Chân dung Đốc học Lê Bính
A. QUAN ĐỐC HỌC ĐẦU TIÊN THỜI TÂN HỌC Ở QUẢNG NGÃI
Đốc học là một chức vụ thuộc ngành giáo dục dưới thời nhà Nguyễn từ lúc còn Cựu học và vẫn được duy trì khi chuyển sang Tân học. Ở các tỉnh, quan Đốc học hàng năm đã tổ chức những cuộc sát hạch tại trường Đốc ở tỉnh thành để định trình độ của nho sinh từ các trường ở các phủ, huyện, đặc biệt là kỳ hạch để chọn sĩ tử đi dự những khoa thi định kỳ ở kinh đô hoặc các trường thi được tổ chức ở các tỉnh lớn. Quan Đốc học thường có học vị Cử nhân hoặc Tiến sĩ và có hàm chánh Ngũ phẩm, so với chức Tuần vũ hoặc Tổng đốc thường có hàm chánh hoặc tòng tứ phẩm, và cao hơn quan huyện hoặc phủ chỉ có hàm chánh hoặc tòng lục phẩm.
Quan Đốc học tỉnh vẫn là chức vụ được coi trọng vào thời Tân học. Tuy nhiên, chức vụ Đốc học nói chung có 3 ngạch hạng; thông thường, phải trải qua 3 bậc học: Sơ đẳng Tiểu học 3 năm, Tiểu học Việt Pháp 2 hoặc 3 năm, Cao đẳng Tiểu học 4 năm và thi đậu bằng Diplôme d'Études Primaire Supérieures Franco-Indigène (gọi tắt là bằng Diplôme, hoặc theo cách Việt là bằng Thành chung) và phải học khóa Sư phạm (Section Normal). Các Đốc học chỉ phụ trách dạy các lớp cao của bậc Tiểu học Pháp - Việt như lớp Nhì nhất niên, lớp Nhì nhị niên và lớp Nhất. Đốc học còn được gọi là Tư học, và khi đảm nhận chức hiệu trưởng thì chỉ lo việc điều hành nhà trường mà không dạy học. Vì Đốc học có hạng ngạch cao nhất là Tổng kiểm giáo (Directeur des Écoles Primaires) là quan Đốc học tỉnh; và người đầu tiên đảm nhiệm chức vụ này từ khởi thủy của giáo dục Tân học ở Quảng Ngãi là Lê Bính. Tuy nhiên, vị quan Đốc học tỉnh này đã đối diện với một tình huống vô cùng khác thường, mà chắc chắn từ trước đó và cả về sau không từng xảy ra:
Lúc ấy, vào đầu năm 1913 Quảng Ngãi chưa có ngôi trường Tân học nào, chưa có cả một lớp học dù chỉ là lớp vỡ lòng ABC, chưa có thầy giáo, và dĩ nhiên cũng không có học trò nào. Cũng có thể suy đoán rằng, không thể có bất cứ quan chức nào thuộc các ban ngành khác trong tỉnh lại được lệnh trên đứng ra thực hiện sẵn các công trình và chuẩn bị sẵn nhân sự. Tất cả đều phải chờ cho đến khi Đốc học Lê Bính về nhận nhiệm sở. Nhiệm vụ của ông là làm sao cho những gì đã có trong kế hoạch, nhưng còn là lý thuyết ấy, phải thành hiện thực. Tất nhiên là được cung ứng mọi nhu cầu cần thiết từ triều đình và chính quyền Bảo hộ khi bắt tay vào việc xây dựng nền móng của giáo dục Tân học tại tỉnh nhà; và chắc chắn các viên chức tỉnh, huyện, tổng...cũng được lệnh trên hổ trợ để cùng tiến hành những kế hoạch 5 năm hoặc 10 năm tới đã được vạch ra, trong công cuộc phát triển hệ thống giáo dục toàn tỉnh.
Như vậy, công việc của Đốc học Lê Bính khác hẳn so với các vị tiền nhiệm và các vị kế nhiệm về sau khi cơ ngơi Tân học đã thành hình rồi đi vào nề nếp. Đồng thời, Đốc Bính cũng kiêm nhiệm chức hiệu trưởng ngôi trường Tiểu học Pháp - Việt trung tâm trong khu vực cổ thành, nơi sẽ tổ chức các kỳ thi Tiểu học từ năm 1918 đến cuối thập niên 1930 cho thí sinh toàn tỉnh. Tuy nhiên, do phạm vi trách nhiệm rộng lớn như là một vị quan, Đốc Bính có được các thế hệ học trò biết rõ và nhắc đến như những vị thầy đã hàng ngày gần gũi dạy dỗ họ.
Danh tính của các nhà giáo, đặc biệt là những vị Đốc học Tỉnh và kể cả những học trò vào thời khai sinh của Tân học cũng nên được nhắc đến. Vai trò của họ trong những trang sử đã sớm sống động từ một trăm năm trước không thể bỏ trống hoặc bị bôi sửa có ác ý vì bất cứ lý do gì: thời gian, thời thế hoặc vì thái độ chính trị chủ quan. Riêng về trường hợp Đốc học Lê Bính do gia phả Lê tộc bị thất lạc thời chiến tranh Việt Pháp nên tiểu sử của ông nhiều phần bị thiếu sót. Tuy nhiên, cho đến đầu thế kỷ XXI này vẫn còn những chứng nhân đáng trọng, những chứng từ đáng tin và chứng liệu đáng quý giúp kẻ hậu sinh thuộc nhiều thế hệ học trò tìm hiểu về Đốc học Lê Bính, người đã chịu trách nhiệm dựng nền móng của công trình giáo dục Tân học và chữ quốc ngữ tại Quảng Ngãi.
B. TIỂU SỬ
Ông Lê Bính nguyên quán tỉnh Quảng Bình, tổ tiên vào Quảng Ngãi từ thời vua Minh Mạng khi cổ thành thuộc xã Chánh Mông (sau đổi là Chánh Lộ) vừa xây dựng xong khoảng đầu thập niên 20 thế kỷ XIX. Nhóm Lê tộc này ban đầu cư trú ở khu đất hẹp phía tây hào nước chảy quanh cổ thành, là một xóm nhỏ từ ấy đến nay vẫn giữ tên là xóm Gốc Gáo; về sau họ dời đến thôn Thạch Bích hướng trên Bàu Cả ở phía bắc-tây-bắc tỉnh thành, đây là sinh quán ông Lê Bính.
Ông sinh đầu năm 1887 tức là tháng Chạp năm Bính Tuất. Thời nhỏ ông cùng gia đình ra Huế khi thân phụ làm Đề lại (như chức Chánh văn phòng của một phủ huyện) ngoài ấy. Nhờ vậy ông được theo học Tân học và là một trong số những học sinh gốc Quảng của trường Quốc học Huế vừa được thành lập năm 1896 do ông Ngô Đình Khả làm Hiệu trưởng đầu tiên. Thời gian sau, ông Lê Bính được vào học trường Hậu bổ và đến năm 1913 ông được triều đình bổ nhiệm chức Đốc học tỉnh Quảng Ngãi nơi có học đường Tân học sắp được tiến hành xây dựng. Trước đó ông đã kết hôn với bà họ Phạm (là chi thúc bá của ông Phạm Văn Đồng) ở Mộ Đức; và trong 6 năm làm việc ở Quảng Ngãi, Đốc Bính sinh 4 người con là Lê Đinh, Lê Thị Nhu, Lê Thị Cang và Lê Bình (có 2 người con là dược sĩ Lê Ngọc Thạch và Lê Vinh Quang đã cung cấp tài liệu để viết phần tiểu sử này - hiện cư trú ở Sài Gòn).
Năm 1919, một năm sau khi kỳ thi bằng Tiểu học Pháp Việt lần đầu tiên được tổ chức ở tỉnh nhà và vào lúc các trường Sở đẳng Tiểu học ba lớp bắt đầu được xây dựng tại các phủ và huyện, Đốc Bính được triệu về Huế dạy ở trường Quốc học rồi chuyển sang dạy ở trường Sĩ Hoạn (École d’ Apprentis Mandarin) dạy học viên chuẩn bị ra làm quan (các trường này cũng giống như trường Quốc tử giám thời Nho học, hoặc trường Quốc gia Hành chánh thời Việt Nam Cộng Hòa sau năm 1955). Trong số nhiều môn sinh của Đốc Bính ra trường được bổ đi làm các quan Phủ và Huyện, có người về sau trở thành lãnh tụ Miền Nam là Ngô Đình Diệm. Thời gian dạy ở trường Sĩ hoạn, Đốc Bính cưới bà thứ thất họ Trương (nguyên quán Mỹ Khê, Sơn Tịnh) là cháu Quận công Trương Đăng Quế, và gia đình có thêm 2 người con trai.
Năm 1926, Đốc học Lê Bính bị bệnh qua đời nhằm ngày Rằm tháng Bảy năm Bính Dần ở tuổi 39. Chức vụ sau cùng của ông là Thị độc tương đương với chức Đốc học Tỉnh và hàm chánh ngũ phẩm như được ghi theo tùy táng (được các con cải táng từ Huế về chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn năm 1986), nhưng căn cứ theo bia mộ đầu tiên (thường được lập một thời gian sau ngày chôn cất) chức vụ được ghi là “Quang lộc tự khanh” là chức được truy thăng và có hàm tùng tam phẩm. Bà chánh thất họ Phạm của Đốc học Lê Bính mất năm 1976 ở Sài Gòn, bà thứ thất họ Trương mất năm 1978 ở Huế. Các con cháu không còn ai ở Quảng Ngãi sau năm 1975.
ĐẠM PHONG
(Trích Đặc san QUẢNG NGÃI Xuân Nhâm Thìn 2012
của Hội ĐH & TH Quảng Ngãi miền Nam California)
* * *
Xem các bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về homepage www.nuiansongtra.net