Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 21, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
MỸ HƯỚNG VỀ CHÂU Á: NÓI DỄ HƠN LÀM
Webmaster
Các bài liên quan:
    CHÍNH SÁCH XOAY TRỤC SANG ĐÔNG Á CỦA MỸ: VỀ PHƯƠNG DIỆN HẢI QUÂN
    CHÍNH SÁCH TÁI CÂN BẰNG CHÂU Á CỦA MỸ ĐANG BỊ ĐE DỌA
    CHÍNH SÁCH “XOAY TRỤC” SANG CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG: NHIỀU HỎA MÙ HƠN HỎA LỰC
    NHỮNG KHÍA CẠNH QUÂN SỰ TRONG CHIẾN LƯỢC “XOAY TRỤC” CỦA MỸ SANG CHÂU Á
    BÊN NGOÀI VIỆC CHUYỂN TRỤC CHIẾN LƯỢC: MỘT LỘ ĐỒ MỚI CHO QUAN HỆ MỸ-HOA.


MỸ HƯỚNG VỀ CHÂU Á: NÓI DỄ HƠN LÀM
THE AMERICAN PIVOT TO ASIA: WHY PRESIDENT

OBAMA’S TURN TO THE EAST IS EASIER SAID THAN DONE?
by Kenneth Lieberthal | Foreign Policy, Dec. 21, 2011
Châu Giang dịch 


 

Chiến dịch trở lại châu Á – Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ thực dụng đến mức nào và sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các quan hệ Mỹ - Trung, cũng như vai trò của cả hai nước này tại châu Á? Liệu Mỹ có nguồn lực để làm tốt những gì đã tuyên bố liên quan đến “trụ cột” lịch sử này?
 

 

Thái độ hướng tới châu Á của chính quyền Tổng thống Barack Obama đã phát triển đáng kể trong vài năm trở lại đây. Tổng thống Obama đã tạo ra kết quả đầy đủ hồi tháng trước, khi ông đến Honolulu, Australia, và Indonesia để tham dự một loạt hội nghị lớn. Thông điệp của chuyến đi đáng chú ý này đã được kiểm tra kỹ lưỡng, vì nó được coi là một chiến lược ngoại giao, quân sự và kinh tế hội nhập, trải dài từ tiểu lục địa Ấn Độ tới toàn khu vực Đông Bắc Á - và một chiến lược có thể định hình căn bản quan hệ Mỹ - Trung. Thông điệp cơ bản là: Mỹ sẽ đóng một vai trò lãnh đạo tại châu Á trong nhiều thập kỷ tới.

Truyền thông Mỹ đã truyền tải thông điệp này như thể chỉ nhằm đối đầu với Trung Quốc ở châu Á, nhưng trên thực tế việc này phức tạp hơn nhiều. Chiến dịch của Tổng thống Mỹ thực dụng đến mức nào và nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các quan hệ Mỹ - Trung, cũng như vai trò của cả hai nước này tại châu Á? Liệu Mỹ có nguồn lực để làm tốt những gì đã tuyên bố liên quan đến "trụ cột" lịch sử này?

Điều gì đã thay đổi?

Ông Obama nhậm chức như "vị Tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên", và cho rằng chính quyền của Tổng thống George W. Bush đã chú ý quá ít tới các vấn đề khu vực châu Á, và Mỹ cần phải lập lại mức cam kết truyền thống của mình tại đây. Các nỗ lực này đã gia tăng khi chính sách châu Á của Trung Quốc ngày càng cứng rắn hơn trong năm 2010, và khi trong năm 2011 quân số của Mỹ đã giảm đáng kể tại hai chiến trường Iraq và Afghanistan.

Đặc biệt trong năm 2010, Mỹ đã không do dự đáp lại thái độ độc đoán của Trung Quốc trong khu vực. Phản ứng với việc Triều Tiên thử hạt nhân và khiêu khích chống lại Hàn Quốc, chính quyền của ông Obama đã dứt khoát ủng hộ Seoul, gây sức ép mạnh đề nghị Trung Quốc "ghìm cương" Bình Nhưỡng, và chống lại việc TQ phản đối tiến hành các cuộc tập trận hải quân tại Hoàng Hải nhằm răn đe Triều Tiên.

Tại cả Đông Bắc Á và biển Đông, chính quyền Obama đã chính thức khẳng định thái độ trung lập trong các tranh chấp lãnh thổ liên quan đến Trung Quốc, nhưng có quan điểm riêng khiến Bắc Kinh phải "sửng cồ". Khi Nhật Bản bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc sau một sự cố tại các vùng biển đang tranh chấp gần quần đảo Điếu Ngư (mà Nhật Bản gọi là Senkaku), Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định liên minh Mỹ - Nhật bao chùm cả các vùng biển này bởi quần đảo này thuộc quyền kiểm soát hành chính thực tế của Nhật Bản.

Các tranh cãi tái diễn liên quan đến các yêu sách chủ quyền chồng lấn của các quốc gia ven biển Đông đã khiến Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Hà Nội giữa năm 2010 khẳng định việc tự do hàng hải trong khu vực và đảm bảo khu vực này được mở cửa cho các hoạt động thương mại bình thường đều nằm trong lợi ích sống còn của Mỹ. Đồng thời, bà Ngoại trưởng tuyên bố Mỹ sẽ sẵn sàng tạo điều kiện cho một quá trình hợp tác nhằm giải quyết các yêu sách lãnh thổ, và Mỹ cho rằng mọi yêu sách về biển cần được sự hỗ trợ đầy đủ của các yêu sách về các hình thái đất liền. Trung Quốc nổi giận vì nghi ngờ rằng Washington đang nhúng chân vào các vấn đề lãnh thổ này, đồng thời nêu rõ Bắc Kinh thấy không có mối đe dọa nào đối với quyền tự do hàng hải trong khu vực.

Trong các ví dụ trên và nhiều trường hợp khác nữa, trong năm 2010 Mỹ đã đưa ra những lời đáp riêng rẽ đối với từng ý tưởng khác nhau của Trung Quốc mà họ cho là đòn bẩy tiềm năng của sức mạnh kinh tế Trung Quốc nhằm đạt được thành công ngoại giao và an ninh trong khu vực. Các lời đáp này diễn ra cùng lúc với hoạt động ngoại giao song phương tích cực Mỹ - Trung nhằm duy trì quan hệ song phương đúng đường và quản lý những tham vọng của cả hai bên. Một chuyến thăm cấp nhà nước thành công của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến Washington hồi tháng 1/2011 cho thấy sự kết hợp vững chắc này trong những vấn đề cụ thể và ngoại giao song phương tích cực đã đặt quan hệ song phương Mỹ - Trung trên nền tảng vững chắc.

Trên nền tảng này, chuyến công du châu Á tháng 11/2011 của Tổng thống Obama đã nhấn mạnh rằng chính sách của Mỹ giờ đã sang một bước mới hướng tới 4 lĩnh vực:

Các tổ chức đa phương.

Trong thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã nỗ lực rất nhiều cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ASEAN +3 (với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Bắc Kinh đã thương lượng một thỏa thuận thương mại tự do với ASEAN, tạo ra các cách thức "thu hoạch sớm" hiệu quả từ giữa những năm 2000 (thỏa thuận này có hiệu lực đầy đủ vào năm 2010). Tất nhiên, thỏa thuận này không bao gồm Mỹ. Bắc Kinh cũng ủng hộ ARF, coi đây như một diễn đàn an ninh khu vực quan trọng, có thể vì ARF trong nhiều năm qua đã chứng tỏ khả năng hoạt động hoàn toàn dựa trên sự đồng thuận và không đụng đến những vấn đề đặc biệt khó.

Trên nền tảng này, tháng 11/2011 ông Obama đã hiện thực hóa các quyết định của ông là ủng hộ hai tổ chức đa phương khác nhau. Về kinh tế và thương mại, Tổng thống tuyên bố Mỹ hy vọng đến tháng 12/2012 sẽ được nhìn thấy thỏa thuận Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiện đang được thương thảo, trở thành một nền tảng thương mại và đầu tư chất lượng cao, hội tụ các nền kinh tế lớn của châu Á - Thái Bình Dương. TPP được cấu trúc quanh các nguyên tắc mà Mỹ luôn đấu tranh để đạt được - đó là minh bạch, bảo vệ sở hữu trí tuệ, quyền của người lao động, bảo vệ môi trường... (đây có thể được coi là một "WTO+"). Ông Obama tuyên bố bất cứ ai chấp nhận các nguyên tắc này sẽ được hoan nghênh gia nhập, nhưng các nguyên tắc của TPP lại rất khác với các nguyên tắc định hướng hầu hết các hành động của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Trung Quốc không nằm trong nhóm các nước thương lượng thành lập TPP ngay từ đầu.

Về mặt an ninh, Mỹ đã chính thức gia nhập Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), và ông Obama đã sử dụng buổi tham gia đầu tiên của mình để lái cơ quan mới này vào các vấn đề an ninh khó hơn và cụ thể hơn trong khu vực, đặc biệt là an ninh biển. Bắc Kinh hoàn toàn không thích thú với điều này, nhưng hầu hết các đại biểu tham dự EAS đều ủng hộ cách tiếp cận của Mỹ.

Nói tóm lại, ông Obama đã liều lĩnh chuyển trọng tâm vào các tổ chức đa phương quan trọng ở châu Á, tạo điều kiện cho các tổ chức có Mỹ tham gia và dẫn dắt các tổ chức này đi theo cách tiếp cận mà Washington muốn nhưng lại khiến Bắc Kinh đau đầu.

Kinh tế và thương mại.

Chính quyền Mỹ có một kỷ lục đáng thất vọng về các vấn đề thương mại trong hai năm rưỡi đầu nhiệm kỳ của ông Obama. Nhưng đầu tháng 11/2011, cuối cùng họ đã đạt được sự phê chuẩn FTA của Hàn Quốc, và như đã nói ở trên, họ đã chuyển được trọng tâm sang phát triển TPP như một nền tảng thương mại và đầu tư mới trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hai sáng kiến này đã đẩy châu Á trở lại trung tâm các sáng kiến về kinh tế và thương mại của Mỹ, phù hợp với tuyên bố mà ông Obama thường nhắc lại là không có khu vực nào quan trọng bằng châu Á đối với sự thịnh vượng kinh tế trong tương lai của Mỹ. Tất cả điều này diễn ra trong bối cảnh những căng thẳng kinh tế và thương mại với Trung Quốc ngày càng leo thang - các căng thẳng ít khả năng giảm bớt trong năm bầu cử tại Washington và năm chuyển giao thế hệ lãnh đạo chính trị ở Bắc Kinh sắp tới.

An ninh.

Ông Obama đã tuyên bố rõ ràng trong chuyến đi này rằng ông sẽ bảo vệ các khoản đầu tư an ninh của Mỹ vào châu Á tránh khỏi mọi nguy cơ cắt giảm ngân sách quốc phòng của Mỹ trong tương lai. Hơn thế, tại Australia, ông đã ký một thỏa thuận cho phép huy động luân phiên 2.500 thủy quân lục chiến đến căn cứ Darwin. Sau một chuyến thăm khu vực này của tân Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta vài tuần trước đó, Tổng thống đã khẳng định rõ rằng quân đội Mỹ và nói rộng ra là trọng tâm an ninh của Mỹ giờ đã chuyển từ Iraq và Afghanistan sang châu Á, và điểm mới này sẽ là ưu tiên hàng đầu về an ninh của Mỹ và sẽ được bảo vệ khỏi bất kỳ nguy cơ cắt giảm ngân sách quốc phòng nào trong tương lai.

Dân chủ.

Một lịch trình dân chủ toàn cầu không phải là một phần nổi bật trong nhiệm kỳ của ông Obama, nhưng việc này đã thay đổi đáng kể với Mùa Xuân Arập 2011. Tổng thống đã nêu rõ trong chuyến đi này rằng tại châu Á, Mỹ sẽ dẫn đầu trong việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Ông tuyên bố tại Australia rằng: "Các mô hình khác đã được thử nghiệm nhưng đều thất bại - như chủ nghĩa phát xít và cộng sản, vốn do một người hay một ủy ban đứng đầu. Và chúng đều đã thất bại vì cùng một lý do: Chúng đã bỏ qua nguồn sức mạnh và tính hợp pháp tối cao - đó là nguyên vọng của nhân dân". Tại điểm dừng chân cuối cùng của chuyến đi, ông Obama tuyên bố rằng Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ đến thăm Myanmar đầu tháng 12 - trở thành Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tới thăm nước này trong vòng 50 năm qua - để chứng kiến không khí cải cách sôi nổi ở đó và khuyến khích tiến bộ hướng tới sự điều hành dân chủ tốt hơn. Nói tóm lại, chiến lược toàn diện mới đã nâng cao yếu tố dân chủ của ngoại giao Mỹ tại châu Á.

Hầu hết các sáng kiến đặc biệt được công bố trong chuyến công du tháng 11/2011 của TT Obama đã khởi nguồn từ năm 2010 hoặc trước đó. Nhưng trong khi trước đây Mỹ đã chọn trở lại khi họ nhằm vào các hành động của Trung Quốc và chú ý nhiều hơn đến việc quản lý quan hệ Mỹ - Trung, thì chuyến thăm tháng 11 vừa qua đánh dấu một sự thay đổi lớn. Washington vẫn tập trung duy trì một quan hệ Mỹ - Trung mang tính xây dựng, nhưng giờ họ đã đưa nhiều yếu tố khác vào một dạng hội nhập chiến lược, công khai khẳng định và hứa hẹn duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ trên toàn châu Á trong tương lai gần.

Quan điểm của Trung Quốc

Hoàn toàn dễ hiểu khi Trung Quốc lo lắng về các diễn biến mới trên. Theo cách này hay cách khác, các diễn biến này đã khẳng định lại những nghi ngờ vốn có của Trung Quốc về Mỹ. Trong con mắt của người Trung Quốc, Mỹ luôn quan tâm ưu tiên bảo vệ vị trí bá chủ toàn cầu của mình - tức là làm mọi cách có thể nhằm trì hoãn hoặc chống phá sự nổi lên của Trung Quốc. Việc Mỹ thụt lùi trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và phục hồi khó nhọc sau đó, trong khi Trung Quốc trong năm 2010 trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ càng khiến Bắc Kinh lo ngại về quyết tâm của Washington là kéo dài thời gian trước khi đến cái ngày mà Trung Quốc chắc chắn sẽ vượt Mỹ trở thành nước hùng mạnh nhất thế giới.

Bắc Kinh cảm thấy khó chịu với các nỗ lực của Mỹ trong các lĩnh vực sau: thúc đấy phong trào ly khai ở Trung Quốc nhằm tạo ra sự bất ổn mà Mỹ có thể thông qua các hoạt động mạng để tác động vào sự thay đổi lật đổ đảng Cộng sản Trung Quốc; gây sức ép để Trung Quốc định giá lại đồng tiền của mình nhằm gia tăng tình trạng thất nghiệp - nhân tố gây bất ổn - tại Trung Quốc và hướng sự chú ý của người Mỹ ra khỏi các vấn đề của chính nước Mỹ; tạo ra các vấn đề cho Trung Quốc bằng cách lan truyền nỗi sợ hãi về các ý định của Bắc Kinh tại các nước láng giềng và kích động những người vốn lo ngại về các tham vọng của Trung Quốc; thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước châu Á nhằm tạo các lực cản đối với việc Trung Quốc hoàn thành vai trò chính đáng là trở thành một cường quốc khu vực; thách thức mô hình phát triển của Trung Quốc, vốn đang được coi là sự thay thế cho mô hình dân chủ đã bị hoen ố của phương Tây; và sử dụng các biện pháp như thành lập TPP nhằm giảm phạm vi quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, điều mà Trung Quốc nghĩ là một bước quan trọng để kiềm chế sự lạm dụng của Mỹ đối với vai trò đồng tiền dự trữ quốc tế của USD. Nói tóm lại, chiến lược đại châu Á của Tổng thống Obama và một số phát biểu đi kèm đã thể hiện đúng suy nghĩ của nhiều người Trung Quốc, rằng mọi hành động của Mỹ là một âm mưu ngăn cản hoặc đả phá sự nổi lên của Trung Quốc.

Điều gì sẽ xảy ra?

Trụ cột châu Á của chính quyền Obama sẽ thiết lập một cách tiếp cận cân bằng hơn về kinh tế, ngoại giao và an ninh. Việc phê chuẩn Thỏa thuận Tự do Thương mại (FTA) Mỹ - Hàn Quốc gần đây và các nỗ lực tạo ra TPP là những bước rất quan trọng theo hướng này. Nhưng chiến lược châu Á hội nhập mới này có nguy cơ quá đà khi tạo ra những kỳ vọng mà Washington sẽ không thể đạt được, và khi nó nuôi dưỡng những mối hoài nghi ở Trung Quốc có thể dẫn tới một quan hệ Mỹ - Trung "nóng" hơn.

Báo chí Mỹ mô tả chuyến đi của ông Obama là sự khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á, thách thức và ngăn chặn Trung Quốc trong mọi hướng. Việc các sáng kiến của Mỹ bề ngoài nhận được sự ủng hộ nhiệt tình bằng miệng của gần như tất cả các quốc gia lớn tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á đã cho thấy rõ điều đó. Nhưng thực thế lại phức tạp hơn nhiều, cả về điều mà Tổng thống muốn làm cũng như kết quả có thể đạt được.

Một chiến lược phức tạp hơn của Mỹ.

Chính quyền của Tổng thống Obama không tìm cách đương đầu với Trung Quốc ở bên ngoài. Thay vì thế, họ có cách tiếp cận hai hướng: tái khẳng định và củng cố quan hệ hợp tác với Trung Quốc; và thiết lập một sự hiện diện mạnh và đáng tin cậy của Mỹ trên toàn châu Á nhằm khuyến khích Trung Quốc hành xử một cách mang tính xây dựng, đồng thời tạo niềm tin cho các quốc gia khác trong khu vực mà họ đang cần để ngăn chặn khả năng bá quyền của Trung Quốc trong khu vực.
Chính quyền Mỹ vì thế sẽ tiếp tục tập trung các nỗ lực vào phát triển các quan hệ cá nhân mật thiết giữa các quan chức cấp cao chủ chốt ở Washington với Bắc Kinh. Ông Obama đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào 10 lần (bao gồm cả hội nghị ở Honolulu) và với Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhiều lần. Ngoại trưởng Clinton đã có cố gắng đặc biệt trong việc khích lệ Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc, ở góc độ cá nhân, khi tiến hành các cuộc gặp không chính thức với ông kéo dài nhiều giờ. Và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã thiết lập các liên lạc rất mật thiết với người đồng cấp Trung Quốc, Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn.

Tinh thần của các cuộc gặp cá nhân trên là nêu các quan điểm của từng bên về các vấn đề sẽ được thảo luận chính thức nhằm đạt được sự hiểu biết lẫn nhau và gia tăng sự tin tưởng lẫn nhau. Khởi đầu là sự tôn trọng lẫn nhau và thừa nhận các lợi ích có liên hệ với nhau sâu sắc giữa Trung Quốc và Mỹ. Các cuộc thảo luận kín này vì vậy được thiết kế nhằm hạn chế những nguy cơ thù địch không đáng có giữa Mỹ và Trung Quốc. Những hoạt động trầm lặng này trong ngoại giao song phương là nhằm quản lý các căng thẳng Mỹ - Trung trong tương lai và thiết lập quan điểm và chương trình cho nhiều cuộc gặp Mỹ - Trung thường kỳ giữa hai chính phủ trong suốt thời gian qua.
Phản ứng của Trung Quốc.

Trung Quốc đã ngạc nhiên trước "bản hòa tấu" mà Mỹ đã chơi hồi tháng 11. Phản ứng ban đầu của họ là khá dịu, có thể một phần vì sự đảm bảo cá nhân mà họ đã nhận được trong các cuộc gặp giữa các lãnh đạo cấp cao, nhưng cũng một phần vì sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo chính trị trong năm tới ở Bắc Kinh. Chính quyền của ông Hồ Cẩm Đào muốn tránh mọi sự xuống cấp nghiêm trọng trong quan hệ Mỹ - Trung và nhiều khả năng không muốn tạo ra nguy cơ xét lại từ bên trong đối với mối quan hệ này trong năm rất nhạy cảm về chính trị sắp tới.
 

Tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng không muốn sụp đổ đằng sau tình cảm dân tộc nếu tình cảm đó càng lớn nhanh khi nhận thấy các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn cản một Trung Quốc nổi lên và giành vị trí chính đáng của mình ở châu Á. Tình cảm này có thể làm tăng sức ép đối với giới lãnh đạo đất nước, buộc họ phải chống lại sự xác quyết bá quyền của Mỹ tại sân sau của Trung Quốc và nhắc nhở Mỹ về sự thay đổi cán cân quyền lực thực sự tại châu Á. Các khả năng có thể bao gồm leo thang căng thẳng nói chung, giảm hợp tác trong các vấn đề như trừng phạt Iran và đối phó với quá trình kế nhiệm đang diễn ra ở Triều Tiên, và gây ra ngày càng nhiều sự cố tại vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, không khả năng nào có thể bị loại trừ. Mỗi khả năng có thể tạo ra sự leo thang va chạm và mất tin tưởng lẫn nhau trong quan hệ Trung - Mỹ. Vai trò của quân đội trong nền chính trị Trung Quốc cũng là một nhân tố tác động đến những phản ứng này trong năm chuyển giao thế hệ lãnh đạo sắp tới. Vì vậy, quá trình chuyển giao ở Trung Quốc có thể đẩy tình hình sang hướng này hay hướng kia, tùy thuộc vào các diễn biến trong nước. Để tránh sự thay đổi theo chiều hướng xấu đòi hỏi các nỗ lực ngoại giao năng động, bền vững và thận trọng của Mỹ.

Sự thay chính quyền bên trong.

Chính sách với Trung Quốc của chính quyền Obama ngay từ những ngày đầu đã định hình chủ yếu bởi sự hợp tác chặt chẽ giữa Thứ trưởng Ngoại giao James B. Steinberg với Giám đốc phụ trách khu vực Đông Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Jeffrey Bader. Đây là hai quan chức cấp cao đầu tiên giải quyết với Trung Quốc tại vị từ năm 2009, và họ đã phát triển quan hệ hợp tác rất hiệu quả nhằm duy trì vai trò lãnh đạo của Nhà Trắng đặc biệt về Trung Quốc, và cả về các chính sách châu Á nói chung.

Từ cuối năm 2009 trở đi, xuất hiện một luồng suy nghĩ khác tại Bộ Ngoại giao, được một số người ở Lầu Năm Góc ủng hộ, theo đó muốn một quan điểm cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và được chuẩn bị nhiều hơn để cảnh báo các nước khác trong khu vực lo lắng về các năng lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc và tập hợp họ lại với nhau để kiềm chế Trung Quốc. Hai dòng tư tưởng này không xung đột với nhau, nhưng mỗi dòng có chủ ý tìm cách định hình toàn bộ chính sách của Mỹ và thường cung cấp các lời khuyên chiến lược khác nhau trong nhiều vấn đề.

Các ông Steinberg và Bader đã rời Chính phủ Mỹ đầu năm 2011. Sau sự ra đi này, Mỹ không còn chuyên gia nào về Trung Quốc từ cấp trưởng phòng hoặc hơn tại Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh Quốc gia hay Lầu Năm Góc. Trước khi Tổng thống lên đường, Nhà Trắng đã cung cấp cho giới báo chí về chuyến công du châu Á của ông với đầy những ngôn từ khoa trương (như tuyên bố một "trụ cột" của Mỹ ở châu Á) và cách tiếp cận của những người tại Bộ Ngoại giao muốn có quan điểm cứng rắn chưa từng thấy trong chính quyền Obama. Nếu sự thay đổi nhân sự này tạo ra một thay đổi lớn trong chính sách của Nhà Trắng, đó có thể là một diễn biến rất quan trọng làm nảy sinh những vấn đề mới.
 

Có một điều cũng rất quan trọng là ông Obama không hề thốt ra từ "trụ cột" trong chuyến công du châu Á của mình, và Cố vấn An ninh Quốc gia Tom Donilon chỉ dùng cụm từ "tái cân bằng" thay vì nói "trụ cột". Ngược lại, bà Clinton liên tục nhắc đi nhắc lại rằng chính sách của Mỹ là một "trụ cột ở châu Á".

Các quan chức cấp cao Trung Quốc trong một thời gian dài đã nhận ra sự khác biệt trong lòng Chính phủ Mỹ như trên.

Độ tin cậy của Mỹ.

Một đường lối cứng rắn hơn có thể tạo ra một cách hành xử mang tính xây dựng của Trung Quốc nếu nó thuyết phục được Bắc Kinh rằng Mỹ duy trì được khả năng lãnh đạo tại châu Á về lâu dài và sẵn lòng khuyến khích sự phát triển hiện nay của Trung Quốc nếu việc đó không dẫn tới cách hành xử thách thức vị trí của Mỹ hoặc lợi ích của Mỹ trong khu vực. Rốt cuộc, giới lãnh đạo Trung Quốc rất thực dụng. Họ không muốn "tấn công" Mỹ nếu Mỹ đã có một chiến lược châu Á rõ ràng và liên kết, được tôn trọng và được xem là đáng tin trong khu vực.

Đáng chú ý là ông Obama và bà Clinton phát biểu tại châu Á như thể người châu Á không thấy cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là một sản phẩm "made in America", như thể hệ thống dân chủ của Mỹ gần đây đã đạt những thành quả ngoạn mục, và như thể quân đội Mỹ có đủ mọi nguồn lực cần thiết để duy trì mọi quyết định huy động lực lượng mà Washington mong muốn trên toàn khu vực Thái Bình Dương rộng lớn. Nhưng không điều nào trong số đó là thực.

Câu hỏi lớn nhất tại châu Á là liệu Mỹ sẽ vươn dậy sau cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay và sớm bước vào thời kỳ tài chính lành mạnh và hùng mạnh trong tương lai hay không. Sự sụp đổ về chính trị liên quan đến việc tăng mức nợ trần hồi tháng 8/2011 đã gây thiệt hại rất nhiều cho vị trí của Mỹ tại châu Á vì nó đã phát đi một tín hiệu tiêu cực mạnh về vấn đề này. Khi Tổng thống tuyên bố chiến lược của mình với châu Á hồi tháng 11, "siêu ủy ban" của Quốc hội đã không đạt được dù chỉ một thỏa thuận nhỏ để trình Quốc hội.
 

Như vậy, có thể có nhiều mơ tưởng hão huyền trong phát biểu của Tổng thống trong chuyến công du tháng 11. Tổng thống nhấn mạnh mọi quốc gia đều được hoan nghênh tham gia vào sự thịnh vượng của châu Á nếu chấp nhận các chuẩn mực cao của TPP, nhưng thực tế lại là hiện nay chính Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, là đối tác thương mại lớn nhất của tất cả các nền kinh tế lớn trong khu vực này, và Trung Quốc không hề tuân theo các chuẩn mực của Mỹ. Dường như không quốc gia châu Á nào sẵn lòng làm điều gì đó có hại cho các quan hệ kinh tế với nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc, đặc biệt vào lúc tăng trưởng của Mỹ đang yếu ớt và triển vọng kinh tế châu Âu rất bấp bênh.

Hơn nữa, quân đội Mỹ đang phải đối mặt với sự cắt giảm ngân sách tổng thể hơn 1.000 tỷ USD trong 10 năm tới. Bất chấp những cam đoan gần đây của Tổng thống Mỹ, hầu hết các quốc gia châu Á tự hỏi liệu điều này có ảnh hưởng tới các năng lực quân sự của Mỹ - và khả năng Mỹ sử dụng các năng lực ấy - ở châu Á hay không. Trong khi đó, quân đội Trung Quốc, yếu hơn nhiều so với Mỹ, dường như đang chuẩn bị được hưởng quyết định tăng ngân sách thường niên 2 con số trong những năm tới.

Tóm lại, một nhân tố cực kỳ quan trọng định hình vai trò của Mỹ trong tương lai tại châu Á sẽ là nước Mỹ chỉnh đốn lại nền kinh tế của mình tốt tới mức nào và sẽ chứng tỏ như thế nào để cho thế giới thấy hệ thống Mỹ có thể đứng dậy sau các vấn đề nghiêm trọng trong nước để trở nên hùng mạnh hơn nhiều so với trước.

Hành trình của Trung Quốc.

Cũng có một vấn đề đối với triển vọng của chính Trung Quốc. Có một ấn tượng khi thảo luận về vai trò quốc tế của Bắc Kinh, đó là đà tăng trưởng của họ là không thể ngừng lại và hệ thống của họ dựa trên nền tảng rất vững chắc trong nước. Bắc Kinh đã nói rõ rằng họ phải thay đổi mô hình phát triển của mình, bởi mô hình từng đạt thành công trong vài thập kỷ gần đây đã lỗi thời và giờ đang ngày càng gây ra nhiều hậu quả gây bất ổn về kinh tế và xã hội - như sự chênh lệch giàu nghèo rất lớn, các vấn đề về sản xuất và an toàn thực phẩm, tham nhũng gia tăng, môi trường xuống cấp thảm họa, giảm tái đầu tư, nhiều người cảm thấy hệ thống trở nên không công bằng... Nhưng có một số bằng chứng để tin tưởng rằng các quyết định chính trị cứng rắn hơn - những quyết định sẽ thách thức các lợi ích của các tập đoàn và giới lãnh đạo địa phương quyền lực - sẽ được đưa ra trong thời gian chuyển giao thế hệ lãnh đạo chính trị ở Bắc Kinh.

Thực vậy, bản chất kéo dài của quá trình chuyển giao cho thấy sự bi quan đốivới các cuộc cải cách lớn trong nước trước năm 2014. Nhưng sự ổn định chính trị của Trung Quốc không thể được đảm bảo nếu không có những thay đổi trong hệ thống chính trị vốn rất khó khăn - có thể là quá khó - để thực hiện. Dù Trung Quốc sẽ trải qua rối loạn chính trị hay chứng kiến một sự đứt quãng trong đà tăng trưởng kinh tế, thì nhận thức của cả châu Á Thái Bình Dương sẽ thay đổi theo hướng có thể dễ dàng ảnh hưởng tới thái độ của họ đối với vai trò của Trung Quốc và sự cân bằng Mỹ - Trung trong khu vực.

Một trụ cột quá xa vời?

Tuyên bố về trụ cột chiến lược của Mỹ ở châu Á đưa ra hồi tháng 11 vừa qua rõ ràng là nhằm tạo nhiềm tin vào vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực này trong tương lai và tôn trọng khả năng Washington "soạn lại" bản nhạc ngoại giao rất ấn tượng này. Nhiều người ở châu Á đã lo lắng về sự suy yếu của Mỹ. Và ông Obama đã đem đến sự lạc quan, các nguyên tắc, sự quyết tâm và vai trò lãnh đạo của Mỹ.

Chiến lược này có những lợi ích tiềm năng rất lớn, nhưng nó không hẳn là một cây kèn trumpet như Tổng thống và Ngoại trưởng Clinton nói đến. Quan trọng hơn, Mỹ sẽ không có nguồn lực và khả năng để thực hiện toàn bộ các lời hứa của Tổng thống, trừ phi họ giải quyết được các vấn đề tài chính trong nước và các vấn đề chính trị liên quan một cách hiệu quả hơn những gì họ đã làm được trước đây. Với Mỹ, việc lập lại trật tự trong ngôi nhà của mình là một điều kiện cần thiết để đạt thành công trong một chiến lược châu Á mới. Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể đáp lại một cách ngày càng thách thức.
 

Hơn nữa, hầu hết các nước châu Á quyết tâm tiếp tục mở rộng quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc ngay cả khi họ lo lắng rằng Bắc Kinh sẽ dùng kinh tế làm đòn bẩy để đạt lợi thế về ngoại giao và an ninh. Vì vậy, trong khi họ muốn Mỹ ngăn cản Trung Quốc chiếm ưu thế so với các nước khác trong khu vực, nhưng không nước nào muốn thấy quan hệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng, bởi điều đó sẽ tạo ra sức ép đối với bất kỳ ai phải chọn một trong hai. Thay vì thế, họ muốn duy trì các quan hệ cân bằng hiệu quả với cả Trung Quốc và Mỹ, và hưởng lợi từ cả sự hợp tác và cạnh tranh giữa hai gã khổng lồ này trong khu vực. Quan điểm cho rằng Mỹ sẽ quyết định kết quả chính trong khu vực vì các nước ở đó sẽ hoan nghênh vai trò lãnh đạo của Mỹ là hoàn toàn chưa hiểu đúng những tính toán phức tạp này. 
 

Mỹ đã đáp lại lời khẩn nài từ các bạn hữu và đồng minh ở châu Á bằng cách hành động chủ yếu về mặt ngoại giao và an ninh trong năm 2011. Điều đó tạo ra nguy cơ một số nước có thể lôi kéo Mỹ vào các tranh chấp lãnh thổ của mình với Trung Quốc, một tình thế mà Washington đã rất thận trọng để tránh xảy ra trong quá khứ. Về cơ bản, cách tiếp cận rộng này gây nguy cơ dài hạn là châu Á sẽ ngày càng trở thành một trung tâm đắt giá đối với Mỹ (vì an ninh rất tốn kém), trong khi khu vực này tiếp tục là một trung tâm sinh lời ngày càng lớn đối với Trung Quốc (vì các thỏa thuận kinh tế rộng lớn). Trong hoàn cảnh khó khăn tài chính, đây sẽ không phải là một hành trình tốt.

Trụ cột châu Á của chính quyền Obama sẽ thiết lập một cách tiếp cận cân bằng hơn về kinh tế, ngoại giao và an ninh. Việc phê chuẩn Thỏa thuận Tự do Thương mại (FTA) Mỹ - Hàn Quốc gần đây và các nỗ lực tạo ra TPP là những bước rất quan trọng theo hướng này. Nhưng chiến lược châu Á hội nhập mới này có nguy cơ quá đà khi tạo ra những kỳ vọng mà Washington sẽ không thể đạt được, và khi nó nuôi dưỡng những mối hoài nghi ở Trung Quốc có thể dẫn tới một quan hệ Mỹ - Trung "nóng" hơn.

Vì vậy các quan chức Mỹ rất cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các phát ngôn của mình để tránh gây mất uy tín và tạo ra những căng thẳng không cần thiết khi họ bổ sung các chi tiết cho chiến lược Mỹ. Trong giai đoạn quan trọng sắp tới với Triều Tiên chẳng hạn, sự hợp tác và thông tin liên lạc Mỹ - Trung có thể cực kỳ quan trọng. Trong chừng mực phát biểu của Mỹ đang nuôi dưỡng sự không tin cậy ở Bắc Kinh, sẽ khó có được sự hợp tác trong vấn đề Triều Tiên.

Vì tiến bộ lớn trong quan hệ Mỹ - Trung ít khả năng đạt được trong những năm tới vì cuộc bầu cử/chuyển giao quyền lực diễn ra ở hai nước, Mỹ không nên xem nhẹ tầm quan trọng của việc củng cố quan hệ với Bắc Kinh như một phần của thành công trong mọi chiến lược khu vực và toàn cầu. Đến giờ vẫn còn quá sớm để nói liệu chuyến công du tháng 11 của Tổng thống Obama có đặt nền tảng cho một chiến lược cân bằng hơn và bền vững hơn thực sự tại châu Á hay không.

Kenneth Lieberthal
Foreign Policy, Dec. 21, 2011

Châu Giang dịch.


Kenneth Lieberthal, sinh ngày 9-9-1943, là cựu Giám đốc về châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Ông hiện thời là giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc John L. Thornton tại Viện Brookings.
(Xem thêm phần tiểu sử tác giả trong bài bằng Anh ngữ)

* * * 
 

 Xem bài bằng Anh ngữ tại đây

Xem bài cùng chủ đề tại đây

Trở về www.nuiansongtra.net


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh