VỀ DỊCH THUẬT
Mai Kim Ngọc
* * *
PHẦN 1: MỘT VÀI NHẬN XÉT VỀ DỊCH THUẬT
Chủ đề phiên dịch DAMAU đưa ra thật là hợp tình hợp cảnh chúng ta tại hải ngoại mà tối thiểu mỗi người phải dùng ít nhất hai là thứ tiếng. Trong những năm đầu ở Mỹ, người dân nhập cư thường suy nghĩ, thậm chí lập ngôn, bằng tiếng mẹ đẻ rồi mới dịch ra và phát biểu bằng tiếng địa phương. Thủa ấy và một phần nào ngay cả bây giờ, chúng ta phiên dịch liên tục trong đầu, dù không có huấn luyện về dịch thuật cũng như không kiếm sống với chức năng dịch giả.
DAMAU nhấn mạnh ý niệm chuyển vận của phiên dịch bằng cách chiết tự danh từ la-tinh tralatio thật là thích nghi. Những ngôn ngữ tôi biết dù là lơ mơ đều có ý niệm chuyển vận khi nói đến phiên dịch, như traduction của Pháp, như translation của Anh, như traducción của Tây Ban Nha, như traduzione của Ý, như tralatio hay translatio của la-tinh, và tất nhiên như phiên dịch của Tàu.
Mặt khác, DAMAU nêu lên ý kiến của một nhà phê bình Mỹ rằng ‘nước Mỹ vì ít bị áp bức trong vấn đề tự do ngôn luận, nên đã không có một truyền thống mạnh về dịch thuật’. Tôi thắc mắc về xuất xứ của người Mỹ này và văn cảnh của lời phát biểu. Thật ra tôi thú vị với câu nói lỏng lẻo, thậm chí cảm ơn sự lỏng lẻo ấy đã cho phép chúng ta bàn qua một số đề tài đáng lưu tâm.
Thứ nhất, tôi không nghĩ phiên dịch Mỹ yếu, và người Mỹ dịch dở. Tôi hay dùng bản dịch Mỹ để đọc những truyện ngoại văn, có khi vì không thạo ngôn ngữ nguyên bản (như trường hợp tiếng Nga, tiếng Hoa, hay tiếng Thổ Nhĩ Kỳ). Nhưng khi đọc được nguyên bản một cách thoải mái như trong trường hợp tiếng Việt, Pháp, Anh, hay Tây Ban Nha, tôi cũng đọc bản dịch để xem người Mỹ phiên dịch thế nào. Và tôi thường phải ngả mũ kính phục tay nghề của họ. Thí dụ như cuốn Cien Años de Solidad của Gabriel Garcia Marquez. Mặc dầu cái khó khăn vì khác biệt văn phạm; mặc dầu thể subjunctivo kỳ diệu trong tay GGM; mặc dầu lối viết hiện thực huyền ảo (magical realism) của tác giả rất khó tạo lại trong Anh ngữ; mặc dầu cái tâm hồn Nam Mỹ mang theo khá nhiều huyền bí từ máu thổ dân da đỏ… mặc dầu tất cả những thứ ấy, bản dịch đọc sao mà giữ được gần như nguyên vẹn cái đẹp cái thật của bản chính. Nhìn vào A hundred years of Solitude (bản của Gregory Rabassa NXB Harper & Row 1970), ta tưởng đang đọc thẳng vào Cien Años de Solidad. Một thí dụ thứ hai là bản dịch Beauty and Sadness của Kawabata (bản của Howard Hibbett). Truyện có cái đẹp như mơ như mộng của văn phong nhà văn lớn Nhật bản, lại bắt được đầy đủ cái tâm tình Nhật rất tế nhị rất đẹp mà cũng rất tàn ác không thấy tại một văn hóa khác. Cũng như One Hundred Years of Solitude, nhìn vào Beauty and Sadness ta có cảm tưởng như đang đọc nguyên tác qua tấm kính trong suốt của một nghệ thuật phiên dịch điêu luyện đến nỗi không để lại một dấu vết chuyển ngữ lộ liễu nào. Nói chung, những phiên dịch của người Mỹ phẩm chất cao tương tự như vậy có thể nói không hiếm…
Thứ nhì, nhà phê bình Mỹ khuyết danh, khi phát biểu về liên hệ nghịch giữa truyền thống dịch thuật và tự do ngôn luận, phải chăng muốn nói là khi bị cấm đoán phát biểu ý kiến thì người ta thường ngồi dịch cho được an toàn hơn. Lập luận có chiều ngây thơ. Trong cả hai hoàn cảnh, an toàn hay không tùy thuộc nội dung tài liệu. Nếu tài liệu có tính cách khiêu khích hay xúc phạm, thì dịch ra hay sáng tác ra cũng không tránh được phản ứng tương xứng. Lực sinh phản lực là lẽ dĩ nhiên. Nếu đối tượng bị xúc phạm hay khiêu khích lại có thế lực quan trọng, thì sự phiền toái sẽ không nhỏ cho dịch giả hay tác giả. Trong lịch sử phiên dịch kinh Giu-đà/Cơ-Đốc giáo suốt thời trung cổ, dịch thuật không phải một nghiệp vụ luôn luôn an bình… Biết bao dịch giả đã bị giam cầm, hành hạ, thậm chí hành hình bằng cách thắt cổ cho chết rồi hỏa thiêu. Nổi tiếng trong danh sách các vị ‘tử vì đạo dịch’ này là hai danh nhân Étienne Dolet và William Tyndale. Tôi sẽ trở lại câu chuyện với nhiều chi tiết hơn về cuộc đời bất hạnh của hai người.
Thật ra dịch thuật như mọi chức năng khác của con người, nếu có nhu cầu thì sẽ phát triển. Tôi nghĩ trong lịch sử thế giới, nhu cầu dịch thuật quan trọng nhất trong những hoàn cảnh sau đây: 1) Truyền bá tôn giáo; 2) Chuyển vận văn hóa và văn minh từ vùng này sang vùng khác; 2) Phát triển thương mại giữa các quốc gia… 4) Và sau cùng hiện đại nhất là nhu cầu bảo tồn văn hóa truyền thống cho các nước hội viên trong những tập thể liên quốc gia, trước ảnh hưởng mỗi ngày một mạnh và rộng của Anh ngữ.
Nhiều người nghĩ rằng chỉ với một nền phiên dịch phát triển và đa nguyên mà một nước như nước Pháp mới có thể mong giữ được truyền thống ngôn ngữ và văn minh văn hóa của mình, trước xu hướng toàn cầu hóa mãnh liệt của thế kỷ 21. Ta sẽ khai triển câu chuyện theo viễn cận các đề mục trên.
Phiên dịch và hai đạo Giu-Đà/Cơ-Đốc.
