Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn (Kim văn)
BỐ DƯỢNG
TRÀM CÀ MAU


Thu gieo mình xuống ghế bành, ngồi dựa ngữa nhìn cha với cái mặt nhăn nhó hỏi gằn:

“Ba nghĩ sao về cái tin mẹ sắp tái giá? Đã sáu mươi lăm tuổi rồi chứ còn trẻ trung gì nữa! Mới xa ba có hai năm thôi”.

Cha Thu cười hiền lành, trả lời, như nói về chuyện một người nào đó, không liên hệ đến ông:

-“Thì có lẽ mẹ con thấy cô đơn, cần người tâm sự đỡ đần trong tuổi già. Cũng tội nghiệp cho mẹ con. Ba cũng biết ông Hai của mẹ con từ thuở nhỏ, ông ấy thuộc loại người tốt, có lòng, đàng hoàng, và nghe người ta bảo rằng, ông ta là… trai tân, chưa hề biết đàn bà là gì.”

Nói đến đó, cha Thu vang cười ha hả. Trông ông không có vẽ nói đùa hay chế diễu một người sắp làm lại gia đình với vợ cũ của ông. Thu nói nhỏ:

-“Mẹ không hợp được với ba thì khó lòng sống chung với bất cứ ai. Con sợ cuộc tình duyên chắp nối muộn màng của mẹ không bền, chỉ làm trò cười cho thiên hạ, và con xấu hổ thêm, làm sao con dám nhìn mặt ai, mà tính đến việc chồng con sau nầy?”

-“Đừng nói thế mà tội cho mẹ, con cứ gắng tin là cuộc hôn nhân của mẹ sẽ được lâu bền hạnh phúc, thì tự nhiên nó hạnh phúc.”

Giọng cha âu yếm:

-“Còn phần con, thì đừng lo, thời buổi nầy khác xưa rồi, chẳng còn ai quan tâm đến chuyện đó. Mỗi người có một đời sống riêng tư, con không chịu trách nhiệm về đời sống của cha mẹ. Chỉ cần con sống sao cho hợp đạo lý, hợp lẽ phải thì thôi. Việc tái giá của mẹ con cũng không có gì sai trái cả, con cứ xem như chuyện bình thường. Dễ chừng lấy chồng là quyền dành riêng cho những người đàn bà còn trẻ tuổi thôi, hay sao?”

Nghe lý luận của cha, Thu bực mình cho cái tâm hào hiệp của ông. Khi nào ông cũng ráng sức nghĩ tốt cho người khác, dù người ta có lừa đảo, gạt gẫm ông. Hai năm trước, khi mẹ quyết định xa cha, thì con cái trong nhà đã phản đối mảnh liệt, khuyên bảo cùng làm hết mọi cách để tránh cuộc phân ly. Cha thì cũng không muốn gia đình phân tán, làm con cái buồn lòng, nhưng trước thái độ quyết liệt của mẹ, cha nói rằng, nếu mẹ không thấy hạnh phúc để sống chung, thì có lẽ nên chìu ý mẹ, để tránh cho mẹ sự chịu đựng vô lý. Biết đâu, mẹ các con sẽ tìm được hạnh phúc, vui vẻ hơn khi sống riêng. Cha thường hay tôn trọng ý kiến riêng của người khác, nhất là ý kiến của mẹ, dù nhiều lần, ý riêng của bà là sai, là đem lại tai hại.

Thu biết rằng, nàng không thần tượng hóa cha, nhưng tin chắc khó ai theo kịp ông trên mọi mặt của đời sống. Nếu sống vào một thời đại xa xưa, thì ông đáng được gọi là quân tử chính danh. Hầu hết bạn bè, bà con, người cọng sự, đều thương mến và kính trọng ông. Ở ông, thoát ra mối chân tình mà người sơ giao có thể tin tưởng được, không phải đắn đo nhiều. Ông hết lòng hết dạ với mọi người, đối xử lịch sự không những đối với người lớn, và kẻ ngang hàng, mà cả với những người nhỏ hơn, cùng hàng con cháu. Ít khi nghe ông lớn tiếng, giận dữ, hoặc nói những lời khó nghe. Khi con cái làm điều lầm lỗi, ông nhẹ nhàng giải thích với lời lẽ dịu dàng, lịch sự như nói với một người bạn thân thiết. Thế mà lại rất hiệu quả. Không như mẹ của Thu, bà thường gào thét lên như đang cháy nhà, và nói lời đau độc nặng nề, làm con cái đều sợ nhưng không tuân lời.

Công việc làm ăn của cha gặp nhiều vận may, phát đạt, tiền của khi nào cũng dư giả. Cái vận may đó, có từ trước thời miền Nam bị sụp đổ, cho đến những ngày đầu lưu lạc trên xứ người. Ông cũng ăn nên làm ra, đủ nuôi sống gia đình trong sung túc. Sau một thời gian ổn định nơi quê hương mới, cha xoay chuyển và ra làm thương mãi lại. Cái vận may cũng bám sát và chiếu cố ông. Dù làm thương mãi bận rộn, nhưng ông cũng dành nhiều thì giờ để sống với gia đình, dạy dỗ con cái, kiểm soát việc học hành. Ông quan niệm, mục tiêu chính yếu của đời sống là mưu tìm hạnh phúc, và hạnh phúc của ông là gia đình no ấm, sum họp, thuận hòa, và thương yêu nhau, sống cùng nhau, sống cho nhau.

