Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 61)
THINH QUANG

 

VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 61)
Thinh Quang

* * *


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 301

VẤN: Ông Đào Hữu Tuyên, San Jose: Gần đây các nhà nghiên cứu về y học cho rằng ngoài các rau quả còn có cả các loại đậu có tác dụng cho sức khỏe. Bà cụ nghĩ có đúng như vậy không?

ĐÁP:

Không phải mãi đến ngày nay các nhà nghiên cứu về y học mới biết sự lợi ích về rau quả, các loại đậu được xem như là phương thuốc thần diệu vừa bổ dưỡng mà cũng vừa chữa trị các căn bệnh ngặt nghèo.

Như 5 loại đậu đều có tác động bảo vệ cho sức khỏe. Hàng ngày ăn các loại đậu ta sẽ có thêm được sức đề kháng, sẽ tránh khỏi nguy cơ mắc phải các bệnh bên ngoài xâm nhập vào cơ thể.

Ta có 5 loại đậu gồm:

1. ĐẬU ĐỎ bổ tim. Loại đậu này hàm chứa khá nhiều về chất xơ cho bữa ăn. Ăn đậu đỏ có tác dụng nhuận trường, thông tiện, giảm được áp huyết, triệt tiêu mỡ trong máu v.v... Ngoài ra đậu đỏ còn giải độc, chống được ung thư, ngăn ngừa kết sỏi, giảm béo phì, lợi tiểu, giải rượu… Ngoài ra còn chận được các bệnh tim, thận và luôn cả phù thũng.

2. ĐẬU XANH bổ gan: vị ngọt, tính mát, thanh nhiệt, cũng giải độc. Ăn đậu xanh giải được độc tố trong cơ thể. Đậu xanh giảm chất lượng cholesterol, có thể bảo vệ gan và chống dị ứng. Ăn chè đậu xanh thêm vào một ít mật ong bài trừ được độc tố.

3. ĐẬU VÀNG bổ tì. Đậu vàng chứa chất saponin có thể kích thích mật, bài tiết tiêu hóa chất béo. Màu vàng của đậu tương ứng với tì, tăng sức khỏe cho tì, có tác dụng ích khí bổ hư, giúp chậm lão hóa, thích hợp cho người có sắc mặt tái xám và cơ thể ốm yếu.

4. ĐẬU TRẮNG bổ phổi. Cũng như đậu vàng, đậu tráng có chất saponin, lại thêm ureaase là chất xúc tác niệu tố và nhiều thành phần protit cầu, tạo sức đề kháng cho cơ thể, nhất là phòng chống được đường hô hấp.

5. ĐẬU ĐEN bổ thận, hàm chứa nhiều thành phần giữ được sự tươi trẻ, đặc biệt là chất isoflavone, anthocyanydin là chất chống oxy lão hóa. Đặc biệt đậu đen còn xúc tien đào thải độc tố, bổ thận, ích âm hoạt huyết, mạnh gân bổ cốt.

VẤN: Bà Vũ Thúy Anh, LA. Từ ngày xa quê hương đến nay trên 35 năm chưa về thăm đất nước lần nào, mặc dù có lần đến thăm nhật báo Người Việt được một nhân viên trong tòa soạn khuyến khích là nên về thăm đất nước mình. Theo người này thì nên du lịch đến Dalat có nhiều thắng cảnh có thể làm cho mình lưu luyến. Vậy chẳng biết Dalat có bao nhiêu thắng cảnh? Bà cụ biết chỉ giúp cho.

ĐÁP:

Theo cuốn Đà Lạt của Nha Quốc Gia Du Lịch trước khi mất nước ghi chép:
Đà Lạt có: HỒ THAN THỞ, HỒ MÊ LINH, HỒ LỚN ĐÀ LẠT, THÁC CAM LY và SUỐI VÀNG. Ngoài ra Đà Lạt còn có: RỪNG ÁI ÂN, CHÙA LINH SƠN, CHÙA LINH PHONG, NHÀ THỜ ĐÀ LẠT, LĂNG NGUYỄN HỮU HÀO…

Nhà thơ Phạm Gia Triếp có bài thơ nhan đề ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ:

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu
Trời mơ trong cảnh thật huyền mơ
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ.

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem người giải nghĩa yêu

Hàng thông lấp loáng đứng trong im
Cành lá in như đã lắng chìm
Hư thực làm sao phân biệt được
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm

Cơ trời say nhuộm một màu trăng
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng
Không một tiếng gì nghe động chạm
Dầu là tiếng vỡ của sao trăng.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 302

VẤN: Cụ Đỗ Đình Mậu, Orange County hỏi: “Các tác phẩm văn học cũng như sự hình thành báo chí của đất nước ta từ trước đến nay đã phải trải qua trong những hoàn cảnh như thế nào, nếu biết xin bà cụ giải thích cho”.

ĐÁP:

Trước thời Pháp tấn chiếm VN, dân tộc ta đã biết sử dụng Hán Văn làm Quốc Tự. Lúc bấy giờ Hán Văn còn gọi là Hán Việt, vì lối phát âm hoàn toàn bằng tiếng Việt, mặc dù chẳng ít danh từ giữa tiếng Hán và Tiếng Việt đọc lên có âm hưởng giống hoặc hao hao như nhau. Các nhà truyền giáo Tây phương coi chữ Hán Việt là Quốc Ngữ của dân tộc ta.

Kể từ thế kỷ 17, 18 và 19 là thời gian manh nha có sự biến chuyển về văn tự Việt do nhu cầu của các Cha Cố ghi chép bằng chữ cái La Tinh hầu dễ dàng cho công cuộc truyền giáo.

Theo sách Thánh Tông di thảo cũng như Văn Minh tân học sách thì từ thời Văn Lang Âu Lạc quốc gia ta vốn có văn tự song bị chữ Hán bức tử. Thật ra việc ghi nhận này thiếu chứng cứ, vì đó chỉ là một số chữ ngoằn ngoèo đơn giản xuất phát từ một số bộ lạc lưu lại. Chữ Hán do người phương Bắc đưa vào kể từ khi quốc gia Hán còn chưa hoàn thành.

Người Việt ta quen dùng Hán Tự từ hơn hai ngàn năm, nên gọi chữ Hán là chữ của nước ta. Về sau chữ Nôm xuất hiện do các học giả nước ta sáng tạo và được các nhà truyền giáo Tây phương lúc bấy giờ xem là quốc tự của Việt Nam.

Trước khi Pháp chiếm Gia Định thì cả Nam Kỳ Lục Tỉnh chưa có một tờ báo hay một ấn phẩm văn hóa nào. Lúc bấy giờ triều đình nhà Nguyễn, đã giao thương với Hương Cảng, nhờ các nhà truyền giáo Tây phương mua các báo Anh ngữ đưa về nước. Các báo Anh ngữ này triều đình cũng nhờ các giáo sĩ này chuyển dịch lại để đọc.

Năm 1859, Pháp chiếm Gia Định. Ba năm sau, chiếm miền Đông Nam Kỳ và năm 1867 chiếm luôn ba tỉnh Miền Tây. Thế kỷ thứ 17 chữ quốc ngữ La Tinh được cha cố giáo sĩ sáng tạo và hoàn chỉnh vào giữa thế kỷ 18 và đầu thế kỷ thứ 19. Tại Việt Nam người Pháp có báo viết bằng tiếng Pháp rất sớm trước thời gian có nhiều trường mở ra truyền bá chữ quốc ngữ. Khi người Việt ta bắt đầu thấm nhuần chữ Việt La Tinh tức chữ quốc ngữ ta ngày nay - người Pháp bằng thuê cơ xưởng tại Pháp đúc ra chữ Việt mang sang để xuất bản các báo tiếng Việt theo nhu cầu vừa khai hóa cũng như vừa loan truyền các tin tức cần thiết của chính quyền thuộc địa Pháp. Nhà in tiếng Việt bắt đầu xuất hiện tại Sài Gòn vào năm 1864. Các nhân vật người Việt nổi tiếng lúc bấy giờ như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Của v.v… giỏi tiếng Việt, Hán tự và luôn cả chữ Nôm được khuyến khích phiên dịch cũng như xuất bản báo chí trong nước lúc bấy giờ. Tờ báo Việt ngữ đầu tiên là Gia Định Báo, xuất bản ngày 15-4-1865.

Trước tờ báo Gia Định Việt ngữ đã có tờ Le Bulletin Officiel De L’Expédition de la Cochinchine bằng Pháp ngữ và luôn cả tờ Le Bulletin des Communes bằng Hán tự. Đến đầu thế kỷ 20. sau cuộc Đại Chiến lần thứ nhất 1914-1918 phong trào báo chí cả Pháp ngữ lẫn Việt ngữ xuất bản được xem là phát triển ngày càng mạnh hơn hai miền Trung và Bắc Kỳ. Nam Kỳ là đất thuộc địa nên được áp dụng theo luật ngày 29-7-1881 do quốc hội Pháp quyết định và đến ngày 22-9-1881 được áp dụng ở Nam Kỳ. Vì vậy mà việc xuất bản báo chí ở Sài Gòn rất dễ dàng không bị ràng buộc phải có điều kiện tiên quyết nào. Theo luật 29 tháng 7 1881”Tất cả các loại báo sẽ được phát hành không cần có sự cho phép trước cũng như không cần đóng tiền quị, chỉ cần sau khi được công bố đúng theo điều 7”. Theo điều 7 qui định rằng trước khi phát hành tờ báo phải nạp bản tại sở Biện Lý các tài liệu liên quan cần thiết, như:

- Tên báo.
- Tên và địa chỉ người Quản Lý.
- Ghi rõ xuất xứ in báo 5 ngày trước khi phát hành v.v…


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 303

VẤN: Bà Huỳnh Tấn Của - San Diego: Bị bệnh uống thuốc đã đành, song còn lắm lúc chỉ dùng thủ thuật chữa trị mà không cần đến dược liệu vẫn có thể chữa được lành bệnh. Bà cụ có tin như vậy không?

ĐÁP:

Quả có trường họp chữa bằng mẹo vặt hay châm cứu một cách đơn giản mà lành hẳn bệnh. Ví như trường hợp cảm thấy trong người nhuốm ớn lạnh ngấy sốt, nghi là triệu chứng cảm phong v.v. , người bệnh có thể dùng dầu nóng thoa xức vào lưng rồi dùng loại kim khí như đồng bạc hay miếng mảnh sành nhỏ cạo ngay giữa đường xương sống, và hai bả vai … cho đến khi nơi bị cạo có màu sắc đỏ hoặc tím bầm… bôi thêm dầu nóng đoạn đắp kín chăn lại. Thường vào khoản 20 đến 30 phút sẽ cảm thấy khỏe hẳn lại. Phương pháp này gọi là “Cạo Gió”.

Dưới đây là một số it mẹo vặt dùng để chữa bệnh :

CHỮA TRỊ BẰNG MŨI:

Mũi có bên phải và bên trái:
Mũi bên phải là Mặt Trời, Mũi bên trái là Mặt Trăng.

Nếu ta bị nhức đầu: “Bịt lỗ mũi BÊN PHẢI thở ra bằng lỗ mũi BÊN TRÁI.
Ba phút sau ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và không còn cảm thấy đầu bị đau đầu nữa

Trường họp cảm thấy trí óc mệt mỏi hãy bịt mũi bên Trái rồi thở bằng mũi BÊN PHẢI. Chỉ trong vòng 5 phút sẽ thấy thư thái ngay.

Nên nhớ rằng:

Lỗ mũi Trái thuộc về NHIỆT
Lỗ mũi Phải thuộc về HÀN

Điều này cho thấy “Người phụ nữ thở bên trái, nên tính tình dịu dàng hơn.” Còn đa phần phái nam thở bên phải nhiều hơn nên hay hay nóng nảy cộc cằn…

VẤN: Cụ Lã Vi, Reseda: Bà cụ có nhớ ai là Tổ của phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo ta không? Xin nhắc hộ.

ĐÁP:

Cuối thế kỷ thứ 13, vua Trần Nhân Tông nước Việt sau khi ba lần chiến thắng quân Nguyên – Mông một cách oanh liệt khiến toàn thể thiên hạ tôn sùng Ngài là một vị anh hùng của dân tộc.

Sau một thời gian nghỉ ngơi, nhà Vua bèn truyền ngôi lại cho Thái Tử Anh Tông để đi tu ở vùng non thiêng Yên Tử. Vua Anh Tông vội can ngăn, nhưng không được phụ hoàng chấp thuận, Ngài vẫn giữ nguyên ý định quyết chí tu hành. Vua Anh Tông đành sai phái đám cung tần mỹ nữ đi theo để cầu xin vua Trần Nhân Tông bỏ ý định nhưng Ngài vẫn cương quyết làm theo như lòng nguyện ước. Trước cảnh này, đám cung tần mỹ nữ đồng loạt nhảy xuống giòng suối ở chân núi Yên Tử tự vẩn.

Sau một thời gian tu tịnh ở chốn rừng thiêng vuaTrần Nhân Tông trở thành vị Tổ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam.

VẤN: Ông Nguyễn Việt, San Jose: Tôi có hai câu tục ngữ Hán Việt như sau, xin bà cụ giải hộ:
1. Nhất nhân phiến phong,nhi nhân lương
2. Nhẫn đắc nhất thời chí khí,
Miễn đắc nhất nhật chi ưu.
Xin bà cụ giải giúp.

ĐÁP:

Câu 1:
Một người quạt, hai người đều mát

Câu thứ 2:
Nhịn cơm bực mình một lúc,
Miễn được trăm ngày ưu tư.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAU LỤC 304

VẤN: Ông Hoàng Hỉ Thi Khương, Virginia: Thưa cụ, muốn gìn giữ sức để tránh phải bị tổn thương, phải làm như thế nào? Cụ bà giúp cho.

ĐÁP:

Muốn khỏi bị thương tổn đến sức khỏe chẳng phải ăn uống bồi bổ hay dùng thật nhiều thuốc tẩm bổ, mà điều thiết yếu là phải nhớ bất cứ việc gì cũng đừng làm quá sức mình. Xưa nay từ Đông y đến Tây y đều khuyến cáo như vậy.

Trong sách Đông y có ghi mấy điều làm thương tổn đến sức khỏe như sau:

1. Cửu hành “thương cân”
2 .Cửu lập “thương cốt”
3. Cửu tọa thương nhục”
4. Cửu ngọa “thương khí”
5. Hỉ nộ “thươg can”
6. Tư lự “thương tì”
7. Ưu sầu “thương phế”
8. Hỉ nộ “thương can”
9. Tư lự “thương tì”
10.Ưu sầu “thương phế”

Có nghĩa:

1. Đi lâu thương tổn gân
2. Đứng lâu thương tổn cốt
3. Ngồi lâu thương tổn nhục
4. Nằm lâu thương tổn khí
5. Nhìn lâu thương tổn huyết
6. Vui cũng giận quá ắt bị thương tổn gan
7. Tư lự thương tổn tì (lá lách)
8. Ưu sầu thì ắt thương phế
9. Vui,giận quá độ tất phải thương gan
10.Tư lự thương tởn đến tì (lá lách)
11. Ưu sầu thương tổn đến phổi v.v…

Vì vậy sách Đông y có 4 câu:

Vô bệnh đệ nhất lợi
Tri túc đệ nhất phú
Thiện hữu đệ nhất thân.
Vô vi đệ nhất an.

VẤN: Bà Lê Mỹ Tiên, LA. Tôi có đứa cháu từ Việt Nam sang, không có việc gì làm, được người bạn khuyên nên chọn nghề làm Nail. Cháu gái tôi làm được nửa năm nay rồi, thường nghe cháu than phiền là không chịu nổi mùi nồng độ của thuốc. Nghe nói là làm móng rất độc. Chẳng biết có đúng vậy chăng?

ĐÁP:

Có như vậy. Các loại thuốc làm móng tay từ thuốc nước đến thuốc bột đều là các loại thuốc được xem là độc hại. Vì vậy người làm móng tay nói chung đều được khuyến cáo đeo khẩu trang để tránh làm thương tổn đến sức khỏe. Theo một bài báo được đăng tải trong tờ tạp chí American Journal of Epidemilogy có đăng tải một báo cáo về y tế được thực hiện ngày 21-5-2010, thì trong 325.228 thợ móng tay có 9.044 trường hợp bị ung thư. Con số tỷ lệ ung thư là 0.85%, mà tỷ lệ ung thư phổi là 21%. Con số này thật sự đáng tin cậy. Ngoài ra, còn mắc các chứng bệnh khác liên hệ đến đường hô hấp và bệnh ngoài da bất trị khác. Đông Y sĩ Uyên Trinh cũng có đề cập đến sự nguy hại của nghề làm nail.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 305

VẤN: Cụ Võ Đang Vũ, Rosemead, LA. Tôi muốn được biết về nguồn gốc chữ “Giáp Cốt Văn” bà cụ chỉ dẫn giúp cho. Thành kính cám ơn bà cụ.

ĐÁP:

Theo “Thư Họa Đồng Nguyên” ở Trung Hoa thì nghệ thuật về họa pháp có nghĩa là nghệ thuật vẽ tranh gắn bó chặt chẽ với nghệ thuật viết chữ tượng hình tức ta gọi là “Thư pháp”. Chữ tượng hình có nguồn gốc từ chữ khắc trên mai rùa hay xương thú được gọi là “Giáp Cốt Văn”. Về lịch sử về Giáp Cốt Văn thì nghệ thuật Thư Họa Đồng Nguyên xuất hiện từ nhà Thương từ thế kỷ XI-XVI trước CN.

VẤN: Ông Hàn Đình Phương, San Jose: Nghe đồn nấm Vân Chi có thể loại bỏ được các tế bào ung thư, chẳng biết các lời đồn đãi đó đúng chăng? Xin bà cụ cho biết ý kiến.

ĐÁP:

Tôi được đọc qua Đông y sĩ Uyên Trinh đề cập đến loại nấm linh diệu này. Ông căn cứ vào câu chuyện nghiên cứu của Tiến sĩ Patrick Ling trong nhóm nghiên cứu đã viết trên tạp chí khoa học PLOS ONE như sau: “Nấm Vân Chi chưa hợp chất đa đường PSP khi chiết xuất ra có tác dụng loại bỏ được hoàn toàn các tế bào ung thư tiền liệt tuyến và ngăn cản sự phát triển của khối u.

Theo Ts. Patrick Ling cho biết các liệu pháp trị liệu thông thương trước nay chỉ tác động đến được tế bào ung thư gốc, dẫn đến ung thư vẫn tiếp tục phát triển. Nhưng hợp chất đa đường chiết xuất từ nấm Vân Chi có khả năng ngăn chận triệt để sự phát triển của tế bào ung thư gốc. Và quan trọng hơn nữa không thấy tác dụng phụ xảy ra trong quá trình điều trị.

Để đi đến kết luận trên, nhóm nghiên cứu của Ts Ling đã đem thử nghiệm vào những con chuột bạch chuyển gien ăn nấm chứa hợp chất đa đường trong suốt 20 tuần. Kết quả sau đó cho thấy những con chuột mắc ung thư tiền tuyến liệt cuối cùng hoàn toàn dứt bệnh.

Ung thư tiền tuyến liệt là căn bệnh nguy hiểm phổ biến thứ 2 sau ung thư phổi. Tuy nấm Vân Chi có giá trị to lớn đối với sức khỏe của con người, song nếu dùng đơn giản như một loại thực phẩm thông thường sẽ không có hiệu nghiệm gì mấy.

Còn tiếp
THINH QUANG


Xem Phần 60, click vào đây
Đọc các Bài cùng tác giả tại đây.
Trở về website www.nuiansongtra.com  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh