Tác giả, hình chụp ở Quảng Ngãi, 1965
Thuở xưa, ông cố của tôi là Tổng Đốc Thanh Hóa. Khi về hưu cố tôi lập ấp ở đấy. Tất cả các con cháu đều quây quần cư ngụ trong ấp của ông. Mẹ tôi gặp ba tôi - ở Huế ra làm việc - và đã sinh ra tôi năm 1948 tại Thọ Xuân, Thanh Hóa, vào thời điểm khốc liệt của chiến tranh Việt – Pháp. Thanh Hóa lúc bấy giờ thuộc quyền kiểm soát của Việt Minh, nên ba mẹ tôi quyết định trốn vào Nam năm 1952.
Con đường vượt tuyến đầy chông gai và nguy hiểm. Ba tôi cõng tôi, mẹ tôi ẵm em trai tôi lúc ấy hơn một tuổi. Nhóm người vượt tuyến lặng lẽ đi theo sau người dẫn đường xuyên qua những rừng cây đen thẳm, người đi sau không thể nhìn thấy người đi trước. Người dẫn đầu phát ra những âm thanh của thú rừng cóc nhái để người đi sau theo những tiếng kêu đó mà đi. Chỉ cần một tiếng kêu la là Việt Minh có thể bắn chết ngay. Con nít có lẽ cũng biết sợ nên không nghe tiếng ọ ẹ gì hết. Đoàn người mò ra tới biển là nhảy lên chiếc bè tre chèo suốt đêm và trưa hôm sau thì đến đảo Hòn Me. Gia đình tôi ở đây một tháng để chờ tàu Pháp đưa vào Hải Phòng. Một tháng sau gia đình tôi lên đường đi Hà Nội đáp máy bay vào Huế. Ba mẹ tôi ở đây một thời gian ngắn trước khi vào Sài gòn. Ba tôi làm việc ở Sài Gòn đến năm 1956 thì được lệnh ra Quảng Ngãi nhận nhiêm sở mới.
Gia đình tôi bắt đầu cuộc sống mới ở Quảng Ngãi. Lớp đầu tiên của tôi là lớp 3 trường Nữ Tiểu Học. Tôi thích chơi u mọi và rất gan lì, khi bị bắt tôi nhất định không chịu thua cứ ù mãi cho đến khi nào thoát thì mới chịu. Tôi nhớ có lần tôi bị chị Tị bắt. Chị cao to và lớn tuổi nhất trong lớp, chị ấy mạnh lắm, chị có thể ẵm tụi tôi như là ẵm em bé vậy. Có lần tôi bị chị bắt nhưng không chịu thua cứ ù mãi, nhưng làm sao mà thoát được chị. Tôi đành tắt tiếng nhưng vẫn nằm trên tay chị, chị phải buông tôi ra. Phịch một cái tôi rơi xuống đất, trán va vào cục sỏi, đau quá tôi mở mắt ngơ ngác nhìn xung quanh. Các bạn tôi la lớn:
- Con Thu Hương nó bị xỉu. Đầu nó chảy máu kìa!
- Tụi bây đừng mét mẹ tau nghe. Tôi năn nỉ các bạn
- Làm sao dấu được, tụi tau đưa mi về để bác săn sóc cho mi.
Trên đường về nhà tôi không sợ đau mà cứ sợ mẹ la.
Học xong tiểu học, niên học 1959-1960 tôi được vào học trường Trung Học Trần Quốc Tuấn Quảng Ngãi. Năm tháng trôi qua thật nhanh, năm 15 tuổi tôi bước chân vào lớp đệ tam B2 - ban toán với sinh ngữ chính là Pháp văn. Lớp tôi chỉ có 4 nữ sinh: Hồng Hạnh, Kim Cúc, Bội Tân và tôi. Mở đầu năm học mới là giờ học môn Pháp văn, chúng tôi nóng lòng muốn biết thầy mới là ai. Thầy bước chân vào lớp tạo dáng hiên ngang, thầy xem khá bảnh trai và rất trẻ, sau nầy tôi biết lúc ấy thầy được 23 tuổi. Thầy bắt đầu giảng bài, tôi không nhớ thầy hỏi tôi điều gì mà tôi không trả lời được.
- Thưa thầy em không biết.
- Parlez en Francais!
Thật là xui! Mới ngày học đầu mà đã bị thầy chiếu tướng.
Học được ít tháng thì Tết lại đến, học sinh không được đốt pháo trong trường nhưng mấy đứa nam sinh lớp tôi lén đem mấy viên pháo chuột vào lớp để đốt trong giờ ra chơi. Thích đốt mà đứa nào cũng thậm thà thậm thụt không dám châm ngòi, tôi thấy hơi ngứa tay.
- Mấy ông nhát gan quá, để tui đốt cho.
“Đùng”! Cả nhóm cười vang. Trống trường vang lên báo hiệu giờ vào lớp. Học sinh đứng dậy chào thầy Mạnh - thầy phụ trách môn toán. Cả lớp vừa ngồi xuống thì một học sinh trực vào lớp trình thầy một mảnh giấy, đọc xong thầy mỉm cười nhìn tôi:
- Xin mời nữ tướng lên phòng Tổng giám thị!
Tôi bị quở trách về tội đốt pháo trong trường và thầy giám thị cho biết là sẽ gởi thư về cho phụ huynh. Ba tôi nóng tính lắm, tôi sợ bị ăn vài tát tai nên vừa về đến nhà là tôi đã thú thật với ba tôi trước. Các bạn thân của tôi ai cũng hiền lành thùy mị chỉ có mỗi mình tôi là nghịch như con trai, đến nỗi bây giờ thỉnh thoảng các bạn cũ của tôi lâu ngày gặp lại muốn biết chắc là có phải tôi hay không thì cứ thêm hai chữ “hay nghịch” là không lầm vào đâu được.
Niên học mới 64-65 bắt đầu, thầy dạy Pháp văn lớp tôi năm nay là thầy Thái Văn Hoàng. Thầy có khuôn mặt đẹp trai và giọng hát trầm ấm thật hay qua một nhạc phẩm của Tô Vũ. Lớp tôi chỉ học với thầy một ngày đầu thôi, qua ngày hôm sau ông thầy cũ năm trước vào lớp, thầy nhất quyết theo dạy lớp tôi cho đến lúc tôi ra trường.
Sau khi tôi thi đậu Tú Tài toàn phần, thầy tôi đem trầu cau đển xin phép ba me tôi làm lễ đính hôn với cô học trò tinh nghịch. Thầy tôi ra lệnh cho tôi là về Huế học Luật, không được vào Sài Gòn. Thế là tôi phải khăn gói về Huế ở với cậu ruột của tôi để đi học. Những ngày ở Đại Học Huế tôi gặp lại Bội Tân đang theo ngành Y-Khoa. Học xong năm thứ nhứt thầy tôi quyết định không để tôi được tự do nữa. Ngày cưới của tôi là một ngày huy hoàng, cờ vàng bay khắp nước - ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau ngày cưới tôi vẫn vừa học vừa sản xuất, năm 22 tuổi tôi tốt nghiệp Cử Nhân Luật Khoa và 2 chứng chỉ khai sinh của 2 bé trai cọng thêm một đứa bé trong bụng. Kết quả nghe thật đáng sợ, đến nỗi tôi nổi tiếng là “sinh viên mang bầu”. Tôi sinh cháu gái út năm tôi 23 tuổi, sức lực tôi chỉ có thế, tưởng là ghê gớm lắm nhưng chẳng hơn ai. Chả bù cho cô bạn của tôi, tên gần giống MC Kỳ Duyên, cô ấy làm một hơi 8 đứa con, không ai dám qua mặt hết!
Sinh con xong tôi tập sự Luật sự tại văn phòng của Luật sư Võ Thị Lệ Thủy ở Huế, đồng thời xin dạy học ở trường Trung học Đồng Khánh. Lúc này tôi là giáo sư trẻ nhất trường và thích mặc áo dài kiểu lạ lạ một tí nên học trò cứ hay gọi tôi là “cô giáo hippy”. Sau khi mãn hạn tập sự và để chuẩn bị cho niên học mới 74-75 tôi xin thuyên chuyển theo chồng vào Sài Gòn dạy học và làm việc taị văn phòng Luật sư của ông tôi. Vợ của ông là cô ruột của mẹ tôi, văn phòng của ông tọa lạc ở đường Pasteur trên lầu của Giao Thông Ngân Hàng. Trong những ngày ra vào làm việc ở Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn tôi đã gặp lại cô bạn thân hiền lành thuở trung học với tôi, không ngờ Kim Cúc và tôi cùng chọn làm nghề “thầy cãi”. Buổi hội ngộ hôm ấy quả thật là bất ngờ và thú vị!
Sau một thời gian ngắn làm việc với ông tôi, ông đề nghị trả lương căn bản hằng tháng bằng lương dạy học của tôi - lương của giáo sư đệ nhị cấp lúc bấy giờ - cọng thêm tiền thù lao của những vụ hình, hộ nho nhỏ ông giao cho tôi làm để lấy kinh nghiệm. Một Luật sư trẻ tập tểnh bước vào đời như tôi mà gặp được một Luật sư kinh nghiệm và tận tình giúp đỡ, tôi quả thật là quá may mắn. Lòng tôi tràn đầy tự tin, đôi mắt trong sáng hướng về tương lai đang mỉm cười rạng rỡ với tôi. Nhưng không! Tất cả chỉ là phù du hư ảo. Tháng tư đen đem đau thương chết chóc trùm xuống miền Nam. Sau khi đưa ba mẹ và các em vào Sài Gòn tôi quyết định lao vào con đường vượt biên.
Họa sĩ Vũ Hối, Mỹ Anh và Thu Hương tại núi Thiên Ấn
Trải qua không biết bao nhiêu lần thất bại, gia đình tôi đã muộn màng đặt chân đến trại tị nạn Galang tháng 5 năm 1984. Tôi đã gặp gia đình anh Nguyễn Xuân Thúy - anh của Khánh Hòa - và Bạch Bảng ở nơi đây. Khánh Hòa và Bạch Bảng là bạn học cùng lứa với tôi. Gia đình tôi đến Mỹ ngày 20 tháng giêng năm 1985 tại phi trường Manchester của tiểu bang New Hampshire - tiểu bang lạnh giá của miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Hình ảnh của ngày này luôn đậm nét trong tâm trí của tôi, mỗi lần nghĩ đến tâm hồn tôi vẫn còn bồi hồi xúc động. Nguyên do là vì sau lần vượt biên thất bại vào năm 1983 - không nhớ là lần thứ mấy - toàn thể gia đình tôi vào tù, sau một tháng tôi và các con được ra trước. Tôi vừa về nhà ít hôm thì nhóm tổ chức vượt biên đến kêu đi, đây là nhóm của người bà con của tôi tổ chức. Tôi thì không thể đi được vì chồng đang ở trong tù, mà không đi thì nếu tổ chức này vỡ thì hết cơ hội, tôi đành quyết định đi được người nào hay người ấy. Tôi hỏi ý kiến 2 đứa con trai của tôi, cháu trai đầu lúc ấy 15 tuổi, cháu trai thứ hai 14 tuổi. Đứa anh nhất định không đi chờ bố về, đứa em thì thích nghe lời mẹ nên bằng lòng.
Trước ngày đi tôi dẫn con vào trại tù cải tạo ở Trà Ôn nói khéo cho chồng biết ý định của tôi. Anh ấy thương con lắm, nên nghe tôi nói vậy là anh la hoảng là không được động đậy gì hết chờ anh về hãy tính. Nhưng tôi biết chồng tôi đã nản lắm rồi vì ba chồng tôi không muốn chúng tôi ra đi, mỗi lần ở tù về là ông không muốn nhìn mặt tôi vì ông biết tôi là người chủ xướng. Ba mẹ tôi thì luôn ủng hộ tôi, mỗi lần thất bại là ba tôi ôm tôi lặng lẽ khóc nhưng tuyệt đối không ngăn cản. Sau khi thăm chồng về, tôi giao con tôi cho cô em dẫn đi, nhìn con bước lên xe đầu cứ ngoái lại lòng tôi đau như xé. Trời Phật đã quá thương tôi, sau nhiều ngày thấp thỏm lo sợ, tôi được tin con đã bình yên đến Pulau Bidong. Thế là tôi yên tâm chờ ngày chồng ra tù, bây giờ thì anh ấy không còn suy nghĩ gì nữa hết, muốn gặp lại con thì phải lao đầu ra đi.
Buổi hội ngộ sau gần 2 năm xa cách diễn ra vào một ngày Đông buốt giá, tuyết phủ trắng xóa không gian nhưng tôi chẳng hề thấy lạnh. Tôi ôm chặt con tôi vừa khóc vừa cười. Không ngờ cuộc đời tôi phải trải qua hai lần chạy trốn Cọng Sản, lần đầu còn bé quá tôi không nhớ gì, nhưng lần thứ hai quả thật là kinh hoàng. Tôi đã phải trải qua nhiều cơn ác mộng trong những năm đầu định cư ở Mỹ.
Bây giờ ngồi nghĩ lại quãng đường tôi đã đi qua, tôi luôn nhớ thương tuổi 13 của tôi. Tôi nghĩ tuổi 13 là tuổi đẹp nhất của thời con gái, chả thế mà người ta thường nói “nữ thập tam nam thập lục”. Tuổi 13 cũng đã là nguồn thi hứng cho nhà thơ Nguyên Sa.
… Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba…
Tôi mơ ước được trở lại tuổi 13 để được ra sông Trà Khúc nô đùa. Vào những đêm hè trăng sáng ba mẹ tôi cho chúng tôi leo lên thùng xe phía sau của chiếc xe ba tôi dùng đi công tác. Sáu chị em chúng tôi, 2 gái bốn trai vui mừng leo lên xe như bầy heo con. Ra đến bờ sông chúng tôi tha hồ chạy nhảy để cho ba mẹ tôi mặc tình tâm sự.
Núi Thiên Ấn ẩn hiện xa xa, nước sông lấp lánh ánh trăng vàng, những vòm cây rung động nhẹ nhàng theo gió dọc theo bờ sông và một bầy trẻ con chạy nhảy trên bờ cát. Ôi phong cảnh thật là nên thơ và trữ tình biết bao, đến nỗi ba mẹ tôi không ngăn được nỗi rung động nên năm tôi 14 tuổi mẹ tôi cho ra đời thêm một bé trai lúc ấy mẹ tôi đã 36 tuổi nên bà có vẻ mắc cỡ khi có em bé. Từ đó chúng tôi không được ba mẹ chở ra sông Trà Khúc nô đùa nữa, không biết có phải vì tôi đã lớn hay là ba mẹ tôi sợ phong cảnh hữu tình của thiên nhiên? Tôi muốn trở về tuổi 13 để ngày 2 buổi đi bộ từ trường về dừng chân ghé lại không biết bao nhiêu trạm trò chuyện cho đã rồi mới chịu về nhà. Nhà của các bạn tôi theo thứ tự từ trường cho đến nhà tôi là Kim Cúc, Tần, Thanh Liễu và Minh Châu. Tôi mơ ước được trở về tuổi 13 để tôi được cùng các bạn đạp xe dọc theo bờ ruộng xanh thẳm, những cánh đồng mía bao la, hay cùng nhau chạy vào Sông Vệ, Mộ Đức những ngày Tết ăn bánh chưng, bánh tét chiên.
Ôi thuở ấy quê hương thật thanh bình biết bao! Tôi vẫn luôn nhớ đến Quảng Ngãi nơi đã cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp không bao giờ phai nhạt, tình cảm thầy trò đậm đà, những đứa bạn thân thương, và nhất là nơi đã cho tôi một mái ấm gia đình với người thầy luôn dìu dắt tôi qua suốt cuộc hành trình đôi lúc lắm chông gai. Tôi chân thành cám ơn Quảng Ngãi - thành phố nhỏ bé xa xưa thân yêu của tôi.
Nguyễn Thu Hương
Cựu học sinh TH.TQT.QN 59-66
* * *
Phụ Lục: Bạn đồng môn của nhà tôi là anh Bất Tiếu Bảo sau khi đọc mẩu chuyện nhỏ của tôi đã gởi tặng chúng tôi bài thơ nhân ngày Valentine. Anh rất am hiểu Hán tự và thơ văn nên anh đã cho những lời dẫn giải thật thú vị nên tôi ghi vào đây để quí độc giả thưởng thức.
Quảng Ngãi Chuyện Ngày Xưa
Anh về Quê mía Xứ đường
Thương Thu trăm dặm nhớ Hương mặn mà (1)
Anh về Núi Ấn Sông Trà (2)
Năm mười lăm tuổi em đà thương anh
Mười ba còn ước ruộng xanh
Còn mơ đồng mía lanh chanh bạn bè
Trà Khúc vui những đêm Hè
Trăng sao thầy mẹ đêm về thương nhau
Thời gian ơi! nghĩ trôi mau
Mộ Đức Sông Vệ cùng nhau giỡn đùa
Khế ơi xin đừng có chua
Chanh ơi xin ngọt em mua tình đời
Qua bao nhiêu cảnh chơi vơi
Em đây anh đấy ngàn lời mến thương
Ngạt ngào đôi mắt đưa hương (3)
Ngàn Thu thạc đức còn vương tơ lòng (4)
Bất Tiếu Bảo
Valentine’s Day 02/14/2011
1. Ðỗ Phủ: Vạn lý bi thu thường tác khách, ở xa muôn dặm, ta thường làm khách thương thu
2. Năm 1850, vua Tự Đức đã liệt núi Thiên Ấn vào hàng danh sơn (ghi vào tự điển) và sông Trà Khúc vào hàng đại xuyên (con sông lớn, khắc vào dụ đỉnh cùng với sông Vệ).
3. Thơ Tế Hanh (quê Bình Sơn – Quảng Ngãi) thời tiền chiến, đã có những rung cảm lãng mạn trong bài "Cảm Thông":
"Ngạt ngào đôi mắt đưa hương,
Bông hoa đất nở giữa vườn lòng tươi
4. Thạc (Hán tự), nghĩa to lớn. Như “thạc đức”: đức lớn; người có danh dự to gọi là “thạc vọng”.
Anh Nguyễn Xuân Hồng (bạn đồng môn của nhà tôi
và cũng là anh của Khánh Hòa) tại núi Thiên Ấn.
...và Thiên Bút (năm 1959)
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Trở về homepage www.nuiansongtra.net