Bộ kinh Septante của nhà thờ nguyên thủy là thí dụ điển hình cho nhu cầu tôn giáo như một động lực thúc đẩy dịch thuật. Kinh được dịch từ tiếng Hê-brơ ra tiếng Hy Lạp khoảng ba thế kỷ trước Tây lịch. Septante có nghĩa là 70, và kinh có tên gọi như vậy vì được thực hiện bởi 72 dịch giả mộ từ 12 bộ lạc Do Thái, mỗi bộ lạc 6 người. Lẽ ra phải gọi là kinh 72, nhưng có lẽ vì con số 70 chẵn nên gọn hơn. Ngoài ra 7 và 70, vân vân… là những con số được ưu ái trong truyền thống Do Thái. Chúa sáng lập ra thế giới trong bảy ngày, ai giết Cain sẽ bị báo thù 7 lần, và Noah có 70 đời hậu duệ, vân vân…
Tôi vẫn nghĩ Ai Cập và Hy Lạp thời cổ đại chỉ biết hành hạ người Do Thái, bắt chở đá nung gạch để xây dựng đền đài, nhưng câu chuyện tiết lộ từ vụ dịch kinh này chứng tỏ nét xấu tốt của các dân tộc xem ra không trắng đen rõ rệt.
Kinh Septante được dịch cho những người Ai Cập gốc Do Thái bấy giờ đang sống đông đúc ở Alexandria. Sau vài đời xa quê hương, những công dân nhập cư này không còn nói được tiếng mẹ đẻ và không đọc được bộ kinh Hê-brơ từ bản chính. Họ cần một bộ kinh bằng tiếng địa phương mà họ thông thạo (nghe như chuyện thế hệ thứ hai của người Mỹ gốc Việt chúng ta).
Đề xướng và thi hành chuyện dịch kinh là các vua quan Ai Cập gốc Hy-lạp, những người không có lợi lộc trực tiếp từ công trình tôn giáo đồ sộ và tốn kém này. Vị quan chính là Demétrios de Phalère quản thủ thư viện Alexandria. Một học giả kiêm chính trị gia gốc Hy Lạp, ông có tuổi trẻ vàng son của đám thanh niên quý tộc Athène. Ông được huấn luyện chu đáo về văn hóa chung cũng như về nghề hùng biện để sửa soạn vào chính trường và gia nhập hàng ngũ lãnh đạo. Thất cơ lỡ vận, Demétrios trốn sang Ai Cập tìm tới phục vụ vua Ptolémée II, và được giao cho quản trị thư viện Alexandria là cơ sở văn hóa lớn nhất thế giới bấy giờ. Hiện tại thư viện vẫn được học giả đông tây kính trọng, xứng danh một kho tàng kiến thức hiếm có của loài người. Ngay trong thời xa xưa ấy, Ai Cập đã có một đạo luật rất trí tuệ là tàu bè qua lại ngoài số thuế đóng cho hải quan phải nộp một cuốn sách cho thư viện.
Vua Ptolémée II minh chủ của Demétrios de Phalère cũng là một vị vua đặc biệt. Ông gốc Hy Lạp, cha là Ptolémée I nguyên tùy tướng của Alexandre Đại Đế, Khi Alexandre đột ngột qua đời, Ptolémée I ở lại và sáng lập ra triều đại Ptolémée với 15 đời trị vì liên tiếp khoảng 300 năm. Các công chúa phần nhiều tên là Arsinoé hay Cleopâtre và thường lấy anh em ruột mà lên ngôi hoàng hậu. Vị vua cuối cùng là con trai của Cleopatre VII với César…
Ptolémée II tự đồng hóa với người Ai Cập, lễ đăng quang giao cho giáo sĩ Ai Cập cử hành và vua trở thành một Pharaoh. Tâm đắc với Phalère, vua lưu ý đến văn minh và văn hóa của những sắc dân khác nhau trong đế quốc. Riêng với Do Thái, vua có ấn tượng đặc biệt, cho dịch tất cả sách vở về mọi đề tài kiếm được của nước này ra tiếng Hy Lạp. (Tôi đã khai triển đôi chút về dòng họ Ptolémée không chủ tâm lạc đề, nhưng vì những chi tiết này về sau sẽ liên hệ đến tấm bia Rosetta, một hiện tượng then chốt của phiên dịch dọc theo mấy ngàn năm lịch sử văn minh loài người.)
Dịch kinh Septante rất tốn kém. Để tuyển mộ dịch giả, vua phải phóng thích hơn nửa triệu nô lệ cựu tù binh Do Thái bắt được trong những chiến trận trước. Tốn công của như vậy để dịch kinh không phải của đạo mình, cho một thiểu số thần dân cũng không đồng chủng với mình, Ptolémée II quả là bao dung. Còn bao dung hơn nữa khi vua tuyệt đối không can thiệp vào kỹ thuật dịch kinh, giao toàn quyền cho giáo sĩ và dịch giả Do Thái. Hành động vương giả này phản ánh cái niềm tin vào tình thần đa nguyên đa văn cho đế quốc ông…
Kết quả là kinh Septante được dịch từng chữ một theo truyền thống dịch kinh của đạo Giu-Đà. Đại giáo sĩ Do Thái Philon lấy làm thỏa mãn về sự trung thực khi thấy bản gốc được phản ánh y nguyên từng chữ một trong bản dịch. Tục truyền rằng các dịch giả phải dịch riêng mỗi người một bản, vậy mà đến khi gom lại thì 72 bản giống nhau như những giọt nước. Phải chăng đây là điềm lành cho hay là công trình đã đẹp lòng Chúa, hay chẳng qua chỉ vì dịch từng chữ một nên 72 bản dịch rất dễ giống nhau mà không cần một giải thích huyền bí nào.
* * *
Sau Septante, tôn giáo tiếp tục là động lực và nhu cầu cho những công trình dịch kinh Giu-Đà/Cơ-Đốc. Lối dịch kinh từng chữ được tôn trọng nhiều thế kỷ sau, cho đến hết thời Trung Cổ. Sang đến bản mới của Vua James I, thì sự thoát ly khỏi lối dịch này xem ra đã hoàn tất. Kinh hoàn toàn dễ đọc một khi ta quen với cú pháp cổ của Anh ngữ thời bấy giờ.
Điều đáng lưu ý là ủy ban dịch bản Vua James I không dùng tài liệu gốc La-tinh của toà thánh La-Mã, mà lấy nguồn từ các bản Hy Lạp và Hê-brơ. Còn nữa các bản tiếng Anh trước cũng dùng lại, kể cả bản của Tyndale một dịch giả bất hạnh đã bị hành hình về tội dịch kinh. Ông này bị nhà thờ và thế quyền Anh quốc thế kỷ trước kết tội ‘Vô Thần’ vì dám tự ý dịch kinh sang Anh ngữ mà nhà thờ và luật pháp Anh quốc bấy giờ cho là quá nôm na để chở Phúc Âm.
Tất nhiên là trước kia đã có nhiều bản Anh ngữ dịch theo ý thay vì theo từng chữ một, nhưng phải đợi đến kinh Vua James I mới có sự cho phép của vua và giáo hội. Đến bây giờ thì những bản tìm được trong các hiệu sách và giáo đường hoàn toàn dễ đọc dễ hiểu và bằng tiếng Anh hiện đại.
William Tyndale (1494-1536) là một học giả người Anh và tín đồ đạo Tin lành. Ông bắt đầu dịch kinh Tân Ước sang Anh ngữ khi còn ở tại Anh quốc, và là dịch giả đầu tiên dùng những bản gốc Hê-brơ và Hy Lạp. Phương pháp kỹ lưỡng này về sau cũng được ủy ban phiên dịch kinh Vua James I áp dụng.
Tyndale khi còn sống gặp nhiều khó khăn từ khắp mọi phía. Các học giả có lẽ vì ghen tỵ nên đã nghi oan rằng ông không bỏ công tìm bản gốc xa xôi như tuyên bố, mà đã dịch từ những bản La-tinh cũ. Ông bị ruồng rẫy khi đi tìm sự bảo trợ của Giám Mục Tunstall. Vị chức sắc này cho rằng học vấn của Tyndale đã không lấy gì đặc biệt, vốn liếng thần học lại khả nghi. Lấy lý do là có luật cấm dịch thánh kinh ra ngôn ngữ dân gian, Giám mục thẳng tay khước từ những yêu cầu của học giả.
Tyndale ôm bản thảo chạy sang Hamburg dịch tiếp. Ông dịch xong Tân Ước năm 1525 và cho xuất bản. Kỹ thuật in ấn mới và nhanh của Đức rất thuận lợi cho việc phổ biến trong dân gian. Nhưng sách bị cấm tức thì, các ấn bản bị tịch thu và đốt trước công chúng.
Không ngã lòng, Tyndale dịch tiếp sang Cựu Ưóc đồng thời viết nhiều bài nghiên cứu bình luận về tôn giáo và chính trị. Một trong những bài ấy phê phán vụ ly dị của vua Henry VIII. Giọt nước đã làm tràn ly, và vua Anh yêu cầu vua Pháp là Charles V dẫn độ dịch giả về Anh. Sau cùng ông bị phản bội bởi các nhà hữu trách của thế quyền cũng như giáo quyền bên Âu châu mà cho đến bấy giờ đã làm ngơ để cho ông sống như một tội đồ tại đào của Anh quốc. Ông bị bắt tại Bruxelles và đem ra hành hình. Trên đường tới pháp trường, Tyndale la lớn rằng ‘Lạy Chúa, xin Chúa mở mắt cho vua Anh quốc’. Ông hưởng thọ 42 tuổi.
Bản dịch của ông mới đầu bị cả giáo hội La Mã lẫn hàng giáo phẩm cao cấp của Anh quốc miệt thị. Có người cho rằng ông không biết dịch, và đã làm lỗi quá nhiều. Giám mục Tunstall tuyên bố Tyndale làm hơn 2000 lỗi. Thomas More cho rằng tìm lỗi của Tyndale cũng khôi hài như ra biển mà tìm nước. Còn Giáo hội La Mã thì cho rằng sự chọn chữ của Tyndale rất đáng ngại, như chữ love ‘tình thương yêu’ lại dám đem dùng thay cho chữ charity (lòng tế độ).
Có lẽ cái lỗi nặng nhất của Tyndale với Giáo hội La-Mã là lời phát biểu phạm thượng với Giáo Hoàng. Khi một tu sĩ khác nhắc nhở ông về cái nguy hiểm chống Tòa Thánh rằng ‘Tốt hơn là biết sợ luật Giáo Hoàng hơn là nể luật Chúa’, thì ông đã vô cùng phẫn uất. Ông cãi lại rằng, ‘Tôi không cần đếm xỉa đến Giáo Hoàng và tất cả những luật này luật nọ của ông ta. Và nếu Chúa cho tôi sống, tôi sẽ giúp cho thằng canh điền của Anh quốc hiểu được lời Chúa còn hơn chính ông Giáo Hoàng này.’
Hậu thế đã đền bù cho Tyndale. Chỉ quá nửa thế kỷ sau, cuốn kinh Vua James I được ấn hành. Ủy ban phiên dịch dùng lại phương pháp của ông, về lối dịch ý cũng như về việc dùng văn bản gốc bằng tiếng Hy Lạp và Hê-brơ. Ủy ban cũng dùng lại rất nhiều chất liệu lấy từ văn bản Tyndale. Hơn nữa, nhiều học giả cho rằng ông là nguồn cảm hứng cho rất nhiều dịch giả về sau.
Tyndale dịch sai chăng, câu trả lời có thể là ông chỉ dịch khác với kinh của tòa thánh La-Mã. Lý do giản dị là ông dùng thẳng các bản gốc Hy Lạp và Hê-brơ. Và quần chúng hóa lời Chúa là một xu hướng mỗi ngày mỗi mạnh, đồng vọng rõ ràng lập trường của ông ngay thời ấy về một cuốn kinh đúng và hay và dễ hiểu soạn cho chú canh điền Anh quốc. Tượng đài được dựng lên cho ông, tại thành phố đã hành quyết ông, thậm chí ở ngay địa điểm ông thụ hình hơn bốn trăm rưỡi năm trước.
Ông cũng để lại cho Anh ngữ một số chữ mới, trong đó có chữ Jehovah để chỉ định Chúa của Do Thái giáo, chữ Atonement để chỉ một hành động hàn gắn còn hơn là sự làm lành, chữ scapegoat để chỉ con dê tế thần chưa có trong Anh ngữ trước ông… Sau cùng chuyện ông lấy chữ Love ( tình thương yêu) để thay thế chữ Charity (tình tế độ) thì tuyệt vời. Nó là cái nhìn mới bằng đẳng giữa người yêu và được yêu, vì quả thật dù cắt nghĩa thế nào chăng nữa tình tế độ vẫn là cái tình thương xuống.
* * *
Tyndale không phải là dịch giả độc nhất ‘tử vì đạo dịch’. Étienne Dolet (1509-1546) một dịch giả Pháp cùng thời cũng đã lâm nạn vì dịch thuật. Dolet dòng giõi thượng lưu, thậm chí còn được đồn là con tư sinh của vua Francois I của Pháp. Ông rất năng động trong những sinh hoạt văn hóa chính trị tôn giáo. Có lúc ông được vua rất quý trọng. Ông dâng tặng vua một tác phẩm của mình, và được vua tưởng thưởng cho quyền mười năm in ấn tất cả những tác phẩm của riêng ông bằng tiếng La-tinh, Pháp, Hy Lạp, Ý, cũng như những tác phẩm của người khác ông đã duyệt qua.
Ông viết lách rất nhiều về những đề tài tôn giáo, tâm đắc và trung thành tuyệt đối với Cicéron, và tham dự hăng say vào cuộc tranh luận lịch sử thời Phục Hưng về nhà đại hiền triết La-Mã này. Ông có ý kiến mạnh về nhiều vấn đề. Ông làm thơ tình tặng người đẹp thành Venise. Sẵn quyền hành và phương tiện in ấn vua cho, ông công bố quan điểm của ông về văn, triết và về dịch thuật.
Ông có nhiều kẻ thù, bị tù nhiều lần, phần lớn là vì lập trường tôn giáo, trừ một lần về tội giết họa sĩ Compaing mà ông khai là vì tự vệ. Sau cùng ông bị trường thần học của Sorbonne luận tội và buộc cho tội vô thần. Ông bị xử tử bằng cách thắt cổ cho chết rồi hỏa thiêu tại công trường Mauberg. Tuy cuộc đời của ông năng động và quá nhiều phiêu lưu từ văn, triết, tôn giáo cho đến đàn bà, dịch thuật cũng là lý do chính để ông phải thụ hình.
Đọc sự tích các bậc tiền bối cho dịch thuật như William Tyndale và Etienne Dolet, tôi bỗng rùng mình. Tôi mừng là đã qua lâu rồi thời buổi xa xưa của những hình phạt ghê gớm dành cho những dịch giả sai lập trường bên Âu Châu. Chữ tài cùng với chữ tai một vần, đúng như như câu thơ của cụ Nguyễn Du, tác giả của Kim Vân Kiều và một dịch giả tuyệt vời của đất nước.
Nhưng rồi tôi nghĩ tội tử hình bỏ đi tất nhiên là phải, nhưng phải giữ một hình phạt nào đấy để khuyên răn dân chúng không được dịch bừa bãi. Có những bản dịch sai đến hãi hùng, phản ánh sự bất cập từ ngữ vựng, văn phạm, văn hóa và trình độ học vấn chung. Chuyện dịch Da Vinci Code nêu lên trên một tờ báo điện tử uy tín cách đây không lâu đã làm mọi người chú ý. Biện pháp xử lý chắc phải chở một Hàn Lâm Viện Việt Nam với ít nhiều khả năng chế tài dành cho những vi phạm loại này.
Phiên Dịch Kinh Phật.
Ngài Huyền Trang đời Đường (595-664) có công lớn bậc nhất trong việc dịch kinh Phật từ tiếng Phạn sang tiếng Hoa. Không thỏa mãn với tình trạng kinh sách Trung quốc bấy giờ, ngài quyết tâm sang Ấn Độ tìm bản chính nơi đất Phật để học hỏi và mang về dịch. Cuộc hành trình kéo dài 16 năm, một phần để đi đường, phần lớn để lưu lại đất Phật tu học thêm với các cao tăng Ấn độ cũng như dừng lại một vài địa danh như Đôn Hoàng để hoằng pháp vì sự thỉnh cầu khẩn khoản của địa phương. Ngài ra đi trong gian khổ vì Trung quốc bấy giờ cấm dân Hán sang những vùng đất mà triều đình cho là man rợ và không thân tiện với Đại Đường. Bù lại ngày về của ngài cực kỳ vinh quang. Lầu Đại Nhạn là một trong những ban thưởng của nhà vua. Lầu xây lên cho ngài ngồi dịch kinh với sự trợ lực của một nhóm đông đúc học giả và tu sĩ. Trong vòng 19 năm, ngài dịch được tất cả 75 bộ kinh gồm 1.335 cuốn.
Ngoài chuyến đi gian khổ gian nan trong điểu kiện thô sơ của hành trình qua những miền hoang vu, cuộc sống tìm đạo thỉnh kinh và dịch kinh của ngài tương đối an bình hơn các dịch giả Âu châu với kinh Giu-Đà/Cơ-Đốc.
Kể cũng là chuyện màu nhiệm, vì trước khi ngài mang bản gốc kinh Phật từ Ấn độ về, có biết bao nhiêu vị cao tăng Trung hoa vì thiếu tài liệu và những lý do này nọ đã có những bình luận khác nhau và tranh cãi sôi nổi về kinh sách. Biết bao luận thuyết thậm chí học thuyết về đạo Phật đã được dựng ra trên những bản gốc không chính xác. Vậy mà không ai chỉ trích hay phá hoại công trình dịch thuật cùa ngài. Chúng tăng Trung quốc bấy giờ xem ra biết phục thiện một cách đặc biệt và sẵn lòng sửa sai khi ngài mang tài liệu nghiêm chỉnh từ Ấn Độ về.
Nhà vua đã làm gương cho mọi người bằng cách đối xử với ngài một cách hết sức kính trọng. Ngoài lòng kính Phật quý tăng nhà vua còn những bổn phận chung với đất nước, nên tất nhiên muốn Đường Tăng cố vấn luôn về tình trạng quân sự của những vùng đất đã đi qua. Vậy mà khi cuốn Đại Đường Tây Vực Ký của ngài không có một chi tiết quân sự nào, vua cũng không nài ép. Phải chăng nhờ sự trọng đãi của thiên tử cũng như sự thánh thiện tỏa ra bậc chân tu mà ngài Tam Tạng đã không bị quấy phá. Nhân tốt lành sanh ra quả tốt lành phải chăng là đây.
Phiên Dịch trong văn minh Ả-Rập/ Hồi-Giáo. Những tòa nhà trí tuệ.
Công trình phiên dịch sách vở thế giới quan trọng nhất của văn minh Hồi giáo xảy ra vào thế kỷ thứ IX, với vua Al-Ma’mùn của triều đại Abasside. Vua đóng đô ở Baghdad, trị vì 20 năm, và có nhiều thành quả văn hóa nổi bật trong thế giới đương thời. Rất quý trọng học thuật và kiến thức cổ điển, vua thu dụng những nhà thông thái khắp nơi và mời họ về Baghdad. Vua trọng đãi họ trong một tinh thần bao dung hiếm có, bất kể chủng tộc hay tín ngưỡng. Vua cho sưu tập sách quý từ Đế Quốc La Mã Miền Đông mang về cho họ nghiên cứu và phiên dịch.
Vua không quên văn hóa ngay trong lúc thi hành bổn phận quân sự hay ngoại giao. Trong một hoà ước với Đế Quốc Miền Đông, vua làm một số nhượng bộ để đổi lấy bộ sách Almageste, bộ kỳ thư hiện đại bậc nhất bấy giờ về thiên văn và toán học do các khoa học gia Hy Lạp trước tác. Cuốn sách được các dịch giả của vua tức thời chuyển ngữ để dùng trong thiên văn đài vua cho xây tại Baghdad năm 829.
Vua mở rộng thư viện vua cha để lại và cho phép tất cả các học giả xử dụng. Vua còn nâng chức năng của thư viện thành một ngôi nhà trí tuệ, bao gồm thêm nghiên cứu, giáo dục, và dịch thuật. Có những nhà toán học duới sự bảo trợ của vua đã sống gần như suốt đời ở đây để dịch và học đống sách nguyên bản Hy Lạp về hình học, đại số, và thiên văn. Hơn mười thế kỷ qua, cơ sở đã được thay thế bằng một viện khảo cứu hiện đại mà chiến tranh Vịnh 2003 đã làm hư hao nặng nề. Học viện cũ cũng không còn vết tích.
Hiện tượng của những ngôi nhà trí tuệ không riêng gì cho Baghdad mà phổ thông cho thế giới Ả Rập. Nhiều vua Hồi giáo khác đã xây những cơ sở tương tự tại Cordoue, Le Caire, Fès, vân vân. Chức năng có thể nặng mặt này và nhẹ mặt kia tùy chổ tùy thời, nhưng dịch thuật bao giờ cũng được lưu ý.
Nét khoan dung của ngôi nhà trí tuệ Baghdad được áp dụng cho những ngồi nhà trí tuệ khác khắp Đế quốc. Các môn học, các loại sách tàng trữ, các loại sách được dịch, kể cả nhân văn và tôn giáo đều không bị kỳ thị vì xuất xứ từ bạn hay thù.
Đế quốc Islam như các đế quốc khác trong lịch sử kim cổ cũng không thiếu những chuyện quá đáng như bành trướng bằng xâm lăng láng giềng, tạo ra những chiến cuộc tàn khốc và áp bức kẻ bại trận… Nhưng giới học giả tây phương cũng phải ghi nhận rằng sinh hoạt của các ngôi nhà trí tuệ không lấy chủ đề ở chuyện truyền bá Hồi giáo hay mở rộng Hồi quốc.
Nếu nhiều thế kỷ sau, Tây phương tự hào là giữ tôn giáo riêng biệt với hành chánh và chính trị, thì những ngôi nhà trí tuệ của thời hoàng kim văn minh Ả-Rập hơn ngàn năm trước đã không để chính trị ảnh hưởng đến sinh hoạt hàn lâm và tín ngưỡng.
Phiên Dịch Và Nhập Cảng Khoa Học Kỹ Thuật ở Á Châu.
Lổ Tấn thuộc giới trí thức đầu tiên huấn luyện theo một chương trình giáo dục dập theo Tây Phương thường nói đến sinh hoạt phiên dịch của ông và các bạn đồng thời. Trong tập truyện ngắn của ông do Gladys Yang và Xianxi Yang biên tập, thanh niên trí thức bấy giờ cũng thường phiên dịch. Họ làm việc trong những điều kiện vô cùng khó khăn. Phần lớn song song với việc kiếm sống bằng nghững nghề thanh bần như giáo chức hay làm báo, họ còn sinh hoạt cách mạng. Họ viết lách (sáng tác và phiên dịch) vào khoảng thì giờ còn lại lẽ ra để nghỉ ngơi. Họ thức khuya làm việc bằng đèn Hoa Kỳ và giá dầu tây lên cũng là một trở ngại cho cuộc sống cũng như công việc. Bản dịch hoàn tất có khi gửi đến nhà in chỉ được trả bằng vài mẩu bông phiếu để mua sách không mất tiền hay mấy con tem. Vậy mà công lao dịch thuật của đám trí thức tiền cách mạng vô sản ấy là những viên gạch canh tân và đã là đóng góp cho sự tiến bộ kỹ thuật của Trung quốc mới đầu còn khiêm tốn dưới thời Dân Quốc để sau cùng bột phát mấy năm gần đây.
Nước Nhật thời Minh Trị cũng dùng dịch thuật như cánh cửa mở ra thế giới Tây Phương. Nó là phương tiện cho việc canh tân kỹ nghệ quân sự và dân sự, cho phép họ tham dự vào thế chiến thứ II như một đối thủ đáng nể cho Đồng Minh Âu Mỹ. Thất trận, Nhật đã vịn vào cái vốn canh tân kỹ nghệ khoa học này để phục hồi nhanh chóng.
Và có lẽ một phần nào nhờ dịch thuật mà văn học Tây phương ảnh hưởng tới được giới nhân văn và đã góp phần đào tạo ra những nhà văn Nhật mà nghệ thuật gần gũi với thế giới bên ngoài. Không biết cái gì khác nhau giữa hai nền dịch thuật, mà kỹ thuật khoa học và văn hóa Nhật đã tiến bộ nhanh chóng từ thế kỷ 19, trong khi Trung quốc phải đợi đến cuối thế kỷ trước và đầu thế kỷ này mới trở thành cường quốc.
Dịch Thuật Việt Nam.
Tôi có một kiến thức khá giới hạn về dịch thuật ở nuớc ta. Tôi thú thật không được biết nhiều về công trình dịch thuật từ Hán văn thực hiện bởi các bậc trưởng thượng của thế hệ cha anh. Không đọc được bản gốc, tôi chỉ có khả năng đọc bản dịch mà cũng không đọc được nhiều như ý muốn. Tôi chỉ biết một số điều cơ bản, như cụ Nguyễn Du dịch cuốn Kiều từ Đoạn Trường Tân Thanh và bản nôm của cụ đã trở thành siêu việt dù nhìn dưới góc cạnh nào. Tôi cũng thích bản dịch của Phan Huy Thực dịch Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị. Cũng trong tinh thần ấy tôi rất thú vị Chinh Phụ Ngâm, bản của Đoàn Thị Điểm mà tôi thuộc lòng từ thủa nhỏ.
Ngoài những bản dịch mà tôi cho là siêu việt và tuyệt với kể trên, tôi cũng có dịp thưởng thức một số văn phẩm dịch khác. Hồi kháng chiến còn ở khu IV, tôi có dịp xem kịch Lôi vũ của Tào Ngu và đọc truyện ngắn Quê cũ của Lỗ tấn, cả kịch và truyện đều do cụ Đặng Thái Mai chuyển ngữ… Tiếp theo là thời trung học, tôi cũng được đọc truyện dịch từ nhiều tác phẩm khác của Trung quốc và Pháp mà sau hơn nửa thế kỷ không còn nhớ tên. Tôi chỉ còn nhớ những sách vở ấy đã giúp tôi dần dà mở mang kiến thức thêm, bên cạnh học vấn nhà trường. Tuy nhiên nhiều tên dịch giả đã trở về trong ký ức khi tôi ngồi viết bài này, như các cụ Paulus Của, Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Phan Kế Bính, Hồ Biểu Chánh, Giản Chi, Tản Đà, Phạm Quỳnh, Ngô Tất Tố, Nguyễn Văn Vĩnh… Tất nhiên là danh sách còn sót rất nhiều và thiếu biết bao dịch giả tiền phong của nuớc ta.
Còn về các dịch giả hiện tại, tôi có được đọc những bản dịch thật hay và cũng có đọc những bản dịch chưa hay. Tôi chưa muốn phát biểu một nhận xét bây giờ, vì chưa có khoảng cách thời gian để cái nhìn được đúng viễn cận.
* * *
Đặt xong phạm trù như vậy, tôi muốn quay lại một vài nhận xét lẻ tẻ của mình về dịch thuật trong và sau thời Pháp thuộc. Cảm nghĩ đầu tiên là trong giai đoạn này dịch thuật khó phát triển có lẽ vì khan hiếm dịch giả, hoàn cảnh phản ánh một sự bất cập của nha học chánh Bảo Hộ. Đó là một nền học chánh đặc biệt, có phẩm chất cao nhưng không có số lượng.
Về diện phẩm chất, phải ghi nhận là nền học chánh này đã huấn luyện thế hệ cha ông chúng ta. Đó là thế hệ đầu tiên được huấn luyện theo tân học. Về chính trị có người thế này và có người thế kia, nhưng nói chung họ không những là người trí thức mà còn là người trí thức có cung cách. Thế hệ đó không phải mọi chuyện đều tuyệt vời, nhưng tối thiểu thày giáo ra thày giáo, thày thuốc ra thày thuốc, kỹ sư ra kỹ sư… Có nhiều lý do đem lại phẩm chất cao cho nền giáo dục thuộc địa. Thứ nhất chuyện tuyển sinh rất khó khăn kỹ lưỡng, thứ hai, giáo sư Pháp hay Việt đa số có huấn luyện chu đáo và tinh thần nghiệp vụ cao.
Nhưng về số lượng, thì nền học chánh Bảo hộ huấn luyện ra quá ít nhân tài. Quả như các cụ nói, Tây xây nhà tù nhiều hơn trường học. Cho đến 1945, bậc trung học chỉ có một trường cấp 2 cho mỗi tỉnh, và một trường cấp 3 cho mỗi kỳ Trung Nam Bắc. Đại học thì chỉ có một trường độc nhất cho cả Đông Dương được toàn quyền Paul Beau mở năm 1904 để năm sau đã chấm dứt hoạt động. Trường chỉ mở lại năm 1917 bởi toàn quyền Albert Sarraut.
Khi Pháp bị Nhật đuổi ra khỏi Đông Dương, sở Học chánh Bảo hộ hàng năm cho tốt nghiệp trung học cấp 3 không quá 300 học sinh cho cả ba kỳ, trong số này chỉ khoảng một phần ba lên được đại học. Trường y khóa đầu cho tốt nghiệp khoảng 10 y sĩ. Tới 1945 số y sĩ tốt nghiệp chỉ lên được 20 hay 30 người cho cả năm đơn vị hành chánh của Đông Pháp là ba kỳ của Việt Nam và hai nuớc Miên Lào. Bên khoa học thuần lý một năm tốt nghiệp được một hai cử nhân toán và vật lý. Nhân văn cũng không khá hơn…
Chừng đó nhân lực chưa đủ cung cấp nhân viên cho công sở các ngành của đất nuớc, và đa số trí thức VN sinh hoạt về văn học nói chung và phiên dịch nói riêng như những sinh hoạt bên lề nghiệp vụ chính.
Chuyện huyền diệu cho đất nước là với nhân lực và phương tiện giới hạn như vậy, công trình dịch thuật các bậc tiền bối để lại không phải là nhỏ. Các sách truyện dịch từ Pháp ngữ của các cụ là một kho tài liệu quan trọng cho những người bấy giờ thèm khát hiểu biết về văn học và văn hóa Âu tây. Nhìn vào tác giả bản gốc của số sách dịch, ta thấy hiện diện gần hết các văn nhân và triết gia Pháp của chương trình giáo khoa tiểu và trung học như La Fontaine, Alphonse Daudet, Victor Hugo, Lamartine, Hector Malot, Honoré de Balzac, Descartes, Claude Bernard vân vân… Ngoải ra, các bản dịch của Pháp từ các tác giả Anh và Nga cũng được dịch lại ra quốc ngữ, và sách của của Tolstoy và Dickens vân vân cũng thấy xuất hiện ít nhiều.
* * *
Tôi phải ghi ơn ở đây một đội ngũ dịch giả Việt Nam đặc biệt. Họ công nhiều nhưng ít được vinh danh, mà cũng chưa bao giờ được thù lao xứng đáng. Đó là giới giáo chức Việt Nam. Như một tập thể, các thầy cô đã làm công việc vĩ đại là phiên dịch để tạo ra tất cả tài liệu giáo khoa cho chương trình trung học quốc gia trong một giai đoạn vô cùng khó khăn nhưng hùng tráng của dân tộc.
Đó là giai đoạn lịch sử tiếp theo ngày mùng 9 tháng 3 năm 1945 khi Nhật đuổi Pháp ra khỏi Việt Nam. Các trường trung học bắt đầu dậy bằng tiếng Việt theo chương trình do cụ Hoàng Xuân Hãn thảo ra cho chính phủ Trần Trọng Kim. Thày trò thủa ấy đầy hứng khởi với một nền học chánh không còn lấy tiếng ngoại bang làm chuyển ngữ. Nhưng đằng sau cái hứng khởi ấy là công việc vô cùng mệt nhọc của giáo chức. Cái công việc nặng nhọc ấy không những nhất thời mà còn tiếp tục cả thập niên sau tại suốt chiều dài đất nước.
Ngay từ khi Vua Bảo Đại tuyên bố bãi bỏ các hiệp ước cũ với Pháp cũng như chủ quyền Pháp trên đất nước, các thầy cô bỗng thừa hưởng một hệ thống giáo dục lấy tiếng Việt làm chuyển ngữ mà kể như không được cung cấp một tài liệu giảng dậy thích nghi nào cho công việc. Quả thật, ngoài năm ba cuốn tập đọc vần quốc ngữ cho bậc tiểu học, nước ta bấy giờ không có một cuốn sách giáo khoa bằng tiếng Việt, dù là về đại số, hình học, lượng giác, cơ học, điện học, quang học, hóa học, địa dư, sử ký vân vân…
Vậy mà truờng vẫn mở cửa lại ít tuần sau cơn chính biến. Các thầy cô chấp nhận một cách tự nhiên rằng đã làm nghề dạy học thì phải soạn bài. Muốn soạn bài thì phải có tài liệu. Không có sẵn tài liệu thì ta sản xuất ra bằng cách dịch các sách giáo khoa Pháp để lại.
Hồi đó sách quý như vàng, và giáo chức luân phiên xử dụng những cuốn còn sót lại trong thư viện các trường trung học Bảo Hộ mà Pháp gọi là Lycẻes du Protectorat. Riêng các thầy cô dạy khoa học thì còn dựa vào cuốn Danh Từ Khoa Học của Hoàng Xuân Hãn tương đối dễ kiếm bấy giờ, nhưng về nhân văn thì vấn đề từ điển có lẽ còn nan giải hơn bội phần. Cả từ điển thông thường cũng khó kiếm. Chưa bao giờ tôi thấy lại những cuốn tự vị dùng đến nát như tuơng như mấy cuốn Petit Larousse Illustré của các thầy cô.
Từ thủa khai sinh nền trung học chuyển ngữ bằng tiếng mẹ đẻ cho đến khi tủ sách giáo khoa trở nên đủ dùng như bây giờ, số văn bản các thầy dịch ra từ sách giáo khoa Pháp chắc phải lên tới hàng triệu trang. Một phần lớn chắc đã gom lại thành sách và nhuận sắc thêm mỗi lần tái bản, nhưng phần còn lại nếu xếp nối tiếp nhau chắc đủ lấp khoảng cách nối Ca-li nơi tôi đang ngồi viết hiện tại với những ngôi trường cũ tôi đã học nơi quê nhà. Tôi thành kính nghĩ đến các thày cô cũ mà sự lao động âm thầm đã gián tiếp đóng góp cho mọi tiến bộ hiện tại hay tương lai đất nước.
* * *
Trở lại ngày hôm nay, câu hỏi là dịch thuật có trực tiếp đẩy mạnh kỹ nghệ và thương mại tại Việt Nam không. Tôi nghĩ rằng không. Sự phát triển hiện tại về hai mặt này xem ra không do phiên dịch mà có.
Không đợi được sách vở về kỹ nghệ trung cấp được dịch kịp, người công nhân Việt Nam đã trực tiếp học Anh ngữ. Họ học một thứ Anh ngữ thông dụng, hữu hiệu và dễ dãi nhờ một mạng lưới những tư thục sinh ngữ đang phồn thịnh. Anh ngữ này có một ngữ vựng khoảng 1500 chữ, và một văn phạm giản tiện nhiều khi chỉ dùng tới động từ chia thời hiện tại hay thậm chí chưa chia, tương tự như cái mà người Pháp gọi là globish (global english) bên Âu châu.
Sự đầu tư của họ vào ngoại ngữ đã có kết quả tức thì trong việc giao dịch với người nước ngoài. Ở Việt Nam, thứ Anh ngữ này xem ra đã giải quyết nổi nhu cầu sinh ngữ của kỹ nghệ dịch vụ. Du lịch là một thí dụ điển hình. Anh ngữ cơ bản xử lý khá chu đáo những sinh hoạt về tiếp đón ở lễ tân, về vệ sinh giường chiếu phòng ốc cho khách, về phục vụ trong phòng ăn, về xe cộ đưa đón, về giặt ủi áo quần, hay về hướng dẫn khách tham quan.
Về kỹ nghệ sản xuất, tiếng Anh thực dụng đã đủ cho những nhà máy nhẹ như ráp Ti-Vi quạt điện, máy ảnh, hay nặng như ráp xe hơi máy cầy vân vân… Nó yểm trợ hữu hiệu kỹ nghệ may cắt, chế tạo thực phẩm… Mô hình xử dụng globish có thể thấy ngay tại Ca-li trong bất cứ hãng xưởng Mỹ nào dùng dân nhập cư chưa kịp thạo ngôn ngữ địa phương. Với sinh ngữ đơn giản này người ta huấn luyện một lớp trưởng toán có chức năng trung gian giữa các kỹ sư bản xứ không biết tiếng Việt và quần chúng nhân công chưa biết tiếng Anh.
Ai khoa bảng có thể cảm thấy khó chịu khi chủ lực Anh ngữ của quốc gia lấy căn bản từ thứ tiếng Anh phổ thông mà họ chê là ít ngữ vựng, ít văn phạm và phát âm chỉ chuẩn ở mức khiêm tốn. Nhưng bình tĩnh mà phân tích, có lẽ Anh ngữ globish không những giải quyết được những vấn đề trước mắt, mà còn gián tiếp bảo vệ truyền thống văn hóa cũ của Việt Nam. Nó lấp đầy nhu cầu ngoại ngữ của quảng đại quần chúng đòi hỏi bởi thương mại và kỹ nghệ vừa hiện đại hóa, không để khoảng trống cơ hội cho Hoa văn tràn sang… Còn nhu cầu Anh ngữ hàn lâm hơn thuộc về văn học và ngoại giao, Anh ngữ globish không cản trở các đại học làm chức năng đào tạo cao cấp của mình.
Chúng ta sợ Hoa ngữ làn tràn vào quê hương có lẽ cùng hợp lý. Sau nhiều thế kỷ bị Tàu đô hộ, tiếng Việt của chúng ta đã có khá nhiều ngữ vựng gốc Hoa nằm sẵn. Ngữ vựng này đã Việt hóa trở thành những từ Hán Việt. Tuy chúng trung thành với VN hơn là với quê cũ Trung quốc, nhưng khi có một đợt tiếng Hoa mới ào ạt tràn vào thì biết đâu mớ từ ngữ Việt gốc Hoa sẽ trở lại bản chất Hoa của nó. Tiếng Hán Việt cũ cộng với tiếng Bạch Thoại mới có thể trở thành một lực lượng ngôn ngữ thân Hoa cực kỳ mạnh mẽ, giúp cho xu hướng đồng hóa ngôn ngữ với người láng giềng khổng lồ phương Bắc. Anh ngữ globish là một thứ vệ binh, án ngữ không cho Hoa ngữ sang chiếm đóng những vùng văn hóa còn bỏ trống của chúng ta.
Đáng ghi nhận là Anh ngữ globish mặc dầu hữu dụng như thế lại không có chút gì là nguy hiểm cho truyền thống văn hóa nước nhà. Với 1500 chữ, văn phạm đơn sơ, phát âm đại khái như đã nói ở trên, nó là một thực thể văn hóa không có nanh vuốt so với văn hóa truyền thống của ta. Nó sẽ không sản xuất được những sản phẩm văn học gì đáng kể có khả năng cạnh tranh với những tác phẩm dù đơn sơ nhất như ‘Trê Cóc’ hay ‘Sãi Vãi’, nói chi đến những sách truyện của một tiếng Việt trưởng thành hơn như ‘Ngọn Cỏ Gió Đùa’ của Hồ Biều Chánh, ‘Đoạn Tuyệt’ của Nhất Linh, ‘Hồn Bướm Mơ Tiên’ của Khái Hưng vân vân… Còn ‘Kiều’ của Nguyễn Du, hay ‘Hoàng Lê Nhất Thống Chí’ của Ngô gia văn phái thì quá xa tầm công phá của Anh ngữ globish một khoảng cách cả năm ánh sáng.
Những gì về công dụng của tiếng Anh globish cho Việt Nam cũng có thể cũng áp dụng cho Liên Bang Asean. Liên bang này nói chung đã không ngần ngại dùng Anh ngữ globish trong nhu cầu sinh hoạt hàng ngày với người ngoại quốc. Cũng như ở Việt Nam, có thể người ta sẽ thấy dùng Globish ổn hơn là dùng tiếng Hoa làm ngôn ngữ chính thức cho Liên bang. Trung Hoa có lực lượng kinh tế và quân sự mạnh nhất trong vùng và vào hàng nhất nhì toàn cầu. Có lẽ là gốc nông dân, người Hoa và các lãnh tụ của họ từ xưa đến nay có một sự mê say không mệt mỏi với đất đai, nhất là đất đai của láng giềng. Ấy là chưa kể sự mê say cũng không kiêng khem gì họ dành cho những tài sản vật chất hay tinh thần của tha nhân bên kia biên giới. Chung đụng quá gần với Trung quốc như ngủ chung giường với con voi khổng lồ, khi nó cựa mình dù với thiện ý cũng có thể bất tiện thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Một giải pháp ngoài việc chính thức hóa tiếng Hoa và hay dùng globish, là Việt Nam phải đẩy mạnh dịch thuật giữa tiếng Việt với ngôn ngữ của các hội viên khác trong Liên Bang, nhưng điều này chắc còn phải nhiều thời gian mới thực hiện nổi nếu ta nhìn vào những khó khăn của Pháp trong diện này bên Âu Châu.
Phiên dịch là giài pháp ngôn ngữ cho Liên bang Âu châu?
Liên Bang này đã thực hiện được những bước tiến khổng lồ, như thống nhất tiền tệ, giản dị chuyện đi lại giữa các nước hội viên, cải tổ thương mại và thuế vụ… Nhưng cũng giống Aséan, một trong những vấn đề lớn nhất còn lại là đi tìm và xác định một ngôn ngữ chung. Về thực dụng, Globish cũng thành công ở Âu châu như ở Việt Nam và Á châu. Nhưng người Âu có lẽ ngần ngại với tiếng Anh cũng vì những lý do tương tự khi Á châu ngần ngại với tiếng Hoa. Vấn đề vẫn là ngủ chung giường với voi, và Mỹ quốc là con voi của Âu châu trong ví von này.
Các nước hội viên có phản ứng khác nhau với viễn tượng Anh ngữ là ngôn ngữ độc nhất cho liên bang Âu châu. Các nước nhỏ trên dưới năm bảy triệu dân không lưu tâm lắm với vấn đề. Đằng nào họ cũng đã quen từ lâu với việc xử dụng song song với tiếng mẹ đẻ, một ngôn ngữ láng giềng như Đức hay Pháp. Ngược lại những nước đông dân và có truyền thống quốc gia mạnh thì vấn đề rất sôi nổi. Giải pháp phiên dịch đa văn từ tiếng quốc gia qua ngôn ngữ các nước hội viên khác của Liên Bang vẫn là một phuơng án đầy sinh khí trong lòng các lãnh tụ văn hóa và chính trị. Người ta chưa muốn chấp nhận Anh ngữ là tiếng nói chung chính thức. Và họ nghiêm túc nghiên cứu những sách lược văn hóa căn cứ trên chủ đề ‘Phiên dịch chính là ngôn ngữ cho Âu Châu’ do nhà trí thức Ý Umberto Eco đề xướng.
Nhưng lực có tòng tâm không lại là chuyện khác. Một nước như Pháp có khả năng để thực hiện một chương trình phiên dịch quy mô đến như vậy không? Về phẩm thì không ai cãi được phiên dịch ở Pháp đạt tới mức độ siêu việt. Trường ESIT (école des interprètes et traducteurs) ở Paris sản xuất ra những dịch giả và thông ngôn hạng nhất thế giới. Họ là tinh hoa của nghiệp vụ. Tôi có nghe đồn về một phụ nữ Việt Nam tốt nghiệp trường này. Nhắm mắt mà nghe cô nói, người ta tưởng là đầm Paris, đầm London, đầm Roma, hay đầm Madrid, khi cô phát biểu bằng sinh ngữ của mỗi thủ đô trên. Cô chuẩn từ văn phạm, tới phát âm, tới ngữ vựng. Tục truyền rằng cô chuẩn luôn cả mỗi khi nhân vật được cô thông ngôn yên lặng hay thở dài. Cô tinh thông về mọi lý thuyết của dịch thuật, từ dịch theo chữ, dịch theo ý, dịch trung thành với gốc, dịch trung thành với ngọn…
Nhưng một trường ESIT không là nghĩa lý gì với nhu cầu phiên dịch cho 27 thứ tiếng chính của Liên Bang Âu Châu. Nếu kể thêm cả dân nhập cư thì số ngôn ngữ lên tới hơn 400. Muốn có đủ dịch thuật để thỏa mãn mọi ngành sinh hoạt của Pháp đối với Liên Bang, có lẽ phải cả trăm trường ESIT mới đủ.
Mở được trường rồi, thì vấn đề tới là hệ thống trung học có sản xuất ra sinh viên ưu tú đông và đủ cho cả trăm trường sinh ngữ như vậy không? Các giáo chức Pháp thì không lạc quan. Tuy học sinh tốt nghiệp tú tài bây giờ vốn sinh ngữ có hơn trước, nhưng đủ để hấp thụ cái giáo dục quá cao cấp của ESIT thì chưa chắc. Rồi người ta lại còn sẽ phải nói đến cải tổ giáo dục trung học, từ số giờ, số sinh ngữ, thậm chí cho đến chỉ định một hệ số quan trọng hơn cho dịch thuật trong các kỳ thi. Thêm một bước nữa là nhu cầu cải tổ toàn bộ hệ thống tiểu học…
Cuộc tranh đấu của tiếng Pháp với tiếng Anh xem ra không bao nhiêu hứa hẹn thành công. Nưóc Pháp có nhiều ưu tiên cấp bách khác về mọi mặt, không nhẽ dồn hết tất cả tài nguyên cho việc trở thành một quốc gia toàn là thông dịch viên để dịch tiếng Pháp ra mọi thứ tiếng trên lục địa.
Có thể kết cục là một điểm trung gian đâu đấy giữa các thái cực. Có lẽ dù muốn dù không, Anh ngữ sẽ chiếm vị trí thượng phong trong cộng đồng thế giới, trong khi mỗi nước sẽ cố gắng bảo vệ một khoảng không gian riêng cho chủ quyền và văn hóa quốc gia. Ta sẽ thấy nay mai những biến chuyển cực kỳ quan trọng về dịch thuật, và ảnh hưởng quan trọng không kém của chúng đến tiến trình của xu hướng toàn cầu hóa.
Lý tưởng là hưởng được cái tốt chung mà không mất cái cá tính riêng. Câu chuyện khó khăn nhưng không hẳn là không thể có. Hy vọng là chuyện của ngày mai. Nên nói chăng như Lỗ Tấn, là ngày mai chưa tới, ta không nên đơn phương và tiên quyết tước đoạt đi cái hy vọng của nó.
Mai Kim Ngọc
Long Beach tháng 12, 2008
(Xem tiếp phần 2)
Xem thêm Bài cùng tác giả tại đây
Trở về webpage www.nuiansongtra.com