Sơn tự minh chung trú dĩ hôn,
Ngư lương độ đầu tranh độ huyên.
Nhân tùy sa ngạn hướng giang thôn,
Dư diệc thừa chu qui Lộc Môn.
Lộc Môn nguyệt chiếu khai yên thụ,
Hốt đáo Bàng Công thê ẩn xứ. (1)
Nham phi tùng kính trường tịch liêu,
Duy hữu u nhân độc lai khứ.
Mạnh Hạo Nhiên
* * *
Bài ca đêm về Lộc môn
I.
Chuông ngân sườn núi chiều rơi
Dân chài ngoài bến nói cười về thôn
Bước chân theo bãi bên cồn
Thuyền con ta tới Lộc Môn xuôi dòng.
Vén mây trăng giãi ngàn thông
Nghĩ ra chợt nhớ Bàng Công chốn này
Tùng chen núi quạnh buồn thay
Lại qua ẩn sĩ nơi đây mấy người?
II.
Chuông gióng sườn non tiếng vẳng dồn
Chiều rơi chài lưới bước về thôn
Người theo bãi cát vào giang xóm
Ta thuận dòng sông đến Lộc Môn
Mây vén hàng tùng phơi ánh nguyệt
Mắt nhìn phong cảnh nhớ Bàng Công
Đìu hiu núi quạnh thông chen đá
Ẩn sĩ nơi đây được mấy ông?
(Bản dịch của Trần Nhất Lang)
Chú thích: (1) Bàng Công là Bàng Đức Công không chịu ra làm quan,
về ẩn ở Lộc Môn cách Tương Dương 20 dặm.
Chuông chùa vọng núi buổi hoàng hôn,
Bến chài huyên náo rộn ven sông.
Người theo bờ cát về thôn xóm,
Ta gióng con thuyền trẩy Lộc Môn.
Lộc Môn trăng rạng, cây vờn khói,
Thoắt qua nơi ẩn của Bàng công.
Quạnh hiu đường tùng ven vách đá,
Ẩn dật chốn nầy mấy sơn ông.
(Bản dịch của Phụng Hà)
Chuông chùa núi ban chiều vẳng tiếng
Bến dân chài tranh chuyện ồn ào
Xóm sông bải cát lần theo
Thuận dòng thuyền Lộc nhổ neo trở về.
Hàng cây khói trăng mờ cửa Lộc,
Chợt xuôi qua ẩn cốc Bàng Công
Tịch liêu ngỏ đá hàng thông
Có người nhàn nhã cô đơn đi về.
(Bản dịch của Nguyễn phước Hậu)
ĐÊM VỀ LỘC MÔN
Chuông chùa trên núi vọng vang,
Ngư-Lương, qua bến đò ngang ồn ào.
Người đi về xóm sông nào,
Tôi theo thuyền nhỏ đi vào Lộc-Môn.
Lộc-Môn cây cối khói vờn,
Kìa nơi Bàng sĩ cô đơn bên bờ.
Lối đi thông đứng ơ hờ,
Chỉ riêng khách ẩn bây giờ tới lui.
(Bản dịch của Anh Nguyên)