Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
QUÊ HƯƠNG XỨ QUẢNG, NĂM 2011
TRƯƠNG QUANG

 

Ký sự 1:

QUÊ HƯƠNG XỨ QUẢNG, NĂM 2011
Trương Quang

Lời thưa trước:

Ba mươi sáu năm qua sau ngày Cs Bắc Việt chiếm đoạt Miền Nam VN, núi rừng không còn danh mộc, những dòng sông bị ô nhiễm đã cạn dòng, hơn nửa đời người không được quyền làm người, nay càng nghẹt thở dưới sức bành trướng của Trung-cọng xâm chiếm lần hồi đất nước ta. Chúng tôi muốn nhìn rõ thực trạng quê hương trong bối cảnh ấy, nên đã về thăm miền Trung, lên Tây-nguyên, vào Nam-bộ, ra Phú-quốc trong các tháng 5+6+7 năm 2011. Chúng tôi ghi nhận những thay đổi trên diện địa và trong xã hội có ảnh hưởng lâu dài đúng với SỰ THẬT trước mắt. Viết ký sự nên tôi không lạm bàn đến cơ chế chính trị độc tài, chính quyền tham nhũng hèn yếu đúng như lời các phương tiện truyền thông tố cáo và chủ nghĩa Cọng sản là lớp áo lỗi thời thối nát choàng lên đất nước, phải bị vứt bỏ là điều tất yếu của lịch sử.

Đứng vào hàng đầu trong nguồn lợi tức của VN hôm nay là thu nhập từ nhiều cơ sở du lịch do tư bản đỏ dựng lên trên các thắng cảnh thiên nhiên và di tích lịch sử của đất nước ta. Có hiểu biết non sông gấm vóc, ta càng yêu quí quê hương; nhưng phải cảnh giác chốn vui chơi hưởng thụ dễ làm nhạt nhòa ý chí phấn đấu dành tự do, vẹn toàn cho Tổ quốc.Tất cả sự đổi thay cầu đường, phố xá, thôn quê, rừng núi và cả học hành ở VN hôm nay đều là SỰ THẬT có BỀ MẶT và BỀ TRÁI, tôi ghi chép được phần nào mỗi sự việc khác nhau trong từng bài có liên hệ.

-  -  -  -  -  -  -  -  -  -  - 

Tỉnh QUẢNG-NGÃI

Thôn quê thiếu sức sống

Mặt trời chen lặn, vợ chồng tôi đứng ngỡ ngàng trước cảnh trí thay đổi khó nhận biết ở đầu làng. Thấy mấy cậu bé nhảy lò-cò, tôi lấy lại giọng nói địa phương để hỏi thăm đường

- Qua muốn tới đám cưới ở xóm Mừ (10), chỉ giùm cho qua nghen.

Thằng bé vẫn nhảy lò-cò, vừa vung tay chỉ hứơng, vừa nói:

- Nhà đám cứ ở tuốt trỏng, tấu rầu, đi meeo lên {Nhà đám cưới ở tận trong kia, tối rồi, đi mau lên}.
 

Nó cười hỏi vu vơ:

-“Nẫu ở đâu tới vậy nè?”

Vẫn tiếng nói khó bắt chước, vẫn tính bất cần, phóng khoáng của người quê tôi. Bất giác, tôi nhớ 4 câu thơ bình dị của Hạ Tri Chương, bài “Hồi hương ngẫu hứng”
Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi.
Hương âm vô cải mấm mao tồi.
Nhi đồng tương kiến bất tương thức.
Tiếu vấn khách tùng hà xứ lai?

Trần Trọng Kim dịch:

Bé đi, già mới về nhà.
Tiếng quê vẫn thế, tóc đà rụng thưa.
Trẻ con trông thấy hững hờ,
Cười ồ, hỏi khách lại từ phương nao?

Đây là thôn Hải-môn (1 trong 6 thôn của xã Phổ-minh, thuộc huyện Đức-phổ, tỉnh Quảng-ngãi), nơi phía Đông có xóm Tuần nhìn thẳng ra cửa biển Mỹ-Á. Ngày xưa xóm Tuần có quan Thủ-ngự dẩn lính Nam-triều tuần tra cửa biển, có “nậu rỗi” và thuyền đánh cá cư trú; nay chỉ còn trơ trụi một chòm cây đón gió!

Bến Vạn ở đầu thôn cũng không còn bóng dáng “ghe bầu” chở hàng buôn bán với Đồng-nai. Thay vào đó, dọc bìa sông và Cồn-giữa đều là hồ nuôi tôm có bờ cao, nằm im lìm dưới nắng. Năm trước, giá tôm 59,000$VN/ Kg, nay thương lái Trung-cọng thu mua 92,000$VN/ Kg, họ chở về Tàu tẩm hóa chất cho con tôm trông lớn đẹp hơn, mới đóng họp tái xuất khẩu.

Từ thời Nam-triều Pháp thuộc, đường tỉnh lộ 120 nối liền quốc lố 1 tại huyện đường Đức-phổ tới cửa Mỹ-Á, xe hàng lưu thông tới kho dầu Nhà-nước và tiệm Thanh-tân tại xóm Vạn. Con đường huyết mạch nầy đã bỏ phế 36 năm qua, cầu sập đường lún, nên thắng cảnh Trà-câu Sầu-đông hiện chỉ có một khách sạn Hựu-Trang trên sông và hai tòa nhà của cán bộ đứng trơ vơ trên bộ. Nghe chừng như đường tỉnh lộ 120 sẽ phục hồi chạy xuyên qua thôn Hải-môn, nếu đó chưa phải là nguồn lợi lộc cho kẻ đương quyền thì đến bao giờ mới thực hiện?

Một đường huyện lộ cán đá chạy từ Trà-câu xuống biển, ngưng tại chợ Cây-chay ở đầu bắc thôn Hải-môn, cũng bỏ hoang phế đoạn qua thôn Sa-bình sau khi chợ Cây-chay tan rã. Dứơi thời Việt-nam Cọng-hòa, thôn làng tôi khá phồn thịnh nhờ vào nông nghiệp và bán buôn đường biển, có nhà máy xay gạo, nhiều nhà có khung dệt Canon và máy kéo sợi... nay biết tìm đâu?

Một con đường khá quan trọng chạy suốt các huyện ven biển, vựơt qua sông Trà-câu rộng mút tầm mắt bằng chiếc cầu sạp tre vào mùa khô, chạy xuyên thôn Hải-môn trên đường Kiến-thiết rộng 4 Mét, bỗng chấm dứt tại sông Trường hẹp, vì không còn có cầu sau năm 1975! Dân chúng thôn quê thiếu đường giao thương, trong khi một số đường mới mở ở thị trấn nhằm phô trương hơn là cần có.

Trong cuộc chiến Quốc - Cọng, thôn Hải-môn là căn cứ của Việt-cọng, họ dựa vào địa đạo có sẵn trong núi rừng Sầu-đông khi kháng chiến chống Pháp. VC đã rải mìn, giăng bẫy tứ phía rừng Sầu-đông, rồi họ vô tư bỏ lại sau khi chiến tranh kết thúc. Lối hành xử vô trách nhiệm “đánh trống bỏ dùi” của VC, khiến 36 năm qua không ai dám bén mảng vào rừng Sầu-đông để săn bắn, lấy củi, du ngoạn và hái lượm nhiều thứ trái cây ngon ngọt.

Hậu quả của chủ trương “bất cố” thôn dân khiến mức phân hóa giàu nghèo giữa thôn quê và thành thị chênh lệch quá lớn và cứ giãn ra mãi. Hiện tại thôn quê không còn nhân lực sản xuất, không còn sức sống: Người trẻ tuổi đi tản mác đến thành thị mưu sinh, thậm chí buôn thúng bán mẹt, bán hàng rong, bán báo, bán vé số... dành dụm chút tiền đem về nuôi gia đình. Nhiều VC nằm vùng hoặc tập kết về, đều trở thành cán bộ, họ dời đến ở cơ quan và phố thị. Còn trụ lại chỉ là năm ba người hưu trí không có điều kiện làm giàu bất chính, và đa số là ông bà già giữ trẻ con. Bất chấp chính sách ngàn đời “An cư lạc nghiệp”, cho nên phần đông nông thôn Quảng-ngãi có vẻ tiêu điều. Nhà nước CS đã quay lưng, bỏ rơi thành phần chủ lực của xã hội chủ nghĩa là nông dân.

Chúng tôi đến thăm cụ Nguyễn ở thôn Thủy-triều, được thấy ông bà lão còng lưng quá gối, mắt kính nhập nhèm, cặm cụi vót nan đan thúng mủng để bán. Quá tội nghiệp cho một gia đình danh giá lâm cảnh khốn khó, tôi ngỏ lời:

- Bây giờ đồ nhựa thông dụng lại giá rẻ, đồ tre nan càng rẻ mạt. Sao bằng cụ nghỉ ngơi, khỏi tốn tiền thuốc và được sống lâu hơn.

Cụ trả lời không úp mở, một sự thật phũ phàng:

-Đói, đầu gối phải bò! “Bói rẻ hơn ngồi không”. Đâu có việc gì kiếm được đồng bạc? Tui chưa dễ chết vì nghèo khó, mà nỗi buồn thời cuộc dễ làm tui chết sớm!

Chúng tôi được biết những việc làm tay trái, phát sinh từ nạn thất nghiệp:

1) Như anh Đ. là một người còn ở lại quê nhà để chăm nom cha mẹ (cụ Nguyễn), anh xoay ra nghề thủ công in lụa các loại thiệp cưới, danh thiếp...với giá rẻ bằng phân nửa giá in màu. Anh dùng computer vẽ kiểu, chiếu ánh sáng xuyên giấy décan để quét các màu lên giấy in trên khung lụa.

2) Chúng tôi có buổi tiệc hội ngộ thân quyến, bèn khoán cho nhà hàng lưu động lo liệu từ A đến Z với giá rất bèo (mỗi bàn tiệc 10 nhân khẩu chỉ 1 triệu $VN, tương đương 50 USD, không bao gồm bia rượu). Dịch vụ bất thường nầy cần nhiều nhân công nghiệp dư để dựng lều, sắp bàn ghế, hầu bàn, nấu nướng theo thực đơn...

Đi thăm mả mồ tổ tiên rải rác trên các gò đống, chúng tôi băng ngang những đồng ruộng nứt nẻ trơ gốc rạ, có bờ con ngăn thành nhiều đám nhỏ, dấu tích thất bại của Hợp-tác-xã nông nghiệp. Tháng 6 là mùa cấy sạ lúa nước mà sao đồng khô mương cạn? Phải chăng con đập Rớ đã vỡ, điền hộ không đủ sức đắp lại để giữ nước làm mùa. Ruộng bỏ hoang ai chịu trách nhiệm? ai lãnh đạo dân chúng?

 



Đập Hành-tín ở huyện Nghĩa-hành, Quảng-ngãi


Hệ thống mương đập dẩn thủy nhập điền miền Nam Quảng-ngãi đã có từ lâu như các đập Liệt-sơn, An-thọ, Hành-tín, Thạch-nham ở thượng nguồn, Ở miệt hạ lưu, chính quyền sở tại tổ chức nông gia đắp đập mùa khô để giữ nước làm ruộng.

Thay đổi hên & xui ở một làng ven biển.

Tả ngạn sông Trà-câu, đối diện với thôn Hải môn là thôn Hải-tân thuộc xã Phổ-quang. Hải-tân là bến tàu ghe đường biển, nơi phát sinh câu phong dao:

Ai về nhắn với nậu nguồn,
Măng le gởi xuống, cá chuồn gởi lên.

Thuở ấy, mỗi chiều tối thuyền chèo đánh cá biển khơi dập dìu cập bến, đưa lên bờ nhiều đống cá thu, cá chuồn. Nậu rỗi hấp chín cá chuồn để bảo quản, rồi chở lên Ba-tơ, Minh-long bán, mua lâm sản chở về: thiết yếu nhất là ván mù-u để đóng ghe chịu nước mặn và dầu rái dùng trét ghe. Hiện nay thương lái Trung-cọng mua đứt ván mù-u, bứng cả cây mù-u con ở Ba-tơ, Trường-sơn chở về Tàu. Chủ trương gian manh phá hoại kinh tế VN, Trung-cọng đã không ngừng mua rể cây hồi, mua móng trâu, mua mèo, ếch...truyền giống ốc bươu vàng khắp đồng ruộng VN.

Đầu phía Nam thôn Hải-tân là cửa biển Mỹ-Á do nước sông Trà-câu, sông Thoa từ tây và bắc chảy đến, hội tụ với nước sông Trường, sông Rớ từ phía nam đổ về tạo nên vịnh sâu, rộng mênh-mông mỗi lúc triều cường. Trong đệ nhị thế chiến, quân đội Nhật Hoàng có dự tính (chưa làm đã thua trận) xẻ ngang Núi-cửa tại đèo Bãi-xép để mở cửa biển mới, cho chiến thuyền tạm trú dưới hỏa lực phòng không đặt trên núi. Cửa Mỹ-Á vốn hẹp là do đầu Núi-cửa và cồn cát Núi-ông chắn hai bên, đôi khi gió lớn dậy sóng đừa cát lấp cạn cửa biển. Ngư dân phải họp nhau nạo vét cửa cho ghe thuyền ra vào bến, cho nước thoát đi không ngập đồng lúa.
 


 

Máy và xà-lan dàn ngang để múc cửa Mỹ-Á sâu rộng hơn.

Một chòm cây bên phải, xa mờ mờ là dấu tích của Xóm-Tuần,

thôn Hải-môn (huyện Đức-phổ, Quảng-ngãi)


Hiện nay một giải pháp tích cực được thi công: Bến tàu thuyền đã xây vững chải, đào sâu, rất rộng, hàng trăm thuyền máy viễn dương đậu im lìm, không dám ra khơi đánh cá vì lo sợ bị Trung-cọng đâm thuyền giết người: vừa mừng cái hên tiếp đến buồn cái xui là thế! Trong tầm mắt chúng tôi có vài xà-lan đậu giữa cửa Mỹ-Á, liên tục hút cát dẩn lên bờ xa, vét sâu và mở rộng cửa quá cụm Đá-bàn. Từ đầu Núi-cửa. một bờ kè cánh Nam vươn ra biển 500 Mét, nay đầu mút bị nứt và gục xuống biển sâu, nếu không do lỗi kỹ thuật thì do tham nhũng rút ruột công trình. Chúng tôi đi bộ trên bờ kè cánh Bắc xây dựng kiên cố hàng 800 Mét ra hết biển cạn, nhằm chận cát đùa lấp cửa. Một ngư dân tráng niên chất phát từ trong thôn, lẽo đẽo nối gót chúng tôi trên bờ kè, tiếng ông át tiếng sóng:

- Chu cha huơi! Nuốt 97 tỷ bạc rồi, dzậy mà chưa được nghiệm thu. Tui cầu cho dziệc ni chận được cát lấp cửa, hổng như con coòng xe cát đó nghen.

Trong lúc tôi hướng ống kính thu hình toàn cảnh, kể cả nhóm người đương lấy cát biển đổ béton khối chân vạc gia cố bờ kè, bỗng có giọng Bắc đến ngăn cấm tôi quay phim. Ông ngư dân nói nhỏ vào tai tôi:

- Tụi nó dzô đây, quyền thế tợn. Nó không cho ai ghi chứng cớ dziệc làm của tụi nó. Ai mà chẳng thấu, tụi nó ăn xén mà giàu dzậy đó. Hổng ai ngu gì đi tố giác, “ách giữa đàng mang vào cổ”, bị cả lũ từ trên tới dưới trấn áp bầm dập leém.

Muốn đi ô-tô xuống Mỹ-Á, nay chỉ còn một con đường huyện lộ từ Trà-câu xuyên qua xã Phổ-văn, qua cầu béton ở bến đò Mốc (tức sông Thoa, thông nước tới sông Vệ). Vào thôn Bàng-an thuộc xã Phổ-quang là đường trài đá, bỗng rẻ phải bỏ đường cũ tại thôn Du-quang, phóng thẳng xuống cửa Mỹ-Á. Cua quanh nầy xâm phạm vườn cây và cắt mất nửa ngôi nhà khang trang của anh chị Phạm Thức, mà chỉ bồi thường cho anh 90 triệu $VN (tương đương 4,500 USD). Cách bồi thường không thỏa đáng các khu giải tỏa đã dấy lên nhiều cuộc tụ tập phản đối trên cả nước; nhưng anh Thức cắn răng không dám kêu nài, vì anh sợ Bí thư đảng bộ ghép anh tội phản động do mối liên hệ với người chú tên Phạm Thông làm Chủ-tịch xã thời VNCH, bị Việt cọng bắt giết năm 1972.

Từ cửa Mỹ-Á, một con đường tráng nhựa noi theo đường cũ, chạy gần biển về phía Bắc, xuyên suốt các thôn Hải-tân, Phàn-thất, xã Phổ-an, đến huyện Mộ-đức. Lố nhố công nhân bưng xếp đá, trải sạn cát rồi theo sau một xe hủ-lô (rouleau) cán bằng mặt đường, họ múc dầu hắc đun sôi rưới đều lên sạn cát. Với đôi tay trần, người phu làm việc nặng nhọc dưới nắng trưa hừng hực, mồ hôi nhễ nhại. Mỗi ngày được trả công 100,000 $VN (=5USD) họ coi là có số hên, bởi lẽ biết tìm đâu ra việc làm có tiền như vậy? Trên đường nầy, phơi bày sự trái khoáy giữa chính sách và thực tế Xã-hội chủ nghĩa:

a) Tất cả dãy nhà lầu huy hoàng và các nhà thờ tráng lệ của họ Lê, Phan... mới tạo dựng bên đường ở thôn Phàn-thất là tiền của thuyền nhân tỵ nạn CS ở Mỹ, Canada, Úc... gởi về, được họ nói dí dỏm là cái hên của thần Đông-hải (tức cá Ông voi) ban cho. Từ trước, nơi đây đất cát dân nghèo, nhờ có sẵn thuyền máy đánh cá, nên nhiều cư dân đã vượt biển ra đi sau năm 1975. Tức thì người đi bị chính quyền CS ghép tội phản quốc, gia đình ở lại bị đấu tố, làm khó mọi điều. Nay chính những con người ấy dựng nên khu vực giàu có nầy, họ như con bò sữa được Nhà-nước XHCN gọi là “khúc ruột ngàn dặm”. Chính sách đổi trắng thay đen, như trò múa rối!

b) Tại cửa Mỹ-Á có đồn biên phòng, đi vài cây số lại đến doanh trại biên phòng có đông đảo bộ đội đồng phục đẹp đẽ. Gặp một sĩ quan, tôi mời giải khát để gợi chuyện, ông cho biết nhiều lần tàu lạ bắt thuyền và ngư dân Mỹ-Á và đảo Lý-sơn rồi đòi tiền chuộc mạng. Ông nói là không có trách nhiệm gì và không biết gì thêm. Tôi bực mình, đặt câu hỏi kết thúc:

- Thế thì quân biên phòng có vũ lực, phải hộ tống ngư thuyền của ta đánh cá trong hải phận nước mình chứ?

Ông sĩ quan trả lời khinh khỉnh:

- Đó là trách nhiệm của Hải-quân, tuân hành theo chỉ đạo của Trung ương.

Tôi nghĩ: Ô hay! Có cơ chế quân đội biên phòng, sao họ không có bổn phận bảo vệ duyên hải? Lời tuyên bố vì dân vì nước trái với việc làm thực tế ư?

Quảng-ngãi lên Thành-phố, có thêm đường sá và nhà máy lọc dầu.

Thị xã Quảng-ngãi đã được mở rộng thêm ra, được gọi là thành phố Quảng-ngãi, cùng lượt với các thành phố cấp tỉnh khác. Khách sạn mọc thêm ra trong thành phố đồng thời với 2 khách sạn Sông-Trà và Mỹ-Trà ở hai bên đầu cầu sông Trà-khúc. Nhà cửa mọc lên san sát bên những con đường mới mở, cũng nhiều không kém là lời oán trách nhà cầm quyền bồi thường nhà đất trong qui hoạch giá rất thấp, rồi bán lại cho chủ mới giá rất cao, số tiền chênh lệch rất lớn giữa mua và bán chạy vào tay ai? Đường mới mở khá nhiều, vắng bóng xe; đáng kể đến là 2 con đường mới được xây dựng đáp ứng đúng nhu cầu:

- Con đường sát bên tả ngạn sông Trà chạy lên nhà máy đường, nhằm ngăn chận lũ lụt tràn vào thành phố, tuy thưa vắng xe nhưng là nơi hóng mát bên sông cũng là nơi ăn nhậu của dân phố về đêm.

- Một đường vòng phía đông nhằm giảm thiểu xe trên quốc lộ 1 chạy thẳng vào thành phố, tách ra từ Bàu-giang, chạy quanh núi Bút rồi vượt sông Trà trên cầu mới, cách cầu cũ 1 Km về Đông. Cả 2 cầu đều theo kỹ thuật mới, dài thẳng băng, làm tăng vẻ đẹp cho thắng cảnh Thiên-ấn niêm hà.

Tưởng cũng nên biết: thị trấn Đức-phổ xây đắp lở dở con đường “tránh đông” tách ra từ quốc lộ 1, băng giữa đồng ruộng phì nhiêu các xã Phổ-đại, Phổ-minh rồi trở lên QL1 phía Nam cầu Trà-câu. Sự thật xe trên QL1 chạy qua thị trấn Đức-phổ không nhiều, đường tránh vô dụng, chiếm hết ruộng đất. Thế mà cán bộ tư bản đỏ vẫn cứ tiến hành đường tránh để có thể “lận lưng” phần lớn kinh phí!

Tp Quảng-ngãi có điều thoái hóa là đã bỏ phế phi trường từ 36 năm qua, nay thành nơi tập lái xe máy, phơi lúa rơm, ai không buồn tiếc? Dưới thời VNCH, sân bay Quảng-ngãi là nơi đi về nhộn nhịp của Hàng-không Việt-nam và US Airforce.

Đường giao thông xuyên Việt bằng xe lửa hay xe ô-tô trên quốc lộ 1 đã được cải thiện. Các hãng xe du lịch như Mai Linh, Phương Trang, Chín Nghĩa...cạnh tranh nhau, đều là xe khách đời mới có ghế đệm, giường nằm, TV, máy lạnh và chạy an toàn. Đi lại trong tỉnh, ngoài Taxi Mai Linh dùng xe SUV, còn có hãng xe- bus Mai Linh dùng xe-bus hiện đại, chạy đúng giờ dừng đúng trạm, giá vé rất rẻ từ căn bản 4,000$VN : như Đức-phổ đi Sa-huỳnh 12,000$, đi Dung-quấc 16,000$.

 



Cổng chính của Sa-huỳnh Resort

ở phía Nam huyện Đức-phổ, Quảng-ngãi (May/2011)


Có nhìn thấy Giáo duc VN hiện băng hoại, di hại đến nhiếu thế hệ mai sau, mới thấm nỗi đau của thời đại nầy. Tại thị trấn Đồng-cát (Mộ-đức), chúng tôi tiếp xúc với mấy em bé đi lượm bao nylon, giấy vụn để bán. Các em phải bỏ học vì không có tiền đóng cho nhà trường để mua bảo hiểm, giấy kiểm tra, phấn viết bảng, chổi quét trường, khăn trải bàn và nhiêu thứ vô lý khác như quà lưu niệm, cây trồng, điện nước, tiền bảo quản trường, tiền học phụ đạo... Sài-gòn tiếp thị ngày 7-5-2011 cho biết “Một suất vào lớp 1 trường điểm lên đến cả nghìn USD” và Giáo sư Hoàng Tụy (người xứ Quảng, dạy toán trường Lê Khiết, hiện là bộ óc khoa học của Hà-nội) viết “Học sinh bỏ học nhiều, cơ hội được đi học còn khó đối với con em gia đình nghèo”. Thế nhưng tỷ số có học vị cao thì đứng đầu thế giới. Đại học Phạm văn Đồng ở Quảng ngãi có hàng lô Thạc sĩ Tiến sĩ, các quan chức CS từ huyện đến tỉnh nhiều người có bằng Cử-nhân,Tiến-sĩ được học tại chức trong năm ba tháng. Tôi biết rõ cái tẩy nông hội lớp 3 với đầu óc bã đậu nhuộm đỏ của họ.

Tỉnh Quảng-ngãi có nhiều thắng cảnh thiên nhiên dọc dài theo bờ biển, mở ngõ cho mọi người du ngoạn thoải mái, không bán vé trục lợi như nhiều nơi khác.

Resort Sa-huỳnh ở phía Nam của tỉnh, nơi đường thiết lộ và quốc lộ 1 song hành qua điểm tiếp cận của Trường-sơn chớn chở với Biển-Đông bao la. Cơ sở du lịch Sa-huỳnh gồm nhiều dãy phòng khách sạn đón gió biển, bãi tắm nước mặn và mấy hồ bơi nước ngọt. Các nhà hàng ăn uống, tiệm bán quà lưu niệm được trang trí nội thất toàn bằng gỗ quí bóng ngời. Đến với Sa huỳnh để thưởng thức hải sản của biển nơi đây như cua huỳnh-đế, tôm càng, mắm nhôm ở những khách sạn, tiệm ăn thị trấn; còn để thấy các lái buôn đóng cá đuối, mực... vào thùng xốp để bán đi xa.
Thắng cảnh Mỹ-khê ở phía đông Tp Quảng-ngãi 10 Km, giữa đường tỉnh lộ đi hải đăng Batangan và cửa Sa-kỳ. Bãi tắm Mỹ-khê trong vịnh biển lặng sóng, bờ cát trắng phau rợp bóng thùy dương với hàng hàng kiosque lợp lá dừa làm nơi giữ xe máy, trại nghỉ ngơi và ăn uống. Nếu so sánh giữa Mỹ-khê Quảng-ngãi và Mỹ-khê Đà-nẵng thì nơi đây không đông đảo bằng, nhưng thơ mộng hơn nhờ con sông chảy sát bờ biển từ cửa Cổ-lũy đến cửa Sa-kỳ, râm ran tiếng ghe máy ngựơc xuôi giữa đôi bờ dừa xanh trĩu quả. Nếu du khách không phải là đại gia tư bản đỏ vung tiền vào trong các nhà hàng sang trọng nơi đây, thì qúa bước đến thăm 2 nhà thờ tráng lệ của họ Trương ở ngay đầu cầu mới.

Gần mãn đời, tôi mới được thấy 2 nhà máy kỹ nghệ dựng lên trong tỉnh Quảng-ngãi, nơi dân chúng vốn chuyên về nông nghiệp và thủ công nghiệp:

a/ Nhà máy đường nằm phía tây tỉnh lỵ 2 Km, được thiết lập từ thời Đệ nhất VNCH theo kỹ thuật tân tiến, có năng suất cao, tiêu thụ mía trong toàn tỉnh và một phần của 2 tỉnh kế cận. Bấy giờ chở mía bằng tàu lửa và xe tải bị hạn chế bởi chiến tranh. Nhà máy đường tuy đã xuống cấp vì sự bảo quản tồi sau năm 1975, nhưng kế hoạch làm đường chở mía được phục hoạt phần nào, như những con đường trài đá đi Nghĩa-lâm ở huyện Tư-nghĩa, đi An-tây của huyện Đức-phổ v.v...

b/ Nhà máy lọc dầu Dung-quất ở phía đông huyện Bình-sơn, được khởi công từ thập kỷ trước, qua tay các hãng thầu Liên-xô, Pháp, Hàn quốc đều bỏ cuộc, nên VN phải tiếp tục và sắp đi vào hoạt động. Dầu thô vận chuyển theo hải trình diệu vợi từ biển Nam-bộ ra nhà máy lọc nầy. [Ngay tại Vũng-tàu Bà-rịa đã có nhà máy lọc dầu nhỏ,công suất thấp tại đảo Mã-long-sơn]. Chúng tôi đứng trên cầu tàu lớn rộng dựng lên từ vịnh biển sâu, phía bắc mù khơi có núi đá nhấp nhô. Nhiều dãy nhà kho rất lớn ngay trên sân rộng của bến tàu, nhà máy lọc trong kia, không được đến gần. Các khu vực điện nước, cư xá công nhân nằm không xa dòng sông xanh êm đềm chảy gần biển. Từ đây đã mở ra một xa lộ, vượt qua cầu dài, chạy lên quốc lộ 1, là con đường vận chuyển xăng dầu tinh lọc. Theo tin đồn sẽ nối liền con đường ô-tô ven biển từ Đà nẵng đến Dung-quất, nối với Nha-trang đến tận Vũng-tàu, vựơt trên nhiều cửa sông rộng, quả thật là kế hoạch lớn với khả năng nhỏ!

TỈNH QUẢNG-NAM & THÀNH PHỐ ĐÀ-NẴNG

Tình Quảng-nam tồn cổ trong canh tân

Tên gọi “Xứ Quảng” đã có từ thế kỷ 16 (khi Đoan Quận-công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ 2 xứ Thuận Quảng), sau đó là đạo Quảng-nam, tức dải đất miền Trung suốt từ đèo Hải-vân đến đèo Bình-đê, gồm 2 tỉnh Quảng-nam và Quảng-ngãi ngày nay. [Tỉnh Quảng-nam quá lớn rộng, nên dứơi thời VNCH chia thêm ra tỉnh Quảng-tín, lấy Tam-kỳ làm tỉnh lỵ, nay lại trở về tỉnh Quảng-nam].

Hiện nay, qua khỏi Chu-lai (huyện Bình-sơn, Quảng-ngãi) là đến An-tân và thị xã huyện lỵ Núi-thành thuộc tỉnh Quảng-nam. Quốc lộ 1 đến thành phố Tam-kỳ có đường tránh Tây nhằm giảm bớt xe chạy xuyên thành phố (cũng lại ngã ba! tiếp tuc 1 trong 3 cái kỳ của Tam-kỳ). Qua huyện Thăng-bình, đất nổi tiếng khoa bảng với Ngũ phụng tề phi và khoai lang Hà-lam mỏng vỏ đỏ da.

Từ đây, QL1 chạy giữa đồng ruộng bao la, thấp thoáng nhà cửa xóm làng ở xa xa. Nước đã về đồng, nông gia tháo nước vào ruộng đã cuốc ải phơi nắng, lố nhố người băm đất, trang phả rồi sạ lúa trên những thửa ruộng nhỏ. Không thấy trâu bò kéo cày đỡ đần việc nặng nhọc cho nhà nông, có chăng một vài máy băm chạy ì ạch trên đồng rộng; tôi bèn đến thăm hỏi ông bà đang ăn trưa dưới bóng cây vệ đường. Ông đặt chén cơm trộn khoai xuống mép cỏ, đáp lời rành mạch:

- Bây chừ là như rứa, biết mần răng? Lái buôn Trung-cọng mua một móng chân trâu 8 triệu bạc, đời mô ai chẳng ham tiền?. Bán 4 móng còn được lời thịt một con trâu xẻ bán cho cán bộ trên phố. Nõ còn trâu cày bừa thì Trung-cọng mới bán được máy băm đằng nớ (ông vung tay chỉ). Máy như tê mà cứ nằm vạ hoài, có chạy là uống xăng tợn! Cứ như ri, cái nghèo còn tới đời cháu chắt.

Tại thị trấn nhỏ, gần trường trung học Phan Sào-Nam(?) có ngã ba chạy lên huyện lỵ Quế-sơn. Đến huyện Duy-xuyên có thị trấn Vĩnh-điện nổi tiếng nghề đúc đồ đồng và bê thui ngon. Sông Thu-bồn nơi đây đã từng nhuốm máu: phía hữu ngạn về Tây thuộc Việt-minh, phía tả ngạn về Đông thuộc Pháp cai quản, nên cầu Cao-lâu trên sông nhiều phen đứt nối. Tại đây, QL1 trên “đường tránh Đông” có thêm cầu Cao-lâu mới, chia sớt lượng xe qua cầu cũ. Cầu Bà-rèn vượt qua nhánh Bắc của sông Thu-bồn (trước khi 2 nhánh lại hợp một chảy ra Cửa-Đại). Qua thị trấn Thanh-quít, đến trạm thu phí Hòa-cầm của huyện Hòa-vang là ngoại ô thành phố Đà-nẵng, núi đèo Hải-vân đã hiện ra trước mắt.

Thánh tích Mỹ- sơn

Chúng tôi ăn đặc sản bình dân “ Xáo tái nậm” tại thị trấn Nam-phước (Duy-xuyên), rồi gọi taxi Mai Linh lên thánh địa Mỹ-sơn cách xa 30 Km về hướng Tây. Qua Trà-kiệu bên sông Vu-gia, là cố đô của Vương quốc Chapa xa xưa, nay là họ đạo Thiên-chúa kỳ cựu của xứ Quảng. Hai bên đường hoa bằng-lăng tím --màu nhớ nhung của chia ly-- chen lẫn hoa hoàng-anh --màu vàng rực rỡ của tương lai. Bỗng xuất hiện bộ đồng phục vàng sậm của chú Công-an đưa dùi cui chận xe lại. Tài xế Đông nhảy xuống, đến dấm dúi vào tay chú Công an, rồi vô tư trở lại xe chạy tiếp, Anh nói với chúng tôi:

- Phải lót tay nó 50.000$ cho qua đường, không thì nó khám xe hạch ra bao nhiêu thứ lỗi tủn mủn như bánh xe quá mòn, một đèn mờ quá, kính chiếu hậu nứt... mỗi lỗi đóng phạt 350,000$, sao chịu thấu! Gặp lũ chó vàng là ngày đó xui tận mạng.

Đi nơi nào tôi cũng nghe người dân tả oán, chửi rủa nhà chức trách Việt-cọng, thế nhưng họ bất kể mất lòng dân, cứ mũ ni che tai, thẳng tay làm tới.

Đến La-tháp là ngõ vào thung lũng Mỹ-sơn thuộc xã Duy-phú huyện Duy-xuyên. Thánh địa Mỹ-sơn trong diện tích 2Km vuông, còn di tích của 72 đền tháp Chapa - tức Chăm, Chàm, Chiêm-thành, Hời-- hoang tàn, bị phủ lấp giữa rừng cây bạt ngàn. Vào bên trong một cụm tháp: nền đều lát đá có những bệ thờ, ruột tháp rỗng thông lên cao từ 15 đến 29 mét. Nét đặc trưng của Ấn-độ giáo và nghệ thuật điêu khắc trên đá từ thế kỷ 4 đến 13 còn lưu dấu về hình ảnh sống động các lễ hội, vũ nữ, tu sĩ, nhiều vị thần và con bò thiêng... đa số tượng đã sứt gãy. Duy các trụ đá Yoni, bồn đá Linga tượng hình sinh thực khí nam nữ và 2 khối đá vun tròn như bầu vú (biểu trưng 3 vị thần Shiva, Vhisnu, Brahma) vẫn còn nguyên vẹn. Nhiều cột đá lớn đổ xuống nằm dài bên chân đế có lỗ vuông để kết nối với chốt đá ở chân cột. Kỹ thuật xây gạch không có chất kết dính hồ vữa, mà như mài khít từng viên gạch chồng xếp thành tháp cao kiên cố, là điều bí ẩn chưa lý giải được.

Tháng 12 năm 1999, UNESCO đã đưa di tích Mỹ-sơn vào danh mục Di sản thế giới. Công ty du lịch Quảng-nam không trùng tu di tích, mà mở ra nhà biểu diễn văn nghệ Chăm và nhà hàng để moi tiền du khách. Vé tham quan di tích Mỹ-sơn là 30,000$VN, chúng tôi đã không cần hướng dẩn viên, nhưng một anh lính bảo vệ tự ý theo chúng tôi để thuyết minh rồi đòi thù lao 400,000$VN: một cách làm tiền trắng trợn. Xin mượn bài thơ vừa in trên báo giữa năm 2011, nói lên tâm tư chung của người đối cảnh “Mỹ-sơn sương mù”:

Em về có thấy Mỹ-sơn
Núi ôm tháp ngủ, gió hờn lãng du
Mây che ngang tượng đá mù
Dứơi sâu Chiêm nữ Lời ru Bồi hồi
Từng viên gạch thắm màu môi
Còn vương tiếng hát nụ cười Chiêm nương
Giọt buồn rơi xuống mù sương
Ngàn năm Ai nhớ Ai vương vấn người
Từng phiên chợ họp xa rồi!
Tiếng reo lục lạc bên đồi Chàm-tan
Trải bao gió núi mưa ngàn
Tháp chơ vơ lạnh Mấy hàng Cây cao
Sương mù che bóng trăng sao
Tiếng chim Gọi bạn Tan vào Hư không.

(H.M.T.)

 



Thánh tích Mỹ-sơn ở Quảng-nam (Trương Quang và vợ, June/2011)


Phố cổ Hội-an

Từ QL1, cách phía nam Đà-nẵng không xa, có đường tỉnh lộ chạy về Đông qua những thôn làng trù phú, đến phố cổ Hội-an nằm bên cửa Đại, đối diện với Cẩm-phô. Ngày trước, Hội an là thương cảng lớn của miền Trung, có đông đảo người Hoa-kiều nên chữ Tàu viết là Hải-phố, đến người Pháp đọc là Faifo. Hội-an còn giữ nguyên trạng “phố cũ hồn xưa” của nhiều hội quán, cũng là nhà thờ cùa các bang Quảng-đông, Triều châu, Phúc-kiến...theo phong cách kiến trúc Hoa Việt, phụng thờ những thần thánh rất uy nghi sùng kính. Còn đó Chùa-cầu mái ngói âm dương bắt qua kênh đào cạn. Một cầu mới phất phơ cờ trướng dọc hành lang, dứơi sông nhiều ghe thuyền trang hoàng lộng lẫy đậu liền nhau.

Lưu lại qua đêm ở Hội-an để xem toàn phố xá và mặt sông lung linh ánh đèn lồng như đêm hoa-đăng trong Đông-phương huyền thoại và thưởng thức Văn nghệ dân gian phụ họa bởi các loại đàn trống cung đình ngày trước. Quán bar nhộn nhịp khách Âu-Mỹ và nhà hàng đặc sản cao-lầu hoành-thánh đông đảo khách “sành-ăn” Vẫn tồn tại nhiều cửa tiệm bán vải vóc và y phục các dân tộc vùng Đông và Nam Á. Hội an cũng là nơi tập trung nhiều nhà trang-phục lành nghề; du khách có thể đặt may một bộ veston (sur mesure) ưng ý, đặt mua giày nón đúng như catalogue chỉ trong vài ba giờ, giá rẻ bằng ¼ ở Mỹ. Yaly là một trong những nhà may “nóng” có sức hấp dẩn những người đẹp mặc “thiếu vải”.

Tinh thần canh tân mà tồn cổ của Quảng-nam được biểu lộ khắp nơi trong tỉnh.

ĐÀ-NẴNG, THÀNH PHỐ PHÁT TRIỂN NHẤT VN

Năm 1856, loạt đại bác của liên quân Pháp + Y-pha-nho tấn công Đà-nẵng đã đánh thức hải cảng miền Trung nầy không ngừng phát triển thành thương và quân cảng. Đà-nẵng hôm nay là thành phố trực thuộc trung ương (tách ra ngoài tỉnh Quảng-nam), có sức phát triển hạ tầng cơ sở và du lịch hàng đầu của VN. Nội địa Đà nẵng được nối liền với bán đảo Sơn trà do 3 chiếc “cầu mới” bắc qua sông Hàn
1- Cầu quay (lúc nửa đêm cho tàu lớn qua lại), trước các khách sạn Bạch-đằng và Memory lounge (của Nguyễn cao Kỳ Duyên) ngay tại bến phà cũ.

2- Cầu treo Thuận-phước như cái mống (rainbow) lưng trời, nơi sông gặp biển, nơi dòng chảy sông Hàn đồng thời bên ngược bên xuôi.

3- Cầu Rồng gần Danang Riverside Hotel, đương thi công suốt ngày đêm, từ khách sạn nầy nhìn xuống tôi thấy chỉ còn nối một nhịp cầu là thông xe.

Thứ tư là cầu cũ De Lattre de Tassigny từ thời Pháp thuộc, VNCH gọi cầu Trịnh minh Thế, VC gọi cầu Nguyễn văn Trỗi, vẫn lưu thông tốt và đương nới rộng thêm.
Con “đường mới” dài rộng dọc vịnh biển phía bắc thành phố, qua cầu Thuận phước nối liền xa lộ Sơn-trà, là đường trụ cột có thêm tính chiến lươc. Vịnh biển Thanh-bình bên đường nầy đã giao khoán cho Đại-hàn lấp biển để xây cơ xưởng. Một chung cư cao ốc lớn nhất do Trung-cọng đầu tư nằm ngay giữa Đà-nẵng.

Các Chợ-cồn, Chợ-Hàn thêm sầm uất, bày hàng la liệt lấn chiếm lề đường. Quanh đấy mở ra nhiều cửa hàng ăn nhậu, hát karaoke, cà phê ôm, massage...Các cô gái đấm bóp, giác hơi chỉ có xách nhựa đựng dụng cụ và tấm áo mưa poncho, hành nghề suốt đêm ở ven lộ và nơi đương xây dựng, chào mời công nhân tan ca đêm. Thành phố phát triển thu hút dân tứ chiến, họ mang đến nhiều tệ nạn xã hội.

Bán đảo Sơn-trà là đặc ân của Tạo hóa ban cho Đà-nẵng có trái tim là bãi biển Mỹ-khê và hai lá phổi là Ngũ-hành-sơn và núi Bụt Linh-ứng. Bãi biển Mỹ-khê lúc nào cũng đông đúc như ngày hội: mặt biển lúc nhúc người đùa sóng, bãi cát nhiều tốp người tập thể dục, đánh bóng chuyền, chạy đua, nằm thư giãn.Rừng xe gắn máy, ô-tô đậu dưới bóng dừa mới lớn, bên lô nhà hàng sang trọng mới mở.

Núi Sơn-trà phía Bắc như bình phong của thành phố, trên đỉnh núi vẫn tồn tại đài Radar kiểm soát vùng trời biển rộng hàng trăm hải lý đường bán kính. Núi Bụt chùa Linh-ứng chiếm ngọn phía Đông núi Sơn-trà, nơi có pho tượng Quan Thế Âm trắng toát, cao vòi vọi, đứng nhìn xuống Biển-Đông. Chùa Linh-ứng trầm mặc giữa khuôn viên hoành tráng, chánh điện uy nghiêm sau sân rộng tôn trí nhiều pho tượng Bồ-tát và cửa tam quan hàng trăm bậc cấp có rồng chầu. Hội trường lớn nằm dưới tòa sen làm chân đế tượng Quan Âm, nhiều tu viện lẩn khuất giữa cây rừng.

Phía nam là Ngũ-hành-sơn gồm 5 ngọn núi quần tụ nơi bán đảo Sơn-trà nhập vào nội địa. Du khách có viếng hang động Huyền-không, Cổng trời, có thăm mỏ đá cẩm thạch ở Thủy-sơn mới thấy quê hương ta giàu đẹp biết bao! Gần bên xa lộ đã có thang máy lên ngọn tháp trên đỉnh núi, bên chân núi có nhiều cơ sở chạm trổ đá. Hãng “điêu khắc Út Lan” lấy đá cẩm thạch vân xanh từ Ngũ-hành-sơn, mua thêm đá cẩm thạch vân đỏ từ Nghệ-an và Pakistan, chạm trổ nên vô số nữ trang, vật dụng, đồ trang trí nhỏ đến hình tượng tôn giáo, sư tử, sô pha, độc bình lớn...nhiều cái giá trị nửa tỷ bạc; đó là thủ công nghiệp địa-kinh-tế của Đà-nẵng.

Sơn-trà là khu vực tân lập qui mô của một thanh phố đang phát triển. Xa lộ dọc biển có 6 làn xe, chạy tới cửa Đại, là đường xương sống của bán đảo. Hai bên đường mọc lên nhiều Văn phòng xí nghiệp, đại công ty do ngoại quốc đầu tư, chen lẫn nhiều khách sạn sang trọng và những khu resort trên bờ biển.

Xe chạy qua vùng mênh mông là phi trừơng quân sự Non-nước và kho bãi tiếp liệu Nước-mặn trước 1975, tôi thấy đất đã chia lô, có lô đương xây cao ốc. Tài xế Đức nói với chúng tôi:

- Đây là đất công, nay bọn chức quyền phân lô bán cho các tay tài phiệt ở đâu tới. Giá mỗi lô rẻ nhất là 3 tỷ, giá trị như vàng lá trải kín mặt bằng. Đất của Việt-nam, sao lũ nó tự ý bán như nó là chủ đất, nên lũ có chức quyền đều trở thành tư bản đỏ.

Anh Đức chỉ vào các xe chạy trên đường và cho biết thêm:

- Công ty xe Mai Linh của Hồ Huy, chủ tịch Hội đồng quản trị, là con rể Thủ-tướng Phan văn Khải. Hãng xe Phương Trang của con gái Thủ-tướng Võ văn Kiệt.

Độc quyền xe miền Tây và khai thác Phú-quốc thành đảo du lịch là cô Phượng, con gái đương Thủ-tướng Nguyễn tấn Dũng. Công trình phát triển Đà-nẵng là do tay Nguyễn Bá Thanh, ông bí thư thành ủy này làm nên việc cùng lúc làm nên giàu.
Khai thác cảnh đẹp thiên nhiên của Tô-quốc, tổ hợp tư bản đỏ Đà-nẵng dựng nên các cơ sở du lịch, đem về lợi tức khổng lồ cho họ.

Cù lao Chàm, khu dự trử sinh quyển thế giới.

Gía vé Vietnamtourism 550,000$VN/ khách. Đi 8h00 về 16h30.

Từ cửa Đại (phía Nam Đà-nẵng 15Km), ca-nô cao tốc chở du khách nhảy dồi trên sóng biển 20Phút đến Cù lao Chàm, một cụm gồm 8 đảo. Khí hậu mát mẻ quanh năm, động và thực vật rất phong phú, nguồn tài nguyên là hải sản, đặc biệt nhiều yến sào. Chỉ quan sát khu vực sinh thái đa dạng ở Núi-chồng, chỉ tắm biển và ngắm rặng san hô ở Bãi-ông là ta đủ hiểu lý do các nhà khoa học đưa Cù lao Chàm vào hệ sinh thái cần bảo vệ và UNESCO công nhận là khu dự trử sinh quyển thế giới. Ở đây còn những lăng miếu, chùa Hải-tạng có giá trị lịch sử; nay lại có thêm doanh trại bộ đội biên phòng vô tích sự?

 



Bãi Dừa tại Cù-lao Chàm, biển Quảng-nam (Du khách ăn đặc sản biển và núi)


Nằm võng đón gió tại Bãi-dừa, đến bữa ăn trưa chúng tôi thưởng thức các đặc sản khoái khẩu: rau rừng chấm mắm cái, canh chua cá đuối, bào ngư, ốc nón luộc, vú nàng & sò điệp nướng...Vú nàng thuộc họ giáp xác, như con ốc tròn vun hình chóp nón, du khách khó quên nhờ câu ca dao hiện thực mà ỡm-ờ:

Ra khơi ghé lại hương làng,
Hỏi thăm cô Kép “vú nàng” to chưa?
Khách hỏi thì em xin thưa:
“Vú nàng đã lớn nhưng chưa ai sờ”.

Diving center ở Hội-an có nghiệp vụ khảo sát biển Cù lao Chàm với hướng dẩn viên chuyên nghiệp có bằng cấp quốc tế, hướng dẩn khách sử dụng bình hơi và kỹ năng lặn biển. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp muôn màu của rong tảo, san hô, cá nhiệt đới quả là cơ hội hiếm có.

Đường lên Thiên-thai: BÀ-NÀ núi Chúa

Giá vé Vietnamtourism 650,000$VN (Đi tự túc thì mua vé cáp treo 220,000$VN).

Bana Hills Resort cách Đà-nẵng 25km về Tây, ở cao độ 1487m so với mực nươc Biển Đông, được xem như cái đầu xanh của miền Trung. Do Đại úy bộ binh Marin Debay phát hiện tháng 4 năm 1901, Bà-nà liền được qui hoạch thành resort hưu dưỡng hoàn hảo nhất Đông-dương, có đủ tiện ích như bệnh viện, bưu điện, nhà hát opera, rạp chiếu bóng, cửa hàng, chợ...Hiện nay, đường ô tô lên Bà-nà vẫn lưu thông tốt, nhưng du khách đều theo đường cáp treo nổi tiếng đã lập 2 kỷ lục Guinness là tuyến cáp treo một giây dài nhất thế giới (5,043m) và độ chênh lệch giữa hai ga trên và dưới lớn nhất thế giới (1,292m). Cáp treo Bà-nà được thiét kế theo tiêu chuẩn của Hiệp hội cáp treo châu Âu, do kỹ-sư Nhật thực thi và bảo quản. Có 94 ca-bin di chuyển trên 2 tuyến song song lên xuống, được nâng đỡ bởi 24 trụ hình tháp đứng cao trên ngon cây rừng núi.




Hai ca-bin đương chạy ngược chiều theo 2 tuyến cáp treo

(du khách ngắm núi Bà-nà tại ga Debay)


Xuất phát từ ga Suối-mơ, du khách ngồi trong ca-bin bám vào cáp treo chạy giữa lưng chừng mây ngàn, nhìn xuống những thác nước trắng lẩn khuất giữa núi rừng xanh ngát phía dưới, trông chim trời xinh đẹp bay lượn chung quanh, ngỡ mình trên đường lên Thiên-thai tiên cảnh. Dừng lại ở ga Debay, du khách đến chiêm ngưỡng tượng Phật Thích-ca tọa thiền màu trắng cao 27m với cây thông 3 lá quí hiếm, chùa Linh-ứng Bà-nà (là một trong ba chùa Linh-ứng ở Đà-nẵng),vườn Lộc-uyển, khu làng biệt thự Pháp, vườn Tịnh-tâm. Khu vực nghỉ mát Vườn hoa có nhà hàng cà-phê Doumer, Le Jardin Hotel và hầm rượu lịch sử vẫn tồn tại từ năm 1923. Mua vé 30,000$VN để vào thăm phòng chưng cất rượu mát lạnh trong đường hầm đá, xem các loại rượu danh tiếng và nếm vài ly rượu miễn phí.

Tuyến cáp treo kế tiếp đưa lên ga Morin trên đỉnh núi Chúa. Chúng tôi nghỉ và ăn trưa tại khách sạn Morin (hotel 4 sao, điều khiển nội thất dùng toàn hệ thống cảm ứng). Khu vực nầy còn có khách sạn Đông-dương, nhà hàng Rendez-vous, nhà hàng Paronama, bar Mùa-đông và sắp khai trương các cơ sở vui chơi giải trí đồ sộ; quả xứng danh là Resort lớn nhất Đông-Nam Á, đứng thứ ba toàn thế giới.
Đêm đến, càng về khuya Bà-nà càng vui với những sinh hoạt sôi nổi như đốt lừa trại, ca hát tập thể, văn nghệ ngoài trời có hàng trăm nam nữ tham gia hào hứng.

Thời đi học, tôi ao ước đến thăm Bà-nà nhưng không thể được vì cuộc chiến triền miên. Đến nay, sau 36 năm thanh bình, đa số người Việt từng có ao ứơc được nhìn rõ non sông cẩm tú như tôi,vẫn còn là ước mơ do túi tiền hạn chế; bởi vì các thắng cảnh VN -như Bà-nà- đều là cơ sở đầu cơ trục lợi của kẻ có chức có quyền./.

Tháng 8 năm 2011
TRƯƠNG QUANG

* * *

Xem các bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về homepage www.nuiansongtra.net  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh