Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn (Kim văn)
HƯƠNG TÓC CỐ NHÂN
TRÀM CÀ MAU


"Xin cho tôi đủ kiên nhẫn để chấp nhận những gì không thể đổi thay; và cho tôi đủ can đảm để thay đổi những gì có thể đổi thay được. Và khôn ngoan để biết việc nào đổi được, việc nào không"
(Reinhold Niebuhr)

Tám và tôi là hai tay tình địch cũ, ôm nhau thân thiết, sau gần ba mươi năm ách biệt và lưu lạc nơi quê người. Thực sự, trong thời gian cùng theo đuổi một bóng hồng từ khi tuổi vừa quá đôi mươi, chúng tôi cũng không hề ghét bỏ, ganh tị nhau. Chỉ có một chút lấn cấn trong tình bạn. Cả hai như không được tự nhiên khi có ai nhắc đến tên người con gái bạo dạn, lí lắc, và nhí nhảnh đó. Nàng là Thu Nguyệt, đã xen vào tình bạn của chúng tôi, hai người chung xóm, chung trường, chung lớp. Cả hai không đủ cao thượng để nhường nhau, cũng không đủ xấu xa để hạ nhau trong cuộc tranh đua chiếm độc quyền trái tim của "cái mảnh trăng mùa Tu đó."

Khi ngồi trong phòng khách, Tám bồi hồi nói :

"Mau thật. Đúng như người xưa nói, thời gian như bóng ngựa qua song cửa . Mới đó, mà trên đầu đứa nào cũng muối nhiều hơn tiêu. Có ai ngờ gia đình ly tán, bạn bè đi khắp bốn phương trời, nhiều đứa đã chết vì bom đạn, chết trong tù, chết ngoài biển khơi, chết trên rừng thẳm, và cả chết già, chết bệnh trên giường."

"Thôi, mình còn gặp nhau đây là quý rồi. Chiến tranh quả tàn khốc. Phí cả bao nhiêu sinh mệnh, bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu tuổi xuân, chỉ để dành được khổ đau, nghèo đói và tụt hậu cho cả hai miền Bắc Nam."

Tám thở dài và rót nước trà mời. Tôi nhìn quanh bốn bức tường trong phòng khách tìm kiếm, chỉ thấy hình của Tám và đứa con trai, không thấy hình của vợ Tám là Thu Nguyệt đâu cả. Trong cuộc chạy đua theo ái tình ngày xưa, tôi đã thua, vì bị đi tù cải tạo sau khi miền Nam mất. Tám đã gồng mình cưới Thu Nguyệt trong thời gian dầu sôi lửa bỏng đó. Nhờ kiên trì và can đảm, hai vợ chồng Tám đã tìm được tự do sau nhiều lần thất bại trong những âm mưu đào thoát ra khỏi xứ. Còn tôi thì đã lây lất nửa sống, nửa chết trong tù, không mong sống sót trở về. Nhiều đêm buồn khi trăng lên trong tù, giữa rừng sâu, tôi đã miên man nhớ đến những kỷ niệm êm đềm của mối tình với Thu Nguyệt, như một nguồn an ủi, như một đóm lửa ấm áp hơ sưởi niềm cô đơn.

Tôi nghĩ, không có hình của Thu Nguyệt treo trên tường, thì e gia đình của Tám đã đi đến kết quả đổ vỡ. Tôi nén tiếng thở dài. Trong thâm tâm, tôi mong cho cuộc tình của Tám và Thu Nguyệt được hạnh phúc và dài lâu. Không tiện trực tiếp hỏi thăm về Thu Nguyệt, vì ngại chạm vào đời sống riêng tư của bạn, hơn nữa sợ Tám hiểu lầm. Tôi hỏi chuyện loanh quanh về các con, việc học hành, và công việc làm ăn của Tám. Khi vừa dự định chuyển qua câu hỏi thăm về Thu Nguyệt, thì có tiếng cửa mở. Một người đàn ông trung niên bước vào. Người nầy nhỏ con, ăn mặc theo lối thể thao, đội nón lưỡi trai, tóc hớt cao bày da đầu bên màng tang màu trắng, tay cầm vợt, mặt hơi sạm nắng. Tám lúng túng giới thiệu:

"Đây chú Giọt” (George) - Rồi quay qua vợ chồng tôi, giới thiệu tiếp - "Đây là vợ chồng anh Năm. Chắc... chắc..."

Tám bỏ lửng câu nói. Người đàn ông trung niên tròn mắt ra như ngạc nhiên, với vẻ ngỡ ngàng, có chút ngượng ngùng, rồi đi mau vào bên trong, khi tôi chưa kịp đứng dậy bắt tay chào hỏi. Tôi hơi ngạc nhiên. Tôi nghĩ, có lẽ người nầy ở chung nhà với Tám nên mới tự nhiên ra vào như thế. Tôi nói với Tám:

"Ông Giọt nầy trông quen lắm. Có lẽ tôi đã gặp đâu đó nhiều lần rồi. Không chừng chúng tôi có quen biết nhau trước."

Tám trả lời với nụ cười khôi hài, bí hiểm:

"Đúng, anh và chú Giọt có quen biết nhau trước. Quen biết nhiều. Chú Giọt là Thu Nguyệt ngày xưa đó."

Tôi tưởng mình nghe không rõ, hỏi lại;

"Ông Giọt là em của Thu Nguyệt? Ngày trước, tôi có nghe nói đến Giọt bao giờ đâu? Thu Nguyệt là con út trong gia đình kia mà. Hay là con riêng của ông cụ, con cùng cha khác mẹ? "

Tám cười, lắc đầu nhắc lại:

"Chú Giọt chính là Thu Nguyệt, từ đàn bà đã đổi giống qua đàn ông khoảng hơn bốn năm nay."

Tai tôi lung bùng, tưởng Tám pha trò, khôi hài chơi, hoặc giả Tám nghi tôi còn có tình ý gì với vợ anh. Tôi thành thật nói, để thanh minh :

"Thôi mà, chuyện xưa rồi. Ai cũng yên phận, có vợ có con rồi. Ai cũng phải gìn giữ hạnh phúc gia đình trước hết. Vợ chồng là duyên số trời cho."

Giọng Tám hơi chua chát:

"Hừ, ông Trời đôi khi cũng cắc cớ lắm. Đem một linh hồn đàn ông nhốt vào cơ thể một người đàn bà, để cho người ta đau khổ, bứt rứt, dằn vặt suốt đời. Thật là ác."

Tôi không biết Tám nói gì mà lẩn thẩn, chẳng ăn nhập vào đâu cả. Vợ tôi cũng liếc mắt nhìn tôi ra hiệu, ý rằng Tám đang nói sảng. Tám thấy thái độ của vợ chồng tôi, xuống giọng nói:

"Anh chị không hiểu cũng phải. Tôi cần giải thích thêm cho rõ ràng rằng, Thu Nguyệt, "vợ cũ" của tôi, có một cơ thể của phái nữ, hoàn toàn một trăm phần trăm nữ. Nhưng bà ấy cứ luôn luôn tin rằng, bà là một người đàn ông, bị "bà mụ bắt lộn" và mong muốn được trở thành đàn ông. Cái mong muốn ấy, nó thúc dục, ray rứt, cắn xé, làm cho trí não điên lên. Có thời trở thành trầm cảm, khó tánh, xa lánh mọi người, xa lánh xã hội, rút lui, tự che dấu, không muốn giao thiệp với ai. Và nhiều khi muốn hủy hoại cơ thể, muốn chết cho yên chuyện."

Tôi băn khoăn, rụt rè hỏi:

"Nghĩa là chị nhà bị bệnh tâm thần, loạn trí, tâm thần nhị phân. Có thể có thuốc chữa kia mà."

"Không, hoàn toàn không điên loạn chi cả. Bình thường như tất cả mọi người khác. Duy chỉ có vô cùng ước muốn được trở thành đàn ông, và tin rằng, bà ta là một người đàn ông."

Vợ tôi không giữ được lịch sự, mau miệng nói;

"Ước muốn và tin tưởng kỳ cục như vậy, thì không điên là gì nữa?"

Tám khổ sở giải thích :

"Ban đầu, vì thiếu hiểu biết, tôi cũng tưởng vợ tôi loạn trí. Ai đời có chồng, có con, đã năm mươi tuổi rồi mà muốn đổi giống trở thành đàn ông. Có là khùng. Nhưng sau khi đọc các tài liệu do bệnh viện cung cấp, tôi biết rõ, đây cũng là một thứ bệnh, như mọi bệnh khác. Cần phải chữa trị. Không chữa trị, thì cũng có thể đi đến kết quả chết người. Thu Nguyệt đã chịu chữa trị bằng nhiều phương pháp khác nhau trong thời gian dài, từ tâm lý trị liệu, kích thích tố trị liệu, và cuối cùng, phải chấp nhận nằm lên bàn mổ đổi giống. Lấp bỏ những gì thuộc về giống cái, lắp trồng vào những thứ lỉnh kỉnh rắc rối mà đàn ông có."

Nghe đến đó, vợ tôi cười xòa:

"Anh không đùa với chúng tôi chứ? Đàn bà đâu có biết rõ ràng cái gì đàn ông có, mà mong ước, mà muốn có. Nếu có biết, thì cũng chỉ biết lơ mơ."

"Sao mà không biết? Thời đại nầy, chứ đâu phải thế kỷ trước của bà Kiều Nguyệt Nga, cái thời "Khoan khoan ngồi đó chớ ra, Nàng là phận gái, ta là phận trai". Bây giờ con nít, mười ba, mười bốn tuổi còn rành chuyện sinh dục hơn thời bọn tôi hai mươi lăm, ba mươi tuổi. Vả lại, sách vở, tài liệu trên máy vi tính tràn đầy."

Tôi tần ngần ấp úng:

"Nghĩa là... bây giờ... Thu Nhuyệt cũng có cái... lòng thòng, như bọn đàn ông chúng mình?"

Tám gật đầu, ừ. Vợ tôi kêu lên thất vọng:

"Làm chi cho khổ thế? Được cái gì đã nào? Hay là… hay là, cái bộ phận đó không bình thường, vừa nam, vừa nữ. Trường hợp nầy, rất phổ biến.”

Tám thở dài thật lớn, lắc đầu đáp:

"Không, không có gì bất bình thưòng cả. Hoàn toàn bình thường như mọi người nữ khác"

Vợ tôi ôm đầu nói:

"Thế thì hết hiểu nổi."

Tôi tần ngần hỏi thêm:

"Thế thì Thu Nguyệt bị bệnh đồng tính luyến ái? Đây cũng là một căn bệnh do trời sinh ra, con người bất lực không giải thích được. Chính những người mang bệnh nầy, họ cũng không muốn làm chuyện nghịch đời."

Tám quả quyết:

"Không. Hoàn toàn không phải đồng tính luyến ái. Những người đồng tính luyến ái không cần đổi giống. Thu Nguyệt hoàn toàn không tha thiết đến chuyện tình dục với người cùng giới tính"

Vợ tôi buồn bả nói:

"Già rồi, chơi ngông làm chi? Đổi giống có ích lợi gì? Thêm phí tiền. Gia đình mất mát. Con cái nó nghĩ sao về mình? Bà con, bạn bè có còn giữ được liên hệ bình thường như trước kia không? Có lẽ, chỉ mua thêm rắc rối cuộc đời, tự làm khổ mình, làm khổ chồng con, cha mẹ xấu hổ, bạn bè cười thầm trong bụng. Mất hết cả giao tình bình thường đã xây dựng suốt một đời. Uổng, thật uổng."

Tám nói với giọng chắc nịch:

"Không ở trong hoàn cảnh họ, chị không hiểu nổi đâu. Tôi sẽ chuyển cho anh chị một số tài liệu y khoa viết về bệnh nầy. Khi hiểu, thì mình thấy thương họ, và nghĩ rằng họ có lý khi nằm lên bàn mổ thay đổi giống tính. Trước khi lấy quyết định thay đổi giống tính, họ cũng trăn trở, vật vã, suy nghĩ kỹ càng trong một thời gian dài. Đâu phải đùng một cái, nỗi hứng, đến bệnh viện xỉa tiền cho mấy ông bà bác sĩ, và nằm lên bàn mổ cắt ngay đâu. Thủ tục đòi hỏi nhiều giai đoạn rắc rối, tốn nhiều thì giờ, nhiều tiền bạc lắm lắm "

Tôi tò mò, muốn biết thêm về cái chuyện ngược đời nầy:

"Thủ tục gì mà nhiêu khê, rắc rối?"

Tám nói:

"Người muốn đổi giống phải sinh hoạt nhiều lần với một nhóm chuyên gia, gồm bác sĩ tâm lý, bác sĩ trị liệu, bác sĩ giải phẫu. và nhiều chuyên viên xã hội khác, để định bệnh rõ ràng. Và chắc chắn việc giải phẫu thay giống là điều tốt nhất, cần thiết cho người bệnh. Cũng để người bệnh biết rõ, và chắc chắn, không do dự trong việc thay đổi giống tính. Biết rằng, đã thay đổi, là không lật ngược lại được như cũ, và sẽ không bao giờ ân hận về việc làm của họ. Người bệnh sẽ biết chắc các diễn tiến trị liệu bằng kích thích tố khác phái trước khi mổ xẻ. Và biết rõ mổ xẻ như thế nào, mổ xẻ cái gì, cái gì cắt đi, cái gì trồng vào, biết rõ hiệu quả của các món "đồ chơi" mà họ mới được cấy tạo vào cơ thể. Ngoài ra, phải trải qua hai năm thử thách, sống như một người khác phái, để có thể chấp nhận và vui thú với cái giới tính mình sẽ có. Nhất là chịu đựng được các thành kiến xã hội, vượt qua được các khó khăn, cản trở, kỳ thị của gia đình, bà con, bạn bè, và đồng nghiệp. Không phải dễ đâu. Nhưng có lẽ, rất nhiều người đã xem nhẹ vấn đề thử thách, và thường tự dối lòng, họ tưởng có thể vượt qua được thành kiến của gia đình, xã hội. Nhưng sau khi họ đã thay đổi giống tính rồi, họ mới thấy tính cách nghiêm trọng của vấn đề, hầu như rất khó giải quyết. Theo tôi nghĩ, thì sự hiểu biết của gia đình và xã hội về y khoa, về bệnh lý, rất cần thiết để giúp cho những người thay đổi giới tính được bình thường hóa cuộc sống, để hòa nhập vào giòng đời, như tất cả mọi người khác."

Tôi hỏi thêm:

"Thế thì, sau khi thay đổi giới tính, đời sống của họ càng thêm rắc rối, càng thêm vấn đề, và càng thêm bị kỳ thị trong xã hội. Nghĩa là họ chỉ bớt đi được cái mặc cảm "bị cô mụ bắt lầm", mà lại mang thêm nhiều vấn đề lớn khác như vợ chồng, con cái, bà con, láng giềng, đồng nghiệp, xã hội, sinh hoạt ...Có đáng giá để đánh đổi không ?"

"Câu hỏi khó quá, tôi không trả lời được. Chỉ có người trong cuộc mới biết thôi. Nhưng nếu không thay đổi giống, thì họ có thể tự hủy hoại thân thể. Chịu đựng những khắc nghiệt, khó khăn và trở ngại đó để đổi lấy mạng sống, thì e cũng không quá đáng. Nhưng có lẽ, họ hy vọng thời gian sẽ làm cho mọi người quen đi, bớt xa lánh và kỳ thị họ."

Tôi hỏi Tám:

"Khi Thu Nguyệt quyết định thay đổi thành đàn ông, anh có ngăn cản không? Có khuyên can gì không? "

Tám chưa kịp trả lời, thì Giọt, là Thu Nguyệt ngày xưa, từ bếp đi ra, bưng một mâm chè, mời khách. Giọng nói của Giọt thấp, rè rè như người bị ho lâu ngày khàn giọng. Nhưng tôi cũng mơ hồ nhận được phần nào âm điệu tiếng nói của cố nhân.

"Mời anh chị dùng chè hạt sen. Sen hồ Tịnh Tâm ở Huế đó."

Tôi liếc nhìn Giọt đang ngồi trong ghế bành. Hai đầu gối dang rộng, hai tay khuỳnh ra trên thành tựa. Đầu Giọt hớt ngắn, tóc xỉa thẳng lên trời, như các thanh niên trong quân trường huấn luyện quân sự. Trên mép Giọt có lông măng phơn phớt đen như bọn con trai mười lăm, mười sáu tuổi mới trổ mã. Trong bộ y phục đàn ông, áo màu vàng nhạt, quần kaki, đi giày vải con trai loại leo núi, đế cao, hình như Giọt muốn phô trương cái nam tính của mình. Tôi nhìn xuyên qua làn vải trên áo, tôi nghĩ Giọt có mang nịt ngực, hoặc quấn một cái băng cho ngực bằng xuống. Đôi vai Giọt vẫn xuội lơ, thân thể nhỏ bé. Dù cho ngụy trang với trang phục đàn ông, không son phấn, tóc ngắn, dáng điệu cử chỉ của nam giới, nhưng vẫn không dấu được cái dáng dấp phái nữ cũ còn tiềm tàng. Vợ tôi xích lại thật gần tôi, và bí mật véo tôi một cái trên vế, miệng nàng che dấu nụ cười. Tôi làm mặt tỉnh bơ.

Tự dưng tôi thấy xót xa cho Thu Nguyệt, mà bây giờ thành Giọt ngồi đó. Tôi nhớ ngày xưa, khi đang thiết tha yêu, nhiều lần tôi vào giáo đường, quỳ xin Chúa cho tình yêu được thỏa nguyện, cầu mong cho tôi và Thu Nguyệt được kết hợp và sống hạnh phúc dài lâu. Khi mất Thu Nguyệt trong đời, tôi tưởng Chúa đã bỏ ngoài tai lời cầu xin tha thiết của tôi. Bây giờ, thì hú hồn. Tôi nghĩ rằng Chúa đã xót thương tôi vô cùng, mà đem Thu Nguyệt giao cho người khác. Không đặt gánh nặng khó xử lên vai tôi.

Câu chuyện của chúng tôi bỗng dưng khựng lại, hơi gượng gạo. Giọt nói nhiều, từ chuyện nầy qua chuyện khác, như cố đánh lấp khoảng trống im lặng giữa bốn người. Giọt kể chuyện thể thao, chuyện võ thuật, đội banh nầy, đội banh kia, cầu thủ nào đi đâu, về đâu. Giọt nói thao thao bất tuyệt, vợ chồng tôi và Tám ngồi nghe, không bàn cãi. Nhờ Giọt nói nhiều, từ đề tài nầy qua đề tài khác, mà tạo được cái không khí tự nhiên hơn lúc ban đầu. Khi tôi trả lời câu hỏi của Giọt, kể về quãng ngày tù tội, cô đơn, đói lạnh, không thân nhân bới xách, có thời bại xuội, đi không được, phải bò. Giọt cảm động, ôm mặt khóc nức nở.

À, thì ra trong thân thể người đàn ông đó, còn nguyên vẹn một tâm hồn đàn bà yếu đuối đa cảm, mau nước mắt.

Chiều hôm đó, bốn người chúng tôi ra nhà hàng. Hai người đàn ông thật, một người đàn ông giả, dẫn một người đàn bà thật đi ăn.

Theo lời mời mọc khẩn thiết của Tám và Giọt, vợ chồng tôi sẽ ở lại chơi vài hôm. Tám cho biết, khi phải li dị để có thể theo đuổi cuộc giải phẩu đổi giống theo luật định, hai người chia đôi tài sản. Thu Nguyệt chọn tiền mặt, để chi tiêu cho cuộc giải phẫu tốn kém. Tám chọn căn nhà, để làm con gà trống nuôi con. Sau khi giải phẫu xong, sợ thiên hạ tưởng lầm là đồng tình luyến ái, nghị dị, nói vào nói ra, Giọt đã dọn đi, thuê nhà riêng, mỗi tuần vài lần về thăm, nấu ăn cho con và chồng cũ. Nhiều đêm, sau bữa ăn, Giọt ở lại chơi cho đến thật khuya mới ra về. Theo Tám, thì sau khi đổi giống, đời sống của Giọt vô cùng cô đơn, trống vắng, buồn. Tám thấy tội nghiệp, vì dù sao cũng tình nghĩa hai mươi mấy năm, và là mẹ cũ của con, nên đề nghị Giọt dọn về ở chung, miễn phí. Xem nhau như hai người bạn trai. Không ai có bổn phận, trách nhiệm, không ai đòi hỏi gì ở nhau. Tuyệt đối tôn trong tự do của nhau. Ai đi, đi đâu, ai về, về giờ nào, không cần phải báo cáo, hỏi han, trách móc, cằn nhằn nhau. Thế mà lại khỏe, và không bao giờ gây gổ lặt vặt như ngày xưa. Thằng con lên đại học, quyết đi xa, có lẽ nó cũng không hứng thú ở trong căn nhà có hai người cha, một gọi bằng Ba, và một gọi bằng Bố.

Căn nhà có bốn phòng ngủ, Giọt chọn một căn trệt. Tám ở trên lầu, và hai phòng để trống. Đêm đó, tôi mất ngủ, nằm trăn trở mãi. Nhớ lại những kỹ niệm êm đềm, thơ mộng ngày xưa giữa tôi và Thu Nguyệt. Những khi tương đối rảnh rỗi, tôi bỏ sở chạy vù lên trường Văn Khoa, chui vào giảng đường, ngồi bên cạnh Thu Nguyệt, và chúi đầu vào nhau mà bút đàm. Mùi tóc con gái thơm tho làm tôi ngây ngất. Mùi tóc nầy vướng vất mãi trong tôi, cả những khi ngồi làm việc trong sở, những khi ra công trường, cả thời tù tội khi vác gỗ oằn lưng qua đồi cao, cả những đêm nghe mưa rừng gào thét nơi lao lý, những ngày đau yếu, thiếu thuốc men trong bệnh xá nhà tù, rồi những ngày sau tù, vất vả tù túng sống lêu bêu trong xã hội đầy kỳ thị, đe dọa. Mùi tóc nầy cứ vướng vất thoang thoảng mãi, cả khi thức lẫn những lần nằm mơ. Mùi hương kỳ diệu, tôi không làm sao quên được.

Đêm đã về khuya, tôi nghe tiếng đàn buồn réo rắt từ dưới lầu vọng lên. Những bản nhạc quen thuộc, những âm thanh đưa tôi về miền quá khứ xa xôi, mênh mang vô định. Tiếng đàn cứ tỉ tê mãi, khi thì khoan thai, khi dập dồn, khi nức nở đau thương, nghẹn ngào, từ giờ nầy qua giờ khác. Tôi kéo đồng hồ tay ra xem, đã một giờ khuya. Lén ra cầu thang, nhìn xuống lầu, tôi thấy Giọt đang ôm đàn, bóng của Giọt in lên tường như một bức tranh nghệ thuật. Tôi yên lặng đứng nhìn và nghe tiếng hát nho nhỏ, giọng khàn trong đêm khuya, càng thêm não nề. Một lúc sau, tôi đi lần xuống, ngồi ở bực cấp thứ nhất, tựa lưng vào tường, im lặng nghe. Giọt say sưa đàn, mắt nhắm, đầu gục gặc, toàn thân khi thì cúi thấp trên thế ngồi, khi ngã ngữa như muốn lật hết người ra phía sau, đong đưa theo tiếng nhạc bật ra từ dây đàn. Khi chợt nhìn thấy tôi ngồi im lặng ở chân cầu thang, Giọt thốt kêu nho nhỏ:

"Anh! Anh chưa ngủ?"

"Giọt. Có chuyện gì buồn không, mà ngồi đàn thâu đêm? Tiếng đàn buồn quá."

Giọt cười, nụ cười héo hắt trên môi:

"Cuộc đời, vốn buồn và bi thảm. Làm sao mà vui được?"

Tôi hỏi thẳng:

"Sau khi thay đổi, Giọt vẫn chưa thỏa mãn, và trong lòng còn ấm ức điều gì chăng?"

"Không ấm ức gì cả. Tôi hoàn toàn mãn nguyện"

"Có hối tiếc gì không?"

"Không hối tiếc gì cả."

Tôi có cảm tưởng như Giọt không thật lòng khi trả lời câu hỏi. Tôi nói tiếp:

"Thế sao vẫn còn buồn? Giọt có thể cho tôi biết lý do nào đưa đến quyết định thay đổi giống tính không? Từ lúc nào? Khi đưa ra quyết định, có khó khăn lắm không? Làm sao thuyết phục được Tám, để Tám hiểu và hổ trợ? Những điều nầy rất ích lợi cho tôi, bởi đôi khi tôi cũng cảm thấy mình không phải là đàn ông."

Nghe thế, mắt Giọt sáng lên ánh vui. Có lẽ Giọt tưởng tìm được người đồng điệu chăng. Giọt hít vào một hơi thật dài, rồi nói:

"Ngay từ thời còn bé, tôi vẫn thích chơi những trò con trai. Thích được làm con trai. Càng lớn, tôi càng có cảm tưởng mình không phải là đàn bà con gái. Tôi ước ao được sống tự do thoả thích như bọn con trai trong xóm, chứ không phải e dè, khép nép, giữ gìn ý tứ của các khuê nữ. Nhưng xã hội, luân lý, tập quán, đã đè bẹp cái ước mơ và cái tin tưởng của tôi xuống. Tuổi càng nhiều, thì những ẩn ức và tin tưởng càng lớn mạnh trổi dậy. Cho đến khi tôi tin chắc rằng, tôi là giống đực, nếu cứ giam tôi vào một thân thể đàn bà, thì có ngày tôi tự tử mà chết. Tôi đã tìm đọc nhiều tài liệu, đã liên lạc được với nhiều nhóm người đồng cảnh ngộ, nhiều bác sĩ, nhiều bệnh viện chữa trị cho những người như tôi. Tôi hiểu hơn, và tin chắc mình phải được thay giống, để được sống thích hợp, thoải mái trong một cơ thể mà mình tin là đúng. Tôi chuẩn bị kỹ càng. Tôi đưa tài liệu cho Tám và con tôi đọc. Họ không quan tâm và không thèm đọc. Cho đến một hôm, tôi tuyên bố là tôi đang theo đuổi một chương trình đổi giống. Họ tưởng tôi đùa, nên cười và chọc ghẹo. Khi biết tôi nói chuyện nghiêm túc, thì Tám sửng sốt như trời trồng. Sau đó, Tám phản đối dữ dội, la hét, gây gổ ồn ào lắm. Tám đã không nói chuyện với tôi trong nhiều ngày để tỏ thái độ bất mãn. Nhưng sau đó, Tám đã đọc kỹ các tài liệu y khoa và bệnh lý mà tôi đã đưa cho. Đọc xong, Tám mất tinh thần, và buồn khổ ra mặt. Nhiều đêm thức giấc nửa khuya, Tám xách xe ra xa lộ, chạy không mục tiêu, chạy cho đến khi mệt phờ mới quay về. Tám nói, thà tôi phụ Tám, đi theo một thằng đàn ông nào đó, cho Tám có cớ mà thù ghét tôi, để yên tâm làm lại cuộc đời khác, dù tuổi lớn, rất khó tìm được tình yêu. Tám đã đi bác sĩ tâm lý để tìm sự giúp đỡ. Cuối cùng, Tám ý thức được rằng, thà để cho tôi đổi giống mà còn sống sót trên cõi đời nầy, còn hơn là vĩnh biệt âm dương. Chính Tám đã thuyết phục được thằng con, để nó đồng ý cho tôi thay giống. Suốt hai năm thử thách và trị liệu bằng kích thích tố trước khi lên bàn mổ, Tám đã nâng đỡ, yểm trợ tôi từ tinh thần, vật chất, đến thời giờ, và không quản ngại chi cả. Cái từ tâm của Tám đôi khi làm tôi chùn bước, không muốn thay giống nữa. Chính Tám đã đưa tôi qua tận bệnh viện bên Canada để thay giống. Tám đưa tôi đi, ở lại với tôi, chăm sóc, ủng hộ tinh thần tôi suốt thời kỳ nằm bệnh viện. Và chăm sóc cả tôi khi đã về đến nhà."

Tôi hỏi tiếp:

"Việc đổi giống nầy, e cũng là hãn hữu, thế gian nầy chắc cũng ít có trường hợp như Giọt?"

"Anh lầm rồi. Hiện nay trên nước Mỹ và khắp thế giới, mỗi năm có hàng chục ngàn vụ thay giống. Cứ trung bình ba mươi ngàn người đàn ông, thì có một người đã được đổi giống, và một trăm ngàn người đàn bà, thì có một người. Chuyện thay giống đã trở thành phổ biến, không còn là hãn hữu và kỳ lạ trong thế kỷ nầy."

"Phải chờ đến hơn 50 tuổi, Giọt mới thay đổi giống tính, có trễ lắm không?"

"Không, không bao giờ trễ cả. Tuổi trung bình của những người thay đổi giống tính là bốn mươi tám. Có lẽ lúc ở tuổi nầy, người ta chín chắn hơn, ít trách nhiệm hơn, và tài chánh cũng vững vàng hơn để theo đuổi cuộc phẫu thuật nhiều tốn kém."

Tôi nói mà không sợ Giọt buồn:

"Được làm đàn ông đâu có gì sung sướng, mà mong ước đến nỗi không được thì có thể đánh đổi cả mạng sống ? Đàn ông, cũng vẫn là con người, còn chịu nhiều hệ lụy của thế gian. Hay là, chỉ như kẻ đứng bên núi nầy, thì thấy núi khác xanh tươi, long lanh màu sắc hơn mà mong ước. Hay cũng giống như vào tiệm ăn, cứ nhìn vào dĩa thức ăn của người khác. Nếu muốn được làm đàn ông, thì cứ sống như đàn ông, sinh hoạt theo lối đàn ông, có ai cấm đâu. Cần gì phải mổ xẻ cho đau đớn, cho hư hại tấm thân quý báu. Rồi mai mốt, chán cái của nợ đàn ông, thì làm sao mà quay trở lại làm đàn bà? Không lẽ lại mổ xẻ nữa? Triệt đường về làm chi?"

Giọt cười, bình tỉnh nói:

"Anh nói đúng, làm đàn ông không có chi sung sướng hơn làm đàn bà cả. Và làm đàn bà, cũng không có gì sung sướng hơn làm đàn ông. Nhưng vẫn có đông đảo đàn ông, mong muốn được thay giống thành đàn bà, và có nhiều bà, muốn thay giống thành đàn ông. Vấn đề không phải là sinh hoạt trong đời sống, mà là cái ray rứt, cái ước muốn, cái tin tưởng trong tâm hồn."

"Con người sống trên thế gian, đâu có mấy ai đạt được tất cả mọi điều họ mong ước? Ngay cả những mơ ước cơ bản như cơm ăn, áo mặc, cũng còn biết bao nhiêu tỉ người trên thế giới nầy chưa có được. Những ước mơ chính đáng, như tự do, sức khỏe, hạnh phúc, yên ấm, thường thường cũng đã rất khó khăn để nắm bắt được trong tay. Tôi nói, Giọt đừng buồn, tôi e rằng, cái ước mơ được đổi giống, nó có phần nào phù phiếm nếu đem so sánh với những ước mơ căn bản, chính đáng khác."

Giọt thở dài buồn bã:

"Có lẽ anh chưa hiểu hết vấn đề đó thôi."

Tôi tò mò, muốn biết nhiều hơn về việc thay đổi giống tính, đánh bạo nói:

"Bây giờ, Giọt và tôi là hai người đàn ông, Giọt có ngại nói cho tôi biết đã cắt bỏ và thêm bớt những gì trên cơ thể không?"

Giọt cười hóm hỉnh:

"Việc chi mà ngại. Chính tôi cũng thường mong muốn được nói cho người khác nghe, tôi đã thay đổi cái gì. Để xác định rõ ràng thể tính của tôi. Để dứt khoát, không ai thắc mắc gì nữa. Bác sĩ cắt bỏ buồng trứng và tử cung. Cắt bỏ vú, làm ngực xẹp xuống, Căng dài và làm lớn cái âm hạch ra. Và làm thêm một cái dương vật. Tôi được bác sĩ cho biết, ít người dám làm thêm cái nầy, vì không chịu nỗi chi phí lớn lao. Nghĩa là tôi cũng đủ đồ nghề như anh, không thiếu gì cả. Trước và sau giải phẫu, phải uống kích thích tố đều đều, để cân bằng cơ thể, và làm râu tóc mọc ra."

Tôi cười:

"Đổi thành đàn ông, mà không chịu nỗi chi phí để có “cái đó”, thì cũng như không. Đàn ông như chúng tôi đã mang cái đó quen từ nhỏ, không thấy cấn cái. Khi Giọt mới có “nó”, có khó khăn khi đi đứng, có khó chịu lắm không?"

"Cũng mau quen lắm. Anh có biết không, những năm tháng đầu tiên sau khi đổi giống, nhiều đêm thức giấc, mò xuống giữa đôi chân, tôi cười to, sung sướng đến lịm người, tưởng như mình được tái sinh, được sống trong một kiếp khác, thần tiên, hạnh phúc."

Giọt pha trà, cùng tôi ngồi khề khà nhắc lại kỷ niệm êm đềm ngày xưa. Tôi thấy dường như Thu Nguyệt thuở xa xưa đó không liên hệ gì với anh Giọt ngồi trước mặt tôi đêm nay cả.

Buổi sáng, Giọt vào bếp làm thức ăn, pha cà phê dọn ra bàn, mời chúng tôi. Hắn chạy lăng xăng từ phòng ăn qua bếp, từ bếp qua phòng ăn, lấy thêm cái nầy, cái kia. Ăn xong, vợ tôi phụ Giọt dọn dẹp bàn, rửa chén bát. Tám và tôi ra ngồi ở ghế bành xem truyền hình. Buổi trưa, Giọt nấu phở đãi khách.

Hai ngày ở lại chơi tại nhà Tám, tôi thấy Giọt đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, rửa chén bát, lo lắng mọi việc lặt vặt trong nhà. Còn những việc đàn ông thường làm trong nhà, như sửa cái ống khóa, thay cái bóng đèn, hút bụi nhà, thì Giọt kêu Tám làm giúp. Tôi cười thầm. Thì ra, sinh hoạt của anh chàng Giọt nầy vẫn là một bà nội trợ đảm đang, dù cho đổi giống, nhưng cái ý thức trách nhiệm của một người đàn bà trong gia đình vẫn tiềm tàng, không thay đổi gì cả.

Tám cho biết, hai người hoàn toàn tự do, thường ăn uống riêng rẽ. Ai muốn ăn gì thì ăn, ai muốn nấu gì thì nấu. Đi giờ nào, về giờ nào, không ai cần báo cáo, hỏi han ai. Hoàn toàn độc lập. Nhưng Giọt thường thích nấu ăn, và mời Tám cùng dùng cơm mỗi ngày. Mỗi khi Tám đi về trễ, thì Giọt cũng để dành thức ăn cho Tám. Ăn hay không, tùy Tám, Giọt không dám hỏi han, không dám hờn giận như ngày xưa, khi còn làm vợ.

Vợ tôi nói thầm với tôi: "Cái ông Tám nầy khôn thấy trời. Có người lo lắng cho ông, lo như vợ lo cho chồng, mà ông lại không có chút trách nhiệm nào, không bị cằn nhằn, không bị giận hờn, làm khó. Còn cái anh chàng Giọt nầy, đang có đủ hết, mà lại quăng bỏ đi, chỉ để rước vào thân một cái cục nợ. Mà cũng là cái thứ giả mạo, không biết có "làm ăn" được chi không."

Khi vắng Giọt, tôi hỏi Tám xem Giọt có toan tính tìm một người tình, một người vợ hay không? Tám cho biết, vài năm đầu, Giọt cũng có những người bạn gái, cùng đi chơi, đi ăn, về nhà nói chuyện, nhưng khi biết Giọt nguyên là đàn bà, họ đều dạt ra cả. Họ cũng ngại và sợ. Có lần Giọt đem một bà về nhà chơi, bà nầy quay qua tấn công Tám, làm Giọt buồn. Phần Tám thì như chim sợ cây cong, thấy bà nào cũng ngán. Tám nói rằng, không dại nữa, lỡ dính vào một bà nào khác, rồi bà nầy nổi hứng lên, đi đổi giống nữa, thì là đại họa.

Hôm sau, thức giấc lúc nửa đêm, tôi vẫn nghe tiếng đàn buồn u uất của Giọt từ dưới lầu vọng lên. Một lúc sau, tôi nhè nhẹ xuống lầu, ngồi xuống ghế bên cạnh Giọt. Tôi để tay lên vai Giọt, và thầm thì:

"Thu Nguyệt"

Giọt buông đàn, hai tay nắm lấy tay tôi, và úp mặt vào mà khóc nức nở một hồi. Tôi không hiểu vì sao Giọt khóc. Tôi yên lặng. Giọt nói :

"Thôi, quên đi anh ạ. Con người sống trong thế gian như phải đóng một vở bi kịch dài ngày. Cuộc sống vốn tự nó là bi thảm. Nhân loại mãi mãi khổ đau, không bao giờ tìm được chân hạnh phúc. Sống để chờ đợi bản án tử hình đã tuyên sẵn. Thật buồn."

Tôi nhìn thẳng vào mắt Giọt, trong đó tôi thoáng thấy một chút hình ảnh của Thu Nguyệt ngày xưa, bỗng nhiên thương cảm dấy lên trong lòng tôi. Tôi từ tốn nói:

"Chân hạnh phúc là đây, nằm trong nầy" - Tôi chỉ tay vào đầu tôi - "Nó đơn giản lắm. Cứ cho đời là vui, là đẹp, là sung sướng, thì tìm ngay được thiên đàng. Hạnh phúc không xa, khi nào cũng nằm trong tầm tay, với tay bắt, là có được. Hôm nay chúng ta gặp lại nhau đây, dù Giọt không còn là Thu Nguyệt nữa, tôi cũng thấy hạnh phúc vô cùng. Hạnh phúc được nghe tiếng đàn của Giọt, dù cho tiếng đàn đầy u uất khổ đau. Hạnh phúc được nói chuyện tâm tình với Giọt đến giờ nầy. Biết chấp nhận hoàn cảnh, chấp nhận cuộc đời, chấp nhận khổ đau, để biến đắng cay thành mật ngọt. Sống một giờ, vui một giờ, sống một ngày, vui một ngày, bỏ phí đi uổng lắm."

Tôi đi lên lầu, đồng hồ chỉ ba giờ sáng.

Tràm Cà Mau
Tháng 8 năm 2006

Trích trong tập truyện “Hương Tóc Cố Nhân”, in và phát hành tại Bắc California. Ai muốn mua, xin liên lạc tại địa chỉ: tramcamau2003@yahoo.com

* * *

Xem các bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về homepage www.nuiansongtra.net  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh