CẦU TIÊN: MỘT THÚ CHƠI TAO-NHÃ Ở QUÊ NHÀ BUỔI ẤY…
Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT
Nhân đọc bài Cầu Tiên của nhà văn Nguyễn Đức Lập đăng trên trang mạng “nuiansongtra.net” với đoạn kết, nhà văn đã viết: ”Tôi viết những dòng này mà tiếc rằng một cái thú tao nhã như vậy, thơ phú hoa thêu gấm dệt, không nhuốm một chút tài lợi bụi trần mà bị mai một đi thật là uổng. Biết nói làm sao được, nhân loại chỉ bước tới nhân loại chỉ bước tới có những chuyện xảy ra chưa đầy chưa tới 50 năm mà nhắc lại, như kể chuyện cổ tích, đời xửa đời xưa…” tôi liền nảy ra ý định “đáp lễ” bậc đàn anh trong khi túng đề tài viết cho Đặc san Xuân Quảng Ngãi năm nay.
Thật là lý thú! Bài viết của bậc đàn anh cùng xứ đã mở ra cho tôi cái cảm hứng để ghi lại những hồi ức về một thú chơi tao nhã ở quê nhà cách nay hơn nửa thế kỷ mà chính tôi đã từng tham dự. Đấy là những năm đầu của thập niên 60. Lúc ấy trong làng trong xã ngày đêm an ninh vô hạn. Ban đêm không nghe tiếng chó sủa, người người sống yên ổn làm ăn. Ai cũng lo xây dựng tương lai hạnh phúc trong một thể chế tự do dân chủ. Tuổi chúng tôi thủa ấy còn rất trẻ, chỉ biết rong chơi, đọc sách báo cho qua ngày. Trong làng tôi lúc ấy có ông Tám Anh, là rễ bà Nguơn mà tôi gọi là Bác Tám. Bác nầy lúc ấy cũng chỉ là một thanh niên, lớn hơn tôi khoảng 10 tuổi. Bác còn có một người em tên Thao. Cả hai vốn là con trai của ông Lê Quang Trang ở thôn Thế Khương.
Từ khi Bác Tám Anh về làm rễ bà Nguơn, Bác thường hay chơi với tôi vì nhà chúng tôi ở rất gần nhau. Một hôm Bác rủ tôi đi dự một buổi Cầu Tiên mà chính Bác là đồng tử, còn Bác Thao là đệ tử. Cũng giống như lối Cầu Tiên trong bài viết của nhà văn Nguyễn Đức Lập, Bác Tám Anh cho thiết lập một đàn tràng gồm có bàn thờ gồm đèn hương hoa quả. Trước bàn thờ là một cái bàn dài mà Bác ngồi trên ấy. Cón đệ tử là người em của Bác thì ngồi cạnh bên trên một chiếc ghế. Tôi cũng được ngồi trên một chiếc ghế khác đối diện với Bác Thao. Thế là kể từ hôm ấy tôi nghiễm nhiên trở thành một đệ tử bán chính thức trong các buổi phụ đồng Tiên.
Theo lời Bác Tám Anh kể lại, thì muốn trở thành một đồng tử phải qua một thời gian “luyện đồng”. Thời gian lâu mau tùy theo mỗi người. Có người mau có người chậm. Sau thời gian luyện đồng mà được Tiên nhập một cách dễ dàng thì gọi là “thuộc đồng” tức là coi như đã lành nghề. Cũng theo lời Bác cho biết thì luyện đồng bằng cách uống Châu sa, Thần sa (tiệm thuốc Bắc nào cũng có nhưng phải uống với liệu lượng ít). Sở dĩ phải uống 2 vị nầy là mục đích để trừ tà và làm cho người được tinh khiết, trong sạch. Sau đó thì uông Trân châu mễ là loại mà các thầy phù thủy dung để vẽ bùa. Đồng tử còn phải nhờ các vị Sư Tăng tụng kinh cầu an để dùng phép Phật xua đuổi những tà ma quỷ mị vì sợ sau nầy nhập vào xác đồng nguy hiểm. Còn nhiệm vụ vai trò của vị “đệ tử” thì thế nào? Thật ra đệ tử chẳng qua là một người ngồi cạnh đồng tử để ngâm bài CHÚ CẦU TIÊN và ghi chép lại những chữ mà Tiên đã viết từ cái mâm đồng ra trang giấy mà thôi. Hoặc nếu Tiên có sai bảo điều gì như lấy nước, lấy giấy vàng, đốt nhang… thì làm theo chẳng khác chi một vị phụ tá.
Dụng cụ của đồng tử trong một buổi lên đồng gốm có: một cái mâm đồng đặt trên bàn, một khăn đỏ dùng để bịt mặt, một cái cọ bằng gỗ đào dài khoảng hơn một gang tay. Sau khi đồng tử đã ngồi yên vị trên bàn xong, trước hết là bịt mặt bằng khăn đỏ, xá ba xá trước bàn thờ rồi tay trái cầm ba cây nhang đã đốt sẵn đặt trên đùi trái, tay phải cầm cọ đào đặt trên đùi phải, ngồi ngay ngắn nhìn thẳng về bàn thờ đã có hương đăng trà quả. Đệ tử bắt đầu ê a ngâm bài thơ phụ đồng Tiên. Bài thơ nầy có nhiều dị bản do sự sao chép “tam sao thất bản” nên có nhiều chỗ khác biệt. Bản sau đây tôi xin chép lại theo trí nhớ sau hơn nửa thế kỷ, “bộ nhớ” có phần hao mòn, nếu ai còn nhớ đủ xin nhuận chính dùm cho:
Linh linh tốc hiện giáng đàn trung
Đệ tử kiện thành lập thọ trung
Hữu nguyện tắc tùng cơ mạc trắc
Thiên tiên vạn thánh giáng đàn trung
“Ba lăng nhứt vọng động đình thu
Nguyệt chiếu cô phong thủy thượng phù
Văn đạo thần tiên bất khả tiếp
Tâm tùy hồ thủy cộng du du
Thủy du du nguyệt diệc du du
Nguyệt thủy du du cảnh sắc u
Cảnh sắc thanh u, cảnh già tịnh
Cảnh tâm già tịnh phiếm nhàn du
Dám xin giá vũ đằng vân
Giáng lâm đồng tử góp vần nên thi
Cõi trần tục còn nghi chưa tỏ
Xin Tiên ông phán tỏ phân minh
Trước là an tấm lòng thành
Sau là nối đặng phép linh để đời
Nước một dòng kiền khôn mấy đảnh
Đủ thú vui thức tánh tiêu diêu
Tòng ba mai diệp ngọt ngào
Bốn mùa bích thủy dồi dào thú chơi
Trần ai mặc kẻ say đời
Non nhơn nước trí thảnh thơi mặc dầu
Màu cảnh vật tóm thâu một thú
Chạnh kiền khôn bốn vụ đều xuân
Đơn sơ bạch ngọc toàn thân
Thị thành mặc Tống, quân thần mặc Lưu
Ngày nhàn hạ ngao du thanh thủy
Mấy ngàn đời chính khí ngàn thu
Thảnh thơi liễu mạch ba cù
Đờn rung sáo thúc chu du thích tình
Thế chinh chinh qua miền nhược thủy
Gẫm càng say thú vị cổ kim
Màn trời một giấc im im
Ngàn ba đăng cổ giương miền trường sinh
Chốn Bồng Đảo ba hoàn thủy nhiễu
Luyện linh đơn hỏa táo giao lê
Thanh hư là chốn kê thê
Sớm chơi bích thủy, tối về Thương ngô
Một bầu rượu giang hồ thong thả
Thú yên hà chi sá trần ai
Tiêu diêu tử phủ đơn đài
Ba ngàn thế giới cõi ngoài trần lao
Mùi hy dưỡng nhật tinh nguyệt túy
Luyện chơn hình chơn khí phi thăng
Nhởn nhơ bẻ quế cung trăng
Giang hồ ngàn dặm xem bằng tấc gang
Ra phép diệu thần thông biến hóa
Họa linh phù tạc đá nên ghê
Nương con xích lữ ra về
Trăng thanh gió mát ngỏa nguê bầu trời
Một bầu thuốc dạo chơi nam thủy
Ánh hồ trung thích chí ra vào
Thiên thai là chốn tiêu dao
Một cầm một hạc nghêu ngao giang hồ
Dưới trời ngang dọc chín châu
Ba phen say dựa tỉnh lâu lại về
Cuộc cờ thuở giang khuê nguyệt tỏ
Chốn ba đình cỡi gió bay qua
Khai nguyên gặp hội anh gia
Rạng trong danh thế hiệu là Trường Canh
Tưởng thuở trước Thiên đình giáng hạ
Thiên vạn ngôn lập mã thành chương
Thi tài xem đã khác thường
Rượu dâu kể đấu, thi chương kể ngàn
Trong cuộc ẩm bát tiên là nhứt
Lại ngao du mặc sức phong lưu
Kim Lăng những thuở thừa chu
Quan hà rực rỡ hải hà vinh ba
Nơi dấu cũ khởi kinh biến hóa
Bảng vàng bia tạc đá nên truyền
Nay con tưởng Tiên ông để dấu
Một nén hương cầu thấu Tiên cung
Bồng Lai tuy cách ngàn trùng
Tin thành dầu có cảm thông mấy mầu
Nhơn gian trải tấm lòng cầu
Chứng tri xem xét cao sâu mới tường
Trước vạn áp ba vừng hương đốt
Xin Tiên ông chứng chút long thành
Nhớ trong sách cũ để truyền
Cảnh Tiên có cảnh, người Tiên có người
Kiếp ở đời là dường phàm cốt
Giá thiên tiên ngọc chuốt vàng trau
Tài cao chí cả học sâu
Tấm thân là trọng, công hầu dễ khinh
Thú tích tình non non nước nước
Hạc với cầm là ước xưa nay
Tiêu dao thong thả tháng ngày
Khi chơi vào Động Đình hồ cũng bay
Sẵn trong tay linh phù bửu kiếm
Phép thần thông hiển hiện càng ghê
Cứu nhân độ thế nhiều bề
Linh cơ báo ứng chẳng hề chút sai
Việc ở đời trăm điều đã trải
Chút phù danh để lại nhân gian
Trở về luyện tính thâm san
Chơn Kinh một quyển, kim đan một lò
Trong thạch động bốn mùa thanh sảng
Ngoài trần gian ngày tháng là bao
Sum vầy khách lạ người cao
Quỳnh tương những uống bàn đào từng vin
Gác tay danh lợi chẳng cầu
Nước non nhẹ ước, công hầu nhẹ khinh...
Thông thường, đối với những đồng tử đã “thuộc đồng” thì chỉ cần đọc khoảng mươi câu, Tiên đã nhập vào rồi. Hồi đó, người em của đồng tử là Chín Thao thường đi vắng, nên mỗi lần hầu đồng tôi đều được gọi theo hầu. Hai chúng tôi đi khắp nơi, lúc thì trị bệnh, lúc thì cho thơ, lúc thì trừ tà hoặc tiên đoán tương lai, vận hạn, tình duyên, công danh sự nghiệp. Có nhiều thân chủ ở tận Thu Xà cho người rước chúng tôi bằng ghe. Dưới ánh trăng sáng vằng vặc, mà được xuôi ghe theo dòng sông Vệ để bọc qua Thu Xà trên một đoạn đường dài thì không gì thú vị bằng. Nhờ có giọng ngâm tốt, lại nhận mặt chữ lẹ do Tiên viết trên mâm đồng, tôi trở thành một phụ đồng đắc lực. Sau mỗi buổi hầu Tiên, nhiều gia chủ nấu chè, nấu cháo đãi ăn khuya thật vô cùng trang trọng và ân cần. Tuy tuổi còn nhỏ và vị đồng tử hãy còn là một thanh niên mà ai cũng trọng vọng và thành kính, mình thấy vô cùng hãnh diện. Quả thật đây là một thú “chơi” tao nhã, cực kỳ huyền bí và linh thiêng.
Cũng nên thưa với quý vị là ông Tám Anh - vị đồng tử nầy học lực chỉ tới lớp Nhứt, không hề biết làm thơ và cũng chưa hề biết thuốc Bắc vậy mà khi Tiên nhập thì bài thơ nào cũng hay, toa thuốc nào cũng công hiệu. Tôi nhớ có năm đó, Cha tôi bịnh nặng, gần thoát nhục rồi vậy mà Thái Bạch Tiên ông xuống cho một bài thơ và một toa thuốc, sau đó bình phục hẵn. Mấy câu kết bài thơ đó tôi còn nhớ:
”Bây giờ sơ lược cho toa
Dụng đôi tể thuốc đó mà nghiệm suy
Hồi giờ xuống thế cho thi
Tiên bồng là chốn biên thùy hồi lui”.
Sau khi cho toa thuốc xong, Ngài bèn thăng bằng cách ném cây cọ và bình tĩnh lột chiếc khăn đỏ ra, chứ tuyệt đối không có ợ ngáp hoặc la hét như các buổi lên đồng ở miền Bắc. Cũng không có rung đùi, đòi uống rượu, hoặc bắt buộc gia chủ phải cúng heo, cúng gà hoặc dâng lễ vật. Hoàn toàn thi phú mơ mộng. Đặc biệt đang ngồi đồng mà có tiếng chó sủa là Tiên vội quăng cọ thăng ngay lập tức. Do đó phải tuyệt đối trang nghiêm, thanh tịnh.
Vì trang báo có hạn, tôi chỉ sơ lược giới thiệu thú vui tao nhã thanh cao nầy, nếu có điều kiện, năm tới tôi sẽ ghi lại những chi tiết cụ thể hơn mà tôi như là một nhân chứng sống. Dù sao bài viết nầy, trước như một “nối điêu” bài Cầu Tiên của anh Nguyễn Đức Lập (người cùng quận Tư Nghĩa với tôi) sau nữa là ghi lại toàn bộ bài thơ Cầu Tiên (tuy chưa đầy đủ vì tam sao thất bản) để làm tài liệu hoặc giả ít ra cũng để cho mấy bạn già đồng hương trên lứa tuổi “nhĩ thuận” ở khắp năm châu thưởng ngoạn, ngâm nga trong ba ngày Xuân Tết.
Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT
(Houston, TX 2011)
* * *
Xem các bài khác cùng chủ đề tại đây
Xem các bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về homepage www.nuiansongtra.net