Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 67)
THINH QUANG

 

VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 67)
Thinh Quang


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 331

VẤN: Ông Hà Thái Văn, Orange County: Nghe nói ngày xưa có những tập tục về hôn nhân lắm điều phiền toái, Bà cụ có thể cho biết đó là những tập tục gì không? Cám ơn bà cụ.

ĐÁP:

Trước tiên là tuổi tác, có hợp với nhau không? Theo như đời nhà Chu qui định, trai phải ít nhất 30, gái 20, chậm nhất là 23, 24 tuổi. Nếu lấy sớm đến 5 hay 3 tuổi thì coi như tảo hôn. Những phiền toái mà ông muốn biết như sau:

“Lúc tính chuyện hôn nhân cho con trai, theo “Thiên Sỉ Hôn Lễ sách” thì đàng nhà trai nhờ mai mối đến nhà gái dọ hỏi một cách khéo léo về tuổi tác cô con gái mà mình sắp đứng ra làm mai chuyện dựng vợ gả chồng. Nàng bao nhiêu tuổi? Tuổi gì theo sách vở? Dần dà tiến đến cầu hôn cho đàng trai.

Ngày xa xưa nhà trai nhờ ông mai dong ôm con nhạn làm lễ vật cầu hôn gọi là “Nạp Thái”. Lễ này mục đích hỏi tên người con gái là “Vấn Danh”. Sau đó, mọi thủ tục trọn vẹn nhà trai lại cho ôm con nhạn lần nữa đến nói cho nhà gái biết là đôi lứa hợp tuổi tác, có thể tiến tời nên duyên cầm sắt, xin làm lễ “Nạp Cát”. Thế là hôn ước được lập ra, hai bên qui định nhà đàng trai phải mang đến bao nhiêu tấm lụa đen? Bao nhiêu cuộn lụa nâu? Và bao nhiêu tấm da con hươu? Xong xuôi chọn ngày mang đến nhà gái gọi là “Nạp Trung”. Tiếp đó nhà trai coi nhà lành tháng tốt nhờ mai dong đến xin trình ngày hợp hôn.

Đúng ngày cưới, nhà trai chỉ cho mỗi mình chàng rể đi cùng người đánh xe nhà gái rước cô dâu về. Phía trước xe chú rể có hai người cầm nến thắp sáng dẫn đường. Phía sau xe chú rể có hai xe đi sau cùng v.v… Đại khái là vậy. Khi về đến nhà trai chàng rể đón nàng dâu vào nhà, thết tiệc đãi đằn ăn uống.

Sau tiệc tùng là lễ hợp cẩn. Cô dâu chàng rễ đưa về phòng làm lễ cởi áo lễ cho nhau. Đoạn gắp cho nhau thức ăn hợp cẩn và nâng rượu mời nhau cạn chén…Đó gọi là nghi lễ ngày cưới.

VẤN: Cụ Đồ Huỳnh Chiểu, San Jose: Tôi muốn được nhắc lại các bài thơ trong Kinh Thi như bài “Tái trì”, “Ký bất ngã gia…”. Bà cụ nhớ nhắc hộ. Cám ơn bà cụ nhiều.

ĐÁP: Bài “Tái trì” tứ chương:

Tái trì tứ khu,
Quy ngạn vệ hầu.
Khu mã du du,
Ngôn chí ư Tào.
Đại phu bạt thiệp,
Ngã tân tắc ưu!

Dịch thơ:

Đường xa ngựa chạy xăm xăm,
Xăm xăm ngựa chạy về thăm Vệ hầu.
Đường xa đánh ngựa đi mau,
Đi sao cho đến được Tào còn xa.
Kìa ai chạy lại theo ta?
Chân ráo chân ướt, chẳng là đại phu.
Lòng ta lo hỡi là lo.
(Tản Đà dịch)

Ký bất ngã gia
Bất năng toàn phản.
Thị nhĩ bất tang.
Ngã tư bất viễn.
Ký bất ngã gia.
Bất năng toàn tế.
Thị nhĩ bất tảng.
Ngã tư bất bi.

Dịch thơ:

Nàng chẳng cho ta là hay,
Ta về sao được mà quay xe về.
Nàng chê thì cứ mà chê,
Lòng ta thương nhớ không hề có nguôi.
(Tản Đà dịch)


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 332

VẤN: Bà Bùi Lan, San Jose: Thưa bà chị, tôi muốn biết trong cuộc đời này, có cái gì đáng buồn nhất và điều gì đáng vui nhất?

ĐÁP:

Nếu chị cho rằng trên cuộc đời này, chẳng có gì là có thật cả thì mọi hình ảnh sinh hoạt trong đời sống chung quanh ta, từ những người cùng chung một dòng máu, hay trong đám bạn bè thân hữu từng cùng ta chén tạc chén thù v.v…chỉ là những hình ảnh tạm bợ. Trên cõi đời này toàn là hư ảo, chẳng có cái gì là thật, thì không có điều gì gọi là buồn nhất hay vui nhất cả. Câu hỏi của bà chị nhằm vào lúc tôi được đọc được trên mạng “Lời nhắn” của T. Nguyễn trên mạng DSV, khiến cho tôi phải suy nghĩ không ít, vì đó là lời nhắn chân tình cho ta nhiều cảm xúc. Tôi ghi lại gửi đến bà chị hầu cùng nhau chia xẻ:

”Một người không tốt với bạn, bạn không nên quá bận tâm. Trong cuộc sống của bạn, không ai có nghĩa vụ phải cư xử tốt với bạn trừ cha mẹ. Còn với những người tốt với bạn, bạn nên trân trọng và biết ơn điều đó. Hãy luôn nhớ… Họ tốt với bạn khôg có nghĩa với việc họ phải quý mến bạn. Không có ai là không thể thay thế, không có vật gì thuộc hoàn toàn sở hữu của bạn. Vì thế nếu sau này người bạn yêu thương không còn ở bên, hay họ không còn là nơi bạn có thể đặt niềm tin, bạn cũng đừng bi lụy. Sinh mệnh con người thực sự ngắn ngủi, bạn đừng để mỗi ngày trôi đi vô ích. Người ta tham vọng sống lâu…nhưng bạn chỉ cần sống hạnh phúc mỗi ngày. Hãy trân trọng và yêu lấy cuộc sống hiện tại của bạn.

Trên đời này chẳng có gì là nhất cả, tình yêu chỉ là cảm giác bắt chợt đi qua cuộc đời bạn, nhưng nó sẽ theo thời gian và lòng người mà thay đổi. Nếu như bạn đó rời xa bạn, bạn hãy học cách chờ đợi. Hãy để thời gian rửa sạch vết thương, để tâm hồn bạn lắng lại rồi nỗi đau của bạn cũng sẽ dần biến mất. Bạn đừng mơ ước một tình yêu hoàn hảo, cũng đừng thổi phồng nỗi đau khi nó không còn. Bạn có thể bắt mình phải giữ chữ tín, nhưng không thể yêu cầu ngừoi khác như thế với mình. Bạn có thể yêu cầu bản thân phải đối đãi tốt với người, nhưng bạn không thể kỳ vọng người ta sẽ làm đúng như vậy với bạn. Khi bạn tốt với họ, họ không có nghĩa vụ phải tốt lại với bạn.

Hãy nhớ điều này nếu không bạn sẽ luôn gặp ưu phiền trong cuộc sống. Chỉ những ai có duyên phận mới trở thành người thân của nhau, cho dù trong cuộc sống bận rộn ít khi gặp mọi người, nhưng bạn hãy trân trọng từng khoảnh khắc khi còn bên họ, hãy dành cho họ thời gian để yêu thương bạn hơn. Tức giận là lấy sai lầm của người khác trừng phạt chính mình, cứ mãi nhớ và không quên khuyết điểm của người khác thì người bị tổn thương nhiều nhất chính là bản thân mình, bởi lẽ đó để có một niềm vui và cuộc sống thanh thản ta không nên truy cứu lỗi lầm của người khác.

Yêu thương như bạn đã yêu thương, sống như bạn vẫn thường sống nhưng với một niềm tin là bạn không thể có cuộc sống này lần nữa. Hạnh phúc mà bạn đang có hay nỗi đau đớn mà bạn đang mang là duy nhất, bạn hãy chấp nhận và thưởng thức. Như bạn chỉ có thể sống được ngày hôm nay, còn ngày mai, ngày mai đó chưa tới và chắc chắn, ngày mai đó vẫn sẽ tới, nhưng có thể sẽ không còn có bạn.”

Bà chỉ hãy nghĩ về quan niệm này chẳng có gì đáng buồn mà cũng chẳng có gì đáng vui nhất. Cái gì rồi cũng như không không. Con hoàng hạc của Thôi Hiệu nhất khứ bất phục phản, nó thanh thản đến và khi ra đi cũng trong thanh thản. Với nó chẳng có gì buồn mà cũng chẳng có gì vui!.

VẤN: Ông Hà Huy Mạc, LA. Bà cụ có nhớ bài Tạp Thi của Vương Duy, xin nhắc lại hộ.

ĐÁP:

Bài Tạp Thi đó như sau:

“Quân tự cố hương lai,
Ứng tri cố hương sự,
Lai nhật ỷ song tiền
Hàn mai trước hoa vị?”

Dịch thơ:

Anh đến từ quê cũ,
Rành rẽ chuyện quê xưa,
Ngày ấy bên song cửa
Hàn mai rộ nở chưa?
(Thinh Quang).


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 333

VẤN: Cụ Hoàng Hoa, Virginia: Theo như bà cụ thì trong nền văn hóa Trung Hoa có bộ sách nào được xem là có giá trị nhất?

Đáp:

Nền văn hóa Trung Hoa kể từ thời nhà Tần có nhiều tác phẩm được liệt kê trong Văn Học Sử Trung Hoa. Đáng kể nhất là tác phẩm Kinh Thi Sở Từ.

Kinh Thi tập họp được hầu hết các bài thi ca và dân ca được xem là xuất sắc nhất kể từ thế kỷ thứ XII trước Công Nguyên dẫn thẳng đến thế kỷ thứ VI Tr. CN có nghĩa kể từ thời Tây Chu dẫn thẳng đến Xuân Thu sơ kỳ.

Trong Kinh Thi có nhiều bài dân ca cổ truyền tụng trong dân chúng như bài “Dân Ca Cổ Hung Nô”, sách Hán Thư đã ghi lại hình ảnh của những cô gái vừa lo sợ nhan sắc của mình bị tàn tạ đi, vừa lo cho đàn gia súc bị mất đi sự đông đảo.

“Vong ngã Yên chi sơn
Sử ngã phụ nữ vô nhan sắc,
Vong ngã kỳ liên sơn
Sử ngã lục súc bất phiền túc.

Có nghĩa:

Đánh mất núi Chi của chúng tôi,
Khiến cho nhan sắc của phụ nữ chúng tôi không còn nữa,
Đánh mất núi Kỳ Liên Sơn của chúng tôi,
Khiến đàn gia súc của chúng tôi bới đi phần đông đảo.

Kinh Thi còn lắm bài thơ rất súc tích khác, vừa đẹp về lời vừa nói lên được sự sâu sắc của nó như bài:

Nam phong chi huân he,
Khả dĩ giải ngô dân chi uẩn hề.
Nam phong chi thời hề,
Khả dĩ phụ ngô dân chi tài hề.

Đây là bài ca daokhó lòng tìm thấy được ở các lời ca dao khác nói lên cảnh thanh bình:

“Mùi thơm của gió nam đó hề,
Có thể làm nguôi ngoai đi lòng buồn giận của dân ta.
Gió nam đưa lại thích thời đó hề,
Có thể làm phong phú thêm tài sản của dân ta.”

Còn nhiều bài đặc sắc khác.

VẦN: Ông Vũ Thủy, San Jose: Nghe nói ngày xưa Trung Hoa có đồng tiền vàng, vậy loại tiền này đúc từ thời nào?

ĐÁP:

Ở Trung Quốc bắt đầu có tiền vàng bắt đầu ở nước Sở thời Chiến Quốc. Rồi tiếp theo đó là đời Tần, đời Hán. Các đời này xem đồng tiền vàng là “thượng tệ”, có nghĩa loại tiền tệ thượng hạng, đứng đầu trong các loại tiền nư bạc, đồng, kẽm…


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 334

VẤN: Giáo sư Nguyễn Hồng Phúc, Philadelphia: Tôi nghe nhiều về khoa Phong Thủy, rất thích, nhưng thú thật lại rất nghèo nàn về kiến thức đối với môn có tính thiên về Địa Lý này. Có một số tôi muốn được bà cụ giúp cho như sau:
1. Phong thủy là gì? Có phải là “gió và nước” không?
2. Đối với khoa học, họ nghĩ gì về khoa phong thủy?
3. Người Tây phương nghĩ gì đối với kho phong thủy?
Xin cám ơn bà cụ.

ĐÁP:

Theo Giáo sư Larry Sang thì khoa phong thủy như câu Giáo sư đã hỏi. Có nghĩa nó có nghĩa là “Gió” và “nước”. Khoa phong thủy được Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ tiếp nhận đưa vào học đường vào ngày 23 tháng Hai năm 1991. Trước tiên là Đại Học USC (University of Southern California) và Northrop đã hợp tác bảo trợ Khoa Phong Thủy giảng giải tại học đường, mỗi khóa kéo dài 5 tuần lễ, mỗi tuần 6 tiếng. Khi mãn khóa các học viên học viên được cấp chứng chỉ.

Cũng theo Giáo sư Larry Sang:

-”Những phương pháp tính toán mật truyền chưa hề được chỉ dạy cho người ngoài. Các danh sư khoa Địa lý Trung Hoa rất khắt khe khi tuyển lựạ môn đồ”.

Theo Giáo sư Sang thật phức tạp khi truyền đạt sự hiểu biết cho các môn sinh cần có sự tính toán căn cứ vào Kinh Dịch nữa.

Sự phát triển của khoa Phong Thủy tại Á Châu theo ông mang đầy tính huyền bí. Nó thu hút sự thích thú đối với các viên chức cao cấp trong chính quyền, các chính trị gia cũng như các vị tài phiệt lẫn các nhà buôn nhỏ và người bình dân.

Theo Gs Sang thì hiện nay tại Đài Loan và Hương Cảng, những người tin tưởng vào địa lý lan tràn đến chính giới, thương giới và giới kỹ nghệ. Ngay cả tại Trung Quốc cũng vậy, các viên chức chính quyền và học giả nước này đã nghiên cứu một cách bí mật về khoa địa lý. Tại các quốc gia Nhật Bản, Đại Hàn, Singapore, Mã Lai, Thái Lan và Nam Dương, những người tin tưởng vào khoa Địa Lý thường thuộc giới thượng lưu. Mỗi khi cần lựa chọn xây cao ốc thương mại, tư gia hoặc mộ phần…như Hương Cảng, Đài Loan không ngại sự tốn kém để tìm thầy địa lý.

Người Mỹ cũng như người Canada dần dần biết về khoa địa lý và bắt đầu quan tâm đến. Khoa Địa lý phân tích từ một quan điểm khoa học cho thấy rằng đó là do “Khí” có nghĩa là “Khí lực” hoặc “năng lực”. Các thày Địa lý cổ xưa đã thu thập được nhiều kiến thức quý báu qua hàng bao nhiêu thế kỷ đã tìm ra được các công thức tính toán, và quan sát các luật địa lý tự nhiên, đã thấy sự vận chuyển của: “Khí” thành “gió” tản mác đi khắp nơi, và sự vận chuyển của “Khí” bị chận lại khi gặp mặt nước.

Xin hắc lại về câu hỏi của Giáo sư Phong Thủy là nghĩa gì? Như trên đã trình bày thật là đơn giản nó có nghĩa là “Gió” và “Nước”, là môi trường tự nhiên. Khoa Phong Thủy có thể xác định cho mỗi cá nhân những vị trí tối hảo hay thuận lợi nhất và những vị trí bất lợi nhất ở bất cứ môi trường nào.

Còn rất nhiều về lý thuyềt của khoa Phong Thủy. Nếu có dịp sẽ trích hầu hết các lý luận về khoa Phong Thủy do Giáo sư Larry Sang, nhà Phong Thủy nổi tiếng của Trung Hoa hiện đang ở Hoa Kỳ.

VẤN: Nhạc sĩ Đổng Trọng Huỳnh, Australia: Ngày xưa các triều đại Trung Hoa thường chú trọng về lễ nhạc. Điều này tôi có nghiên cứu qua, song lại không rõ lắm về âm nhạc thời Minh Thanh. Bà cụ biết không?

ĐÁP:

Đúng như nhạc sĩ nói. Các triều đại của Trung Hoa ngày xưa đều đặc biệt quan tâm đến âm nhạc. Như triều đại nhà Minh có “Thần Nhạc Quán”, có “Giáo Phường Ty”. Hai cơ quan này được phân chia nhiệm vụ khác nhau. Thần Nhạc Quán lo về nhạc vũ tế lễ, lấy đạo sĩ làm nhạc vũ sinh. Còn mỗi khi cung đình tổ chức yến tiệc thì là công việc của Giáo Phương Ty có nhiệm vụ trông coi vũ yến hội… Đại khái như thế.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 335

VẤN: Lê Mộng Tuyết, Virginia: Nghe nói phép chẩn mạch của nền y học Đông Phương có bốn phép, vậy 4 phép đó gồm những phép nào? Xin bà chỉ giáo và giảng giải cho.

ĐÁP:

Bốn phép đó là: Vọng, Văn, Vấn và Thiết, như sau:

1. VỌNG: Hãy nhìn vào hình dạng của người bệnh, nếu bệnh nhân vốn là bẩm sinh yếu đuối hoặc giả đã bị ngã bệnh lâu ngày, đó là HƯ thì nên bổ, Trường hợp nếu kẻ bệnh vốn sức vóc khỏe mạnh mà lại mới bị lâm bệnh, thuộc về THỰC, nên tả. Phải nhớ rằng đó là “nguyên tắc” để tìm hiểu bệnh nhân thuộc hai chứng HƯ,THỰC. Theo y học Đông phương cho đó là nguyên khí. Thường thì xem LƯỠI trước tiên, bởi các chứng bệnh xuất hiện ra từ lưỡi. Y học Đông phương cho là chót lưỡi thuộc về Tim. Ngay giữa lưỡi thuộc tì vị mà tì vị là lá lách và dạ dày. Quan sát thấy bên cạnh lưỡi thì thuộc về can và đảm tức là gan và mật. Nếu nhìn thấy ở cuống lưỡi thì nhằm vào thận tức trái cật. v.v…

2. VĂN: là nghe tiếng nói của bệnh nhân để nhận ra đó là HƯ hay THỰC. Ngoài ra còn lắng nghe hơi thở cũng như giọng nói, nếu nhận thấy hơi thở và giọng nói yếu ớt thì biết ngay kẻ bệnh bị suy nhược, ngược lại hơi thở mạnh và giọng nói to lớn thì biết bệnh nhân còn sức lực nhiều. Những người phát ra thanh âm như tiếng chuông vang lên thì…đây biểu trưng cho người trường thọ.

3. VẤN: Hỏi bệnh nhân là điều cần thiết. Ngoài việc dùng kỹ thuật nghe bệnh qua mạch lý nhưng người thầy thuốc cần biết dò hỏi bệnh nhân thật cặn kẽ, ví như bệnh xuất phát từ bao giờ? Lúc đầu có triệu chứng ra làm sao? Trong người nóng hay lạnh? Nóng, rét thế nào? Có đỗ mồ hôi không? Mồ hôi đỗ thế nào? Có bị nhức đầu không, có táo bón không, tiểu tiện như thế nào? V.v…

4. THIẾT: Tức là xem mạch. Tất cả các điều hướng dẫn bên trên sẽ giúp cho người thầy thuốc sẽ dễ dàng chẩn bệnh một cách chính xác qua mạch lý.

Nên nhớ nếu mới đặt nhẹ mấy ngón tay lên ngoài da đã thấy mạch động thì chính đó là “biểu tà” thuộc ngoại cảm. Đông y gọi đó là THÙ THUỘC BIỂU. Trường hợp phải ấn ngón tay xuống chạm đến xương mới cảm nhận được mạch động thì đó là “lý tà” tức bị nội cảm thường gọi là Trầm thuộc lý. Ngoài ra còn các mạch gọi như Trì thuộc hàn, Sắc thuộc nhiệt, Nhược thuộc hư, Cuồng thuộc thực v.v…Đại khái là như vậy.

VẤN: Ông Lê Như Hà, San Jose: Bài thơ “Bán Chiếu Gon” mà lúc còn ở bậc tiểu học tôi thường nghe, chẳng biết là của tác giả nào và luôn bài đáp họa nữa. Bà cụ biết xin chỉ giáo cho.

ĐÁP: Tác giả bài này là của Nguyễn Trãi. Có hai bài cùng một nghĩa. Bài thứ nhất:

Ả ở đâu mà bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân xanh chừng dộ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa? Được mấy con?

Theo Phạm Văn Diêu về trong các tác phẩm khác thì Nguyễn Trải còn có ba bài “Hỏi ả bán chiếu”, “Tự thán” và “Chơ trời”:

Người ở đâu mà bán chiếu gon?
Mặt trời đã tối chửa về non?
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?
Chồng chửa? Hay là đã mấy con?

Nguyễn Thị Lộ, đã đáp lại:

Tôi ở Thanh Trì bán chiếu gon,
Mặt trời chửa tối chửa về non.
Xuân xanh nay đúng hai mươi tuổi,
Chồng vẫn còn không, chớ hỏi con.

Một bài khác đáp lại và cũng được xem là Nguyễn Thị Lộ:

Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon,
Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân thu phỏng độ trăng tròn bóng,
Chồng còn chưa có, hỏi chi con!


Còn tiếp
THINH QUANG

*  *  *

 

Xem Phần 66, click vào đây.
Đọc các Bài cùng tác giả tại đây.
Trở về website www.nuiansongtra.com  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh