuyền không bánh lái thuyền quày
Con không cha mẹ ai bày con nên?

Thế nên, vắng cha hay thiếu mẹ là một thiệt thòi vô cùng lớn lao cho các con, nhất là các con còn ở lứa tuổi thanh xuân, trẻ người non dạ, sự đời chưa từng trải:

Mồ côi cha mỗi điều mỗi thiệt
Mồ côi mẹ mỗi việc mỗi thua...

Hay:

Có cha có mẹ thì hơn
Không cha, không mẹ như đờn đứt dây
Đờn đứt dây cũng còn ngõ nối
Cha mẹ chết rồi sớm tối cậy ai?

Người đời vẫn thường ca tụng “cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng”. Đây là một sự thực mà nhiều thế hệ kế tiếp nhau phải đem chính máu thịt của mình, bằng chính mồ hôi nước mắt của mình để hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng của các bậc phụ mẫu mới có thể đi đến một kết luận tuyệt vời này:

Lên non mới biết non cao,
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ

Cái công ơn “cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng” đó, các con xin trọn đời khắc cốt ghi xương, cái “công cha nghĩa mẹ cao vời” đó, các con phải trọn đời tạc dạ ghi lòng như lời căn dặn của các bậc trưởng thượng đối với các con:

* Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao, biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!

* Ơn cha, nghĩa mẹ chớ quên
Ơn vua lộc nước mong đền con ơi!

Vâng, các con làm sao quên được công ơn cha mẹ ; các con phải luôn luôn ghi nhớ những công ơn cao vời đó để mà lo báo đáp:

Ân cha, nghĩa mẹ nặng trìu
Ra công báo đáp ít nhiều phận con

Làm con lúc nào cũng phải nghĩ đến công lao của cha mẹ, những công lao mà không bút mực nào có thể lột tả hết được, không có gì có thể so sánh được và một đời các con đền đáp cũng không tài nào bù đắp được:

Công cha nghĩa mẹ cao vời
Nhọc nhằn chẳng quản, suốt đời vì ta
Nên người, con phải xót xa
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao
Đội ơn chín chữ cù lao
Sanh thành kể mấy công lao cho vừa!

Đền đáp công ơn biển trời của cha mẹ đối với các con là chu toàn đạo hiếu kính mang tính truyền thống của dân tộc. Không phải đợi đến khi người Trung Hoa truyền bá đạo Nho vào Việt Nam, dân ta mới biết đến đạo hiếu mà ngay từ thời lập quốc cách đây hơn 4 ngàn năm tổ tiên ta đã chu toàn đạo hiếu một cách tốt đẹp. Câu chuyện “bánh chưng, bánh dầy” của Lang Liêu dưới đời vua Hùng Vương thứ 6 đã nói lên đạo hiếu kính của dân tộc Việt từ thời xa xưa. Có thể nói, đối với người Việt Nam chúng ta đã “lấy sự hiếu với cha mẹ là mối luân thường rất lớn, làm đầu trăm nết hay của người” (Phan Kế Bính,Việt Nam Phong Tục, tr.21). Lòng hiếu thảo là bước căn bản của đời sống đạo đức xã hội của dân tộc ta, “không phải nhà nho mới biết hiếu thảo, dân chúng Việt Nam vẫn bẩm sinh một mối tình sâu thẳm đối với bậc làm cha mẹ” (Thanh Lãng, Văn Chương Bình Dân, tr.45)

* Đã làm người ở trong trời đất
Ai là không cha mẹ sinh thành
Có cha mẹ mới có mình
Ở sao trọn hiếu, trọn tình làm con.

* Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ, kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Hay:

Cù lao đội đức cao dày
Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng

Chữ Hiếu là gì? Hiếu là tình cảm và cũng là cung cách đối xử của con cái đối với các bậc cha mẹ. Khi cha mẹ còn sống, con cái phải kính trọng, thương yêu và phụng dưỡng cha mẹ chí tình. Gặp khi cha mẹ đau ốm hay chẳng may gặp phải tật nguyền, sự phụng dưỡng của con cái lại phải càng tận tình hơn. Khi cha mẹ quá vãng, con cái phải thường xuyên hương khói phụng thờ, không chút xao lãng.

Để đền đáp công ơn cha mẹ, con cái phải biết giữ gìn đời sống đạo đức, đừng làm những điều xằng bậy mà gây tiếng xấu làm khổ tâm cha mẹ và đó cũng là ước vọng của các bậc cha mẹ đối với con cái:

Nuôi con cho được vuông tròn
Mẹ thầy dầu dãi, xương mòn gối long
Con ơi, cho trọn hiếu trung
Thảo ngay một dạ kẻo luống công mẹ thầy!

Khi cha mẹ về già, làm con phải lo nuôi dưỡng:

Khó nghèo củi núi, rau non
Nuôi cha, nuôi mẹ cho tròn nghĩa xưa

Dù sinh sống ở bất cứ phương trời nào, là người con hiếu thảo, cũng luôn luôn nhớ đến mẹ cha mà tìm cách báo đáp, dù chỉ là một báo đáp thật nhỏ nhoi nhưng nó cũng nói lên cái chí tình của con cái đối với cha mẹ:

* Ngó lên Hòn Kẽm, Đá Dừng
Thương cha, nhớ mẹ quá chừng bạn ơi!

* Ai về tôi gởi buồng cau
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy
Ai về tôi gởi đôi giày
Phòng khi mưa nắng để thầy mẹ đi.

Học tấm gương hy sinh của cha mẹ lúc nuôi con, người con cũng phải biết hy sinh để đền công cha mẹ:

Khó nghèo đòn gánh liền vai
Bán buôn nuôi mẹ, giàu ai mặc giàu

Hay:

Khó nghèo xé vạt vá vai
Làm thuê nuôi mẹ không quản ai chê cười

Khi cha mẹ đã già, làm con phải hết lòng phụng dưỡng, phải biết hy sinh cá nhân mình mà nghĩ đến mẹ cha:

* Chẳng thà tôi ăn củ đưng, củ lát
Để cho mẹ cha ăn bát cơm đầy
Đền ơn cha mẹ, nhớ ngày dưỡng sinh

* Đói lòng ăn hột chà là
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng

* Đói lòng ăn trái ổi non
Nhịn cơm nuôi mẹ cho tròn nghĩa xưa!

Làm con chăm chút cho cha mẹ già cũng giống như ngày xưa mẹ cha đã chăm chút cho con cái:

Tôm càng lột vỏ, bỏ đuôi
Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già

Hay:

Cá rô anh chặt bỏ đuôi
Tôm càng bóc vỏ anh nuôi mẹ già

Dù đời sống có khó khăn, người con cũng cố gắng tìm miếng ngon vật lạ mà nuôi cha mẹ, và chính trong hoàn cảnh nghèo khó đó mới chứng tỏ được lòng hiếu thảo của người con. Người xưa đã từng nói “gia bần tri hiếu tử” (nhà nghèo mới thấy được người con có hiếu):

Ba tiền một khứa cá buôi
Cũng mua cho được mà nuôi mẹ già

Phụng dưỡng mẹ cha không phải chỉ bằng miếng ăn miếng uống mà con phải chăm sóc thật chu toàn mẹ cha khi nắng lửa, lúc mưa dầm:

Làm trai nết đủ trăm đường
Trước tiên điều hiếu đạo thường xưa nay
Công cha đức mẹ cao dày
Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ
Nuôi con khó nhọc đến giờ
Trưởng thành con phải biết thờ hai thân
Thức khuya dậy sớm ân cần
Quạt nồng, ấp lạnh giữ phần đạo con

Dù đã có gia đình riêng, có cơ ngơi riêng, con cái lúc nào cũng phải chú trọng chăm sóc đến đời sống hằng ngày của hai đấng sinh thành. Ngày nay, sống trong xã hội Hoa Kỳ, mỗi năm có một ngày để tưởng nhớ về mẹ (Mother's day) và một ngày để tưởng nhớ về cha (Father's day), nhưng đối với người Việt ta xưa, mỗi ngày là một ngày “Mother's day” và mỗi ngày là một ngày “Father's day”, nghĩa là ngày nào con cái cũng phải lo thăm viếng, phụng dưỡng cha mẹ, nhất là khi cha mẹ đã trở về già:

Mẹ già ở túp lều tranh
Sớm thăm, tối viếng cho đành dạ con

Sự thăm viếng cha mẹ thường xuyên của người con hiếu thảo chính là thang thuốc bổ tinh thần làm tăng thêm tuổi thọ của mẹ cha. Trong hoàn cảnh hiện tại, một số con cái phải gởi cha mẹ trong khu dưỡng già (nursing home). Tuy nhiên, người con phải cố gắng sắp xếp thời giờ để viếng thăm cha mẹ, bởi vì cha mẹ già chỉ muốn được nhìn thấy mặt con cháu, chỉ muốn được nghe tiếng nói thân thương của con cháu chứ không phải cần đến miếng ăn miếng uống – “một mặt hơn mười gói” là như vậy đó.

Đến khi cha mẹ quá vãng, làm con có hiếu phải hương khói phụng thờ để báo đáp công đức sinh thành:

Công cha ba năm sinh thành tạo hóa
Nghĩa mẹ chín tháng cực khổ cưu mang
Hai đứa mình lấy chi đền nghĩa báo ân
Lên non gánh đá xây lăng phụng thờ!

Làm cha mẹ nuôi con nào có mấy ai nghĩ đến ngày mai con cái phải trả ơn, trả nghĩa cho mình; thế nhưng, làm con thì phải luôn luôn nhớ rằng “trẻ cậy cha, già cậy con”:

Lắng tai nghe những giải bày
Cha sinh, mẹ dưỡng sánh tày bể Đông
Lấy gì trả nghĩa đền công
Ở sao cho xứng tấm lòng mẹ cha
Nuôi con tươi tốt như hoa
Phòng khi cha già, mẹ yếu cậy con...

Không phải chỉ có con trai mới có nghĩa vụ nuôi dưỡng mẹ cha lúc về già mà ngay con gái cũng phải gánh vác nghĩa vụ thiêng liêng đó:

Chiếc tàu Nam Vang đậu ngang cồn cát
Xuồng câu tôm đậu sát mé bờ
Biểu anh cưới vợ, đừng chờ
Em còn ở vậy, cha mẹ nhờ đôi năm

Thế nên, ngày xưa, những cô gái lấy chồng xa nhà thường bị người đời trách cứ:

Chim đa đa đậu nhánh đa đa
Chồng gần không lấy để lấy chồng xa
Một mai cha yếu, mẹ già
Bát cơm ai xới, kỷ trà ai dâng?

Đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ phải bằng tất cả sự chí tình. Phụng dưỡng cha mẹ chí tình là một thái độ tu hành chân chính:

Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha, kính mẹ ấy là chân tu

Những người con chí hiếu lúc nào cũng cầu nguyện cha mẹ dồi dào sức khỏe, lúc nào cũng sống bên mình để mình được phụng dưỡng, được đền đáp công ơn:

Lâm râm khấn vái Phật trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con!

Thế nhưng, làm người ai có thể sống mãi ở đời. Rồi cũng có lúc mẹ cha phải xuôi tay nhắm mắt để lại cho con cái bao nỗi tiếc thương:

Mẹ già như mít chín cây
Gió đưa mẹ rụng con rày mồ côi!

Đời sống hiếu thảo như những tấm gương, như những bài học của thế hệ trước đối với thế hệ sau. Thế hệ trước làm tốt, thế hệ sau được soi tấm gương tốt, được học bài học tốt. Thế hệ trước làm xấu, thế hệ sau phải chịu soi những tấm gương mờ, phải bắt chước những bài học xấu.

Có câu chuyện xưa kể rằng:

“Giáp dùng một cái gáo dừa làm chén ăn cơm cho cha già trong lúc gia đình Giáp lại dùng chén bát bằng sứ. Con của Giáp thấy vậy bèn hỏi Giáp:

- Cha ơi, sao cha lại cho ông nội ăn cơm trong cái mẻ dừa vậy cha?

Giáp điềm nhiên trả lời:

- Vì ông nội run tay hay làm bể chén nên cho ông nội ăn bằng cái mẻ dừa nầy, lỡ có rớt cũng không sao!

Hôm sau, đứa con của Giáp kiếm được một cái sọ dừa bèn hì hục mài mài, dũa dũa. Giáp thấy lạ bèn hỏi con:

- Mày làm gì vậy?

Thằng bé trả lời:

- Con mài cái mẻ dừa.

Người cha lại hỏi:

- Để làm gì vậy?

Bắt chước người cha, thằng bé cũng điềm nhiên trả lời:

- Để khi cha già, con xúc cơm vô đây cho cha ăn!”.

Câu chuyện thật đơn giản nhưng là một bài học thật thấm thía!

Nếu mình hiếu với mẹ cha
Chắc con cũng hiếu với ta khác gì
Nếu mình ăn ở vô nghì
Đừng mong con hiếu làm gì uổng công!

Người đời thường ví công cha chất ngất như “núi cao”, nghĩa mẹ bao la như “biển rộng”. Làm con phải luôn nhớ rằng, dù mình có phụng dưỡng thờ phượng cha mẹ bao nhiêu đi nữa cũng không thể nào bù đắp được công ơn to lớn của cha mẹ đã nuôi dưỡng, vun quén cho mình:

Mẹ cha trượng quá ngọc vàng
Đền bồi sao xiết muôn vàn công ơn!

Lòng hiếu kính không phải chỉ là bổn phận đối với riêng cha mẹ mà con có bổn phận tỏ lòng hiếu kính đối với ông bà cùng các bậc bề trên của cha mẹ mình nữa. Không ai có thể hết lòng kính trọng, phụng dưỡng mẹ cha mà lại hững hờ bỏ mặc ông bà mình không ngó ngàng đến được. Và, như vậy là, báo đáp công ơn của cha mẹ chính là báo đáp công ơn của tổ tiên cũng tức là các con đã tìm về nguồn cội để phụng thờ:

Trứng rồng lại nở ra rồng
Hạt thông lại nở cây thông rườm rà
Có cha sinh mới ra ta
Làm nên thời bởi mẹ cha vun trồng
Khôn ngoan nhờ ấm cha ông
Làm con phải đoái tổ tông phụng thờ...

Giờ đây các con của cha mẹ đã trưởng thành.

Và giờ đây, các con của cha mẹ cũng đang tiếp nối cái thiên chức thiêng liêng mà tạo hóa đã giao phó cho các con: thiên chức làm Cha làm Mẹ. Các con đang tiếp tục leo lên đỉnh Thái Sơn để thấy rằng: “Lên non mới biết non cao - Nuôi con mới biết công lao sinh thành!” và các con cũng đang xuôi theo suối nguồn Tình Thương làm tròn nghĩa vụ ngàn đời của các bậc Cha Mẹ Việt Nam: “Cha Mẹ nuôi con biển hồ lai láng” để cho các thế hệ con cháu luôn luôn tâm niệm:

Một lòng thờ Mẹ, kính Cha
Cho tròn chữ Hiếu mới là Đạo Con

ĐÀO ĐỨC NHUẬN


Xem các Bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về Webpage www.nuiansongtra.net  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh