TRAO ĐỔI THÊM VỀ HAI CHỮ NGÃI & NGHĨA
Lê Hồng Khánh
Trong bài viết đăng trên tạp chí Cẩm Thành số 22 (Xuân Canh Thìn – 2000) anh Trương Quang Văn (TQV) dựa vào một số tư liệu mà theo anh là “gốc” để bàn về 2 chữ “Ngãi” và “Nghĩa” (trong Quảng Ngãi và Quảng Nghĩa) với những nhận xét rất cần được lưu ý.
Chủ định “Tìm về cội nguồn” của anh thật đáng trân trọng, và cũng vì sự trân trọng đó tôi xin mạn phép trao đổi thêm đôi điều có phần chưa thỏa đáng trong bài viết nói trên. Cụ thể như sau:
1. Dẫn sách Đại Nam nhất thống chí: “...Năm Minh Mạng thứ 13 đổi trấn thành tỉnh Quảng Ngãi (Nghĩa)”, TQV nhận định: “Cách viết Ngãi (Nghĩa) rõ ràng, có ý tránh âm Nghĩa với lí do nào đó”. Ở một đoạn sau, khi nói đến việc kiêng tên thụy của Chúa Nghĩa, TQV đặt nghi vấn “... nhưng nếu như khẳng định điều này thì tại sao lại không “kỵ” từ trước mà phải đợi tới thời Minh Mạng?”. Như thế là anh gián tiếp cho rằng thời Minh Mạng đã có sự kiêng âm Nghĩa.
Cho dù TQV không chú dẫn cụ thể về bản in Đại Nam nhất thống chí, nhưng tôi ngờ anh đã nhầm. Đại Nam nhất thống chí, nguyên tác chữ Hán, làm gì có chuyện viết “tỉnh Quảng Ngãi (Nghĩa)”. Hai âm Nghĩa và Ngãi trong chữ Hán cùng một tự dạng, hay nói đúng hơn Ngãi là một cách đọc khác của chữ Nghĩa [ ]. Câu dẫn của TQV thực ra là ở một bản dịch quốc ngữ nào đó, không thể gọi là “gốc” như anh tưởng.
Đúng như TQV, Minh Mạng là vị vua rất trọng điển chương, văn tự. Thế nhưng, dưới triều vua này, vấn đề kỵ húy đối với chữ/ âm Nghĩa chưa được đặt ra. Ông Lâm Duy Nghĩa có đổi tên thành Lâm Duy Hiệp (Thiếp), nhưng là rất lâu về sau này. Bằng cớ là trong tờ biểu của các vị biên soạn sách “Đại Nam liệt truyện tiền biên” dâng lên vua Tự Đức đề ngày 29-03 Tự Đức thứ 5 (17 - 05 - 1852), 10 năm sau khi Minh Mạng qua đời, chép tên ông ta là Lâm Duy Nghĩa, mà không phải là Lâm Duy Hiệp (Thiếp). Việc đổi tên của họ Lâm được ghi nhận trong Quốc triều hương khoa lục do Cao Xuân Dục biên soạn (hoàn thành năm Thành Thái thứ 5 - 1893), cũng như trong Đại Nam thực lục chính biên – nhị tập, hoàn thành năm Duy Tân thứ 3 - 1909.
Trong một bài viết trước đây, tôi (LHK) có nói đến việc Lâm Duy Hiệp không đổi tên, là nói về thời điểm biên soạn và dâng sách ĐNLTTB lên vua Tự Đức, để nhấn mạnh “Nghĩa” không phải là tên húy của bà Từ Dụ như có người đã phỏng đoán.
2. TQV viết “Lâm Duy Nghĩa... sau đổi là Lâm Duy Thiếp. Lê Văn Nghĩa... sau đổi thành Lê Như Dạng (trùng tên thụy Nguyễn Phúc Trăn (1687 – 1699) được suy tôn là Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng đế đương thời gọi là Chúa Nghĩa)” (LHK nhấn mạnh).
Thực ra vấn đề chuyển Nghĩa thành Ngãi (trong Quảng Nghĩa - Quảng Ngãi) là do kiêng tên Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng đế (Chúa Nghĩa) tôi đã nêu khá kỹ ở tạp chí Cẩm Thành số 18 (Xuân Kỷ Mão – 1999), như một ý kiến để tham khảo. Nhưng Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng đế (Chúa Nghĩa, Nghĩa Vương, Hoàng Nghĩa Vương) là ai? Nguyên Phúc Trăn như TQV viết, hay là Nguyễn Phúc Thái như tôi đã nêu.
Theo Đại Nam thực luc tiền biên, Anh Tông là con thứ 2 của Thái Tông Nguyên Phúc Tần do bà Tống Thị sinh hạ. Nói là con thú 2 của Thái Tông, vì ông này có người con trưởng là Diễn, do bà Chánh phu nhân sinh hạ.
Bà Tống Thị (vợ Thái Tông) có 2 người con trai với Thái Tông Nguyễn Phúc Tần. Trưởng là Nghĩa Vương, thứ là Trăn, được tặng chức Thiếu Phó Cương quận công (ĐNTLTB, Q1 tờ 9a). Như vậy, nếu kể theo thứ bậc của các hoàng tử Nguyên Phúc Tần thì thứ nhất là Diễn, thứ 2 là Nghĩa Vương, thứ 3 là Phúc Trăn.
ĐNTLTB chép: Tháng 8 năm Ất Sửu (Ất Sửu thu bát nguyệt) tức tháng 9 – 1865, hoàng tử thứ 3 là Chưởng cơ Trăn (Hoàng tam tử Chưởng cơ Trăn) mất, tặng tên thụy là Thuần tín quận công.
Gần 2 năm sau ngày Phúc Trăn qua đời, Nguyễn Phúc Tần băng hà, hoàng tử thứ 2 lên nối ngôi.
Tên húy hoàng tử thứ 1, người nối ngôi Nguyễn Phúc Tần, các bộ sử triều nguyễn không chép, vì lệ kiêng húy.
Tuy nhiên có thể truy tìm tên ông ta trong Nam Hà ký văn của Đặng Trọng An (mục Hoàng Nguyễn thực lục), Lịch triều tạp kỷ và đặc biệt là Tiên nguyên toát yếu phả tiền biên, một cuốn sách chép tóm tắt phả hệ triều Nguyễn, đúng theo Ngọc phả. Trong mục riêng viết về Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng đế, sách này chép rõ: Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng đế húy Phúc Thái.
Sở dĩ anh TQV nhầm mà cho rằng tên húy của Chúa Nghĩa (Hoằng Nghĩa Vương, Nghĩa Vương) là Nguyễn Phúc Trăn là vì anh nhầm theo một số sách báo viết bằng chữ quốc ngữ gần đây. Khi không tiếp cận với tài liệu thật sự là gốc thì cái nhầm này rất dễ xảy ra.
Một lần nữa kẻ hậu học thưa rằng: Những điều trên chỉ là sự lạm bàn, gợi ra để được nhận lời chỉ giáo.
Quảng Ngãi, tháng 3/2000
Lê Hồng Khánh
(Bài đã in trên tạp chí Cẩm Thành –Quảng Ngãi – số 23, tháng 4/2000)
* * *
Xem bài liên hệ tại đây và thêm tại đây
Xem các bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về homepage www.nuiansongtra.net