Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
NHỮNG TẬP TỤC THỜI CỔ ĐẠI CỦA NỀN VĂN HÓA VIỆT
THINH QUANG


Nói về Đạo Giáo thì Việt Nam là một trong những quốc gia thuần thành nhất mặc dù tôn giáo đến với xứ sở này sau đối với các quốc gia Ấn Độ, Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan... Ngay cả với Trung Quốc trước Đông Hán chỉ mới có Đạo gia mà vẫn còn chưa có Đạo giáo. Lúc bấy giờ nhân vật tiêu biểu cho Đạo gia Tiên Tần là hai nhân vật Lão Trang. Quan niệm về “Đạo” của cả Lão Tử lẫn Trang Tử dưới hình ảnh tiêu biểu là Lão Tử và Trang Tử để chỉ vào ý niệm nào đó, thuộc về siêu cảm giác, biết mà không nhìn thấy được, không nắm bắt được, không đụng chạm được và cũng chẳng hề nghe được âm thinh của nó...Thế có nghĩa Đạo gia là một triết thuyết mang tính thần bí không phải là Đạo giáo mà chỉ là một thứ chủ thuyết Duy Tâm cho dù Duy Tâm tự bản chất của nó thuộc về hữu thần luận...Vậy thì Đạo gia không phải là tôn giáo.

Từ Tần Thủy Hoàng mê tín thần tiên sai phái phương sĩ Từ Phúc mang theo hàng ngàn đồng nam đồng nữ dong thuyền ra bể cả cầu tiên đến Hán Võ Đế cũng mê tín và cho rằng đan sa của phương sĩ có thể thành vàng...rồi ra lệnh phương sĩ luyện đan nuốt vào bụng...Người Trung Quốc từ ngàn xưa tin vu thuật, có thể làm trung gian giữa Người và Thần giao lưu nhau hay áp dụng linh vu để đoán biết điều lành điều dữ...

Gần đây các cuộc khai quật được các di chỉ đã xác minh Việt Nam cũng như Chiêm Thành có một nền văn minh cổ đại, mà Sĩ Nhiếp là người đã có công khai phá ra dòng tư tưởng chúng ta đang thừa hưởng ngày nay. Việt Nam chịu ảnh hưởng tư tưởng của Khổng - Lão Trung Hoa qua việc làn sóng Nho giáo từ phương Bắc tràn xuống cùng lúc với Phật giáo do Khang Tăng Hội mang lại từ Tây Bắc Ấn Độ vào.

Ý thức hệ Tam giáo Nho-Đạo-Thích coi như là thích nghi với dòng tư tưởng sẵn có của người Việt vốn có trước khi chịu ảnh hưởng của Tam giáo, chứ không phải từ sự chịu ảnh hưởng Tam giáo trước mới phát sinh ra dòng tư tưởng Việt.

Trong thời gian gần đây các nhà khảo cổ học còn khám phá thêm được những di vật từ ngàn xưa qua công trình khai quật một số di chỉ khảo cổ thuộc văn minh Óc Eo tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Bản tin theo AFP đánh đi cho biết: Sau gần 2 tháng khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy di chỉ mộ táng và rất nhiều di vật ở khu vực Giồøng Lớn thuộc xã đảo Long Sơn (Vũng Tàu).

Di chỉ mộ táng nằm ở độ sâu 0.8m - 1.4m ở 5 hố khai quật có tổng diện tích 350 m với hai loại hình là mộ nồi và mộ đất. Tại 3 trong số 5 hố, các nhà khảo cổ tìm thấy 5 chiếc mộ nồi có đường kính thân từ 35 đến 50cm, có thân xuôi hoặc gãy, đế hình cầu, phía trên khắc trên mặt vách.

Khác với mộ nồi, 49 chiếc mộ đất được tìm thấy cả ở 5 hố. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn nhận ra một số dấu vết của xương cốt đã bị mềm nát. Đây là lần đầu tiên các chuyên gia khám phá ra xương cốt khi khai quật các di chỉ ở Bà Rịa, Vũng Tàu tại miền Nam Việt Nam.

Tại các khu mộ này các nhà khảo cổ còn tìm thấy dấu vết tro than xung quanh các cụm gốm. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết đây có thể là một hình thức táng tục của người thời đó hoặc là những tàn đuốc lưu lại khi đem người đi chôn vào ban đêm.

Đoàn khảo cổ cũng đã thu lượm được 1.638 hiện vật bằng các chất liệu như gốm (nồi, bình, vò, bát bồng, mâm bồng...), đá, thủy tinh (vòng đeo tay, khuyên tai, hạt chuỗi đeo cổ), sắt (thanh kiếm, dao găm, dao nhỏ lưỡi cong, giáo sắt) và luôn cả vàng.

Vào năm 1930 tại Thu Xà cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi mười cây số ngàn về hướng Đông, người dân địa phương cũng tìm thấy các cổ vật của người Chiêm Thành tại ngay giữa dòng sông Vực. Các cổ vật này gồm các hình tượng được điêu khắc rất công phu. Ngoài các hình tượng còn tìm thấy các báu vật như ngọc ngà, vàng bạc, các chum tiền đồng của các đời vua, tiếc thay không ai được giữ lại đồng nào, nên không thể biết được đó là tiền của các triều đại ta hay tiền đúc từ các vua Chiêm Thành lúc đó?! Luôn cả các tấm bài ngà chạm trổ hình ảnh các con quái vật, các kỳ lân, hình ảnh của các sư tử, các mãnh hổ... các con mãnh xà... Đặc biệt có cả các cự thạch bi liên quan đến tôn giáo của người Chàm. Cũng vào khoảng thời gian 1933 đến năm 1937 tại khu Rừng Cấm làng Tân Quan sau này sáp nhập với làng Phước Long nay thuộc xã Nghĩa Hòa thuộc quận Tư Nghĩa, Quảng Ngãi dân cư trong vùng tìm thấy một ngôi mộ cự thạch chôn cất các hình tượng bằng đá được điêu khắc hình dáng cổ quái đượm màu huyền bí. Ngoài ra còn có các chậu làm bằng gốm đựng đầu lâu cùng một số xương sắp hóa thạch hoặc những pho tượng của các vị thần nam, thần nữ. Các tượng này làm toàn vàng ròng!

Việt Nam có không ít các chuyện cổ tích như thành Cổ Loa với Ngọc Tỉnh tức Giếng Ngọc hoặc núi Lạn Kha, chùa Vạn Phúc hay Từ Sơn với đền Lý Bát Đế... nhất là hội Lim với tục hát Quan Họ... núi Long Khảm với chùa Bách Môn, hoặc núi Bát Vạn với phong cảnh nhất lãm, núi Giạm với đền thờ Ỷ Lan, hay Tiên Du với câu chuyện lên Cõi tiên của Từ Thức...chẳng hạn.

Tại miền Trung như đã nói Quảng Nam có Hòn Non Nước tức Ngũ Hành Sơn có nhiều hang động thiên nhiên, với cả công trình điêu khắc tuyệt vời. Quảng Ngãi thì có Chùa Hang Phú Thọ, có đường lên Trời, có nẻo về Âm Phủ, có núi Ông Rau với Ngài Thạch Động hay Ngài Tùng Sơn là các vị Địa Tiên tu hành ở hang động đắc đạo vào thập niên đầu của thế kỷ 20! Đạo Tiên xuất hiện từ khá lâu, có thể từ Bắc Việt du nhập vào phố cổ Hội An và từ nơi này lại truyền đạt đến Phố Thu - lúc bấy giờ là mảnh phố nhỏ thuộc địa Pháp - khu trung tâm thương mại tại miền Nam Trung Bộ. Đạo tu tiên do nhóm nhân sĩ thành lập, thường cầu đảo các vì Tiên Ông giáng cơ hoặc để luận bàn về thời cuộc, hoặc để cho linh dược đối với các bệnh hiểm nghèo. Các nhà hâm mộ văn chương thi phú cùng với các tiên ông (nhờ xác đồng tỉnh) xướng họa, cầu đảo! “Đồng Tỉnh” - tức xác đồng không mê - các vì tiên chỉ nhập vào cánh tay của “xác đồng” chuyện vãn hay làm thơ xướng họa. Các “Tiên Ông” giáng bút nhập vào cây cọ và chính cây cọ qua sự chuyển động của cánh tay xác đồng viết lên chiếc mâm đồng đặt ngay trước mặt. Trường hợp người phụ bút không đọc được các chữ khó nhận ra thì Ngài Thạch Động hay Ngài Tùng Sơn - là những vì địa tiên giáng vào cơ bút - bằng vào miệng lưỡi của người ngồi đồng - giúp đọc lên thay vì cho người phụ bút....

Nhiều tục lệ có tính sùng thần thánh xuất hiện tại Miền Bắc Việt Nam như các vùng Lũng Giang, Lũng Sơn hay tại Tiêu,Viềng, Nưa, Bịu... mở hội ở núi Hồng Vân quanh năm mây ửng màu hồng trông chẳng khác nào cảnh Non Bồng Nước Nhược. Núi này ở tại làng Lim, đó là từng núi thứ nhất trong năm tầng tại dãy Phật Tích.

Trong “Việt Nam Cổ Văn Học Sử” của Nguyễn Đổng Chi có ghi lại đoạn các nam thanh nữ tú của các bộ lạc tụ họp về cùng nhau ca hát như sau: “Vào những ngày hội hoặc ngày tế Thần thường là mùa xuân, xa ngày cấy hái, trai gái các bộ lạc, thôn ấp thường tụ tập lại một nơi, đặt ra lời ví hát ghẹo nhau, trong khi gẩy đàn, thổi sáo, đánh trống, múa nhảy hay là bày các trò vui như lối hát Quan họ ở hội Lim (Bắc Ninh) hát Dặm (Nghệ Tĩnh)”.

Những lời hát đối đáp thường giữa nam và nữ trêu ghẹo nhau, như lời lẽ trong các câu từ bên nam đưa ra để xin làm quen bằng cái bắt tay cầu thân:

Anh xin em,
Cho tay cầm tay,
Cho vai kề vai,
Hãy xích lại đây,
Hãy sát lại đây,
Dù anh chẳng được hơn người,
Để cho sa nhân mọc cạnh cánh gừng,
Hỡi người thục nữ,
Xin đừng lánh xa ra
Trước khi em xuất gia...”.

Và bên nữ đáp lại một cách e dè, lúc nào cũng giữ cái tư cách của mình, mặc dù trong thâm tâm các cô nàng cũng muốn nắm lấy tay chàng, nhưng những sợ cha mẹ rầy la, làng xóm chê cười:

Hỡi chàng quân tử của em ơi,
Nay em sàm sỡ
Sợ làng nước chê cười em trăng hoa...v.v..

Tác giả còn ghi hình ảnh của các lễ hội trong động Thẩm Lệ có tính làm cho đậm nét thần thoại:

“Những hội hè ấy, nếu thiếu thì mùa màng không tốt, lúa không mọc. Chính vào lúc người ta vừa xua đuổi khí độc của mùa đông đi rồi mới có cuộc phối hợp giữa thanh niên thiếu nữ. Sự phối hợp giữa họ với trời, có mục đích như khích động sự phát triển khí dương xuân...”.

Tinh thần dân tộc Việt vốn hướng về siêu nhiên, từ Con Rồng Cháu Tiên đến Sơn Tinh Thủy Tinh, hay chuyện Vua Nam Chiếu con của Rái Nước một thời làm cho Bắc phương phải kinh hoàng, đến chuyện Bà Chúa Liễu Hạnh, con Ngọc Hoàng Thượng Đế một trong hàng ba tiên nữ từ cõi Thiên Cung Lão giáo giáng xuống giữa phàm trần v.v…

Trong Revue Indochinoise - Mai - 1928 của Alfred Meynard nói về các lễ hội hành hương tại miền Bắc Việt có đoạn: “Tục lệ tín ngưỡng ở Việt Nam đã pha trộn và thâu tóm thần bí tâm linh của Phật giáo với chủ nghĩa ma thuật (magique). Lão giáo thì dành phương tiện vô hình của thiên nhiên.

Sự thờ phượng Thánh mẫu dành cho phụ nữ, họ có một đức tin mãnh liệt nơi những bà đồng đồng trinh biểu thị cho khả năng môi giới thần linh. Họ có một tổ chức có hệ thống để lãnh đạo. Những người có tuổi cùng nhau đèn nhang chăm nom bàn thờ Thánh Mẫu và có nghi lễ cúng kiến có tính cách ma thuật để kỷ niệm NgàyThánh Mẫu hay một vị thần linh của Tam phủ cũng được phụng thờ ở đây...

Và cũng trong bài này Alfred nhìn nhận rằng quan niệm về thần bí với cõi trần giữa Đông và Tây giống như nhau. Ông cho rằng rồi thì cuối cùng nó cũng qui về một điểm, chẳng có gì là phức tạp cho lắm như chúng ta từng nghĩ. Phương Đông thì đem cái vô hình xuống cõi trần thường nhật của mình. Họ nghĩ rằng cái thế giới huyền bí đó luôn luôn quanh quẩn bên họ. Trong lúc người phương Tây thì nhởn nhơ sống bên lề cái vô hình, với họ không tha thiết lắm, đôi lúc còn phủ nhận nữa!

Điều đặc biệt là ngày Hội Thánh Mẫu Liễu Hạnh không thuộc vào bất cứ tôn giáo nào, tuy nhiên hàng năm đều có sự qui tụ các bà từ khắp miền Bắc Việt và một phần các tỉnh miền bắc Trung Việt nhất tề kéo nhau đi hành hương... Họ tập trung để cùng rước sắc, rước kiệu từ vùng này đến vùng kia, lũ lượt kéo nhau đi, đông đảo còn hơn cả những ngày hội lớn khác. Sự tập hợp này cho thấy tinh thần sùng kính của những người phụ nữ ta đối với Thánh Mẫu đến dường nào! Hàng hàng người cùng đi, cùng lâm râm cầu nguyện, tai lắng nghe tiếng trống, tiếng chiêng, mắt đăm đăm nhìn những làn khói hương bốc lên tỏa ra mịt mù, mùi thơm ngào ngạt...

Họ lắng tai nghe thưởng thức những điệu nhạc buồn cùng với những giọng cung văn trầm trầm vang vọng đến. Các bà đồng múa may tại chỗ trong vài ba phút ngắn ngủi. Bước chân họ run run nhưng không kém phần uyển chuyển. Họ giơ ngang cánh tay. Ngón tay họ chỏ xuống mặt đất. Họ nói lên những lời toàn khó hiểu, ấy thế mà mọi người như cố lắng nghe một cách vô cùng kính cẩn... Chỉ những bà đồng đồng trinh này mới được vinh dự kề vai mình vào những cái bàn được kết đầy hoa thơm cỏ lạ...quanh những chiếc rương hòm đựng quần áo sặc sỡ... Đặc biệt có đến mười sáu bà đồng được chọn mặc khăn chầu, áo ngự thật sặc sỡ dáng dấp trang nghiêm, bước những bước đi giật lùi trước bàn kiệu Thánh...Tiếp đến là mười sáu bà đồng bước theo sau vây quanh võng người đồng được bầu lên làm lãnh đạo. Các bà đồng này có nhiệm vụ rắc hoa, xông trầm v.v...Tất cả đều có cử động nhịp nhàng nghiêm trang, đẹp mắt...Các bà bước đi như thể theo từng nhịp phách, khi chạy, khi dừng, lúc chậm, lúc mau...Ngai của Thánh Mẫu trên vai uyển chuyển rung động qua từng nhịp bước theo rừng cờ lọng...Ôi! đẹp đẽ làm sao! Nghiêm trang làm sao! Tất cả biểu diễn thật thuần thục, trông như thể họ đang diễn xuất trên sân khấu...”.

Trẩy Hội Hành Hương với dân tộc Việt là một dịp để bày tỏ lòng tôn kính của mình mà cũng vừa là dịp vào những ngày đầu xuân. Họ gặp nhau trong sự tôn kính hỏi han nhau trong niềm vui bất tận. Tất cả đến đây để đón nhận sự thiêng liêng của đất trời trở về với tất cả lòng kỳ vọng riêng tư của mình trong những ngày hội lớn đầu xuân...

Sau Tết một tháng tức ngày Mồng Một tháng Hai hằng năm tại ngôi Chùa Bà tức Chùa Bà Mụ cạnh ven dòng sông Vực thuộc phố Thu Xà là ngày hội của các phụ nữ bốn phương trong tỉnh tụ họp về cúng bái để Tạ Ơn và đồng thời cũng là ngày các bà muộn con đến xin Cầu Tự?

THINH QUANG

Trích Đặc san QUẢNG NGÃI Xuân Nhâm Thìn 2012
của Hội ĐH & TH Quảng Ngãi miền Nam California)

* * *

Xem các bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về homepage www.nuiansongtra.net  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh