VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 62)
Thinh Quang
* * *
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 306
VẤN: Bà Văn Mỹ Ðạt, San Jose: Tôi được nghe nhiều về một số rau quả có thể trị được các chứng nan y cũng như một số loại thực phẩm khác, xin bà cụ giúp cho. Cám ơn cụ rất nhiều.
ÐÁP:
Có rất nhiều loại thực phẩm mà tôi đã được dịp đọc thu nhận được xin ghi lại gửi bà chị:
1. BỆNH VẨY NẾN. Chứng bệnh này đã làm khốn khổ không biết bao nhiêu người chạy đủ các bác sĩ, các đông y nhưng hầu hết không thể nào chữa trị được. Căn bệnh “vẩy nến” gây nên ngứa ngáy khiến người bị bệnh bị tổn hao sức khỏe không thể nào nghỉ ngơi được. Bệnh thường đợi khi rổi rảnh mới hoành hành, vì vậy mà người bệnh không thể nào rảnh tay đối với cơn ngứa nổi lên khắp cả mình mẩy. Bệnh càng gải càng đổ cả vẩy trong áo quần, giường nệm. Có điều đặc biệt, khi người bệnh làm việc thì…hình như chẳng thấy bị căn bệnh ngứa ngáy hoành hành, nhưng sau khi nghỉ ngơi thì…căn bệnh tai hại này nổi cơn hoành hành đến độ không thể nào chịu nổi. Dường như có nhiều người cho rằng theo phương thuốc gia truyền có thể trị được chứng nan y này’. Xin ghi lại để bà chị nghiên cứu:
Phương Pháp Trị Liệu:
a: Cạo một chén vỏ cây tre có thân màu vàng mà ta thường gọi là Cây Trúc.
b: Hái một nắm “Lá Ớt” sao chín.
c: Tìm hái từ 7 đến 10 lá “Sống Ðời”.
d: Ðến tiệm thuốc Ðông y mua 300 grs thiên niên kiện
Cho tất cả 4 vị thảo mộc nói trên vào trong siêu sắc thuốc, đổ vào 2 lít rưởi nước, uống liên tục trong 5 ngày, sẽ thấy hiệu nghiệm.
2: CHỮA BỆNH TRÚNG PHONG:
a: Hái ngay một nắm lá ớt thuộc loại “Ớt Chỉ Thiên”, nhưng thuộc loại ơt nhỏ. Nên biết là ớt chỉ thiên trái mọc ngược chỉ lên trời. Lấy thêm muối ăn và thêm chút ít nước bỏ vào cối đá nhỏ giã cho nhuyễn, đoạn vắt lấy nước nhỏ vào miệng bệnh nhân, còn xác cho vào chân răng, tức thì người bệnh sẽ tỉnh ngay lại.
b: BỊ RẮN CẮN:
Hái lá ớt mang giã nhỏ đắp vào ngay vết thương, có tác dụng chận nọc không cho chạy vào máu trước khi chở đi bệnh viện.
VẤN: Cụ Hoàng Ngọc Yến, Virginia: Bà cụ có nhớ các dân ca cổ truyền của Trung Hoa không? Nếu được xin bà cụ trích và giải cho vài ba bài. Cám ơn bà cụ nhiều.
ÐÁP:
Trong thi ca bình dân của Trung Hoa cho thấy có lắm bức tranh tuyệt tác. Như bài “Ngũ Tử Chi Ca” trong Ngũ Cổ Văn Thượng Thư, hoặc như bài Cát Thiên Thị Chi trong Lã Thị Xuân Thu hay bài Lạp Từ của Y kỳ thị:
Thổ phản kỳ trạch
Thủy quy kỳ hát.
Côn trùng vô tác
Thảo mạch quy kỳ trạch.
Có nghĩa: Ðất lại trở về mồ, nước thì trở lại vũng sâu. Côn trùng không hề phá, còn thảo mộc trở về với ao hồ…
Bài ca dao này, cho chúng ta thấy được nếp sống an lạc của thời cổ đại nói lên của cảnh thanh bình…v.v..
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 307
VẤN: Bà Bùi Vinh Qui, Virginia: Tôi từng nghe cây Bạc Hà loại thực vật có thể làm cho người bệnh gout đau đớn phải không? Xin bà cụ nếu biết xin chỉ hộ cho. Cám ơn bà cụ nhiều.
Đáp:
Tôi vốn có nghe nhiều người đề cập đến, nhưng may mắn bà chị hỏi lại nhằm lúc tôi đọc được bài nói về sự tai hại của món ăn có cây bạc hà, mà tác giả là ông GIAI NGÔ đã sưu tập từ ông Hoàng Nam. Theo ông thì Canh Chua Bạc Hà, thật lợi hại khó lường. Thành phần chủ yếu trong món canh chua này là món ăn làm tăng acid uric – là thủ phạm gây nên chứng “Gout”thường gọi là “Thống Phong”. Bệnh “Thống Phong” do chất acid uric trong máu khiến khớp ngón chân,ngón tay bị sưng đau đến độ không thể nào chịu nổi. Đó là chưa kể đến các hậu quả khác như “gai cột sống, sỏi thận, bệnh ngoài da” hay thường gặp hơn nữa là bị tình trạng mệt mỏi v.v…
Chất acid uric là một loại phế thải từ chuỗi phản ứng thoái biến chất đạm thuộc nhóm purin tăng cao trong máu. Bởi không được kịp thời bài tiết đúng mức nên chất này kết tụ trong khớp, trên đường tiết niệu,dưới dạ…làm khổ cho bệnh nhân, như: “Hoại huyết sau cơn sốt rét sau lần chấn thương, hoặc ăn quá nhiều chất đạm từ lòng heo, da gà, cá mòi, lạp xưởng…Kể cả những người bị bệnh tiểu đường, cường tuyến giáp, cũng như lạm dụng dược phẩm thuộc các loại thuốc cảm, thuốc corticoid..Và luôn cả bệnh tiền tiết niệu như phì đại tiền liệt tuyến, viêm bàng quang, lạm dụng rượu bia…cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo sự nghiên cứu cho thấy trong số 20 người có số quen ăn canh chua nhưng là canh chua măng, hay canh chua lá giang thay cho bạc hà thì tỷ lệ tăng acid uric chỉ tăng 15% trong máu.
Căn cứ theo phân tích tiền sử bệnh cho thấy 7 trong 10 trường hợp lên cơn đau như đau cắt ngang khớp kèm theo triệu chứng sưng nóng đỏ sau khi ăn canh chua bạc hà. Những người có thói quen uống bia và đã bị bệnh gout thì ăn món canh chua bạc hà bị hàm lượng acid uric cao hơn nhiều. Nói như vậy không hẳn bắt buộc phải từ bỏ món ăn canh chua bạc hà độc đáo của dân Việt mình, mà chỉ khuyến cáo những người bị bệnh gout nên giảm số lần “Canh Chua Bạc Hà” trên bàn ăn để giữ cho được tương đối an toàn.
VẤN: Cụ Hà Văn Tiên, San Jose: Được biết nước ta từ trước các triều đại nhà Nguyễn không biết báo là gì? Tât nhiên là không có chuyện báo phát hành cho dân chúng đọc. Nhưng đến đời Nhà Nguyễn thì bắt đầu manh nha muốn tìm hiểu báo chí. Tôi muốn được biết thời gian nào thì nền báo chí của Việt Nam ta xuất hiện? Bà cụ biết không?
ĐÁP:
Nước ta ngày xa xưa chưa có báo. Muốn đọc báo các vua đời nhà Nguyễn kể từ triều đại Minh Mạng cho lệnh các thương thuyền khi mang hàng hóa đến Hương Cảng nhân tiện mua báo viết bằng Anh ngữ mang về, rồi nhờ các nhà truyền giáo Tây phương đang hiện diện trong tù dịch ra để đọc. Năm 1865 sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ mới có tờ Gia Định báo ra đời. Đó là tờ báo đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện. Thực ra, Pháp không muốn có tờ báo thông tin nào tại tân thuộc địa này, mà chỉ cần ấn hành một nguyệt san để đăng các thông tin phổ biến mà thôi. Do đó mới có Gia Định báo là tờ công báo đầu tiên ra đời, mỗi tháng xuất hiện một hay hai số tùy theo nhu cầu của nhà cầm quyền Pháp.
Sau Gia Định báo là tờ Phan Yên báo xuất bản năm 1868. Tờ báo này do ông Diệp Văn Cương phụ trách. Chẳng bao lâu tờ này bị nhà cầm quyền Pháp đóng cửa.
Lúc bấy giờ trong dân chúng thường gọi báo hàng ngày là “Nhật trình”. Đến năm 1883 thì tờ Nhật trình Nam Kỳ xuất hiện và nhiều tờ Nhật trình khác được lần lược ra đời, như Nam Kỳ địa phận, tờ báo Công giáo, tờ Miscellannées xuất bản năm 1888 v.v…
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 308
VẤN: Bà Vương Thanh Thủy, Maryland: Ông nhà tôi bị sạn túi mật khiến ông vô cùng đau đớn. Theo lời bác sĩ thì nên giải phẩu vì các viên sỏi đã lớn, cần phải cắt bỏ đi. Có người khuyên nên tìm phương thuốc nôm chữa trị trước khi đưa đến bệnh viện. Bà cụ có nghe thấy loại thuốc như lời đồn đãi này không?
ĐÁP:
Tôi có nghe loại thuốc Nôm chữa trị bệnh sạn túi mật như bà chị hỏi. Đó là vị thuốc thuộc loại thực vật không xa lạ gì đối với chúng ta. Đó là “ĐU ĐỦ” .
Đu Đủ chẳng những đánh tan được sạn mật hay sạn thận mà còn trị được tất cả các bệnh như sốt rét rừng hay sốt kinh niên. Tôi cũng được biết qua về sự hiệu nghiệm của loại thực vật này từ Hoàng Nam sưu tầm, cho rằng đối vói bệnh sốt rét hay sốt kinh niên chỉ cần ăn đu đủ một lần là khỏi bệnh. Ngoài ra Đu đủ còn giải được nọc rắn, chữa khỏi được bệnh “Trường phong hạ huyết”, giúp lợi trung tiện, nhuận trường, lợi tiểu, trục tất cả sán lải và trị cả ho gà nữa. Đặc biệt đu đủ còn trị được các chứng di, mộng và hượt tinh v.v…
CÁCH DÙNG ĐU ĐỦ CHỮA TRỊ CÁC BỆNH:
1: BỊ SẠN THẬN HAY SẠN MẬT:
Lấy trái đu đủ còn xanh, khoét bỏ hột nhưng giữ nguyên vỏ, bỏ vào trong ruột một nhúm nhỏ muối mang đi chưng cách thủy. Khi chưng thấy đủ mềm tắt lửa để nguội rồi ăn hết luôn cả vỏ. Cứ làm như vậy suốt cả một tuần liên tục thì bệnh sạn thận hay sạn mật không còn nữa.
2: BỆNH SỐT RÉT RỪNG:
Bệnh sốt rét rừng do bị muỗi anophène đốt. Đã có không ít người bị bệnh này hái một trái đu đủ xanh rồi hứng 7 giọt mủ tức nhựa trong một cái chung pha với nước uống. Nên nhớ là theo qui tắc “Nam Thất Nữ Cửu”. Có thể chỉ cần uống một lần là dứt bệnh.
3. BỆNH TRƯỜNG PHONG HẠ HUYẾT:
Trường phong hạ huyết là do chứng bệnh do phong độ, đi cầu thấy máu tươi xối xả, khác với chứng máu bầm của bệnh loét dạ dày. Đây là bệnh hiểm nghèo nếu không biết phương pháp cầm máu e lâm nguy đến tính mạng. Nếu gặp hai trường hợp này lập tức hái một trái đu đủ hứng 7 giọt cho nam hay 9 giọt cho nữ, pha với nước cho uống. Có thể đây là phương thuốc ưng nghiệm như thần.
4. TRỪ RẮN ĐỘC:
Rủi ro bị rắn độc cắn, lấy ngay lá đu đủ, nam 7, nữ 9 dùng chòi nhọn của khoảng một ngón tay nhai với muối, nuốt lấy nước còn bã tức xác đắp vào vết cắn của rắn.
5. SANH CON KHÓ:
Đến thời kỳ khai hoa nở nhị mà không thể sinh được, người miền quê trước kia bị trở ngại đường sá, hoặc bởi hoàn cảnh không thể đưa đến bệnh viện được, các bà mụ chỉ cần hái một trái đu đủ xanh, bổ theo chiều dọc rồi cột vào gan bàn chân người sản phụ, mỗi bên một nửa. Điều quan trọng cần biết là cuống của quả đu đủ phải quay về gót chân. Khi sinh xong phải lập tức gở bỏ, đoạn chùi sạch gan bàn chân ngay, bèn không sức hút của đu đủ có thể kéo luôn cả ruột của sản phụ ra bên ngoài.
VẤN: Cụ Huỳnh Trịnh Đồng, San Jose: Thời Bàn Cổ con người ăn sống sít chẳng khác nào các sinh vật khác. Nhưng sau đó con người thoát khỏi cảnh ăn uống sống sít. Bà cụ có biết quá trình này không?
ĐÁP:
Cứ theo tập tục ăn uống của người Đông phương thì tương truyền Toại Nhân là ông Tổ mang con người ra khỏi đời sống nguyên thủy. Ông đã dùng hai miếng gỗ cọ vào nhau làm thành lửa, dạy cho dân nấu chín thức ăn, nhen nhúm lửa chống lại thời tiết lạnh giá, đồng thời đốt lửa để phòng thú dữ…
Tiếp đến là Phục Hy dạy đan lưới bắt cá, dạy cách chăn nuôi gia súc. Rồi Thần Nông xuất hiện nếm cỏ, cây, để phân biệt thức ăn và vị thuốc. Hoàng Đế dạy dân ăn ngũ cốc để nuôi dưỡng sự sống cho nhân loại v.v…
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 309
VẤN: Vũ Bảo Anh, Garvey, Monterey Park, California:. Bà cụ có biết tiểu sử của Homère, tác giả của hai bản hùng ca Hy Lạp không? Xin chỉ giáo hộ.
ĐÁP:
Homère là tác giả của hai bản hùng ca “Iliade” và “Odyssée”. Có nhiều người cho là cha đẻ của nền thi ca Hy Lạp. Thật ra, người ta vẫn chưa biết phải xác định như thế nào bởi vì nó là cả một vấn đề phức tạp lại không đơn giản. Chính vấn đề này gây ra nhiều tranh luận đến nỗi các nhà văn học gọi đó là “vấn đề Homère” kể từ đời cổ đại cho đến đầu thế kỷ XX. Đại khái là như vậy.
VẤN: Ông Đỗ Phú Đức, chez Thái Drexell Hills PA. Nói về vụ phá hai pho tượng Phật cổ lớn nhất thế giới được điêu khắc trên sườn núi tại Afghanistan của phe Taliban tôi sực nhớ đến nền Mỹ Nghệ đời Đường, nhất là bộ môn điêu khắc. Bà cụ có nhớ về điều ày không?
ĐÁP:
Mỹ thuật Tùy Đường có những thành tựu đáng kể về các mặt hội họa, công nghệ, nhất là về phương diện điêu khắc. Đề tài thường có xu hướng về đạo Phật, cũng như về đời sống của giai cấp quý tộc và lịch sử… Đáng kể nhất là nhà hội họa Diêm Lập Bản vào thời đầu nhà Đường được ca tụng là người có tài năng trác tuyệt về mọi phương diện từ hội họa, kiến trúc đến thiết kế, công nghệ v.v…Ông làm quan đến chức Hữu Thừa tướng triều đại Đường Thái Tông. Bức tranh “Thập Bát Học Sĩ Tiếu Tượng” là do ông vẽ. Đó là họa phẩm vẽ các mưu sĩ tại phủ Tần vương lúc bấy giờ…
Ngoài ra ông còn vẽ nhiều bức họa nữa và bức tranh nào cũng được xem là tuyệt tác xuất thần.
Trong thời Thịnh Đường còn nhiều nhà hội họa tài ba khác như Ngô Đạo Tử lúc bấy giờ được xem là tay cự phách trong lịch sử nền nghệ thuật cổ đại. Nhà thơ Vương Duy tức Ma Cật, Trương Thao cũng thuộc hàng trứ danh, đa phần vẽ tranh sơn thủy bằng mực tuyệt đối không sử dụng màu sắc, được gọi là Bát Mặc Sơn Thủy.
Nói về Thơ và Họa của Vương Duy các nhà thi văn xưa nay thường ca tụng khi đọc các lời thơ cũng như khi chiêm ngưỡng các bức tranh, Đúng là “trong thơ có vẽ, trong vẽ có thơ” (thi trung hữu họa, họa trung hữu thi).
Đời Đường có vẽ hoa điểu, đa phần vẽ tiên hạc, các giống chim công, chim ưng, trúc hoa. Về Bích họa tôn giáo đời Đường rất thịnh hành, như bích họa miếu tự ở Trường An, Lạc Đường… Về nghệ thuật điêu khắc phần nhiều hướng về thạch động, chùa chiền, lăng mộ cũng như ở cung đình luôn cả trong công nghệ đồ gốm, đồ sứ…Tất cả đều đạt đến công trình nghệ thuật cao…nhất là đa phần lăng mộ đời Đường dựa vào tường vách núi. Các lăng nhà Vua thường điêu khắc các tượng đá và nghi tượng…được xem là đại qui mô. Có nhiều thiết kế liệt vào hàng trác tuyệt. Nhất là sáu con tuấn mã điêu khắc trước Chiêu lăng, Đường Thái Tông, là hình ảnh của những con tuấn mã lập công lớn.
Nhờ sáu vị Thần mã này giúp cho Đường Thái Tông Lý Thế Dân thống nhất được thiên hạ. Đó là chưa nói đến những con sư tử trước Càng lăng, Đường Cao Tông, đầu ngẩng cao lên, ngực ưởng nở nang, hai chân trước giương cao, tỏ ra hình ảnh của một viên kiện tướng xông pha trước trận mạc…Điều mà mọi người muốn biết là liệu nền mỹ nghệ của Trung Hoa có những tượng Phật nào vĩ đại không? Có thể là có tuy không sánh tày với hai pho tượng Phật Lô Xá Na cao 17 thước và 8 pho tượng đá đệ tử Bồ Tát, Tiên Vương, lực sĩ đứng lưng chừng ở giữa sườn núi…nhưng nền mỹ nghệ đất nước có nền văn minh tối cổ này đã tạo được những công trình xuất chúng khó có nền mỹ nghệ nào lúc bấy giờ có thể sánh kịp…
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 310
VẤN: Cụ Tiến Lợi, (nguyên Chủ Bút báo Tin Điển Sài Gòn” tại Virginia: Tôi muốn được nhắc lại các vị Chủ Nhiệm của các nhật báo Dân Chúng, Tiếng Dân, Đồng Nai, Sài Gòn Mai và tuần báo Vịt Vịt…cũng như Tổng thư ký lúc ban đầu của tờ Trắng Đen là ai? Bà chị có nhớ là ai không? Nếu còn nhớ xin chỉ giúp lại hộ. Cám ơn bà chị nhiều.
ĐÁP:
Kính chào ông bạn đồng nghiệp Tiến Lợi. Ông bạn vẫn khỏe chứ?! Các chủ nhiệm của các nhật báo cũng như tuần báo mà ông cần nhắc lại như sau:
Nhật Báo Dân Chúng: Cụ Trần Thế Xương.
Nhât Báo Tiếng Dân: Trung Tá Châu tức Mặc Thu.
Nhật Báo Đồng Nai: Huỳnh Thành Vị (Thư ký Từ Thành)
Nhật Báo Sài Gòn Mai: Ngô Quân.
Tuần Báo Vịt Vịt: Nguyễn Kim Sinh.
Tổng Thư Ký của Nhật Báo Trắng Đen đầu tiên là ký giả Đinh Nguyên Hồng, nhưng sau này Trắng Đen do ông Việt Định Phương đứng Chủ Nhiệm thì do nhà báo Vị Thủy đảm trách cho đến khi mất nước.
VẤN: Cụ Vũ Hồng Nhật, San Jose: Bà cụ có nhớ tên của nhóm Trúc Lâm Thất Hiền và tiểu sử của các nhà làm văn học này không?
ĐÁP:
Nhóm Trúc Lâm Thất Hiền gồm: Nguyễn Tịch, Kê Khang, Sơn Đào, Hướng Tú, Lưu Linh, Vương Nhung và Nguyễn Hàm. Đặc biệt trong nhóm làm văn học lừng danh này có hai họ Nguyễn – được giới văn học ca tụng. Họ Nguyễn là một chính tộc người Hán xuất hiện từ Lưỡng Tấn và Nam Bắc Triều. Đây là thời đại mà Đạo giáo và tư tưởng Phật giáo tranh hùng, họ hợp tác với nhau để chống lại Nho giáo.
Nhóm Trúc Lâm thất hiền chịu ảnh hưởng của của tư tưởng Lão Trang ngay từ thời đại Tấn sơ. Trúc Lâm thất hiền là bảy nhà văn của thời Ngụy mạt, Tấn sơ. Bảy nhà văn học khét tiếng này nhân vì cùng một chí hướng tương đầu thường cùng ngao du nơi rừng trúc, do đó mà người đời tôn xưng là Trúc Lâm thất hiền. Họ hoạt động vào khoảng Ngụy Phế Đế, niên hiệu là Chính thỉ nguyên niên dẫn đến đời Tấn Võ đế v.v…
Tưởng cũng nên biết Nhà văn học nổi danh Nguyễn Tịch người huyện Trần Lưu - con của Nguyễn Vũ là một trong Kiến An thất tử. Nguyễn Hàm là cháu của Nguyễn Tịch vì vậy người thời bấy giờ mới đặt ra cách xưng hô gọi Đại Nguyễn và Tiểu Nguyễn để cho biết hai Nguyễn này không phải cùng ngang nhau vai vế. Nguyễn Tịch suốt ngày túy lúy với bình rượu túi thơ. Tư Mã Chiêu muốn kết thân với Nguyễn Tịch nhưng không thể nào được bởi cố ý ngủ say liên miên suốt 60 ngày đêm không phải vì rượu mà vì với mục đích lánh xa, không thích dính dáng với Tư Mã Chiêu. Sau thời gian này Tư Mã Chiêu từ bỏ ý định kết thân với Nguyễn Tịch.
VẤN: Ông Vũ Như Vân, Reseda: Cây trúc là hình ảnh tượng trưng chỉ cho cái đẹp thanh tao của người quân tử. Tại sao vậy?
ĐÁP:
Ca dao có câu:
Trúc xinh, trúc mọc đầu đình,
Em xinh, em đứng một mình cũng xinh.
Quan niệm của người xưa cho rằng cây trúc là hình ảnh tượng trưng cho cái đẹp của người quân tử theo như lý tưởng Nho giáo. Dưới đây là bài thơ trong kinh thi đã ca tụng trong bài “Vệ Nhất Chi”:
Chiêm bí kỳ úc,
Lục trúc y y;
Hữu phi quân tử,
Như thiết như tha.
Như trúc như ma,
Dắt hề giảm hề!
Hữu phỉ quân tử,
Chung bất khả huyến hề…
Kìa xem khóm trúc xanh xanh,
Trúc non xinh tốt mọc quanh sông Kỳ.
Người sao quân tử nhường kia,
Nhương như chuốt gọt ngọc khuê rũa mài.
Lẫm liệt thay rực rỡ thay,
Hỡi người quân tử biết ngày nào quên.
(Tản Đà dịch)
Còn tiếp
THINH QUANG
Xem Phần 61, click vào đây.
Đọc các Bài cùng tác giả tại đây.
Trở về website www.nuiansongtra.com