Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 14, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
MẸ TÔI
THỦY LÂM SYNH
Các bài liên quan:
    VU LAN NHỚ MẸ
    VU LAN NHỚ MẸ
    MỪNG VU LAN
    NHỚ MẸ

Mở speakers ON, click vào mũi tên màu trắng để nghe âm-thanh.
Muốn OFF, click vào ô vuông (góc trái dưới cùng, cạnh hình tam giác).


TÌNH MẸ MÃI TRONG CON
Sáng tác: Thủy Lâm Synh
Ca sĩ: Tâm Thư

* * *

MẸ TÔI
Tùy bút của Thủy Lâm Synh

 

Tôi rất ái ngại khi viết những dòng nầy về Mẹ của tôi. Thứ nhất, với ngôn ngữ hạn hẹp của mình tôi sợ không tả nổi tình thương của Mẹ. Thứ hai, viết về người thân, cảm tính chủ quan cũng dễ tạo cho người đọc một ấn tượng... khoa trương. Nhưng nghĩ cho cùng, ai cũng có mẹ; mẹ là kỳ quan đẹp hơn bất cứ kỳ quan nào. Viết về kỳ quan ấy với những niềm hãnh diện thì cũng chẳng có gì quá đáng. Chỉ có ta vô ý thờ ơ chứ Mẹ luôn thương và luôn ban phát một chỗ dựa tuyệt đối cho bất cứ sanh linh nào trên hành tinh nầy.
 

 

Năm nay 90 tuổi, Mẹ tôi nặng chưa đầy 30 ký lô, tóc bạc như vôi, lưng còng chín mươi độ. Không còn răng, miệng Mẹ tôi món sọm, nằm trên gương mặt chằn chịt nếp nhăn. Hai vành tai to và dài khiến cho gương mặt Mẹ tôi như nhỏ lại. Mẹ tôi di chuyển khó khăn trong nhà, hai bàn tay như que củi khô giữ lấy hai tay nắm của chiếc gậy bốn chân nhưng Mẹ tôi nào có tự đẩy đi được. Chúng tôi phải giúp kéo nhè nhẹ để cho Mẹ nương theo mà bước tới. Hai đầu gối run run, Mẹ tôi cố gắng một cách cực nhọc trong mỗi bước đi khiến lòng tôi chợt dâng lên một niềm thương cảm vô bờ. Quãng đời Mẹ tôi đã là một chuỗi gắn liền với sự chịu đựng bởi quê hương triền chiến tranh. Mẹ bươn chải nuôi con trong một làng quê thường xuyên xảy ra giao tranh ở một quận lỵ giáp biển thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Nay tuổi già, bệnh phong thấp lại ập đến khiến đôi chân Mẹ thỉnh thoảng đau nhức. Cũng có thể Mẹ như ngọn đèn gần hết dầu, cố leo lét với thời gian được chừng nào hay chừng đó trước khi phụt tắt.

Qua Mỹ đoàn tụ với gia đình tôi mười lăm năm trước, lúc ấy Mẹ tôi còn tráng kiện. Mới đây thôi mà Mẹ xuống dốc thê thảm; mỗi ngày bà nằm nhiều hơn ngồi. Dù không ai tránh khỏi nhưng tôi rất sợ khi nghĩ đến một ngày rất gần, Mẹ tôi sẽ ra đi vĩnh viễn bỏ lại chúng tôi.

Bỏ qua tất cả những gặm nhấm tàn nhẫn của thời gian đối với vạn vật trên trái đất, mà Mẹ tôi cũng không ngoại lệ. Điều tôi muốn nói ở đây là cái tình quá lớn của Mẹ dành cho mấy chị em chúng tôi suốt quãng đời của Mẹ. Năm 1957, ba tôi bạo bệnh qua đời, lúc đó Mẹ tôi mới hơn ba mươi lăm tuổi. Nhà không có ruộng vườn, mẹ tôi phải gặt thuê, cấy mướn, lo nuôi nấng bốn chị em chúng tôi. Các chị chỉ học qua loa, còn tôi là con út và là con trai độc nhất nên được học hành khá hơn. Mẹ tôi đã hãnh diện về tôi, cả hai bên nội ngoại.

Nếu chỉ có vậy thì hầu hết các bà mẹ Việt Nam đã làm; có khi còn hi sinh nhiều hơn thế nữa cho con cái của mình. Cái mà tôi trang trọng cảm nhận Mẹ tôi vĩ đại hơn bất kỳ thứ gì vĩ đại nhất trên trái đất chính là lúc Mẹ tôi bị thương nặng vào mùa hè năm 1966.

Lúc ấy khoảng 1 giờ chiều, mọi người đang lom khom cấy lúa. Vì cấy nhanh và làm chuẩn, luống mạ đẩy Mẹ tôi lùi ra sau mọi người. Từ Chi khu Tư Nghĩa, những khẩu đại bác vô tội vạ thỉnh thoảng dội xuống các làng mạc ven biển. Hôm đó thật rủi ro, trái đạn rớt ngay thửa ruộng. Tiếng nổ chát chúa làm mọi người chạy tản loạn. Những mảnh đạn vô tình bay trúng vào người Mẹ tôi làm bà chỉ kịp la: “chết tôi rồi”. Mẹ ngã tại chỗ, máu hòa với nước bùn đỏ ối một vùng rộng lớn như mảng sân. Chị ba của tôi phát giác Mẹ bị thương, chị quay trở lại nhào tới vác Mẹ lên bờ ruộng kêu cứu thất thanh. Mảnh đạn xuyên qua người, ruột Mẹ lòi ra bên hông và phì phèo theo từng hơi thở. Có người tin về nhà, tôi chạy ra ruộng, Mẹ tôi đang nằm nhắm mắt trên bờ cỏ, mặt xanh như tàu lá. Nước mắt mẹ chảy ra, tôi ôm vai mẹ, đưa miệng sát vào tai bà tôi hỏi:

- Đau quá phải không Mẹ?

Mẹ tôi lắc đầu thều thào, đứt quãng.

- Mẹ không đau, mẹ sợ chết đi thì các con sẽ phải mồ côi.

Tôi và chị ba tôi ôm Mẹ mà khóc, nghẹn ngào với câu nói của Mẹ: “Mẹ không đau mà mẹ sợ các con sẽ phải mồ côi”.

Chỉ có cái giằm xóc vào ngón tay ta đã thấy đau. Nguyên một vùng bên hông phải đổ ra mà Mẹ tôi không thấy đau. Phải chăng nỗi sợ hãi cho số phận những đứa con phải mồ côi to lớn quá đã trấn át cái đau đang xé gan, xé ruột đó chăng?

Một lát sau láng giềng đem võng và cây đòn dài ra tận nơi cùng khiêng Mẹ tôi ra tới đường lớn để xe Lam chở đi bệnh viện Quảng Ngãi. Tại nạn khủng khiếp ấy và nhận diện được sự tàn nhẫn của chiến tranh, gia đình chúng tôi quyết định “bỏ làng ra đi”.

Cho đến bây giờ đã hơn nửa thế kỷ mà hình ảnh Mẹ nằm thoi thóp, máu me đầy người trên bờ mẩu, cùng câu nói thốt ra từ miệng người Mẹ quê mùa; là một thông điệp cao cả của tình thương khiến cho mỗi đứa con chúng tôi trân quý tình Mẹ.

Và nếu chỉ có thế thì người dân trong nước có chiến tranh, nhiều cảnh ngộ đau thương tương tự đã xảy ra. Sau biến cố 1975, một câu chuyện khác đã làm cho nhật ký của tôi nhòe đi bởi nước mắt mình. Lúc đó gia đình tôi ở vùng kinh tế mới Cam Tân (tỉnh Khánh Hòa) thì có anh Thanh - người anh em mới kết nghĩa và cũng là chủ ghe đánh cá từ Nha Trang vào thăm. Hai chúng tôi nằm chung trên tấm phảng tỉ tê trò chuyện cả đêm bàn về một chuyến vượt biển. Hôm sau anh Thanh về lại Nha Trang, giấc mơ vượt biển cứ ám ảnh tôi nhiều đêm không ngủ được. Trong tôi, tư tưởng giằng co kinh khủng là không biết có nên nói cho Mẹ tôi chuyến đi định mệnh nầy chăng! Cuối cùng tôi đành quyết định giấu vì sợ Mẹ òa lên khóc là đổ bể. Tôi nhìn Mẹ thật lâu, lòng quặng đau từng hồi. Tôi muốn nhào tới ôm và hôn Mẹ lần cuối cùng trước khi làm chuyến đi mà không biết sẽ đi về đâu, sống còn hay sẽ chết. Để đánh tan không khí nặng trĩu, nhìn con gà mái đang mổ thóc trước sân, tôi nói với Mẹ:

– Làm thịt con gà ăn quách nghe Mẹ?

– Bậy mầy, để nó đẻ chớ - Mẹ tôi nói trong lúc đang nấu cơm, bà không nhìn tôi.

Ăn cơm chiều xong, tôi gói theo một bộ đồ cũ, phóng xe gắn máy đi Nha Trang. Tôi không ngờ đó là bữa cơm chiều cuối cùng; tôi đã lên tàu vượt biển ngày 21 tháng chạp Đinh Tỵ 1977 tại bến Cầu Đá Nha Trang và sau đó xa Mẹ tôi ngót mười sáu năm liền.

Thời điểm khắc nghiệt ấy cây cột đèn nếu biết đi còn muốn vượt biên, huống chi một người đã làm việc cho cơ quan DAO (Tùy Viên Quốc Phòng) đến ngày cuối cùng thì sự mất tích của tôi, khiến cho Mẹ tôi và cả nhà lo lắng vô cùng. Vấn đề bị thủ tiêu đã được gia đình tôi nghĩ đến.

Mấy ngày sau, bản tin được cán bộ vùng kinh tế mới Cam Tân loan đi khắp hang cùng ngõ hẹp rằng ghe vượt biển trong đó có tôi đi bị bão đánh chìm. Trên ghe mấy mươi người lớn bé đều chết sạch, xác người chương lên tấp vào bờ. Thực tế, những ngày sau khi ghe chúng tôi rời bến, những trận mưa nặng và gió to đã phụ họa cho tin chìm ghe trở nên hữu lý, khiến Mẹ tôi tin chắc mười phần là chúng tôi chết cả. Nỗi đau mất con khiến Mẹ tôi vật vã, thầm khóc ban đêm. Thêm vào đó cán bộ địa phương đến nhà lục lọi tìm kiếm những tài liệu có liên hệ đến cơ quan tình báo CIA?. Nhưng họ đã thất vọng vì trong nhật ký của tôi toàn ghi lại thời gian Mẹ bị thương, những ngày kỵ, giỗ trong gia tộc…và những mối tình, những rung cảm khi được lần đầu biết hôn con gái.

Còn Mẹ tôi thì khốn khổ và đã ân hận tự trách mình đã hà tiện không chịu làm thịt con gà cho tôi ăn để bây giờ tôi chết trong sự thèm khát. Mẹ tôi đã mang áo tơi đi dọc bờ biển, ghé vào những xóm chài hỏi thăm xem có xác người nào tấp vô bờ. Không thấy xác, nhưng Mẹ tôi vẫn tin rằng ghe đã chìm, và tin rằng tôi đã ra người thiên cổ. Về nhà, Mẹ tôi lập bàn thờ cho tôi. Mẹ mua chim thú phóng sanh và ăn chay đủ 49 ngày để cầu nguyện cho tôi được siêu thoát. Trong niềm tin mãnh liệt vào nghiệp lực, luân hồi và tái sanh, Mẹ tôi không những lo cho chúng tôi khi còn sống, mà bà còn lo cho linh hồn của những người con đã bất hiếu bỏ Mẹ ra đi. Mẹ cầu mong cho con được tái sinh về quốc độ nào bớt khổ đau hơn.

Nhưng đời thì vui buồn lẫn lộn, bỏ qua những niềm vui không tên mà mẹ và các chị tôi đã có sau khi nhận được tin tôi đã an toàn định cư tại Mỹ. Năm 1992, sau mười sáu năm xa mẹ. Dù chưa có bang giao giữa hai chính phủ Việt Nam và Mỹ, tôi quyết định về lại thăm Người cũng tại vùng kinh tế mới Cam Tân. Mẹ và các chị tôi, những người bạn cũ đều thay đổi rất nhiều. Đặc biệt trong những năm bao cấp, cái ăn cái mặc đã làm cho con người già đi rất nhanh. Về đến nhà thì Mẹ tôi đi vắng, không ai biết bà đi đâu. Cả hai tiếng đồng hồ sau, bà xách về sáu lon Cocacola giả vì ai đó nói cần thứ ấy để tôi uống cho khỏe. Thế tồi không chịu nổi cảnh xa Mẹ, tôi làm giấy bảo lãnh Mẹ tôi qua Mỹ.

Tháng ba năm 2010, Mẹ tôi khó thở phải nhập viện. Tôi vào thăm, Người nằm dẹp trên giường như con mắm. Dây chuyền nước chạy vào cổ tay, dây hơi dưỡng khí oxygen vào mũi. Nhìn Mẹ lòng tôi quặn đau, như chính mình đang đau. Một sự ngẫu nhiên kỳ lạ; ca sĩ Gia Huy từ đâu gọi cho tôi: “Chú ơi, cháu đã thu xong bản Kỳ Quan Mẹ ( <--- click vào 3 chữ Kỳ Quan Mẹ để nghe -- chú thích của webmaster) của chú, cháu đã gởi cho chú bản MP3, chú mở ra nghe thử và cho cháu biết ý kiến”. Nghe Gia Huy ca bản nhạc tôi sáng tác cho Mẹ của mình. Nhìn Mẹ nhắm mắt bất động nằm kia, thở bằng dưỡng khí, nước mắt tôi bắt đầu chảy. Gia Huy ca đến đoạn: “Đừng đợi Mẹ vụt khỏi tầm tay...”, trong tôi một nỗi lo âu chợt kéo đến. Thế nhưng, sau mười ngày nằm bệnh viện, Mẹ tôi bình phục về nhà.

...Rồi hôm nay 14 tháng 4 năm 2011, cây cỏ vùng trời Chicago bắt đầu đâm chồi nẩy lộc, mùa xuân vùng Trung Tây mới thực sự bắt đầu để đón chào ngày Lễ Mẹ (Morther's Day) thì Mẹ tôi vừa “vụt khỏi tầm tay”. Khoảng 8 giờ sáng, chị tôi vừa cho Mẹ uống nửa ly sữa, Mẹ lắc đầu nhả ra và nói hơi mệt, chị tôi đỡ Mẹ nằm xuống giường. Mười phút sau, chị tôi vào hỏi thử Mẹ bớt mệt chưa. Không trả lời, chị tôi lắc vai, Mẹ vẫn làm thinh. Chị tôi gọi tôi vào, Mẹ tôi nằm bất động, tôi đưa tay sờ hai bàn chân Mẹ thấy lạnh ngắt, sờ mạch tay không còn nhịp. Tôi sờ vùng ngực lên đầu thấy ấm lắm. Tôi ôm Mẹ đặt má mình sát mũi không nghe thấy hơi thở gì nữa cả. Tim tôi thót lên, lẽ nào Mẹ tôi đã ra đi! Nước mắt tôi chảy...Chị hai và vợ tôi òa lên khóc. Câu nói nửa thế kỷ trước vọng về: “Mẹ không đau mà mẹ sợ các con sẽ phải mồ côi”.

Giờ thì Mẹ đã ra đi, một trang đời khép lại. Chúng con dù đã trưởng thành nhưng vẫn thấy mồ côi khi trên đời nầy không bao giờ còn nhìn thấy Mẹ. Nỗi tiếc thương nầy sẽ mãi mãi không nguôi.

Thủy Lâm Synh
Chicago 5:00pm, April 14, 2011


Xem, nghe Bài liên hệ tại đây và thêm tại đây

Xem các Bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về homepage www.nuiansongtra.net  

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh