Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 10, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Phiếm luận
CHUYỆN ... ĐẺ GẦN NHÀ ĐÈN
Webmaster
Các bài liên quan:
    NGƯỜI CÓ GẮN CỤC PIN Ở…
    CHUYỆN .. NGƯỜI THÍCH “NỔI”
    NÓI PHÉT LÀ NGHỀ CỦA TA
    CHUYỆN ... ĐẺ GẦN KHO ĐẠN


CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI ĐẺ GẦN NHÀ ĐÈN
Huỳnh Văn Phú

Nếu trước đây nhờ viết mấy cái chuyện phiếm “Nói Phét”, “Chuyện Thích Nổi” v.v... mà tôi được bạn bè tặng cho cái danh xưng là “Vua Nói Phét” thì bây giờ sau khi bài phiếm “Chuyện Những Người Đẻ Gần Kho Đạn” lên nhật trình, tôi lại được một ông anh ưu ái gán cho một “chức vụ” mới.

Sáng sớm hồi đầu tuần này, vừa mới ló đầu vào sở thì điện thoại reo. Tôi nhấc phone lên:

- Alô, tôi nghe.

- Cho tôi gặp ông “chỉ huy trưởng kho đạn”.

Tôi nhận ra giọng nói quen thuộc của ông anh khả kính, bèn cười giao duyên với ổng:

- Anh đã “bổ nhiệm” thì tôi đâu dám từ chối. Tuy nhiên tôi xin giữ chức chỉ huy phó cũng là hãnh diện lắm rồi.

Ổng bèn làm một màn “lên lớp” tôi ngay:

- Sao cậu khiêm nhường thế? Cậu rất xứng đáng giữ chức vụ chỉ huy trưởng kho đạn đấy. Bộ cậu tưởng ai cũng “Nổ” như cậu được sao? Phải có óc khôi hài và một trí tưởng tượng tuyệt cú mèo mới nổ được chứ. Như cậu đã viết trong bài phiếm, “Nổ” làm cho đời “bỗng dưng vui” chứ có làm hại ai đâu. Tôi xin hỏi cậu thế này, giữa một người mắc căn bệnh nổ, vừa vô hại mà đời lại vui và một người chuyên mánh mung, lường gạt, bài bạc, đĩ điếm, hút xách, ăn không nói có, vu cáo người này, chụp mũ người kia thì người nào đáng chê trách hơn?

- Thì đứt đuôi con nòng nọc là người sau đáng chê trách rồi. Tuy vậy, chức vụ chỉ huy trưởng kho đạn nên dành cho người nào khác xứng đáng hơn tôi. Tôi chưa đủ trình độ “Nổ” và “Nói Phét” để nhận vinh dự cao cả ấy. Ngoài ra, tối ngày cứ phải nghe đạn nổ hoài, mệt tai lắm. Tôi chỉ muốn làm “giám đốc nhà đèn” nhàn nhã hơn.

Ông anh tôi có vẻ ngạc nhiên:

- Ủa, có cái vụ thích làm giám đốc nhà đèn nữa sao? Nhà đèn là nơi phát ra điện, ra ánh sáng mà.

- Thì đó là vấn đề tôi muốn nói đến. Anh biết không, hôm nọ tôi có nói với bà Bắc kỳ nhà tôi rằng kỳ này tôi sẽ viết về những người đẻ gần nhà đèn. Bả ngồi trước cái computer, mếu máo vì bài viết bả đang đánh máy không biết chạm vào cái nút mắc dịch nào mà nó xóa sạch trơn, nghe tôi nói cái vụ đẻ gần nhà đèn, mặt bả bỗng sáng rỡ lên, giọng nói đang từ âm giai “Mi mineur” chuyển sang “Do majeur”, hỏi tôi ngay: “Ý anh muốn nói về những người nhờ đẻ gần nhà đèn nên thông minh và sáng suốt, phải không?”. Tôi trả lời bả hỏi như vậy là không “tri bỉ tri kỷ” gì cả. Nói đẻ gần nhà đèn mà thông minh, sáng suốt là trật lất. Tôi không có cái ý đơn giản như vậy. Tôi muốn nói rằng nhờ ở gần nhà đèn nên những người này thường hay bị “chạm điện”, tức là “chạm dây” đó. Bắc kỳ gọi là “hâm” hay còn gọi là “hấp”, là “dở hơi”, người Nam kỳ gọi là “mát dây”, ngôn ngữ bình dân gọi là “dớ dẩn”, còn mấy ông tu bíp phe ta thì gọi một cách thân mật và âu yếm hơn là “tâm thần không được yên ổn”.

Đàng đầu dây bên kia tiếng của ông anh tôi cười thật lớn:

- Chuyện này coi bộ “dzui” dữ đa.

- Tôi thì không thấy vui mà lại thấy dễ thương và rất tức cười.

- Cậu rõ ngớ ngẩn chưa, phải dzui thì mới tức cười chứ.

Bị ông anh sửa lưng, tôi cứng họng. Mãi lúc sau, tôi mới nói:

- Ừ, chuyện cũng khôi hài lắm anh ạ.

- Thế cậu cho thử một ví dụ xem sao.

- Anh có tin rằng có một người nào đó dám đến phòng mạch bác sĩ khám bệnh để nhờ bác sĩ bẻ giùm hai cánh tay vứt bỏ đi không?

- Có chuyện như thế à?

- Thì chính tôi đây chứ có phải ai khác đâu.

- Đầu đuôi câu chuyện ra sao, kể tôi nghe nào.

Tôi kể cho anh nghe câu chuyện của chính tôi:

-”Như anh đã biết, từ ngày sang ở trên xứ Mỹ lạ lùng này, tôi chỉ có thể tìm được giấc ngủ ngon lành trên cái sô pha mà thôi. Tôi không biết tại sao. Và vì ngủ ngon quá nên đêm nào tôi cũng nằm mơ. Chuyện tôi nằm mơ xảy ra lần nào cũng y hệt nhau. Tôi mơ thấy tôi bị một người con gái tuyệt đẹp, dáng dấp rất liêu trai, tóc xõa, đi chân không, mặc áo ngủ màu hồng mỏng dính đuổi tôi chạy quanh nhà. Cuối cùng nàng chộp được tôi. Nàng xiết chặt tôi trong vòng tay nàng, nàng hôn tôi và kéo tôi lên giường. Tôi xô nàng ra và đuổi nàng đi. Nàng không tỏ vẻ gì giận hờn mà lại sà đến bên tôi, kéo tôi lên giường nữa. Tôi phải dồn hết sức lực vào đôi tay, tôi đẩy nàng ra. Và ngay lúc ấy thì tôi tỉnh giấc.

Đêm nào cũng thế, tôi lại mơ thấy nàng và tôi cũng lại dùng đôi tay đẩy nàng ra... Ông bác sĩ nghe kể chuyện mơ của tôi như thế, mắt ông có vẻ mơ màng con cá vàng, chép miệng, nuốt nước miếng đánh ực một cái rồi thở dài, hỏi tôi:

-”Tôi hiểu rồi, thế bây giờ anh muốn tôi giúp anh việc gì?”

Tôi trả lời ông bác sĩ:

-”Xin bác sĩ hãy bẻ gãy đôi tay của tôi.”

Ông anh tôi nghe chuyện xong liền phán:

- Đó là cơn mơ của những người bị “mát điện”. Thế hồi nhỏ cậu có đẻ gần nhà đèn Chợ Quán không?

- Tôi đẻ ở vùng quê nhưng lớn lên thì sống và làm việc ở gần nhà đèn.

- Chính đấy là nguyên do khiến cậu trải qua những giấc mơ giống nhau như thế dẫn đến việc cậu đi bác sĩ nhờ ổng bẻ tay để khỏi phải xô nàng ra nữa.

Trên đây là câu chuyện đầu tuần giữa tôi và một người mà tôi coi là ông anh của tôi.

Bàn về chuyện “Những Người Đẻ Gần Nhà Đèn” thì phải nói là nhiêu khê, rắc rối hơn chuyện “Nói Phét” hay “Kho Đạn Nổ”. Bởi vì cái vụ chạm dây, mát dây này có nhiều dạng, gây ra bởi nhiều nguyên nhân mà khoa học chưa thể tìm ra một cách chính xác được. Nó thuộc về lĩnh vực khó khám phá nhất: Tâm trí của con người.

Như cái tựa của bài viết này là "chuyện Phiếm", cốt để độc giả mua vui cũng được một vài phút giây nên tôi chỉ bàn ở đây những dạng “mát điện” nhẹ, không trầm trọng lắm và họ vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường như tôi, như bạn trong đời sống hàng ngày.

Những dạng này có thể sống trong hoang tưởng, có thể đi trên mây, có thể muốn leo lên trời phóng uế kiểu nhà thơ Bùi Giáng:

-”Tôi định bữa nào thảnh thơi. Leo lên trời, ỉa”.

Có dạng rất dễ thương, rất đáng ca tụng nhưng cũng có dạng đem đến cho đời thêm những niềm vui, những nụ cười vô thưởng, vô phạt giống như “nói phét” hay “nổ kho đạn” mà tôi đã bàn ở các bài phiếm trước. Sau đây là dạng chạm điện của một người Mỹ rất đáng ca tụng xảy ra ở Cincinatti, Ohio.

Bà Sylvia Stayton, 62 tuổi, là bà của 10 đứa cháu. Một hôm bà đi bộ về gần nhà thì thấy anh cảnh sát Johnson đang biên phạt những chiếc xe đậu cạnh những cột đồng hồ đã hết thời hạn đậu xe. Bà hỏi anh Johnson:

- Anh đã biên phạt xe này chưa?

Anh Johnson hỏi lại:

- Xe của bà à?

- Không phải xe tôi.

Sau đó bà bỏ 25 cents vào cột đồng hồ và 10 cents vào một cột khác. Cảnh sát Johson nói:

- Bà làm thế là trái luật. Bà bị bắt.

Bà Stayton bỏ đi và nghĩ rằng anh Johson nói đùa. Không ngờ bà đi được vài bước, cảnh sát Johnson liền đi theo, anh lấy còng số 8 ra và bẻ quặt tay bà ra sau, còng lại, nói:

- Bà phạm tội ngăn cản cảnh sát trong khi thi hành phận sự.

Bà Stayton bị đưa về trại giam cảnh sát. Ba tiếng đồng hồ sau đó, con gái bà hay tin đem 1,900 đồng đóng tiền “bail”, bà Stayton mới được thả ra. Sau đó ra tòa, bà bị phạt 4 tháng tù và đóng 1,000 đồng tiền phạt. Cảnh sát Johnson nói rằng bà Stayton la lối om sòm, anh ta đã nhiều lần bảo bà đừng có bỏ tiền vào cột đồng hồ mà bà không chịu nghe. Bà Stayton chỉ muốn làm phúc, bà không muốn những người khác bị cảnh sát biên phạt. Rõ ràng là làm phúc phải tội!

Hành động của bà Stayton nói trên tuy rất đặc biệt và đáng ca tụng nhưng dẫu sao cũng không được bình thường. Ai có thể giải thích được trong đầu óc bà đã nghĩ gì khi ra tay làm phúc kiểu đó? Dạng chạm điện này lộ hẳn ra ngoài cho chúng ta thấy bằng cử chỉ, hành động rõ ràng.

Bên cạnh đó cũng có dạng “mát điện” một cách kín đáo mà chỉ khi nào “có chuyện” thì người ta mới vỡ lẽ ra. Tôi được nghe kể lại có một anh chàng bị đau ruột thừa. Anh được đưa vào nhà thương Chợ Rẫy. Khi đặt anh ta lên bàn mổ, các bác sĩ và y tá của ê kíp mổ nhận thấy ở ngay phía dưới rốn của anh có xâm hàng chữ “Nó Nè Em” kèm theo mũi tên chỉ xuống cái “vật thể“ mà anh muốn khoe với người yêu của anh qua hàng chữ xâm đầy âu yếm nói trên. Tôi tin rằng anh chàng này nhất định đẻ gần nhà thương Chợ Quán, thuộc dạng “mát điện” độc đáo với cái ý tưởng khôi hài cao độ. Dạng chạm điện này vui quá đi chứ, phải không chư vị?

Có một dạng chạm điện mà tôi rất khâm phục là dạng tự làm cho mình chạm điện, nghiã là họ đóng kịch “mát điện” (theo kiểu Tôn Tẩn giả điên) để đạt một mục đích nào đó có lợi cho họ. Thủ diễn được vai trò ấy phải có óc sáng tạo ghê lắm mới thành công chứ không có trường kịch nghệ nào dạy học viên tới nơi tới chốn.

Tôi còn nhớ trong đơn vị của tôi trước kia có một ông Đại Úy, ông không được lòng thượng cấp và do đó bị trù dập tả tơi. Ai cũng đều biết trong quân đội mà bị trù dập thì cuộc đời sẽ đen hơn mõm chó, không cách gì ngóc đầu lên được. Ông bèn khai bệnh “chạm điện”, xoay sở đủ cách để vào nằm nhà thương Cộng Hòa. Ông nói lảm nhảm, khi khóc khi cười, lúc thì la hét loạn cào cào, lúc thì ngồi im như tượng gỗ, mắt nhìn vào cõi xa xăm... Thỉnh thoảng ông ra vườn hoa thơ thẩn. Tại vườn hoa này người ta uốn và cắt tỉa những cành cây tạo thành hình dáng những con chim rất xinh. Ông đi đến chỗ những con chim ấy, hết vuốt ve con chim này đến con chim kia, rồi ca hát nghêu ngao một mình.

Cũng có khi ông leo lên mái nhà của bệnh viện, đi khơi khơi trên đó. Báo hại người ta phải lên bắt ông xuống... Hồi đó, nghĩ đến ông, tôi thương ông vô cùng, nhưng rồi quên bẵng đi không biết tương lai ông ra sao?

Một năm sau, khi đi theo đơn vị hành quân ở miền Tây, tôi tình cờ gặp lại ông. Lúc này ông mang lon Thiếu Tá, làm Tiểu Đoàn trưởng một Tiểu Đoàn Địa phương ở Mỹ Tho. Tôi nhắc lại chuyện ông nằm bệnh viện Cộng Hòa dạo nọ, ông cười khà khà:

- ĐM, tao phải “đóng kịch” mới thoát được xuống đây chứ bệnh hoạn gì. Trên cõi đời “khốn nạn” này, chỉ có đàn bà con gái mới làm cho tao “mát điện” thôi chứ mấy cái thằng bất tài vô tướng, ỷ lon to, chuyên trù dập thuộc cấp đó sức mấy mà hại tao được.

Tôi cười hỏi ông:

- Chắc anh có theo học một lớp kịch nghệ ở trường Quốc Gia Âm Nhạc?

Ông vỗ vai tôi thân mật:

- Kịch với Koọc gì. Mày đừng có giở cái giọng móc họng đó ra. Dẹp nó qua một bên đi. Bây giờ mày đi nhậu với tao.

Tôi nhớ hình như văn hào Leon Tolstoi có viết một câu đại ý:

-”Khi người ta sung sướng và hạnh phúc thì ai cũng giống nhau nhưng khi đau khổ và bất hạnh thì mỗi người đau khổ và bất hạnh một cách khác nhau”.

Tôi nghiệm ra rằng hạnh phúc và sung sướng không làm cho ai phải “mát điện” cả, mà chỉ có đau khổ, bất mãn, không đạt được điều mong ước mới khiến cho con người sinh ra cái tật “dở hơi”, nửa điên nửa khùng mà thôi.

Năm trước, nhân một chuyến đi sang Cali, tôi gặp lại người bạn cũ. Anh sang Mỹ từ năm 1975, cuộc sống vững chắc như phần đông những người sang đây đã lâu. Gặp tôi, anh vui lắm, chén thù, chén tạc, cụng ly lia chia. Anh bảo tôi nên bỏ cái xứ Phila mùa Đông lạnh lẽo, tuyết phủ đầy trời ấy sang Cali làm ăn với anh, chẳng mấy chốc thì khá. Tôi ầm ừ cho qua chuyện chứ nghĩ đến Cali là nơi có đông người Việt, tuy được sống lại gần giống với cái không khí sinh hoạt của quê nhà xưa kia nhưng mặt khác, cũng có không ít những khó khăn phải đối phó. Anh tuy xuề xòa, vui tính và tốt với bạn bè nhưng khi nghe anh đề nghị sang Cali làm ăn với anh giữa lúc tình hình kinh tế ở đây không có gì sáng sủa thì quả thật tôi ngạc nhiên không ít. Tôi thấy hình như ở trong anh có một chút bóng dáng của một người “đi trên mây”. Anh mở “cassette” tối đa tâm sự với tôi:

Theo lời anh nói, anh là một trong những người đầu tiên có công lập ra cái thị trấn Little Sàigon của người Việt ở quận Cam. Tuy nhiên thời gian sau này anh không được các giới trong cộng đồng trọng vọng anh nữa. Mọi hoạt động xã hội, các cuộc họp bàn về phát triển tổ chức cộng đồng, anh không được mời tham dự. Không ai để ý đến anh. Họ quên bẵng anh. Anh giận lắm, bất mãn lắm. Anh nói:

- Tôi đã ở đây gần 30 chục năm. Mọi chuyện, mọi ngõ ngách tôi đều biết hết. Bao nhiêu băng đảng cướp bóc, giật dọc ở đây là do một tay tôi dẹp tan hết. Thế mà người ta không thèm để ý gì đến công lao của tôi, coi thường tôi. Họ phải biết rằng tôi là ngọn đèn pha, nơi nào có sự hiện diện của tôi là mang lại hãnh diện cho họ mà.

Tôi chia sẻ với anh:

- Tôi thấy như vậy là người ta không biết người, biết của. Như thế là bất công, là chơi không đẹp. Vậy anh phải ra một tờ báo để nói lên cái quan điểm của anh mới được.

Anh gật gù:

- Anh nói rất đúng. Tôi sẽ ra một tờ báo, tôi dư sức mà. Trước kia tôi cũng là dân làm báo, tốt nghiệp đại học báo chí đàng hoàng chứ đâu phải dân tầm thường. Tôi cộng tác cho tờ báo nào thì quảng cáo của tờ báo đó sẽ tăng trang ngay.

Trong thâm tâm tôi, tôi vẫn nghĩ rằng nếu anh bạn của tôi không được thiên hạ để ý đến hẳn là phải có nguyên do gì đó chứ một con người tài ba lỗi lạc như anh tại sao lại bị người đời xa lánh, đành cam chịu cảnh xách xe không chạy một mình trên đường đời vạn ngả rất ư lạnh lẽo bóng trăng soi như thế? Phí đi cả một tài năng, một ngôi-sao-tối-trên-vòm-trời-sáng!

Cũng có một dạng người rất vui mà tôi không biết có nên xếp họ vào thành phần “đẻ gần nhà đèn” không? Đó là mẫu người “không hề tự biết khả năng của chính mình” cho nên khi họ hành động một điều gì đó thì chao ơi, vui hết chỗ nói.

Chẳng hạn có một ông nọ, trong một bữa tiệc, thấy anh bạn kia lên ca vọng cổ mùi tận mạng, thực khách vỗ tay tán thưởng rần rần, ông bèn nổi hứng, lên cầm micro, nói:

- Ông bạn vàng của tôi ca vọng cổ được thì tôi đây cũng phải ngâm thơ được.

Ông nói xong và bắt đầu ngâm một bài thơ. Khổ thay, ông chỉ ngâm có hai câu thì tịt ngòi. Ông trả cái micro về chỗ cũ, cười tình với bà con cô bác, không cần xin lỗi trục trặc kỹ thuật gì hết, nói một câu ngon ơ:

- Tôi tưởng tôi thuộc bài thơ, té ra quên mất tiêu. Tặng bà con hai câu cũng là hay lắm rồi.

Từ nãy đến giờ, tôi đã dám gồng mình, mặc áo giáp, đội nón sắt, mạo muội bàn về chuyện “những người đẻ gần nhà đèn”, nghĩa là những người mát dây, chạm điện mà chúng ta thường bắt gặp trong đời sống hàng ngày, chỉ với niềm mong ước chư vị không cho rằng tôi dám “đại ngôn” đi sâu vào thế giới nội tâm...Chẳng qua, tôi có tí máu khôi hài chảy trong huyết quản, nhìn đâu cũng thấy có cái khôi hài ẩn tàng trong đó nên bày đặt “nổ” một tí cho vui cửa vui nhà, vậy thôi.

Nếu người nói phét đáng yêu vì đem lại cho đời những niềm vui, người “đẻ gần kho đạn” là người hạnh phúc vì họ sống trong cái thế giới riêng của họ thì người “đẻ gần nhà đèn”, có thể nói, đó là người vừa đi trên mây, vừa là một triết gia, vừa là người bất mãn với chính mình và cuộc đời...Đối với những người vì lý do này hay lý do khác hoặc chẳng may đẻ gần nhà đèn thì không có sự giải thích của nhà phân tâm học nào về nguyên cớ dẫn đến sự “chạm điện” của họ có thể làm chúng ta hoàn toàn thỏa mãn.

Vậy thì cái ý muốn làm “giám đốc nhà đèn” mà tôi nói với ông anh tôi ở đầu bài chỉ là một cái cớ để có được những giòng viết cho bài phiếm này mà thôi. Bây giờ thì tôi xin rút lại cái ý muốn ấy và nhường lại cho người nào đó được mô tả là “chạm điện” nhiều hơn tôi.

Sau hết, xin ông anh tôi nếu có gọi hỏi thăm tôi thì đừng gọi tôi là “giám đốc nhà đèn” nhé. Tôi xin cảm tạ.

Huỳnh Văn Phú

* * *

Xem các Bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về homepage www.nuiansongtra.net  

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh