LỘNG LẪY NHỮNG CUỘC TÌNH.
Lê Văn Công
Nhóm chúng tôi, dự tính sẽ làm một cuốn kỷ yếu về Trần Quốc Tuấn (TQT), ngôi trường trung học từng là mái nhà chung ấp ủ nhiều thế hệ tinh hoa của đất Quảng Ngãi. Hơn năm mươi năm rồi còn gì, biết bao nhiêu phong ba của thời cuộc đã cuốn lấy hàng ngàn thanh niên trai trẻ, xổ đẩy, vùi dập, nhận chìm một số, rồi buông tha một số, để bây giờ nhìn lại, những người từng vượt qua thử thách bão giông, sẽ có không biết bao nhiêu cái chung, cái riêng, mong muốn được phơi bày, chia xẻ. Kỷ yếu sẽ là một diễn đàn cho những xẻ chia như vậy. Rõ ràng, đây là một ý tưởng tuyệt vời và chúng tôi, ai cũng cảm thấy phấn khích vì được ủng hộ. Ngay cả vị Hiệu trưởng đáng kính nhất, cũng chính là vị hiệu trưởng đầu tiên của trường TQT, giáo sư Hà Như Hy, cũng đã đóng góp bài vở.
Thể tài cho một cuốn kỷ yếu như vậy sẽ có nhiều, nếu không nói là rất nhiều. Những bước chân rụt rè, chập chững bước vào trường, khi chúng tôi mới vừa hơn mười tuổi. Những năm tháng trọ học xa nhà, với hoàn cảnh khó khăn, bởi phần đông chúng tôi có cha mẹ xuất thân nông dân, mà lại là nông dân nghèo xứ Quảng. Những biến động của thời cuộc bao phủ lên cuộc sống của các Thầy Cô, và ảnh hưởng lên cả đám học trò ăn chưa no, lo chưa tới. Rồi ước vọng, rồi tương lai. Rồi những mối giao tình bằng hữu nồng ấm của tuổi hoa niên…Quả thật, chỉ mới là những phác thảo trong đầu, song chúng tôi có thể hình dung được mức độ phong phú của một tập kỷ yếu như vậy.
Một buổi tối, ở nhà hàng Hoa Biển với Nguyễn Văn Chừng, Dương Minh Chính, Đỗ Thanh Sửu, Nguyễn Văn Thanh. Câu chuyện lan man về những thể tài liên quan đến công việc chuẩn bị cho nôi dung của tập kỷ yếu sắp tới.
Dương Minh Chính đề cập đến những mối tình nổi tiếng một thời, trong khuôn viên ngôi trường trung học ngày xưa của chúng tôi. Bỗng dưng, tôi cảm thấy sẽ thực là thiếu sót, nếu như cái nhìn toàn diện về Trần Quốc Tuấn, mà lại thiếu đi một mảng dễ thương nhất, êm ái nhất, ấn tượng nhất trong cuộc sống con người: Tình Yêu.
Vậy thì những con người Trần Quốc Tuấn đã yêu đương ra sao?
Khi bước vào đệ thất, tôi vừa đúng mười hai tuổi, lớn hơn một tuổi so với quy định tuổi tối thiểu. Tuy nhiên, tôi là một trong những học sinh nhỏ nhất lớp. Do đó những năm đầu trung học, mặc dù trong lớp có nhiều bạn nữ xinh đẹp trạc tuổi chúng tôi, như Hoàng Thị Ngọc Ẩn, Phạm Thị Ngọc Diệp, Thành Thị Ngà, Tạ Thị Tú, tôi chưa hề cảm thấy một sự rung động nào. Tất nhiên, đối với các bạn lớn hơn, thì đã có những lần đỏ mặt trước sự nhờ cậy hay ân cần của các bạn nữ xinh đẹp.
Nhưng cũng chỉ đến thế mà thôi. Lên đệ ngũ, tất cả nữ sinh được tách ra, học riêng ở trường Nữ trung học mới thành lập, và thế là chúng tôi được đưa vào khuôn phép: ”nam nữ thụ thụ bất thân”
Rất nhiều bạn đã 15, 16 tuổi khi vào đệ thất. Như thế, suốt quá trình bảy năm trung học cũng rơi đúng vào lứa tuổi dậy thì và trưởng thành. Do đó yêu đương là điều không thể thiếu. Có điều, phần lớn tình yêu tuổi học trò thời đó là tình yêu đơn phương. Thi thoảng có một vài mối tình đi đến kết nối và thành tựu, song vẫn diễn ra trong vòng kín đáo và thầm lặng.
Thế nhưng, vào năm tôi học đệ tứ (1963), toàn thể học sinh Trần Quốc Tuấn chúng tôi gần như bị sốc, trước một mối tình “nóng bỏng” của hai anh chị đang học lớp đệ tam. Đó là mối tình của anh Lưu và chị Tiên.
Anh Lưu cao lớn, trắng trẻo, đẹp trai và có phong độ của một diễn viên điện ảnh. Chị Tiên xinh xắn, tha thướt trong tà áo dài lụa trắng. Đúng là môt cặp “thanh mai trúc mã”. Cặp này yêu nhau, và không cần giấu diếm tình cảm của họ. Thậm chí chúng tôi có cảm tưởng họ còn cố gắng bộc lộ tình yêu của mình, càng nhiều càng tốt, như một niềm hãnh diện, thách thức, rằng chúng tôi đang có một tình yêu tuyệt vời như thế đấy, chúng tôi muốn tất cả mọi người hãy cùng chiêm ngưỡng tình yêu của chúng tôi.
Giờ ra chơi, chúng tôi thấy anh Lưu quàng tay bên hông chị Tiên đi quanh trường, vòng ra hàng dương liễu ở sân sau, đứng đó chuyện trò rồi quay lại khi hết giờ chơi, trống vào lớp được gióng lên, trước ánh mắt vừa tò mọ, ghen tỵ, đan xen với ngưỡng mộ của hàng ngàn học sinh chúng tôi. Khi tan trường, nếu là buổi đẹp trời, hai anh chị sánh bước bên nhau, trên đường Quang Trung. Nếu là buổi trưa nắng, hay chiều mưa, anh chị cùng đi trên một chiếc xích lô đạp.
Tôi cũng không biết rõ xuất thân anh Lưu và chị Tiên như thế nào? Họ học có giỏi không? Chúng tôi chỉ đoán già đoán non, cho rằng hai anh chị này là con của mấy ông quan lớn trong tỉnh. Chắc vì vậy mà chúng tôi thấy cả “bộ máy công quyền”, tức là ban giám hiệu và ban giám thị nhà trường, từng làm chúng tôi khiếp sợ bấy lâu, thì nay lại có vẻ ngoảnh mặt làm ngơ, và im re trước cái cách biểu lộ tình yêu “nóng bỏng” của đôi này.
Bao niêu năm tháng đã trôi qua, song mỗi khi hồi tưởng về thời đi học ở TQT, có lẽ nếu nói đến tình yêu thời học trò trung học, thì chắc các bạn sẽ đồng ý rằng không có một mối tình nào mang tính biểu tượng hơn là mối tình của anh Lưu và chị Tiên. Những gì anh Lưu, chị Tiên đã thể hiện tại thời điểm đó, cách đây gần năm mươi năm, ngày nay tại các trường trung học, vẫn còn là điều hiếm thấy.
Sau này, chúng tôi cũng đã có được một số thông tin về kết cuộc của mối tình này. Sau khi đậu tú tài, anh chị đã làm đám cưới. Anh Lưu trở thành phi công của không lực VNCH. Trong một phi tuần chiến đấu, anh đã hy sinh. Những thông tin thật sơ sài, nhưng cũng đủ làm nhói đau những trái tim nhạy cảm, từng một thời ngưỡng mộ tình yêu của anh chị.
Nói đến tình yêu liên quan đến TQT, cũng không thể không nói đến những mối tình rất đẹp, giữa thầy và trò.
Đầu tiên là mối tình giữa Thầy Thọ, dạy toán và chị Nga Phước. Có thể nói, Nga Phước là một nữ sinh TQT có dung nhan sắc nước hương trời. Năm đệ lục, tôi ở trọ gần nhà Nga Phước, phiá Đông Cống Kiểu. Mỗi lần đi học, chúng tôi thường đi sau Nga Phước và tha hồ chiêm ngưỡng: làn tóc xoã như mây, khuôn mặt trắng hồng với những đường nét tuyệt mỹ, dáng đi uyển chuyển, dịu dàng, tà áo dài lụa trắng tung bay trong gió. Một người bạn của tôi, đi sau Nga Phước, đã khe khẻ ngâm thơ Nguyên Sa:
“Có phải em mang trong áo trắng bay,
Hai phần gió thổi, một phần mây.
Hay là em giấu mây trong áo?
Rồi thổi cho làn mây trắng bay”.
Rất nhiều người, trong đó có các nam sinh lớn, cả các thầy, ngưỡng mộ nhan sắc của Nga Phước. Song để chinh phục Nga Phước thì ai cũng chùn chân. Đơn giản vì Nga Phước là một đoá hoa đã có chủ. Chủ nhân đầy diễm phúc đó, không ai khác chính là thày Thọ, dạy Toán ở TQT. Thầy Thọ theo đuổi Nga Phước từ khi nàng mới 14 tuổi, học lớp nhứt trường Tư Chánh. Như vậy đối với bọn học sinh chúng tôi, nhan sắc kiều diễm của Nga Phước còn mang thêm một vầng hào quang có vẻ kỳ bí: Nàng sắp trở thành sư nương của chúng tôi. Và quả thật, một thời gian sau đó, Nga Phước đã chính thức lên xe hoa cùng sư phụ.
Đầu niên học 1964-1965, vì trường Nữ trung học chưa mở hệ đệ nhị cấp, nên sau kỳ thi trung học đệ nhất cấp, các nữ sinh của trường phải chuyển sang đệ tam Trần Quốc Tuấn. Lớp đệ tam C ở TQT năm đó quy tụ những đoá hoa đầy hương sắc như Kim Trâm, Cẩm Giang, Tỷ Muội…Trong đó, Kim Trâm là một nữ sinh nổi bật, đầy quyến rũ với những đường nét khoẻ mạnh và khuôn mặt thanh tú mang vẻ đẹp của phụ nữ phương Tây.
Cũng trong năm đó, cả trường TQT cùng xôn xao về một mối tình sư đệ mới: đó là mối tình giữa thầy Giao, dạy Pháp văn và Kim Trâm. Mối tình này diễn tiến hơi phức tạp, vì nghe đâu thầy Giao đã có gia đình ở Huế, nhưng chưa hoàn tất thủ tục ly hôn. Khi câu chuyện này bùng nổ, vấn đề đặt ra cho đám học trò chúng tôi là: phải chăng thầy Giao đã cố tình lừa gạt tình yêu của một nữ sinh trong trắng? Rất may, câu chuyện đã kết thúc có hậu: thầy Giao đã thu xếp ổn thoả chuyện gia đình để làm đám cưới chính thức với Kim Trâm.
Một mối tình nữa cũng mang tính cách sư đệ là mối tinh giữa thầy Nguyễn Khoa Phương và chị Quỳnh Nhì. Đám cưới giữa Thầy Phương và chị Quỳnh Nhì, được tiến hành sau khi chúng tôi đã rời khỏi TQT.
Nếu theo dõi cuộc đời của những đôi uyên ương từng nổi đình đám một thời ở TQT, chúng ta sẽ thấy là hầu như tất cả đều…không có được hạnh phúc lâu dài và bền chặt. Như một định mệnh. Anh Lưu và chị Tiên chia lìa. Thầy Thọ và Nga Phước ly hôn. Thầy Giao và chị Kim Trâm qua đời ở lứa tuổi còn trẻ. Thầy Phương đã để chị Quỳnh Nhì goá bụa ở tuổi chưa đến bốn mươi. Phải chăng tạo hoá đã hờn ghen với những cuộc tình quá đẹp?!
Điều đáng nói, là những tình yêu Thầy Trò ở TQT thời đó đều đã kết thúc có hậu bằng những đám cưới. danh chính ngôn thuận. Dư luận xã hội lúc đầu cũng tỏ ra dị ứng với những tình yêu kiểu này. Song thời gian đã chứng tỏ tấm chân tình của những người trong cuộc, do đó dần dà những mốt tình Thầy Trò đã tranh thủ được sự đồng thuận của xã hội. Vả chăng, nói như một nhà thơ Pháp: “Cả thế giới đều yêu những kẻ si tình”, thì rõ ràng chúng ta không nên khe kắt trong cái nhìn về những kẻ đang yêu, miễn rằng đó là những tình yêu chân thật.
Nhớ đến chuyện xưa để càng cảm thấy ngán ngẩm cho sự suy đồi về văn hoá trong môi trường giáo dục ngày nay. Nhan nhản trên báo chí những mối tình thầy trò mang đầy tính chất bôi bác, thách thức lương tri và công luận: thầy dùng điểm để đổi lấy tình của nữ sinh, thày gạ gẫm nữ sinh để lạm dụng tình dục rồi chạy làng, hiệu trưởng câu kết với quan chức đầu tỉnh để mua dâm nữ sinh…
Và chúng ta đành ngậm ngùi trong tiếng thở dài của nhà thơ núi Tản sông Đà:
“Văn minh Đông Á trời thu sạch
Này lúc cương thường đảo ngược ru?”.
Lê Văn Công
Xem các Bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về homepage www.nuiansongtra.net