Ông thường tạo cơ hội cho gia đình đi chơi chung, tìm những nơi xa, lên núi cắm trại đốt lửa ngồi quanh cùng gia đình, bạn bè, chuyện trò, ăn uống, tâm sự, nghe nhạc, nghe gió đùa, chim ca. Ông thuê nhà trong núi vào mùa đông cho con cái vui, thưởng thức những đồi tuyết, trượt băng, đêm nằm nghe nhạc, nghe cha kể chuyện về thời thơ ấu của cha, của bà con, và chuyện về cuộc chiến dài 30 năm trên quê hương. Những ngày Hè, cha đưa gia đình ra biển, khi thì cắm trại, khi thì thuê khách sạn, cùng hưởng không khí trong lành, mát mẽ của thiên nhiên. Nhiều khi cha đưa gia đình đi du lịch xa, cho anh em Thu thấy những cảnh lạ, đường xa, thấy và học hỏi, cùng thưởng thức những món ngon vật lạ. Ông không sợ tốn kém. Đối với vợ, lúc nào ông cũng lịch sự và dịu dàng như vợ chồng mới cưới. Chưa bao giờ ông than vãn, chê bai, hay dám nói nặng lời với mẹ từ ngày cưới cho đến khi xa nhau.

Theo bà ngoại, thì ngày xưa cha của Thu được giới thiệu đến gia đình, để ông có thể tìm hiểu, và lựa chọn một trong ba chị em. Mẹ Thu là con giữa, thấy dáng dấp ông lịch sự, sáng sủa, có học, con nhà gia thế, ăn nói vui vẻ, tế nhị, thì chính bà lựa chọn ông, quyết dành cho được cảm tình của ông. Hai bà dì của Thu cũng rất có cảm tình với cha, nhưng thấy mẹ tranh dành quyết liệt quá, nên cũng nén lòng mà dãn ra. Phải mất nhiều năm sau, mấy bà dì và mẹ Thu mới tìm lại được cái giao hão bình thường và quên đi chuyện cũ.

Trong thời gian chung sống, cha là một ông chồng chung thủy, không hề nhìn ngang liếc dọc, và chưa bao giờ cùng bè bạn ăn chơi, làm tổn hại đến tình vợ chồng. Nhưng mẹ của Thu không hề biết đến cái may mắn của bà, là có được một ông chồng đàng hoàng, tử tế và đầy lòng nhân ái như cha. Bà xem mọi tiện nghi, thuận lợi mà bà đang có như sự đương nhiên, như buổi sáng thì mặt trời phải mọc, và đêm về thì phải tối, cha phải có trách nhiệm cung phụng, và gánh vác mọi sự, thõa mãn mọi yêu sách của bà.

Trái với tính của cha, mẹ Thu lúc nào cũng than vãn, cằn nhằn. Bà đáp lại những dịu dàng của cha bằng những lời gay gắt, nạt nộ, xẳng giọng. Một chuyện nhỏ nhặt không đáng chi, cũng được mẹ quan trọng hóa và chê trách cha, làm tình làm tội đủ điều. Không những mẹ Thu chê bai cha ngay trước mặt, mà chê cả khi không có mặt ông.

Có người bảo, cha Thu được mọi người nể trọng, nên mẹ ganh ghét và tìm đủ cách để hạ ông chồng xuống bớt. Bên ngoại, ai cũng thương cha, ai cũng đứng theo phe cha, và khuyên mẹ nên khôn ngoan để nắm lấy cái hạnh phúc đang có. Vì rất khó tìm được một người đàn ông đàng hoàng, tử tế như cha. Bà ngoại thì cho rằng cách cư xử không tốt của mẹ, là do lỗi tại cha, vì quá nuông chiều, quá nhịn, nên thành mẹ hư, quen mất cái tính lấn áp, độc đoán. Cha chịu đựng mẹ một cách kiên cường không mệt mỏi. Có lẽ vì ông nghĩ đến hạnh phúc của chính ông, của con cái, mà nhận lấy cái tiếng ngu và sợ vợ của bạn bè, cùng bà con bên nội gán cho ông.

Những năm sau, trước khi li dị, tính tình của mẹ Thu còn khủng khiếp lạ lùng trong cung cách đối xử với chồng. Cha im lặng chịu đựng, và ông tìm đọc những cuốn sách tâm lý gia đình, tâm lý đàn bà , để trị liệu cho hạnh phúc gia đình.

Mỗi khi cả nhà cùng đi ăn tiệm, vừa lên xe, thì mẹ Thu ra lệnh ngay, bảo lái xe đến một tiệm mà bà vừa nghĩ ra trong đầu, bà không cần hỏi ý kiến ai muốn ăn gì. Có khi vừa đến nơi, thì bà đổi ý, bảo lái xe qua tiệm khác. Đi trên đường, bà buộc người lái phải đi theo con đường bà chỉ định, không cần biết những trở ngại trên đường đi. Chỉ có Thu mới dám cãi rằng, người lái xe, biết đường đi nào thuận tiện, dễ lái, và an toàn. Chưa nghe hết câu, bà đã vùng vằng, nạt nộ, đem những điều sai lầm cũ của Thu ra mắng mỏ, chì chiết, và làm mặt giận. Cha thì an ủi cả hai bên, chỉ nói nhỏ nhẹ rằng, chuyện không đáng gì, đừng làm cả nhà mất vui.

Xe chạy trên đường, bà cũng ra lệnh chạy mau, chạy chậm, chạy dòng xe trái, chạy dòng phải. Đôi khi bà còn la mắng cha không tiếc lời, rằng chạy xe thiếu an toàn, nguy hiểm, không biết luật đi đường. Mỗi khi cha tấp xe đậu song song với lề đường, là có một màn chỉ huy ồn ào:

-“Chạy lui chút nữa, quẹo hết sang trái, lui, lui, từ từ, quẹo lại, chạy tới một chút, quẹo qua tráị… lui, lui,... ông lái xe dở như trẻ con tập lái, lái mấy chục năm mà vẫn còn dở.”

Tội nghiệp cha, phải làm theo lệnh bà, không làm thì bà tru tréo ồn ào, mà theo lệnh thì chiếc xe không cập lề được. Những lúc không có bà, thì ông cập lề dễ dàng, thẳng thắn.

Một lần đi chơi xa, bà ra lệnh cho anh của Thu lái xe, nhưng đêm qua, ông anh thức khuya, không được tỉnh táo, cha dành lấy tay lái. Thế là suốt quãng đường dài ba tiếng đồng hồ, bà cằn nhằn, dằn vặt, lôi những chuyện từ đời ông bành tổ ra mà buộc tội hết người nầy, đến người kia. Khi đến nơi, bà làm reo, từ chối không xuống xe, bảo chồng và các con đi chơi với nhau đi, bà không thấy vui nữa, không đi. Anh của Thu gắng giải thích là mệt và buồn ngủ, lái xe rất nguy hiểm cho sinh mạng cả gia đình, nhưng bà không thèm nghe.

Khi vào tiệm, bà chọn món ăn, không cần hỏi ai thích món gì, các con không có quyền đưa ý kiến, không thích thì đừng ăn. Đôi khi cha Thu đề nghị món ông ưa thích, bà gạt ngang, bảo rằng, món đó dở, dọn ra không ai ăn. Ngay cả khi ăn riêng, mỗi người một dĩa, bà cũng lấn quyền, đòi chọn món cho người khác. Mỗi lần ăn riêng, may ra vài lần, cha Thu được tự chọn món ăn ông muốn. Món bà chọn, không hợp khẩu vị, ông cũng rán cắn răng mà nuốt, ăn không hết bà cũng giận hờn, nổi lôi đình và phát ngôn bừa bãi làm khổ tai mọi người chung quanh.

Một lần, Thu không được chọn món ăn ưa thích, mà phải ăn món do mẹ chọn, Thu giận, không ăn, chỉ ngồi uống nước. Mẹ Thu dỗ dành không được, lên cơn thịnh nộ, la mắng. Không cầm được uất ức, Thu nói:

“Mẹ ưa món đó thì mẹ ăn đi, đối với con thì thứ đó dở không ăn được, sao mẹ ép phải ăn. Xem kìa, ba đâu có muốn ăn món kia mà mẹ dành lấy sự chọn lựa. Mẹ để cho mỗi người tự chọn lấy, thì có phải ai cũng vui vẻ không?”

Thế là bà làm một màn khóc lóc ồn ào, và Thu cũng khóc theo. Cha thì an ủi, bảo rằng ai cũng đúng, mà cái đúng của người nầy, thì không đúng ý của người kia. Những khi chọn nhằm món ăn dở mà không ai nuốt xuống, thì mẹ Thu đổ lỗi cho nhà hàng không biết làm thương mãi, nấu ăn dở như hạch, và nhìn chủ nhà hàng như kẻ thù.”

Những khi đi tiệc tùng, đám cưới, họp mặt bên nội, thì cha phải năn nỉ, dỗ dành lắm, mẹ mới chịu đi theo. Nếu mẹ không chịu đi, mà vì không thể từ chối được, cha phải đi một mình, thì khi về nhà, mẹ rên rỉ, ỉ ôi, giận hờn, bảo rằng cha bỏ bê vợ con, không thèm ngó ngàng chi đến cái gia đình, để bà phải tủi thân thui thủi. Và lấy cớ đó, mà gây gổ cha, làm khó cha trong nhiều ngày sau. Nhưng nếu mẹ đi theo cha, thì lại luôn luôn đòi ra về khi tiệc chưa tan, nại đủ lý do, nhiều lúc cha phải sượng sùng xin lỗi gia chủ, vì ông cảm thấy như chính ông phá đám, làm những người khách khác cũng muốn về theo. Việc đó, làm cha mất một số bạn tốt, một số khác, thì cách xa thêm. Nếu cha chần chờ không về ngay theo ý bà, thì trên đường về, phải nghe những lời than vản, trách móc, kể khổ, đủ thứ. Bà thường nói:

-“Bạn bè của ông, công việc của ông, tôi đâu thấy liên hệ, dính líu gì, đâu có vui gì mà phải ngồi chịu trận”.

Cha cố giải thích là giao thiệp, bạn bè, có liên hệ đến công việc làm ăn, thương mãi, và sinh kế của gia đình. Mẹ cũng không cần hiểu, không cần quan tâm. Mẹ tìm cách ngăn cản mối liên hệ giữa cha với bà con, anh chị em bên nội. Theo mẹ, thì họ là những người xấu, muốn phá đám hạnh phúc gia đình của cha mẹ, phải tránh xa ra.

Thời anh em Thu còn nhỏ, vì theo lời mẹ, nên liên hệ gia đình bên nội lạt lẽo, có khi hàng năm chưa gặp chú bác và bà con. Cha Thu thì thỉnh thoảng đi thăm anh chị em một mình, ông không muốn mối chia rẽ khơi rộng thêm qua các lần gặp nhau, mà mặt mũi người nào cũng sượng sùng, không tự nhiên. Các bác, các chú cũng thông cảm, và khuyên cha rằng, mỗi gia đình, rán giữ cho được thuận hòa, hạnh phúc là quý. Miễn sao tình thương anh em còn đó, đầy đủ trong lòng mỗi người.

Những năm sống xa quê hương, những lá thơ của bà con bên nội phải gởi về cơ sở làm ăn của cha Thu. Cha Thu làm ăn phát đạt, khá, giúp đở cho cả hai bên nội ngoại đầy đủ. Bên ngoại thì công khai gởi, bên nội thì cha Thu nhờ bạn bè bí mật gởi đi. Bạn bè của cha cũng dần dần ít đến nhà chơi. Mỗi khi có khách, cha nhờ mẹ pha bình trà, hoặc nấu tô mì gói thôi, thì sau khi khách về, mẹ không khỏi than vãn ỉ-ôi rằng, tôi phải hầu hạ bạn ông, thứ bạn đó ông quý hơn vợ con, bạn ông thì khỏe mạnh, vợ ông thì ốm yếu, mà bắt hầu hạ. Những khi nghe lời than vãn như vậy, thì các anh Thu bấm nhau mà cười. Bạn bè cha đến nhà, đôi khi mẹ Thu giả ốm nằm trong phòng, những lúc nầy, Thu thấy cha có vẻ dễ chịu hơn, mặt ông vui hơn, ông nhờ con cái pha nước tiếp khách, hay tự ông làm lấy. Cuộc nói chuyện của ông không bị ngắt quãng bởi những ý kiến, những chê bai của vợ, mà nhiều lần ông cảm thấy lúng túng trước mặt khách.

Mấy cụm hoa, mấy lùm cây trong vườn cũng không được yên ổn, bình an với bà, nay bà muốn dời gốc hồng, mai bà muốn bỏ cây táo. Bà phán ra, và ông phải thi hành mà không có quyền góp ý. Chán rồi trong nhà chẳng ai muốn góp ý làm đẹp khu vườn. Vì bà thay đổi ý kiến luôn. Nhiều lúc chán quá, không chìu vợ được, ông bảo anh của Thu kêu mấy người cắt cỏ đến làm giúp, thế là bà có dịp để chê ông là lười như hủi. Dù ông vừa lo điều hành công việc thương mãi, vừa lo chuyện học của các con, và tất cả mọi việc trong gia đình. Ít khi cha Thu có thì giờ rảnh rỗi đọc sách hay xem truyền hình một mình.

Ngày nghỉ, cha Thu phải lái xe đưa mẹ đi phố, trong lúc bà đi rảo xem hàng hóa tại các đại siêu thị, thì cha Thu ngồi ngáp vặt chờ ở các ghế dọc theo hành lang. Nếu đi theo bà, thì cha phải đến những nơi mà ông không thấy thích thú chút nào, như vào những gian hàng bán phụ tùng cho đàn bà, những nơi bán mỹ phẩm. Nếu bà phải đi theo ông vào một gian hàng mà ông cần mua hoặc lựa chọn, thì bà thúc hối ông, đòi đi ra. Vì lẽ đó, nên ông thường ngồi rã rượi và ngủ gật hàng giờ cùng các ông chồng đồng cảnh. Chưa hề nghe ông than về thời gian chờ đợi phí phạm. Nhưng mỗi khi bà phải chờ đợi ông chừng mươi phút, là bà đã hết kiên nhẫn và bắt đầu càu nhàu than thở, là phí phạm thời giờ, cho rằng ông không tôn trọng người khác, nếu cha có giải thích, thì mẹ Thu lại càng ầm ỉ lên, lớn tiếng, giận hờn .

Nhiều lần lái xe đi chơi xa cả hàng trăm dặm, cha Thu lái xe từ sáng đến sẩm tối, đến nơi, bà thường ít khi để ông nghỉ ngơi, buộc phải đi ngay nơi nầy, nơi kia ngay. Ông có kêu mệt, thì bà bảo ông làm biếng nên giả vờ mệt, chỉ có lái xe thôi thì có gì mà mệt? Nhiều lần Thu giận, nói thẳng rằng, mẹ không lái nên không biết mệt, cha phải lái suốt ngày, tâm trí căng thẳng, phải cho cha nghỉ ngơi lấy lại sức đã. Thế là bà tru tréo lên rằng cha con binh nhau, không thèm để ý tới bà.

Mẹ Thu cũng sinh trưởng trong một gia đình khá giả, nền nếp. Bà cũng tốt nghiệp đại học, và có đi dạy một thời gian ngắn sau khi lập gia đình. Bà cũng đọc nhiều sách báo hàng ngày, và có thời viết báo phụ trách mục gỡ rối tơ lòng. Bà đã khuyên bảo nhiều người trong cơn bối rối những lời khôn ngoan, đứng đắn. Kiến thức bà cũng khá. Sự hiểu biết về cách cư xử ở đời, bà biết rất rành mạch. Nhưng cái biết của bà không đi đôi với việc thực hành trong đời sống thường ngày. Bà thường làm ngược lại với những lời khôn ngoan mà bà khuyên người khác trên mặt báo. Đối với bạn bè mà bà thích, bà rất rộng rãi, lịch duyệt và biết cách nói cho vừa lòng người nghe.

Cha của Thu chịu đựng cách đối xử ngang ngược và tệ hại của mẹ trong nhiều năm, không hề than vản. Càng lớn, càng hiểu biết, anh em Thu càng thương cha hơn, vì tấm lòng vị tha của ông, vì cái tâm lành và nhân ái .

Các bác bên nội cũng có khuyên cha đem mẹ đi bác sĩ tâm lý trị liệu. Ban đầu bà phản đối dữ dội, nhưng sau, nghe lời các dì, bà cũng chịu đi gặp những nhà tâm lý. Bà nói chuyện tâm lý với các nhà chuyên môn bằng mớ kiến thức sách vở rất khôn ngoan, tỉnh táo, và minh bạch, mà có lẽ những người tâm lý trị liệu nầy, chưa chắc đã có cái thông thái và hiểu biết bằng bà. Họ cũng không tìm được một nguyên nhân, một căn bịnh nào.

Nhiều người tiếc cho mẹ Thu, đã bỏ mất cơ hội, bỏ mất thời gian, không chịu vun xới hạnh phúc cho cá nhân bà, cho gia đình và cho con cái .

Cuối cùng, mẹ đi đến quyết định li dị chồng, ban đầu cha cũng khuyên răn và giải bày thiệt hơn, nhưng càng giải bày, bà càng quyết liệt. Cha cũng hậu hỉ chia gia tài cho bà, dù của cải vật chất là do công khó của ông làm ra. Những điều kiện đòi hỏi khi li dị của mẹ Thu, có nhiều điều quá đáng, nhưng cha cũng thuận. Ngay cả luật sư của mẹ Thu cũng phải nói rằng, nếu cha Thu không phải là một kẻ lú lẫn, thì chính là một người có tấm lòng của một ông thánh. Mẹ Thu dành được nhiều thứ trong cuộc phân ly, mà đáng ra bà không thể, và không có quyền nhận lãnh. Cha Thu thì trầm lặng, và cho rằng của cải là thứ trời cho, không nên giữ lấy riêng mình.

Rồi mẹ Thu bắt đầu sống riêng, bà kêu Thu về ở chung. Thương mẹ cô đơn, Thu dọn về, dù mỗi ngày phải tốn hơn một giờ để di chuyển trên những xa lộ xe cộ tấp nập nguy hiểm. Mẹ Thu phải tự lái xe lấy, xưa nay bà rất ít khi dám lái xe ra xa lộ, bây giờ vì hoàn cảnh phải liều. Mỗi lần đi trên xa lộ về, là bà mệt nhoài, bải hoải, phải nằm nghỉ ngơi vài mươi phút mới lấy lại sức lực. Bà biết Thu bận rộn việc học hành, và không thể mọi sự đều nhờ con, và có nhờ cũng khó khăn, nên bà tự lo liệu lấy trong mọi việc hàng ngày. Các anh của Thu thì thỉnh thoảng cũng có về thăm mẹ, mẹ con nói chuyện không lâu thì tiếng to, tiếng nhỏ, cãi vả nhau, rồi các anh đi, thăm viếng cũng thưa nhịp hơn. Mẹ cho rằng các anh thiên vị, binh cha, và không thương mẹ.

Phần cha Thu thì sống một mình, thỉnh thoảng các con về thăm. Ông ngăn nắp, thứ tự, sạch sẽ. Mỗi chiều sau khi ra khỏi sở, ông đến trung tâm thể dục tập luyện, khi trời nắng thì ra công viên chạy bộ. Tối về, thường rủ bạn bè, hoặc gia đình của bạn bè đến những tiệm có thức ăn ngon đặc biệt, để vừa thưởng thức, vừa nói chuyện. Đêm về, ông đọc sách báo, hoặc xem truyền hình. Ngày nghỉ, ông đi đánh quần vợt, hoặc đến các câu lạc bộ cờ tướng chơi vài ván cờ, hoặc đi thuyền ra biển câu cá. Cuộc sống của ông vui tươi lành mạnh, ít khi thấy ông buồn. Những thứ sinh hoạt xã hội, giải trí nầy, từ lâu cha Thu đã đánh mất trong chiếc lồng gia đình kiên cố, mà mẹ Thu khép chặt cánh cửa. Cha Thu đi du lịch xa nhiều hơn, bận rộn hơn với các chương trình đi chơi quốc ngoại. Thường ông đi theo tổ chức du lịch nhà nghề, đi chung cùng một nhóm bạn bè, bà con thân thiết.

Nét mặt của cha Thu trông tươi trẻ ra, và nụ cười mãn khai, sung sướng hơn. Cuộc sống như thế đó, nhưng các cô của Thu thường hay rơm rớm nước mắt khóc thương ông anh “cô đơn trong tuổi già tội nghiệp”. Nghe vậy, cha Thu thường cười thật tươi và nói:

“Ơ hay, cô biết bây giờ tôi sung sướng và tự do và vui vẻ ra sao không? Bây giờ tôi mới được sống cho riêng tôi, không ai bắt buộc tôi phải làm thế nầy, phải làm thế kia, không ai cằn nhằn chê trách tôi ra rã hàng ngày, hàng giờ. Trí óc tôi luôn luôn thanh thản, nhàn nhã, tôi thấy đời sống phong phú hơn xưa nhiều”.

Các cô đòi giới thiệu cho cha nhiều bà, mà theo ý các cô, thì rất đảm đang và rất hiền lành. Ông cười và bảo rằng, ngu muội một lần cũng đủ lắm rồi, không dại gì ngu thêm lần thứ hai. Đang sống sung sướng tự do, mà không muốn, lại tròng đầu vào cái phiền toái của cuộc đời. Anh em của Thu, thì thấy quả thật, đời sống ông vui hơn và ý nghĩa hơn khi phải sống chung với mẹ, bà chỉ biết chê bai, bắt bẻ và chỉ huy ông một cách độc đoán.

Thu không nghĩ rằng cha nhu nhược, mà vì quá tử tế, tế nhị, khoan dung, và luôn luôn muốn làm người khác vui lòng, không muốn làm phiền ai, dù cho ông có chịu thiệt thòi.

Mỗi lần Thu đề cập đến mẹ, thì xem ông cũng vui vẻ lắng nghe, chứ không tỏ vẽ bực bội. Nhiều lần Thu thăm dò, giả vờ khuyên cha nên tìm cách đón mẹ về để hai người nối lại cuộc tình duyên, thì ông nói lãng ra, là để cho mẹ con được tự do, sung sướng, vì có thể cha không biết cách làm cho mẹ vui lòng, biết cách làm cho mẹ sung sướng. Thu cũng đoán rằng, chính ông không bao giờ muốn chắp nối lại, và chính mẹ Thu không biết cách làm cho gia đình hạnh phúc, không biết vui với đời sống tràn đầy đang có. Có lẽ ông không muốn nói thẳng ra, sợ làm Thu buồn. Chưa bao giờ Thu nghe cha nói xấu mẹ, hoặc phàn nàn điều gì, dù ông rất chán ngán. Sau khi xa nhau, ông cũng thường nói tốt cho bà, binh vực bà khi có người chỉ trích.

Những khi gia đình muốn truy nguyên tại sao vợ chồng ông tan rã, thì ông thường nhận lỗi, cho rằng ông không biết cách làm cho gia đình hạnh phúc, không biết cách làm cho bà vui lòng, và thiếu tài năng để lèo lái con thuyền gia đình đi đến hết cuộc đời. Ông càng nhận lỗi, thì người ta càng không tin, và càng đổ lỗi cho bà, cho rằng với một người chồng nhân hậu, tài giỏi như vậy, mà bà không biết hoan hỉ sung sướng.

Phần mẹ Thu, sau khi li dị được hơn một năm, thì bà gặp lại ông Hai, một người láng giềng ngày xưa, ông Hai là bạn của mấy cậu trong gia đình. Ông lớn hơn mẹ Thu chừng năm tuổi, theo lời mẹ Thu kể, thì ngày xưa khi bà còn bé tí teo, ông Hai thường cõng bà trên lưng, dẫn bà đi tắm sông, hay cho kẹo và kể chuyện cổ tích cho bà nghe. Ông Hai không có em gái nên rất thương bà, với cái cảm tình đó, khi lớn lên, bà đã thương trộm nhớ thầm ông Hai. Nhưng khi bà lớn, thì ông Hai đã đi học xa và không trở về xóm cũ. Bà vẫn âm thầm ấp ủ chút tình yêu một chiều lãng mạn trong lòng. Cho đến tuổi già, ông Hai vẫn còn độc thân, chưa một lần lập gia đình.

Ông Hai thuộc loại người độc thân, chai cứng, có vẻ không ưa giao thiệp nhiều, và có lẽ cũng chẳng thiết tha chi với việc lập gia đình. Cái trán ông hói láng báng như một tấm gương lồi, tóc lưa thưa còn lại làm thành một cái vành sau ót, máng lên đôi tai, lông mày bạc rậm phủ xuống đôi mắt bị mắt kéo sụp như bị chói nắng. Khuôn mặt không râu, láng lẩy với hai má bạnh, nên khi cười, thì nụ cười toe toét trông giống hình ông địa. Cái bụng tròn của ông như kéo hết vải quần ra phía trước làm cho cái mông vốn đã teo, càng teo rí thêm.

Anh của Thu thường nói đùa với các em rằng, đó là vẻ đẹp lý tưởng của mẹ, đó là thần tượng của mẹ tôn thờ và chờ đợi bốn năm chục năm nay. Không biết làm sao mà mẹ của Thu lay chuyển, và chinh phục được ông già chai đá đó, để ông chịu cưới bà. Mẹ muốn làm đám cưới rình rang, nhưng ông Hai gạt đi, bảo rằng, không làm trò cười cho thiên hạ. Thu biết ơn ông, và có chút cảm tình vì chuyện đó.

Thu xin cha đi học xa nhà, để khỏi sống tại nơi mà nhiều người biết việc không may, không đẹp của gia đình. Nàng cũng tránh xa cả những người bạn trai có cảm tình và đang tìm hiểu nhau. Thu không tránh được mặc cảm, dù chẳng ai có thì giờ, mà để ý đến chuyện riêng của cha mẹ Thu.

Dù mẹ có làm gì đi nữa, Thu vẫn thương, và quan tâm đến đời sống của mẹ. Thu mong muốn bà được vui vẻ, hạnh phúc. Nhân nghỉ học mùa giáng sinh, Thu nhận lời mời của mẹ, về ở lại với bà một tuần. Mục tiêu phụ là được gần mẹ, mục tiêu chính là dò xét đời sống hiện tại của mẹ và ông bố dượng. Xem bà có được hạnh phúc hay không, và xem ông bố dượng chịu đựng ra sao về cái tính tình bốc đồng của mẹ.

Mẹ cùng ông bố dượng lái xe ra đón Thu tại phi trường. Mẹ cười tươi, vui vẻ đi bên ông. Bà lái chiếc xe mới loại sang trọng nhất, xe chạy rất êm. Thấy mẹ mở cửa ngồi vào tay lái, và ông bố dượng ngồi vào ghế bên cạnh, Thu bảo mẹ để nàng lái, nhưng bà không chịu. Bà bảo rằng, dạo nầy lái xe đã quen tay, vì ông bố dượng không muốn lái xe nhiều, thỉnh thoảng ông bị chóng mặt. Thu nhìn mẹ lái xe, len lỏi giữa rừng xe hỗn độn trên xa lộ mà ngạc nhiên, vì xưa nay bà rất ít lái, và ít dám ra xa lộ một mình, nếu không quá cần thiết.

Khi bà lái chậm để tránh chạy song hành với chiếc xe vận tải nặng, bà liếc qua ông bố dượng nói nhỏ như phân trần:

-“Chạy song song với xe vận tải không an toàn”.

Ông bố dượng gật đầu ừ hử. Khi xe vào đường phố, bà dịu dàng nói như để xin phép:

-“Em đi quá lên một đoạn rồi quay lại, ở đây quẹo trái nguy hiểm”.

Ông Hai tán thành:

-“Đúng, phải chọn cách an toàn nhất”.

Ban đầu, Thu tưởng chiếc xe sang trọng nầy là của ông Hai, nhưng sau đó biết rằng, mẹ mới mua, theo bà “Loại xe Mercedes nầy đi êm, bác thích, vì đỡ xóc dằn làm bác mệt”. Chữ “bác” bà dùng ở đây để chỉ ông bố dượng. Thu sực nghĩ đến bố ruột mà thương, chưa bao giờ nghe mẹ nói rằng sợ cha mệt.

Trên đường về, bà ghé lại tiệm ăn, bà hỏi ý kiến bố dượng là nên vào tiệm nào, ông bảo tiệm nào cũng được. Khi mẹ quành xe vào một tiệm mà bà chọn, thì ông Hai nói :

-“Tiệm nầy dầu mỡ nhiều, qua tiệm khác”.

Mẹ vội quành xe ra và đi đến tiệm khác. Khi chọn món ăn, bà đưa bản thực đơn cho ông bố dượng lựa. Ông lịch sự hỏi Thu ưa ăn loại gì, Thu đáp qua loa, và thấy mẹ không có một ý kiến nào, hoàn toàn tùng phục ông Hai. Trước khi ăn, mẹ Thu lấy giấy lau đũa, lau muỗng cho ông bố dượng, và đổ nước mắm, ớt vào dĩa nhỏ cho mỗi người. Những việc nầy, ngày xưa, cha ruột Thu thường làm cho bà. Ông Hai ngồi dựa ngữa, nhìn những con tôm con cá đang bơi lội trong hồ nước. Trong khi ăn, mẹ Thu phục dịch cho ông Hai như chăm sóc cho đứa con cưng nhỏ, bà gắp vào chén ông những phần ngon của con cá, của dĩa thịt. Thu nhìn vẻ mặt hớn hở của mẹ mà thương và tội nghiệp. Ông bố dượng thì đón nhận những chăm sóc đó như là điều đương nhiên, xem như là bổn phận của một người vợ chăm sóc cho chồng. Ông không có cử chỉ, hoặc có lời cảm ơn.

Về đến nhà, sau khi hỏi han Thu vài câu xã giao, ông bố dượng ngồi ngửa trên ghế bành, mở truyền hình xem đánh quyền Anh với nét mặt hớn hở. Mẹ Thu pha bình trà để lên bàn, rồi ngồi ép vào ông mà cùng xem, bàn tán với ông về trận đánh, làm Thu ngỡ ngàng, ngạc nhiên. Xưa nay bà có bao giờ thưởng thức những trò chơi thể thao trên truyền hình đâu. Trước đây, bà thường gắt gỏng, buộc chồng và đám con trai đổi qua các chương trình khác, vì thể thao trên truyền hình vô bổ, vô duyên, chẳng vui vẻ gì, mà chỉ ồn ào điếc tai.

Thu ngồi đọc tin tức trên báo, nhưng liếc nhìn, dò xét thái độ của mẹ, rồi cáo từ đi nghỉ. Khi ngủ được một giấc rồi, Thu vẫn còn nghe tiếng ồn ào của truyền hình, bèn hé cửa nhìn ra, thấy mẹ và ông bố dượng vẫn còn ngồi đó.

Sáng hôm sau, nghe tiếng động, Thu dậy sớm, thấy mẹ đang pha cà phê và làm thức ăn sáng cho ông bố dượng. Bà hỏi Thu uống cà phê loại gì, Thu lắc đầu và bảo mẹ dể con tự lo lấy. Bà nói với Thu:

“Bác uống cà phê kỹ lắm, phải là loại cà phê ngon đặc biệt và nấu bằng nồi áp suất, nước cà phê đen kẹo sóng sánh, chứ cà phê chai bác không chịu uống đâu. Mẹ phải mua tại tiệm xa lắm, khoảng hơn một giờ lái xe.”

Bà dọn ra bàn ba đĩa thức ăn sáng, có bánh mì nướng dòn, trứng chiên, phó mát mốc xanh, và thịt heo đun khói nguội. Những thức ăn sáng nầy, người Âu Mỹ thường hay ăn, mấy chục năm ở nhà, Thu chưa thấy mẹ nấu bao giờ. Thu nói:

“Buổi sáng, con không quen ăn các thứ nầy.”

Ông bố dượng cười hiền lành bảo:

“Ban đầu, thì không ai ưa, nhưng ăn nhiều thì thấy ngon, thích hơn các thứ khác.”

Thu nhìn ông và nghĩ rằng, ông đã sống độc thân lâu ngày, ăn toàn các thức ăn làm sẵn, nguội lạnh, nên mới ưa thích các thứ nầy. Mẹ Thu cũng vì chìu ông, mà ăn thịt mỡ ba rọi chiên, thứ mà ngày xưa bà nhìn vào thì sợ, như sợ loài rắn rít.

Ăn sáng xong, ông bố dượng rủ Thu ra công viên đi bộ, làm một thứ thể dục nhẹ nhàng. Thu đưa mắt hỏi ý kiến mẹ, bà nói:

“Con đi bộ cùng bác và mẹ cho vui, buổi sáng không khí tốt, mát, trong lành.”

Tò mò, Thu đi theo mẹ. Ra công viên, ông Hai đi rất mau, mẹ Thu tất tả đi theo gần như chạy mới kịp, bà ríu rít nói đủ thứ chuyện. Thu bước sãi theo sau hai người. Mông ông dượng teo rí, bụng ỏng, đi lúc lắc như múa. Chỉ một lúc sau, Thu nghe tiếng thở hổn hển của mẹ, và cũng cảm thấy mệt, bèn đi chậm lại, mẹ Thu vẫn cố gắng chạy sát theo ông bố dượng.

Sau buổi thể dục đi bộ quanh công viên về, mẹ Thu lau cửa kiếng, hút bụi, tưới cây, tỉa lá, mà ông bố dượng thì cầm cuốn sách đọc, thỉnh thoảng toét miệng cười thầm thích thú. Thu chạy theo giúp mẹ. Ông bố dượng như không cần biết công việc mà mẹ Thu đang làm, xem như ông chẳng liên quan gì đến các việc đó. Thu cằn nhằn mẹ, hỏi sao không nhờ ông Hai làm phụ, mà mẹ phải gánh lấy một mình. Bà xuỵt xuỵt như sợ ông Hai nghe được và nói nhỏ:

“Để bác đọc sách, đừng quấy rầy bác, mẹ làm một mình được mà.”

Lời nói đó làm Thu tức giận, ứ lên không thở được, bèn bỏ vào phòng nằm khóc một mình. Một đời mẹ dằn vặt cha ruột của Thu, không bao giờ phụ giúp cha làm gì, chẳng thấy tỏ lòng biết đến công ơn chăm sóc chìu chuộng của cha. Thế mà giờ đây, đem thân phục dịch như một kẽ nô bộc, cho một ông già mà dung nhan thì chẳng có chút mỹ thuật, tính tình thì thiếu ấm áp. Đem so sánh ông bố dượng nầy với cha ruột, thì như đem gà sánh với phượng. Ông nầy thua xa cha, cả thể chất lẫn tinh thần, cả đức độ, lòng tử tế, tài chánh và các giá trị khác trong xã hội nữa. Cái gì ở ông Hai đã làm bà mẹ của Thu mê mẩn, lú lẫn, từ một người đàn bà cứng rắn, khó khăn, ưa chỉ huy, ưa phán lệnh, trở thành dịu dàng và hoàn toàn tuân phục cái ông già xấu xí nầy?

Rồi Thu thấy khâm phục ông bố dượng, và nghĩ cho cùng, thì có thể mẹ Thu đang thấy sung sướng, hạnh phúc trong đời sống mới nầy. Buổi chiều nhìn mẹ tíu tít nói và gọt trái cây, cắt từng miếng đưa cho ông bố dượng ăn, Thu ra đứng nhìn giàn hoa, giả vờ hát nho nhỏ nhưng đủ cho ông bố dượng và mẹ cùng nghe: “...Em hiền như ma-xơ, em hiền như ma-xơ...”, rồi quay lại, ranh mãnh nhìn hai ông bà. Mẹ Thu hiểu ý, nghiêm mặt, làm như không nghe.

Khi về thăm cha, Thu đem chuyện mẹ hy sinh, phục dịch ông bố dượng, kể lại, thì cha chỉ cười, và nói rằng có lẽ mẹ con làm đúng, vì thường thường người cho cảm thấy hạnh phúc hơn người nhận. Ông cho rằng mẹ đang thực sự có hạnh phúc, vì xưa nay, bà chỉ biết nhận chứ chưa biết cho. Người biết cho, biết hy sinh, là người có hạnh phúc.

Thu thấy hiểu cha hơn phần nào, cũng không còn ngạc nhiên để thấy trong thời gian chung sống với mẹ, cha chỉ biết hy sinh, hiến dâng hạnh phúc riêng của ông cho vợ, cho con và từ đó ông tìm thấy cái hạnh phúc lớn hơn ./.

Tràm Cà Mau

2000.
 


Trích trong Tuyển Tập truyện ngắn “Hương Tóc Cố Nhân” của Tràm Cà Mau. Độc giả muốn có tuyển tập nầy (với giá $15 USD, luôn cả bưu phí) xin liên lạc qua dịa chỉ email: tramcamau2003@yahoo.com .

Ngoài tuyển tập vừa kể, tác giả đã ra mắt bạn đọc 2 tuyển Tập khác: “Triết Lý Củ Khoai” và “Rong Chơi Ngày Tháng” (Tái bản lần thứ 2).

* * *

Xem các bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về homepage www.nuiansongtra.net  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh