I. Dẫn nhập:
Thế giới chiến tranh lần thứ hai chấm dứt đã để lại cho nhân loại không biết bao nhiêu thảm cảnh, nhiều triệu người bị tàn sát một cách thảm thương. Ngoài thảm-họa do các cuộc chiến, do hai quả bom nguyên-tử để lại còn có quả bom thứ ba nguy-hiểm gập bội, đó là chủ-nghĩa Cộng-sản.
Khi đã nhuộm đỏ Liên-bang Nga, chủ nghĩa nầy đã lấn sang lục địa Trung-Hoa, Đông Âu và sau đó hiện diện trên đảo quốc Cuba, một địa phận nằm sát nách Hoa Kỳ, là quốc gia đại diện cho lực-lượng đối đầu với khối Cộng-sản mà người Cộng sản muốn tiêu-diệt. Sau khi Fidel Castro chiếm hoàn toàn đảo quốc nầy, Cuba đã được chính quyền Nga đặc biệt chú ý, muốn biến nước nầy làm “tiền đồn” chống Mỹ. Khi Cộng sản xích hóa nước Cuba, người Cuba lưu-vong rời bỏ quê-hương, đa số đến định-cư tại Hoa-Kỳ.
Chính phủ Mỹ thấy tầm nguy-hại nếu một ngày nào đó các loại vũ-khí của khối Cộng từ đất Cuba tấn công vào lãnh-thổ Hoa Kỳ, sẽ là một thảm họa vô cùng to lớn. Vì thế, chính phủ Mỹ tìm cách mọi cách tiêu-diệt chế độ của Fidel Castro, nên chính phủ Mỹ đã chỉ thị cho Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (Central Intelligence Agency, CIA.) thi hành. Cơ quan CIA đẻ ra kế-hoạch đưa những người Cuba lưu vong trở về phục quốc, người ta gọi cuộc đổ bộ nầy là "cuộc đổ bọ Vịnh con Heo". Vào tháng 4 năm 1961, một lực-lượng quân-sự vào khoảng 1,400 người, là những di-dân từ Cuba được chính-phủ Hoa-kỳ hậu-thuẫn, dùng các phương-tiện do Mỹ cung cấp, đổ bộ vào Cuba hòng lật đổ chế độ do Fidel Castro cầm đầu.
Với chừng đó quân số là một lực-lượng quá nhỏ so với quân số của chính-phủ Cuba với hơn 250 ngàn quân chính quy, chưa kể các lực-lượng dân quân, cùng với những sai lầm trong kế hoạch, cuộc đổ bộ đã bị chính quyền Fidel Castro đập tan tức khắc. Đây là một sự kiện chính trị, quân sự trọng đại vào thời bấy giờ, tuy sớm chấm dứt nhưng đã để lại những di-hại vô cùng lớn lao cho nhiều quốc gia mà hai lực lượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là nước Mỹ và các lực lượng kiều dân Cuba lưu vong chống Cộng ở khắp nơi.
II. Cuộc đổ bộ vào Cuba:
Trước những bằng chứng hiển-nhiên cho thấy Liên-xô đã đổ vào Cuba một số lượng vũ-khí lớn, trong đó có hỏa-tiễn để tấn-công vào Mỹ khi cần, chính-phủ Mỹ giao cho Cơ-quan tình-báo Trung-Ương Hoa-Kỳ (CIA) tổ-chức và điều-hành công-cuộc đổ bộ này. Cuộc đổ bộ này có cơ thành-công nếu lực-lượng đổ-bộ được sự ủng-hộ và tham gia của một tổ-chức có khuynh-hướng tự-do hạn-chế, đang được dân-chúng Cuba mến chuộng và cũng là lực-lượng chính đang chống lại Castro.
Vụ đổ bộ vào Cuba do Hoa Kỳ chủ trương là một công-tác không mang lại kết-quả như Mỹ mong muốn mà còn gây tác-hại to lớn mãi về sau này, làm giảm uy-tín của CIA nói riêng và ảnh-hưởng của Mỹ trên thế-giới nói chung cũng như gián-tiếp giết chết các tổ-chức, các công-tác chống lại chính-quyền độc-tài Fidel Castro tại hải-ngoại và trong nội-địa Cuba từ đó đến nay.
1. Kế hoạch đổ bộ.
Từ mùa Xuân năm 1960, chính-phủ của Tổng-thống Eisenhower có ý định tiêu diệt Fidel Castro khi chính-phủ của ông ta thân Cộng-sản rõ-rệt. Cơ quan CIA đã phúc-trình cho chính-phủ Hoa-kỳ biết là Cuba đã gởi 24 phi-công của họ sang Tiệp-khắc học lái các loại phản-lực-cơ Mig của Nga chế-tạo. Trong khoảng thời-gian trước đó, 30 ngàn tấn vũ-khí trị giá 50 triệu USD của Nga được đem vào Cuba để đối-phó với Hoa-kỳ vì khối Cộng-sản thấy Cuba nằm sát nách Hoa-kỳ, vũ-khí có thể tấn-công vào Mỹ dễ-dàng.
Lực-lượng quân-sự của Cuba lúc đó có chiến xa JS 2 nặng 50 tấn, chiến-xa T 34 nặng 35 tấn, đại-bác SU-100, các sơn pháo 76 ly, 85 ly, 122 ly cùng rất nhiều đạn dược. Thêm vào đó, Nga gởi đến Cuba nhiều cố-vấn cùng với các cố-vấn Tiệp-khắc để giúp đỡ cho quân đội Cuba với quân số từ 250 ngàn đến 400 ngàn. Như vậy, cứ 30 người dân Cuba thì có 1 người là lính, so với Nga là 50/1 và Mỹ là 60/1 vào thời đó. Cuba cũng xây cất những công-trình bằng bê-tông như các giàn phóng hỏa-tiển, các vị-trí đặt trọng-pháo, các dàn radar, các vi-trí quan-sát quân-sự, các vị-trí canh phòng, tuần-tiểu. Nhận thấy nguy-cơ khi có một nước Cộng-sản sát nách mình, chính-quyền Mỹ giao cho CIA nhiệm vụ lập phương-thức và tổ-chức lật đổ chính-phủ Fidel Castro bằng mọi giá.
Đầu tiên, người Mỹ tập hợp 2 nhóm người Cuba lưu-vong lớn nhất có các hoạt-động nhằm chống lại Fidel Castro đang hoạt-động tại Hoa-Kỳ và các kiều dân Cuba cư-ngụ tại các nước khác ở Trung, Nam Mỹ. Nhóm thứ nhất là nhóm Tân Cách-mạng (M.R.R.), một tổ-chức ôn-hòa, gồm các cựu đồng-chí của Fidel Castro, là những sĩ-quan, những nhà kinh-tài, những người hành nghề tự-do và những thân-nhân liên-hệ với họ. Nhóm thứ hai là tổ-chức Cách-mạng Nhân-dân (M.R.P.) do ông Manolo Antonio Ray lãnh-đạo.
Tám tháng sau khi đoạn giao với Fidel Castro, ông Ray vẫn còn ở lại trên đảo quốc Cuba để tổ-chức một cơ-cấu kháng-chiến chống lại Castro. Lực-lượng của Ray đông đảo nhất, tương-đối hoàn-hảo hơn hết, rãi đều trên toàn lãnh-thổ Cuba, ngay đến các làng nhỏ hẻo-lánh. Ông Ray có khuynh-hướng trung-dung, nửa muốn theo chế-độ tự-do nửa thiên tả. Cơ-quan Tình-báo CIA đã liệt Ray vào hạng bất-hảo vì thấy Ray có ý thiên tả, ngay đến các người Cuba lưu-vong cũng nghĩ về Ray như vậy. Vì thế, trong thâm tâm, người Mỹ cũng không thật tâm dùng Manolo Antonio Ray.
CIA tập-họp các nhóm người Cuba lưu-vong lại, kiện-toàn tổ-chức để thành-lập “Mặt-trận Dân-chủ Cách-mạng” (trong đó có cả một số người trong tổ-chức M.R.P của ông Ray). Vấn đề tài-chánh chi cho tổ-chức này do CIA và các nhà tài-phiệt Cuba tại Hoa-kỳ cung-cấp, phần đông sống tập trung tại tiểu-bang Florida. Chính-phủ Hoa-kỳ chỉ-thị cho CIA sửa-soạn mọi việc cho cuộc đổ bộ vào Cuba. Chính-phủ Mỹ cũng đã thương-nghị với Tổng-thống Guatemala là ông Fuenter để cho du-kích-quân chống Cuba được huấn-luyện ở Guatemala, cho Hoa-Kỳ lập một phi-trường có nhiều phi-đạo cho phi-cơ vận-tải lên xuống để phục vụ cho chiến-dịch nầy vì Guatemala gần với đất Cuba.
2. Tiến hành cuộc đổ bộ.
Cơ-quan Tình-báo CIA và chính-phủ Hoa-Kỳ mắc phải nhiều sai lầm nghiêm-trọng trong kế-hoạch đổ bộ vào Cuba. Việc đầu tiên, Frank Bender là điệp-viên chính của CIA ở Guatemala, là người bảo-trợ và đề-nghị cho Manuel Artime Buesa, 29 tuổi, một cựu nhân-viên Bộ Tài-chánh trong chính-phủ Castro, là người không có một chút kinh-nghiệm gì về quân-sự làm chỉ-huy trưởng cuộc đổ bộ. Việc đề cử nầy không được tham-khảo với người Cuba luu-vong, với các nhóm chống Fidel Castro đang cộng-tác với Mỹ trong ý đồ lật đổ chế-độ độc-tài thân Cộng Castro.
Đây là một trong những nguyên-nhân dẫn đến thất-bại sau nầy. Từ tháng 1-1961, Đại-úy Artime Buesa đã sửa soạn để chỉ-huy nhưng mãi đến 10 ngày trước ngày đổ bộ, CIA mới giao quyền cho ông ta mà không hỏi qua ý kiến của Manolo Ray. CIA cũng sai lầm ở chỗ bỏ rơi các chuyên-viên du-kích-chiến và các người từng cộng-tác với Castro trước đây đang sống lưu-vong. Chính-phủ Mỹ còn ngưng chương-trình phát-thanh về Cuba trong mục-đích chiến-tranh tâm-lý. CIA còn âm-thầm không thi-hành lệnh của Tổng-Thống Kennedy là loại bỏ nhân-viên của Batista, nhà cựu lãnh-đạo độc-tài của Cuba và bắt giữ Masferrer, một người chủ hòa trong chính-phủ Batista, nhưng CIA không làm.
Ngoài ra, các phúc-trình của nhân-viên CIA ở nội địa Cuba gởi về đều cho là sẽ được dân chúng Cuba ủng-hộ cuộc nổi dậy nên chính-phủ Mỹ tin-tưởng vào nguồn tin lạc-quan nầy. Theo chủ-trương của chính phủ Mỹ dưới thời TT Eisenhower thì Không-quân Mỹ sẽ can-thiệp để giúp cho quân đổ bộ vào Cuba, Mỹ sẽ lập đầu cầu không vận nhưng khi đến chính-quyền Kennedy thì không đồng ý chủ-trương này vì Kennedy cho là “đi quá đà”. Ông Kennedy chỉ đồng ý dùng phi-cơ ở Guatemala can-thiệp nếu Cuba dùng không-quân tấn-công quân đổ bộ.
Cuộc không tập lần thứ nhất vào ngày 14-4 do các phi-công người Cuba lái với những phi-cơ sơn hiệu-kỳ Cuba trước ngày dự định đổ bộ 2 ngày đã phần nào thành công, nhất là gây ảnh hưởng tâm lý trong dân chúng Cuba nhưng cũng đã cảnh báo cho chính quyền Castro về nguy cơ sẽ có cuộc đổ bộ. Cuộc không tập lần thứ 2 theo dự trù đã bị Kennedy ra lệnh hũy bỏ, như vậy kế hoạch nầy đã tự phía Mỹ hũy bỏ nửa chừng. CIA còn sai lầm về việc chọn vị-trí đổ bộ vào đảo quốc Cuba.
Đại-tá Ramon Barquin là cố-vấn quân-sự của Ray là một người tài giỏi, là một trong những sĩ-quan lưu-vong tài năng nhất. Khi biết CIA chủ-trương đổ bộ khu đầm lầy bao quanh Vịnh Con Heo, ông ta cho rằng: “chỉ cần Castro đưa quân án-ngữ 3 con đường hiểm hóc dẫn sâu vào nội-địa Cuba là quân đổ bộ bị tiêu-diệt dễ-dàng” nhưng CIA không nghe lời khuyến cáo ấy của ông ta.
Nửa đêm 16-4, năm chiếc tàu đổ bộ thả quân lên bờ biển Vịnh Con Heo để tiến vào nội địa Cuba. Đến rạng sáng hôm sau, các máy bay C-54, C-46 phát-xuất từ Guatemala và Nicaragua thả thêm quân nhảy dù tiếp-viện, 8 oanh-tạc cơ B-26 và các chiến-đấu cơ lỗi-thời P-51 yểm-trợ cho cuộc đổ bộ. Quân đổ bộ tiến sâu vào nội địa được 30 cây-số thì bị 1 tiểu-đoàn của Fidel Castro chận lại và sau đó lực-lượng tiếp-viện hùng-hậu của Castro đổ đến vây kín và lực-lượng đổ bộ phải buông súng đầu hàng.
Trước đó, CIA đã báo-cáo cho Tổng-thống Kennedy là không-lực Cuba bị loại ra ngoài vòng chiến nhưng báo-cáo này hoàn toàn sai lạc. Ba chiếc phản-lực cơ T-33 của Mỹ mà Castro tịch thu của Batista đã bắn rơi tất cả các B-26 cổ-lổ ngay trên đầu cầu đổ bộ. Đến trưa, không-lực Cuba còn đánh chìm 2 tàu đổ bộ chứa súng đạn và các dụng-cụ truyền-tin của lực-lượng đổ bộ chưa kịp vận chuyển lên bờ. Sau đó, chiến xa và đại-bác Nga được gởi đến và càn-quét nốt tàn quân đổ bộ.
Đến lúc này, nếu Tổng-thống Kennedy muốn đổi ý để can-thiệp vào Cuba thì cũng còn kịp, có thể tình-thế sẽ khác đi. Tối 18-4, Tổng-thống Kennedy đến hội-đàm với các nhân-vật quan-trọng trong chính-phủ nhưng bàn cãi suốt đêm mà vẫn không thống-nhất ý-kiến, đến sáng hôm sau thì không còn kịp nữa. Khi nội vụ đổ bể, CIA diễn-giải là cuộc xâm lấn chỉ là một cuộc đổ bộ nhỏ của hai ba trăm người nhưng chính-phủ Fidel Castro cho truyền-hình đi khắp thế-giới với 1.200 người bị bắt. Castro còn để cho các tù binh tự thú là họ đã hoạt-động dưới sự bảo-trợ của CIA.
Ở Miami, Ray và M.R.P. tuyên-bố tách khỏi Hội-đồng Cách-mạng Cuba để phản-đối CIA, phản-đối sự chuyên-quyền của CIA. Vụ Cuba là một thất-bại ê-chề của cơ-quan CIA bắt nguồn từ việc họ quá nghiêng theo phe bảo-thủ, các kế hoạch hoàn toàn sai lầm, gây nên thiệt hại nghiêm trọng, vô phương cứu vãn.
Sau thất bại này, chính-quyền Kennedy đã có nhiều biện-pháp cứu-xét trách-nhiệm của Bộ Ngoại-giao trong công-tác điểu-khiển đường-lối đối ngoại. Các Đại-sứ Mỹ phải phúc-trình về tình-trạng chính-trị và hệ-thống nhân-viên của mình nơi đó và cấm CIA không được tự hoạt-động về chính-trị và phải có đường-lối theo đúng đường-lối chính-trị của chính-phủ Mỹ.
3. Nguyên nhân dẫn đến thất bại.
Một đường lối đối-ngoại bao giờ cũng phải đặt căn-bản trên những nguồn tin tình-báo thu lượm được nơi ngoại-quốc, kể cả ở các quốc-gia đồng-minh với mình. Ở về chính-quyền Mỹ, việc này giao cho CIA và những nhân-viên CIA lại có khuynh-hướng làm việc như những nhà thương-mai: họ không chỉ đề-nghị những tin-tức và những quyết-định mà còn bắt-buộc các nhà lãnh-đạo phải chấp-nhận những gì họ đề ra.
Thường thì các dự đoán của CIA nếu không bi-thảm hóa thì quá chủ-quan đối với những tiến-triển của địch quân. Đề-đốc Radford xác-nhận là CIA coi trọng khả-năng quân-sự của khối Công-sản và cũng có nhiều ý-kiến của CIA cho là hệ-thống điệp-báo của Mỹ chậm tiến, lạc hậu.
Nhiều nghị-sĩ yêu-cầu Quốc-hội kiểm-soát CIA chặt-chẽ hơn nhưng cho đến năm 1955, CIA chỉ chịu sự kiểm-soát độc nhất của Ủy-ban Hoover do Quốc-hội Mỹ đề cử mà Ủy-ban này lúc nào cũng xác-nhận là CIA hữu-ích và đáng tin-cậy. Đề-nghị yêu cầu Quốc-hội kiểm-soát CIA bị bác ở Thượng-viện vì Thượng-viện cho rằng CIA phải được hoàn-toàn bất-khả xâm-phạm. Tổng-Thống Kennedy đã thay Allen Dulles bằng John Alex Mc Cone, một kỹ-nghệ gia và là cựu Chủ-tịch Ủy-ban Nguyên-tử năng Mỹ điều khiển.
Những hoạt-động của CIA không được chính-xác, tỷ dụ như việc dự đoán sai lầm về khả-năng nguyên-tử của Nga. Cơ-quan CIA dự đoán là Nga phải 10 năm sau Thế chiến 2 mới có thể thí-nghiệm về bom A nhưng năm 1949 Nga đã cho thí-nghiệm bom nguyên-tử, và họ vượt Mỹ về bom khinh-khí. Riêng về chương-trình không-gian của Nga, khi vụ vệ-tinh Spoutnik cùng việc Gagarine là người đầu tiên bay vòng quanh địa-cầu xảy ra, Mỹ mới tỉnh-ngộ và thấy những tắc-trách của CIA.
Hậu quả của vụ đổ bộ vào Cuba thật to lớn, nhất là đối với những tổ chức lưu vong chống chế độ độc tài của Fidel Castro. Sau vụ này, 30 phản-lực cơ Mig 17 của Nga được viện-trợ cho Cuba, quân đội 200 ngàn người của Castro trở nên trung-thành hơn, con số quân nhân Cuba đào-ngũ rất hiếm hoi, viện-trợ do khối Cộng cho Cuba đều-đặn, các tổ-chức kháng-chiến chống Castro tan-rã dần.
Tổng-thống Kennedy đã không tỏ ra được khả-năng lãnh-đạo và sự quyết đoán cần-thiết vì chưa quen với nhiệm-vụ Tổng-thống, về các chiến lược quân sự, các kế hoạch sử dụng nhân lực và nhất là quá tin vào CIA. Tai mắt của ông là CIA mà CIA thường cung-cấp cho ông các tin-tức sai lầm. Ông tỏ ra lưng-chừng và ngần-ngừ khi quyết-định hủy bỏ cuộc không-tập lần thứ hai. Ông cũng tỏ vẻ sẵn-sàng cho CIA xin oanh-tạc lại nếu CIA có đủ lý lẽ yêu cầu. Nhiều điều đã xảy ra nữa trong việc điều hành guồng máy quốc gia cho thấy Kennedy quá yếu kém, thiếu kinh-nghiệm, số phiếu thắng đối thủ (Richard Milhous Nixon) quá ít (118.574 phiếu).
III. Lời kết.
Thất-bại của CIA trong biến-cố Vịnh Con Heo cũng là thất-bại to lớn của Hoa-kỳ. Tổng Thống Kennedy đã không đổ hết trách-nhiệm công tác này cho một ai mà tuyên-bố là tất cả phải cùng chịu trách-nhiệm. Dĩ-nhiên là CIA chịu nặng nhất, sau nầy đã buộc quốc hội Mỹ phải thay đổi quan điểm về cách tổ chức, điều hành cùng những phương thức hoạt động của CIA trên khắp thế giới.
Cuộc đổ bộ Cuba là một cuộc phiêu-lưu quân-sự được tổ-chức và thi-hành tệ-hại hơn hết so với bất cứ một công tác nào do Hoa-kỳ chủ xướng, thi hành. Nó cũng là một thất bại lớn nhất trong lịch-sử của cơ-quan CIA, kể đến hôm nay.
California, 1998.
Lê Chánh Thiêm