Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
NHỚ
NGUYỄN VĂN QUẢNG NGÃI


Mỗi người trong chúng ta ai lại chẳng có những quá khứ để an ủi, vỗ về, để xót xa, thương nhớ, để ăn năn, hối tiếc? Bởi vì quá khứ lúc nào cũng đẹp dù rất vui hay rất buồn! Con người thường tìm về quá khứ bởi vì kỉ niệm, dù mật ngọt thiết tha hay cay đắng tủi hờn, là những hàng cây rợp bóng che mát cho chúng ta bước đi trong hiện tại để tính về mai sau. Con người thường tìm về quá khứ bởi vì kỉ niệm làm minh mẫn trí tuệ, rọi sáng thực tế và cung cấp cho chúng ta những lời khuyên cần thiết, hữu ích để định hướng cho tương lai...

Đối với những người tuổi đời đã xế, ngày-ngày-đêm-đêm quá khứ theo nhau lần lượt nhè nhẹ trở về và, kỳ lạ làm sao, đa số những người ở tuổi già trí nhớ đều sa sút, nói trước quên sau, hôm nay quên chuyện ngày qua, vậy mà ta lại nhớ rõ mồn một từng chi tiết cũ, từng hình ảnh xưa của cả một thời quá khứ theo từng lớp lớp thời gian xa lắc xa lơ!... Bởi vì như một danh ngôn Pháp đã nói:

-"Tất cả đều sẽ trôi qua, tất cả sẽ bị xóa nhòa, trừ kỉ niệm nầy".

Trong tâm trạng đó tôi muốn ghi lại đây vài ba kỷ niệm vui lắm và buồn cũng rất nhiều ở Quảng Ngãi thân yêu!

Trước năm 1975, tại Quảng Ngãi, một số anh em thường thân mật gọi tôi là "anh bạn độc thân già". Vì vậy tôi đã phải làm "Rể Phụ" cho năm ba anh em "cũng độc thân già" như mình khi họ "lên xe hoa" và vui mừng được thấy họ sống hạnh phúc, xót xa khi thấy thuyền họ gặp sóng gió! Xin chia xẻ một ít kỉ niệm với bằng hữu của một thời xa xưa thân quí tại Quảng Ngãi.

Với anh Phạm Huệ

Những năm 64-65-66-67 anh Huệ và tôi là đôi bạn thân tình. Chiều chiều, mỗi khi đi làm về hoặc những cuối tuần, chúng tôi thường gặp nhau để san sẻ tâm tình về nhiều lãnh vực: văn chương, âm nhạc, hội họa, cách mạng, chính trị, và "chọc tức thiên hạ” v.v...Có khi tranh luận gắt gao về một đề tài thời sự. Nhiều lúc cùng vỗ đùi khoái trá khi đồng ý với nhau về một chuyện nào đó. Về phương diện tình cảm anh Huệ đã chia xẻ với tôi những cuộc tình lớn, nhỏ đã đi qua trong đời mình: Từ những tình cảm thoáng qua của tuổi thanh xuân đến cuộc tình dài hơn 10 năm. Anh đã cho tôi xem một hộp đầy những lá thư, những mảnh giấy nhỏ của chuyện tình "kỳ lạ nầy" và muốn tôi viết cho vài ba câu thơ cảm tác. Tôi bèn mượn mấy câu thơ của Vũ Hoàng Chương mà - theo tôi - đã diễn tả được phần nào nỗi lòng của anh, chuyện tình của anh, và nhận xét cuả tôi, chép lại tặng anh:

Duyên kiếp gì đâu hề Ta có chờ Ai?
Hương một sớm đã tan hề Hoa đã phai
...

Tình mười năm còn lại chút nầy thôi...

Tôi đã hỏi anh:

"Bây giờ thì sao?

"Qua hết rồi! Quên hết rồi! Bỏ Trung học Bình Tuy về dạy ở Trần Quốc Tuấn là bỏ lại tất cả, là giã từ tất cả!

Năm, bảy tháng sau bỗng một hôm anh báo cho tôi biết là anh sẽ cưới vợ!?

-"Sao đột ngột và vội vàng quá vậy bạn? Giờ thứ 25 đã điểm rồi phải không?

-"Ông nhận xét thật chí lí! Giờ thư 25 đã điểm rồi.

Tôi tiếp:

-“Nếu vậy thì "lẹ lên đi, chiều hôm tối rồi" chớ nên "để lâu ngày"...

Rồi cả hai chúng tôi cùng khoái chí cười vang!

Đêm trước ngày cưới tôi đã giúp anh sửa soạn mọi việc đến gần 11 giờ mới được xem như "đâu vào đó" cho ngày trọng đại của anh.

Quả thật là một đám cưới "vui đáo để":

"Phạm Huệ con ông P.H. cưới P.T.H. con ông P.H. Do đó hai chữ P.H. được cắt dán khắp nhà thật kỹ thuật trông rất đẹp mắt và ngoạn mục.

"Chú Rể, Cô Dâu, cùng hai Phụ Rể (tôi và anh bạn Đ.Đ.N.) và hai Phụ Dâu (Chị P.T.M. và V.T.N.) tất cả đều đã "quá date" cũng ngồ ngộ!

"Lúc làm lễ tại Chùa trước khi Cô Dâu Chú Rể quì, anh Huệ đã quay lại nói nhỏ với tôi: Giờ thứ 25 đang điểm rồi "cười thật tếu!".

"Thầy Giải An đã giảng dạy về "Luân lý giáo khoa thư" cho Cô Dâu và Chú Rể chi tiết và chu đáo "lẩm cẩm" đến như vậy là cùng!

"Nhìn những người bạn già hai người đang quì và bốn người đứng sau phải cố gắng lắm mới khỏi cười thành tiếng! Trông cũng thấy "vui vui".

Như vậy là một anh bạn già đã "lên xe hoa". Tôi rất vui là thấy "đôi trẻ" sống hạnh phúc, sinh vài ba cháu trai và ăn nên, làm ra. Tuy nhiên, như thường tình thế gian, đôi lúc họ cũng gặp cảnh "cơm không lành, canh không ngọt" và tôi đã phải ngồi lắng tai nghe hết bên nọ đến bên kia ...

Rồi biến cố 30 tháng 4 xảy đến đã mang biết bao thương tâm, chua xót phủ lên khắp nơi! Anh Huệ dẫn ba cháu trai (có cháu còn rất nhỏ) vượt biển sang định cư tại Hoa Kỳ, chị H. và một cháu còn ở lại Việt Nam. "Lời ong, tiếng ve" trong thời loạn thì nói sao cho cùng! Anh Huệ vừa chăm sóc các cháu, vừa đi làm kiếm tiền lo cho chúng ăn học và gởi về cho gia đình, cho bạn bè đang gặp khó khăn. Cuối cùng anh đã bảo trợ được chị H. sang đoàn tụ.

Sau một thời gian chung sống trong niềm vui đoàn tụ, mối bất đồng giữa hai người mỗi ngày một lớn, bạn già khắp nơi kẻ khuyên điều nọ, người góp ý việc kia nhưng "tuổi già vừa lẩm cẩm, vừa ngoan cố" nên chẳng ai "chịu thấy được mình" để cùng dung hòa cách biệt, "làm lành" với nhau.

Những năm về sau nầy sức khỏe anh Huệ xuống nhiều, tinh thần sa sút nên anh chỉ còn vui và tâm sự (không được suôn sẻ) với bạn bè qua Website của riêng mình (Quangngai.net). Tôi vẫn cố gắng san sẻ với anh (cũng qua email) về quê hương, về kỉ niệm hy vọng có thể giúp anh ít nhiều an ủi. Một buổi sáng tôi nhận được email của anh (viết lúc 2giờ sáng) vỏn vẹn với hai câu thơ:

Bỗng dưng ai đốt đống rơm
Cho ta tưởng khói hoàng hôn: nhớ nhà!

Hai câu thơ ngắn ngủi nầy đã nói lên tâm trạng của anh trong cảnh xế chiều đau yếu!

Rồi anh mỗi ngày một sa sút từ thể xác đến tinh thần cuối cùng anh bị bịnh nan y và đã ra đi trong thương tiếc của mọi người. Từ xa xôi tôi rất đau buồn và chua cay khi được nghe một số anh em bằng hữu thân tình cho biết là tuy "vợ con, em, cháu" rất đông, "bạn bè" rất nhiều mà anh đã giã từ trần gian trong tẻ-lạnh-u-buồn!

Bây giờ anh đã trả xong nợ trần, đã vĩnh viễn ra đi, linh hồn anh đang phiêu bồng, thanh thản nơi chốn vĩnh hằng. Chắc anh đang tìm hiểu đến ngọn ngành tất cả những "điều không hiểu" của thế gian mà thuở xa xưa Vũ Hoàng Chương đã viết: "Dấu hỏi vây quanh trọn kiếp người", và Mai Thảo đã an tâm trước khi nhắm mắt lìa đời:

... Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao khi đã nằm trong đất
Lặng ngắm sao Trời sẽ hiểu thôi....

Bình an nơi miền vĩnh cửu nghe anh Huệ!

Với anh Trần Hữu Lễ

Gia đình anh Lễ (Ông Cụ và anh) năm 1955 bỏ miền Bắc vào miền Nam Tự Do và đến cư ngụ tại Quảng Ngãi 20 năm. Anh Lễ đã từng là Hiệu trưởng Trung học, Quận trưởng, Tỉnh Đoàn trưởng Phát triển Nông thôn... và đã tham gia vào nhiều sinh hoạt khác nhau trong tỉnh. Là một Sĩ quan còn trẻ, có kiến thức, có lý tưởng Quốc gia trong sáng, có năng khiếu nói chuyện thu hút quần chúng và lòng tràn đầy nhiệt huyết, anh Lễ được xem như là một Cán bộ Quốc gia gương mẫu, xuất sắc. Chúng tôi là đôi bạn thân thiết và tương kính, thường chia xẻ cho nhau những tin tức thời sự và những suy nghĩ của mình về nhiều vấn đề. Anh Lễ rất thành thật trong tình bạn!

Có hôm trời mới vừa sáng anh đã gõ cửa đi thẳng vào nhà báo cho tôi một tin vừa xảy ra rồi lại tiếp tục ra đi vì công việc trong ngày.

Có lúc cả hai cùng đang vội vã ngoài đường bỗng gặp nhau, anh dừng xe lại, chạy vội đến nói nhỏ:

-"Ngày mai tòa án xử vụ... anh nghe chưa? Sáng mai tôi đến sớm chở anh cùng đi...”

Rồi anh Lễ "lên xe hoa" với chị TTN và tôi đã là chàng "Phụ Rể". Lại một "đám cưới thật là vui"! Tình yêu của họ bắt đầu là tình "Anh - Em", tình "Chú - Cháu". Sau nầy chị N. tâm sự:

-“Lúc anh L. hay đến nhà thăm ông Cụ của chị (Cụ C.T.), chị thấy cái anh chàng gì mà quanh năm suốt tháng luôn luôn với bộ bà ba đen (XDNT), cao lêu nghêu, nói năng vụng về, chắc là phải lòng bà chị của mình quá! Nhưng – do duyên nợ – sau Tết Mậu Thân, tối nào anh Lễ cũng đến "tị nạn" tại nhà Cụ C.T. vì lý do an ninh nên tình yêu giữa họ đã chớm nở rồi lớn nhanh. Anh Lễ thì anh em ở Quảng Ngãi đều biết, chị N. thì còn quá trẻ (đang học tại trường Nữ Trung Học). Nhưng, như một nhà thơ nào đó đã viết:

Cuộc tình ở lứa tuổi nào cũng có hoa, bướm, trăng, sao
Có giận hờn và có cả chiêm bao...

Hai gia đình đã chấp thuận cho họ tiến đến hôn nhân. Gia đình Cụ B.Đ. (thân sinh anh Lễ) rất đơn chiếc nhưng nhờ những đồng hương gốc Bắc (đa số là trong một hội Tương Tế) nên rất đông bà con và bằng hữu cùng vài giới chức chính quyền như quí ông Tỉnh trưởng, Chánh án, Tham mưu trưởng Sư đoàn 2 ... đã đến dự. "Quả là một đám cưới thật vui"!

Chỉ có một Phụ Rể và một Phụ Dâu.

Rể và Phụ Rể thì đã "quá date". Cô Dâu và Phụ Dâu thì còn quá trẻ (cả hai cùng đang là nữ sinh trường Nữ Trung Học).

Từ trên lầu nhà Cụ C.T. xuống là gặp ngay đường Phan Bội Châu thì cô Dâu và Phụ Dâu đã thi nhau cười làm rớt cả hoa khiến anh Lễ và tôi phải nhặt hoa và nhắc họ đứng lên.

Một vài anh bạn đã tự nguyện giúp anh Lễ hướng dẫn cho xe đi cho có thứ tự.

Trong tiệc vui, quí Cụ râu tóc bạc phơ, mặt tươi hồng nhuận phát biểu vừa hùng hồn nghiêm trang, vừa pha trò dí dỏm với những lời cầu chúc chân thành, thiết thực.

Sau tiệc cưới anh Lễ vẫn tiếp tục đi làm, chi N. vừa đi học vừa lo chuyện cơm nước cho gia đình và họ sống rất đầm ấm, hạnh phúc. Ít lâu sau anh Lễ di chuyển cả gia đình vào Sài Gòn. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 anh Lễ đã bị đày ra miền Bắc. Chị N. vượt biển sang định cư tại Thụy Sĩ.

Tháng 4 năm 1984 ra khỏi tù và – mặc dầu lệnh tha đã đưa tôi về quản chế hai năm tại Quãng Ngãi – tôi đã bỏ vào Sài Gòn. Trong những ngày tháng "sống chui", tôi đã lọc cọc đạp xe tìm thăm lại các bạn bè cũ, chiến hữu xưa đang "trăm cay, nghìn đắng" khắp các ngóc ngách của cố đô thân yêu. Tìm đến thăm Cụ B.Đ. và – sau những vui mừng chân thật, sau những lời thăm hỏi về nhiều điều – tôi nghe lòng vừa nhẹ nhàng, vừa cảm động được biết là những năm anh Lễ ở trong tù, chị N. đã chăm sóc Cụ rất chu đáo và khi qua định cư ở Thụy Sĩ chị đã đi làm, dành dụm tiền để gởi về nuôi Cụ cũng như tiếp tế cho anh Lễ. Chị N. – và tất cả những người vợ Việt Nam cùng hoàn cảnh sau 1975 – rất xứng đáng được đón nhận những lời vinh danh của cuộc đời bởi vì chị còn quá trẻ lại có nhan sắc mà đã giữ trọn lòng sắt đá, trung trinh với chồng, đã làm tròn bổn phận thiêng liêng của người dâu trong gia đình trước cảnh nước mất nhà tan ...

Vài tuần sau đó anh Lễ ra tù và chúng tôi chiều chiều hay đạp xe vòng khắp Sài Gòn và kể cho nhau nghe biết bao điều đã ấp ủ trong lòng suốt những năm dài tù ngục. Có lần anh Lễ đã chân thành nhìn tôi:

-"Phần tôi thì. N. đã làm giấy bảo trợ nên sớm muộn gì cũng được ra đi, tôi lo ngại cho anh quá! Làm sao anh sống được trong hoàn cảnh nầy? Anh đã tìm cách gì chưa?”.

Tôi rất cảm động và chỉ biết yên lặng rưng rưng nhìn anh vì không biết trả lời sao cho suôn sẻ nỗi lo lắng anh đã dành cho mình?

Rồi tôi vượt biển, bị bắt, vượt ngục...vượt biển, cuối cùng tôi sang định cư tại Hoa Kỳ cuối năm 1985. Lúc đó tuy sức lực đã qua khỏi thời sung mãn, trí não đã cằn cỗi nhiều sau những năm tháng dài cùng khổ, nhưng ý chí và niềm tin đầy ắp nên tôi đã viết rất nhiều dưới nhiều thể dạng thơ, truyện ngắn, tùy bút, bình luận... đăng báo ở Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và Úc. Trên báo LỬA VIỆT ở Canada tôi thường xuyên đọc những bài tùy bút ký tên Trần Thị Nhật Hưng với lời lẽ nhẹ nhàng trong sáng đặc biệt là những dòng tâm tình tác giả gởi về Quảng Ngãi. Tôi nghĩ tác giả phải là người sinh ra ở Quảng Ngãi hoặc đến cư ngụ nhiều năm tại Quảng Ngãi mới biết được những địa danh, mới có được những tình cảm sâu đậm về miền Núi Ấn Sông Trà đến như vậy. Khi anh Lễ sang định cư tại Thụy Sĩ gởi thư thăm tôi có kèm theo mấy dòng:

-“... Từ lâu đọc văn của Nguyễn Văn Quảng Ngãi em định viết thư nhận bà con nhưng nghĩ mình là phận nữ nhi nên ngại ngùng không dám. Nay anh Lễ qua em mới biết NVQN chính là Ông Phụ Rể của tụi em ngày nào ...”

Thì ra Trần Thị Nhật Hưng chính là Cô Dâu nho nhỏ của một "đám cưới thật vui" thuở xa xưa tại Quảng Ngãi.

Từ đó hai anh chị sống rất thuận hòa, hạnh phúc, thường đi du lịch khắp nơi. Chị N. vẫn còn đi làm và anh Lễ được giấy phép của Bộ Y Tế đang châm cứu part time tại bịnh viện...Hiện nay anh Lễ đang sống ngoài vòng tranh chấp, hờn giận, chống đối... của thế nhân, chỉ chú tâm vào việc nghiên cứu triết lý đạo Phật. Anh vẫn thường email cho tôi những đoạn văn, năm ba câu thơ của vài tác giả để nhớ lại một ít kỉ niệm của một thuở xưa: xa lắm, xa lắc, xa lơ...

Có lúc anh điện thoại thăm tôi nói chuyện chầm chậm, thao thao về cái hay, cái đẹp và triết lý cao siêu của Phật pháp. Thỉnh thoảng anh có về Việt Nam, ghé lại Đức Phổ, nơi anh đã làm Hiệu trưởng Trung học thuở xưa, tổ chức châm cứu miễn phí giúp đồng bào (rất đông người hưởng ứng), hoặc vào các thôn xóm thăm những người quen cũ hay vào bệnh viện thăm vài em học sinh ngày trước (con cháu đã đùm đề, tóc đã trắng phau...) đang đau nặng. Vì vậy anh nhận được nhiều quí mến rất cảm động từ cảnh cũ, người xưa...!

Với anh Nguyễn Văn Đồng

Anh Nguyễn Văn Đồng người Đà Nẵng, tốt nghiệp Đại học Sư phạm và được bổ dụng về dạy Việt văn tại trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi. Anh làm thơ ký bút hiệu Hà Nguyên Thạch. Năm 1970 anh xuất bản tập thơ "Chân Cầu Sóng Vỗ" và tôi rất thích hai câu thơ vào đề:

Con nước ấy đã bao lần sóng vỗ
Chút tàn phai đọng lại dưới chân cầu

Đọc lên ta tìm được cái cảm giác hoang vắng mênh mông xa xưa của Hoài Khanh:

Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe trong hồn cây cỏ mọc hoang vu

Anh thuê một căn phòng tại khu Trùng Khánh đường Phan Bội Châu. Đó là nơi tụ họp các Văn nghệ sĩ như Khắc Minh, Minh Đường, Phan Nhự Thức, Phạm Trung Việt, Luân Hoán, Đynh Hoàng Sa, Vương Thanh v.v... Họ làm thơ, viết văn, làm báo, đấu láo, đánh xì phé, uống rượu..."rất Nghệ Sĩ". Anh Đồng hát khá hay: giọng trầm và gởi cả lòng mình vào nột dung bài hát. Anh thường hát tặng tôi bài "Bài Không Tên Số Một" của Vũ Thành An trong các lần họp mặt bằng hữu hoặc sinh hoạt cộng đồng.

Rồi anh lên làm Phu tá Chánh Sở Học Chánh tỉnh và cưới vợ. Chị N.T.T.H. vốn là một học sinh cũ của anh và tôi lại làm anh chàng Phụ Rể. Đám cưới diễn ra trong ấm cúng gồm hai gia đình và bạn bè thân thiết giới hạn. Điều vui vui là Ông Cụ thân sinh anh Đồng lúc đó đang là Phường trưởng một Phường ở thành phố Đà Nẵng và Ông Cụ đã mang theo sổ hộ tịch để hai gia đình và Cô Dâu, Chú Rể ký tại chỗ nghĩa là hoàn tất thủ tục bắt buộc. Điểm nổi bật của đám cưới nầy là nghiêm trang, chân tình, thân mật.

Sau ngày cưới họ sống rất hạnh phúc, ấm cúng và trẻ trung nhiều hơn so các bằng hữu khác, so với thế gian bình thường cho mãi đến ngày đau thương của đất nước. Anh Đồng đã đưa gia đình vào Sài Gòn trước nên tránh được cảnh cải tạo khốn cùng. Rồi anh chị mải miết tìm đường vượt biển, cuối cùng chi H. đưa con đi thoát được và sang định cư tại Hoa Kỳ, anh ở lại một mình.

Anh Đồng "mất liên lạc" với gia đình từ đó. Anh trở nên chán đời, trở nên gàn dở, chửi đổng tất cả mọi người. Bạn bè rất thương mến anh, rất xót xa cho cảnh ngộ của anh nhưng rất ngại gặp anh vì anh thường gây gổ, thường ăn nói ngông nghênh.

Khi ra khỏi tù tôi vào Sài Gòn. Anh Đồng và anh Phan Nhự Thức (Nguyễn Văn Minh) nghe tin đến thăm ngay. Tuy cả hai cùng đang nghèo xơ xác nhưng hai anh vẫn "hùn tiền" đãi tôi "bữa cơm trưa thịnh soạn" tại một "cửa hàng ăn uống" ở đường Phan Đình Phùng. Buổi chiều anh Đồng đưa ba anh em đến quán cà phê của Huy Tưởng ở Tân Định để Phan Nhự Thức và tôi ngồi bàn đến "đủ thứ chuyện", còn anh lo phụ bán với Huy Tưởng. Tôi quên sao được những món ăn vô cùng ngon miệng và những giọt cà phê sữa thơm, ngọt đến lịm cả giác quan của người mới về từ rừng núi! Sau đó chúng tôi (hai anh Đồng, Minh và tôi) sáng sáng, chiều chiều thường gặp nhau, kể mãi vẫn không cạn hết tâm tình, chia xẻ nhiều "thời sự nóng bỏng".

Rồi tôi bỏ lại tất cả, tất cả ra đi:

... Xin chào "tất cả Quê hương"
Xin chào: Hai tiếng tầm thường mà đau
Nghìn xưa cho mãi về sau
Mối sầu ly biệt viết sao cho tròn?
(NVQN - Vũng Tàu tháng 10-1984)

Bên nầy tôi vẫn thường theo dõi tin tức về anh Đồng. Có lúc nghe tin anh đã có vợ mới và đang dạy một ít giờ tại một viện Đại học. Anh em tất cả đều vui mừng! Có khi nghe anh vẫn chưa có cuộc sống yên ổn và vẫn "bất cần đời", vẫn "ngông", vẫn "gàn" ...

Một câu chuyện nhỏ, chân tình, dễ thương của hai anh bạn"ngông" và "gàn"

Một dạo anh Huệ thường gởi tiền về Việt Nam cho bà con, cho bạn bè. Có lần, không sẵn tiền nhưng nghe anh Đồng đang khó khổ, anh đã dùng thẻ tín dụng (credit card) của mình lấy $1,500.00 để nhờ một anh bạn thân của hai người về thăm nhà mang hộ. Trước khi về lại Hoa Kỳ anh bạn nầy đã đề nghị anh Đồng viết "đôi dòng" thăm và cảm ơn anh Huệ. Hôm giã từ anh đã ghé lại anh Đồng để lấy thư thì Đồng đã nói:

"Anh Huệ đã cho tôi số tiền lớn như vậy quả là cái ơn Trời Bể thì chữ nghĩa nào viết cho hết được nên tôi không viết...”

Anh bạn nầy nói lại nguyên văn cho anh Huệ nghe thì anh Huệ đã cười ha hả!
. . . .
Chị H. bên nầy đã lập gia đình mới và sống êm ấm, đã nuôi hai cháu học hành thành đạt, có công ăn việc làm yên ổn. Chị đã gả một cháu gái lấy chồng và vài anh bạn thân (cũng nhà giáo) của họ ngày xưa đã đi họ. Chị đã làm tròn bổn phận của những Bà Mẹ Việt Nam!

Cuộc đời vốn có nhiều ngã rẽ, nhiều khúc quanh. Biến cố tháng 4 năm 1975 đã là một khúc quanh nghiệt ngã mang biết bao nhiêu đổ nát, cay đắng phủ lên cả một nửa nước Việt Nam thân yêu và con người, vốn là đồ chơi của Tạo hóa, đã phải gánh chịu tất cả đắng cay đến nát lòng ở mọi lãnh vực. Và tội nghiệp biết bao cho những cuộc tình!

Ai xui gang tấc bỗng quan hà?
Tội nghiệp cho tình của chúng ta
Non nước trời ơi! Nầy một cuộc
Bể dâu tàn nhẫn bóng xuân qua!
(Vũ Hoàng Chương)

Đến nay, 36 năm trôi qua, khổ đau đã lắng dịu, những vết thương xưa đã lành, đã thành sẹo nhưng vẫn làm cho chúng ta nhức buốt khi gặp trái gió, trở trời. Đó đây chắc thỉnh thoảng vẫn có những thoáng buồn ray rứt từ thăm thẳm của tâm hồn:

Vâng! Từ độ ấy có quan san
Trời Đất cùng đau nỗi hợp tan
Riêng mỗi mình ta phai áo lục
Còn em sau trước vẫn hồng nhan
(Vũ Hoàng Chương)

Anh Đồng ơi! Tôi hiểu tình anh. Tôi hiểu lòng anh. Tôi biết nỗi đau của những người có tâm hồn nghệ sĩ như anh!...Nhưng định mệnh đã an bài. Thế hệ con chúng ta đã trưởng thành, thế hệ cháu đang từ từ chào đời.

Xin hãy cầu chúc cho các cháu vui vẻ, phơi phới, yêu đời.
Xin hãy cầu chúc cho các cháu những ngày mai tươi sáng!

Chúng ta đang bước dần, bước dần vào tuổi hoàng hôn:

Ôi! Chiều xuống chênh song hề, còn đau thân thế

Nhớ về bạn bè cũ, bằng hữu xưa sao nghe bốn phương vắng ngắt, mênh mông:

Ai đi, ai ở, ai còn mất?
Kẻ lạc chân mây, kẻ cuối trời!
. . .

Quí bạn già thân mến

Như đã nói ở phần đầu, tôi vừa nhắc lại vài ba kỉ niệm về Quảng Ngãi vui lắm và buồn cũng nhiều. Xin đừng trách rằng nhắc lại làm gì những bi khúc của thế gian thời tao loạn? Nhưng, bạn ơi, dù ta cố quên nhưng – như đã nói ở trên – những ngày cũ vẫn thỉnh thoảng nhẹ bước trở về!

Bạn đang cầm trong tay Đặc San đón mùa Xuân mới. Hãy cầu chúc cho nhau nhiều sức khỏe, tâm hồn bình an, thanh thản trong năm mới Con Rồng.

NGUYỄN VĂN QUẢNG NGÃI

(Trích Đặc san QUẢNG NGÃI Xuân Nhâm Thìn 2012
của Hội ĐH & TH Quảng Ngãi miền Nam California)


* * *

Xem các bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về homepage www.nuiansongtra.net  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh