Đi Georgia
Sáng nay lúc 3 giờ 30 sáng ngày 30-7-2011, bị đánh thức từ điện thoại cầm tay báo động, tôi giật mình, tưởng đang còn ở Atlanta. À, vì sáng hôm qua tôi phải lên phi trường lúc 4 giờ để trở về lại San Diego, tôi đã để giờ báo thức, về nhà quên xóa, có lẽ vì quá mệt, tôi lại thiếp đi.
Sau khi ngủ một giấc dài, lấy lại sức, tôi vội cầm viết ghi lại những cảm tưởng trong ngày Đại hội Liên trường Trung học Quảng Ngãi được tổ chức tại Atlanta ngày 23-7-2011. Từ lúc em đại điện ở Houston từ chối không tổ chức ngày họp mặt tại Houston như lời em đã hứa trước Đại hội ở Orlando, Florida, tôi vội tìm một tiểu bang khác chịu đảm trách cuộc họp mặt giữa thầy trò Quảng Ngãi để khỏi bị gián đoạn. Trong thời gian 4 tháng, tôi liên lạc thường xuyên với các em ở Atlanta như Ninh, Sanh, Lâm, Quế Anh và Hoài; chỉ mình Hoài tôi chưa hề biết mặt vì Hoài thuộc lớp học sinh trẻ sau này, khi tôi đã rời Quảng Ngãi. Phạm Khánh Hoài đương kim Hội trưởng hội Đồng hương Quảng Ngãi Georgia nay kiêm nhiệm Trưởng ban tổ chức ngày Đại hội Liên trường. Chính vì vậy mà chiều thứ Bảy 23-7, lúc tôi đến địa điểm tổ chức, tôi đang chào hỏi bạn bè, học sinh, bỗng một người đến chào tôi, tôi vội xem bảng tên để biết quý danh, thì ra anh Phạm Khánh Hoài, Trưởng ban Tổ chức, thế là cô trò tay bắt mặt mừng, sau 4 tháng liên lạc qua điện thoại, bây giờ mới gặp nhau, vui làm sao!
Ban Đại Diện Liên Trường
(Tác giả bài viết đứng ở bục, cạnh quốc kỳ, nhìn ngang)
Giờ khai mạc đã đến, cũng như những lần trước, ngoài các phần nghi lễ, giới thiệu quan khách, giáo sư, học sinh, tặng quà cho giáo sư, chụp hình lưu niệm, nay thêm phần nêu lên những gương thành công của học sinh và con em. Ban Đại diện Liên trường Trung học Quảng Ngãi đã được thành hình và ra mắt trước Đại hội gồm 11 cựu học sinh sau đây: Tạ Cự Hải, Ngô Quang Tịnh, Nguyễn Đình Tiềm, Nguyễn Thượng Cường, Nguyễn Dzỏi, Nguyễn Kim Cúc, Phạm Khánh Hoài, Trần Phúc Sanh, Nguyễn Tấn Ninh, Hà Quế Anh, Bùi Kim Anh, Lê Quang Xướng, Phạm Doanh Châu và Hoàng Văn Thiệu. Anh Tạ Cự Hải, đại diện cho vùng Hoa Thịnh Đốn đã nhận cờ luân lưu và anh Hải đã giới thiệu các anh chị em ở vùng Washington D.C. hiện diện và sẽ ở trong ban tổ chức ngày họp mặt kỳ 5. Anh Hải cho biết ngày họp mặt thầy trò sẽ được tổ chức vào mùa hoa Anh đào năm 2013, nghĩa là vào khoảng cuối tháng Ba đầu tháng Tư năm 2013.
Lần họp mặt kỳ 4 nầy tôi hân hạnh được gặp thêm các bạn đồng nghiệp như anh chị Lê Quang Chưởng, anh Lê Nhuận, anh Phan Thành Kiển, anh Bùi Phổ. Phần học sinh, ngoài những khuôn mặt thân thương tôi đã gặp trong những cuộc họp mặt trước, nay gặp thêm các em Tâm (Tâm Tánh), Đông, Thông, Thạnh, Sơn, Trâm, Lan Hương, Kim Phụng, Lan Nương, Phương Thảo, anh chị Lục, anh chị Hưng từ Canada, Nguyệt Nhị v.v...nhiều lắm, quên tên mất, xin lỗi các em nghe, dù gì cô đã ở lứa tuổi “thất thập cổ lai hi”. Tôi cũng gặp các bạn sinh hoạt GĐPT ở Minnesota như Long và Lê. Vui nhất là có một cựu nam sinh đã ngoại lục tuần, lại quên tên, đứng dậy khiếu nại tôi vì bị tôi rầy oan trong chuyến đi chơi Mỹ Khê vào Hè 1959. Cám ơn em đã nhớ đến cô và kể lại chuyện ngày xưa, được em gợi lại kỷ niệm với cô Phương và các em, cô vui lắm. Và bây giờ cô xin lỗi em vì cô đã rầy oan em hai tiếng “lanh chanh”, trong lúc đó Bạch Bản ngồi cạnh “cười khoái chí” vì thấy cô bị học trò “tố khổ”. Tiếp tục chương trình là phần văn nghệ cây nhà lá vườn, khiêu vũ và bế mạc.
Picnic Hội Ngộ Liên Trường Kỳ 4 Atlanta
Ngày Chủ nhật, 24-7, tôi và cô Tình được Sanh đưa đến địa điểm họp mặt trước nhà hàng Nam Phương để tập trung đi picnic tại Stone Mountain Park. Ban tổ chức đã sắp xếp rất chu đáo từ miếng ăn, thức uống, chỗ ngồi nghỉ ngơi. Cảm ơn các thành viên trong gia đình của ban tổ chức (vợ con quí vị) đã tích cực tham gia, vui lắm lắm. Cô Tình và tôi đượcvợ chồng Châu đưa đến thăm nhà bà Margaret Mitchell tác giả truyện Cuốn theo chiều gió (Gone with the Wind). Chúng tôi đã chớp nhiều hình lưu niệm. Chiều lại, chúng tôi được Sanh đưa về thăm nhà Sanh cùng anh Thạc và Hương, anh Thanh, rồi đến nhà Ninh và dùng cơm tối tại nhà hàng Nam Phương.
Thứ Hai, 25-7, chúng tôi (cô Tình và tôi) được 2 em Long Hạnh (em tôi) đưa đi Florida, tắm biển tại Tampa, đến nhà Cúc ở Orlando được Cúc khoản đãi bún bò Huế. Ngày 27-7 trở lại Atlanta. Chiều đó tôi được gặp lại một số các em trong ban Tổ chức ngày Đại hội. Chúng tôi dùng cơm tối tại nhà hàng Nam Phương. Nhân dịp này tôi tỏ lời cảm ơn tất cả các anh chị em trong ban Tổ chức đã làm sống lại cuộc họp mặt thầy trò Quảng Ngãi.
Thứ Năm, 28-7, đưa cô Tình về San Jose, tôi còn ở lại và được đi xem chùa Ấn Độ, tối được đi ăn phở, lại gặp Hoài và cô con gái út. Cô gái Út của Hoài xinh lắm. Sáng 30-7, tôi về lại San Diego.
Tặng quà kỷ niệm đến thầy cô
Sau đó tôi được ban Tổ chức thông báo danh sách gởi tặng cho các giáo sư và học sinh còn ở lại quê nhà đang trong hoàn cảnh cần giúp đỡ. Thành thật cảm ơn tất cả các bạn đồng nghiệp, các cựu học sinh Quảng Ngãi đã quy tụ về tham dự Đại hội, đã đóng góp tiền bạc để ban Tổ chức có đủ điều kiện gởi quà tặng, tôi cũng rất cảm ơn các em trong ban Tổ chức Đại hội.
Tiếp đến nhận DVD ngày Hội ngộ, tôi chăm chú xem cho hết, xem xong thấy vui làm sao, nhưng cũng mệt làm sao! Vì ngồi yên xem liền 2 đĩa DVD. Rồi chuyện gì xảy ra: Các bạn đồng nghiệp gọi, học sinh gọi tới tấp, trả lời cũng vui những cũng “ê” miệng. Xem DVD mới thấy công phu của ban Tổ chức, nhất là của Trưởng ban, cảm ơn em nhiều lắm đó. Nhìn thấy các em nữ sinh trường Nữ nay đã là bà nội, bà ngoại nhưng em nào cũng xinh cả. Các em hát hay, nhảy đẹp, nói chung “quậy” quá xá, vui lắm phải không các nữ sinh già yêu mến của cô?
Những ngày ở Úc Đại Lợi
Sau 14 giờ bay, phi cơ đáp xuống Sydney, buổi sáng khí trời hơi lạnh, tôi và con tôi được taxi đón về khách sạn Rendez-vous. Còn quá sớm, không check-in được, chúng tôi dạo vòng quanh khu phố người Hoa tại đó. Thiên hạ đi bộ khá đông. Người ta đi làm phần nhiều dùng phương tiện xe lửa hoặc tàu điện, vì vậy không thấy kẹt xe vào giờ cao điểm. Chúng tôi vào một tiệm ăn Nhật, thức ăn sáng tại đây cũng có cơm trắng và cá nướng.
Sau khi vào khách sạn, nghỉ ngơi, tôi gọi điện thoại anh chị An và anh chi Do. Ngày trước hai anh đều là giáo sư trường Trần Quốc Tuấn. Anh chị An có 8 người con đã thành gia thất và một đàn cháu nội ngoại. Anh Do vì kén chọn quá nên mãi đến năm 47 tuổi mới chịu lập gia đình, cháu trai đầu sắp đám cưới, còn cháu trai nhỏ vừa tốt nghiệp đại học. Chúng tôi đã cùng anh chị An và anh chị Do đến phố Việt ăn thức ăn Việt Nam như phở An, bún bò Gia Hội...Sau hơn 50 năm gặp lại nhau chuyện trò mãi chẳng hết, mong gặp lại các anh các chị vào dịp Hội ngộ Liên trường vào mùa hoa Anh đào năm 2013 tại Washington D.C.
Tác giả (đứng giữa) cùng với các thân hữu chụp hình lưu niệm
Tại Sydney chúng tôi được đi xem hải cảng có nhà hát Con Sò, ăn trưa trên tàu chạy quay bến tàu, đi dạo bờ biển. Bốn ngày ở Sydney chấm dứt, chúng tôi đáp máy bay đến thành phố Cairns, phía bắc Sydney. Tại đây chúng tôi được xem san hô đủ màu sắc, xem đàn cá bơi lội dưới biển, xem trại chăn nuôi cá sấu. Mỗi ngày tại trại cá sấu, người ta giết hơn 2,000 con mới có đủ da cung cấp cho các nước Ý, Tây Ban Nha, Pháp. Tại đây chúng tôi cũng được đi xem sở thú đặc biệt có kangarou, koala. Bốn ngày sau chúng tôi lại tiếp nối cuộc hành trình đến Melbourne. Ở đây thời tiết lạnh hơn, chúng tôi được xem các thắng cảnh như Royal Botanic Gardens river cruise trên dòng sông Yarna, dạo phố Victoria Markets, thả bộ trên đường Collins với nhiều gian hàng rộng lớn. Đặc biệt ở Melbourne có những chiếc tàu lửa thời xưa được sửa lại để đưa du khách dạo khắp thành phố, trên đó có gian hàng ăn uống, vừa dùng tối vừa ngắm cảnh vật hai bên đường, thú vị lắm.
Rồi chúng tôi trở lại Mỹ sau 4 ngày ở Melbourne, thế là chấm dứt cuộc đi du lịch tại Úc Đại Lợi. Tôi được các con tôi đưa đi nhiều nơi, và tôi được ngắm nhiều kỳ quan trên thế giới, trên nước Mỹ. Có lẽ các cháu đã thay ba chúng để trả nợ cho tôi như bài hát mà Phạm Châu Nam trình bày trong ngày Họp mặt Liên trường kỳ 4 tại Atlanta “Anh còn nợ em!”.
LÊ THỊ ĐƯỜNG
(Trích Đặc san QUẢNG NGÃI Xuân Nhâm Thìn 2012
của Hội ĐH & TH Quảng Ngãi miền Nam California)
* * *
Xem các bài khác cùng chủ đề tại đây
Trở về homepage www.nuiansongtra.net