Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 16, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Liên trường Quảng Ngãi
ĐẠI HỘI LIÊN TRƯỜNG QN Kỳ 4 (Hoàng Đức Thạc)
Webmaster
BA LÝ DUYÊN TÌNH.Trần Xuân Tiến.Vân Khánh

Lời giới thiệu:
Như chúng ta đã biết qua các tin tức được uploaded liên tục trên trang “Liên Trường Quảng Ngãi” của website nầy, Đại Hội Liên Trường Trung Học Quảng Ngãi Kỳ 4 đã được tổ chức tại Atlanta, Georgia vào tối thứ Bảy, ngày 23-7-2011.
Đại hội quy tụ nhiều thành phần: quý vị Giáo sư, quý vị Cựu học sinh, quý thân hữu và gia đình; gần cũng như xa, cùng về “phó hội”. Đại Hội tổ chức thành công tốt đẹp. Quý vị sẽ được hình dung sinh hoạt cyua3 Đại Hội qua bài viết dưới đây của Giáo sư Hoàng Đức Thạc mà chúng tôi nhận được.
Hình ảnh về ngày Đại Hội nầy, theo như lời của Ban Tổ Chức, sẽ gởi đến trong thời gian sớm nhất. Khi nhận được, chúng tôi sẽ uploaded sau.
Xin cám ơn tác giả, Giáo sư Hoàng Đức Thạc.
Xin giới thiệu đến các đồng hương, thân hữu Quảng Ngãi và quý độc giả.
Ban Điều Hành.
- - - - - - - - - - -


ĐẠI HỘI LIÊN TRƯỜNG QUẢNG NGÃI (ATLANTA, GEORGIA)
Hoàng Đức Thạc


Thứ Sáu, ngày 22 tháng 7/2011:

Hôm nay, tôi rời Cali đi dự Đại hội Liên Trường Quảng Ngãi tổ chức tại Atlanta, thủ phủ của mấy ông tượng đồng đen, tiểu bang Georgia.

Năm ngoái, tham dự Đại Hội tại Florida, “Bà chủ” tui, chưa chi đã hăm hở hứa hẹn đi Texas để tham dự Đại Hội Liên Trường kỳ Tư tại Texas và xúi các bạn cùng lớp như Quế Anh, Lâm, Ninh và Sanh tổ chức kỳ thứ 4 tại Atlanta. Ai dè Texas nhận “Cờ Luân Lưu” rồi “xù”. Tưởng mất tiêu Đại Hội! Đâu có ngờ, Atlanta nhảy zô liền, điếc không sợ súng! Thì ra, Atlanta không phải điếc mà là xe tăng bọc sắt không sợ đạn: Phạm Khánh Hoài, cựu sĩ quan Binh Chủng Thiết Giáp cùng các học trò của tui như vừa nêu trên (Mình không làm gì được, có học trò giỏi, phải khen để “ăn có” chứ) phất cờ, gióng trống, khua chiêng (Không có gõ mõ, bộ ngu sao đi tu) xung phong đứng ra tổ chức Đại Hội Liên Trường Quảng Ngãi kỳ thứ Tư, một Đại Hội tham dự để mà nhớ đời. Vâng, tôi đang tìm chỗ để chê mà chưa tìm ra. Để hạ hồi phân giải.

Trở lại chuyện “Bà Chủ” của tui mua vé cho tôi tham dự ngày đại Hội: Số là Cô nàng còn ham vui nên ưa đi đây, đi đó họp mặt bạn bè để hàn huyên ôn lại chuyện ngày xưa vì Cô ta vốn là dân quậy thuở học trò nên nhiều chuyện lắm, mà tui thì:

Thôi thôi tôi đã già rồi
Không mần chi được chỉ ngồi chờ ăn
Vợ tôi buôn bán tảo tần
Bôn ba xuôi ngược, nuôi chồng đi chơi.

Thật đấy quý vị ơi! Bà muốn đi chơi là phải lo hết mọi sự, nào là lên Internet mua vé máy bay, đặt phòng tại khách sạn, vạch ra chương trình du hí v.v…chứ bà hỏi tui có muốn đi không, có muốn chơi không (muốn hiểu răng cũng được) là tui cứ “Em chả, Em chả” làm có lúc bà nổi sùng, chê tôi: “Thật chán cái ông chồng già”. Nói của đáng tội, chê thì chê rứa nhưng mà đi mô cũng đèo tôi đi theo.

 

Rite4us Inn &  Suites Hotel, nơi "phe ta ém quân"

trong những ngày "phó hội" Liên Trường Quảng Ngãi Kỳ 4.

 

Đáng lý ra chúng tôi rời Cali lúc 11:00 AM ngày thứ Sáu, nhưng đến giờ chót, Continental Airlines email cho biết đổi giờ bay, phải khởi hành đúng 6:50AM. Đến Atlanta lúc 5 giờ chiều, Ban Tổ Chức cho một chi đoàn Thiết Giáp xa ra đón tận phi trường vì ông trưởng ban tổ chức Phạm Khánh Hoài thuộc binh chủng Mũ Đen lại kèm thêm ông bạn Nguyễn Đình Tiềm, cũng là dân “Cua” (“Cua” là tên gọi của thiết giáp xa mà cũng là thuộc tính của cái ông Tiềm ni vì khi mô tui cũng thấy ông lăng xăng bên mấy cô bạn đồng môn xinh đẹp). Hoan hô Ban Tổ Chức thêm một phát nữa vì đã sốt sắng túc trực 24/24 giờ tại phi trường để đón rước quan khách tham dự đại hội.

Gặp lại Lâm, Ninh, Sanh sau một năm kể từ đại hội Florida, thầy trò tay bắt, mặt mừng. Lâm, Sanh vẫn tươi trẻ như ngày nào, Ninh vẫn một tâm hồn thanh xuân trong vóc dáng thánh Gandhi. Vui thì thôi! Lần đầu tiên, gặp và biết Hoài, con người hào hoa, đẹp trai, dễ mến, dễ gây thiện cảm, vừa gặp là thấy thương liền (Có cảm tình thật chứ không phải “Gay” từ San Francisco sang đâu nghe). Sĩ quan Mũ Đen này, chắc ngày xưa đắt đào lắm. Sanh đưa chúng tôi về Khách sạn. Trên đường về khách sạn, hai bên xa lộ, cây rừng xanh tươi bát ngát gợi nhớ “Thiên Bút phê vân”. Thấy rừng cây ngút ngàn tôi lại thầm ước ao phải chi Đại Hội tổ chức vào mùa Thu để được ngắm rừng Thu muôn màu lá và nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô thì thật là cảnh tiên Hạ Giới. Hay là Atlanta và người hùng Khánh Hoài đứng ra tổ chức đại hội kỳ thứ Sáu vào mùa Thu cho thơ mộng trữ tình. Đúng là nghèo mà ham!

Ôi, sung sướng cái gì đâu, đi sớm thì đến sớm, được hưởng một dạ tiệc Tiền Đại Hội do ban Tổ Chức khoản đãi tham dự viên trước ngày khai diễn chính thức Đại Hội. Thật đúng theo bài bản quốc tế, Đại Hội nào cũng có tiền đại hội để khai vị, để hàn huyên ngoại chương trình, để hâm nóng tinh thần trước khi chính thức vào Đại Hội. Không kể thực đơn rất chi là khoái khẩu đủ hương vị Bắc Trung Nam, nội cái ý kiến cho các Thầy Cô và các bạn đồng môn gặp nhau trước ngày hội lớn đã là một điểm son đáng ngợi khen rồi. Tôi có số hưởng nên hãng Máy Bay đổi giờ bay, cho tôi được ăn, được nói:

“Vui quá là vui quá vui ,
Ở trên đầu, ba bốn cục vui”

Trong dạ tiệc đêm thứ Sáu, tôi tình cờ gặp được cô em Diệu Trang, ái nữ của Chú tôi, thầy Nguyễn Xuân Tảng, giáo sư Trần Quốc Tuấn. Thế là anh em hàn huyên tâm sự và Bà “Boss” của tôi “trúng tủ” được cậu Em, Châu, phu quân của Trang mời ngày hôm sau thứ Bảy đi thăm thú các danh lam thắng cảnh của Atlanta.

Thứ Bảy 23/7/2011.

Buổi sáng:

 

Châu dẫn đầu đoàn xe phát xuất từ khách sạn “Rite4Us” đi du lãm Atlanta. Dĩ nhiên, có thực mới vực được đạo. Trước khi đi du hí lại được khoản đãi một chầu ăn sáng tại Vietnamese Cuisine Restaurant. Đi chơi xa, tự nhiên mình có giá, được đón tiếp niềm nỡ, nồng hậu. Trước tiên, đi thăm nhà bà Margaret Mitchell, tác giả cuốn tiểu thuyết lừng danh thế giới “Cuốn theo chiều gió”. Một ngôi nhà, di tích lịch sử, chỉ có giá trị tinh thần, nhắm cũng không hấp dẫn gì trên phương diện vật chất. Tiếp theo là đi chiêm ngưỡng cơ quan truyền thông quốc tế CNN. Ôi, nóng ôi là nóng, mà cũng thích thú ôi là thích thú. Chỉ cần đứng dưới “logo” CNN, đồ sộ, đúng là vĩ đại, chụp môt “bô” hình là tôi về lại Cali, tha hồ bốc phét với bạn bè. Thế mà đâu phải chỉ một “bô” mà loạn loạn “bô” vì cái ông em rể Châu của tôi là một phó nhòm chuyên nghiệp am hiểu “High Technologies”. Chả thế mà ngay khi vừa thấy mặt Châu trong đêm Đại Hội là ông Nguyễn Khoa Phước cựu Hiệu trưởng Trần Quốc Tuấn đã cười khà khà:

-“Rồi, gặp cái ông Châu ni là xem ảnh đẹp mệt nghỉ”.

Vì thời giờ không cho phép, nên đã không đến được công ty Coca Cola để được tu Coca ngay tại nơi sản xuất xem thử có ngon ngọt hơn mua ở chợ không. Ngoài đam mê nhiếp ảnh, hai vợ chồng Trang - Châu lại còn là cặp vợ chồng tâm đầu ý hiệp, thích du lịch năm châu bốn biển. Cậu ta hứa gửi cho chúng tôi những tấm hình thật đẹp như hình cô dâu chú rễ ngày tân hôn, những tấm hình không nhắm mắt, há miệng, tay chân quơ quào bậy bạ. Tôi khoe với chị Lê Thị Đường, cựu Hiệu trưởng Nữ Trung học chuyện này thì bị Chị kê tủ đứng:

-“Đẹp chi thì đẹp, chứ anh cũng không bằng Thu Hương đâu mà ham”.

Rứa thì có buồn không hí? Thôi kệ, vợ mình được khen, mình cũng được thơm lây. Chồng già vợ trẻ là Tiên mà lị. Một ngày thứ Bảy trôi qua vừa vui, vừa thích thú, vừa ý nghĩa, cùng một số các bạn đồng nghiệp như anh Thời, anh Chưởng, anh Xướng, chuyện nổ như bắp rang v.v…Còn đòi hỏi gì hơn nữa bây chừ?

Cảm ơn hai em Trang Châu thật nhiều.

Buổi tối:

Chính thức vào Đại Hội Liên Trường Quảng Ngãi. Phòng hội khang trang rộng lớn, “Banner" chào mừng quan khách tham dự trang trọng treo trước cổng vào và trên sân khấu, tạo ấn tượng đẹp trong lòng Thầy Cô và bạn đồng môn. Ngổn ngang bàn tiệc, người ngồi, kẻ đứng, tiếng nói, tiếng cười rộn rã vang không gian. Nhác trông qua số lượng tham dự viên đã thấy sự thành công của Đại Hội. Tôi hỏi Lâm, được biết có 23 bàn tiệc, mỗi bàn 10 tham dự viện, rứa là chưa chi đã 230 “trự” rồi. Thêm một số người trong Ban Tổ Chức lăng xăng chạy lui, chạy tới không thèm ngồi vào bàn, vậy tối thiểu, tôi nghĩ số người tham dự Đại Hội kỳ thứ Tư này ít nhất cũng đạt đến con số 250. Lại hoan hô một lần nữa sự thành công của Ban Tổ Chức Đại Hội.

Mà quả thật thế, theo lời giới thiệu chào mừng quan khách, tôi nghe được tên những tiểu bang “cho” người về tham dự thật xa xôi “hẻo lánh” như Indiana, Louisiana, New York, Pennsylvania v.v... À, may quá, tôi kiếm ra chỗ để chê Ban Tổ Chức rồi: Tiểu bang California, to lớn, sờ sờ ra đó với số lượng tham dự viên áp đảo, có vợ chồng tui trong đó nữa, rứa mà cái “Ôn” mô trong Ban Tổ Chức nỡ lòng nào quên không xướng danh để phải được nhắc mới nêu tên Cali của tui. Đùa vui thôi mà, không chi mô, “No star where?!”

Chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn xôm trò lắm với các màn đơn ca, đồng ca mang thật nhiều ý nghĩa trong ngày hội lớn, lại thêm sự góp mặt của những người về từ Florida nữa chứ, với ban nhạc và đầy đủ nhạc cụ để chình ình trên sân khấu hào nhoáng như vậy thì chỉ thua các màn trình diễn nhà nghề chút chút thôi không có gì phải ưu tư. Cứ “vô tư” đi! Đặc biệt, năm nay ông Dược Sĩ Phạm Châu Nam đưa một đường nịnh “bà chủ” của ông qua ca khúc “Anh còn nợ Em’” mùi không chịu được:

Anh còn nợ em, công viên ghế đá, công viên ghế đá, lá đổ chiều êm. Anh còn nợ em nụ hôn vội vàng, nụ hôn vội vàng, nắng chiếu qua rèm…”

Tình ơi là tình, lãng mạn sướt mướt. Dân Quảng Ngãi thực là tình nghĩa vẹn tròn. Vì thế mà sau 7 năm dạy học tại trường Trần Quốc Tuấn tôi đã “Để quên con tim” (đọc cho kỹ nghe quý vị, đọc nhầm là tiêu tùng à nghen) tại đây. Tôi đã trải qua ở đây những ngày tháng êm đềm đến độ mọc “rể” ở nơi này với một “bà chủ“ của tôi trong hiện tại và cũng là học trò của tôi trong quá khứ vàng son chất ngất những kỷ niệm qua các địa danh như La Hà Thạch Trận, Mỹ Khê, Sơn Tịnh, Đức Phổ, Mộ Đức, “đứt cu có ngày” v.v…

“Sư tổ” của môn phái “Thiến Dương” chuyên trị chiêu thức độc đáo cắt bỏ bộ phận chiến lược của mấy ông chồng đi ăn vụng chả, vốn xuất thân từ Quận Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi mà ít ai biết đến. Cũng vì “huyền thoại” này mà tuy “Bà chủ” của tôi thuở thiếu thời sinh sống tại thị xã Quảng Ngãi, khá xa quận Mộ Đức, nhưng dù gì cũng có hơi hướm với môn phái Thiến Dương, hiện nay đã lan tràn khắp thế giới, nên tôi đã sợ bóng, sợ vía và không dám léng phéng phản bội cô nàng để đi thả dê tầm bậy, tầm bạ. Không biết có ai tin lời “Tự thú lúc bình minh” này của tôi không? 


Rite4us Inn & Suites Hotel

 

Những tiết mục của chương trình đêm đại Hội như chào mừng và tặng quà cho Thầy, Cô, như xướng danh một số các đồng môn từ từng tiểu bang của xứ Cờ Hoa về đây tham dự ngày Hội lớn của liên trường Quảng Ngãi thật hào hứng và vui nhộn. Tôi “khoái” nhất là cái mục giới thiệu các cựu học sinh Quảng Ngãi thành đạt trong số có tên vợ tôi, khoái là vì vậy đó. Hơn sáu mươi mùa xuân trôi qua cuộc đời mà còn cố công đèn sách, bỏ bê tôi, vừa làm việc nuôi chồng, vừa đi học và vừa lấy được văn bằng BA về Xã Hội Học nên được bạn bè “phe đảng” trong Ban Tổ Chức nêu tên tuyên dương. Những diễn từ, những cảm nghĩ thật vô vàn tình nghĩa, niềm hãnh diện được làm Thầy, làm Cô, được học trò thương mến khiến chúng tôi rưng rưng lệ cảm xúc.

Thực đơn thịnh soạn như một tiệc cưới. Dân Atlanta, học trò chúng tôi sang thật. Ngon!
 

Cảm ơn các em học sinh thân mến thật nhiều. Cảm ơn Ban Tổ Chức Đại Hội.

Chúa Nhật 24/7/2011: Picnic tại Stone Mountain Park.

Tổ chức vuông tròn, vui thú như vậy mà Ban Tổ Chức thấy vẫn còn chưa đủ lại còn bắt chúng tôi ở lại thêm một ngày nữa để cùng nhau vui “Picnic”. Địa điểm “Picnic” qúa đẹp, có sông, có núi hữu tình, có rừng xanh bát ngát mênh mông, có du thuyền trên sông, có xuyên rừng bằng xe lửa, có băng qua núi bằng dây cáp. Thật là đủ món ăn chơi. Thức ăn thì ê hề, kể không hết, ăn không xuể, đúng là con mắt to hơn cái bụng. Một vài lủng củng lộ trình như “lạc đường vào tình sử” nhưng cũng như thêm mắm, thêm muối vào cho sự thành công của Đại Hội. Miễn là tôi không lạc mất người tình trăm năm của tôi là OK rồi. Lại “cái” ông Phạm Châu Nam, ca bài “Anh còn nợ Em” đã mùi mẫn rồi, thế mà lúc làm tài xế cho các tham dự viên “Picnic” ông ta lại còn ca luôn bài “Còn một chút gì để nhớ để quên” vì ông loanh quanh mãi không ra thoát được Stone Mountain Park:

“Phố núi cao, phố núi đầy sương, Em Atlanta má đỏ môi hồng, đi dăm phút đã về chốn cũ”.

Chẳng biết ông Nam lạc về chốn cũ bao nhiêu lần mới thoát ra khỏi nơi chốn Picnic để về lại khách sạn?

Ngày vui qua mau! Hết Đại Hội!
Tôi về Đại Hội Liên Trường
“At Lan Ta” nhớ quê hương xứ đường
Mạch nha, đường phổi, kẹo gương
Biết bao kỷ niệm vấn vương tấc lòng.

Xin Cảm ơn Ban Tổ Chức Đại Hội Liên Trường Quảng Ngãi tại Atlanta.

Hoàng Đức Thạc
(Ghi vội diễn tiến Đại Hội Liên Trường Quảng Ngãi tổ chức tại AtLanta, Tiểu bang Georgia)

Phụ đính:

Trong những học trò xứ Quảng của tôi, năm nay về tham dự Đại Hội Liên Trường Quảng Ngãi có Phạm Văn Đông, cầu thủ Bóng rổ do tôi đào tạo và thủ môn đội Bóng tròn Trần Quốc Tuấn. Tôi thật sự vui mừng khi vừa liên lạc được với Đông hiện đang làm chủ một cây xăng và “Convenient store” tại New Orleans, Louisiana. Đông hứa sẽ sang Atlanta dự ngày hội Liên Trường để thầy trò ôn lại chuyện ngày xưa. Đông còn mời tôi về chơi New Orleans để nói tiếng Tây và để ăn Crawfish nhậu Whisky.

Nhắc đến Đông tôi không thể quên Hà Thúc Sơn, sau 1975, bị thác loạn thần kinh đã sớm thành người thiên cổ! Tôi nhớ thương Sơn, nhớ món cơm chiên dùng gạo sấy nhà binh của Sơn, nhớ nồi xôi nấu đậu phụng vàng ươm, bóng nhẫy mà Sơn thường nấu đãi tôi, ông thầy trẻ xem Sơn và Đông như những thằng em ruột thịt. Tôi và Đông chuyện trò qua phone. Chúng tôi thật sự vui mừng như “tha hương ngộ cố tri”. Chỉ nghe Đông tự giới thiệu là trưởng ban thể thao học sinh Trần Quốc Tuấn là tôi nhớ ngay chóc tên Phạm Văn Đông. Quên làm sao được những chiều thao dượt bóng rổ trên sân trường, những buổi tập lừa bóng, sút bóng và bắt bóng trên sân vận động Quảng Ngãi. Thầy trò hòa đồng, trò xô lấn thầy té sái gân cổ tay, rồi trò mang thầy đi gặp ông thầy mằn gân tay. Ông ta sửa gân, bẻ tay, đau ơi là đau, thiếu đường tè trong quần v.v.. và v.v…

Qua câu chuyện với Đông, chợt hiện về trong ký ức hình ảnh của các cầu thủ trong đội bóng rổ do tôi huấn luyện: Hoa, cao lêu nghêu, nghe đâu bây giờ là một bác sĩ tài hoa tại Saigon, Nhan, trắng trẻo, đẹp trai, không biết có phải lai Tây không, Hưng con chú Tảng của tôi, Tuấn, dáng dấp thư sinh, ngoan hiền ngày xưa nay ở Atlanta, hạp cơm Mỹ hay sao mà mập mạp trắng trẻo đẹp trai hơn xưa nhiều. Kỷ niệm ùn ùn kéo về, tôi trẻ lại, tôi sống lại những ngày hoang dại xa xưa:

Sông Trà Khúc mùa Hè trơ bãi cát
Ruộng mía buồn xao xác tiếng chim kêu

Nói chuyện với Đông hôm “Picnic”, nói về những địa danh nổi tiếng của Quảng Ngãi, Đông đọc cho tôi nghe mấy câu thơ sau đây, (tôi có sửa đôi chữ) xin phổ biến đến những ai chưa từng được nghe:

Chùa Thiên Ấn đường xa qua sá
Bọt ba ga
(Porte - bagages) yếu quá em ơi
Bọt ba ga yếu thì em ngồi đòn dông
Phận em là gái chưa chồng
Ngồi đây anh chở đi chung một đường
.

Chiều Chúa Nhật, Hoài đưa Đông ra phi trường về lại Louisiana, máy bay bị trễ, Đông không bắt kịp chuyến bay chuyển tiếp nên suốt đêm phải ngủ ngồi tại phi trường vì không muốn về khách sạn do hãng máy bay thuê cho, ngại vấn đề di chuyển. Sáng hôm sau, thứ Hai, mới về đến nhà, Đông phone cho tôi lúc bấy giờ đang ngồi tại phi trường Atlanta cũng gặp hoàn cảnh của Đông, máy baỵ bị trễ. Đến phi trường Houston, cũng lại bị trễ máy bay. Thay vì cất cánh lúc 3:00 về lại Quận Cam chúng tôi phải chờ bay chuyến sau lúc 9:00 đêm, giờ Texas và về đến nhà lúc 11:15 PM.

Sáng nay, thứ Ba, Sanh phone cho tôi. Cảm ơn Sanh, tình thày trò thắm thiết, lo lắng cho sức khỏe ông thầy già.

Chiều Chúa Nhật, Sanh tranh dành với Đông mời chúng tôi ăn tối. Thân này ví xẻ làm đôi được! Không ngờ ông đồ già lại có “giá” như thế. Tôi đành phải đi theo Đông. Sau đó lại theo Sanh về thăm cơ ngơi của đại gia Trần Sanh, cùng với Cô Đường và Cô Tình. Ngôi nhà của Sanh lộng lẫy và đồ sộ như một tòa biệt thự kiến trúc theo lối Châu Âu. Tưởng xem nhà và mừng cho sự thành đạt của Sanh như vậy là đã đủ tình nghĩa thầy trò rồi, thế mà Sanh lại còn ân cần mời chúng tôi một bữa cơm tối tại nhà hàng Nam Phương. Bánh tráng cuốn ba vị, chắm mắm nêm, ngon vừa ngậm vừa nghe.

Nhờ Sanh mà cũng đã được đến thăm Ninh tại nhà. Rất vui gặp lại Ninh vì Ninh là học trò đầu tiên nhận ra tôi tại Florida, ông thầy già “dung nhan” đã tàn tạ theo năm tháng. Còn gặp nhau là vui rồi! Nếu có duyên gặp lại nhau lần nữa thì thế nào cũng yêu cầu chị Ninh cho ăn một bữa cơm rau vì thấy khu vườn rau rộng thênh thang của Ninh mà mê quá.

Sáng thứ Hai, Sanh lại đến khách sạn đưa chúng tôi ra phi trường sau khi đã lại khoản đãi thêm một chầu ăn sáng phở Bắc nữa. Thôi nghe Sanh, đã quá đủ rồi. Làm sao tôi quên được tình cảm Sanh dành cho chúng tôi.

Cảm ơn Sanh thật nhiều.


Xem thêm Tin tức Liên Trường tại đây
Trở về homepage www.nuiansongtra.net  

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh