Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 64)
THINH QUANG


VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 64)
Thinh Quang

 

*  *  *


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 316

VẤN: Ông Lê Hà Vọng, LA. Trung Hoa có sách viết về các câu chuyện thần thoại. Bà cụ có thể cho biết loại sách thần thoại nhan đề này là gì? Ðồng thời xin bà cụ kể lại một vài câu chuyện thần thoại được xem là có ý nghĩa. Cám ơn bà cụ nhiều.

ÐÁP:

Cách đây vào khoảng hai nghìn năm trước người Trung Hoa có nhiều chuyện thần thoại nói về các loại thảo mộc, chim chóc. Quyển “Sơn Hải Kinh” là một tập sách chuyên ghi chép các chuyện thời cổ đại. Trong sách có nói đến một câu chuyện về ngọn núi tên là Chiêu Dao Sơn. Trên ngọn núi này có một loại cỏ Chúc Dư Thảo. Loại cỏ này có hình dáng giống như cây hẹ, hoa nhỏ màu xanh. Khi ăn con người có cảm giác như mình ăn cơm vậy.

Ngoài ra, còn có một loại cây, thân nó có những vân vòng tròn màu đen. Các vân này có một cái tên kỳ quái được gọi là “Mễ Cốc”. Nếu đeo loại “Mễ Cốc” này trên người thì có thể tránh được các loài tà ma, quỷ quái.

Trong sách còn kể ràng:

Tại phương Bắc có một nước tên là “Hắc Xỉ Quốc”. Dân tộc nước này đều mọc răng đen. Ở Hắc Xỉ Quốc có một thung lũng. Trong thung lũng có một cái hồ. Xung quanh hồ mọc một loại cây gọi là cây Phù Tang. Theo truyền thuyết thời cổ kể rằng:

-“Trên trời có mười ông Mặt Trời. Mười ông Mắt Trời này thường tới hồ này để tắm mát”.

Sách còn chép rằng:

”Một ngọn núi gọi là Ðạn Huyệt Sơn, trên núi có một con chim, trông giống gà nhưng lại đẹp hơn gà hằng trăm lần. Sắc lông ngũ sắc, gọi là con Phượng Hoàng. Ðầu con phượng hoàng có vân gọi là “ÐỨC”. Lông ở cánh có vân gọi là “NGHĨA”. Lông trên lưng có vân gọi là “LỄ”. Lông ở ngực có vân gọi là “NHÂN”. Lông ở bụng có vân gọi là “TÍN”. Chim này không những biết hót tiếng rất hay, rất êm tai mà còn biết nhảy múa trông vô cùng đẹp mắt. Người xưa đã xem con Phương Hoàng như một con chim Thần. Mỗi lần con chim thần xuất hiện trong nhân gian thì thiên hạ được hưởng cảnh thái bình”.

Những chuyện trên đây tuy là thần thoại nhưng nói lên tình cảm của con người đối với muôn loài muôn vật trên trái đất này rất là thắm thiết.

Vấn: Cụ Nguyễn Mạnh Hùng, Virginia: Xin bà cụ nhắc hộ ý nghĩa các quẻ như Trạch Lôi Tùy và Trạch Hỏa Cách hộ cho.

ÐÁP:

1. Trạch Lôi Tùy có ý ngĩa như sau:

Quẻ Ðoài (bùn lầy) và quẻ Chấn (sấm sét) nhập chung lại gọi là Quẻ Tùy. Tùy có nghĩa là theo, phục tùng, qui thuận.

Trên cõi đời này thường con người tuân theo lẽ phải. Trong Một quốc gia toàn dân tuân theo luật pháp thì quốc gia ấy sẽ trật tự. Cũng có thể như ông vua theo chính đạo, tuân theo lời dạy của thánh nhân, mà làm việc nghĩa ấy là một mnh quân.

Cũng có nghĩa một tên ăn cướp giết người mà biết cải tà quy chánh theo lẽ phải trở về với chánh đạo, được xem như người lương thiện.

2. Trạch Hỏa Cách : Do Quẻ Ðoài (đầm, bùn) và Quẻ Ly (lửa) nhập chung gọi là quẻ Cách. Cách có nghĩa là cải cách, thay đổi, thay cũ, đổi mới, cũng có nghĩa là biến đổi.

Ðại ý nói rằng nếu nhận thấy cái gì quá cũ kỹ mục nát thì nên thay đổi.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 317

Cụ Vũ Năng Hà, Orange County: Tôi muốn được am tường rõ hơn về người Ấn Độ, mà thời Pháp thuộc người mình hay gọi là anh Bảy Chà. Nghe nói, Ấn Độ có một nền văn minh sớm sủa hơn các dân tộc quanh vùng. Bà có biết về lịch sử của đất nước này không?

ĐÁP:

Đế quốc Ấn Độ, bao gồm Miến Điện cũng như Aden, về sau là Pakistan và Ấn Độ ngày nay, dưới sự lãnh đạo của một tổng trưởng, chịu trách nhiệm trước nghị viện Anh. Vào giữa thế kỷ XIX, Anh bắt đầu áp dụng luật hình sự và thương mại theo chế độ của Anh Quốc, chỉ dùng người Ấn Độ làm viên chức cấp dưới. Đến năm 1890, dành cho nước này quyền tự trị nhưng phải theo qui định về chính trị của Hoàng gia Anh.

Ấn Độ là quốc gia ở Nam Á, giáp giới với Trung Quốc, Népal, Butan, Bangladesh, Mayanma, Afghanistan… Diện tích đến 3.165 triệu Km2, có cả tỷ người, phần lớn là người Hindu (200 triệu) Andra (60 triệu) Meratha (55 triệu) v.v…

 

Ấn là một xứ sở nông nghiệp gần như đều thiên về trồng đay…Vốn là một quốc gia lắm giai cấp, trong đó giới tiện dân bị xem là lớp người thấp nhất trong xã hội không được hưởng quyền lợi như các giai cấp khác. Nói chung giai cấp tiện nhân bị đày ải, luôn luôn đói khát…Họ không bao giờ được đoái hoài đến.

Ấn Độ có Sông Hằng được xem là dòng sông linh thiêng nhất của đất nước này. Chẳng những dân chúng ở ven dòng sông Hằng sử dụng tắm rửa, lấy nước nấu ăn hay dùng để uống, mà các dân khác khắp đất nước Ấn Độ thường xuyên đến viếng và sử dụng như người địa phương, cho đó là dịp được ân huệ của thiêng liêng bàn phát. Xác bò chết trôi lềnh bềnh trên mặt nước song chẳng ai dám vớt theo tập tục v.v…

Bản chất của Ấn Độ hài hòa, có lẽ vì vậy mà không có ý chí đấu tranh, nếu có thì chỉ là cách biểu thị phương cách bất bạo động, hay tá nhơn chi thủ. Ấn Độ có nhiều ngôn ngữ nhưng sử dụng tiếng Hindu là chính. Danh từ Bảy Chà hay Chà Và là tiếng chỉ riêng của người Việt, có lẽ vì hiểu lầm người Ấn là gốc gác người đảo Java mà người Trung Hoa gọi là Giáo Oa.
 

VẤN: Cư sĩ Tịnh Hải, Orange County: Thưa bà cụ, thế nào gọi là “Cầu Kỳ Phóng Tâm”?

ĐÁP:

“Cầu kỳ phóng tâm”, đó là lời phát biểu của Mạnh Tử. Thánh nhân này bảo rằng không nên để bị vọng động. Ấy đó là “Khí Hóa”. Vậy khí hóa đó trải qua các giai đoạn:

1. Chính định, nói lên phải để cho tinh thần tập trung mà không còn vọng động.
2. Chính thụ, đi thẳng vào đối tượng mình đang chiêm ngưỡng. Muốn như vậy là giữ sự cảm xúc cho được chính trực nghiêm túc.
3. Chính tâm hành xử, tập trung cho được sự cảm xúc của mình hầu hòa hợp với đối tượng của mình.
4. Tức lự ngưng tâm, đạt cho kỳ được về hoàn toàn chuyên chú để không còn bị xao lãng.
5. Đẳng trì: phải quân bình tinh thần.
6. Samatha là Chỉ tức ngưng thở

Ý nói không ngoài mục đích khai phóng sang bình diện siêu phàm vậy.


MỘNG TUYỀN VẤN ÐÁP SAO LỤC 318

VẤN: Cụ Lê Hồng Vân, Orange County: Trong tuần báo Sài Gòn Nhỏ số số 1312 phát hành tại Orange County ngày 16-9-2011 trong mục Phiếm Dị, bà Ðào Nương có đề ra câu hỏi về vấn đề “BA MƯƠI SÁU ÔNG TRÍ THỨC” mục đích cảnh báo Bắc Bộ Phủ về họa diệt vong của đất nước. Bà Ðào Nương chỉ hỏi ông Lê Xuân Khoa người đứng đầu của bức thư ngỏ là tại sao chỉ đưa ra con số có 36 người đứng tên mà không là 35 hay 37? Có thể bà Ðào Nương muốn biết lý do tại sao làm như vậy?!

ÐÁP:

Tôi không đi sâu vào nội dung bức thư ngỏ của 36 vị trí thức hải ngoại, mà chỉ góp phần làm sáng tỏ câu hỏi của bà Ðào Nương về con số 36 mà không là 35 hay 37. Tôi không nói đó là dụng ý của ông Lê Xuân Khoa, mà chỉ lý giải tại sao là con số “36”? Bởi con số 36 chỉ là con số biểu trưng. Khi dùng để biểu trưng thì con số tự nó không còn ý nghĩa chính xác nữa.

 

Nên biết mỗi con số có những con số biểu trưng riêng biệt của nó. Ví như con số “3” và con số “6” chẳng hạn. Con số 3 là con số cơ bản, chính nó là con số 3 tuyệt vời như nhà bác học cổ đại Pithagore đã nói như vậy; bởi nó là KHỞI ÐẦU, TRUNG GIAN & KẾT THÚC. Cứ theo hệ thống của nền triết học Trung Hoa thì TRỜI được biểu trưng bằng con số 1. ÐẤT là con số 2 tức là con số chẵn đầu tiên. Rồi Trời và Ðất kết hợp nhau tạo ra loài người là con số 3. Như ta thấy 1 kết hợp với 2 thành 3. Vậy con số 3 trở thành bộ ba căn bản chỉ cho “TRỜI-ÐẤT-NGƯỜI”. Ðó là Thiên Hoàng – Ðịa Hoàng – Nhân Hoàng.

Trong cách nói của ta thường nghe thấy “36 Ban Võ Nghệ” cũng như “36 Chước” lấy ra từ câu: “Tam Thập Lục Kế Dĩ Ðào Vi Thương Sách”. Vậy thì các số 36, 72, 108 mà ta thường thấy xảy ra trong các sự kiện lịch sử cũng như các cấu trúc thiêng liêng không do sự ngẫu nhiên mà do một quy luật. MỘT TRĂM LẺ TÁM là con số trong tràng hạt Phật giáo cũng như của giáo phái Siva.

Các tôn giáo khác cũng có hệ thống như vậy. Như:

Phật giáo thì PHẬT, PHÁP, TĂNG

Thiên Chúa giáo: CHA, CON và THÁNH THẦN

Hindu giáo có SÁNG TẠO, BẢO TỒN, HỦY DIỆT.

Theo Âm lịch một năm có 360 ngày. Vậy thì 36 là con số biểu trưng của Ðại Tổng Thể. Như vậy 36 phố phường ở Hà Nội không đi ra ngoài phạm vi đại tổng thể đó.

Ca dao ta có câu:

Trên trời 36 thứ chim
Thiếu gì loan phượng đi tìm quạ khoang.

Theo nhà bác học Pithagore thì 36 là con số “Tứ Phân” lớn vì nó là biểu hiện của cả 4 số chẵn lẻ đầu tiên.

Con số 36, 72, 108 tương xứng với 1, 2, 3. Trời được biểu trưng bằng con số 36 Ðất 72. Trời, Ðất hợp lại cấu thành Người.

Có nghĩa: 36 + 72 = 108. Vậy con số 108 là thành số của Trời, Ðất cộng lại.

Theo vật lý học của người Trung Hoa thì có thể con người có 360 cái xương, 360 cái khớp và 360 cái huyệt.

Xét như vậy thì việc kiến trúc thành phố Hà Nội bằng 36 phố phường tức Thăng Long Thành thì rõ ràng triều đình ta thời xưa có “dụng ý” hợp với cái lẽ của Trời chứ chẳng phải không đủ khả năng phát triển hơn nữa. Ý nhà vua lúc bấy giờ muốn nói thành quách này là của nhà trời, nó biểu trưng cho Ðế Mệnh vậy. 


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 319

VẤN: Cụ Đào Mộng Hoa, Virginia: Tôi chưa thấu hiểu được các thi nhân nói chung của thời nhà Đường, các lời thơ có nghiêm túc không? Bà cụ giúp hộ tôi để được mở rộng tầm kiến thức. Cám ơn bà cụ.

ĐÁP:

Trong văn học sử Trung Hoa có ghi nhận đời Đường vốn là đỉnh cao trong thi ca của Trung Quốc. Thi ca trong thời đại này có phong cách đa dạng và có nhiều trường phái.

Về nội dung có nhiều đề tài phóng khoáng, ví như Ưng Chế, Tống Biệt, hay Cung Oán, Biên Tái… Các bài thơ có tính lãng mạng Cung Oán, Khuê Tư. Tuy bị xếp vào hàng có tính tình ái, nhưng không phải là thuộc hàng đồi trụy theo ngôn ngữ phê bình khắt khe của nhóm bảo thủ. Một số thi hào lúc bấy giờ như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy… thỉnh thoảng có những bài mà người đọc hiểu ngầm như được vẻ trêu hoa ghẹo nguyệt song tuyệt đối chẳng ai tìm thấy được lời lẽ sỗ sàng được ghi chép trong các lời thơ như vậy. Tưởng cũng nên biết các nhà thơ như Triệu Hồ, Trương Bí có nhiều bài lãng mạn, song chỉ mô tả một cách đơn sơ, trừu tượng.

VẤN: Cư Sĩ Tịnh Hải, Orange County: Thưa bà cụ, Tôi muốn hiểu hai điều mình bị bỏ quên. Đó là:
1. Bát Chánh Đạo gồm những gì?
2. Lời khuyên của Phật dạy La Hầu Ca như thế nào?

ĐÁP:

1. Bát Chánh Đạo,

gồm có:
a. Chánh Kiến.
b. Chánh Tư Duy.
c. Chánh ngữ,
d. Chánh Nghiệp.
e. Chánh Mạng.
f. Chánh Tinh Tấn.
g. Chánh Niệm.
h. Chánh Định.

2. Lời khuýen cáo của Đức Phật khuyên dạy Rãhula (La Hầu Ca) như sau:

-“Thân này không phải của ta. Cái này không phải là ta. Đây không phải là linh hồn của ta.

VẤN: Cụ Trương Tấn Hà, Orange County: Thưa cụ, đường lối chính trị của Quản Tử hoàn toàn họp vơi Đạo. Vậy Đạo đó là gì?

ĐÁP:

Quản Tử làm chính trị hoàn toàn họp với Đạo, có căn bản đạo đức là Nghân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Năm điều này là nền tảng của Nho gia. Quản Tử bảo rằng:

-“Nếu họp với Đạo trời, việc làm tự nhiên thành tựu. Đạo trời trọn vẹn, thì người xa cũng trở nên gần. Nếu việc thuận với đạo trời, trời sẽ giúp, việc trái với đạo trời, trời sẽ bỏ. Người trên Vụ là Đức, người dưới Vụ là tiết nghĩa. Nếu có Đạo mà đi, người ta chẳng ai đến với mình, nếu cái Đạo mà đến, chẳng ai bỏ mình mà đi. Không có lễ không thắng được thiên hạ. Mục tiêu chính trị là yêu dân, làm lợi cho dân trong những việc thi ân, cấp dưỡng, giảm thuế. Làm như vậy đúng thuận lòng dân tức là thuận lòng trời v.v…


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 320

VẤN: Bà cụ Giáp Thị, Maryland: Xin bà chị nhắc hộ cho các lời nói của thánh hiền về: Phúc, Phú và Lục Cực. Xin cám ơn bà cụ vô cùng:

ĐÁP:

Đó là “Ngũ Phúc, Ngũ Phú và Lục Cực”. Tôi xin ghi lại hầu bà chị:

NGŨ PHÚC là 5 cái Phước:

1. Phúc: Phước lớn.
2. Thọ: Sống lâu.
3. Khang ninh:Khỏe mạnh, bằng an.
4. Du hảo đức: làm đức lành.
5. Khảo chung mệnh: Chết già

Ngũ phúc không ngoài sự phú quý vinh hiển, sức sống dài lâu, sự bằng an từ thể xác đến tinh thần.

LỤC CỰC là “Sáu Điều Hung Sự”

1. Hung Đoàn Chiết: Chết nạn, chêt non.
2. Tật: Bị bệnh tật.
3. Ưu: Thường có chuyện phải suy nghĩ.
4. Bần: Trọn đời nghèo khó.
5. Ác: Làm điều ác đức.
6. Nịch: Chìm đắm trong việc làm hung ác nào đó.

VẤN: Cụ Đào Hữu Kỳ, Orange County: Tôi đọc nhiều lần Tam Quốc Chí, song vì lười nhát không truy tìm để biết pho truyện quý giá lịch sử này có bao nhiêu nhân vật? Đồng thời nghe nói Tam Quốc Chí có ba TAM TUYỆT cũng như thời gian Đường Thái Tông sang Tây Trúc thỉnh kinh, đường xa diệu vợi lắm điều khổ cực. Vậy những điều lịch sử trong Tam Quốc Chí thực hư thế nào? Cuộc thỉnh kinh lịch sử này chẳng biết phải mất bao lâu? Những điều ghi trên xin bà cụ chỉ dẫn hộ. Cám Ơn bà cụ.

ĐÁP:

 

Tam Quốc Chí (*) có 1178 nhân vật. Câu thứ hai cụ hỏi về Tam Tuyệt trong pho truyện lịch sử này gồm có:

1. Tào Tháo Gian Tuyệt
2. Quan Vũ (*) Nghĩa Tuyệt.
3. Khổng Minh Trí Tuyệt.

Nói về Đường Tăng đi lấy kinh vốn là chuyện có thực. Trong lịch sử đời Đường, có Đường Thái Tông – nhà sư trẻ tuổi Huyền Tông một mình sang Tây Trúc (Ấn Độ) thỉnh kinh đường xa muôn vạn dặm, gặp nhiều chuyện chẳng lành, đi mất đến 17 năm trời mới thỉnh được Kinh Phật.

Còn tiếp
THINH QUANG

(*) Chú thích thêm về nhân vật Quan Vũ và bộ tiểu thuyết Tam Quốc Chí.

Theo tài liệu, trong bộ truyện “Tam quốc chí” có ghi lại một số sự kiện có thật vào thời Hán mạt ở Trung Hoa ngoài một số chi tiết khác để cho thành một pho trường thiên tiểu thuyết. Tam Quốc Chí do Trần Thọ, người đời nhà Tấn biên soạn. Đến đời nhà Minh, sau khi tham khảo nhiều tài liệu của các đời trước, La Quán Trung mới viết lại thành bộ “Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa”, có thêm bớt một số chi tiết. Văn hào họ La quan niệm, trong ba nước trong thời nầy thì nhà Thục Hán là “chính thống” nên trong truyện, rất mực ca tụng ba anh em Lưu Bị, Quan Công (họ Quan, tên Vũ, tự là Thọ Trường sau đổi là Vân Trường) và Trương Phi (tự là Dực Đức).

Trong truyện, ông cố ý đề cao các đức tính: tu, tề, trị, bình và cho “nghĩa” là cái đức lớn nhất của người quân tử mà các nhân vật của nhà Hán Thục có nhiều tướng nhà Thục thể hiện trong hành động. Ngoài ra, đức “trượng nghĩa” cũng được ba nhân vật nầy đề cao. Quan Công thà chịu chết theo quân lệnh chứ không giết Tào Tháo ở Huê Dung đạo vì cái ơn “qua 5 ải chém 6 tướng – quá ngũ quan trảm lục thướng - và cám cái nghĩa mà họ Tào đã đối xử với mình trước đó. Khổng Minh cũng biết điều nầy nhưng vẫn giao cho Quan Công nhiệm vụ nầy để cho Quan Công có cơ hội tỏ cho thiên hạ biết cái đức tính cao thượng nầy. Ngoài ra, việc quyết tâm trở về với Lưu Bị cho dù được Tào Tháo hậu đãi cho thấy tấm lòng trung kiên của Quan Vũ ngoài các đức tính cao cả khác, chẳng hạn đốt đèn đọc sách sáng đêm để giữ an ninh cho chị dâu ngủ và để tỏ khí tiết trong sáng, minh bạch của mình. Lòng can đảm của Quan Vũ cũng được họ La đề cao khi ông chịu đau để thầy thuốc trị bịnh mà người thường không chịu được 

Chính vì cảm khái trước các đức tính vẹn toàn nghĩa khí cao thượng nầy, tuy trong lịch sử Trung Hoa có rất nhiều người nổi danh khác nhưng các vị vua đời nhà Thanh đã truy phong Quan Công là “Quan Thánh Đế Quân”, được thờ chung với Đại Nguyên-Soái Nhạc Phi đời mạt Tống (Tống Cao Tông, Nam Tống), xem như hai người đáng thờ phượng nhất. Nhạc Phi là danh tướng nổi tiếng nhất Trung Hoa, từng đánh nhau với quân Kim 126 trận và toàn thắng. Ngoài võ nghiệp lẫy lừng, thư pháp và văn nghiệp của ông cũng xuất chúng.

 

Đền thờ hai ông Nhạc Phi và Quan Vũ tại Hàng Châu thuộc tỉnh Triết Giang rất lớn, được gọi là “Võ Miếu”, ngang hàng với “Văn Miếu” thờ Đức Khổng Phu Tử (tên thật là Khổng Khâu, tự là Trọng Ni). Đền thờ Nhạc Phi có bức hoành với 4 chữ “Hoàn ngã hà sơn” (hoàn lại núi sông của ta) bên trên bức hình của ông. Đền thờ Khổng Tử (Thầy Khổng, tử ở đây nghĩa là "thầy", không phải tử nghĩa là "con") với 4 chữ “Vạn Thế Sư Biểu” (thầy của muôn đời). 

 

 

Hoàn Ngã Hà Sơn

 

 

Vạn Thế Sư Biểu


* * *


Xem Phần 63, click vào đây.
Đọc các Bài cùng tác giả tại đây.
Trở về website www.nuiansongtra.com
 
 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh