LY TAO
Khuất Nguyên
* * *
1. Giới thiệu của Nguyễn Hiến Lê.
Thiên Ly Tao (nghĩa là buồn ly biệt) là bài thơ dài đầu tiên của Trung Quốc: trên 370 câu gồm 2490 chữ.
Đầu tiên, Khuất Nguyên kể dòng dõi, thân thế của mình, công phu cầu học và tu đức ra sao, lòng trung quân ái quốc ra sao, Sở Hoài Vương vì nghe lời dèm pha của tiểu nhân mà ghét bỏ ông, ông sinh ra thất vọng, tưởng tượng như gặp vua Trùng Hoa (vua Thuấn) mà bày tỏ nỗi lòng. Ông ôn lại sự tích của vua Vũ, vua Khang, vua Kiệt, vua Trụ… (thời nào có minh quân và hiền thần thì nước trị, thời nào gặp bạo quân và nịnh thần thì loạn) như có ý để răn vua Sở.
Đoạn giữa, tức là đoạn trích dẫn ở đây, ông tưởng tượng đi từ đất Thương Ngô (nơi có mộ vua Thuấn), tới Huyền Phố, Hàm Trì, Phù Tang và bay tuốt lên thiên đình, nhờ sự giúp đỡ của những thần Hi Hòa, Vọng Thư, Phi Liêm, Lôi Sư,… Nhưng tới cửa thiên đình, thần giữ cửa không cho ông vô; ông lại bay tới Bạch Thủy, Lãng Phong, Xuân Cung, Cùng Thạch, Vị Bàn, yêu cầu Mật Phi thần nữ và hai hiền nữ họ Diêu, kết quả cũng bị cự tuyệt.
Đoạn cuối: không biết đi đâu nữa, ông lại hỏi ý kiến Linh Phân và Vu Hàm (các thần bói); hai vị thần này khuyên ông cứ tiếp tục đi nữa, ông lại đi khắp các nơi như Côn Lôn, Thiên Tân, Lưu Sa, Xích Thủy … mong tìm được chút an ổn trong lòng; nhưng khi về gần tới cố hương thì người đánh ngựa buồn rầu, rỏ lệ, chính con ngựa của ông cũng bịn rịn quay đầu lại nhìn nơi quê cũ, không chịu đi nữa, và ông than thở: "Trong nước đã không có người biết ta hề, thì còn nhớ tiếc gì cố đô! Đã không được vua dùng để thi hành chính trị tốt hề, thì ta nên đi theo Bành Hàm thôi". Bành Hàm là một hiền sĩ đời Ân, can vua mà vua không nghe mới ôm đá mà tự trầm. Vậy là ông đã quyết định tự tử sau khi viết xong thiên Ly Tao.
Cảm xúc của ông cực mạnh; bỗng vui rồi bỗng buồn, lúc chán nản muốn đi xa, lúc lại muốn gặp Thượng Đế, rồi tự nhiên nghĩ đến tình luyến ái, rồi lại thất vọng mà hỏi thần Bói; mới bùi ngùi nhớ cố đô đó mà đã có ý tự sát ngay rồi. Tinh thần đau đớn gần như thác loạn, chỉ vì lòng yêu nước của ông rất nồng nhiệt mà nỗi đau xót của ông đã tới cực điểm.
Sức tưởng của ông cũng rất dồi dào: ông nhân cách hóa cây cỏ, vạn vật, ví những cỏ lau, cỏ chỉ với hạng người quân tử, dùng chim trẫm, chim tu hú làm mối mai, lại muốn sai khiến cả thần gió, thần trăng, thần sấm, thần sét. Ngọn bút thực phóng lãng, lợi dụng tất cả các thần thoại của Trung Quốc (nên có nhà đã ví Ly Tao của ông với Divine Comédie của Dante); để diễn tả tất cả nỗi u uất trong hằng chục năm của ông, lưu lại cho muôn thuở một lời nức nở nghẹn ngào, bất tuyệt.
(Nguyễn Hiến Lê, Cổ Văn Trung Quốc, Xuân Thu xuất bản, trang 105-106).
2. Khuất Nguyên liệt truyện
(Trích: Sử ký - Tư Mã Thiên)
a. Khuất Nguyên tên là Bình cùng họ với vua nước Sở. Bình làm chức tả đô đời Sở Hoài Vương, học rộng, nhớ lâu, thấy rõ lẽ trị loạn, thạo việc giấy tờ. Vào cung thì cùng vua bàn tính việc nước, ban bố các mệnh lệnh, ra thì tiếp đãi khách khứa, ứng đối với chư hầu. Nhà vua rất tin dùng. Đại phu Thượng Quan (l) cùng ông ngang hàng, tranh được vua yêu trong bụng ghen ghét tài năng.
Hoài Vương sai Khuất Nguyên làm pháp lệnh, Khuất Nguyên nháp bản thảo chưa xong, đại phu Thượng Quan trông thấy muốn cướp lấy, Khuất Nguyên không cho, ông ta bèn gièm với vua:
- Bệ hạ sai Khuất Bình làm pháp lệnh, không ai là không biết. Mỗi khi lệnh ban ra, Bình lại khoe công của mình, nói: ”Ngoài ta ra, chẳng ai làm nổi“.
Nhà vua giận, bỏ rơi Khuất Bình.
b. Khuất Bình giận về nỗi nhà vua nghe không phân biệt phải trái, để lời gièm pha che mất óc sáng suốt, để kẻ gian ác làm hại người trung thành, khiến cho người ngay không có chỗ dung thân, cho nên lo buồn nghĩ ngợi mà làm ra ”Ly Tao“.
”Ly Tao” cũng như là buồn trong chia ly. Trời là khởi thủy của loài người. Cha, mẹ là gốc của con người. Người ta gặp lúc khốn cùng thì quay về gốc. Cho nên hễ khó khóc mỏi mệt, ốm đau, không ai không kêu trời! Khi đau xót, thương cảm, không ai không kêu cha mẹ. Khuất Bình theo đạo ngay đi đường thẳng, dốc hết lòng trung, đưa hết trí khôn ra thờ vua,nhưng lại bị kẻ gièm pha ly gián, có thể gọi là ở vào cảnh khốn cùng vậy! Mình tín mà bị ngờ vực, mình trung mà bị chỉ trích, làm sao khỏi oán thán! Khuất Bình viết Ly Tao là do oán thán mà ra vậy! Thơ Quốc Phong mê sắc mà không dâm, thơ Tiểu Nhã oán trách mà không loạn. Như Ly Tao thực là gồm được cả hai. Trên kể từ Đế Cốc, dưới nói đến Tề Hoàn, giữa thuật truyện vua Thang và Vũ, chỉ trích việc đời. Nó nêu rõ tầm quan trọng của đạo đức, nguyên nhân làm nước nhà trị hay loạn, không có chuyện gì là không nói đến. Văn ông ngắn gọn, kín đáo, chí ông trong sạch, nết ông thanh cao; tuy nói những điều vụn vặt, nhưng ý nghĩa rất rộng; việc nhắc đến tuy gần, nhưng nghĩa thì xa. Chí ông trong sạch nên hay nói đến cái hoa thơm. Nết ông cao cho nên dù chết cũng không được dung nạp. ông thoát khỏi cái thế giới bùn lầy như con ve bỏ lốt ở nơi dơ đục, để cất mình ra khỏi đám bụi trần chẳng để cho đời làm dơ bẩn. Thật là ở bùn mà trong trắng chẳng lây đen. Suy cái chí ấy thì ông có thể thi sáng với mặt trăng, mặt trời vậy!(3)
c. Sau khi Khuất Nguyên bị truất, nước Tần muốn đánh Tề, nhưng Tề hợp tung với Sở. Tần Huệ Vương lo ngại bèn sai Trương Nghi giả vờ bỏ Tần, mang nhiều tiền của tình nguyện thờ nước Sở. Trương Nghi nói:
- Tần ghét Tề, nhưng Tề lại hợp tung, thân với Sở. Nếu Sở tuyệt giao với Tề thì Tần sẽ xin dâng sáu trăm dặm đất ở Thượng Ư.
Sở Hoài Vương tham đất, lại tin lời Trương Nghi, bèn tuyệt giao với Tề, sai sứ sang Tần nhận đất. Trương Nghi nói dối sứ giả:
- Nghi hẹn cho nhà vua sáu dặm, chứ có phải làm sáu trăm dặm đâu.
Sứ thần Sở giận, ra về, nói lại với Hoài Vương. Hoài Vương giận, đem đại quân đánh Tần. Tần đem quân đánh lại phá tan quân Sở ở sông Đan, sông Tỉnh, chém tám vạn đầu bắt tướng Sở là Khuất Cái, lấy đất Hán Trung của Sở. Hoài Vương bèn đem tất cả quân trong nước Sở đánh sâu vào nước Tần. Hai bên đánh nhau ở Lam Điền. Nước Ngụy nghe tin, đánh úp Sở, đem quân đến đất Đặng. Quân Sở lo sợ từ nước Tần trở về, còn quân Tề thì giận không cứu Sở. Sở khốn to.
Năm sau. Tần cắt đất Hán Trung để giảng hoà với Sở. Vua Sở nói:
- Không cần được đất! Xin được Trương Nghi là hả dạ.
Trương Nghi nghe vậy liền nói:
- Lấy một mình Nghi mà đổi được đất Hán Trung vậy thần xin đi sang Sở.
Khi sang Sở, Nghi lại dùng nhiều của đút lót cho viên quan cầm quyền là Cận Thượng bày cách nói với người vợ yêu của Hoài Vương là Trịnh Tụ. Kết quả, Hoài Vương nghe lời Trịnh Tụ lại tha cho Trương Nghi về.
Khi ấy Bình đã bị nhà vua bỏ rơi không còn ở lại địa vị cũ. Bình đi sứ ở Tề, quay về can Hoài Vương:
- Sao không giết Trương Nghi đi?
Hoài Vương hối hận cho người đuổi theo Trương Nghi, nhưng không kịp nữa. Về sau, chư hầu cùng nhau đánh Sở, phá tan quân Sở, giết tướng Sở là Đường Muội. Bấy giờ Chiêu Vương nước Tần thông gia với Sở, muốn họp mặt với Hoài Vương. Hoài Vương toan đi, Khuất Bình can:
- Tần là nước hùm sói, không thể tin. Đừng đi là hơn.
Con nhỏ của Hoài Vương là Tử Lan, khuyên nhà vua nên đi:
- Sao lại để mất lòng vua Tần?
Hoài Vương bèn ra đi. Khi vào đất Vũ Quan, Tần sai phục binh cắt đứt đường về, nhân giữ Hoài Vương lại để đòi cắt đất. Hoài Vương giận, không chịu, bỏ trốn sang Triệu, Triệu không chứa, Hoài Vương lại về Tần, rốt cục chết ở Tần, rồi đưa về chôn ở Sở.
Con cả của Hoài Vương lên ngôi tức là Khoảnh Tương Vương. Khoảnh Tương Vương cho em là Tử Lan làm lệnh doãn. Người nước Sở vẫn cho việc khuyên Hoài Vương sang Tần không về là tội của Tử Lan. (4)
d. Khuất Bình cũng ghét chuyện ấy. Tuy bị ruồng bỏ, xua đuổi, ông vẫn lo toan nước Sở, lòng vẫn nghĩ đến Hoài Vương, cứ mong trở về, mong có một ngày nào nhà vua tỉnh ngộ, tập tục sẽ thay đổi. Lòng ông chỉ mong sao cho nhà vua được còn, nước được mạnh, trong một bài, ông nhắc đi nhắc lại điều ấy đến ba lần. Nhưng rốt cục vẫn không làm sao được! Điều đó, chứng tỏ Hoài Vương suốt đời không tỉnh ngộ.
Người làm vua, không kể dại hay khôn, hiền hay dở đều muốn tìm kẻ trung thần để trị nước, cất nhắc kẻ giỏi để giúp mình. Vậy mà chuyện nước mất nhà tan thì cứ kế tiếp nhau diễn ra, trái lại cái cảnh vua thánh nước trị thì mấy đời cũng không thấy có. Đó là vì cái bọn gọi là trung kia không phải là trung, và cái bọn giỏi kia không phải là giỏi vậy. Hoài Vương vì không biết phân biệt kẻ trung thần cho nên ở trong thì bị Trịnh Tụ làm mê hoặc, ở ngoài bị Trương Nghi lừa dối, rốt cục ruồng bỏ Khuất Bình mà tin đại phu Thượng Quan, lệnh doãn Tử Lan. Rốt cục quân thua, đất bị cắt, mất đứt sáu quận, chết bỏ xác ở đất Tần, làm trò cười cho thiên hạ. Đó đều do không biết người mà mắc vạ, Kinh Dịch nói:
”Giếng sạch chẳng ăn, lòng ta băn khoăn! Đạo ta có thể đem ra dùng, vua sáng dùng đạo ta, mọi người đều nhờ phúc“.
Vua không sáng thì thực là vô phúc vậy!
Lệnh doãn Tử Lan biết chuyện cả giận, kết quả sai đại phu Thượng Quan gièm Khuất Nguyên với Khoảnh Tương Vương. Khoảnh Tương Vương giận đày ông. (5)
e. Khuất Nguyên đến bờ sông, xõa tóc đi, ngâm nga trên bờ đầm, sắc mặt tiều tụy, hình dung khô héo. Một ông cụ đánh cá, thấy hỏi ông ta:
- Ông là quan tam lư đại phu (6) đấy phải không? Vì sao ông đến nỗi này.
Khuất Nguyên nói:
- Tất cả đời đều nhơ đục, chỉ một mình ta trong, tất cả mọi người đều say, riêng một mình ta tỉnh, cho nên bị đuổi.
Cụ đánh cá nói:
- Người thánh nhân không khư khư ở một vật, mà biết thay đổi theo đời. Tất cả đều nhơ đục sao ông không xuôi theo dòng làm cho sóng lên cao? Tất cả mọi người đều say, sao ông không nhai bã rượu và húp rượu? Vì cớ gì lại ôm ngọc cẩn, giữ ngọc du trong người để đến nỗi bị đuổi!
Khuất Nguyên nói:
- Tôi nghe nói, khi vua gội đầu xong thì người ta phủi mũ, khi vua tắm xong thì người ta giũ áo, lẽ nào để cái thân trong trắng bị vật làm nhơ bẩn đi. Ta thà gieo mình xuống sông Tương, chôn mình trong bụng cá, lẽ nào để cái bản chất trắng ngần của ta chịu bụi bậm của đời?
Bèn làm bài phú Hoài sa, đoạn ôm đá gieo mình xuống sông Mịch La mà chết (7).
f. Sau khi Khuất Nguyên đã chết, nước Sở có bọn Tống Ngọc, Đường Lạc, Cảnh sai đều thích văn chương và nổi tiếng về lối phú. Song họ chỉ biết bắt chước Khuất Nguyên về chỗ lời lẽ dịu dàng chứ không ai dám nói thẳng. Nước Sở ngày càng hao mòn, sau mấy chục năm cuối cùng bị nước Tần tiêu diệt.
Sau khi Khuất Nguyên chết đuối ở Mịch La hơn trăm năm, đến đời Hán, có Giả Nghị (8) làm thái thú của Trường Sa Vương, qua sông Tương ném thư xuống sông để điếu Khuất Nguyên (9).
g. Thái sử công nói:
- Tôi đọc Ly Tao, Thiên Vấn, Chiêu Hồn, Ai Sinh thương chí ông. Tôi sang Trường Sa xem quãng sông Khuất Nguyên trẫm mình, không lần nào không khóc. Khi thấy Giả Sinh viếng ông, tôi lấy làm lạ về chỗ tài giỏi như Khuất Nguyên nếu đi sang chư hầu thì nước nào mà chẳng dùng, tại sao lại làm khổ mình như thế? Đến khi đọc bài phú “Phục Điểu” thấy nói đến việc coi sống chết như nhau, coi thường việc đi hay ở, bấy giờ lòng luống bâng khuâng tự biết là lầm!
(Trích: Sử ký - Tư Mã Thiên)
Chú thích:
(1) Có sách chú Thượng Quan là họ, có sách chú Thượng Quan đại phu là chức quan.
(2) Đoạn l: Khuất Nguyên bị nhà vua bỏ rơi.
(3) Đoạn 2: Giá trị của Ly Tao. Bài này có một ý nghĩa rất lớn. ở âu châu, trong lịch sử, người ta không nói đến các nhà văn. Mãi đến thế kỷ XVIII, Vônte trong ”Lịch sử thế kỷ Lu-i XIV” mới có một chương dành cho văn học. Tư Mã Thiên dành cả một chương cho Khuất Nguyên với những lời lẽ đanh thép, quyết định. Ngoài Khuất Nguyên, Tư Mã Thiên còn nói đến những nhà làm phú như Giả Nghị, Tư Mã Tương Như v.v…, cùng với tất cả các nhà tư tưởng gia. Trước ông không ai nhắc đến Khuất Nguyên, sau ông không ai đánh giá Khuất Nguyên đúng bằng. Ở Trung Quốc cổ chưa có phê bình văn học, chỉ có sự phê bình qua ý nghĩa chính trị chứ không nói đến sự thống nhất giữa nội dung và hình thức. Đoạn này là một thứ ngoại lệ.
(4) Tình hình nước Sở sau khi Khuất Nguyên bị đuổi.
(5) Tâm sự u uất của Khuất Nguyên.
(6) Chức quan coi ba họ tôn thất của Sở.
(7) Đoạn 5: Trích bài Ngư Phủ Từ của Khuất Nguyên. Bài này tác giả dùng lối vấn đáp để bày tỏ lòng mình. Nhân vật ông lão đánh cá là một nhân vật tượng trưng.
(8) Giả Nghị, một nhà chính trì, nhà văn có tiếng đời Hán Văn Đế chết năm 33 tuổi được Tư Mã Thiên chép chung vào một thiên với Khuất Nguyên. Ở đây không dịch phần nói về Giả Nghị. Giả Nghị có tài nhưng không được nhà vua dùng cho đi làm thái phó của Trường Sa Vương, đến Trường Sa cảm thông cảnh ngộ của Khuất Nguyên làm bài Điếu Khuất Nguyên trong đó có câu ”Nhìn chín châu mà tìm vua chừ! Có gì mà phải nhớ mong kinh đô ấy?“. Ý hỏi tại sao Khuất Nguyên không sang nước khác. Nhưng ở bài Phục Điểu Phú (bài phú con cú) thì Giả Nghị nói ”Sống kia như trôi chừ, chết kia như nghỉ“. Ý nói mình lầm chưa hiểu nổi Khuất Nguyên. Khuất nguyên không phải là hạng Tô Tần lo mưu lợi cho mình mà là người yêu nước cho nên coi thường sống chết.
(9) Đoạn 6: Nước Lỗ sau khi Khuất Nguyên chết.
3. LY TAO
Khuất Nguyên
Ly Tao là tác phẩm tiêu biểu của Khuất Nguyên, là bài thơ lãng mạn-trữ tình-tự thuật đầu tiên và lớn nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc. Ly tao nổi tiếng đến mức người Trung Quốc về sau coi đó là đại biểu của thơ ca. Họ gọi nhà thơ, nhà văn là "tao nhân, mặc khách" (ở Việt Nam ta trước đây cũng quan niệm như vậy, nên Lê Thánh Tông gọi thi đàn do mình sáng lập là "Tao đàn", và Thế Lữ trong bài Cây đàn muôn điệu đã viết "Mượn cây bút nàng Ly tao tôi vẽ...").
Về chữ Ly tao có nhiều cách giải thích. Chu Bích Liên, trong sách Cổ thi hải, kết hợp ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, lý giải rằng: Ly tao nguyên là một điệu dân ca nước Sở, thích hợp với việc thể hiện những nỗi uất ức, bất bình; vì thế nhà thơ Khuất Nguyên khi bị vua Sở đầy ải đã dùng Ly tao làm đề để trữ phát những nỗi đau buồn day dứt uất kết trong lòng, đồng thời nói lên lý tưởng mà mình hoài bão.
Ở ta, thông thường vẫn hiểu chữ "ly tao" theo cách chú giải của Vương Dật (người cuối đời Ðông Hán): "Ly tao - nỗi sầu ly biệt". Chú như vậy cũng thông (có thể đây là nguyên nghĩa của Ly tao trong Sở điệu).
LY TAO
Khuất Nguyên
Phiên âm:
Ðế Cao Dương chi miêu duệ hề,
Trẫm hoàng khảo viết Bá Dung.
Nhiếp đề trinh vu mạnh trâu hề,
Duy canh dần ngô dĩ giáng.
Hoàng lẫm quỹ dư sơ độ hề,
Triệu tích dư dĩ gia danh.
Danh dư viết Chính Tắc hề,
Tự dư viết Linh Quân.
Phân ngô ký hữu thử nội mỹ hề,
Hựu trùng chi dĩ tu năng.
Hỗ giang ly dữ tịch chi hề,
Nhẫn thu lan dĩ vi bội.
Cốt dư nhược tương bất cập hề,
Khủng niên tuế chi bất ngô dữ.
Triệu khiên tì chi Mộc lan hề,
Tịch lãm châu chi túc mụ.
Nhật nguyệt hốt kỳ bất yêm hề,
Xuân dữ thu kỳ đại tư.
Duy thảo mộc chi linh lạc hề,
Hà bất cải hồ thử độ.
Thừa kỳ ký dĩ trì sính hề,
Lai ngô đạo phù tiên lộ.
Tích tam hậu chi thuần tuý hề,
Cố chúng phương chi sở tại.
Tạp thân tiêu dữ khuẩn quế hề,
Khởi duy nhân phù huệ chi.
Bỉ Nghiêu Thuấn chi cảnh giới hề,
Ký tuân đạo nhi đắc lộ.
Hà Kiệt Trụ chi xương phỉ hề,
Phù duy tiệp kính dĩ quẫn bộ.
Duy phù đảng nhân chi du lạc hề,
Lộ u muội dĩ hiểm ải.
Khởi dư thân chi đạn ương hề,
Khủng hoàng dư chi bại tích.
Hốt bôn tẩu dĩ tiên hậu hề,
Cập tiền vương chi chủng vũ.
Thuyên bất sát dư chi trung tình hề,
Phản tín sàm nhi tễ nộ.
Dư cố tri kiển kiển chi vi hoạn hề,
Nhẫn chi bất năng xả dã.
Chi cửu thiên dĩ vi chính hề,
Phù duy linh tu chi cố dã.
Viết hoàng hôn dĩ vi kỳ hề,
Khương trung đạo nhi cải lộ.
Sơ ký dữ dư thành ngôn hề,
Hậu hối độn nhi hữu tha.
Dư bất nan phù ly biệt hề,
Thương linh tu chi sắc hoá.
Dư ký tư lan chi cửu uyển hề,
Hựu thụ huệ chi bách mẫu.
Huề lưu di dữ yết xa hề,
Tạp đỗ hành dữ phương chi.
Ký chi diệp chi tuấn mậu hề,
Nguyện sĩ thì hồ ngô tương ngải.
Tuy uỷ tuyệt kỳ diệc hà thương hề,
Ai chúng phương chi vu uế.
Chúng giai cạnh tiến dĩ tham lam hề,
Bằng bất yếm hồ câu sách.
Khương nội thứ ký dĩ lượng nhân hề,
Các hưng tâm nhi tật đố.
Hốt trì vụ dĩ truy trục hề,
Phi dư tâm chi sở cấp.
Lão nhiễm nhiễm kỳ tương chí hề,
Khủng tu danh chi bất lập.
Triêu ẩm mộc lan chi truỵ lộ hề,
Tịch xan thu cúc chi lạc anh.
Cẩu dư tình kỳ tín khoá dĩ luyện yếu hề,
Trường kham hạm diệc hà thương!
Lãm mộc căn dĩ kết chỉ hề,
Quán bệ lệ chi lạc nhị.
Kiều khuẩn quế dĩ nhân huệ hề,
Tác hồ thằng chi sỉ sỉ.
Kiển ngô pháp phủ tiền tu hề,
Phi thế tục chi sở phục!
Tuy bất chu ư kim chi nhân hề,
Nguyện y Bành Hàm chi di tắc.
Trường thái tức dĩ yểm thế hề,
Ai dân sinh chi đa gian.
Du tuy hiếu tu khoá dĩ cơ ky hề,
Kiển triêu đốt nhi tịch thế.
Kỳ thế dư dĩ huệ tương hề,
Hựu thân chi dĩ lãm chi.
Diệc dư tâm chi sở thiện hề,
Tuy cửu tử kỳ do vị hối.
Oán linh tu chi hạo đãng hề,
Chung bất sát phù dân tâm.
Chúng nữ tật dư chi nga mi hề,
Dao trác vị dư dĩ thiện dâm.
Cố thì tục chi công xảo hề,
Miến quy củ nhi cải thố.
Bội thằng mặc dĩ truỵ khúc hề,
Cạnh chu dung dĩ vi độ.
Ðồn uất ấp dư sá sế hề,
Ngô độc cùng khốn thử thì dã.
Chí điểu chi bất quân hề,
Tự tiền thế nhi cố nhiên.
Hà phương viên chi năng chu hề,
Phù thục dị đạo nhi tương yên!
Khuất tâm nhi ức chí hề,
Nhẫn vưu nhi nhương cấu.
Phục thanh bạch dĩ tử trực hề,
Cố tiền thành chi sở hậu.
Hối tướng đạo chi bất sát hề,
Diên trữ hồ ngô tương phản!
Hồi trẫm xa dĩ phục lộ hề,
Cập hành mê chi vị viễn,
Bộ dư Mã u lan cao hề,
Trì tiêu khâu thả yên chi tức.
Tiến bất nhập dĩ ly vưu hề,
Thoái tương phục tu ngô sơ phục.
Chế kỳ hà dĩ vi y hề,
Tập phù dung dĩ vi thường.
Bất ngô tri kỳ diệc dĩ hề,
Cẩu dư tình kỳ tín phương.
Cao dư quan chi ngập ngập hề,
Trường dư bội chi lục ly.
Phương dữ trạch kỳ tạp nữu hề,
Duy chiêu chất kỳ do vị khuy.
Hốt phản cố dĩ du mục hề,
Tương vãng quan hồ tư hoang.
Bội bân phân kỳ phồn sức hề,
Phương phi phi kỳ di chương.
Dân sinh các hữu sở nhạo hề,
Dư độc hiếu tu dĩ vi thường.
Tuy thế giải ngô do vị biến hề,
Khởi dư tâm chi khả trừng.
Nữ tu chi thiền viên hề,
Thân thân kỳ lệ dư.
Viết: "Cổn hãnh trực dĩ vong thân hề,
Chung nhiên yểu hồ Vũ chi dã.
Nhữ hà bác kiển nhi hiếu tu hề,
Phân độc hữu thử khoá tiết.
Tư lục thi dĩ doanh thân hề,
Phán độc ly nhi bất phục.
Chúng bất khả hộ thuyết hề,
Thục vân sát dư chi trung tình?
Thế tịnh cử nhi hiếu bằng hề,
Phù hà quynh độc nhi bất dư thính".
Y tiền thánh dĩ tiết trung hề,
Khoái bằng tâm nhi lịch tư.
Tế Nguyên Tương dĩ nam chinh hề,
Tựu Trùng Hoa nhi trần từ.
Khải "cửu biện" dữ "cửu ca" hề,
Hạ Khang nhu dĩ tự túng.
Bất cố nạn dĩ đồ hậu hề,
Ngũ tử dụng thất hồ gia hạng.
Nghệ dâm tu dĩ dật điền hề,
Hựu hiếu xạ phù phong hồ.
Cố loạn lưu kỳ tiển chung hề,
Xác hựu tham phù quyết gia.
Ngáo thân bị phục cường ngữ hề,
Túng dục nhi bất nhẫn.
Nhật khang ngu nhi tự vong hề,
Quyết thủ dụng phù điên vẫn.
Hạ Kiệt chi thường vi hề,
Nãi toại yên nhi phùng ương.
Hậu Tân chi trư hải hề,
Ân tông dụng chi bất trường.
Thang, Vũ nghiễm nhi chi kính hề,
Chu luận đạo nhi mạc sai.
Cử hiền tài nhi thụ năng hề,
Tùng thằng mặc nhi bất pha.
Hoàng thiên vô tư a hề,
Lãm dân đức yên thố phụ.
Phù duy thánh triết dĩ mậu hạnh hề,
Cẩu đắc dụng thử hạ thổ.
Chiêm tiền nhi cố hậu hề,
Tướng quan dân chi kế cực.
Phù thục phi nghĩa nhi khả dụng hề?
Thục phi thiên nhi khả phục?
Ðiếm dư thân nhi nguy tử hề,
Lãm dư sơ kỳ do vị hối.
Bất lượng tạc nhi chính nhuế hề,
Cố tiền tu dĩ trư hải.
Tăng hư hi dư uất ấp hề,
Ai trẫm thì chi bất đáng.
Lãm nhự huệ dĩ yểm thế hề,
Chiêm dư khâm chi lãng lãng.
Quy phu nhẫm dĩ trần từ hề,
Cảnh ngô ký đắc thử trung chính.
Tứ ngọc cù dĩ thừa ế hề,
Kháp ai phong dư thượng chinh.
Triêu phát nhẫn ư Thương Ngô hề,
Tịch dư chi hồ Huyền Phố.
Dục thiểu lưu thử linh toả hề,
Nhật hốt hốt kỳ tương mộ.
Ngô linh Hy Hoà nhĩ tiết hề,
Vọng Yêm - tu nhi vật bách.
Lộ man man kỳ tu viễn hề,
Ngô tương thượng hạ nhi cầu sách.
Ẩm dư mã ư Hàm - trì hề,
Tổng dư bí hồ phù tang.
Chước nhược mộc dĩ phất nhật hề,
Liêu tiêu diêu dĩ tương dương.
Tiền Vọng Thư sử tiên khu hề,
Hậu Phi Liêm sứ bôn chúc.
Loan hoàng vị dư tiên giới hề,
Lôi sư cáo dư dĩ vi cụ.
Ngô linh phượng điểu phi đằng hề,
Kế chi dĩ nhật dạ.
Phiêu phong đồn kỳ tương ly hề,
Suất vân nghê nhi lại nhạ.
Phân tổng tổng kỳ ly hợp hề,
Ban dục ly kỳ thượng hạ.
Ngô linh Ðế hôn khai quan hề,
Ỷ xương hạp nhi vọng dư.
Thì ái ái kỳ tương bãi hề,
Kết u lan nhi diên trữ.
Thế hỗn trọc nhi bất phân hề,
Hiếu tế mỹ nhi tật đố.
Triêu ngô tương tế ư Bạch thuỷ hề,
Ðăng Lãng phong nhi tiết mã.
Hốt phản cố dĩ lưu thế hề,
Ai cao khâu chi vô nữ.
Kháp ngô du thủ xuân cung hề,
Chiết quỳnh chi dĩ kế bội.
Cập vinh hoa chi vị lạc hề,
Tướng hạ nữ chi khả di.
Ngô linh Phong long thừa vân hề,
Cầu Phục phi chi sở tại.
Giải bội tương dĩ kết ngôn hề,
Ngô linh Kiến Tu dĩ vi lý.
Phân tổng tổng kỳ ly hợp hề,
Hốt vĩ hoạch kỳ nan thiên.
Tịch quy thứ ư Cùng thạch hề,
Triêu trạc phát hồ Vĩ bàn.
Bảo quyết mỹ dĩ kiêu ngạo hề,
Nhật khang ngu dĩ dâm du.
Tuy tín mỹ nhi vô lễ hề,
Lai vi khí nhi cải đầu.
Lãm tướng quan ư tứ cực hề,
Chu lưu hồ thiên dữ nãi hạ.
Vọng Dao đài chi yển kiển hề,
Kiến Hữu nhung chi dật nữ.
Ngô linh Trấm vi môi hề,
Trấm cáo dư dĩ bất hảo.
Hùng cưu chi minh thệ hề,
Dư do ố kỳ điêu xảo.
Tâm do dự nhi hồ nghi hề,
Dục tự thích nhi bất khả.
Phượng hoàng ký thụ di hề,
Khủng Cao Tân chi tiên ngã.
Dục viễn tập nhi vô sở chỉ hề,
Liêu phù du dĩ tiêu diêu.
Cập Thiếu Khang chi vị gia hề,
Lưu Hữu Ngu chi nhị diêu.
Lý nhược nhi môi chuyết hề,
Khủng đạo ngôn chi bất cố.
Thế hỗn trọc nhi tật hiền hề,
Hiếu tế mỹ nhi xưng ác.
Khuê trung ký dĩ thuý viễn hề,
Triết vương hựu bất ngộ.
Hoài trấm tình nhi bất phát hề,
Dư yên năng nhẫn dữ thử chung cổ.
Sách quỳnh mao dĩ đình chuyên hề,
Mệnh Linh Phân vị dư chiêm chi.
Viết: lưỡng mỹ kỳ tất hợp hề,
Thục tín tu nhi mộ chi?
Tư cửu châu chi bác đại hề,
Khởi duy thị kỳ hữu nữ?
Viết: miễn viễn thệ nhi vô hồ nghi hề,
Thục cầu mỹ nhi thích nhữ?
Hà sở độc vô phương thảo hề,
Nhĩ hà hoài hồ cố vũ.
Thế u muội, dĩ huyễn diệu hề,
Thục vân sát dư chi thiện ác?
Dân hiếu ố kỳ bất đồng hề,
Duy thử đảng nhân kỳ độc dị.
Hộ phục ngải dĩ doanh yêu hề,
Vị u lan kỳ bất khả bội.
Lâm sát thảo mộc kỳ do vị đắc hề,
Khởi trình mỹ chi năng đương.
Tổ phần nhưỡng dĩ sung vi hề,
Vị thân tiêu kỳ bất phương.
Dục tòng Linh phân chi cát chiêm hề,
Tâm do dự nhi hồ nghi.
Vu Hàm tương tịch giáng hề,
Hoài tiêu sở nhi yêu chi.
Bách thần ế kỳ bị giáng hề,
Cửu nghi bân kỳ tịnh nghênh.
Hoàng diễm diễm kỳ dương linh hề,
Cáo dư dĩ cát cố.
Viết: Miễn thăng giáng nhi thượng hạ hề,
Cầu củ hoạch chi sở đồng.
Thang Vũ nghiêm nhi cầu hợp hề,
Chí Cao Dao nhi năng điều.
Cẩu trung tình kỳ hiếu tu hề,
Hựu hà tất dụng phù hành môi ?
Duyệt thao trúc ư Phó Nham hề,
Vũ Ðinh dụng nhi bất nghi.
Lã Vọng chi cổ đao hề,
Tao Chu Văn nhi đắc cử.
Ninh Thích chi âu ca hề,
Tề Hoàn văn dĩ cai phụ.
Cập niên tuế chi vị án hề,
Thì diệc do kỳ vị ương.
Khủng đề quyết chi tiên minh hề,
Sử phù bách thảo vị chi bất phương.
Hà quỳnh hội chi yển kiển hề,
Chúng ái nhiên nhi tế chi.
Duy thủ đảng nhân chi bất lượng hề,
Khủng tật đố nhi chiết chi.
Thì bân phân kỳ biến dịch hề,
Hựu hà khả dĩ yêm lưu.
Lan chỉ biến nhi bất phương hề,
Thuyên huệ hoá nhi vi mao.
Hà tích nhật chi phương thảo hề,
Kim trực vi thử tiêu ngải dã.
Khởi kỳ hữu tha cố hề,
Mạc hiếu tu chi hại dã.
Dự ký dĩ lan vi khả thị hề,
Khương vô thực nhi dung trường.
Uỷ quyết mỹ dĩ tòng tục hề,
Cẩu đắc liệt hồ chúng phương.
Tiêu chuyên nịnh dĩ mạn thao hề,
Sát hựu dục sung phù bội vi.
Ký can tiến nhi vụ nhập hề,
Hựu hà phương chi năng chi.
Cố thì tục chi lưu tòng hề,
Hựu thục năng vô biến hoá?
Lãm tiêu lan kỳ nhược tư hề,
Hựu huống yết xa dữ giang ly.
Duy tư bội chi khả quý hề,
Uỷ quyết mỹ nhi lịch ti tư.
Phương phi phi nhi nan khuy hề,
Phân chí kim do vị muội.
Hoà điệu độ dĩ tự ngu hề,
Liêu phù du nhi cầu nữ.
Cập dư sức chi phương tráng hề,
Chu lưu quan hồ thượng hạ.
Linh phân kỳ cáo dư dĩ cát chiêm hề,
Lịch cát nhật hồ ngô tương hàng.
Chiết quỳnh chi dĩ vi tu hề,
Tinh quỳnh my dĩ vi tương.
Vị dư giá phi long hề,
Tạp dao tượng dĩ vi xa.
Hà ly tâm chi khả đồng hề,
Ngô tương viễn thệ dĩ tự sơ.
Triển ngô đạo phù Côn-luân hề,
Lộ tu viễn dĩ chu lưu.
Dương vân nghê chi yếm ái hề,
Minh ngọc loan chi thu thu.
Triêu phát nhẫn ư Thiên tân hề,
Tịch dư chí hồ Tây cực.
Phượng hoàng dực kỳ thừa kỳ hề,
Cao cao tường chi dực dực.
Hốt ngô hành thử Lưu sa hề,
Tuân Xích thuỷ nhi dung dữ.
Huy giao long sử lương tân hề,
Chiếu Tây hoàng sứ thiệp dư.
Lộ tu viễn dĩ đa gian hề,
Ðằng chúng xa sử kim đãi.
Lộ Bất Chu dĩ tả chuyên hề,
Chí Tây hải dĩ vi kỳ.
Ðồn dư xa kỳ thiên thặng hề,
Tề ngọc đại nhi tịnh trì.
Giá bát long chi uyển uyển hề,
Tái vân kỳ chi uỷ đà.
Úc chí nhi nhĩ tiết hề,
Thần cao trì nhi mạc mạc.
Tấu Cửu ca nhi vũ thiều hề,
Liêu hạ nhật dĩ du lạc.
Trắc thăng hoàng chi hách hí hề,
Hốt lâm nghễ phù cựu hương.
Bộc phu bi dư mã hoài hề,
Quyền cục cố nhi bất hàng.
(Loạn viết) Dĩ hỹ tai!
Quốc vô nhân mạc ngã tri hề,
Hựu hà hoài hồ cố đô.
Kỳ mạc túc dĩ vi mỹ chính hề,
Ngô tương tòng Bành Hàm chi sở cư
4. Bản dịch của Nhượng Tống:
NỖI SẦU LY BIỆT
Bá Dung nhớ cha ta thuở nọ,
Vốn dòng vua về họ Cao Dương.
Tháng giêng đầu tiết xuân sang,
Cõi đời ta xuống giữa đương ngày Dần.
Buổi trứng nước ân cần chăm sóc,
Biết bao nhiêu khó nhọc công cha.
Chữ hay kén đặt cho ta:
Tên là Chính Tắc, tự là Linh Quân.
Trong ta đã mười phần lộng lẫy,
Chải chuốt càng thêm nẩy xinh tươi.
Sói ngàn nhài bãi khoác ngoài,
Tết lan thu lại làm đai đeo thường.
Sợ chẳng kịp ta càng mê mải,
Tuổi xanh nào có đợi gì ai.
Mộc lan sớm cắt trên đồi,
Ðông thanh chiều hái bên ngoài bến sông.
Ngày tháng vút đi không trở lại,
Vừa xuân qua đã lại thu sang.
Ðoái trông cỏ áy cây vàng,
Sợ con người đẹp muộn màng lỡ duyên!
Tuổi đang trẻ nết quen càn rỡ,
Thế mà không đổi sửa cho đành.
Ngựa hay cưỡi lấy, đi nhanh,
Lại đây ta chỉ cho mình đường quang.
Ðời ba vua thuở đang rực rỡ,
Các giống thơm hớn hở đua tươi.
Hoa tiêu, hoa quế lộn mùi,
Cứ gì hoa huệ được người yêu đương.
Theo đạo chính nhằm đường ngay thẳng,
Nghiêu Thuấn xưa thiệt đấng minh quân.
Cớ sao Kiệt Trụ ngu đần,
Ðâm đầu lối tắt sa chân đường cùng.
Hám vui bọn chúng không biết sợ,
Ðường tối tăm hiểm trở xiết bao.
Xe loan e lúc đổ nhào,
Phải rằng ta sợ thiệt vào đến thân!
Cố theo kịp gót chân vua trước,
Quản chi công xuôi ngược long đong.
Tình ta mình chẳng xét cùng,
Nghe lời ton hót đem lòng giận ta!
Nói thẳng vẫn biết là có hại,
Biết vậy mà nín mãi không đành!
Chín lần trời hãy chứng minh,
Chỉ vì ta quá yêu mình đấy thôi!
Trước cùng ta nặng lời hẹn ước,
Sau vì đâu đổi khác đơn sai?
Biệt ly ta chẳng quản nài,
Xót mình lòng dạ đổi dời bao phen.
Chín vườn lan lại nghìn sào huệ,
Một mình ta chăm chỉ hôm mai.
Tử tiêu bạch chỉ xen vai,
Kẹ trong đỗ nhược, bao ngoài tân di.
Mong cành lá có khi đua nẩy,
Chờ đến mùa hái lấy hoa tươi.
Bỏ rơi ta thiết chi đời,
Thấy trăm hoa chịu lạc loài mà thương!
Chúng chen chúc trên đường vụ lợi,
Tấm lòng tham, tham mãi tham hoài!
Ðem dạ mình đọ bụng người,
Sinh lòng ghen ghét, đặt lời gièm pha.
Mồi phú quý cố mà đeo đuổi,
Phải lòng ta có vội thế đâu.
Cái già sồng sộc theo nhau,
E không để được về sau tiếng lành.
Ăn hoa rụng bên nhành thu cúc,
Uống sương sa dưới gốc mộc lan.
Tình yêu khôn đẹp muôn vàn,
Khát hoài! đói mãi! phàn nàn mà chi!
Rút rễ cây ta xe sợi chỉ,
Xâu cánh hoa thiên lý xinh xinh.
Cánh lan cánh huệ trắng tinh,
Giây ngần bền dẻo tết manh áo ngoài.
Áo như thế thói đời chẳng mặc,
Ta cứ theo phép tắc người xưa.
Dẫu rằng đời có chẳng ưa,
Thì xin theo lối cũng như Bành, Hàm.
Ðời người khổ kể làm sao xiết!
Ðành than dài gạt vết lệ hoen.
Làm xinh ta khéo vô duyên,
Sớm vừa can gián chiều liền sa cơ.
Sa cơ mặc nhởn nhơ vẫn thế,
Vẫn đeo lan dắt huệ như xưa.
Lòng ta đã thích đã ưa,
Dẫu rằng chín chết có chừa được đâu.
Trách mình chẳng suy sau xét trước,
Mãi mãi không rõ được thói đời.
Chúng ghen ta có mày ngài,
Phao cho ta tiếng con người lẳng lơ.
Người đời thật đã thừa khôn khéo,
Ðua nhau theo mức vẹo thước cong.
Khuôn vuông mẫu thẳng chẳng dùng,
Cúi luồn cầu cạnh một dòng như nhau!
Một mình chịu nuốt sầu ngậm tủi,
Nói ai hay nông nỗi lúc này?
Thà cho sống đọa thác đày,
Lòng ta không nỡ để lây thói thường!
Loài chim cắt ngang tàng bay bổng,
Vốn xưa nay là giống không đàn.
Vuông tròn vốn chẳng cùng làn,
Khúc đường ai để yên hàn cho ai?
Tránh điều lỗi, mặc đời xoi mói!
Nén chí xưa, cam nỗi xót xa.
Thánh hiền xưa cũng như ta,
Thẳng ngay mà chết, ấy là chết trong!
Tiếc nhận lối mà không biết lối,
Liệu về thôi, ở lại chi lâu?
Lạc đường cũng chửa xa đâu,
Quay xe trở lại cho mau còn vừa.
Giục vó ngựa lên bờ lan dã,
Sang gò tiêu thong thả nghỉ ngơi.
Tiến ra chẳng hợp với đời,
Lui về sửa lại mặc ngoài cho xinh.
Hái sen súng, cắt manh áo đẹp,
Cắt phù dung may nếp xiêm dài.
Ðời không biết đến mặc đời,
Tình ta vẫn hẳn vẹn mười thơm tho.
Mũ ta đội xốc cho cao ngất,
Ðai ta đeo buông thật dịu dàng.
Khắp mình thơm nức sáng choang,
Ðẹp còn giữ được chất thường chưa phai.
Chợt quay lại liếc chơi, ta muốn
Ði xem cho khắp bốn cõi hoang.
Rung rinh bao thú điểm trang
Ngọt ngào càng thấy rõ ràng mùi thơm.
Ðời ai cũng riêng ham từng món,
Như ta đây chỉ muốn làm xinh.
Phân thây xé xác cũng đành,
Lòng này hồ dễ dỗ dành được sao?
Tiếng cô chị bước vào léo xéo,
Mắng ta rằng rõ khéo ngẩn ngơ,
"Bướng như chàng Cổn ngày xưa,
Bỏ mình núi Vũ bây giờ ai thương?
Sao em thích khoe khoang chải chuốt,
Riêng một mình giữ một vẻ xinh?
Ðầy nhà dây dợ, cỏ tranh,
Người ta mặc cả sao mình lại không?
Nói với chúng dễ hòng nói xiết!
Ai là người xét biết lòng ta?
Ðời đều bè đảng gian tà,
Một mình ta nói, nói mà ai nghe?"
Trong đạo thành liệu bề theo dõi,
Ðến chi đây xiết nỗi tân toan.
Sang Nam qua ngọn Tương Ngoan,
Tới đền vua Thuấn, ta than vài lời:
"Mê hát xướng kìa đời nhà Hạ,
Vua Thái Khang thỏa dạ vui chơi,
Chẳng lo chẳng nghĩ lâu dài,
Năm con mới phải lạc loài bốn phương.
Vua Nghệ chỉ ham đường săn bắn,
Say chim muông quên hẳn việc thường.
Tham vui vua Xác hoang toàng,
Cả hai đều phải thịt xương tan tành!
Ðến vua Ngáo cậy mình sức khỏe,
Chẳng giữ gìn chỉ phí ăn chơi.
Quên mình ngày tháng giông dài,
Quá ra khi đã để rơi cả đầu.
Hạ Kiệt có biết đâu đạo cả,
Lần lữa trông tai vạ đến nơi.
Vua Tân ướp món thịt người,
Cũng vì thế mới hết đời nhà Thương!
Lại xét đến Vũ, Thang, Văn, Võ
Kính mà nghiêm chẳng bỏ đạo hằng.
Cất dùng toàn bọn tài năng,
Theo khuôn giữ mực thẳng băng một chiều.
Ông trời chẳng riêng yêu ai hết,
Xem thấy ai đức nết thì nên.
Xưa nay chỉ bậc thánh hiền,
Thương dân mới được cầm quyền trị dân.
Trông sau trước xét lần sự thế,
Hãy để tâm suy nghĩ cho cùng.
Làm đâu được việc bất công!
Những phường bất nghĩa có dùng được đâu.
Lòng này nghĩ trước sau như một,
Dẫu chết ngay chẳng chút nôn nao.
Người xưa oan thác biết bao,
Theo vuông lựa có vào sao lỗ tròn.
Nức nở khóc cho buồn đầy dạ,
Tủi cho thân sinh đã lỗi thời!
Gạt sầu bứt cánh huệ tươi,
Áo khăn lã chã lệ rơi ướt đầm!
Quỳ khép áo lầm rầm khấn vái:
"Xin dốc theo lẽ phải đường ngay!"
Quay ra đạp gió rẽ mây,
Cưỡi rồng gióng phượng định ngày chơi xa.
Sớm Thương-Ngô, chiều qua Huyền Phố,
Ðến thần linh xa ngó cõi ngoài.
Chốn này muốn tạm nghỉ ngơi,
Chiều hôm bảng lảng mặt trời xuống nhanh.
"Hy Hòa hỡi nể tình ta với!
Lối non đoài chớ vội xông pha.
Quản bao nước thẳm non xa,
Ðể ta tìm kiếm cho ra bạn lòng!"
Cho ngựa uống bên đồng Dục Nhật,
Buông dây cương ở đất Phù Tang.
Nhởn nhơ chốc lát dọc đường,
Bẻ cành nhược mộc chăng ngang mặt trời.
Chị trăng phải nhanh chân tiến trước,
Dì gió cho lần bước theo sau.
Chim loan mở lối đi đầu,
Nhưng thầm sấm sét dốc hầu chưa xong!
Ta giục phượng gia công bay mãi,
Suốt ngày đêm rong ruổi cho mau.
Cơn giông bão táp theo hầu,
Cầu vồng mống cụt đem nhau đến chào.
Khắp các ngã trước sau tới tấp,
Ðủ mọi mầu trên dưới tơi bời...
Ta truyền mở cửa nhà trời!
Lính canh lại tựa cửa ngoài nhìn ta.
Người mỏi mệt trời đà sẩm tối,
Ðứng bơ phờ tay với bông lan.
Cõi đời nhơ đục muôn vàn,
Ghét tài, ghét đẹp, thói càn đã quen.
Sớm dóng ngựa qua miền Bạch Thủy,
Lên Lãng Phong ta sẽ dừng cương.
Không ai là gái đảm đang,
Trông về nước Sở gạt hàng lệ rơi.
Chơi cung Xuân này nơi thanh nhã,
Ðeo dắt thêm hai đóa hoa quỳnh.
Hoa tươi còn chửa lìa cành,
Xem ai là gái hữu tình ta đưa.
Sai thần mây đi mưa về gió,
Cung Phục Phi tìm rõ tới nơi.
Mối may ta lại cậy người,
Cởi dây đeo để ngỏ lời giao đoan.
Trải mấy độ qua ngàn vượt núi,
Bỗng dọc ngang đường lối khó thông.
Chiều hôm về nghỉ non Cùng,
Sớm ra gội tóc trên sông Vị Bàn.
Nàng cậy đẹp khinh nhờn quen thói,
Quên tháng ngày, mê mải dong chơi.
Ðẹp nhưng mất nết xin thôi,
Bỏ tìm chốn khác lấy người đoan trang.
Vùng trời rộng bốn phương man mác,
Xem khắp rồi lại bước xuống đời.
Hữu nhung trông với cõi ngoài,
Long lanh đền ngọc thấy người gái xinh.
Mượn chim trấm mối manh nói hộ,
Trấm trả lời: "Việc đó không xuôi!"
Kìa chim tu hú dại đời,
Ta còn ghét nó là loài tinh ranh.
Mình khuây khỏa lấy mình chẳng nối,
Lòng hồ nghi trăm mối vấn vương.
Chịu lời ta đã phượng hoàng,
Chỉ e ta đến sau chàng Cao Tân.
Xa tìm chốn yên thân chẳng có,
Ðành lênh đênh đây đó biết sao!
Thiếu Khang đang lúc ba đào,
Họ Kiều hai gái sánh vào vừa xinh.
Lý đã kém mối manh lại vụng,
Chỗ hẹn lời e cũng không bền.
Người đời bẩn tưởi nhỏ nhen,
Chuộng bên gian ác, ghét bên hiền tài.
Buồng the đã là nơi cách trở,
Nhà vua còn đang cữ mê say.
Ôm lòng biết ngỏ ai hay,
Bước đời nhịn mãi nước này được sao.
Chẻ nắm quẻ Quỳnh-mao làm thẻ
Mượn Linh-phân gieo quẻ nhân duyên.
Quẻ rằng: "Ao ước thì nên,
Bên tài bên sắc đôi bên cùng lòng.
Nghĩ chín cõi mênh mông rộng rãi,
Phải riêng đây có gái kén chồng?
Ðường xa xin chớ ngại ngùng,
Người xinh ai chẳng đem lòng khát khao?
Cỏ thơm kể nơi nào chẳng có,
Thương tiếc chi quê cũ nữa anh!
Quáng lòa bao kẻ chung quanh,
Dở hay ai xét cho mình nữa đâu!
Lòng yêu ghét khác nhau biết mấy!
Bọn chúng coi thật thấy lạ đời.
Cỏ hôi đeo dắt đầy người,
Hoa lan thơm ngát chê bai chẳng dùng.
Loài cây cỏ còn không phân biệt,
Giống ngọc lành xét biết đâu mà!
Phân tro xếp đống đầy nhà,
Cánh hồi cánh quế chê là không thơm"
Quẻ dạy thế, ở làm chi nữa!
Nhưng lòng còn lưỡng lự chưa đi.
Chiều nay sắp đặt lễ nghi,
Mời Vu Hàm lại ta thì hỏi han.
Chín dãy núi chập chờn đón rước,
Trăm vị thần chững chạc tới nơi.
Hào quang rực rỡ đầy trời,
Vì ta dạy hết mọi lời thủy chung.
Rằng: "Lên xuống cố công tìm hỏi,
Ai cùng mình khuôn lối như in.
Vũ, Thang kén lựa tôi hiền,
Chí Cao Dao được chúng tin yêu vì.
Quả là đẹp cứ gì tốt mối!
Giá ngọc lành há phải bán rong!
Duyệt xưa đắp đất ngoài đồng,
Vũ Ðinh tìm gặp tin dùng chẳng nghi.
Lã Vọng trước làm nghề bán thịt,
Gặp Văn Vương mới biết tướng tài.
Chăn trâu Ninh Thích hát chơi,
Tề Hoàn nghe đã cho vời làm quan.
Tuổi chưa muộn lo toan còn kịp,
Thời đang vừa thu xếp đi cho!
Véo von đề quyết gọi thu,
Trăng hoa e lúc thơm tho chẳng còn!
Vòng hoa quỳnh đẹp giòn biết mấy,
Che lấp đi ai biết vẻ xinh!
Ghét ghen chúng chẳng thương tình,
E khi giập gãy tan tành biết đâu."
Trách thời tiết thật mau thay đổi,
Nào lữa lần được mãi cho cam.
Hoa lan giờ đã hết thơm,
Hoa lài hoa huệ hóa làm cỏ tranh...
Bao nhiêu giống hương thanh sắc đẹp,
Ðều dốc đời đổi kiếp hôi tanh.
Không năng chải chuốt làm xinh,
Tại ai đâu, chỉ tại mình đấy thôi.
Lan ta tưởng đáng nơi tin cậy,
Có ngờ đâu bóng bẩy mà hư.
Theo đời bỏ vẻ đẹp xưa,
Ðua đòi cẩu thả cũng như mọi loài.
Tiêu bợ đỡ nịnh đời ra mặt,
Túi thuốc trừ nhét chặt thù du.
Ðem thân cầu cạnh bôn xu,
Còn đâu giữ được thơm tho tính trời.
Thói thường vốn theo thời thay đổi,
Ai giữ mình cho khỏi suy di!
Tiêu Lan còn chả ra gì,
Trách chi đến sói, kể chi đến nhài!
Riêng hoa quỳnh thật loài đáng quý,
Tới nay còn giữ vẻ năm xưa.
Hương còn thoang thoảng xa đưa,
Ðẹp còn nguyên vẹn vẫn như ngày nào.
Tự an ủi, theo vào mực thước,
Ngắm hoa đeo ngày trước còn xinh.
Khắp vùng trời đất mông mênh,
Tìm cho thấy bạn hữu tình mới thôi.
Linh phân dạy: "Quẻ coi tốt lắm!"
Chọn ngày lành ta sắm sửa đi.
Hoa quỳnh bẻ lấy phòng khi,
Cành thì làm bánh, cánh thì làm cơm.
Lộn ngà ngọc đóng làm xe cưỡi,
Kéo xe ta phất phới rồng bay.
Ði cho vắng mặt khuất mày,
Lòng lìa, thế bắt thân này phải xa!
Ðường thăm thẳm trông ra quanh quất
Hãy vòng xe qua đất Côn Luân.
Vang vang nhạc ngọc thét dồn,
Mây màu lấp lánh vây tròn trước sau.
Sớm bên trời bắt đầu rong ruổi,
Chiều hôm ta tới cõi cực tây.
Trước xe đón ngựa cờ bay,
Phượng hoàng vỗ cánh tung mây tuyệt vời.
Chốc ta lại qua chơi bể Cát,
Theo dòng sông bát ngát đỏ ngầu.
Thuồng thuồng sửa bến cho mau!
Bảo Tây hoàng phải bắc cầu ta sang.
Xa thăm thẳm cõi đường hiểm trở,
Dồn các xe giúp đỡ ta cùng.
Bất Chu lối tả đi vòng,
Hẹn ngày tháng chỉ qua vùng biển tây.
Ðều tay sắp giật dây cương ngọc,
Nghìn xe cùng một lúc ra đi.
Tám rồng bay lộn trước xe,
Cờ bay phất phới bóng che rợp trời.
Hãy ngừng bước, tạm nguôi dạ tủi,
Buông thần hồn lên cõi cao xa.
Múa Thiều hát khúc Cửu ca,
Tháng ngày thong thả liệu mà làm khuây.
Cất mình khoảng trời mây rộng rãi,
Chợt ngoảnh đầu trông lại quê hương.
Ngựa buồn, đầy tớ thảm thương,
Co ro nhớn nhác, ngại đường chẳng đi.
Vãn rằng:
Thôi than tiếc làm chi cho cực!
Biết ta đâu một nước không người.
Chính lành làm sức với ai,
Bành Hàm đâu đó ta thời đi theo.
(Nhượng Tống dịch)
Xem các Bài cổ thi khác tại đây
Trở về Webpage www.nuiansongtra.net.