Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 09, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn (Kim văn)
KHI QUỶ VƯƠNG NGỰ TRỊ
NGUYỄN ĐỨC LẬP


- Chú Hai à, rồi cái vụ Nông hội biểu mình nạp đất vô tập đoàn, chú mới tính sao đây?

Hai Phòng, vừa nghe cái giọng lo lắng, rầu rầu của Sáu Minh, vừa ngó cái mặt bí xị của y, rung đùi, trả lời tỉnh khô:

- Thì cứ nạp đất vô tập đoàn, rồi vác cuốc đi làm mỗi ngày. Người ta sẽ tính điểm cho mình. Cuối mùa, người ta sẽ chia hoa màu cho mình.

Sáu Minh, hình như bị chưng hửng trước thái độ và lời lẽ của Hai Phòng, y tròn mắt:

- Bộ chú tính làm như vậy thiệt sao? Bộ chú hổng thắc mắc gì hết sao?

Hai Phòng cười tươi, lắc đầu. Cái miệng của lão móm xọm, răng cỏ rụng sạch trơn, không cười còn dễ coi, cười tươi chừng nào, cái lợi đen xì nhe ra chừng nấy, thiệt khó coi hết sức. Đã vậy, cặp mắt của lão còn lúng liếng đong đưa một cách tinh ngịch.

Sáu Minh hậm hực nói thêm:

- Chú cũng biết mà, chú Hai. Hồi tui với chú về đây khẩn hoang, đất này toàn là rừng chồi. Mình đã bỏ công bỏ của, đổ mồ hôi, sôi máu mắt mới trồng trọt được. Thím Hai cũng vì dọn rẫy mà bị rắn hổ mây cắn chết. Còn thằng Tài của tui thì đạp nhằm lựu đạn mà banh thây. Xương máu mình cũng đổ ra cho đất đai nầy đâu phải ít. Sao khi khổng khi không lại nạp cho người ta?

Sáu Minh nói luôn một hơi dài. Cái mặt lưỡi cày của y tái mét. Cặp mắt của y long lanh. Y ngưng nói rồi mà cặp môi của y vẫn còn giựt giựt liên hồi.

Hai Phòng đảo mắt liếc quanh một vòng. Trong quán vắng ngắt vắng ngơ. Thằng Xương, chủ quán, đang ngồi khoanh tay rế ở gần cửa, ngó mông ra đường. Khách trong quán chỉ có mình lão và Sáu Minh.

Ngó bộ tịch của Sáu Minh, lão lại cười. Lão hỏi ngược lại:

- Mầy hổng chịu rồi mầy làm cái gì được sao? Bộ mầy tưởng mầy làm "ông Hoành, ông Trấm" gì ở đây sao?

Lão vươn hai tay lên trời, vặn vẹo thân mình một cách thoải mái:

- Tao thì dễ ợt. Ai biểu sao thì tao nghe vậy. Ai làm sao thì tao làm vậy.

Sáu Minh vùng vằng:

- Chuyện bằng trời mà chú nói sao nghe khỏe re. Hổng làm gì được thì ít nhất mình cũng phải tìm Nông hội mà hỏi cho ra lẽ chớ.

Hai Phòng lắc đầu:

- Hỏi cái gì nữa bây giờ? Nông hội đã họp hết đồng bào để nói rồi, giải thích rồi. Mầy có thắc mắc, sao bữa đó mầy không hỏi?

Tự nhiên, lão xuống giọng buồn buồ n:

- Mà mầy hỏi ai đây? Nông hội là ai? Thằng B?ay Mạnh ném ra, nó cũng như mầy với tao. Nó cũng phá rừng, cuốc gốc thấy ông bà vải mới có được hai mẫu đất như bây giờ. Nhờ chút hơi hướm giao liên, tiếp tế gì đó của ông già vợ nó, nó được đề bạt làm trưởng ban Nông hội, chớ còn bổn thân nó, nó có biết "nhân dân làm chủ" là cái gì đâu. Nó cũng đứt ruột đứt gan, nghiến răng mà nộp đất vậy.

Lão vói tay vỗ nhẹ lên vai Sáu Minh:

- Mầy tính so đo, kèn cựa với nó làm gì. Chẳng qua nó cũng chỉ là cái thứ thiên lôi. Trên xã, trên huyện bảo sao thì nó về, nó phải nói y với mình như vậy, theo kiểu "dùi đánh đục, đục đánh săng". Nó còn khổ hơn mình mà. Mình sướng hơn nó, vì buồn buồn mình còn kêu nó ra mà chửi được.

Càng nghe Hai Phòng nói, mặt mũi của Sáu Minh càng khó coi. Y rít lên:

- Rồi để y đó mà chịu được sao?

Hai Phòng thở dài, lão biết quá rành tánh tình của Sáu Minh. Bộ tịch của y bặm trợn,ô dề, tánh của y bộc trực, nóng nảy, nhưng y rất tốt bụng. Ngay từ hồi mới quen biết, mặc dầu lúc nào Sáu Minh cũng kêu lão bằng "chú Hai" nhưng riêng về phần lão, lão coi Sáu Minh như bạn.

Nhà Hai Phòng với nhà Sáu Minh cùng chung một cái hàng rào. Cuộc đất của lão và cuộc đất của Sáu Minh cũng nằm sát ranh. Nhiều lần lão nói với Sáu Minh, "đông có mầy, tây có tao". Nhiều lần, lão với Sáu Minh "tối lữa tắt đèn" có nhau. Vợ lão bị rắn cán chết, một tay Sáu Minh lo lắng hết chớ ai, đi mua vải liệm cũng y, tháo bộ ván ra đóng hòm cũng y, đào huyệt cũng có tay y, di quan hạ rộng gì cũng không thiếu mặt y. Còn khi con y bị lụ.u đạn nổ banh xác, thì chính lão đi lượm từng miếng thịt văng tứ tung lung tàng chớ ai ... Có món ngon, vật lạ gì, lão với Sáu Minh cũng chia sớt cho nhau.

Cây mít bên sàn nước lão trổ trái chiếng, tới chừng chín, lão ăn chưa được một góc tư, còn bao nhiêu, vợ chồng con cái nhà Sáu Minh ních hết. Trái mãng cầu xiêm đầu mùa mà vợ Sáu Minh săm soi mỗi ngày, Sáu Minh cũng hái đem qua cúng vợ lão.

Hai Phòng liếc Sáu Minh, mặt lão buồn thiu bồn chảy. Sáu Minh chán nản ngó thấy:

- Tui cũng đâu có dè tới chú mà cũng cúi mặt xuôi tay. Mồ hôi nước mắt của mình mà sao để cho mất đi một cách dễ dàng như vậy?

Hai Phòng liếc chừng thằng Xương, chủ quán. Thằng nầy, thiệt ra, không tới nỗi nào. Khách tới quán, ai bàn tán chuyện chánh sách nhà nước, ai phê bình chánh quyền cách mạng, nó đều nghe đủ hết, nhưng nó không có tật bép xép. Nó kin miệng một cách khôn ngoan. Nhờ vậy mà quán nó mỗi ngày số khách ruột mỗi đông đúc hơn.

Hai Phòng lại vói tay vỗ lên vai Sáu Minh. Giọng lão buồn buồn:

- Sáu à, mầy cũng biết tao rành quá rồi. Chuyện không nên, không phải, không dễ gì mà tao nhịn. Mạng tao bây giờ là mạng cùi mà. Vợ chồng tao ăn ở với nhau mấy chục năm như hai con cá trê đực. Cho tới chết, bả cũng không đẻ đái cho tao được một đứa con nào. Nhiều khi ngó bầy con của mầy mà tao rưng rưng nước mắt. Mặc dầu mầy trẻ hơn tao, nhưng cả tao lẫn mầy đều kể như bỏ rồi. Có nghĩ cái gì, có tính cái gì, là tính cho sắp nhỏ. Tao với mầy, cho dầu có ngoéo tay nhau mà làm tới, cũng là đơn phương độc mã mà thôi. Lỡ khi thất bại rồi, con cái mầy ai lo? Con vợ mầy nó bịnh cà rề tháng nầy qua tháng nọ ...

Hai mắt của Sáu Minh chớp lia chớp lịa ra chiều cảm động. Cái mặt của y vốn đã sấu trai, cục mịch, bây giờ y lại buồn bã, thấy càng thảm đạm thêlương.

Hai Phòng liếc chừng về phía thằng Xương. Lão hạ giọng nhỏ rức:

- Cái chuyện tập đoàn nầy rồi cũng không đi tới đâu, bởi vì bụng dạ ai cũng không muốn. Ngay như thằng Bảy Mạnh, nó hồ hởi, phấ n khởi hô hào động viên đồng bào, nhưng trong bụng nó cũng hỡi ôi.

Lão gật gù:

- Làm một chuyện mà không ai muốn, tao hỏi mầy, làm sao mà thành công cho được?

Sáu Minh thở hắt ra một cái. Y ngập ngừng:

- Nói vậy ... rồi ... rồi ... rồi làm sao đây?

Hai Phòng nghiêm giọng:

- Phải làm sao cho mùa tới có cái mà bỏ vô miệng. Không thôi sẽ đói rã ruột cả bầy. Đám con lủ khủ của mầy mà đói vài ngày, chắc tao với mầy tự vận.

Sáu Minh kêu lên, giọng y khàn đặc:

- Tới nước non nầy thì tự vận thiệt rồi, chớ còn cái gì nữa. Chắc tôi bóp cổ mẹ con nó trước, rồi tui đâm họng tui sau. Hậu sự, chú rán sống mà lo liệu giùm.

Hai Phòng nạt ngang:

- Đừng nói bậy nói bạ mầy. CHuyện gì rồ i cũng từ từ mà tính. Cái tích gì mầy đọc cho tao nghe đó, mầy hổng nhớ sao? Gia Long tẩu quốc gì đó, chiến thuyền của Tây Sơn vây kín bốn bề ở gần cái đảo gì đó... Cái đảo gì đó mầy có nhớ không?

Sáu Minh nhíu mày một hồi, rồi lắc đầu. Y càu nhàu:

- Tới nước non nầy mà chú còn ở đó nói tuồng tích, thiệt tui hết biết chú luôn.

Hai Phòng vẫn rề rà:

- Cái đảo gì thây kệ nó. Hổng nhớ thì thôi, cứ biết là cái đảo gì đó đư+ọc rồi. Ai cũng tưởng là phen nầy đức Cao Hoàng khó thoát. Vậy mà rồi tự nhiên trời nổi cơn giông bão, ghe thuyền của Tây Sơn bị vùi dập ngả nghiêng, đức Cao Hoàng thoát thân khỏe re ...

Sáu Minh bực dọc:

- Mà cái chuyện đó đâu có liên quan gì với hoàn cảnh của mình bây giờ?

Hai Phòng mỉm cười. Cặp mắt của lão long lanh tinh quái:

- Tao muốn nói với mầy là chuyện gì cũng vậy, cũng có lối thoát hết. Mình tính, rồi trời cũng tính ở trỏng. Trời cho mầy có vợ. Trời cho mầy có một bầy lủ khủ, hổng phải để cho mầy bóp cổ tụi nó chết hết rồi mầy đâm họng mầy luôn.

Giọng lão trở nên ngọt ngào thân mật:

- Chuyện đâu còn có đó, mầy đừng lo nghĩ quá trí rồi làm càn. Đã tới nỗi nào đâu mà tính chuyển ẩu tả. Bây giờ, tao muốn bàn với mầy như vầy ...

Sáu Minh im lặng. Cặp mắt của y ngó lomlom vô cái miệng móm xọm của Hai Phòng mà chờ đợi. Từ trước tới nay, y vẫn tin tưởng rất nhiều vô Hai Phòng. Y vẫn cho rằng lão bàn chuyện gì cũng vậy, đâu ra đó ...
Hai Phòng cầm lấy cái ly. Còn có một chút cà phê ở đáy ly, lão ngửa cổ uống cạn. Lão vói tay lấy bình tích, rót đầy nước trà vôly, rồi cầm ly quất một hơi ngon lành. Lão khà một cái như bợm nhậu uống rượu.
Sáu Minh có mòi nóng nảy. Y rọ rạy cặp mông liên hồi.

Hai Phòng hưỡn đãi móc bịch thuốc ra. Sáu Minh ngó thấy điệu bộ vấn thuốc của Hai Phòng mà phát bực. Miếng giấy quyến nhỏ xíu, thuốc thì có vài sợi loe hoe như lông nách, vậy mà lão se tới se lui, thấy bắt nóng ruột.

Cho tới khi rít được một hơi, nhìn khói lơ mơ, Hai Phòng mới lên tiếng:

- Tao bàn với mầy như vầy đây. Dứt khoát là đầu mùa mưa nầy, đất của tao cũng như đất của mầy không còn làm được nữa rồi ...

Sáu Minh "xì" một hơi dài:

- Tưởng chú bàn cái gì. Chuyện đó bộ tui hổng biết sao.

Hai Phòng xua tay:

- Mầy sao nóng quá lẽ. Để tao nói cho có đầu có đuôi đã. Rồi, coi nhằm hay không nhằm, mầy sẽ lên tiếng sau. Tao bàn với mầy như vầy ... Còn ba mớ khoai mì bên đất của tao, cũng như bên đất của mầy, tao với mầy kéo vô nhổ hết đi. Củ chưa được trộng mấy, nhưng kệ nó, được chút nào hay chút nấy, chớ hổng lẽ để mai mốt nộp cho chúng ăn. Vừa nhổ, mình vừa tri hô là khoai bị chuột bọ phá hoại, hổng thu hoạch được bao nhiêu.

Sáu Minh hỏi chăm bẳm:

- Để chi vậy?

Hai Phòng chậm rãi:

- Mình nhổ khoai, thiên hạ sẽ nhổ theo. Mình tri hô như vậy, thiên hạ sẽ tri hô theo. Thằng Bảy Mạnh có cớ để báo cáo lê trên là mùa màng thất bát, mình khỏi phải đóng thuế.

Sáu Minh thở khì khoái trá. Đúng là lão Hai Phòng nầy cao kiến quá tay. A mà thấy cái điệ u bộ lù khù của lão, rồi tưởng lão ngu, người đó sẽ bị lầm chết. Sáu Minh lại hỏi:

- Rồi, mình chở khoai mì xuống chợ bán?

Hai Phòng nhìn Sáu Minh bằng đôi mắt thương hại:

- Tao mà có lỡ miệng nói mầy ngu, chắc là mầy tự ái lắm. Nhưng thiệt tình mà nói, óc mầy đâu phải là óc cá lóc mà mầy hổng chịu suy nghĩ cái gì cho tới nơi tới chốn hết ... Mầy bán hết khoai mì, mầy cầm mớ tiền như mớ giấy lộn trong tay rồi con mầy no được sao? Khoai nhổ về, mầy biểu vợ con mầy chịu khó xắt mỏng đem phơi hết. Khoai mì khô, ăn sừng sực, không đặng ngon miệng, nhưng khi hữu sự, dùng để cứu đói cũng được chớ hổng tới nỗi nào.

Sáu Minh gật gù ra chiều hiểu và đồng ý. Nhổm người tính đứng dậy, y nói mau:

- Vậy tui với chú vô rẫy cho rồi ...

Hai Phòng đưa tay ngăn lại:

- Khoan đã. Tao bàn đã hết đâu ... Đó mới là bước cố thủ. Đảng dạy làm việc gì cũng phải từng bước, từng bước, chỉ có "thời kỳ quá độ" gì đó, nhảy vọt lên xã hội chủ nghĩa là không cần từng bước thôi ...

Lão nói xong câu đó, ngửa cổ lên, cười hăng hắc, rồi như kịp thấy ra điệu bồn chồn của Sáu Minh, lão nói luôn:

- Cố thủ được rồi, mình cũng phải tính tới chuyện phát triển chút đỉnh ... Trong vườn của mình, tuy cây trái rậm rạp, coi vậy nhưng cũng còn nhiều vạt đất trống. Tao đã đem hai con vịt xiêm đổi cho thằng cha Ba Tui lấy được một mớ khoai môn giống rồi. Khoai môn dễ trồng mà cũng dễ ăn. Mình cứ thấy chỗ nào trống, mấp lỗ bỏ xuống, nó lên tới đâu mình vun chưn tới đó, cam đoan với mầy ăn hoài cũng hổng hết ... Còn nữa, cái hàng rào chung quanh vườn của mình, mình cặm khoai mì, nhổ gốc nào, mình cặm lại gốc đó, cũng đỡ lo được một phần ...

Sáu Minh vỗ vỗ bàn tay lên trán, giọng y rạng rỡ:

- Đúng như người ta nói "nó lú có chú nó không". Chú mà hổng nói, chắc tui dám nổi khùng, ra tay làm bậy thôi ...

Hai Phòng đứng dậy. Lão kéo tay Sáu Minh:

- Bây giờ vô rẫy được rồi. Nhưng mà chưa hết ...

Lão đưa tay vỗ vô bụng bình bịch:

- Còn nữa, còn nhiều kế sách nằm ở trong đây nữa. Từ từ rồi tao nói sau. Đụng chuyện tới đâu, tao nói tới đó. Nói trước, mầy sướng quá, mầy phè cánh nhạn ra thì hết thế làm ăn ...

Lão kéo Sáu Minh ra khỏi quán. Lão hứng chí ngó thấy nhưng lão bỗng cụt hứng, ỉi xìu nét mặt khi nghe thằng Xương hô hoán phía sau:

- Ê, chú Hai. Chưa trả tiền cà phê đó nghen!

* * *

Mùa mưa đã chấm dứt mà sao cả ấp coi bộ xác rác xơ rơ. Mọi năm, vào thời gian nầy, nhà nào cũng chộn rộn lo phơi lúa, lo xắt khoai lang, lo nhổ đậo phọng. Nhà nào cũng chong đèn làm việc tới khuya lắc khuya lơ. Nhà nào cũng lo dậy sớm đặng chạy ra quốc lộ đặng giành chổ phơi lúa, phơi khoai. Vậy mà năm nay, nhà nào cũng có vẻ uể oải, lạnh tanh.

Vụ lú a mùa của tập đoàn thất bát nặng nề. Cỏ dại phủ kín gốc lúa, mắc cở tây chụp lên ngọn lúa cũng đâu có ai buồn dọn. Cha chung mà, đâu có ai khóc. Ban quản trị tập đoàn có hò hét, đồng bào cũng chỉ làm ầu ơ ví dầu. Nhổ gốc cỏ ở vườn riêng thì ai cũng siêng hết ...

Tới ngày gặt mới thê thảm. Du kích được huy động để canh giữ chung quanh, đề phòng đồng bào tẩu tán lúa gặt được. Lúa gặt xong rồi, ban nông nghiệp, ban thuế, xà xuống ngồi tính chi li, không xót một hột. Bao nhiêu lúa phải nạp thuế, bao nhiêu lúa phải bán "hợp đồng hai chiều", tương ứng với số dầu cày, phân bón mà tập đoàn đã mua của phòng nông nghiệp, được dồn vô bao, chất lên xe, chở đi mất tiêu.

Ngó đống lúa còn lại, đồng bào chưng hửng. Tính công điểm, chia chác ra, sau khi giữ lại một mớ để làm giống, mỗi người chỉ còn được vài ký lô. Vài ký lô mà ăn trọn một năm, mặt ai cũng méo xẹo.

Hai Phòng và Sáu Minh túm số lúa được chia vô trong hai cái áo. Hai người trần trùng trục, cầm hai cái nạm lúc về nhà.

Hai Phòng vừa đi vừa nói với Sáu Minh:

- Hai nhúm lúa nầy, gom chung hết lại, phơi phóng hết rồi, xay ra, đủ cho đám con của mầy ăn một bữa ... Mình cứ nấu cho tụi nó ăn đã chí một lần. Dầu gì cũng là lúa mới ...

Sáu Minh cười gằn:

- Ăn đã miệng một bữa rồi nhịn cả năm.

Hai Phòng thở dài, cảm khái:

- Tao đã nói trước với mầy rồi, ba cái vụ tập đoàn nầy rồi cũng không đi tới đâu hết. Giỏi lắm là một vài năm đất đai cũng trả lại cho mình thôi.

Sáu Minh bực dọc:

- Nhưng mà lúc đó như là đất hoang. Tại sao không trả lại ngay bây giờ? Thiệt tui không hiểu nổi, nghĩ tới nghĩ lui muốn điên cái đầu.

Hai Phòng chắc lưỡi:

- Có gì đâu mà mầy không hiểu. Chuyện gì cũng vậy hết, dưới sự lãnh đạo "ưu việt, bách chiến bách thắng" của đảng và nhà nước, đâu có dễ gì mà người ta chịu là đã sai lầm. Dầu cho có thấy sai lầm đi nữa, người ta cũng phải tìm cách che đậy, tìm cách nào hợp lý để giải thích với đồng bào, đặng cho khỏi mất mày mất mặt ... Nhưng mà ....

Lão cười một cách khó hiểu. Sáu Minh thắc mắc:

- Nhưng mà làm sao?

Hai Phòng trả lời tỉnh bơ:

-Nhưng mà, kéo dài tình trạng như vậy mình đỡ lắm. Như vầy nghe, đồng bào không có ai phản đối vụ tập đoàn hết. Biểu nộp đất thì nộp đất. Biểu đi làm thì đi làm. Lúa gặt ra, tính thuế chở đi, cũng không ai nói một tiếng nào. Như vậy là đồng bào đã ngoan ngoãn chấp hành chánh sách của đảng và nhà nước rồi chớ còn gì nữa. Nhưng mà kết quả thì mỗi người thu hoạch được có một nhúm như vầy đây. Vậy thì, sáu tháng nắng năm nay, ai làm được cái gì đó thì làm, đi đốn củi, đi hầ m than, làm cái gì cũng được hết thảy. Đâu có ai cấ m cản được. Cấm họ tih` phải đem gạo tới cho họ ăn. Không có gạo đem tới, tốt hơn hết là đừng có cấm. Có phải vậy không?

Sáu Minh vẫn còn thắc mắc:

- Nhưng mà ... nhưng mà... Nhà nước đã ra lịnh nghiêm cấm ba cái vụ làm rừng, đốt than.

Hai Phòng cười thành tiếng:

- Cái lịnh đó ban ra đâu ở ngoài Hà Nội lận. Mấy ổng ở xa quá mà. Ăn thua là ở địa phương. Mà địa phương thì như mầy biết rồi đó, cán bộ chấm mút của dân được chút nào hay chút nấy, dân "nhảy rào" nhiều chừng nào, cán bộ no chừng nấy. Mình có đốn hết cây trên núi Thị Vãi, mà mình "biết ăn biết ở" chút chút, cũng không ai nói động tới mình một tiếng nào đâu.

Sáu Minh ngẫm nghĩ một chút, rồi gật đầu nhè nhẹ. Mắt y đăm chiêu ngó lên khoảng trời cao rộng, y cất giọng như than:

- Chú Hai ơi, tui nhờ nghe lời chú mà bây giờ hổng tới nỗi lo, nhưng ngó qua ngó lại bà con bốn bên, tui cầm lòng hổng đậu. Mẹ con thím Năm Ký rồi lấy cái gì ăn đây? Vợ chồng con cái nhà Hai Nhi làm sao mà sống? Rồi đám cháu nội của bà Ba Thời chắc bốc cứt mà ăn ...

Hai Phòng cảm động ra mặt. Lão nói bằng một giọng tha thiết:

- Tao thương mầy là tao thương cái nết nầy đây, Sáu à. Mầy hơi yên phận mầy là mầy nghĩ liền tới phận người khác. Ông bà mình có nói "trời sanh voi, trời sanh cỏ". Sở dĩ mà có sự cớ nầy đây là vì cỏ thì có mà voi thì bị người ta cấm, không cho ăn. Nhưng mà mầy tin tao đi, đâu có ai khoanh tay để chịu chết đói. Một khi mà người ta đã đói rồi, đừng có ai dại dột mà cản ngăn người ta kiếm ăn. Ông trời xuống đây, cản cũng không đặng đâu. Hai người đã đi tới cổng nhà Sáu Minh. Hai Phòng không cho Sáu Minh rẽ vô nhà. Lão nắm tay Sáu Minh kéo tuột qua bên phía nhà lão.

Dưới gốc cây mít, lão rê một vòng tay, chỉ khắc cả vườn. Lão vói tay lên, chỉ thấu qua vườn Sáu Minh. Lão đắc chí:

- Mầy thấy chưa, khoai môn của mình đầy vườn. Tao coi thử một bụi rồi, củ nào củ nấy ú nụ. Khoai mì hàng rào cũng được ăn vài tháng, nhổ bụi nào, cắm lại bụi nấy ...

Sáu Minh không cười được. Y quăng bịch gạo đánh phịch xuống đất. Y ngồi bệt trên đống lá khô, hai tay dang ra phía trước, gác lên hai đầu gối.

Hai Phòng cười hí hí:

- Mầy làm giống gì như nậu đi đòi nợ vậy?

Sáu Minh "ứ hự" một tiếng. Y trả lời gióng một:

- Tui cũng hổng biết nói sao ... Chán hết mọi sự ...

Hai Phòng dài giọng:

- Đừng chán mầy. Mầy là cây sào chố ng đỡ cho gia đình. Mầy chán, gia đình mầy sẽ buông xuôi theo ... Vả lại, đã tới nỗi nào đâu? Mấy đám khoai lang mình trồng lén trong trảng tranh, củ lớn lắm rồi ... Còn khoai mộn rụi hết rồi, nhìn vô vườn mình đâu có ai biết là ở dưới mặt đất chứa đầy lương thực?

Tự nhiên, Sáu Minh đâm ra bực mình ngang sương:

- Mình bỏ công, mình làm thấy tổ mà mình lại phải núp núp lén lén như mấy thằng ăn trộm?

Giọng y bỗng trở nên gay gắt:

- Rồi ngày mai mình ra sao? Con cái mình ra sao? Hổng lẽ muốn sống được, cứ phải che mắt thế gian, cứ phải núp lén. Ông bà mình dạy phải làm gương tốt cho con cho cháu mà. Mình hổng quang minh chánh đại, con cháu sau nầy sẽ biến thành gian ác cả bầy ...

Sáu Minh còn tính nói nhiều nữa, nhưng Hai Phòng đã kịp ngăn lại. Lão ngăn lại bằng một tiế ng thở dài chua xót. Lão nói mà như khóc:

- Tao hiểu bụng dạ của mầy, Sáu ơi. Mầy sống gần tao đã lâu, hồi trước, mầy có thấy tao bầy mưu độc sử cho ai làm điều gì khuất lấp, tây tà hay không? Mầy cứ nghĩ kỹ lại đi. Từ năm một ngàn chín trăm bảy mươi hai tới giờ, từ khi tao với mầy về đây khẩn hoang lập nghiệp, từ khi tao với mầy bắt thăm được ở gần sát ranh nhau, tao có bao giờ làm điều gì ác đức không? Tao có bao giờ lường thưng tráo đấu, treo đầu dê bán thịt chó không?

Sáu Minh làm thinh. Không biết nghĩ ngợi điều chi mà cái mặt của y quằm quặm, cặp mắt của y khi thì nhíu lại, khi thì trợn lên sáng quắc.

Hai Phòng ngồi xuống trước mặt Sáu Minh. Lão ngồi xệp xuống đất, hai chưn xếp bằng. Lão móc thuốc ra vấn. Đôi tay lão vấn thuốc rê, thuốc giồng đã mấy chục năm mà sao bây giờ lại run run một cách vụng về. Cái hộp quẹt nhôm chế dầu hôi, quẹt hoài không cháy. Sáu Minh phải lấy diêm quẹt ra mồi thuốc cho lão. Lão rít liên tục ba hơi. Mỗi lần rít thuốc, cái miệng lão thụt sâu tuốt vô trong, hai má lão hóp lại một cách thảm hại, cái cằm nhọn hoắt của lão đưa trơ đưa trất ra.

Ở bên vườn Sáu Minh, đứa con gái của ông ôm đứa em nhỏ, nằm tùng tơn trên cái võng căng giữa hai gốc mít, đang hát ru em. Nó ca một điệu "hoài tình". Lời ca thì giễu cợt, mà sao giọng nó buồn thiu:

Trời ơi,
Bà con cô bác làm ơn
cho tôi một dĩa cơm sườn
Tui đói bụng quá trời
ba, bốn bữa rồi mà không có cái gì ăn

Hai Phòng và Sáu Minh không cười được. Sáu Minh buông thõng một cái:

- Thiệt nghĩ muốn nát óc.

Hai Phòng không rầy rà Sáu Minh nữa. Lão nói một cách an phận:

- Làm sao phải sống cái đã, Sáu ơi.

Sáu Minh đưa hai bàn tay lên vò đầu. Mái tóc bờm xờm của y rồi nùi lên như bị quạ đánh. Y rít lên

- Chú có biết tui phải dạy đám con tui nói láo không? Chú có biết tui dặn nó phải nói láo với cô giáo, với đám tụi bạn nó không? Rồi, tui dạy nó nói láo với người ngoài, tụi nó về nói láo lại với tui, với má nó, chú có biết không? Chú có nói với tui là con cái nên hay hư là do phước nhà. Tui gian dối, tui che mắt thế gian, làm sao tui tạo được phước nhà?

Mắt Hai Phòng đỏ hoe. Lão khóc hồi nào, Sáu Minh không hay. Lão hít mũi nghe một cái rột. Giọng lão rời như cơm nguội:

- Sáu ơi ... mình đói ... Con cháu mình đói tao lo làm sao để có được miếng ăn ... Trong kinh có nói ... quỷ vương ngự trị gì đó ... chính là giai đoạn nầy đây. Quỷ vương làm cho lòng dạ con người đảo điên ... Có ai trị dân mà xúi con tố cha, vợ tố chồng? ... Có ai trị dân mà đem con nít vô phá mấy chỗ tôn nghiêm thờ tự, để cho tụi nó thành ra lũ "quỷ phá nhà chay"?

Dường như nói miết một hơi, qua cơn xúc động, Hai Phòng trở lại cái giọng tỉnh mỉnh:

- Có chuyện nầy, lẽ ra tao không nói với mầy. Tao hổng biết trúng hay trật. Chuyện nầy là do tự mình ên tao nghiệm ra. Bị thấy mầy buồn quá, tao mới nói, có gì mầy nghiệm phụ với tao, đặng coi nhằm hay không nhằm.

Lần đầu tiên, Sáu Minh thấy Hai Phòng có vẻ rào trước đón sau quá kỹ. Y vội hỏi:

- Chuyện gì vậy?

Hai Phòng thì thầm một cách bí mật:

- Người ta có nói "đạo cao một thước, quỷ cao một trượng". Bởi quỷ cao hơn đạo cho nên nó mới lộng hành ... Nhưng mà ... nhưng mà ... nó đã cao hơn đạo mà tại sao tao với mầy qua mặt nó cái rột vậy? Tao nghiệm ra như vầy: "quỷ cao một trượng, nhưng ... dân cao tới cả một cây số ngàn" lận mầy ơi.

Lão vỗ vai Sáu Minh:

- Hồi trước mình hiền bởi vì mình không số ng với quỷ. Bây giờ, mình trở thành một thứ "thần đanh đỏ mỏ" là bởi mình phải che mắt quỷ để mình sống còn. Rồi ... rồi mai mốt ... quỷ vương bị diệt trừ, mình lại hiền trở lại, lúc đó dữ với ai ...

- Nhưng ... tới chừng nào quỷ vương mới bị diệt trừ? Không khéo bầy con tui trở thành quỷ vương cả đám ...
Giọng Hai Phòng trở nên chắc nịch:

- Cái đó là tự mầy phải lo. Được tới đâu, tao phụ tới đó. Mầy phải cầu xin đất nước, ông bà. Mầy phải giải nghĩa cho con mầy, tại sao mầy biểu tụi nó dối trá lọc lừa. Mầy phải lo lắng cho con mầy. Mầy phải cho tụi nó hiểu là chính mầy nuôi dưỡng tụi nó. Mầy mà buông trôi thì mầy cũng thành... quỷ vương, chứ đừng nói tới đời con mầy. Phải vui vẻ, chứ đừng lúc nào cũng triển lãm cái bộ mặt chà bá như Tào Tháo lúc chạy qua Huê Dung đạo. Phải làm sao, Sáu à, cho con mầy nó thấy cái nhà là ổ của con chim... Chớ đừng để tụi nó chán ở trong nhà, chạy ra ngoài đường mà nghe theo lời dụ dỗ rù quyến của quỷ vương.

Nguyễn Đức Lập

Trích trong "Cặp Mắt Quay Lại" của Nguyễn Đức Lập

* * *

Xem các bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về homepage www.nuiansongtra.net  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh