HÌNH ẢNH CON NGỰA TRONG TRUYỆN KIỀU
Nguyễn Quảng Tuân
Trong Truyện Kiều, từ ngựa đã được dùng 13 lần trong 12 câu sau đây:
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm (c.48)
Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh (c.72)
Tuyết in sắc ngựa câu giòn (c.139)
Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình (c.142)
Khách đà lên ngựa người còn ghé theo (c. 168)
Rằng: "Ta có ngựa truy phong" (c.1107)
Song song ngựa trước ngựa sau một đoàn (c.1118)
Người lên ngựa, kẻ chia bào (c.1519)
Vực ngay lên ngựa tức thì (c.1647)
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong (c.2216)
Từ công ra ngựa thân nghênh cửa ngoài (c.2272)
Sắm sanh xe ngựa vội vàng (c.2951)
Sở dĩ có 13 từ ngựa vì ở câu 1118 từ ấy được dùng tới hai lần.
Chúng ta thấy cũng có chỗ Nguyễn Du đã không dùng từ ngựa mà lại dùng từ câu để chỉ con ngựa non, đương có sức mạnh chạy được đường dài như ở ba câu:
Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh (c.870)
Vó câu thẳng ruổi nước non quê người (c.1602)
Roi câu vừa gióng dặm trường (c.1605)
Lại có chỗ Nguyễn Du không dùng từ ngựa hay từ câu mà chúng ta cũng thấy được hình ảnh con ngựa như ở bốn câu:
Buộc yên quảy gánh vội vàng (c.563)
Trước yên ông đã nằn nì thấp cao (c.896)
Cổi yên đã thấy xuân đường đến nơi (c.1388)
Sinh đà về đến lầu hồng xuống yên (c.1568)
Từ yên đã gợi cho ta nghĩ ngay đến cái yên ngựa và xuống yên có thể hiểu là xuống ngựa.
Qua các câu thơ ấy, chúng ta thấy ngày xưa người ta thường dùng ngựa hoặc xe ngựa để đi xa nên trong Truyện Kiều cũng có những câu nói đến xe ngựa:
Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh (c.72)
Sắm sanh xe ngựa vội vàng (c.2951)
Lại cũng có những câu Nguyễn Du chỉ cùng chữ xe nhưng chúng ta cũng có thể đoán biết đó là xe ngựa như ở các câu:
Mé ngoài nghỉ đã giục liền ruổi xe (c. 894)
Một xe trong cõi hồng trần như bay (c.908)
Xe châu dừng bánh cửa ngoài (c. 921)
Trước xe lơi lả han chào (c. 925)
Cả bốn câu này đều là nói về chiếc xe ngựa mà Mã Giám Sinh đã dùng để đưa Thúy Kiều về Lâm Truy.
Chiếc xe ấy ở những đoạn đường xấu thì đã được Nguyễn Du tả là:
Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh (c.870)
và ở những đoạn đường tốt thì đã được tả là:
Một xe trong cõi hồng trần như bay (c.908)
Chiếc xe ngựa cũng có khi được Nguyễn Du gọi là xe châu hoặc xe hương để chỉ cái xe của người phụ nữ giàu sang ngồi như trong câu 1606:
Xe hương nàng cũng thuận đường qui ninh.
Nhưng ngựa và xe hồi xưa cũng làm gì nhiều như Nguyễn Du đã tả:
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm (c.48)
Người ta thường chỉ dùng ngựa nếu có dịp phải đi xa và phải tìm loại ngựa câu cho đủ sức chạy trên những chặng đường dài hoặc nếu muốn chạy cho thật mau thì phải kiếm loại ngựa trung phongnhư Sở Khanh đã dùng để đưa Thúy Kiều đi trốn.Thúy Kiều mà dám cưỡi ngựa thì cũng lạ thật!Vô lý hơn nữa là đã đi trốn mà còn:
Song song ngựa trước ngựa sau một đoàn.
và trong nguyên truyện còn có "tên phu ngựa vác một cái tán đi kèm" nữa!
Nguyên truyện lại kể: "...Đi mãi đến lúc trời sắp rạng đông, chợt nghe phía sau có tiếng hò hét.Thúy Kiều đoán biết có sự chẳng lành hỏi Sở Khanh rằng: Phía sau có tiếng huyên náo, nhất định là họ đuổi theo chúng ta, thế là chàng đã làm hại ta đó.
Sở Khanh đáp: "Được, nàng cứ yên tâm, ta sẽ đối phó, thử xem bọn chúng dám giở trò gì"
Nói xong, chàng bèn quay ngựa trở lại. Thúy Kiều thấy chàng quay lại phía sau thì cũng dừng ngựa bên đường để đợi..."
Nhưng rồi Sở Khanh đã quất ngựa truy phong và cụm từ "quất ngựa truy phong" sau đã có nghĩa là chạy trốn, bỏ trốn.
Thật đáng buồn cho Thúy Kiều đã bị Sở Khanh lừa, chẳng bù với những người như Kim Trọng, Thúc Sinh và Từ Hải đã yêu nàng rất mực.
Kim Trọng đã gặp nàng trong một buổi đi du xuân cưỡi trên một con ngựa bạch:
Lỏng buông tay khấu, bước lần dặm băng
Đề huề lưng túi gió trăng,
Sau chân theo một vài thằng con con.
Nguyễn Du còn tả rõ con ngựa ấy là một con ngựa câu:
Tuyết in sắc ngựa câu giòn
Khi chàng Kim nhác trông thấy chị em Thúy Kiều thì vội xuống ngựa, lấy cớ quen với Vương Quan để lại gặp.
Nguyễn Du đã tả Kim Trọng:
Hài văn lần bước dặm xanh.
Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.
Chúng ta thấy chàng Kim thật có cái phong cách tao nhã chẳng kém gì Vương Diễn nên Nguyễn Du đã mượn để tả cái cảnh đẹp cao quí của một bậc ngoài cõi phong trần khiến cho Chu Mạnh Trinh đã khéo phụ họa thêm rằng:
Ngàn liễu rung cương sóng gợn tình.
Cái sóng tình ấy của chàng Kim đã làm cho:
Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa.
Chàng Kim thực đúng là một bậc "hào hoa" khiến cho hai chị em Thúy Kiều vừa mới trông thấy nẻo xa mà:
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.
và đến khi:
Khách đà lên ngựa...
thì:...
người còn ghé theo.
Cảnh Thúy Kiều gặp Kim Trọng đã được Nguyễn Du lồng trong một khung cảnh thật nên thơ.
Nhưng cũng éo le thay, cuộc gặp mặt ấy vừa mới đưa hai người đi đến chỗ hò hẹn thề nguyền với nhau thì "đã sầu chia phôi" ngay.
Chàng Kim phải về Liêu Dương hộ tang chú.Thúy Kiều buồn bã đưa tiễn chàng lên đường.ở đây chúng ta thấy Nguyễn Du đã không tả con ngựa mà chúng ta cũng thấy được cảnh Kim Trọng lên ngựa ra đi:
Buộc yên quảy gánh vội vàng
Mối sầu sẻ nửa, bước đàng chia hai. (c.563-564)
Nguyễn Du đã rất tâm lý tả cảnh chia ly vội vàng ấy của đôi tình nhân mới thệ ước với nhau nên đã không có cái cảnh bịn rịn đầy lưu luyến như khi Thúy Kiều đã lấy Thúc Sinh sau này.
Hai vợ chồng còn cứ:
Cầm tay dài ngắn thở than.
Chia phôi ngưng chén, hợp tan nghẹn lời.(c.1503-1504)
Mãi đến khi Thúc Sinh lên ngựa rồi mà Thúy Kiều còn cố níu lấy áo chưa chịu buông ra như Nguyễn Du đã tả:
Người lên ngựa, kẻ chia bào,
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
Dặm hồng bụi cuốn chinh an,
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh. (c.1519-1522)
Trong cuộc đời lưu lạc của mình, Thúy Kiều còn có lần đưa tiễn Từ Hải lên đường lập chí lớn nhưng cuộc chia ly này không nặng nề sầu thương như hai cuộc chia ly trước mà Từ Hải đã:
Quyết lời dứt áo ra đi,
Gió mây bằng đã đến kỳ dặm khơi. (c.2229-2230)
và đã oai hùng:
Trông vời trời bể mênh mang,
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong. (c.2215-2216)
Cho đến khi thành công "nghênh ngang một cõi biên thùy" và "triều đình riêng một góc trời" thì Từ Hải cho quân về Thai Châu đón Thúy Kiều.Có thể nói, trong cuộc đời Thúy Kiều, giờ phút được rước trên kiệu loan vu qui có cờ trống đàn sáo, về tới đại doanh có súng chào mà còn được:
Từ công ra ngựa thân nghênh cửa ngoài. (c.2272)
thì tưởng không có gì vinh dự cho bằng!
Chúng tôi xin lấy cái cảnh Từ Hải "cân đai rỡ mình" ra tận ngoài cửa đại doanh để đón Thúy Kiều làm hình ảnh cuối cùng kết thúc cho bài viết về "con ngựa trong Truyện Kiều."
Nguyễn Quảng Tuân
* * *
Xem Bài liên hệ với chủ đề tại đây
Trở về website www.nuiansongtra.com