Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
XỬ DỤNG CÁC DIỄN ĐÀN
LÊ CHÁNH THIÊM


VÀI Ý KIẾN, ĐỀ NGHỊ KHI XỬ DỤNG CÁC DIỄN ĐÀN

Sinh hoạt trên nhiều diễn đàn trong thời gian qua, chắc chắn ai trong chúng ta cũng có thấy có ít nhiều điều “chướng tai gai mắt” và không khỏi khó chịu. Dù nói ra hay không, ai nấy đều thấy cần nên chấn chỉnh. Sẽ có nhiều người không vừa lòng {những người "vô tình - nhiều lần" hay "cố ý - do coi thường" làm chuyện sai quấy nầy} khi có ai đó nói ra những chuyện nầy nhưng nếu không, những sự kiện đó cứ tiếp diễn, tạo nên những khó chịu “dài dài” cho nhiều người khác mà số người “thầm lặng” nầy thì đông mà đa số ngại không nói ra, qua ý nghĩ “sao cũng xong”.

Chúng ta biết rằng một gia đình, nếu mọi thành viên thành công trên trường học, trường đời, trong nhân quần xã hội, v.v… chắc chắn gia đình đó được người khác nể trọng. Tương tự, trên một diễn đàn, nếu mọi thành viên đều có “ý thức” khi xử dụng diễn đàn: dùng ngôn từ chuẩn mực, tranh luận – nếu có – trong tinh thần tương kính và lành mạnh, những tài liệu chuyển gởi cho nhau đều hay, có giá trị, hữu ích v.v… chắc chắn diễn đàn đó có một "chỗ đứng nhất định" trong sinh hoạt giao lưu. Ngược lại, một diễn đàn, chỉ cần vài người “không ý thức” trước việc làm của mình sẽ gieo “khó chịu” cho nhiều người; đó là chưa nói đến việc “làm hại” cho nhiều người khác. Tôi sẽ nói đến điều này trong phần sau

Xin đưa ra vài nhận định cùng các đề nghị sau đây:

1. Việc chuyển tiếp (forward) email:

Nhiều người “không biết” hay “biết nhưng coi thường” việc forward email đã nhận được mà “quên đi” trong đó có nhiều địa chỉ email của người khác. Một cách gián tiếp, họ đã phổ biến địa chỉ email người khác - mà điều nầy nhiều người không muốn (giống như việc phổ biến số điện thoại của người khác mà không hỏi ý kiến người ta trước). Việc làm nầy xem như xâm phạm vào chuyện riêng tư người khác, và nguy hại hơn, phổ biến nầy vô tình cung cấp địa chỉ email của nhiều người khác cho bọn hackers phá hoại máy computer của vô số người khác, mang lại thiệt hại khôn lường. Có khi, 1 email được forward cả chục lần sau, số địa chỉ đưa ra vô số kể: RẤT NGUY HIỂM CHO RẤT NHIỀU NGƯỜI KHÁC!! (Số lần forward được biểu thị bằng số lượng gạch thẳng đứng bên trái textbox của email đó).

Đề nghị: Muốn forward email nào, sau khi nhấn vào “forward”, highlight tất cả địa chỉ email thấy được của người khác, rồi nhấn delete. Mục đích: xóa các địa chỉ người khác mà chỉ giữ nội dung email mình muốn forward mà thôi. Điều nầy dễ thôi! Lấy motto của Nike: “Just do it!” làm kim chỉ nam.

2. Nội dung 1 email được forward nhiều lần trên cùng 1 diễn đàn.

Nhiều người “không ý thức” được việc làm của mình khi forward 1 email mà nội dung email đó đã có người phổ biến trên diễn đàn nầy rồi. Việc làm nầy tạo khó chịu cho người đọc, làm cho bộ mặt của diễn đàn nó “tầm thường” đi vì sự vô tình hay cố ý của người chuyển. 

Điển hình, email “13 Hải Quân Trung Tá Hoa Kỳ Gốc Việt được chọn thăng cấp Đại Tá”, có nhiều người cùng forward trên cùng 1 diễn đàn, và nhiều diễn đàn đều gặp phải.

Đề nghị: Muốn forward một email có nội dung gì, ít nhất, nên xem lại subject các email trên diễn đàn mình mình muốn chuyển nếu mình không có thì giờ đọc hết nội dung các email nhận được. Nếu thấy chưa thì chuyển, nếu có rồi, XIN ĐỪNG CHUYỂN NỮA.

3. Xin ghi “chủ đề” tài liệu muốn gởi vào ô “subject”.

Nhiều người gởi đi (hay forward) một tài liệu mà ở cột “SUBJECT” không ghi gì cả hay có ghi mà không ai hiểu được gì. Điều “ghi chủ đề” nầy cần thiết để cho người đọc biết mình muốn gởi tài liệu gì? chủ đề gì? v.v… để người đọc thấy rằng “có cần đọc tài liệu nầy không?”. Một người thích “đá gà” nhưng không thích chuyện “chính trị”, người thích văn chương nhưng lại không thích chuyện cờ bạc rượu chè, v.v… nhiều người, nhiều sở thích không giống nhau. Khi đúng chủ đề “ruột”, chắc chắn họ khó bỏ qua và ngược lại. Nếu không ghi chủ đề, đề tài họ không thích đó (do không biết) đã làm mất thì giờ của họ, làm sao không khỏi bực mình?!

Nếu lý luận rằng “tôi gởi là việc của tôi, tôi không cần biết ai đọc hay không” thì vô lý quá: “mình gởi cho người khác đọc, đó là mục đích của mình, sao lại có việc không cần người đọc?”.

4. Xử dụng ngôn từ “vừa phải” trên diễn đàn.

Trên một diễn đàn, nếu tất cả thành viên đều tôn trọng nhau trong cách diễn đạt ý của mình qua cách xử dụng ngôn từ, nếu người ngoài có dịp đọc được, chắc sẽ được sự “nể trọng” diễn đàn nầy. Không ai “kính trọng” người “gieo tiếng ra gãy cây gãy cối, mở miệng thì có ngọn có ngành”, xử dụng ngôn từ “dao búa”, chửi rủa tục tằn. Trong một cuộc tranh luận hay biện hộ, cho dù đúng 100%, dù cho sự thật như thế, nhưng nếu dùng ngôn từ không “vừa phải”, dù trong thế thượng phong vẫn nhận được sự chê bai của người thứ 3, thứ 4 ngoài đối phương. Chẳng hạn, chúng ta nghĩ sao nếu một người dùng câu “con chó 2 chân” để nói, để gọi 1 “con người”?

Tưởng cũng nên liên hệ cách dùng ngôn từ, trong vụ cái logo trên Thiệp Mời Đại Hội của một hội đoàn quân đội (có hình giống cờ đỏ sao vàng nằm giữa logo in trên Thiệp Mời), khi nội vụ vở lỡ, bị một số người đưa lên vài diễn đàn phê bình. Thế là có một người trong hội đoàn đó “biện hộ” trong 1 bài viết, có dùng thí nghiệm Pavlov (phản xạ có điều kiện) làm lý luận chính để phản bác lại mọi chỉ trích về hội đoàn của ông ta. Bài của ông ta đã bị “phản ứng ngược” quyết liệt khi ông ta dùng thí nghiệm cho 1 con chó để áp dụng cho con người. Cho dù nếu ông ta đúng hoàn toàn cũng không thể lấy thì nghiệm đó làm luận cứ trong bài viết. Tôi có đọc được một “lời ta thán” đáng suy gẫm: “chả lẽ trình độ của 1 SQ … (tên của hội đoàn đó) chỉ có như vậy sao?!”

Đề nghị: Nên sử dụng những từ ngữ xứng hợp trên tất cả các diễn đàn.

5. Phải xác định được “vị trí” của mình và diễn đàn mình đang xử dụng.

a. Mọi thành viên trong một diễn đàn phải biết “chỗ đứng” của mình trên 1 diễn đàn để có hành động thích hợp, vừa phải. Đừng nên lạm dụng diễn đàn để mưu cầu cho cá nhân mình hay cho phe nhóm mình hoặc được dịp là “xổ” cho vừa miệng của mình mà không cần biết đến người khác.

Trong việc post ý kiến cá nhân, mình phải biết mình ở chỗ nào: nếu là 1 diễn đàn gồm những người cùng quê hương, trường học, cảnh ngộ v.v… và những thân hữu của tổ chức đó, thì một “thân hữu” phải nằm ở “vế dưới” của một đồng hương, một cựu học sinh, v.v…; và tốt hơn hết, theo tôi, vị thân hữu đó nên: “xem chơi cho biết” mà đừng nên làm “thầy dùi”. Đây không phải là sự phân chia giai cấp nhưng sự thật phải là như vậy.

b. Một điều khác nữa, mọi thành viên nên hiểu diễn đàn mình đang tham gia thuộc loại nào? Đem chuyện chính trị, chuyện tôn giáo, đảng phái, …vào diễn đàn của một hội “đồng hương”, một trường học v.v… chắc chắn sẽ gặp chống đối, gặp rắc rối. Dùng diễn đàn của một Hội đoàn A để cố xúy, hô hào, vận động… cho một đoàn thể B, đảng phái C v.v…; có nên không?

Nhiều người, có dịp là “phang” ngay, không cần hiểu là mình “đang đứng chỗ nào?”, không cần biết những thành viên của diễn đàn đó có dính líu gì đến “chuyện đó” không. Đó là chưa kể có người còn “hướng dẫn dư luận” đi theo họ, theo phe nhóm họ.

Đề nghị: Nên “ý thức” được chỗ đứng và diễn đàn khi sử dụng diễn đàn.

6. Nên chú ý đến những lỗi “sơ đẳng” trong cách hành văn.

Trong việc sử dụng các diễn đàn, chuyện sơ sót là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, cố gắng tránh những lỗi nhỏ nhặt làm giảm giá trị của nội dung tài liệu muốn chuyển gởi là điều nên làm. Ta cố gắng xem lại những lỗi chính tả, cách hành văn, đặt câu, ngoài việc đã dẫn trong mục số 4 bên trên.

Khi gởi đi một tài liệu, người gởi muốn người đọc nhận được trong sự thoái mái lẫn kính trọng. Chỉ vì những lỗi nhỏ đó làm ngược lại mong ước của mình, có phải uổng công không? Chỉ cần một hạt sạn nhỏ trong chiếc giày ta đang đi sẽ làm cho chân ta khó chịu, huống hồ những sai sót đập vào mắt người khác, làm sao họ không phiền hà.

7. Cần xác định “giới tính” của đối tượng đang nói đến.

Trên lãnh vực giao tế, ta nên xử dụng từ ngữ thế nào để tránh việc xúc phạm đến giới tính người khác. Một người thuộc một giới tính nọ mà ta gọi họ thuộc giới tính kia, làm sao họ không giận? Nếu ta không thể phỏng đoán giới tính của họ qua tên được đăng trên diễn đàn thì ta dùng các từ ngữ chung chung (như: quý vị, ông? bà? anh? chị? cô?...) chứ không thể “xác định”, lỡ sai thì nguy hại vô cùng.

Còn gì khôi hài hơn khi một vị nữ lưu được một người gọi là “anh” chắc nịch trên một diễn đàn! Ngược lại, một MC, khi giới thiệu một “ông” Hội trưởng của một hội đoàn, lại xướng to trên micro bằng “Cô” trong buỗi lễ ra mắt hội đoàn ông ta, xem ông ta như vừa từ San Francisco đến vậy!

Do vậy, nếu không biết chắc giới tính của người khác, cách gọi “hàng hai” bao giờ cũng hơn, đó là lời đề nghị vậy.

Trên đây là vài điều ghi nhận cá nhân cùng những đề nghị nhỏ để chúng ta tránh được những sai sót không đáng có trong khi sử dụng các diễn đàn, một phương tiện giao tiếp trong thời đại internet tiện dụng hiện nay. Ước mong chúng ta nên ý thức được những chuyện nhỏ nhặt nêu trên để mang lại sự thoải mái cho mọi người khi sinh hoạt trên các diễn đàn.

Lê Chánh Thiêm


Xem các Bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về Webpage www.nuiansongtra.net  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh