Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
THÁNG TÁM GIỖ CHA
THINH QUANG
Tình Cha - Mạnh Quỳnh ca


Nhân Ngày Hiền Phụ (Father Day):
NGHĨ VỀ NGÀY THÁNG TÁM GIỖ CHA
Thinh Quang
 

*  *  *


TẤT CẢ CÁC CÁI ĐẸP TRÊN THẾ GIAN NÀY ĐỐI VỚI CÁC VÂN NHÂN, THI SĨ ĐÔNG PHƯƠNG THÌ CHỊ HẰNG LÀ ĐẸP NHẤT. TẢN ĐÀ NGUYỄN KHẮC HIẾU CŨNG ĐÃ ƯỚM LỜI XIN NÀNG TRĂNG…CHO MÌNH ĐƯỢC LÀM...THẰNG CUỘI:

Đêm Thu buồn lắm! Chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nữa rồi.
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Có bầu, có bạn can chi tủi;
Cùng gió, cùng mây, thế mới vui.
Rồi cứ mỗi năm Rằm tháng Tám,
Tựa nhau trông xuống thế gian, cười.

Chẳng phải chỉ mỗi mình Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu yêu bóng trăng Thu mà từ ngàn xưa, Kim Xương Tự ở Hàng Châu cũng đã từng xua đuổi con oanh vàng đi để được yên lặng ngồi một mình chiêm ngưỡng bóng dáng của chị Hằng. Bài "Xuân Oán" đã nói lên điều này:

Đả khởi hoàng oanh nhi
Mạc giao chi thượng đề
Đề thời kinh thiếp mộng
Bắt đắc đáo Liêu Tây...

Con oanh vàng, đuổi nó đi,
Đừng cho nó hót tỉ ti trên cành.
Véo von làm thiếp giật mình,
Trong mơ chẳng được đến thành Liêu Tây
.

*  *  * 

Đánh đuổi cái oanh vàng đi,
Đừng cho nó hót tỉ ti trên cành.
Nó kêu thiếp ngủ giật mình,
Chẳng yên giấc mộng đến thành Liêu Tây
.
(Hải Văn dịch)

Trăng, thì ai cũng say mê, cũng đắm đuối. Lý Bạch đã nói lên tâm trạng mình khi nhìn bóng trăng mờ ảo soi qua song sổ, như trong bài “Tĩnh Dạ Từ”:

Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương
.

Đầu giường ngó bóng trăng soi,
Mơ màng ngỡ đám sương rơi mặt đường.
Ngẩng đầu trăng sáng như gương,
Cúi đầu sao nhớ quê hương ngàn trùng
.
(Trúc Khê dịch)

Trăng Thu đẹp đến nỗi Đường Minh Hoàng ngẩn ngơ mê mẩn nằm mơ thấy mình băng mình du nguyệt điện...để được chiêm ngưỡng nàng Hằng Nga và cả các giai nhân trên Cung Quế cùng nhau vũ khúc khúc Nghê Thường. Lý Bạch cũng đam mê cái đẹp của trăng trong bài “Ngọc Giai Oán” khi ngồi bên trong bức rèm thủy tinh lóng lánh ánh trăng Thu:

Ngọc giai sinh bạch lộ,
Dạ cửu xâm la niệt.
Khước há thủy tinh liêm,
Linh lung vọng thu nguyệt
.

Móc trắng tươm thềm ngọc,
Đêm dài ướt tất tơ.
Thủy tinh rèm thả xuống,
Lóng lánh ngắm trăng thu
.
(Tương Tư)

Theo lịch sách Trung Hoa đã qui hoạch được theo chu trình của vầng trăng để tìm các góc độ của từng tiết trong năm, như: tiết Lập Thu thì mặt nhật ở cách sao Liễu 10 độ, ngày dài 56 khắc, đêm ngắn hơn chỉ 46 khắc. Ngày Thu Phân, tức tháng Tám Âm lịch, mặt trời cách sao Dực 17 độ v.v...

Cứ vào lược sử của đất nước ta các ngày Hội Hè tuy có tính địa phương, nhưng ngày nay vẫn còn được nhắc nhở đến, như:

Mồng Mười tháng Tám: hội Chọi Trâu, Hà Bắc, Đồ Sơn.
Ngày Rằm tháng Tám: hội Yết Kiêu tức Hội Đền Quát.
Mười Sáu tháng Tám: Hội Thư Cầu Bắc Ninh. Cùng ngày là hội Võ Giang Nam Hà.
Hai mươi tháng Tám: chính là hội Đức Thánh Trần ở Ninh Bình.

Cứ vào bốn ngày hội trên thì hội Đức Thánh Trần được xem là Ngày Hội Lớn. Không như Chữ Đồng Tử thuộc dòng Đạo Nội, theo dòng Đạo Thần Tiên. Cứ vào Chrestomathi Annamite – Edmond Nordeman, {Imprimerie Extrême – Orient xuất bản} thì đạo Thần Tiên chủ trương cầu đảo Thân Tiên giáng trần bằng cơ bút ban linh dược để chữa trị các bệnh ngặt nghèo cho nhân loại. Thật ra hàm ý chữa trị về căn bệnh tâm thần cho các bậc từ Cõi Thần Tiên bị đọa xuống phàm trần mà bị lạc mất nẻo về...nơi tiên cảnh!

Mãi đến đời nhà Trần, dân tộc ta phải trải qua một cuộc thử thách cam go chịu bao nhiêu nỗi cay đắng phũ phàng của giặc Mông Cổ – có cả đạo quân hùng mạnh vô địch, tràn ngập khắp nơi chẳng riêng gì Việt Nam mà hầu hết các nước từ Á sang Âu, bóng dáng chúng đến đâu thì cỏ rạp đến đó. Trước cảnh khốn cùng này, người dân Việt Nam chỉ còn cầu mong sao được một “Tướng Nhà Trời” giáng thế cứu vớt cảnh khốn cùng cho đất nước. Và quả như lời cầu xin một tướng nhà trời bỗng dưng xuất hiện. Đó không phải là Phù Đổng Thiên Vương theo như truyền thuyết thần thoại, mà là Vị Anh Hùng lịch sử lập được nhiều chiến công hiển hách đánh đuổi được đạo quân từng tự xưng là đoàn quân vô địch giữa thế gian này ra khỏi bờ cõi! Vị tướng nhà trời đó là “TRẦN HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG”, một vì vương xuất thế bằng da bằng thịt, mà sử sách ta còn ghi đậm những nét vàng son mà vĩnh viễn không bao giờ phai nhòa đi được.

Kỳ tích của Ngài được nhân dân khắp nước thần thánh hóa và xem như là vị Tổ của dòng Nội Đạo vượt lên hẳn Chữ Đồng Tử thuộc dòng Đạo Tiên thuần túy. Theo E. Nordemann thì dòng Nội Đạo được xem là một tôn giáo gồm cả Khổng giáo và Lão giáo của dân tộc Việt Nam xuất hiện vào thế kỷ thứ XIII sau trận chiến giành độc lập do Hưng Đạo lãnh đạo chống lại đoàn quân xâm lăng Ô Mã Nhi. Cuộc chiến này kéo dài suốt cả mười năm trường - một cuộc chiến được xem là đẫm máu và khốc liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt! Tiếng tăm Hưng Đạo càng lúc càng vang lừng trong thiên hạ, xem như một tướng quân vô địch được truyền tụng khắp nơi.

Cứ theo giai thoại về vị tướng có một không hai này, ngày lễ chiến thắng được tổ chức với hàng triệu ánh hoa đăng khắp trên đất nước thắp lên rực rỡ nhằm vào đêm rằm tháng Tám.

Phải chăng giai thoại này là tiềm lực của đêm Trung Thu trong cảnh chơi đèn kéo quân, mà mãi đến ngày nay vẫn còn tồn tại?!

Người xưa quan niệm các hội hè nhằm vào mùa Thu được qui định từ ngàn xưa của ông bà tổ tiên ta lưu hạ, nếu thiếu đi thì năm ấy mùa màng sẽ thất, trồng hoa, hoa chẳng trổ bông, trồng cây, cây không mọc mầm; trồng lúa, lúa chẳng đơm bông, luôn cả các cây ăn trái quanh năm cũng bị thất thu hay cằn cỗi! Do đó nên người dân địa phương có đền thờ kỷ niệm của những ngày hội đó đều phải lo chu toàn ngày lễ, để cầu trời cho mưa thuận gió hòa, quanh năm cơm no áo ấm.

Cũng kể từ đó, tinh thần tín ngưỡng cổ lai phát triển mạnh trong dân tộc ta song song với tinh thần thờ cúng tổ tiên – một tập tục không bao giờ từ bỏ được.

Trong tập “Việt Điện U Linh Tập” của Lý Tế Xuyên nguyên văn như sau:

“Vương họ Trần, tên Quốc Tuấn, con An Sinh Vương Liễu, phong tước là Hưng Đạo Đại Vương. An Sinh Vương cùng Vua Thái Tông có hiềm khích; lúc ông sắp chết cầm tay Vương trối rằng:

-“Mày hãy vì ta lấy cho được thiên hạ, nếu không thì ta chết chẳng nhắm mắt”.

Vương tuy vâng dạ, nhưng trong lòng không lấy làm phải, mỗi khi làm gì thì hết sức cẩn thận.

Khoảng năm Trung Hưng (1285-1293), Vương hai lần đánh lui quân Nguyên làm võ công bậc nhất lúc ấy. Đến khi Vương mất, vua lập đền thờ, mỗi khi có giặc đến cướp phá thì lấy gươm thờ ra mà đánh đều được đại thắng.

Vương trị bệnh tà Phạm Nhan rất linh nghiệm. Phạm Nhan miếu tại huyện Đông Hồ làng An bài, sông Lương Giang. Tục truyền rằng: Phạm Nhan họ “NGUYÊN” tên là Bá linh, cha là khách buôn tỉnh Quảng Đông, mẹ là người An Bài nước ta, đậu tiến sĩ nhà Nguyên, giỏi thuật phù thủy, thường lén vào hậu cung làm chuyện bất chính, bị bắt được, sắp đem đi chém, nhưng vừa gặp lúc nhà Nguyên qua đánh ta nên Bá Linh tình nguyện xin làm hướng đạo để chuộc tội. Nhà Nguyên thuận cho. Trận đánh sông Bạch Đằng, Bá Linh bị Vương bắt sống, đem chém ở làng mẹ, quăng đầu xuống sông; có hai người kẻ chài được đầu lâu, mới van vái rằng:

-“Nếu như có linh thì giúp bọn chúng tôi chài cá cho thật nhiều, chúng tôi sẽ chôn cất hẳn hoi”.

Quả nhiên ngày ấy họ chài rất nhiều cá, nhiều gấp mấy ngày trước mới đem đầu lâu lên bờ chôn cất. Hai người kẻ chài thường van vái mời Bá Linh đi theo thuyền chài chơi, lâu thành quen. Bá Linh thường chỉ đàn bà con gái bảo hai người ấy ghẹo chơi thì đều được cả. Hai người mới lập đền thờ phụng.

Trước khi Bá Linh sắp bị chém có hỏi Vương rằng:

- Bây giờ Vương cho tôi ăn gì?

Vương giận bảo rằng:

- Cho mày ăn sản huyết của đàn bà.

Sau khi chết, Bá Linh đi khắp trong nước, hễ gặp chỗ nào có sản phụ là theo ngay và tức thì người đàn bà ấy mê man bất tỉnh, thuốc men không thể chữa được. Nhà bệnh đến Vương cầu đảo, lấy chiếu cũ ở trong đền thình lình đắp lên người bệnh nằm, và lấy tàn nhang nước thải cho uống thì lập tức lành ngay, có người mới đem chiếu về đến nhà là đã lành rồi, anh linh kỳ nghiệm như thế cả.”

Ngoài ra, còn nhiều giai thoại về tà Phạm Nhan đi dạo chơi đêm Trung Thu, không phải để ngắm trăng mà tìm vườn sau hay sân trước nhà ai có quần áo đàn bà con gái quên mang vào nhà, tức thì hồn tà Phạm Nhan nhập vào, đợi đến đêm hôm khuya khoắc chui ra...để thỏa mãn lòng dục vọng. Vì vậy mà đàn bà con gái trong dân gian phơi áo quần ngoài trời, rủi ro quên mang vào nhà thường bị vương phải bệnh ”Mắc Đàn Dưới” là vậy!

* * *

Trong Thượng Thư Cao Huy Diệu nói lên về hình ảnh quả cảm của Hưng Đạo Đại Vương là do sự phối hợp giữa sức mạnh vô địch tức là quyền năng tối thượng của thiên nhiên và tinh thần quật khởi, bất khuất của một dân tộc (Việt). Nguyên văn như sau:

“Nước Mông Cổ quật khởi ở phương Bắc, nuốt nước Linh Hạ, uy hiếp cường Kim, đánh úp Cự Tống, mang cung tên đến đâu thì các nước ngoài núi biển đều trong gió mà tan vỡ, đem quân sang Nam ào ào như núi lỡ, sông băng, gió rung, cây cuốn. Vương chỉ một nhóm tàn quân, dám ra chống cự, thế mà một hồi trống Bạch Đằng, quân Mông Cổ phơi thây ngàn dặm, há chẳng phải là việc hiếm có ở trời đất sao? Không những có công lớn với nhà Trần mà có công to với thiên hạ đời sau. Nếu không có Hưng Đạo Đại Vương thì nước Nam Giao đã phải đề tóc sam rồi vậy.

Bây giờ miếu của Vương ở giáp giới Phụng Nhãn với Chí Linh: làng Vạn Kiếp, làng Lạn Sơn, cả hai phụng sự. Đất ấy gần Cổ Phao đồ sộ, thiên nham vạn hác; miếu ở lưng chừng núi, tả hữu có núi Nam Tào, Bắc Đẩu, mặt ngó xuống sông Hưu Giang, cây cỏ um tùm, đứng xa mà trông rõ ràng như một thắng cảnh ở Bồng Lai, xa gần như cầu đảo, trên đường đông như dệt”.

Trong “Trần Gia Điển Tích Thông Biên” có câu chuyện mang chất thần thoại như sau:

“Nguyễn Sĩ Thành đã quá cố từ lâu mà lại hồi sinh, nghe tin lạ, mọi người bèn đến vây quanh mà hỏi:

-“Anh hồi sinh thực đó sao?

Thành đáp:

-“Quả thật như vậy. Căn nguyên như sau: tôi thấy có hai người lực sĩ, vai u thịt bắp, mặt mày phương phi, bảo tôi thay áo quần ngay đi. Tôi vâng lời và theo chân hai người lực sĩ này đến một chốn có thành vàng, cửa ngọc, trông chẳng khác nào Quỳnh Điện, Dao Đài. Một trong hai người lực sĩ bảo tôi “Hãy ngẩng mặt lên và tỏ lònh thành kính”. Tôi vâng theo lời, bỗng nhìn thấy một lòa mây đỏ nâng nơi ghế rồng của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Phía Tây có tiên đồng đứng chầu, đứng dưới thềm có hàng ngàn các chư tiên cầm họp ngọc đứng chầu trông vô cùng nghiêm chỉnh. Trong lúc tôi còn ngẩn người ra nhìn thì bỗng có tiếng một vì thần đến trước ghế rồng quì xuống tâu rằng:

- Người con gái họ Nguyễn, nguyên trú tại hạt Đông Triều xứ Nam Giao là vợ của một người lái buôn, giao hợp với giao long, con của người con gái này về sau ắt sẽ làm loạn cho đất nước ấy. (Con của người con gái ân ái với giao long đúng là Nguyễn Bá Linh đã nói ở phần trên bài này tục gọi là tà Phạm Nhan).

Ngọc Hoàng nghe tâu xong, đập mạnh long ấn xuống bàn ngọc liền ra lệnh cho Thanh tiên đồng tử giáng trần để dẹp loạn cho thiên hạ dưới thế. Bất thình lình có một vị tiên ở trong điện bước vội ra với một thẻ bài ngọc dẫn trước, trên mặt thẻ bài có hai chữ “sắc giáng”. Trong phút chốc tôi lại thấy một đám đông kim đồng ngọc nữ vây quanh cỗ cơ xa của Thanh tiên đồng cùng giáng xuống vùng đất phương Nam. Tôi thấy thế hoảng sợ chẳng biết chuyện gì định lẫn trốn đi nơi khác thì hai người lực sĩ nắm lấy tôi lại bảo:

-Cớ chi hoảng sợ lắm vậy? Hãy lui ra ngay đi !

Người lực sĩ vừa dứt lời thì tôi cũng từ từ tỉnh lại... Mọi người nghe xong đều lấy làm lạ”.

THINH QUANG



Xem các Bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về Webpage www.nuiansongtra.net
 
 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh