Hình minh họa Kiều trong bìa sách Truyện Kiều
Lời giới thiệu.
Chúng tôi nhận được một số bài (văn & thơ) dưới đây của hai tác giả Xuân Thới (Quảng Ngãi) và Lương Thị Đậm (Nha Trang) sáng tác với chủ đề là các nhân vật trong danh tác "Truyện Kiều" của đại thi-hào Nguyễn Du, được gom chung vào một đề tài.
Xin cám ơn các tác giả.
Xin giới thiệu cùng độc giả.
Ban Điều Hành
* * *
NỖI NIỀM TÂM SỰ
Viết về một số nhân vật trong “Truyện Kiều”
của Đại thi hào Nguyễn Du.
Xuân Thới & Lương Thị Đậm
“Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Hình minh họa: Kiều gảy đàn hầu rượu Hồ Tôn Hiến
1. TÔI VỚI TRUYỆN KIỀU
Xuân Thới
Giống như nhiều người Việt Nam khác, lúc nhỏ tôi cũng được bà, được mẹ “ầu ơ” câu ca dao vần điệu, câu Kiều mượt-mà tình-tứ.
May mắn hơn, tôi còn có cậu - em họ của mẹ, được Ngoại bảo bọc từ khi còn nhỏ - người của thế hệ chữ Nho cuối cùng. Và mẹ, người đàn bà biết chữ Quốc ngữ sớm. Mẹ ưa đọc các tác phẩm gọi là “diễn ca”, trong đó có truyện “Kim Vân Kiều”. Cậu dạy học. Những lúc trà dư tửu hậu cậu lại cùng bạn bè ngâm, vịnh. Cũng lại Kiều! (Và không hiểu do cậu đa tình hay người ta thích cái ngâm vịnh của cậu, mà tôi có đến ba bà mợ, ở ba nơi cậu ngồi dạy).
Do đó truyện Kiều đến với tôi rất sớm. Mà chẳng những truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, còn của nhiều tác giả khác phụ họa theo nữa. Thường được gọi là “Kiều án, Kiều vịnh” trong “lẩy Kiều”.
Thế nhưng phải đến khi học truyện Kiều tôi mới thực sự yêu thích, khi lần đầu đọc bài tựa của cụ Chu Mạnh Trinh. Một áng văn biền ngẫu súc tích tuyệt mỹ. Trong đó cụ Án-sát, nhà thơ lại không giấu giếm sự kính trọng đối với tác giả và tác phẩm và hết mực yêu thương giai nhân tài sắc lắm phong trần. (Xem thêm "Kim Vân Kiều truyện đề từ" của Chu Mạnh Trinh tại đây, chú thích của webmaster).
Ấn tượng với tôi nhất là ý tưởng “Đã toan đúc sẵn nhà vàng chờ người Quốc sắc, lại muốn mượn chùm phương thảo để hú vía thuyền quyên”.
Ôi sao mà trang trọng đến thế!
Rồi một hôm thầy giáo già như quên trước mặt mình là học trò, say sưa ngâm Kiều như chỗ không người. Để cuối cùng hả hê tâm đắc câu nói của học giả Phạm Quỳnh ngày xưa “Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn”.
Sao mà hệ trọng đến thế!
Và, có lẽ cũng từ truyện Kiều tôi mới võ vẽ viết được đôi câu thơ lục bát thô thiển sau nầy.
Tình cờ, nay lại biết có thêm một người cũng yêu quý truyện như mình (có khi còn hơn mình nữa!)
Hân hạnh thay!
Quả, truyện Kiều thật xứng đáng với vinh danh “Đại kỳ thư” của dân tộc.
Xuân Thới
2. CÒN MÃI VỚI THỜI GIAN
Tóc tơ căn vặn tấc lòng
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Tóc huyền thả gió bay bay
Tơ trời sợi ngắn sợi dài vấn vương
Căn nguyên chưa rõ đâu tường
Vặn lòng chi mãi để buồn cho ai
Tấc riêng đâu dễ giãi bày
Lòng riêng đâu dễ một hai thấu tình
Trăm cay ngàn đắng cũng đành
Năm dài tháng rộng đã thành nợ duyên
Tạc vào tim với lời nguyền
Một đời lái vẫn cùng thuyền nổi trôi
Chữ tâm không đổi không dời
Đồng chung gian khổ đầy vơi…vơi đầy…
Đến ngày nhắm mắt xuôi tay
Xương tàn, tình vẫn ngàn ngày không phai
Lương Thị Đậm
(Nha Trang)
3. NỖI NIỀM THÚY VÂN
Nhân đọc bài “Thúy Vân là Thúy Vân ơi” KTNN số 632-01/3/2008 của Thân Nguyễn Luận.
Truân chuyên nào chỉ riêng Kiều
Má hồng mệnh bạc vốn điều xưa sau
Dặm ngàn bồ liễu trao tay
Tình riêng Vân cũng khổ đau một đời.
“Xót thân chị em nhận lời
Chị ơi em phải đánh lừa con tim
Tình là chị duyên là em
Lẽ nào son sắt phân kim đá vàng (?)!
Mười lăm năm trót cưu mang
Mười lăm năm em ngỡ ngàng dấu yêu!”
Thôn trang nắng sớm mưa chiều
Sông Tiền Đường, khối tình yêu, cuộc đời
Bên người như vẫn xa khơi
Gió reo hay gió rót lời thở than
“Chị không lạy em cũng vâng
Nối dây giấu gút em toan không thành!
Ngỡ rằng rách vá nên lành
Ai đời vá được tâm tình... cho cam”
Trùng phùng sau bấy nhiêu năm
Kẻ e, Người thẹn. Nỗi long héo hon
Xuân Thới
4. TÂM SỰ HOẠN THƯ
Cùng là một kiếp hồng nhan
Cùng là một phận lỡ làng Kiều ơi!
Trách nàng ư? thương thầm thôi!
Hận là chàng Thúc một đời dối ta.
Bạc tình lẫn thói trăng hoa
Làm cho tan cửa nát nhà mà thôi
Chén thù chén tạc chén mời
Nàng rơi giọt đắng, ta rơi giọt thầm.
Tiếng tơ nức nở khôn cầm
Đoạn trường khúc ấy ngàn năm còn ngờ
Ta tuy là bậc tiểu thơ
Nhưng không sánh nổi tài hoa của nàng.
Cùng là phận gái đa đoan
Cùng là một nỗi bẽ bàng như nhau
Áo xanh đổi lấy áo nâu
Nàng đau mấy lượt ta đau mấy lần.
Ngẫm nàng ta lại thương thân
Một đời mệnh phụ, nghĩa nhân mấy người
Ta đâu sâu sắc nước đời
Để chàng Thúc phải thành người bó tay! (1)
Nhưng mà đã đến nước này
Nàng đi , âu cũng an bài Kiều ơi!
Nợ duyên đến thế mà thôi
Một đời mệnh bạc, một đời tài hoa (2)
Thôi nàng đừng trách chi ta!
Lương Thị Đậm
(1) “Người đâu sâu sắc nước đời
Mà chàng Thúc phải ra người bó tay”
(2) “Ngàn thu bạc mệnh một đời tài hoa”
(Truyện Kiều)
5. TÂM TÌNH THÚC SINH
Cảm bài "Tâm sự Hoạn Thư" của tác giả Lương Thị Đậm.
Tình đời “Tương ứng, tương cầu” (1)
Người thơ sao nỡ viết câu phũ phàng!
Chàng Sinh nào phải dối gian
Xót hoa gió dập, mưa dồn bấy Đông
Không trăng hoa, chẳng bạc lòng
Hồn thơ hờ hững Hồ cầm mấy ai
Cùng nòi ngâm vịnh, sắc tài
Vấn vương đâu phải hiếm hoi trên đời
Lụa là nhung gấm Hoạn ơi!
Nên không đau cánh bèo trôi cuối ghềnh
Sao không ví số phận mình
Giày thêm chi để làm thành cuộc vui.
Còn không “sâu sắc nước đời?” (2)
Biến cho khuê các ra người gia nô
Tình thân thành kẻ tội đồ
Vì thương thân phận, đàn thơ của Kiều
Từ thương xót đến thương yêu
Cách ngăn mỏng mảnh đành liều với hoa!
Đã đành “Chút dạ đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình” (2)
Hay chi quỷ kế độc hình
Thân người nào khác thân mình Hoạn ơi!
Thôi thì “đi cũng an bài (3)
Khuất con mắt sắc quý tài ai đâu!
Còn gì để trách hờn nhau!
Xuân Thới
(1) Điển tích
(2) Chữ truyện Kiều
(3) Chữ Lương Thị Đậm
6. ĐAU LÒNG KHÔNG HỠI THÚC SINH
Nhân đọc bài “TÂM TÌNH THÚC SINH” của tác giả Xuân Thới.
Nào đâu có muốn nặng lời
Chỉ e cái nết bốc rời đã quen
Đến nơi lá gió cành chim
Bình Khang nấn ná để tìm mua vui.
Trăm nghìn đổ một trận cười
Để rồi kẻ ngược người xuôi rối bời
Với nàng thề thốt trọn đời
Vầng trăng ai xẻ làm đôi cho đành.
Về nhà bưng bít giấu quanh
Nghĩ rằng ai khảo mà mình lại xưng
Để đâu khí tiết đàn ông
Lại còn vui chén tẩy trần thong dong.
Vì ai nàng nát cõi lòng
Vì ai bẻ một chữ đồng làm hai
Vì ai đá nát vàng phai
Vì ai nàng nước mắt dài năm canh?
Hoạn Thư đâu kẻ cạn tình
Chỉ hiềm một nỗi Thúc Sinh lừng khừng
Rút dây lại sợ động rừng
Tơ đồng ngân tiếng... khóc thầm người trong.
Để Kiều phải đến cửa không
Thuyền quyên chịu nhục, anh hùng đành sao?
[Dẫu chàng ruột nát gan bào
Dẫu rằng đất thấp trời cao khó lường].
Để nàng điếm nguyệt cầu sương
Để nàng thân gái dặm trường mù khơi
Để nàng thêm bước lạc loài
Lại rơi vào chốn làng chơi tội tình.
Đau lòng không hỡi Thúc Sinh?
Lương Thị Đậm
Những chữ màu, trích từ truyện Kiều của cụ Nguyễn Du
7. NỖI LÒNG THÚC SINH
Từ bài “ĐAU LÒNG KHÔNG HỠI THÚC SINH” của Lương Thị Đậm.
Chưa vừa chỉ mặt “nặng lời”
Tìm thêm nham hiểm “giết người không dao”.
“Bình khang nấn ná” bấy lâu
Bởi nghe nứt tiếng hoa khôi sắc tài
Đến khi đối mặt rõ hai
Người mà thế ấy mấy ai trên đời!
Quặn lòng con tạo trêu ngươi
Quyết ra tay cứu vớt người trầm luân.
Ngập ngừng giữa ngã ba đường
Lời thưa tiếng gởi xem chừng chưa thông
Nói ra sợ chẳng tin lòng
Lại phao “mèo mã gà đồng” gặp nhau.
Đành chờ, hẹn buổi mai sau
Ngờ đâu độc kế chước cao thành bài
Bắt người hành hạ khổ sai
Chẳng thương đến cả xác ngoài sông xa.
Vốn không “cơ trí đàn bà”
Còn đang liệu lý tưởng ra “lừng khừng”
Phải đâu đợi khảo mới xưng
Đã đành dây rút thì rừng nào yên.
Cùng là phận gái thuyền quyên
Cũng nòi nghiên bút, Thánh hiền kinh thông
Lòng sao chẳng chạnh với lòng
Chồng chung vợ chạ không cùng thì thôi
Ghen chi lựa cách lạ đời
Để tai để tiếng tận người đời sau.
Thúc Sinh đành đã khổ đau
Hiềm lây thân phụ, hiếu nào ai hơn
Thôi đừng nói nghĩa nói nhơn
Ma sầu, quỷ khóc, người hờn Hoạn ơi!
“Ngàn năm bia miệng”để đời.
Xuân Thới
- Chữ trong ngoặc kép (“…”): trích
8. TẤM LÒNG THÚY KIỀU
Qua bài NỖI LÒNG THÚC SINH của Xuân Thới.
Cũng là cái lẽ thường tình
Nam nhi bênh vực Thúc Sinh... hơi nhiều.
Xót xa thân phận nàng Kiều
Cả tin nên chịu lắm điều thị phi
Kẻ ghen mặc sức ra uy
Trượng phu sao nỡ...lâm nguy mặc nàng.
Đã đành túc trái tiền oan
Mà sao địa ngục, thiên đàng đều đau
Có còn chăng ở kiếp sau
Khi ngôi ông chủ - con hầu, trái ngang!
Bình the nức nở tiếng đàn
Ai người cười nụ Ai tan nát lòng?
Dẫu chàng có phải khóc thầm
Cũng không chuộc hết lỗi lầm đã gieo.
Tiểu thư đâu chẳng biết đều
Cũng chờ chàng Thúc nói điều thiệt hơn
Những là cười phấn cợt son
Thuận lời chàng cũng đỡ đòn cho qua
Rồi Quan Âm các gần nhà
Trông vào đau ruột, nói ra ngại lời.
Hoạn Thư sâu sắc nước đời
Cũng vì chàng Thúc là người đa mang
Thương nàng mà chẳng có gan
Để nàng ngọc nát hoa tàn vì yêu.
Hoạn Thư dẫu quý trọng Kiều
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai
Trót lòng gây chuyện chông gai
Kiều còn rộng lượng thương bài tha cho.
Khắc khe chi hỡi người thơ!
Lương Thị Đậm
Những chữ in nghiêng là trích trong truyện Kiều.
Minh họa Kiều cùng Từ Hải
9. TỪ HẢI
Kính gởi thi hữu Lương Thị Đậm (Nha Trang)
“Đồng cảm truyện Kiều”
Hồn nghệ sỹ, chí anh hùng
“Gươm đàn nửa ghánh non sông một chèo” (1)
Năm năm vùng vẫy thị oai
Biên thùy ngang dọc tỏ tài lược thao.
Xót thương oan nghiệt má đào
Khiến thân khuê các lầm vào lầu xanh.
Cũng vì một lũ hôi tanh
Quê hương giã biệt biên đình từ đây
Kỷ cương quyết một hội nầy
Tinh binh mười vạn đổi xoay sự đời.
Không qua vận nước mệnh Trời
Phù Sai lặp lại một thời Ngô vương
Nhưng không hờn trách chi nàng
Sa cơ lầm bởi kế gian nịnh thần.
Xưa nay danh tướng mỹ nhân
Có đâu hứa đến trọn phần tóc đen. (2)
Pháp trường đã mấy ai bằng
Anh hùng khí tiết thuyền quyên chung tình
Quyết cùng một cõi u minh
Nghiệt oan chưa dứt để tình chia phôi
“Ngẫm hay muôn sự tại Trời” (1)
Xuân Thới
(1) Chữ truyện Kiều
(2) Ý thơ cổ:
“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”.
10. NỖI LÒNG TỪ HẢI
Một đời ngang dọc vẫy vùng
Gươm đàn nửa ghánh non sông một chèo
Chỉ vì thuận ý nàng Kiều
Mà anh hùng đã phải liều tử sinh.
Vì nàng nhẹ dạ cả tin
Mà ta đành phải trận tiền thác oan
Vì nàng những muốn vương thần
Mà ta đành phải chôn chân giữa vòng
Vì nàng cũng dự quân trung
Mà ta lầm kế chiêu an họ Hồ
Một tay gây dựng cơ đồ
Vì nàng đổ xuống sông Ngô mất rồi!
Trong vòng tên đá bời bời
Uất lòng ta đứng giữa trời trơ trơ
Nàng khóc ta liệu có thừa?
Bởi nàng ta phải sa cơ chịu hèn
Tử sinh liều giữa trận tiền
Vẫn không thắng nổi bốn bên súng cờ
Họ Hồ nhân đó thừa cơ
Còn ta bất ý chẳng ngờ mảy may.
Dẫu hùm thiêng cũng bó tay
Huống gì ta giữa vòng vây một mình
Dẫu đời có tử có sinh
Chết mà như thế - nhục? vinh? hỡi nàng?
Rồi nàng lại đến cửa quan
Bốn dây nhỏ máu ta tan nát lòng
Vui vầy yến tiệc hạ công
Nàng vâng giữa đám tang chồng được sao?
Dẫu nàng giọt ngọc tuôn trào
Dẫu nàng có gửi thấp cao sự lòng.
Kiều ơi đau xót vô cùng
Bởi nàng phận mỏng má hồng mà nên
Bởi đời nàng lắm truân chuyên
Thì thôi ta hẹn cửu tuyền gặp nhau
Biết bao giờ mới hết đau?
Lương Thị Đậm
Chữ màu trích trong truyện Kiều
11. NỖI LÒNG AI ĐÂY ?
Kính gửi tác giả Xuân Thới (Quảng Ngãi)
Chẳng Hoạn Thư, chẳng Thúc Sinh
Phải chăng là tiếng lòng mình... ngân vang?
Thương người khuê các đoan trang
Con quan Lại Bộ bẽ bàng tơ duyên
Thương nàng chút phận thuyền quyên
Bể khơi sóng cả có tuyền được vay.
Thương chàng gan héo ruột đầy
Nỗi lòng càng nghĩ càng cay đắng lòng
Ba người đau nỗi riêng - chung
Nước bèo để chữ tương phùng kiếp sau.
Vậy thôi đừng trách gì nhau
Dầu vơi, bấc lụn, đêm thâu đoạn trường
Tài thì trọng, tình thì thương
Mới đưa nàng đến phật đường chép kinh.
Giọt châu tầm tã năm canh
Chúa Xuân để tội một mình nàng thôi
Nói ra thì những ngại lời
Trông vào đau đớn một đời xuân xanh.
Khi nàng nhờ cậy uy linh
Đền ơn, báo oán nghĩa tình đầy vơi
Sâm thương cách trở đôi nơi
Tại ai? Nàng hỏi - nghẹn lời Thúc Sinh!
Ân sâu trả nghĩa bằng tình
Oán sâu mà chẳng nhục hình mới hay
Trời cao mới hiểu đất dày
Ta người hậu thế quý tài cả ba.
Bằng lòng không hỡi người thơ?
Lương Thị Đậm
(Nha Trang)
Những chữ in nghiêng trích trong truyện Kiều
Hình minh họa: Kim Kiều trong ngày đoàn viên
12. NỖI LÒNG KIM TRỌNG
Khi gặp lại Kiều sau mười lăm năm lưu lạc.
Thúy Vân, em đã biết rồi
Nàng và ta, vốn là người ngày xưa
Đã nguyền kết tóc xe tơ
Đã bao tháng đợi năm chờ bặt tin.
Mịt mù tăm cá bóng chim
Nổi trôi đất khách biết tìm nơi đâu
Nàng nghĩa nặng, ta tình sâu
Hương thề còn đó, phím sầu còn đây
Đàn cầm khéo ngẩn ngơ dây
Ai ngờ còn có ngày này gặp nhau.
Biết em ruột xót lòng đau
Keo loan chắp mối ân sâu nghĩa dày
Hồ cầm sao nỡ dứt dây
Với em sao nỡ tơ bay tóc rời
Ta biết em cũng ngậm ngùi
Thế vai cho chi suốt mười lăm năm
Tâm em sáng tựa trăng rằm
Buồn ta, nhưng chỉ khóc thầm mà thôi.
Nhưng nàng phận bạc hoa rơi
Nửa đời nếm trải mọi mùi đắng cay
Bây giờ đã gặp nhau đây
Gánh chung tình xẻ làm hai sao đành
Em là duyên, Nàng là tình
Còn ta thì cũng thẹn mình lắm thay!
Tình duyên ấy, hợp tan nầy
Cầm sao cho vững, đừng giày cho tan.
Thúy Vân, em hiểu ta chăng?
Ngày xưa nàng cậy em bằng nối duyên
Bây giờ ván đã đóng thuyền
Ta chờ em một lời khuyên sau cùng
Tình chồng vợ, nghĩa riêng chung
Cậy em gỡ mối tơ lòng giúp ta
Lương Thị Đậm
(Nha Trang)
- Nàng: Thúy Kiều
- Chữ màu nâu sậm trích truyện Kiều
13. ƠI HỠI CHÀNG KIM
Biết là “ván đã đóng thuyền” (1)
Sao như hờn dỗi, vạ đền ai đây!
Bởi đâu ra cớ sự nầy
Lửa nhen mới có khói bay lên trời
Mười lăm năm, hai cảnh đời
Truân chuyên, u uất rối bời cả hai.
Trời cao khi đã an bài
Vẫy vùng phỏng có mấy ai thoát vòng.
Hay chi cơm cháo lộn sòng
Tham lam chẳng nghĩ phải, không tình người
Dẫu gì cũng chị em thôi
Chồng chung sao khỏi tiếng đời thị phi.
Tình tha thiết, nghĩa tương tri
Bảo khuyên, khuyên được những gì nữa đây!
Dứt tình cũ, bỏ nghĩa nầy?
Thôi thì chàng cứ liệu bài mà theo
SôngTiền đường chị đã gieo
Bến cô liêu Vân dõi theo từ ngày...
Tình đầu chị gặp trao ngay
Tiết trinh Vân cũng có ngoài ai đâu
Cũng do Tạo hóa cơ cầu
Không vùi mà lai khơi sâu ích gì.
Xuân Thới
(1) Trích
14. TRUYỆN KIỀU VỚI TÔI
Không biết từ bao giờ!
Hằng đêm, những câu Kiều đã cùng tôi đi vào giấc ngủ. Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du với ba ngàn hai trăm năm mươi tư câu, gói tròn hai mươi hai nghìn bảy trăm bảy mươi tám chữ. Mà tôi đã nghe mẹ đọc không biết bao nhiêu lần từ thuở hãy còn thơ.
Lớn lên.
Giấc ngủ của tôi thường bắt đầu bằng những câu thơ. Từ đoạn Kiều đi tảo mộ Thanh Minh, về lại trướng hoa, khi mặt trời gác núi. Mảnh trăng cuối trời chênh chếch ngoài song cửa. Nàng nghĩ về chàng Kim và cuộc hội ngộ ban chiều. Bước khởi đầu cho một tình yêu.
Có những đêm
Giấc ngủ tôi bắt đầu từ đoạn chàng Kim hai tay nâng đàn ngang mày mời, và Kiều đã dạo khúc Chiêu quân, rồi khúc Quảng Lăng như Lưu thủy Hành vân. Chàng ngẩn ngơ say tiếng đàn mà lòng ngổn ngang trăm mối. Thương Chiêu Quân nửa phần tư gia, nửa phần luyến chúa. Tiếng đàn nhặt thưa tê tái lòng người.
Và có những đêm dài thao thức đầy vơi. Tôi lại tự ru mình bằng đoạn đoàn viên êm ái. Khúc đoạn trường xưa nay đã thay bằng khúc xuân tình, đẹp mãi. Kim, Kiều sau mười lăm năm xa cách lại gần.
“Thừa gia chẳng hết nàng Vân” (1)
Trọn nghĩa vẹn tình, khi ngắm trăng lên khi chờ hoa nở.
Và cứ thế...
Những câu Kiều hằng đêm vẫn cùng tôi đi vào giấc ngủ. Và, tôi hiểu rằng “Khi Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn” (2)
Lương Thị Đậm
(1) “Thừa gia chẳng hết nàng Vân
Một cây cù mộc, một sân quế hòe”
(Truyện Kiều)
(2) Thơ của Chế Lan Viên trong bài “Đất nước có bao giờ đẹp thế nầy chăng”.
* * *
Xem thêm Truyện Kiều tại đây
Trở về www.nuiansongtra.com