Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
VỀ DỊCH THUẬT (Phần 2)
MAI KIM NGỌC
Các bài liên quan:
    VỀ DỊCH THUẬT (Phần 1)


VỀ DỊCH THUẬT
Mai Kim Ngọc
* * *

 

PHẦN 2: BẢN CHẤT DỊCH THUẬT HAY CÂU CHUYỆN NGƯỜI ĐẸP CHUNG THỦY

Dịch thuật vì bản chất là một sinh hoạt nhân văn nên có những vùng không cân đo chính xác được như bên khoa học. Những phát biểu cổ kim về dịch thuật cũng không bắt buộc phải chặt chẽ một cách ráo riết như các định đề như toán hay lý hóa.

Có nhiều ẩn dụ liên hệ đến những diện khác nhau của dịch thuật, có khi thâm thúy làm ta suy nghĩ, có khi dí dỏm đáng nhắc lại như chuyện mua vui. Trước tiên là một ẩn dụ đặc biệt lỏng lẻo, hình như nguyên bản Pháp văn đã được các thày cô trung học nhắc đi nhắc lại cho học sinh thế hệ này qua thế hệ khác, rằng:

Traduire, c’est trahir, tạm chuyển ngữ là (bị mất đoạn kế)

Phiên dịch là phản nghĩa…

Trong lớp học, câu nói có công dụng răn dậy học trò phải nên cẩn thận khi dịch. Sự cuờng điệu có tính cách sư phạm hơn là bi quan. Dù sao không ai hiểu phát biểu này như một lời dứt tình với dịch thuật. Trong hay ngoài học đường, đây chỉ là cách nói, và người ta vẫn tiếp tục dậy học trò dịch, đọc sách truyện dịch, và suy nghĩ về dịch thuật.

Ngoài ra còn có những ẩn dụ khác cũng rất duyên dáng nói lên cái khó khăn của phiên dịch. Chính trên diễn đàn DAMAU này, Đinh Linh cũng đã phát biểu về cái khó khăn của dịch giả (còn là nhà văn, nhà thơ vân vân…). Trong bài thơ viết bằng Anh ngữ ‘On Translation’, ông đã có hai câu thơ ví mình với người làm xiếc đi trên dây giữa hai cuốn tự vị không đáng tin cậy. Sự ẩn dụ của khéo và ý nhị, nói lên cái khó phải cân bằng cho được hai thúng chữ khác nhau.

Có lẽ Đinh Linh đã nhũn nhặn chỉ nói tới cái khó khăn ở khâu phiên dịch ngữ vựng. Ông chưa kể ra cái khó khăn khi đi dây giữa hai cuốn văn phạm. Và sau cùng ông cũng không kể đến cái khó khăn có lẽ lớn nhất, là đi dây giữa hai văn hóa, một của tác giả bản đi và một của độc giả bản đến.

Cái khó khăn của phiên dịch đã là đề tài của vô số trường phái về dịch thuật từ cổ chí kim. Người ta đưa ra những nguyên tắc, những căn dặn, những định nghĩa, làm câu chuyện trở nên bội phần phức tạp. Đám này tuyên bố phải trung thành với bản gốc, đám kia phải trân trọng với bản dịch. Người này nhấn mạnh chuyện không được quên văn hóa của tác giả, người kia không được quên văn hóa của độc giả. Ấy là chưa kể chuyện dịch cái vỏ hay dịch cái ruột, trọng ý hay trọng lời. Sau cùng lại còn chuyện bàn cãi gay cấn và không mệt mỏi, là khi dịch có được hay không được phép sáng tác…

Đọc qua những lập trường khác nhau ấy, người tìm hiểu dịch thuật có thể bơ vơ không biết đâu mà tin hay không tin. Kết quả thường là chấp nhận dịch thuật có hai mặt. Mặt lý thuyết thì biết cho vui. Còn mặt thực hành thì ai dịch thế nào thì cứ tiếp tục dịch thế ấy, tất nhiên là vừa dịch vừa nhớ đến những lý thuyết về phiên dịch, nhưng nhớ một cách thực tiễn trong mức thích nghi với phương tiện cũng như khả năng trí tuệ của mình. Điều an ủi cho nhiều dịch giả, là dù có dịch thế nào đi nữa, dịch xong rồi vẫn tìm được một trường phái tình cờ đồng ý với mình. Cốt là lấy hết lòng hết sức mà dịch cho hay.

* * *

Kẻ tìm học khi đọc qua một số lý thuyết trái ngược chắc cũng không khỏi cảm thấy bơ vơ về lập trường dịch thuật. Tôi nghĩ cách hữu hiệu nhất để trị chứng ‘đa thư loạn tâm’ này là ghi nhận sự khác biệt về các trường phái chẳng qua là về hình thức. Cốt lõi là một mẫu số chung cho các trường phái dịch thuật, là trung thực với bản gốc. Thêm vào đấy là bản dịch phải đẹp và dễ đọc, vì dù trung thực đến đâu mà trúc trắc thì chắc cũng không có độc giả. Dịch thuật cũng như sáng tác, viết mà không ai đọc thì viết để làm gì. Câu chuyện còn lại là nên hiểu thế nào là trung thực với bản gốc, cũng như nên định nghĩa như thế nào một bản dịch đẹp và dễ đọc. Hai câu hỏi căn bản này bao gồm và tóm tắt được gần như hết mọi lý thuyết phiên dịch.

Có một ẩn dụ vui và dễ nhớ, rất tiện để minh họa hai điều kiện vừa nêu ra trên đây cho phiên dịch, đó là:

Như những mỹ nhân có thể chung thủy và không chung thủy, những bản dịch đẹp có thể trung thực và không trung thực.

Ẩn dụ có gốc Pháp văn, tôi không nhớ đích xác ai là tác giả. Nguyên bản tiếng Pháp có lẽ còn lý thú hơn, vì cả chữ chung thủy cho đàn bàn và chữ trung thực cho bản dịch có thể dùng cùng một từ fidèle để chỉ định… Cũng như thế, cùng một từ infidèle có thể dùng cho cả hai trường hợp không chung thủy và không trung thực của người và văn.

Thật ra ai khó tính có thể chê ẩn dụ vẫn còn thiếu xót, vì không có chỗ cho các bậc nữ lưu đã không đẹp lại không chung thủy. Đó là những bản dịch đã sai lại xấu, phản ánh một sự túng thiếu ngữ vựng, văn phạm và kiến thức văn hóa chung… Tuy nhiên sự thiếu xót có thể bỏ qua, vì dịch như thế và đàn bà như thế có bị quên đi cũng không đáng ngạc nhiên.

Khó tính hơn nữa, người ta có thể chê câu nói ngụ ý một lòng tham quá đáng, đòi hỏi quá nhiều ở học thuật cũng như cuộc sống. Nó chờ đợi một chuyện không thể có là người nữ đã đẹp lại chung thủy. Đàn bà như vậy khó kiếm, cũng như những bản dịch vừa đúng vừa hay. Đó là trường hợp lý tưởng, mà đã gọi là lý tưởng thì không bao giờ hay ít bao giờ xảy ra. Sự thật là mọi chuyện dành cho con người đều tương đối, chung thủy cũng như trung thực.

Bây giờ ta hãy nhìn vào dịch thuật trong phạm trù tương đối, vừa nêu ra.

Trung Thực Với Từng Chữ Một.

Lối dịch này là phương án lâu đời nhất và vụng về nhất để trung thực với bản gốc. Đây là lối dịch từng chữ một mà người Pháp gọi là traduction mot-à-mot và người Anh là literal translation.

Phương án là tìm cho mỗi từ ngữ của bản gốc một từ ngữ tương đương trong bản dịch. Ưu tiên là như vậy, còn kết quả được thế nào thì hay thế ấy.

Thường thường một bản dịch như vậy đã không đẹp có khi còn tối nghĩa. Hãy lấy thí dụ 1 đoạn văn ngắn trong tác phẩm lớn Terre des hommes của Saint-Exupéry. Đoạn văn kể lại một tai nạn máy bay như sau.

… Il est inexplicable que nous soyons vivants. Je remonte, ma lampe électrique à la main, les traces de l’avion sur le sol. A deux cent cinquante mètres de son point d’arrêt nous retrouvons dejà des ferrailles tordues et des tôles, dont tout le long du parcours, il a éclaboussé le sable. (1)

Dịch từng chữ một:

…Nó là không thể cắt nghĩa rằng chúng tôi là sống. Tôi leo lại, của tôi cây đèn điện ở tay, những vết của phi cơ trên đất. Ờ hai trăm năm mươi thước từ của nó điểm dừng lại chúng tôi tìm lại đã những mẩu sắt vụn bị vặn cong queo và những mảnh tôn, với những thứ ấy suốt chiều dài của quãng đường, nó đã làm tung tóe cát. (2)

Bản dịch tuy đúng đến từng chữ, nhưng tối nghĩa thậm chí vô nghĩa. Nó tàn phá bản gốc. Đọc những câu như vậy ta không thể tưởng tượng có ai lại viết lách ngớ ngẩn đến thế, nói chi một nhà văn lớn như Saint-Exupéry.

Bản dịch tiều tụy là vì quá trung thực với lời, và chỉ với lời mà thôi. Nó đã bất chấp văn phạm cũng như văn hóa người đọc, lại còn bất chấp luôn cả văm phạm và văn hóa người viết. Kết quả là bản dịch hóa ra phản bội bản gốc vì đã đánh mất hoàn toàn sứ điệp nguyên thủy.

Ngược lại nếu ta chọn sự trung thực với ý nghĩa, chỉ cần một dịch giả không chuyên nghề như kẻ viết bài này, đoạn văn trên có thể dễ đọc hơn và gần với ý tác giả hơn:

… Chúng tôi còn sống là chuyện không cắt nghĩa được. Tôi cầm đèn bấm đi ngược lại vết phi cơ trên cát. Hai trăm rưỡi thước cách điểm chạm đất, tôi thấy những mẩu sắt cong queo và những mảnh tôn rách đã cầy cát lên tung toé mà văng ra suốt quãng đường phi cơ trượt tới..

Dịch-từng-chữ-một kỳ khôi như vậy làm ta tự hỏi ai còn dùng nó. Vậy mà lối dịch này đã được xử dụng rất phổ thông trong quá khứ, thậm chí bởi những dịch giả uyên bác. Đó là lối dịch kinh sách tôn giáo Tây phương cho đến hơn mười thế kỷ sau Tây lịch vẫn còn tồn tại. Lý do căn bản là lòng thờ kính Chúa. Ta là ai mà dám sửa văn thay lời Chúa, khi dịch Thánh Kinh?

Kết quả tất nhiên là những bản dịch tối nghĩa. Tôi xin đơn cử một đoạn kinh bằng tiếng Pháp sau đây, trong một cuốn Cựu Ước cổ:

Kinh Sáng Thế (Genèse):

Chương 1, câu 1:

Au début / créé / Dieu / les cieux/ et / lumière

Mới đầu / được tạo / Chúa / những trời / và / ánh sáng

Chương 1, câu 2:

Et la terre / a / forme sans / et de vide / et de l’obscurité / à la surface de / la profonde / et de l’Esprit Dieu / deplacant doucement / on / de la surface / eaux.

Và đất / có / hình thể không / và trống không / và bóng tối / trên mặt của / cái sâu / và của Linh hồn Chúa / trong khi dời chỗ nhè nhẹ / người ta / của bề mặt / các nước.

Có lẽ phải hết thời trung cổ lối dịch từng chữ môt mới hoàn toàn nhường chỗ cho lối dịch ý. Thánh Jérôme sống giữa hai thế kỷ III và IV là một dịch giả lừng danh, về mọi chuyện chủ trương ý quan trọng hơn chữ khi phiên dịch. Ông là một trong những vị tổ của dịch thuật. Lập trường của ông rất rõ ràng là đặt tinh thần của bài văn gốc lên trên văn tự của nó. Ông nói, Non verbum e verbo sed sensum exprimere de sensu (phải chuyển nghĩa, chuyển tất cả ý nghĩa, thay vì chuyển từng chữ một). Vậy mà với kinh thánh, St. Jérôme trở lại dịch từng chữ một. Là người của giáo hội, lúc sống làm đến Hồng Y lúc chết được phong thánh, nên kiêng khem không dám viết lại lời Chúa bằng ngôn ngữ thông thường cũng là chuyện tự nhiên.

Nhưng cổ nhân cũng có khi không những kính trọng tôn giáo của mình, mà còn kính trọng tôn giáo của người khác. Điển hình là Cicéron một học giả La Mã lỗi lạc sống khoảng một thế kỷ trước Jésus. Sự nghiệp phiên dịch của ông nằm trong cố gắng chung của La Mã bấy giờ để đưa nền văn minh cao độ của Hy Lạp vào đất nước mình. Cicéron chủ trương rằng phải dịch cho thoát nghĩa. Với các tài liệu như triết học, nhân văn và khoa học nói chung, ông tuyên bố một khi đã chuyển được ý thì không cần thiết phải đồ lại từng chữ Hy Lạp của bản chính. Vậy mà Cicéron vẫn đặt những văn kiện tôn giáo như một ngoại lệ với nguyên tắc dịch cho thoát nghĩa của ông.

Cicéron sanh truớc Chúa Jesus gần một thế kỷ, tất nhiên là không bị áp lực của tòa thánh La Mã bấy giờ chưa xuất hiện. Còn nước Do Thái đương thời cũng không phải là cường quốc, và công dân La Mã gốc thiểu số Do Thái không có sức ép đáng kể. Nên chi lòng kính trọng qua lối dịch từng chữ các bản kinh Giu-đà phản ánh cái tinh thần đa nguyên và đa văn hóa của La Mã bấy giờ.

Có lẽ Cicéron noi gương các triều đại Hy Lạp ở Ai Cập. Quả thật 2 thế kỷ trước ông, Ptolémée II cũng đối xử bằng sự khoan dung tương tự với tín ngưỡng và kinh sách Do Thái. Bộ kinh Septante là bằng chứng cho chuyện này (xin coi phần I)

Nhưng rồi cũng như mọi chuyện, phiên dịch văn kiện tôn giáo cũng thay đổi với thời gian. Dần dà ngay trong kinh sách, lối dịch từng chữ một cũng không còn được áp dụng. Đến bản kinh Vua James I (thế kỷ XVII), thì chuyện dịch kinh cốt cho thoát nghĩa được chính thức cho phép bởi cả hoàng gia và nhà thờ Anh quốc. Hiện tại những bản Anh ngữ tìm thấy ở tiệm sách hay trong các nhà thờ hoàn toàn thoát ly khỏi gò bó cũ và được trình bày bằng tiếng Anh hiện đại với chủ tâm chính là chuyển tinh thần Phúc Âm cho tín đồ một cách trung thực và mạch lạc mà không phải đồ lại từng chữ bản gốc.

* * *

Tấm Kính Trong. Ngày xưa tôi vẫn nghĩ bản dịch tốt là bản dịch suôi, đọc phải thoải mái, không lấn cấn vì vết tích phiên dịch để sót lại. Nó không được giống những bản dịch trong đó nhân vật ăn nói ngô nghê như mấy ông Tây đoan ngày xưa nói tiếng ta.

Theo diện này, bản dịch không những nắm được câu chuyện của bản chính, mà còn rất thoải mái trong không khí của văn phạm, ngữ vựng, cũng như văn hóa nguời đọc. Dịch thuật ở đây như một tấm kính trong vắt, người đọc có cảm tưởng đang đọc một văn bản trực tiếp viết bằng ngôn ngữ của mình. Bức tranh của bản chính không bị tì ố dù là bởi một dấu tay của dịch giả.

Tuy nhiên ẩn dụ tấm kính trong vắt cũng nêu ra chống đối. Người ta đồng ý rằng bản dịch như vậy tất nhiên là đẹp, nhưng nó có thật sự trung thực thì lại là chuyện khác. Vì rằng tất cả những gì đặc thù của tác giả đã biến mất khi sang tới bản dịch. Nên chi, có nhiều người phản bác lại lối dịch quá đẹp như trên. Họ cãi đó là một tấm kính màu. Kính có công dụng nhuộm cho bản gốc cùng màu với văn hóa của người đọc. Tác dụng này khi quá tay sẽ lọc đi mất những gì đặc thù của văn hóa gốc.

Tấm kính màu. Để minh họa chuyện tấm kính màu, tôi xin lấy một thí dụ giản dị về dịch thuật, bản gốc là Việt bản tới là Anh. Đó là lời tỏ tình của một người đàn bà Việt với chồng cũng Việt, trong hoàn cảnh vừa đôi phải lứa:

Trong bản gốc, người đàn bà nói:

‘Em yêu anh.’ (1)

Dịch sang tiếng Anh là:

‘I love you.’ (2)

Câu nói của bản gốc bình thường mà câu dịch cũng bình thường. Người vợ nói câu đó chỉ là một người vợ bình thường, như muôn ngàn người vợ bình thường của muôn ngàn cặp vợ chồng bình thường khác.

Bây giờ ta hãy sang chuyện một cặp vợ chồng khác trong một hoàn cảnh đặc thù hơn. Ở đây anh là người Mỹ gốc Việt khoảng 40 chị Mỹ gốc Mễ khoảng 30. Người đàn bà không những yêu chồng mà còn yêu văn hóa chồng. Ở nhà chị mặc áo bà ba, chủ nhật chị ra chùa học tiếng Việt với các sư nữ. Thấy cô sư gọi những người đàn ông cỡ tuổi chồng mình là chú, chị nhớ thuộc lòng và mang cách xưng hô về nhà áp dụng.

Chị nói:

‘Em chú yêu.’

Rõ ràng tiếng Việt của chị còn vụng. Chị còn rất lúng túng với đại danh từ Việt, dùng ‘chú’ là ngôi thứ hai ngay cả với chồng. Và chị để túc từ ‘chú’ trước động từ ‘yêu’…

Nếu dịch cho xuôi, ta sẽ viết:

‘I love you’ (2)

Ở nguyên bản tiếng Việt, hai người đàn bà tỏ tình với chồng bằng hai cách hoàn toàn khác nhau. Với người đàn bà đầu, câu nói ‘Em yêu anh’ gần như máy móc. Còn câu tỏ tình của người đàn bà thứ hai ‘Em chú yêu’ trái lại chứa định rất nhiều thông tin. Thứ nhất, hai vợ chồng không đồng chủng đồng văn; thứ hai, người đàn bà Mễ yêu chồng tha thiết, và vì tình yêu ấy đi tìm hiểu văn hóa của chồng, thậm chí lên chùa học tiếng Việt để nói với chồng; thứ ba, chị chưa hoàn toàn quên văn phạm Mễ khi nói tiếng Việt, đặt túc từ ‘chú’ trước động từ ‘yêu’; tất cả phản ánh rất rỏ ràng cái dùng dằng văn hóa của hôn nhân dị chủng.

Vậy mà trong bản Anh ngữ, câu tỏ tình của hai người đàn bà hoàn toàn giống nhau. Trong cả hai trường hợp, câu đó đều là ‘I love you’. Rõ ràng là phiên dịch đã đánh mất rất nhiều chi tiết của nguyên bản. Nó quả là tấm gương màu đã che đi quá nhiều bên bản đi, chỉ để lại một cái gì thuần túy Anh ngữ bên bản tới.

Tấm Kính Màu Che Mất Ông Giăng. Một thí dụ khác về tấm kính màu xảy ra ở Việt Nam, mà có lẽ các bậc trưởng thượng trong giới Việt kiều hải ngoại còn nhớ. Chuyện xảy ra cho một lớp đàn anh xa, nhưng nội dung rất thuận lợi để minh họa chuyện tấm kính trong và tấm kính màu.

Không gian là một phòng thi tú tài I tại Huế, và thời gian là khoảng cuối những năm 30. Bấy giờ bằng tú tài Pháp còn hiếm ai đậu bằng ấy có thể nhận mình là bậc trí thức, vào công sở có thể được bổ ngay vào ngạch tham biện. Không muốn làm quan thì với vốn liếng trí tuệ ấy người ta vẫn có thể làm báo hay dạy học tư một cách thong dong.

Thủa ấy phần vấn đáp bao giờ cũng công khai, thanh thiên bạch nhật cho công chúng quan sát. Mỗi giám khảo lấy một phòng học, ngồi vào bàn giáo sư, và các thí sinh ngồi trên các hàng ghế học trò, lần lượt xuất trình thẻ học sinh và lên trình diện để được khảo hạch. Cha mẹ hay bất cứ ai quan tâm đến học vụ cũng được phép ngồi dự thính hay quan sát, tất nhiên với điều kiện không được ồn ào mà làm mất vẻ trang nghiêm.

Giám khảo là người Việt thuộc thành phần khoa bảng tốt nghiệp cử nhân văn chương và cao đẳng sư phạm ở Pháp mới hồi hương. Ông lại dòng dõi nho gia, chữ Hán chữ nôm và tất nhiên quốc ngữ đều tinh thông. Có nhiều huyền thoại về ông trong đó có câu chuyện thi cử này.

Trong kỳ vấn đáp môn Pháp văn, ông bắt một một thí sinh dịch bài đồng dao:

Ông Giẳng ông Giăng
Ông giằng búi tóc
Ông khóc ông cười
Mười ông một cỗ
Đánh nhau lỗ đầu…


Anh thí sinh dịch trôi chảy. Ông giám khảo nói:

‘Anh dịch giỏi, tôi đã cho anh 7 điểm trên 10 là một điển rất cao như anh biết. Nhưng tôi nghĩ anh còn có thể dịch giỏi hơn nữa nếu anh cố gắng.

‘Tôi cho anh dịch lại câu vè đầu tiên. Nếu đúng những gì tôi chờ đợi ở anh, tôi sẽ cho 10 điểm trên 10. Anh chắc biết là chưa ai được điểm này trong lịch sử thi tú tài I, dù ở ta hay ở bên Pháp.’

Thấy thí sinh ngơ ngác chưa biết nói gì, vị giám khảo hỏi như nhắc:

‘Lúc nãy anh dịch câu ‘Ông Giẳng, Ông Giăng’ là gì nào?’

Thí sinh lễ phép:

‘Dạ, con dịch là Ô Lune, Ô Lune’.

Giáo sư giám khảo lại hỏi:

“Thế nếu là ‘Ông Giăng Ông Giăng’ thì anh dịch làm sao? Đừng quên là bây giờ cả hai ông đều là Giăng, và không ông nào có dấu hỏi.’

Thí sinh suy nghĩ rồi sau cùng nói:

‘Cũng là ‘Ô Lune, Ô Lune’, thưa giáo sư.’

Giáo sư giám khảo mỉm cười sung sướng, tựa hồ đã dắt được câu chuyện về chỗ ông muốn dắt.

Ông nói:

‘Vậy thì ‘Ông Giẳng Ông Giăng’ với ‘Ông Giăng Ông Giăng’, anh dịch giống hệt nhau sao?’

Thí sinh đứng sững không tìm ra câu trả lời. Nhưng sau cùng thấy thầy không nóng giận, lại vững tâm đã được dư điểm đậu, anh đánh bạo:

‘Con cảm ơn thày đã cho con điểm tốt, nhưng con chưa thấy con dịch sai hay thiếu chỗ nào.’

Giám khảo:

‘Vậy sao? Thôi thì thế này nhé, ‘Ông Giẳng, Ông Giăng’ là bài đồng dao với lối nói láy tinh nghịch mộc mạc của nông thôn mình. Nghe câu vè này anh có cảm tưởng đang thấy đường làng dãi trăng và nhộn nhịp trẻ con rước đèn một tết Trung Thu không? Anh có thấy chúng bày cỗ với bưởi đào và bánh dẻo bánh nướng không?

‘Anh không thấy nó khác với ‘Ông Giăng, Ông Giăng’ nhạt nhẽo mà tổ tiên chúng ta không bao giờ cho vào thơ phú nói chi một bài đồng dao. Anh dịch là ‘Ô Lune, ô Lune’ cho cả hai trường hợp, là đã đánh mất tính chất đồng dao của ‘Ông Giẳng ông Giăng rồi.’ Đánh mất nhiều như vậy mà không thấy tiếc sao?’

Thí sinh sáng mắt chợt hiểu cái tinh vi tế nhị của dịch thuật mà vị giám khảo khả kính vừa giảng cho anh. Hai thầy trò nhìn nhau, nụ cười trong hai ánh mắt như cùng chia sẻ một niềm vui hàn lâm nhưng chân thật và trong sáng. Rồi như hít thở cái không khí của một tình bạn vong niên không nói ra, anh thí sinh hỏi câu cuối cùng:

‘Bẩm thầy bổn phận con là trả lời câu hỏi của thầy trong kỳ thi vấn đáp này. Nhưng thầy đã dậy con rất nhiều, xin thầy dậy cho trót. Thầy khuyên con nên dịch ‘Ông Giẳng, ông Giăng như làm sao?’

Giám khảo nói:

‘Là ‘Ô Lủne, ô Lune…’’

Câu chuyện đến đây bị gián đoạn bời một ông tây thực dân tên là M., thanh tra mật thám của tòa Khâm Sứ Pháp bấy giờ. Trong nghiệp vụ mật thám, ông ta có nhiều công với Pháp và tội với đất nuớc ta. Có lẽ ông chỉ có chút công là rất thương yêu người vợ Việt và cũng rất thán phục cụ Nguyễn Du, và hình như đang tấp tểnh dịch Kiều ra Pháp văn.

Thanh tra mật thám M. sau đoạn ‘Ô Lủne ô Lune’ đã đứng dậy buớc tới bàn giấy giám khảo, lễ phép xin bắt tay giáo sư Pháp văn bản xứ và tự giới thiệu. Ông thanh tra thú nhận là năm nào cũng tới coi vấn đáp, vì muốn xem các học sinh bản xứ phiên dịch làm sao. Nhưng muời mấy năm ở đất nước này, ông chưa bao giờ được dự thính một buổi vấn đáp về dịch thuật thú vị như hôm nay.

Câu chuyện có thể đã tam sao thất bản nên có nhiều chỗ lỏng lẻo và đã trở thành ngụ ngôn. Tại một hai trạm trung gian nào đấy, người ta đã gắn thêm đầu đuôi vào để gửi sứ điệp là dịch phải trung thành, không những với từ ngữ và văn phạm mà còn phải bắt được cái hồn văn hóa của bản gốc.

Sáng tác trong dịch thuật hay Ngọn Cỏ Gió Đùa của Hồ Biểu Chánh.

Thói thường ta nghĩ sáng tác trong phiên dịch là cực kỳ thiếu trung thực với bản gốc. Tuy nhiên ý kiến này không phải bao giờ cũng đúng, và có những trường hợp sáng tác khi phiên dịch lại bảo đảm cho sự trung thực với bản gốc được gia tăng. Đó là trường hợp Ngọn Cỏ Gió Đùa của Hồ Biểu Chánh dịch từ Les Misérables của Victor Hugo.

Khởi sự là nguyên tắc sau đây: Mỗi sứ điệp của tác giả bản gốc khi đến bản dịch thì được hiểu theo văn phạm và văn hóa người đọc.

Thí dụ như hai chữ deer hunter, nghĩa đen là người săn nai, đối với độc giả Việt Nam thời tiền chiến là một thú vui thể thao thượng lưu được hoàng thượng thường chia sẻ với quan toàn quyền. Các quan chức Việt Pháp cũng tham dự trong một khuôn khổ tuy giản dị hơn nhưng vẫn còn sang trọng. Về sau, săn bắn tuy phổ thông hơn, nhưng cũng là một thể thao của những người cầm quyền hay quý tộc, như gia đình ông cố vấn, hay các viên chức cao cấp trong đệ nhất hay đệ nhị cộng hòa, tóm lại những người không những có phương tiện mà còn còn có trình độ văn hóa cao.

Trái lại, chữ deer hunter ở văn hóa Mỹ thường thường chỉ một con người trung lưu hay hạ trung lưu, ít đọc sách, tương đối giản dị, không săn nai thì bắn vịt hay thu giọn vườn tược, thường uống bia với một tửu lượng đáng kể. Ở những vùng lạnh, họ còn thêm cái thú câu cá mùa đông trên các mặt hồ đã đóng băng. Những người này thường rất bảo thủ, có xu hướng nghĩ da trắng là giống cao cấp nhất trong thiên hạ.

Về sau thêm vào những nét trên, chữ deer hunter còn mang theo hành lý của cuốn phim hậu chiến tranh Việt Nam, trong đó tinh thần phản chiến của giới nghệ sĩ và báo chí Mỹ rất cao không quản ngại bóp méo sự thật vì lập trường của mình. Truyện phim hoàn toàn không lấy chất liệu từ nguồn Việt Nam nào, mà ‘cảm hứng’ từ một cuốn truyện Đức sau thế chiến I, và một cuốn truyện cờ bạc ở Las Vegas đầy đủ với súng ru-lô kiểu Nga…

Văn cảnh hai văn hóa Việt và Mỹ khác nhau đến thế ấy, dịch cụm chữ Deer Hunter sang tiếng Việt hay dịch Người Săn Nai sang tiếng Anh, ngả nào cũng không ổn. Hai nhân vật tuy tên giống nhau nhưng xuất xứ gia cảnh trình độ hoàn toàn khác nhau dễ dàng đưa tới chỗ hiểu lầm bản gốc.

* * *

Giải pháp cho sự khác biệt văn cảnh văn hóa xã hội giữa tác giả bản gốc và độc giả bản dịch được giải quyết rất tài tình bởi một dịch giả Việt Nam là cụ Hồ Biểu Chánh. Cụ đã dùng sáng tác, để bản dịch Ngọn Cỏ Gió Đùa khi tới độc giả Việt Nam vào thời điểm những năm 20 vẫn chuyên chở gần như nguyên vẹn chủ ý của Victor Hugo khi nhà văn Pháp viết Les Misérables.

Ngoài cụ Hồ Biểu Chánh nhiều người khác cũng chuyển ngữ Les Misérables sang tiếng Việt, và các bản dịch được đánh giá khác nhau bởi các giới thưởng lãm. Tuy nhên, tôi không có ý định so sánh các dịch giả và các bản dịch của họ. Tôi đề cập đến Ngọn Cỏ Gió Đùa vì tác phẩm trực tiếp minh họa vấn đề sáng tác trong phiên dịch để bảo tồn ý của bản gốc.

Tôi nghĩ một trong những chủ ý của Victor Hugo là truyện chở cái tâm thánh thiện của con người. Dù ở kẻ xuất thân hèn hạ lại bị nhiều oan trái và đã bị hủ hoá bởi cuộc sống bất công, cái tâm ấy nếu được nguồn cảm hóa tốt vẫn có thể phục hồi và trở thành thánh thiện. Cái tâm ấy là của Jean Valjean trong Les Misérables và của Lê Văn Đó trong Ngọn Cỏ Gió Đùa, hai vai chính trong hai truyện.

Hai con người ấy đi qua những giai đoạn nối tiếp với vô số tình tiết và diễn tiến rất giống nhau của hai cốt truyện. Jean Valjean của Victor Hugo vì đám cháu đói, đã đi ăn cắp bánh mì, tù nhẹ hóa thành tù nặng vì những lần vượt ngục thất bại để sau cùng bị khổ sai gần 20 năm. Lê Văn Đó của Hồ Biểu Chánh cũng vì đám cháu đói đã ăn cắp thực phẩm mà cũng bị tù một khoảng thời gian dài tương tự. Ra tù cả hai thành chai sạn, lấy oán trả ơn, và sẵn sàng đi tiếp con đường tội lỗi cho đến mãn kiếp. Nhưng nhờ may mắn họ gặp được những thánh nhân mà cả hai đã cải tà quy chính và trở thành thập phần tốt lành.

Hai thánh nhân đó là hai bậc chân tu, một Giám Mục bên truyện Pháp và một Hòa Thượng bên truyện Việt. Cả hai vị đều từ bi vô lượng, không mệt mỏi thương xót con người, ngay khi kẻ bất hạnh vì tạp khí vô lại đã lấy ơn trả oán. Nhờ lòng từ bi cao cả, hai tên tội đồ sám hối, và sống lành mạnh để trở thành những nhân sĩ trong xã hội. Họ làm việc thiện cho những kẻ khốn cùng gặp trên đường đời và cho xã hội nói chung. Họ cũng được đời tưởng thưởng. Jean Valjean trở thành đốc lý, còn Lê Văn Đó thành quan Thiên Hộ của vua Minh Mệnh. Hết cơn bĩ cực đến tuần thái lại, một tuần thái lai xứng đáng vì công đức. Nhưng truyện không dừng tại đây và các nhân vật không hưởng phúc cho đến già đến chết. Oan trái lại chụp xuống đầu hai người. Nhưng vấn nạn cuối đời là do lòng tốt của họ mà ra. Jean Valjean trong Les Misérables bỏ chức đốc lý ra đầu thú với cơ quan công lực để khỏi có người bị tù oan vì mình, và trong Ngọn Cỏ Gió Đùa Lê Văn Đó cũng làm chuyện tương tự. Và cả hai đầu tiếp tục thánh thiện cho đến hết truyện.

Hồ Biểu Chánh cũng dựng các nhân vật phụ Việt Nam rất trung thực với những nhân vật Pháp tương ứng trong bản gốc. Người đàn bà khốn cùng của Victor Hugo là Fantine đã trở thành Nguyệt Ánh, thanh tra cảnh sát Javert trở thành đội trưởng Phạm Kỳ. Bé Cosette con gái của Fantine trở thành bé Thu Vân. Ý trung nhân của hai bé gái này cũng dòng dõi quý tộc có thời chống lại triều đình; cả hai chàng thanh niên này được cứu khi lâm nạn, một bởi Jean Valjean một bởi Lê Văn Đó, để sau cùng kết duyên lành với hai cô gái. Các nhân vật Pháp và Việt từng cặp một giống nhau như anh chị em sinh đôi, cuộc sống chạy song song qua đầy đủ những giây đoạn chính của cốt truyện.

* * *

Hồ Biểu Chánh đã dùng cốt truyện gần như nguyện vẹn của Les Misérables và tạo nên Ngọn Cỏ Gió Đùa như một đại tác phẩm có giá trị với nhiều lớp lang. Tùy theo trình độ người đọc, tác phẩm hiện ra dưới nhiều dạng thức với độ dầy khác nhau.

Riêng trong trường hợp kẻ viết bài này, Ngọn Cỏ Gió Đùa được đọc cả thẩy ba lần. Lần đầu như một em bé 12 tuổi, khám phá ra tác phẩm trong tủ sách gia đình thời gian chạy loạn về làng. Không biết sách là truyện dịch từ ngoại văn, tôi chỉ thấy Ngọn Cỏ Gió Đùa là một cuốn truyện hay, đã cầm lên là khó bỏ xuống. Truyện có hậu rất hợp với tuổi thơ, văn chương lại rất suôi, đọc thầm mà cũng thấy một thứ âm điệu khác với ngôn ngữ ngoài Bắc mà về sau vào Nam sống mới trực tiếp biết được. Bấy giờ có ai bảo nguyên tác là Les Misérables của Victor Hugo, chắc tôi cũng không tin ngay.

Lần thứ hai tôi đọc Ngọn Cỏ Gió Đùa là thời sinh viên y khoa Sài Gòn. Bấy giờ tôi đã biết xuất xứ của truyện, và tôi cũng được nghe đôi điều loại lời ong tiếng ve của những người không ưa văn chương của cụ. Tuy nhiên, tôi vẫn thích tác phẩm, và đọc lại, tôi lại càng thấy hay. Thứ nhất, tôi thấy cụ Hồ Biểu Chánh khi dịch rất lưu tâm tới giới độc giả đồng hương là những người Việt của cuối thập niên 20. Cụ đã bỏ công Việt hóa cuốn truyện, tránh cho họ khỏi phải ngỡ ngàng với những ông Tây bà Đầm nói tiếng ta ngô nghê như lính đoan đi bắt rượu lậu. Cụ cũng tránh cho họ cái ngỡ ngàng về xã hội Pháp, về cách mạng nhân quyền bài phong chống đế của cái xã hội Tây phương đang kỹ nghệ hóa này. Những thông tin về lịch sử và xã hội Pháp thời Victor Hugo vô cùng phức tạp với chuyện vua đi rồi vua về, cộng hòa rồi bảo hoàng để rồi lại cộng hòa trở lại, độc giả trung bình Việt Nam thật ra không cần biết. Và dịch thuật của cụ như một tấm gương màu đã lọc chúng đi. Tôi không nghĩ đây là một sự mất mát đáng tiếc, vì tiểu thuyết nhất là trong bản dịch không phải là những tài liệu nghiêm túc cho ai muốn học về sử hay xã hội của một nuớc nào. Còn những chuyện lặt vặt như Ngọn Cỏ Gió Đùa là ‘lấy’ từ Les Misérables, thì tôi nghĩ không cần dài dòng. Truyện Kiều cũng lấy từ Đoạn Trường Tân Thanh của Thanh Tâm Tài Nhân nhưng không vì vậy mà không siêu việt.

Sau cùng tôi đọc Ngọn Cỏ Gió Đùa khoảng hai ba năm gần đây, sau khi chính tôi cũng đã viết lách ít nhiều cũng như đã phiên dịch một vài truyện ngoại văn ra tiếng Việt. Hơn nữa với kinh nghiệm tuổi đời mang lại, tôi sau cùng thấy được điều mà tôi cho là quan trọng nhất của các tác phẩm đã đọc nói chung. Với Ngọn Cỏ Gió Đùa nói riêng, tôi nghĩ đó là lối dịch thuật/sáng tác của Hồ Biểu Chánh thay vì phá bản gốc, lại bảo đảm cho giá trị nghệ thuật và tư tưởng của Victor Hugo được nguyên vẹn khi sang tới Ngọn Cỏ Gió Đùa.

* * *

Vì nói cho cùng, một tác phẩm lớn của nhân loại như Les Misérables tuy phát xuất từ một hoàn cảnh riêng của cốt truyện, nhưng phải thăng hoa lên trên cái riêng đó mà đến được cái chung của nhân loại. Les Misérables đã thực hiện được cái riêng để tới cái chung của thế giới đồng văn hóa và ngôn ngữ với Pháp.

Thế giới này không bao gồm đa số dân Việt Nam cuối thập niên 20. Nếu dịch trung thực với hoàn cảnh hoàn toàn Pháp của bản gốc thì Les Misérables sẽ không thăng hoa lên cái riêng nổi mà tới được cái chung để độc giả Sài Gòn bắt được. Những chi tiết đặc thù cho văn hóa xã hội Pháp sẽ bị hiểu sai trong văn hóa xã hội Việt những năm cụ Hồ Biểu Chánh ngồi viết Ngọn Cỏ Gió Đùa.

Chẳng hạn như nhân vật Giám Mục Myriel. Nếu Hồ Biểu Chánh đã không sửa lại hình tướng của nhân vật bằng một liều lượng sáng tác thích nghi, thì đương sự sẽ bị hiểu sai ý của nguyên bản. Với đa số dân ta bấy giờ không có đạo Gia-Tô, Giám Mục là một chức sắc ngoại bang rất xa lạ, sang trọng và đầy uy quyền, chỉ xuất hiện tại nhà thờ lớn thủ đô một năm một hai lần nhân dịp những lễ lạt quan trọng. Ấn tượng với dân thuộc địa sẽ oai nghiêm sang trọng thậm chí vương giả, hơn là từ bi. Nhân vật sẽ không còn giống giám mục Myriel khi được Victor Hugo dựng ra.

Để chở nguyên vẹn cái từ bi của con người tu hành, Hồ Biểu Chánh đã biến Giám Mục thành Hoà Thượng Chánh Tâm. Trong văn cảnh Việt Nam, Hồ Biểu Chánh đã tạo ra một hiện tượng hiếm có. Là để chở đầy đủ ý niệm từ bi Victor Hugo dành cho nhà tu hành, một bậc cao tăng Việt lại giống giáo chủ Pháp Myriel hơn chính giáo chủ nếu đương sự đã giữ nguyên danh tánh.

Sự Việt hoá các nhân vật phụ như các quan Án sát hay Tổng đốc cầm quân Triều đi dẹp giặc Lê Văn Khôi, Đội trưởng Phạm Ký một bị quan thanh liêm có tư cách, các viên chức nhỏ như Lý trưởng này hay Nhiêu nọ Nhiêu kia, người nào cũng đóng đúng vai của nhân vật Pháp tương ứng mà có lẽ Victor Hugo đã dụng ý khi viết bản gốc. Các địa danh như Bến Tranh, Định Tường, Rạch Gù… tất cả người và đất và sự tình ấy làm người đọc thoải mái mà không suy nghĩ lạc đề về những chi tiết văn hóa Pháp không cần liên hệ để hiểu ý văn của đại tác phẩm Pháp.

* * *

Việt hóa các nhân vật và địa danh đã tài tình như vậy, mà sự Việt hóa các đồ vật của Hồ Biểu Chánh cũng linh động và hữu hiệu không kém. Hãy ngắm kỹ những ổ bành mì Jean Valjean ăn cắp để mang về nuôi người thân. Bên Pháp đi tù vì ăn trộm bánh mì là chuyện đáng thương tâm đến thê thảm. Bị tù 20 năm cũng vì sự ăn cắp nhỏ nhoi ấy lại càng đáng thương tâm bội phần.

Nhưng với khung cảnh xã hội Việt Nam thời những năm 20, bánh mì là một thứ đồ ăn tương đối sang trọng, bán chung với những thực phẩm nhập cảng đắt tiền như phó-mát, dồi Pháp, hay pa-té gan ngỗng tại các tiệm dành riêng cho người Âu hay người Việt trưởng giả. Trong văn cảnh ấy, nguời đọc Sài Gòn gần thế kỷ trước chắc phải thắc mắc, là đói mà lại đi ăn cắp thực phẩm cao lương mỹ vị tại các tiệm chỉ có người Âu và giới bản xứ sang trọng mới vào mua được là chuyện thế nào. Tác giả muốn nói gì đây?

Nhưng khi Hồ Biểu Chánh đổi chiếc bánh mì thành nồi cám heo, thì cụ đã giải quyết tất cả cơ nguy của Victor Hugo có thể bị độc giả Việt Nam hiểm lầm. Sứ điệp của đại văn hòa Pháp nhờ nồi cám heo tài tình của Hồ Biểu Chánh mà tới trọn vẹn với người đọc miệt vườn thời ấy.

Cũng có nhiểu chi tiết nhỏ khác Hồ Biểu Chánh đã sáng tác thêm vào chân dung các nhân nhân vật nguyên thủy của Victor Hugo khi mang họ sang Ngọn Cỏ Gió Đùa. Fantine phải đi làm điếm nuôi con, thì Nguyệt Anh chẳng thà chịu chết đói chứ không rơi vào cảnh ấy. Phải chăng là Hồ Biểu Chánh từ bi với nhân vật hơn các nhà văn hiện thực khác. Hay sự can thiệp của dịch giả Việt Nam chỉ vì thấy sứ điệp của Victor Hugo sẽ bị ngộ nhận, độc giả trong văn cảnh Việt Nam bấy giờ ít độ lượng hơn với nghể mãi dâm. Trong đầu độc giả Việt Nam thời Hồ Biểu Chánh, Ánh Nguyệt làm điếm sẽ khác với hình ảnh nguyên thủy của Victor Hugo dành cho cô điếm Fantine.

* * *

Chính Trị trong Phiên Dịch. Một sáng tạo của Hồ Biểu Chánh làm lập trường chính trị của Ngọn Cỏ Gió Đùa hoàn toàn khác với bản chính Les Misérables . Đó là lập trường và hành động bảo hoàng của nhân vật Lê Văn Đó. Những bất hạnh của Lê Văn Đó không tạo ra một thái độ chống chánh quyền nói chung và chống triều đình nhà Nguyễn nói riêng.

Tất nhiên là truyện cũng có những chê trách dành cho nhà giàu và những kẻ quyền quý thối nát, nhưng không bao giờ Lê Văn Đó cũng như Hồ Biểu Chánh vơ đũa cả nắm. Hòa thượng Chánh Tâm người đã giác ngộ Lê Văn Đó cũng là một bậc hưu quan, đã gần vua và được vua ban cho bộ chén ngọc để uống trà. Lê Văn Đó đi khai khẩn ruộng hoang thành phú ông, không những đem tiền của đi cứu giúp những kẻ khốn cùng, mà còn mở vựa lúa của mình ra nuôi binh lính triều đình dòng dã ba năm trong chiến dịch diệt ngụy Lê Văn Khôi. Lê ăn Đó trân trọng cái chức Thiên Hộ mà nhà vua ban thưởng. Bộ chén ngọc vua ban cho Hòa Thượng Chánh Tâm mà Lê Văn Đó ăn trộm rồi được Hòa Thượng cho luôn, Đó giữ đến lúc chết mới trao lại cho vợ chồng Thu Vân như bảo vật vô giá. Javert trong nguyên bản có tinh thần nghiệp vụ cao nhưng cuộc đời bình sinh chỉ là để mù quáng và thẳng tay áp bức những người bần cùng trong xã hội. Vậy mà Hồ Biểu Chánh cũng sửa sang lại chân dung của Javert, biến y thành Đội Trưởng Phạm Ký để có thể nói rằng quan lại triều đình cũng có những vị nhân đức biết áp dụng phép nước với chữ tâm. Còn Lê Văn Khôi không bao giờ được Hồ Biểu Chánh biến thành anh hùng phản đế phất cao lá cờ cách mạng của nông dân cùng khổ.

Thái độ bảo hoàng của Ngọn Cỏ Gió Đùa khác với nguyên bản một cách chủ tâm. Les Misérables là bản vạch tội một chế độ quân chủ quý tộc bất công và thối nát. Không những Les Misérables mà cả tác giả Victor Hugo cũng bênh vực cách mạng, đã dấn thân vì cách mạng, và đã sống lưu đầy trên một hòn đảo Anh chỉ vì chống lại Hoàng đế Napoléon III.

Theo tôi biết, thủa sinh thời cụ Hồ Biểu Chánh không cắt nghĩa lý do tại sao cụ chọn thái độ bảo hoàng khi chuyển ngữ Les Misérables thành Ngọn Cỏ Gió Đùa. Dựa trên văn bản, tôi nghĩ có nhiều cách suy diễn. Phải chăng độc giả miền Nam khi Hồ Biểu Chánh viết Ngọn Cỏ Gió Đùa hoàn toàn xa lạ với đề tài giai cấp đầu tranh, đảng Cộng Sản Việt Nam hồi đó mới ra đời và chưa đầy năm, chiêu bài chính còn là lòng yêu nuớc thuần túy và căm thù thực dân Pháp. Mặt khác, người ta chưa quên công lao các chúa Nguyễn và các vị vua Nguyễn đầu tiên đã mở mang và bình định đồng bằng Cửu Long cho đất nước, nên chi thái độ bảo hoàng không phải là chuyện khó chấp nhận. Sự sai biệt giữa bản dịch bảo hoàng và bản gốc phù cách mạng có lẽ nằm chung trong cố gắng của Hồ Biểu Chánh đặt truyện vào đúng văn cảnh xã hội văn hóa nói chung của quần chúng độc giả.

Thật ra trong nhân văn có những hành động trông như có thái độ chính trị có thể không chủ tâm. Thí dụ như ngày xưa tại quốc nội khi tôi theo học trường của bộ quốc gia giáo dục, dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt thì gọi là xuôi (version), và từ tiếng Việt sang tiếng Pháp thì gọi là ngược (thème). Nhưng cũng thời ấy, nếu học một trong những truờng trung học Pháp còn tồn tại trên lãnh thổ, thì bài dịch từ tiếng Pháp ra tiếng Việt đã trở thành ngược (thème), và từ tiếng Việt sang tiếng Pháp đã trở thành xuôi. Duới quan điểm của ban giáo sư người Pháp trong vòng rào của trường ‘lycée’, thì Pháp văn là tiếng mẹ đẻ, do đó họ gọi dịch xuôi là dịch ngược, và ngược lại. Đại để họ hành động như một mớ giáo chức Pháp, máy móc mà giảng dậy và quên học trò trước mặt mình không phải là công dân Pháp. Họ phần nào giống những viên chức cao cấp trong sở giáo dục Pháp đã cho lưu hành tại thuộc địa những cuốn sách giáo khoa sử bắt đầu bằng câu ‘Nos ancêtres, les Gaulois…’

Trong cảnh bị trị của thé kỷ trước, hiện tượng đã làm nhiều học sinh căm phẫn. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy rõ hơn là sự việc chẳng qua phản ánh sự huấn luyện không chu đáo của sở học chánh Pháp thay vì các thày cô ngoại quốc ấy coi thường chúng ta. Vả lại sự thiếu lịch lãm của một loạt giáo chức hạng nhì để xuất cảnh sang thuộc địa có thể góp phần giải thích cho hiện tượng tưởng như chính trị.

Tuy nhiên cũng có những thái độ chính trị trong phiên dịch có tính cách không những chủ tâm mà còn vơ vào. Tôi thường nghĩ hiện tượng này phổ thông bên Trung quốc hơn bên ta. Tính cách chính trị trong sách truyện Tàu dịch sang Anh ngữ thường được khai triển ngay trong chương mở đầu, và dịch giả thường bình luận trực tiếp ngay vào nội dung xã hội nhiều hay ít của tác giả.

Đó là trường hợp các sách Lỗ Tấn dịch qua Anh ngữ thường bầy bán nhan nhản tại các tiệm sách Trung quốc gọi là hữu nghị dành cho du khách. Họ thấy tính chất đấu tranh vô sản ngay cả trong những truyện ngắn tôi nghĩ hoàn toàn vị văn học như Vú Trường, hay Cánh Diều… Thậm chí Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần cũng được nhắc tới như sách đấu tranh cho nhân dân khốn cùng.

Hồ Biểu Chánh cũng được chiếu cố theo kiểu vơ vào bởi it nhất là một phê bình gia quốc nội. Nhà phê bình này gần đây có cho đăng một bài về Ngọn Cỏ Gió Đùa trên mạng, trong đó những khốn cùng của các nhân vật Lê Văn Đó, Ánh Tuyết, Thu vân vân vân là do địa chủ gây ra cho những người dân hiền lành chất phác. Như ngọn cỏ bị gió đùa, họ bị cuộc đời vùi dập xuống cảnh khốn cùng. Cũng trong bài văn trên mạng ấy, Lê Văn Đó của Hồ Biểu Chánh được coi như Jean Valjean của Victor về hình ảnh quật cường của nguời khốn khó trong xã hội đứng lên đấu tranh với giai cấp thống trị tàn ác. Lê Văn Đó được phong là tiền thân cho Chí Phèo, cho Nhà Mẹ Lê vân vân… Tuy nhiên tác phẩm còn đấy, người ta lý luận áp đặt như thế không biết để làm gì. Tiếc thay mấy chục năm ròng rã, văn học Việt Nam đã bị cản trở vì lối bình luận văn học như vậy.

Bia Rosette, cát-tút trên đá, và mẫu tự cổ Ai Cập.

Tôi muốn chấm dứt bài viết này bằng một hiện tượng dịch thuật rất quan trọng. Đó là câu chuyện một tấm bia cổ tên là Rosette, tình cờ phát hiện vào năm cuối cùng của thế kỷ thứ XVIII.

Bia là chuyện hưng thịnh của ngôn ngữ qua lịch sử nhân loại. Chuyện bia chứa đựng rất nhiều ý nghĩa, về liên quan ngôn ngữ giữa dân tộc đô hộ và bị đô hộ, về tôn giáo và văn minh nhân loại, về công việc khó khăn đặc biệt của các nhà khảo cổ nói chung và của một nhà khảo cổ Pháp nói riêng tên là Champollion. Và quan trọng hơn hết, bia còn nói lên vai trò của dịch thuật để bảo tồn văn minh nhân loại.

Tất cả chừng ấy đề tài nằm vỏn vẹn trong một tấm bia đá cao 114cm, rộng 72cm, và dày 28cm. Bia có khắc ba văn bản cùng một nội dung. Trên cùng là bản bằng tiếng Ai Cập nguyên thủy với các ký hiệu tượng dùng hình những hình vẽ như phượng hoàng, sư tử, rắn, chó sói, vân vân… kể như dành riêng cho các bậc tu sĩ cao cấp mà chức năng chính là phụng sự hoàng gia như là cử hành lễ đăng quang cho các vua trẻ mới lên ngôi cũng như nghi lễ tẩm liệm khi họ vì tai nạn hay bệnh tật mà băng hà. Ngôn ngữ này ta thường thấy khắc trên các kim tự tháp và các đền đài Ai Cập cổ. Ở giữa là văn bản bằng tiếng Ai Cập dân gian (démotique) có lẽ còn thịnh hành khi bia được khắc. Dưới cùng là văn bản bằng tiếng Hy Lạp.

Bia Rosette được tạo tác năm 196 năm truớc Tây lịch dưới trào vua Ptolémée V, ghi lại công đức của vua và những lời ngài ngự phán dậy về việc bãi thuế cho các tu sĩ và đắp tượng trong các đền đài.

Công binh của vua Napoléon đã tìm thấy bia khi đào xới để trùng tu một đồn binh cũ người Thổ đã đắp trước đấy. Đồn tên là Julien gần làng Rashid vào năm 1799. Vì người Pháp gọi làng này là Rosette nên bia mang tên Pierre de Rosette (hòn đá của làng Rosette). Pháp thua trận, bia rơi vào tay người Anh, trở thành Rosetta Stone. Danh tính của bia tình cờ cũng phản ánh sự thiệt thòi văn hóa của Ai Cập. Lẽ ra phải gọi bia là La Pierre de Rashid, cái địa danh Ai Cập nơi bia được phát hiện.

Tục truyền khi tình cờ đào thấy bia, cả đội công binh đang lao động phải dừng tay trong ngỡ ngàng vì bảo vật lịch sử bất ngờ phát hiện. Bia mới đầu được cất tại viện nghiên cứu văn minh Ai Cập do Napoléon dựng lên một năm truớc ở Le Caire. Hai năm sau thủ đô Ai Cập bị đe dọa bởi liên quân Anh-Ottoman, bia được mang về lánh nạn tại thư viện Alexandria. Khi Alexandria cũng thất thủ, người Pháp toan giấu bia đi nhưng sau cùng cũng phải trả cho tướng Anh.

Bia được mang về Luân Đôn cất tại British Muséum. Một y sĩ Anh kiêm khảo cổ gia tên là Young bắt đầu nghiên cứu bia, nhưng phần lớn công trình tìm kiếm và xác định ra bảng mẫu tự Ai Cập cổ là do nỗ lực thông minh và dài hạn tiếp theo của nhà khảo cứu Pháp Champollion.

Chuyện người Ai Cập đánh mất ngôn ngữ của mình- chữ viết cũng như tiếng nói- sau khi đạt tới một trình độ văn minh cao vời vợi của Kim Tự Tháp- mấy ngàn năm trước Tây lịch là một chuyện đáng buồn và đáng suy ngẫm.

Cho đến cuối thế kỷ 18 khi tìm ra bia Rosette, những công trình kiến trúc Ai Cập cực kỳ hùng vỹ và tráng lệ trên sa mạc chỉ là những dấu hỏi không có trả lời về nền văn minh tiến bộ cực kỳ đã xây dựng ra chúng. Không ai hiểu gì về những văn bản kỳ bí viết bằng những ký hiệu tượng hình trên đá, và không ai biết được những gì gửi gấm bởi người xưa.

Sự đánh mất ngôn ngữ đó bắt đầu ít nhất 3 thế kỷ truớc Tây Lịch dưới áp lực của tiếng Hy Lạp. Sau khi minh chủ đột ngột qua đời, một tùy tướng của Alexander là Ptolémée I ở lại Ai Cập, xưng vương và dựng ra triều đại Ptolémée kéo dài 3 thế kỷ. Vương triều này về nhiều phương diện đồng hóa với địa phương, nhưng vẫn dùng tiếng Hy Lạp của mình làm ngôn ngữ hành chánh chính thức trên khắp lãnh thổ. Sự việc chắc cũng tương tự với việc người Pháp thực dân đã dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ hành chánh tại Việt Nam suốt thời thuộc địa, chỉ khác là may mắn cho chúng ta ở chỗ cuộc đô hộ Pháp ngắn hơn.

Với tiếng Hy Lạp chiếm chỗ độc tôn hành chánh và pháp lý, ngôn ngữ Ai Cập bị thoái hoá dần với thời gian để trở thành nhiều dạng thức. Ngoài hai dạng thức đã có mặt trên bia Rosette còn một dạng nữa là tiếng Copte là ngôn ngữ tế tụng. Tiếng này 200 năm truớc Tây lịch bị Hy Lạp hóa một cách quy mô, với bảng mẫu tự Hy Lạp được dùng để viết theo lối phiên âm, trừ 7 ký hiệu được mang qua từ bản mẫu tự cũ. Bẩy mẫu tự này dùng cho những âm Ai Cập không có trong tiếng nói của người Hy Lạp. Đến đây ngôn ngữ đã mất chữ viết mà chỉ còn giữ được âm.

Sự việc có lẽ tương tự như khi các nhà tu sĩ Ky-tô giáo dùng mẫu tự La-tinh biến tiếng Việt thành chữ Quốc ngữ mà chúng ta dùng bây giờ. Bảy dấu ghi âm của ngôn ngữ coptique chắc cũng cùng chức năng với các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng, và các dấu mũ, dấu móc, dấu á… không có trong giọng nói Âu châu nói chung và La-tinh nói riêng.

* * *

Hiện tượng Hy Lạp hóa ngôn ngữ bản xứ dưới triều đại Ptolémée cũng dễ hiểu. Có lẽ người bản xứ Ai Cập bấy giờ -tương tự như các dân bị trị khác- thích chêm từ ngữ của kẻ thống trị vào câu chuyện hàng ngày. Những gia đình quyền quý còn có thể còn dùng tiếng Hy Lạp thuần túy để nói chuyện với nhau giữa vợ chồng, cha mẹ, anh em… Hiện tượng khó phê phán, vì chính người Việt trung lưu trong thời Pháp bảo hộ cũng hay nói chêm tiếng Pháp, và giới quyền quý bản xứ còn Pháp hoá tới mức nói tiếng Pháp giữa cha mẹ con cái anh em…

Khi đang xảy ra, ngôn ngữ lại căng có thể trông như lố bịch, đôi khi đáng tội nghiệp. Nhưng với chiều dài lịch sử thì xem ra đó là một quá trình ngôn ngữ khó tránh cho mọi dân tộc, nhất là các dân tộc bị trị. Thậm chí kết quả có thề tích cực, là làm giàu cho tiếng bản xứ. Vì người Pháp mất Đông Dương sau một cuộc bảo hộ không bao giờ hoàn toàn ổn định lại tương đối không lâu, nên chi ngữ vựng Pháp chưa xen vào tiếng ta được bao nhiêu. Nhưng về văn phạm, cách chúng ta đặt câu và dựng bài văn xem ra đã mang dấu ấn khá nặng của Pháp. Cộng thêm với mẫu tự La-tinh đã trở thành chủ nhà, sự mất mát hình tướng cũ của ngôn ngữ cũng không phải nhỏ.

* * *

Trước tiếng Pháp, tiếng Hoa đã trà trộn vào tiếng Việt để trở thành những từ Hán Việt có lẽ cũng theo con đường ấy. Một ngàn năm đô hộ Tàu, có lẽ người Việt bấy giờ một mặt quật cường về hành chánh và quân sự, lại khá dễ dàng với ngôn ngữ ngoại bang và đã nói tiếng Hoa lai căng như con cháu về sau nói tiếng Pháp lai căng. Không biết con số chính xác là bao nhiêu, nhưng tôi nghĩ những từ Hán Việt trong Quốc ngữ phải xấp xỉ 30%. Sự phiêu lưu của những từ Hán Việt này vào trong lòng văn hóa chúng ta cũng ly kỳ. Chúng theo sát tiếng Việt gốc Việt, và cũng từ bỏ lối viết ghi ý để nhận lấy cách đánh vần bằng mẫu tự ghi âm La-tinh, chia xẻ với nhau sự biến hình mới.

* * *

Nhưng chúng ta không nên vì vậy mà có mặc cảm với Tây hay với Tầu. Câu chuyện nhìn theo một viễn cận dài hơn, ta sẽ thấy là rất ít ngôn ngữ thực sự mồ côi trên thế giới. Tiếng nói nào của dân tộc nào có lẽ cũng có cha có mẹ. Ở một trình độ nào, sự lai căng có ảnh hưởng tốt cho ngôn ngữ của mọi dân tộc. Bỏ qua cái chướng mắt chướng tai khi thấy đồng hương dùng tiếng Pháp hay tiếng Anh trong hoàn cảnh hoàn toàn xem ra không cần thiết, chúng ta nên tự nhủ rằng đấy là cơ hội cho chúng ta chứng kiến lịch sử của tiếng nói loài người đang chuyển động và trong đa số trường hợp trở nên tốt hơn.

Người Pháp qua thời đô hộ đã ành hưởng ngôn ngữ của ta, vậy mà chính tiếng Pháp đã bị tiếng La-tinh xâm lăng rất nhiều. Có thể nói đơn giản là tiếng Pháp là một thứ tiếng La-tinh ‘thoái hóa’. Khi bị La Mã cai trị ngày xưa về hành chánh và quân sự, và tiếp theo về nhân văn, chắc họ cũng đã có tật pha tiếng nói của kẻ thống trị vào tiếng mẹ đẻ.

Rồi đi ngược lên thêm một đời ngôn ngữ gốc nữa, tiếng La-tinh cũng không miễn nhiễm được với sự pha trộn qua lịch sử. Đế quốc La-Mã khi mới xây dựng văn minh của mình vài thế kỷ truớc Tây lịch, người La Mã cũng đã tình nguyện kiếm cho mình một ảnh hưởng văn hóa đồ sộ mang từ Hy Lạp về bằng phiên dịch. Trong quá trình ấy, một số từ Hy Lạp không nhỏ đã len lỏi vào tiếng La-tinh.

* * *

Có lẽ với Pháp, với Việt Nam, và với La Mã, sự xen lấn của ngôn ngữ ngoại bang có gì rất khác và không đưa tới chỗ mất hẳn tiếng mẹ đẻ. Thật ra cái bất hạnh của tiếng Ai Cập cổ vô cùng lớn lao mà ít ngôn ngữ một quốc gia đã hùng mạnh như thế đã phải gánh chịu. Sự bất hạnh đó là sự thống trị bởi ngoại bang gần như liên tục suốt 23 thế kỷ cho đến cận sử.

Quả thật, giải đất phì nhiêu nhưng bất hạnh trên bờ sông Nil này vừa thoát ách đô hộ của Hy Lạp lại bị La Mã chinh phục. Vương triều Ptolémée vừa chấm dứt với Cleopatre VII tự vận bằng cách cho rắn độc cắn và con trai Césarion bị thắt cổ cho chết, Octave lên ngôi hoàng đế La Mã và biến Ai Cập thành một tỉnh miền đông của Đế quốc. Sau ngoại thuộc La Mã là một hơn ngàn năm gần như liên tục bị chinh phục bởi các vương quốc Ả Rập, mà vương quốc cuối cùng là triều đại Hồi giáo Ottoman cực kỳ thịch vượng. Kết quả là Ai Cập trở thành một nước Ả Rập, và văn hóa nói chung và ngôn ngữ nói riêng đều hoàn toàn Ả Rập hóa.

* * *

Công trình khảo cứu tấm bia Rosette là một sinh hoạt trí tuệ vĩ đại, thành công được là nhờ bền chí và thông minh của con người. Công trình ấy không phải là đọc được nội dung của bia như nhiều du khách thường nghĩ. Nội dung đó đã rõ ràng trong văn bản Hy Lạp khắc chung với hai văn bản Ai Cập. Cốt lõi của công trình khảo cứu bia chính là sự xác định được mẫu tự cổ Ai Cập.

Khi bia mang về Luân Đôn, Akerblad và Syvestre de Sacy là hai khoa học gia đầu tiên đã xung phong đi khảo cứu các bản văn. Nhưng họ không đạt được kết quả gì đáng kể trước khi bỏ cuộc. Tiếp theo là đến lượt một y sĩ Anh kiêm khảo cổ gia có tên là Thomas Young. Nhưng Young chỉ đạt được một vài kết quả khiêm tốn. Ông ta không biết tiếng Copte, kiến thức lại rất giới hạn về các văn bản cổ. Những ký hiệu Young tưởng đã đọc được phần lớn ông đã đọc sai.

Tấm bia như đợi đến Champolion xuất hiện mới chịu nhả ra những bí mật cùa nó. Nhà khảo cổ này mới 10 tuổi khi bia được khám phá, nhưng đã tham gia rất sớm vào chuyện nghiên cứu bia. Champollion có linh tính rằng muốn giải mã những bí mật của bia, ông phải học tiếng Copte cho thành thạo cũng như những văn bản cổ bằng tiếng này.

Champollion làm việc với giả thuyết thứ nhất rằng mẫu tự Hy Lạp gồm hai loại ký hiệu. Một loại ký hiệu ghi ý trực tiếp diễn tả những gì thấy trong vạn vật hay trong thế giới Ai Cập bấy giờ, như mặt trời, mặt trăng, đất nuớc, thần linh vân vân… Những ký hiệu này tự nó đã đầy đủ ý nghĩa. Loại ký hiệu thứ hai là những mẫu tự ghi âm, gồm những ký hiệu không có nghĩa riêng mà chỉ có âm, ghép lại mới thành ý. Đó là những mẫu tự tương tự như loại Hy Lạp và La-tinh (hay Quốc ngữ của chúng ta).

Champollion khởi sự bằng cách đi tìm các mẫu tự ghi âm. Ông trình bày những suy luận cùng nguyên tắc khảo cứu ông đã theo trong lá thư gần hai mươi trang cho ông Dacy giám đốc hàn lâm viện, để báo cáo những thành quả tìm thấy. Tôi xin tóm tắt những nguyên tắc ấy như sau:

1) Các mậu tự ghi ý chỉ có công dụng diễn tả những đối tượng có sẵn trong đời sống truyền thống Ai Cập.

2) Gặp những đối tượng ngoại lai với cuộc sống và văn hóa của họ, người Ai Cập cổ không có sẵn những chữ tượng hình diễn ý để xử lý, nên phải dùng những mẫu tự ghi âm để đánh vần tên gọi của những đối tượng ấy.

3) Tên các vua Ai Cập gốc Hy Lạp đã trị vì Ai Cập suốt 300 năm của vương triều Ptolémée, cũng như các hoàng tử và công chúa, vì địa vị độc tôn của hoàng gia phải được ghi trên miếu đài.

4) Vì đó là các tên Hy Lạp ngoại lai, nên phải được đánh vần bằng các mẫu tự ghi âm.

5) Tìm được tên phiên âm của họ trên một văn bản, Champollion sẽ khám phá ra các mẫu tự ghi âm của chữ Ai Cập cổ.

5) Theo những khảo cứu truớc về tên các vị đế vuơng của những triều đại truớc thuần túy Ai Cập, Champollion biết tên các vị vua gốc Hy Lạp cũng được đặt trong một thứ vòng ngoặc hình thuẫn gọi là các-tút thuờng thấy trên các văn bản khắc trên đền đài Ai Cập cổ

6) Vì nhờ văn bản Hy Lạp trên bia Rosette, Champollion biết những tên vua trong các các-tút của bia phải là tên các vua Hy Lạp đã ra lệnh cho khắc bia. Chuyện từ đấy về sau tương đối dễ dàng. Chỉ riêng có tên các vua Ptolémée, và mấy hoàng hậu Cleopâtre đã giúp cho ông xác định được một số lớn những ký hiệu ghi âm của bảng mẫu tự Ai Cập cổ.

Với kiến thức này thêm những điều đã biết từ những văn bản Copte và nội dung dịch sẵn trong bản Hy Lạp, ông bắt tay vào việc. Champollion sau 8 năm lao tâm lao lực, đã hoàn thành công tác và rút ra được từ tấm bia tất cả những kiến thức cần biết để đọc các văn kiện Ai Cập cổ. Ông khai sinh ra môn Cổ Học Ai Cập.

Như dự đoán, tấm bia Rosette nhờ công lao của Champollion đã trở thành cái chìa khóa để mở cánh cửa trí tuệ vào nền văn minh Ai Cập xưa. Tất nhiên còn vô số những cánh cửa chưa mở, và xa mạc Ai Cập vẫn là một không gian huyền bí dành cho nhiều thế hệ khảo cứu gia tương lai. Nhờ Champollion họ đã được thực hiện biết bao khám phá quan trọng.

Công trình của ông không những vĩ đại với môn cổ học, mà còn không kém phần quan trọng cho người Ai Cập hiện đại. Tuy họ vẫn dùng tiếng Ả Rập đã phổ thông cho Ai Cập hơn chục thế kỷ, họ đã tìm lại được gốc nguồn của tổ tiên.

Tôi không ngờ mẫu tự cổ Ai Cập lại được nhiều người dân bình thường ngoài phố am hiểu. Bằng chứng cho chuyện này liên hệ đến một chuyến đi tham quan Alexandria mấy năm trước. Một hôm sau khi nghe một chuyên gia Ai Cập cổ thuyết trình, tôi tinh nghịch nhờ diễn giả viết bảng tên tôi bằng mẫu tự nguyên thủy để gài vào ngực áo. Trên miếng bìa cứng tên tôi bắt đầu bằng con cú nhìn thẳng, rồi cái lông chim dựng đứng, rồi dòng nước chảy ngang, và sau cùng là sợi dây cuốn chéo lại thành nhiều nút… Tôi nghĩ anh chiều tôi mà viết cho vui vậy thôi. Rồi tôi quên luôn sự việc cũng như quên tháo bảng tên khi ra phố ăn trưa hôm đó. Ăn xong khi hỏi hóa đơn bao nhiêu thì cô thu ngân ranh mãnh nhìn ngực áo tôi. Rồi cô tươi cuời mà nói rất tự nhiên ‘Ông Minh, xin ông mười đô-la.’ Cô phát âm chữ Minh không chút lơ lớ như nguời Mỹ Ca-li nơi quê hương thứ hai của tôi, mà rành rọt như một cô gái đồng chủng đồng bào.

Tôi giật mình vì khả năng phiên âm rất chuẩn của những mẫu tự ghi âm Ai Cập cổ. Nhưng cảm nghĩ chính, là nhờ những năm khảo cứu âm thầm của Champollion mà cô gái thu ngân này tìm lại được gốc nguồn của mình. Cô học vấn chắc không quá trung bình, có kiến thức như vậy chắc đã được học ngôn ngữ gốc nguồn ngay tại trung học. Champollion trong đáy mồ chắc đang mỉm cười sung sướng thấy một phần nhỏ sự đóng góp của ông cho dân tộc Ai Cập mà ông yêu quý như đồng bào ruột thịt.

Một ứng dụng khác rất du lịch của kiến thức về mẫu tự Ai Cập cổ tuy khá đắt hàng với du khách, nhưng không khỏi mang lại cho tôi chút bùi ngùi. Đó là sự phổ thông hóa và du lịch hóa công dụng của các các-tút đựng tên hoàng gia Ai Cập ngày xưa. Tại những tiệm bán đồ kỷ niệm mở gần các kỳ quan thế giới, bạn có thể đặt mua những các-tút ấy bằng bạc, vàng, hay bạch kim tùy túi tiền, chiều ngang 1 hay 2cm, chiều dài 3 hay 4 cm, để đeo cổ hay làm bông tai. Bên trong các các-tút, thay vì danh tính các hoàng gia xưa như Cleopatre, hay Arsinoé, hay Nefertiti, hay Potelémée, hay Alexander, mà là những tên hiện đại thông thường của anh Nam chị Nữ du khách. Dùng mẫu tự ghi âm đầy đủ với con chim ó, con sư tử, con chó sói, con rắn độc, dòng nước lăn tăn, sợi dây lòi tói… người thợ kim hoàn Ai Cập có thể đánh vần cho các cô Francoise hay Hugette, hay Caroline… hay các anh Robert hay Philip hay John… tên của họ theo lối đại cổ để bỏ vào các-tút với hơi hướm của hoàng gia Ai Cập mấy ngàn năm trước…

Nhưng rồi tôi lại nghĩ chuyện này không phải chỉ riêng cho kỹ nghệ du lịch Ai Cập. Tôi nhớ một lần thăm Huế, có thấy người ta cho thuê áo mũ của ngài ngự và phi tần để ngồi trên ngai thật mà chụp những bức hình giả. Hồng Kông có thời cũng có những ‘thú vui’ du lịch tương tự như vậy. Hy vọng bây giờ những chuyện chai sạn ấy không còn nữa.

Champollion qua đời rất sớm, hưởng thọ được 42 tuổi. Khi chưa nhiều tiếng tăm, ông không có dịp đi tham quan Ai Cập, đề tài một đời khảo cứu mà cũng là mảnh đất yêu dấu của ông. Tất cả phương tiện làm việc của ông là những tài liệu chụp lại hay đồ lại bản chính mà người thân gửi cho. Ít lâu sau khi thành danh, ông đi thăm Ai Cập để sờ được tận tay những chữ và đá của những đền đài mà ông đã thuộc lòng hình dạng cũng như sự tích trong đầu. Trở về Pháp không lâu thì ông lâm bệnh và qua đời.

* * *

Để kết luận bài viết, tôi nghĩ chuyện gì nhìn kỹ vào một chút cũng sẽ thành vô cùng phức tạp. Riêng chuyện văn chương cái phức tạp luôn có cái thú vị đi theo. Tôi bấy lâu dịch chơi như một thú vui nghiệp dư, nay rảnh rang nhìn lại thấy chuyện tưởng chỉ là món giải trí lại hoá ra cực ly kỳ có thể khai triển ra một cách bất tận. Tuy nhiên, như đã nói, một chút nghiên cứu cũng đã mang lại cho tôi nhiều vui thú. Và loạt bài viết này có tham vọng chia sẽ những vui thú ấy với bạn đọc.

Mai Kim Ngọc
Tết Dương Lịch 2009.


Xem Phần 1 tại đây
Xem thêm Bài cùng tác giả tại đây
Trở về webpage www.nuiansongtra.com  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh