Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Phiếm luận
BÀN PHIẾM VỀ KHUÔN MẶT
TỬ KÊ LANG

BÀN PHIẾM VỀ KHUÔN MẶT

Có ai đó thử hỏi Tử Kê tôi rằng:

-“Này ông bạn, trong cơ thể của mình, ông bạn tôn trọng bộ phận nào nhất?”,

thì, Tử Kê tôi không chút ngần ngại mà trả lời rằng:

- “Khuôn mặt!”.

Và Tử Kê tôi cũng tin rằng, tất cả mọi người, bất luận nam phụ lão ấu, đều trả lời giống hệt như tôi. Chả thế mà, bàn dân thiên hạ đã chẳng nói:

“Xem mặt mà bắt hình dong,
Con lợn có béo thì lòng mới ngon”.

“Coi mặt đặt tên” là lẽ thường tình, bởi lẽ, ngay cả “ma” khi dọa nạt con người còn phải “ma bắt coi mặt người ta” hay “sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người”. Vả lại, ai mà chẳng sợ cái hạng người “mặt chai mày đá”, cái lũ người “mặt dạn mày dày” chẳng biết xấu hổ là gì, chẳng biết liêm sỉ là chi!

Kinh nghiệm đã dạy cho ta biết “Lĩnh tốt xem biên, người hiền xem mặt”. Khuôn mặt đẹp là khuôn mặt trái soan, khuôn mặt cương nghị là khuôn mặt chữ điền:

“Má miểng bầu ngó lâu muốn chửi,
Mặt chữ điền tiền rưỡi cũng mua”.

Nói thì nói vậy chứ “tướng” không bằng “số”, “tướng” tốt mà “số” không tốt cũng đành bó tay:

“Mặt mũi méo mó thì có đồng tiền,
Mặt vuông chữ điền mà tiền không có!”

Vì vậy, cứ theo “tướng” thì:

“Những người phinh phính mặt mo
Chân đi chữ bát thì cho chẳng màng”.

Thế nhưng, “tướng số” cũng không bằng “duyên số”:

“Những người má đỏ hồng hồng,
Răng đen rưng rức thì chồng chẳng yêu.
Những người mặt lọ trôn niêu,
Cái răng trắng ởn chồng yêu cỡn cờ!”.

Ngày xưa ông bà mình có tục nhuộm răng -răng đen ai khéo nhuộm cho cô mình- chứ có mấy ai dám để răng trắng!

Trên khuôn mặt, trước tiên ta phải kể đến: đôi MẮT. Thiên hạ vẫn bảo rằng: “Đôi mắt là cửa ngõ của tâm hồn” mà lị!

“Trời sinh con mắt là gương,
Người ghét ít ngó, người thương ngó hoài”.

Người xưa xem tướng mắt ngộ lắm. Nào là:

“Người khôn con mắt đen sì,
Người dại con mắt nửa chì, nửa thau”.

Nào là:

“Những người ti hí mắt lươn,
Trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người!”.

Đàn ông thì:

“Những người con mắt ốc nhồi,
Có tài đánh vợ, đập nồi, đập niêu”.

Còn các cô thì:

“Những người con mắt lá răm,
Chân mày lá liễu đáng trăm quan tiền”.

Đáng giá thì quả có đáng giá, nhưng cũng đáng sợ lắm lắm:

“Những người con mắt lá răm,
Ve trai như chớp, hay nằm với trai.

Mà thôi, dù gì thì gì, đôi mắt bồ câu tròn xoe đen nhánh của các cô nàng cũng vẫn là cái bẫy tình đáng sợ:

Cầm vàng ném xuống vực sâu,
Mất vàng không tiếc, tiếc đôi mắt bồ câu hữu tình.

Để điểm xuyết cho cái đẹp của đôi mắt, ta thấy có lông MÀY, lông MI và MÍ mắt. Nói đến các bà, các cô là nói đến “má đào, mày liễu”, là nói đến “mắt phượng, mày ngài”:

Chân mày vòng nguyệt thì thương,
Chân mày mũi mác là phường dâm ô!

Ôi! Các cụ nhà ta ngày xưa cũng có những nhận xét quay quắt ra phết đấy chứ!

Hai bên khuôn mặt là đôi MÁ. Vì “gò má làm khá người ta” nên các bà, các cô chăm chút cho gò má dữ lắm. Lúc nào cũng phải có “má phấn môi son”. Vì cặp má hồng nên các chàng mới than thở:

“Ai xui má đỏ hồng hồng,
Để anh nhác thấy đem lòng nhớ thương!”

Đôi má trắng ngần của mấy cô nàng mới quyến rũ làm sao:

“Nước trong ai chẳng rửa chân,
Cái má trắng ngần ai chẳng muốn hôn”.

Phân đôi hai gò má là MŨI:

“Những người lỗ mũi hếch lên,
Của xe chất lại một bên cũng nghèo”.

Dưới mũi là MIỆNG. Miệng còn gọi là MỒM. Miệng của loài động vật thì tùy loại, có khi gọi là MỎ như mỏ chim, mỏ gà... có khi gọi là MÕM như mõm chó, mõm ngựa...

Người xưa xem tướng miệng cũng kỹ lắm:

“Miệng hỏa lò ăn hết cơ nghiệp”.

Nói thì nói thế chứ chẳng chịu làm mà chỉ muốn có ăn không thôi thì cần gì phải “miệng hỏa lò”, ngay cả “miệng tu hú” cũng có thể “ăn lở rú, lở rí”, vậy nên “miệng ăn núi lở” là lẽ đương nhiên!

Nếu “con mắt là cửa ngõ của tâm hồn” thì Tử Kê tôi phải bảo “cái miệng là cửa ngõ của bao tử”. Cái miệng dễ làm tình làm tội con người ta lắm lắm. Không khéo ăn khéo nói thì dễ gây ra “vạ miệng”, nhà Phật gọi là “khẩu nghiệp” mà! Làm “cửa ngõ của bao tử” thì phải biết tự chế, bởi vì:

“Miệng ki cóp, trôn tán tài,
Miệng khoan thai, trôn thư thả”.

Thói thường ông bà ta xưa “trọng nam khinh nữ”, thế nên, cũng thì cái miệng có hình thức giống nhau, ông bà ta vẫn đánh giá có vẻ “kỳ thị” lắm. Đây này:

“Đàn ông rộng miệng thì tài,
Đàn bà rộng miệng điếc tai láng giềng”.

Hay là:

“Đàn ông rộng miệng thì sang,
Đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà”.

Chê thì chê vậy, nhưng mà, dù miệng có rộng mà cười có duyên thì:

“Tóc em dài em cài hoa thiên lý,
Thấy miệng em cười hữu ý anh thương”.

Thiên hạ rất sợ hạng người “mồm loa, mép giải” vì hạng người này vừa lắm lời, vừa đanh đá, hễ mở miệng là nói lấy được, không kể gì là đúng, là sai!

Thiên hạ rất ghét hạng người “miệng hùm, gan sứa” vì hạng người này khi chưa gặp việc thì miệng nói bô bô đến khi lâm sự thì chạy trước “vắt giò lên cổ”.

Thiên hạ cũng rất ngán hạng người “miệng nam-mô, bụng một bồ dao găm”, hay hạng người “miệng thơn thớt, dạ ớt ngâm”, vì hạng người này khó lường lắm, nói thì ngọt như mía lùi nhưng lại ưa “đâm sau lưng chiến sĩ!”

Người ta rất sợ hạng người “mồm miệng đỡ chân tay” vì hạng người này chẳng chịu làm mà chỉ dùng miệng để “tán” người khác làm thay. Mấy kẻ nhà giàu, mấy người quyền thế ưa dùng “miệng” để đàn áp kẻ yếu thế, hễ mở miệng là “như cồng, như lệnh”, do đó thiên hạ mới bình phẩm:

“Miệng kẻ sang có gang, có thép”.

Thế nhưng, giới bình dân của ta nào có chịu thua “kẻ sang”, họ đốp chát ngay lập tức để hạ nhục kẻ thù:

“Đồ nhà khó vừa nhọ, vừa thâm”.

Bàn đến MIỆNG thì phải bàn đến MÔI và MÉP.

Nói ít người ta bảo là “thiếu môi miếng”, nhưng “thiếu môi miếng” còn dễ thương hơn là hạng người ưa
lẻo mép” hay hạng người ưa “khua môi múa mép”.

Tướng môi cũng được người ta xem kỹ lắm:

“Mỏng môi hay hớt, trớt môi nói thừa.”

Hoặc nữa:

“Môi dày ăn vụng đã xong,
Môi mỏng hay hớt, môi cong hay hờn!”/

Xem vậy đủ biết khuôn mặt quan trọng lắm. “Một mặt người hơn mười mặt của”, vì vậy, quý bà và quý ông đã phải tốn khá nhiều thì giờ và cả tiền bạc nữa để lo trau chuốt cho khuôn mặt của mình. Các ông thì phải làm sao cho “mày râu nhẵn nhụi”. Các bà thì phải làm sao cho “mặt hoa da phấn” với đầy đủ “má phấn môi son”. Chăm chút quá đến nỗi cụ Đồ Liên, tức nhà thơ Nguyễn Hữu Chu đã phải làm thơ “khen ngợi”:

MỎNG NHẤT MẶT ĐÀN BÀ

Mặt các cô sao vẫn mỏng quèn?
Hay là bà mụ nắn không nên.
Tốn bao son phấn tô vào mãi,
Chẳng thấy xương da mọc nữa lên.
Trẻ vẫn gia công bôi với trát,
Già còn đái tật lóm và đen!
Từ nay có muốn thêm đầy đặn,
Đừng rửa, đừng chùi, cứ để nguyên.

DÀY NHẤT MẶT ĐÀN ÔNG

Mười hai bà mụ vụng về thay,
Nặn mặt đàn ông cũng quá tay.
Dao kéo cắt luôn nào thấy khuyết,
Râu ria cạo mãi vẫn còn đầy.
Trơ mà đến nỗi băm không lỗ,
Rắn quá như ai vạt vẫn dày.
Nếu để tự nhiên thây kệ nó,
Dễ thường mọc lấp mất mồm ngay!

Thôi thì, dù có “dày như mặt đàn ông” hay “mỏng như mặt đàn bà” gì gì đi nữa, khuôn mặt của chúng ta cũng đáng được trân trọng, vẫn cần được trân trọng để ta còn dám tự hào “ngước mặt nhìn lên” mà “mở mày mở mặt” với thiên hạ.

Vả lại, như đã được kể ở trên ta chú ý cái gì nhỉ ? Khuôn MẶT này - đôi MẮT này - lông MÀY này - lông MI này - MÍ mắt này - gò MÁ này - lỗ MŨI này - cái MỒM này - cái MỒM còn gọi là MIỆNG, khi giận còn gọi là MỎ, hay gọi xách mé là MÕM này - rồi đôi MÔI này - và MÉP nữa này ! Bắt đầu với toàn chữ M (Em-mờ), chữ EM (M) dễ thương nghe ngọt xớt như vậy thì KHUÔN MẶT quả là đáng trân trọng lắm chứ, phải không bà con?

TỬ KÊ LANG

Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh