1913-2012: Kỷ Niệm Năm Thứ 100 Thành Lập
Học Đường Tân Học Tại QUẢNG NGÃI:
LƯỢC SỬ GIÁO DỤC TÂN HỌC THỜI ĐẦU TIÊN 1913-1933
TẠI QUẢNG NGÃI
Phạm Đông Văn
I. SƠ LƯỢC VỀ BỐI CẢNH PHÁT TRIỂN CỦA GIÁO DỤC TÂN HỌC & CHỮ QUỐC NGỮ TẠI VIỆT NAM:
“Lâu nay cái học thi cử làm cho người ta sai lầm, ta nghĩ văn chương vốn không có qui củ nhất định, mà nay những văn cử nghiệp chỉ câu nệ cái hư sáo, khoe khoang lẫn với nhau, biệt lập mỗi nhà một lối, nhân phẩm cao hay thấp do từ đó, khoa tràng lấy hay bỏ cũng do từ đó. Học như thế thì trách nào nhân tài chẳng mỗi ngày một kém đi. Song tập tục đã quen rồi khó đổi ngay được, về sau nên dần dần đổi lại.”
Trên đây là lời phê phán đáng ngạc nhiên của vua Minh Mạng (1820-1840) cách nay đã gần 200 năm về nhược điểm và sự lạc hậu của Nho học vốn thiếu thực dụng nên cản trở cho sự phát triển của đất nước, lời vua được ghi lại trong bộ Quốc Triều Chính Biên được dịch sang quốc ngữ thời vua Khải Định (1916-1925). Vua Minh Mạng cũng đã khuyến cáo nên có sự thay đổi nhưng lại không nêu ra một kế hoạch nào. Rồi sự thay đổi đã xảy ra như ý nguyện của nhà vua, nhưng nội dung của sự thay đổi chắc chắn ngoài sự tưởng tượng (nếu có) của vua: Đó là từ cựu học từ chương sang tân học thực nghiệm, Hán văn được thay thế bằng Pháp văn và chữ quốc ngữ trong học đường Việt Nam.
Điều khá bất ngờ sự thay đổi lại do thực dân Pháp chủ xướng và thực hiện sớm có kết quả; tất nhiên chỉ với mục đích để dễ bề cai trị khi xâm chiếm và áp đặt chế độ thuộc địa ở Nam Kỳ, là vùng đất mới được khẩn hoang do những người Việt gốc miền Trung và Bắc ưa mạo hiểm lại không quá thủ cựu. Chữ Pháp và chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ chính thức được sử dụng thay chữ Hán từ năm 1878, và trước đó các khoa thi Nho học cũng đã bị bãi bỏ từ năm 1864. Tuy nhiên ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ thuộc vùng do Pháp bảo hộ, nơi triều đình còn có một phần quyền hành, sự thay đổi lại chậm hơn hẳn.
Học đường tân học dạy Pháp ngữ và chữ quốc ngữ căn bản đầu tiên là trường Quốc học Huế đến năm 1896 mới được thành lập; và mãi đến năm 1919 các khoa thi Nho học, từ hàng ngàn năm trước đó đã cung cấp các nhà khoa bảng để làm quan cho triều đình, mới bị bãi bỏ. Điều bất ngờ khác nữa là khi triều đình còn dò dẫm trong việc cải cách, một số nhà khoa bảng nổi danh như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng v.v... vốn chủ trương chống thực dân Pháp cụ thể như vụ biểu tình chống thuế năm 1908 đã tích cực vận động thực hiện giáo dục tân học cũng như dạy chữ quốc ngữ, và được cả nước hưởng ứng.
Tuy chậm chạp, chữ quốc ngữ là loại chữ ghép bằng các mẫu tự ABC để diễn tiếng Việt, được các giáo sĩ Gia Tô sáng tạo đầu tiên chỉ để diễn dịch kinh sách trong nhà thờ, dần dần trở nên thông dụng vì dễ đọc và dễ viết, đã trở thành môn học phụ trong nhà trường từ Trung ra Bắc từ năm 1910, và đến năm 1933 chữ quốc ngữ được coi là một môn học ngang hàng với Pháp ngữ ở bậc tiểu học. Tuy vậy ngay từ đầu thế kỷ XX, chữ quốc ngữ đã phát triển rất nhanh và nổi bật tính cách phong phú như được thấy rất sớm những công trình văn hóa giáo dục và báo chí đặc sắc: Nam Phong tạp chí của Phạm Quỳnh, Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh, Quốc Văn Giáo Khoa Thư của Trần Trọng Kim v.v...Tiếp theo, chỉ trong khoảng thập niên 1930 hàng trăm tác phẩm chữ quốc ngữ giá trị của phong trào văn thơ mới của rất nhiều cây bút tài danh đã được độc giả khắp nơi nhiệt liệt chào đón ; do đó, chính những tác phẩm đặc sắc ấy cũng đã góp phần truyền bá chữ quốc ngữ sâu rộng hơn nữa.
Như vậy, tân học đã thay cho cựu học lỗi thời trong việc giáo dục để truyền đạt kiến thức mới, đặc biệt là khoa học kỹ thuật cần thiết cho sự tiến bộ và phát triển của đất nước. Riêng chữ quốc ngữ từ khi được sử dụng trong giáo dục, thi cử, văn học, văn kiện hành chánh đã chính thức trở thành văn tự riêng có thể diễn âm trực tiếp Việt ngữ, chấm dứt một nghịch lý đã kéo dài suốt thời Bắc thuộc sang một phần thời Pháp thuộc: người Việt vẫn có tiếng nói riêng nhưng lại viết chữ Tàu! Rõ ràng chỉ có chữ quốc ngữ mới thực sự phát huy được giá trị của Việt ngữ và củng cố giá trị đặc thù của văn hóa văn học Việt Nam ; điều mà chữ Nôm, với cách viết quá phức tạp lại chỉ phổ biến trong giới thiểu số có học không thể làm được, và là điều mà chữ (của người) Tàu không bao giờ làm được!
Tóm lại, công trình thực hiện tân học và giáo dục chữ quốc ngữ trong học đường Việt Nam, không hẳn chỉ do người Pháp đề xướng mà còn có sự chủ động tích cực của người Việt Nam gồm cả giới cựu học yêu nước và thức thời. Không những là một cuộc cải cách quan trọng mà là một cuộc cách mạng học thuật và văn hóa vĩ đại, từng bước dứt bỏ ảnh hưởng Tống nho, mở đầu một kỷ nguyên văn học chữ quốc ngữ mà chỉ trong vài chục năm sớm nhất đã là một thời kỳ đặc sắc cả phẩm lẫn lượng đáng gọi là hoàng kim của văn học sử Việt Nam.
II. LƯỢC SỬ 20 NĂM ĐẦU TIÊN NỀN GIÁO DỤC TÂN HỌC TẠI TỈNH NHÀ
A. Những chứng nhân cùng tài liệu và hình ảnh về Giáo Dục từ 1913 – 1933:
Cách đây 8 năm, chúng tôi đã sưu tầm tài liệu để viết bài biên khảo Trường Tiểu Học Quảng Ngãi Thời Nửa Đầu Thế Kỷ XX và đăng lần đầu trên đặc san Quảng Ngãi Nam Cali Xuân Ất Dậu (2005); nay nhân kỷ niệm 100 năm Giáo dục Tân học của tỉnh nhà, chúng tôi lại có dịp trình bày một đề tài khác bao quát hơn, có tựa là “Lược sử Giáo dục Tân học & chữ Quốc ngữ thời đầu tiên 1913-1933 tại Quảng Ngãi”, cũng dựa vào những tài liệu cũ nhưng có điều chỉnh và được bổ sung. Những ai muốn tìm hiểu về sự phát triển giáo dục của tỉnh nhà trong 20 năm đầu tiên của học đường Tân học, sẽ có được những tài liệu và số liệu đã được kể và viết lại trong một số tác phẩm của chính người trong cuộc, không chỉ là chứng nhân mà còn đóng vai trò và có trách nhiệm trong những trang lịch sử giáo dục quan trọng ấy.
Đáng nói và đáng giá hơn nữa, người viết bài này đã may mắn được trao cho những hình ảnh và chứng tích hiếm hoi khi được tiếp xúc với nhiều vị lão thành trong những năm từ 2001 đến 2004, trong số đó có 2 vị đã ngoài trăm tuổi, 3 vị tuổi gần chín mươi, và nhiều vị khác đã quá bát tuần. Tất cả quí vị ấy đều là người bản tỉnh, và đã lần lượt dự phần trong công cuộc giáo dục tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 1913-1933:
* Nhà giáo Võ Đình Dương (Thị xã Quảng Ngãi, 1901-2007) thường được gọi là thầy Trợ Dương cho biết (qua người thứ nam là ông Võ Hữu Giai) từng là một trong số những cựu học sinh đầu tiên vào học lớp Năm của trường Tiểu học Quảng Ngãi khi trường vừa thành lập từ niên khóa 1913-1914. Cụ có một người bạn học cùng tuổi (104 tuổi) năm ấy còn sống ở Nha Trang, nguyên là hiệu trưởng Trung học Lê Khiết Quảng Ngãi và Trung học Võ Tánh Nha Trang, là Đốc học Nguyễn Vỹ cũng gọi là Đốc Vỹ (quê Nghĩa Hành). Riêng nhà giáo Võ Đình Dương sau khi đậu Tiểu học vào năm 1918 đã ra Huế học khóa Sư phạm và được bổ nhiệm dạy ở trường Sơ đẳng Tiểu học Hải Lăng Quảng Trị, nhưng từ năm 1920 về dạy ở trường Tiểu học Quảng Ngãi (THQN), cho đến năm 1931 chuyển sang làm viên chức văn phòng Giáo dục Tỉnh (cũng ở trong khuôn viên trường Tiểu học tỉnh thành).
Cụ giáo Võ Đình Dương đã cung cấp danh tính các vị Thầy từ năm 1913 đến năm 1918, và các vị Thầy đồng nghiệp từ khoảng 1920 đến 1927 có ghi rõ quê quán và lời chú thích kèm theo bức hình chụp tại sân trường THQN (trong khu thành cổ) vào năm 1922. Cụ giáo Võ Đình Dương còn cho biết rất chi tiết nhiều sự kiện và biến cố liên quan đến giáo dục ở Quảng Ngãi vì cụ còn phục vụ trong ngành đến khi về hưu năm 1961.
* Cựu học sinh Nguyễn Vỹ (Đức Phổ, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, 1910-1971) thuộc thế hệ cựu học sinh thứ hai là học trò của nhà giáo Võ Đình Dương thế hệ thứ nhất. Tuy Nguyễn Vỹ qua đời đã lâu nhưng còn để lại “chứng tích thời đại” là “Tuấn – Chàng trai nước Việt” (quyển 1 & 2, Nhà Xuất Bản Chiêu Dương, Saigon, 1971) trong đó có chứng tích liên quan đến trường THQN là nơi ông theo học 5 năm từ năm 1919 đến 1924. Cùng thời với Nguyễn Vỹ có cựu học sinh Nguyễn Tiên (Nghĩa Hành, 1911-1977) thường được gọi là Tú Tiên là nhà giáo từng đảm nhận chức vụ hiệu trưởng trường Trung học Bình Dân và Trung học Lê Khiết. Một cựu học sinh trường THQN khác là Nguyễn Trọng Trí (tức nhà thơ Hàn Mặc Tử, 1912-1940) và người em là Nguyễn Bá Tín cũng đã tùng học ở trường này khoảng 2 năm từ 1923 khi thân phụ của họ làm việc ở sở Thương chánh Sa Kỳ; người em có nhắc đến vài vị Thầy vào thời ấy, và đặc biệt kể những kỷ niệm những chiều cuối tuần nghỉ học hai anh em băng qua bãi cát sông Trà từ hướng bến Tam Thương về nhà ở Sa Kỳ về sau được Hàn Mặc Tử nhắc lại trong bài tùy bút Chơi Giữa Mùa Trăng (nguồn: Hàn Mặc Tử, Anh Tôi, đăng trên website Đặc Trưng ngày 6/3/2006)
* Cựu học sinh Phan Quang Đại (Sơn Tịnh) cùng 2 vị khác là Phạm Am (Sơn Tịnh) và Nguyễn Đắc Ngọc (nhà sách Thanh Tịnh, Quảng Ngãi) khi kể lại chuyện xưa, và khi riêng cựu học sinh Phan Quang Đại viết hồi ức đăng trên Đặc san Quảng Ngãi năm 2003 (Trường Xưa Thầy Cũ) thì cả ba vị học trò thế hệ thứ Ba của trường THQN (1925-1933) đã gần 90 tuổi. Thế hệ nầy được chứng kiến những sự kiện mới: bắt đầu có thêm kỳ thi Sơ đẳng Tiểu học cho học sinh đã qua lớp Ba, bậc Tiểu học Pháp-Việt có 6 lớp thay vì 5 như từ trước, trường THQN dời ra địa điểm mới ở ngoại thành gần Cống Kiểu, địa điểm cũ trở thành trường Sơ đẳng Tiểu học dành cho nữ sinh đầu tiên ở Quảng Ngãi.
Cựu học sinh Phan Quang Đại và Phạm Am kể lại những biến cố chính trị (phong trào Cộng sản nổi lên trong tỉnh sau năm 1930) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học hành thi cử. Đặc biệt, cựu học sinh Phan Quang Đại đã ghi lại đầy đủ danh tính các vị Thầy dạy các lớp đã có phần khác với danh tính những nhà giáo ghi trong tấm hình chụp năm 1922, ông còn kể tên nhiều học trò cùng lớp và cùng trường trong những năm trước và sau 1930, thậm chí ông còn nhớ nhiều chi tiết để vẽ bản đồ vị trí trường THQN và tất cả các cơ quan quân sự, hành chánh trong nội thành; nhưng giá trị nhất ông còn giữ được mẫu bằng cấp năm 1932, trong đó có ghi đầy đủ các Nghị định của các giới chức Pháp liên quan đến công cuộc giáo dục toàn quốc và của riêng ở Trung kỳ và Bắc kỳ Bảo hộ, các dấu ấn ký trong tấm bằng cũng chỉ ra những viên chức Pháp và Việt liên quan đến ngành giáo dục.
* Cựu học sinh Trần Dũ Khiêm (nhà văn Thinh Quang, Thu Xà) và các vị khác như Hồ Văn Đồng (1922-2006, nhà báo), Vũ Quang Bình (nhà giáo và cũng là nhà thơ bút hiệu Vũ Quỳnh Bang) (được coi là thế hệ cựu học sinh nối tiếp sau cựu học sinh Phan Quang Đại và Phạm Am) sang đầu thế kỷ XXI cũng đã ngoài 80 tuổi và vẫn còn tráng kiện. Ba vị được nêu danh tính trên theo thứ tự là cựu học sinh trường tư thục Mai Xưa, cựu học sinh trường THQN và cựu học sinh trường Tiểu học Bình Sơn.
Đặc biệt cựu học sinh Trần Dũ Khiêm vốn có liên hệ thân tộc nên đã thuật lại lai lịch của Đốc học Lê Bính, nguyên là vị quan Đốc học tỉnh kiêm Hiệu trưởng đầu tiên của trường THQN lúc ấy là ngôi trường Tân học trong tỉnh vừa được thành lập. Sau đó, tiểu sử của Đốc học Lê Bính lại được bổ túc do 2 chị em Lê Ngọc Thạch và Lê Quang Vinh (hiện ở Sài Gòn) là cháu nội, hai người này cũng cung cấp một bức hình chân dung của Đốc học Lê Bính.
* Cựu học sinh Lương Lịch (Nghĩa Hành, tức nhà thơ Phương Đình Lương Thế Lịch) theo học trường THQN từ năm 1937 đến 1942 đã cung cấp mẫu bằng Sơ học Yếu lược ký năm 1939. Trên mẫu bằng này có ghi 3 Dụ của vua Bảo Đại ký từ năm 1932 và 1933, 2 Nghị định của Toàn quyền Pháp ở Đông Dương và Khâm sứ Trung kỳ ký năm 1933. Đây là những chứng từ quan trọng về những cải tổ giáo dục ở Việt Nam và nói riêng ở Quảng Ngãi thuộc Trung kỳ Bảo hộ, xác định chính phủ Việt Nam có nhiều quyền hành hơn trước vốn do Pháp chủ động.
* Tuần vũ Nguyễn Bá Trác (Quảng Nam, 1881-1945) là quan đầu tỉnh ở Quảng Ngãi từ năm 1930-1933, đã viết tác phẩm Quảng Ngãi Tỉnh Chí – cũng là tập ngự lãm trình vua Bảo Đại khi vua tuần du tỉnh nhà vào năm 1933 – và đăng trên Nam Phong tạp chí của Phạm Quỳnh từ số 181 đến 186. Trong Quảng Ngãi Tỉnh Chí có phần quan trọng trình bày về sự phát triển của giáo dục Tân học, dưới tiểu đề IV Giáo Dục từ trang báo 474 (giấy khổ lớn 21,50cm x 27,50cm) đến trang 478 trong số báo 184 xuất bản năm 1933, có khá đầy đủ chi tiết về các sự kiện và số liệu về hành chánh giáo dục từ năm 1913 đến 1933 như: số lượng các trường học trong tỉnh, các chức vụ ngạch hạng của giáo viên, số lượng học sinh, việc thi cử và bằng cấp, ngân sách giáo dục, các biểu đồ phát triển v.v...
* * *
Lịch sử giáo dục Tân học ở Quảng Ngãi thời kỳ 20 năm đầu tiên từ 1913-1933, như vậy sẽ được ghi lại khá chính xác sau gần một thế kỷ, nhờ những vị đã có vai trò khác nhau ở các học đường tỉnh nhà và đã sống thọ ngoài trăm tuổi mà vẫn còn minh mẫn – ở các tỉnh khác chắc khó còn những chứng nhân quí hiếm như thế. Lại có những chân dung và hình ảnh xưa đến 90 năm, bản đồ cùng các mẫu bằng cấp và danh tính của quí vị thầy trò ở Quảng Ngãi, xưa hơn 80 năm. Ngoài ra, có phần trình bày về giáo dục trong 20 năm trong Quảng Ngãi Tỉnh Chí là tác phẩm địa phương chí đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam trong suốt nhiều thập niên (sách Non Nước Xứ Quảng của Phạm Trung Việt là địa phương chí thứ hai ở miền Trung và Nam Việt Nam xuất bản năm 1962). Và, chắc chắn cũng rất hy hữu nếu trên bất cứ ngôi trường nào ở Việt Nam lại có câu chuyện kể chi tiết về 5 năm bậc Tiểu học từ năm 1919 đến 1924 như cựu học sinh Nguyễn Vỹ.
Tất cả những sự kiện nêu trên sẽ được đối chiếu, phân tích và tổng hợp trong phần trình bày tiếp theo.
B. Học đường Tân học 20 năm đầu tiên:
Trong khoảng thời gian tròn 20 năm này, mọi công trình giáo dục ở Quảng Ngãi, hoặc nói chung ở Trung kỳ từ năm 1933 trở về trước, đều dưới quyền điều động của các viên chức Pháp; người Việt có phụ trách việc giảng huấn nhưng tất cả chỉ là cấp thừa hành. Căn cứ vào những sự kiện tuần tự xảy ra liên quan tới việc xây dựng, phát triển, cải tổ từ ngôi trường duy nhất cũng là chiếc nôi của giáo dục Tân học tỉnh nhà, cho đến khi cả một hệ thống học đường được thành lập khắp tỉnh, có thể chia ra ba thời kỳ với những đặc điểm riêng đáng kể.
* Thời kỳ 1 (1913-1920): Một ngôi trường duy nhất
Lịch sử giáo dục Tân học của tỉnh Quảng Ngãi khởi đầu từ năm 1913, Quý Sửu, niên hiệu Duy Tân thứ 6, tại một ngôi trường lúc ấy là học đường Tân học duy nhất. Trường có tên chính thức bằng tiếng Pháp ghi trên bảng trước cổng: École Officielle de Quang Ngai, tạm gọi là trường Tiểu học Quảng Ngãi (THQN) và được dân chúng gọi giản dị là trường Nhà Nước. Trường gồm một dãy 5 phòng học và 1 văn phòng, tọa lạc bên phải và nhìn ra con đường thẳng góc với con đường chính nối Cửa Tây và Cửa Đông của khu thành cổ (Cẩm Thành) nơi vẫn dành riêng cho các cơ sở chính quyền Việt và Pháp. Trường cách cửa Bắc (lối ra xóm cửa Bức, bến Tam Thương) chừng 300 mét, tại ngay vị trí trường Nữ Tiểu học Thị xã được xây dựng lại và hoạt động từ năm 1957-1967. Trường ban đầu được xây dựng kiên cố theo kiểu Âu châu, nhưng đến tháng 12-1946 bị đập bỏ theo lệnh tiêu thổ kháng chiến.
Đến niên khóa 1917-1918, trường THQN đã giảng dạy 5 năm, mỗi năm có thêm một lớp cao hơn. Đây chính là giai đoạn giao thời giữa Cựu học và Tân học ở Quảng Ngãi. Và năm 1918, Mậu Ngọ, niên hiệu Khải Định thứ 3 đã có những biến cố vô cùng đặc biệt trong nền quốc học nói chung và tại Quảng Ngãi nói riêng.
- Khóa Mậu Ngọ là khóa thi Nho học cuối cùng trong nước (còn có khoa Kỷ Mùi 1919 thi Hội ở Huế).
- Giáo dục Cựu học cáo chung. Các trường Nho học tại các phủ, huyện, và trường Nho học tỉnh thành là trường Chánh Lộ lập năm 1932 ở góc đông bắc Ngã Tư Chính Thị xã, chính thức đóng cửa. (Đậu khoa Mậu Ngọ ở Quảng Ngãi có Thủ khoa Phạm Trinh, cử nhân Tu Trai Nguyễn Tạo, cử nhân Bùi Phụ Nghiệp, cử nhân Lê Văn Duy, tú tài Lê Kỉnh... Số nho sinh chưa đậu đạt thường được gọi tôn là Học như Học Năm Nguyễn Đức Nhuận tức nhà báo Bút Trà và Học Sáu Nguyễn Đức Huy tức thi sĩ Hồng Tiêu)
- Pháp văn trở thành ngôn ngữ chính trong giáo dục và thi cử thay thế chữ Hán, từng là văn tự hành chánh và giáo dục được sử dụng hàng ngàn năm qua tất cả các triều vua, từ ấy bị đưa xuống hàng ngôn ngữ phụ rồi dần dần bỏ hẳn.
- Chữ Quốc ngữ đã được chính thức giảng dạy, từ là một môn học phụ ở ba lớp thấp nhất đến năm 1933 trở thành ngôn ngữ chính ngang với Pháp ngữ ở Trung kỳ.
Những vị thầy đầu tiên của trường THQN từ năm 1913 đến năm 1918 (và đến năm 1920):
Niên khóa 1913-14: Trần Trứ Lớp Năm
Niên khóa 1914-15: Bùi Văn Long Lớp Tư
Niên khóa 1915-16: Hoàng Tạo Lớp Ba
Niên khóa 1916-17: Phan Tiến Thịnh Lớp Nhì
Niên khóa 1917-18: Lê Thống, Lê Thiện Lớp Nhất
Theo nhà giáo Võ Đình Dương, nguyên là học trò của các vị trên, cho biết tất cả các thầy không ai là người bản tỉnh ngoại trừ quan Đốc học Lê Bính. Có thể hiểu vào thời ấy trong những năm đầu thế kỷ XX, thiếu niên Quảng Ngãi rất hiếm người được ra Huế theo học Tân học và thậm chí còn thiếu thuận lợi so với các người đồng tuổi ở gần Huế hơn như Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình. Nhưng việc Đốc học Lê Bính được bổ nhiệm về Quảng Ngãi thì rất hợp lý: Ông người nguyên quán Quảng Bình, sinh quán Quảng Ngãi, đậu đạt ở Huế có đủ khả năng sư phạm để giảng dạy, đủ trình độ để giao tiếp với các quan chức Việt và Pháp, đủ ngôn ngữ và cả phương ngữ để làm việc với phụ huynh và học trò Quảng Ngãi cũng như các nhà giáo gốc Bình-Trị-Thiên-Nam-Ngãi...
Những vị học trò nhập học trong 7 năm đầu tiên từ lớp thấp nhất – lớp Năm, không ai dưới 12 tuổi. Nhà giáo Võ Đình Dương cho biết đa số các bạn cùng lớp sinh năm 1901 Tân Sửu. Những cựu học sinh sớm nhất của trường có thể kể đến: Trương Quang Hoài, Lê Cảnh Đạm, Nguyễn Vỹ (sau là Đốc học), Nguyễn Định, Nguyễn Văn Hoán, Nguyễn Cự, Lê Trọng Quới, Phan Tiên...Khóa thi Tiểu học Pháp-Việt đầu tiên được tổ chức mùa hè năm 1918 gồm 2 đợt, mỗi đợt có 2 phần: thi viết (écrire) và thi vấn đáp (oral) do các giám khảo Pháp phụ trách. Số thí sinh là 52 kể cả cựu học sinh Võ Đình Dương, nhưng chỉ có Trần Văn Hiển đậu và thêm một đậu vớt là Trần Thị Dục, đến đợt sau có thêm nhiều người đậu thi đậu Tiểu học Pháp - Việt thời ấy dễ dàng được tuyển dụng làm việc ở tỉnh thành.
Khoảng năm 1919, Đốc học Lê Bính sau 6 năm phụ trách giáo dục ở Quảng Ngãi đã thuyên chuyển ra Huế. Người kế nhiệm là Đốc học Phạm Văn Diệu, đã được nhắc trong tác phẩm Tuấn, Chàng trai nước Việt của Nguyễn Vỹ trong 5 năm là học sinh của trường THQN, đã hiện diện trong tấm hình chụp trong khuôn viên trường THQN năm 1922, và vẫn ký tên trong các bằng cấp Tiểu học cho đến năm 1933.
Giai đoạn từ 1913 đến 1920, như vậy, có thể hiểu là trường THQN là ngôi trường hạt giống vì là học đường Tân học trung tâm và duy nhất của Quảng Ngãi, đã căn bản đào tạo được nhân sự hơn con số trăm. Một số sẽ được trọng dụng tại các cơ quan Pháp và Việt đang cần người có khả năng tiếng Pháp và chữ quốc ngữ. Đa số còn lại sẽ là những nhà giáo phụ trách các lớp thuộc nhiều bậc khác nhau tại 88 trường khắp các phủ, huyện, tổngsẽ bắt đầu hoạt động từ niên khóa 1921-22.
* Thời kỳ 2 (1921-1925): 89 ngôi trường khắp tỉnh
Đến năm 1922, trường THQN vẫn là trường Tiểu học Pháp - Việt duy nhất, trong tấm hình chụp tại khuôn viên trường năm ấy có 15 vị, không kể Đỗ Xáng từng là một cựu học sinh trường này đang làm tri huyện Mộ Đức, số còn lại có danh tánh đầy đủ từ trái sang phải: Trần Châu (QN) – Đỗ Xáng (tri huyện Mộ Đức) – Trần Đức Thanh (Q.Nam) – Huỳnh Giác (Q.Nam) – Huỳnh Cao Nga (QN) và vợ là Nguyễn Thị Truyền (QN) – Huỳnh Can (QN) – Đốc học Phạm Văn Diệu (Huế) – Hồ Mân (Q.Nam) – Đoàn Tư Thành (Huế) – Lê Văn Chương (QN) – Thái Đức Nhuận (QN) – Võ Đình Dương (QN) – Trần Kết (Q.Bình) – Phan Bá Lân (Q.Nam).
Nguyên quán được ghi kèm theo danh tánh cho thấy đến thời kỳ này đã có đến 8 vị trước đó 4 năm là cựu học sinh THQN nay đã trở thành nhà giáo tại bản trường. Có thể một số nhà giáo trong tấm hình ấy hiện dạy ở vài trường gần Thị xã, vì trường THQN lúc ấy chỉ có 5 vị và thêm chừng 2 vị phụ giáo Hán tự phụ trách 5 lớp. Thực vậy, ngoài trường THQN cho đến năm 1922 đã có thêm 8 trường bậc thấp hơn gọi là Sơ đẳng Tiểu học và 80 trường Dự bị dạy một lớp thấp nhất. Có một chi tiết được Nguyễn Bá Trác (trong sđd số 184, xb 1933, tr. 474) ghi lại không chính xác: Tỉnh thành một trường Nữ sinh lập năm 1920. Theo nhà giáo Võ Đình Dương, cựu học sinh Nguyễn Vỹ và cựu học sinh Phan Quang Đại, trường THQN từ năm 1913 đến 1925 có cả nam nữ học chung ở các cấp lớp tại địa điểm đầu tiên trong nội thành, mãi đến năm 1925 địa điểm này mới nhường lại cho 3 lớp Năm, Tư, Ba nữ sinh, tất cả nam sinh và nữ học sinh lớp Nhì và Nhất chuyển sang trường mới xây rộng lớn ở ngoại thành.
Thời kỳ này tuổi trung bình của học sinh đã thấp hơn, tuổi từ lớp Năm đến lớp Nhất khoảng từ 10 đến 15. Danh tánh một vài chs tiêu biểu: Hàn Mặc Tử Nguyễn Trọng Trí (nhà thơ), khá nhiều vị về sau là nhà giáo: Nguyễn Tiên, Trần Hòa, Bùi Bích, Trần Đồng, Bùi Đồng, Võ Bảo, Trần Ỷ, Nguyễn Văn Châu v.v...
Đến cuối niên khóa 1924-1925, kế hoạch phát triển giáo dục ở Quảng Ngãi đã được thực hiện kịp thời. Tất cả 8 trường Sơ đẳng Tiểu học đã có đủ 3 lớp, và học sinh học xong lớp Ba (Sơ đẳng) sẵn sàng tham dự kỳ thi Tiểu học Yếu lược Bản xứ được tổ chức lần đầu ở Quảng Ngãi, cũng như trên toàn quốc và 2 nước Miên, Lào, chiếu theo Nghị định ngày 8-9-1924 của Toàn quyền Đông Dương đặt ra bằng Tiểu học Yếu lược Bản xứ, và chiếu theo Nghị định ngày 12-1-1925 của Khâm sứ Trung kỳ định chương trình và thể lệ kỳ thi nói trên tại Trung kỳ.
* Thời kỳ 3 (1926-1933): 3 trường Tiểu học Pháp - Việt và 99 trường Sơ học Bản xứ
Từ niên khóa 1925-1926, trường THQN từ địa điểm đầu tiên gần cửa Bắc trong nội thành dời đến địa điểm thứ 2 ở ngoài thành; đây chính là nơi tọa lạc của trường Trung học Trần Quốc Tuấn từ năm 1955 đến nay (2012). Trường được xây gạch lợp ngói, gồm 2 dãy phòng học tạo hình chữ L, một dãy hướng ra quốc lộ, dãy kia quay lưng phía một con đường nhỏ (trước 1975 là đường Phan Thanh Giản, nay là đường Lê Khiết), bên kia hàng rào phía Nam của trường là nhà Công quán Bungalow (bị phá hủy năm 1946, là vị trí của trường Nam Tiểu học Thị xã sau 1955, nay là trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm).
Trường THQN ở địa điểm 2 từ năm 1925 có bảng hiệu tiếng Pháp là École de Plein Exercise Franco-Annamite. Trường mới này được xây với số phòng học nhiều hơn gấp đôi ở trường cũ; số học sinh đã học qua lớp Ba ở 8 trường Sơ đẳng Tiểu học trong tỉnh sẽ được nhận vào để học lớp cao hơn, một số khác ở các huyện phía Nam có thể học tiếp lên lớp Nhì ở trường Mộ Đức kể từ năm 1929 đã mở đủ các lớp bậc Tiểu học Pháp - Việt, tương tự như thế trường Bình Sơn cũng có đủ các lớp từ năm 1931 (tài liệu của Nguyễn Bá Trác, sách đã dẫn)
Đặc biệt, kể từ niên khóa 1927-1928, bậc Tiểu học Pháp - Việt trước chỉ có 5 lớp, bắt đầu mở thêm 1 lớp thành 6 lớp, cụ thể là lớp Nhì có Nhì nhất niên và Nhì nhị niên. Đây là một cải tổ được thực hiện ở khắp Đông Dương, chậm hơn 3 năm sau khi đã có Nghị định ký ngày 18-9-1924 của Toàn quyền Merlin sửa đổi một phần Tân học quy tắc ở Đông Dương trong một Nghị định do Toàn quyền Albert Sarraut ký ngày 21-12-1917.
Tại địa điểm thứ 2, trường THQN từ năm 1927 có 11 lớp học: chỉ có 1 lớp học dành cho lớp Năm (Đồng ấu), từ lớp Tư đến lớp Nhất đều có 2 lớp A và B. Ngoài các phụ giáo Hán tự, trường có 11 giáo chức: Đốc học Nguyễn Kỷ – Đốc Hoành – Đốc Trang – Đốc Thích – Nguyễn Tấn Đức – Thái Đức Nhuận – Võ Đình Dương – Trần Châu – Huỳnh Cao Nga – Nguyễn Văn Mão – Thầy Thanh.
Danh tánh những vị trên đây được cựu học sinh Phan Quang Đán nhắc đến, rất tiếc không ghi được đầy đủ họ của vài vị. Và qua các năm từ 1926 đến 1933, chắc chắn danh sách trên có thay đổi vì luôn có vài vị đến hoặc đi, nhưng thông thường ít nhất tại trường THQN từ đó về sau vẫn có hơn 2/3 giáo chức gốc Quảng Ngãi. Cũng có thể nói thêm rằng kể từ năm 1919 đến khoảng năm 1933 hầu hết các giáo chức toàn tỉnh có gốc bản tỉnh đều là cựu học sinh trường THQN.
Riêng trong những năm thời kỳ 3 tại địa điểm mới này, trường THQN mỗi năm có khoảng hơn 300 học sinh. Có thể kể đến: Cao Văn Minh, Đỗ Hoán, Hồ Văn Đồng, Tạ Lưu, Hồ Văn Mẹo, Nguyễn Trọng Phu, Tạ Đinh, Tôn Long Quí, Phạm Hường, Hà Thúc Ngọ, Nguyễn Đắc Ngọc, Trần Đức Oanh, Nguyễn Nhâm, Nguyễn Mỹ Bút, Phạm Mai v.v... Đặc biệt kể từ năm 1930, 2 trường ở tỉnh thành là trường THQN và trường Nữ Sơ đẳng Tiểu học phải giao trường ốc cho lính Lê-dương đóng để canh phòng phong trào Cộng Sản vừa nổi lên, học sinh của 2 trường phải học tại 2 trường lợp tranh được dựng tạm trong nội thành, trên khu đất trường Đốc thời nho học ở bên phải và nửa đường từ cửa Tây xuống cửa Đông. Vì 2 trường tạm này không đủ chỗ cho tất cả học sinh, một số phải ra Bình Sơn xin học tại trường Tiểu học vừa có đủ các lớp từ năm 1931. Một trong số đó là cựu học sinh Phan Quang Đại đã nhắc đến vài bạn học cùng hoàn cảnh như: Phạm Am, Võ Loát, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phiên, Nguyễn Chấn có tên khác là Trần Văn Trà...
Trường Bình Sơn lúc ấy do Đốc học Phạm Phú Hưu làm Hiệu trưởng, và có các giáo chức như Phan Huy Liêm, Cao Huy Hy v.v...Có thể kể ra danh tánh của một số học sinh như Trần Phố – Tế Hanh, Trần Xá, Trần Hoàng, Trần Như Cảnh, Ngô Công Minh, Nguyễn Phùng, Nguyễn Tấn Cưu, Lưu Đôn Dị v.v...Trường Tiểu học Mộ Đức do Đốc học Nguyễn Định làm Hiệu trưởng, và các giáo chức như Đốc học Nguyễn Cự v.v...Một số học sinh tiêu biểu của trường như Trần Đạo, Trần Phô, Phạm Văn Diêu, Nguyễn Văn Thuật, Nguyễn Văn Xung, Nguyễn Diễn, Nguyễn Thới Ba Viên v.v...Trường Mộ Đức và Bình Sơn kể từ khi có đủ lớp Nhất, học sinh vẫn phải về trường THQN ở tỉnh thành để dự thi Tiểu học Pháp - Việt cho đến khoảng 1940. Đặc biệt kỳ thi mùa hè năm 1932 được tổ chức tại trường tranh tạm trong nội thành, kỳ thi năm 1933 lại được tổ chức ở trường THQN chính.
Các kỳ thi dành cho các học sinh đã học xong lớp Ba để cấp bằng Tiểu học Yếu lược Bản xứ (cũng như Sơ học Yếu lược) vẫn được tổ chức tại các trường Sơ đẳng Tiểu học hàng năm có giám thị và giám khảo người Pháp phụ trách. Có thể kể đến vài vị Hiệu trưởng các trường Sơ đẳng Tiểu học thời ấy: Tôn Thất Cự trường Nghĩa Hành, Trần Đức Thanh, Phan Tiên trường Tư Nghĩa v.v...Năm 1929, trường tư thục Mai Xưa được thành lập ở tỉnh thành dọc đường lên Xóm Mới gần Tháp nước Thị Xã, do các nhà giáo Trần Trọng Hải và Phạm Thị Tỵ giảng dạy; có một số cựu học sinh nổi tiếng từng theo học trường này: Trần Dũ Khiêm tức nhà văn Thinh Quang, Phạm Viết Trưng tức nhà biên khảo Phạm Trung Việt, Võ Thứ, Võ Huynh, Trần Vạn Phiên, Trần Cơ v.v... Đặc biệt có một trường Sơ đẳng Tiểu học lớn nhất tỉnh là trường dành cho nữ sinh, tại địa điểm được trường THQN giao lại gần cửa Bức trong nội thành. Trường này từ năm 1925 đã có 3 lớp Năm, Tư, Ba; những năm sau lớp Tư tăng lên 2 lớp A và B, lớp Ba A và B. Hiệu trưởng của trường là bà Đốc học Bính (không có liên hệ gì với quan Đốc học Lê Bính), các vị giáo chức khác là bà Trợ Du, bà Trợ Quế, bà Trợ Toản v.v...
Đầu thập niên 1930 đã có một số biến động trên cả nước và ở Quảng Ngãi trong các lãnh vực xã hội, an ninh, chính trị; nhưng riêng trong các hoạt động văn hóa giáo dục đã có nhiều phát triển khả quan và thuận lợi. Trên toàn tỉnh đã xây dựng được 102 trường có 5.245 học sinh theo học, chắc chắn là rất cao hơn so với số lượng trường và tổng số nho sinh vào thời 1918 khi giáo dục nho học cáo chung. Đặc biệt vua Bảo Đại là người có Tây học và quan điểm cấp tiến, không hoàn toàn nhân nhượng với chính phủ Bảo hộ; vua đã bổ nhiệm Phạm Quỳnh làm Thượng thư bộ Học (Quốc dân Giáo dục) đứng ra thương thảo quyết liệt với người Pháp; từ đó chính phủ Đại Nam (mặc dù vẫn dưới sự kiểm soát của Khâm sứ Pháp ở Huế) đã có quyền lập chính sách giáo dục và trực tiếp quản lý hệ thống học đường bậc Tiểu học ở Trung kỳ. Những thành quả trên được xác định qua các Dụ và Nghị định sau đây:
- Nghị định của Toàn quyền Pháp ngày 5-7-1933 giao việc học các bậc Sơ học Yếu lược và Tiểu học Pháp-Việt lại cho chính phủ Đại Nam.
- Nghị định của Khâm sứ Trung kỳ này 20-7-1933 sắp đặt cách thức giao việc học lại cho chính phủ Đại Nam.
- Dụ của vua Bảo Đại ngày 22-7-1933, tuyên bố việc sắp đặt nền phổ thông giáo dục trong nước.
Như vậy, kể từ năm 1933 học đường giáo dục Tân học Quảng Ngãi và nói chung lịch sử giáo dục Việt Nam bắt đầu chuyển sang một chương mới.
Biểu 1: Sự Phát Triển Học Đường Tân Học Ở Quảng Ngãi Từ 1922 – 1933
(Tài Liệu của Nguyễn Bá Trạc, Quảng Ngãi tỉnh chí, Nam Phong tạp chí số 184)
Ý kiến của người biên soạn:
Cột (*a) ghi lại nguyên văn một đoạn ở trang 476 (sách đã dẫn), cột này hợp lý hơn nếu được chỉnh lại là Số thí sinh đỗ bằng cấp Tiểu học Pháp - Việt, cụ thể là kỳ thi cuối niên khóa 1930-1931 có 43 người thi đỗ và cuối niên khóa 1931-1932 có 36 người thi đỗ, vì: trong 2 niên khóa này tỉnh Quảng Ngãi đã có 4 lớp Nhất (cours Supérieur) từ 3 trường Tiểu học (tỉnh thành 2 lớp, Mộ Đức 1 lớp và Bình Sơn 1 lớp) với số thí sinh khoảng 120 (tối thiểu 30 thí sinh mỗi lớp x 4 lớp). Như vậy tỉ lệ thi đỗ hè 1931 là 43/120 và hè 1932 là 36/120 là những tỉ lệ quá thấp nhưng có thể tin được, thay vì cả 4 lớp Nhất từ 3 trường lại chỉ có 36 hoặc 43 học sinh dự thi.
Cột (*b) ghi lại nguyên văn một đoạn ở trang 477 (cùng sđd), cột này có chủ đề hợp lý đồng thời hổ trợ cho lý luận về cột *a. Số lượng học sinh dự thi bằng Sơ học Yếu lược Bản xứ hè 1931 là 365 và hè 1932 là 488 của 8 trường Sơ đẳng (có thể hiểu có 8 lớp Ba, cours Élémentaire) và 3 trường Tiểu học (có thể hiểu là có 4 lớp Ba: 2 lớp Ba của trường Tiểu học tỉnh thành, 1 lớp Ba của trường Tiểu học Mộ Đức và 1 lớp Ba của trường Tiểu học Bình Sơn). Tổng cộng lớp Ba như vậy là 12 lớp, trung bình mỗi lớp có từ 30 đến 40 người dự thi (12 lớp x 30 thí sinh = 360 thí sinh hoặc 12 lớp x 40 thí sinh = 480 thí sinh). Số thí sinh hè năm 1931 và 1932 sút giảm so với các năm về trước vì tình hình trong tỉnh bất ổn.
Điều cần nhắc đến là các kỳ hạch bằng cấp Pháp Việt đều được tổ chức tại địa điểm duy nhất là trường THQN cho tất cả các thí sinh toàn tỉnh đã học qua lớp Nhất (cours Supérieur) từ khóa thi đầu tiên năm 1918 đến khoảng đầu thập niên 1940.
Từ khi học đường Tân học được thành lập ở tỉnh Quảng Ngãi (hệ thống các bậc thuộc Tiểu học được tổ chức giống nhau trên toàn cõi Đông Dương) cũng như tại một số trường khác được thành lập trong nước (Mỹ Tho 1879, Quốc Học 1896, Bưởi Hà Nội 1908) đầu tiên chỉ có các lớp Tiểu học; cụ thể có 2 bậc, gồm:
1/ Bậc Tiểu học Pháp - Việt (Écoles Primaires): 5 lớp
- Lớp Năm – lớp Đồng ấu (cours Enfantin)
- Lớp Tư – lớp Dự bị (cours Préparatoire)
- Lớp Ba – lớp Sơ đẳng (cours Élémentaire)
- Lớp Nhì (cours Moyen)
- Lớp Nhất (cours Supérieur)
Từ lớp thấp nhất, học sinh được học cùng lúc ba ngôn ngữ; Quốc ngữ là chính, tiếng Pháp và chữ Hán là phụ; đến khi học lớp Nhì các môn học giảng bằng tiếng Pháp, Việt và Hán là môn phụ. Học sinh học xong lớp Nhất dự thi bằng Tiểu học Pháp Việt cũng gọi là bằng Tiểu học Cụ thể Đông Pháp (Certificat d’Études Primaire Franco-Indigène hoặc Certificat d’Études Primaire Complémentaire Indochinoises).
2/ Bậc Cao đẳng Tiểu học (Écoles Primaires Supérieures):
Có 4 lớp tương đương với bậc Trung học Đệ nhất cấp thời Việt Nam Cộng Hòa, hoặc Trung học Cơ sở hiện nay trong nước. Học sinh sau đó thi lấy bằng Cao đẳng Tiểu học (Diplôme d’Études Primaires Supérieures Franco-Indigène) còn gọi là bằng Thành chung.
Suốt thời Pháp thuộc, học đường ở Quảng Ngãi không có bậc Cao đẳng Tiểu học.
Kể từ niên khóa 1924 – 1925, ở Quảng Ngãi cũng như trong nước và toàn cõi Đông Dương Pháp thuộc có một số cải cách quan trọng. Chiếu theo các Nghị định ngày 18-9-1924 của Toàn quyền Merlin đặt ra bằng Tiểu học Yếu lược Bản xứ và bổ túc với Nghị định ngày 12-1-1925 của Khâm sứ Trung kỳ lập chương trình và thể lệ kỳ thi Yếu lược Bản xứ ở Trung kỳ các trường trong tỉnh được tổ chức thành 2 bậc gồm 6 lớp, dạy ở 3 loại trường khác nhau:
1. Trường Dự Bị: ở khắp các tổng trong tỉnh: chỉ có một lớp Năm (lớp Đồng ấu).
2. Trường Sơ đẳng Bản xứ: đã mở tại các phủ, huyện từ năm 1921 với lớp thấp nhất là lớp Năm, sau mở thêm7 lớp Tư và lớp Ba.
Học sinh học qua lớp Ba được dự thi lấy bằng Tiểu học Yếu lược Bản xứ (Certificat d’Études Élémentaires Indigène) được tổ chức lần đầu mùa hè 1926. Tuy nhiên, học sinh không thi đậu vẫn được lên lớp trên thuộc bậc Tiểu học Pháp-Việt. Bậc nầy trước sau được thành lập có 3 trường: ở tỉnh thành đủ 5 lớp từ năm 1918 và đủ 6 lớp từ năm 1927 ; Mộ Đức đủ 6 lớp từ 1929; Bình Sơn đủ 6 lớp từ năm 1931, gồm 3 lớp thấp (như trường thuộc bậc Sơ đẳng Bản xứ): Lớp Năm, lớp Tư, lớp Ba.
Và 3 lớp cao hơn:
- Lớp Nhì nhất niên (Cours Moyen 1ère année)
- Lớp Nhì nhị niên (Cours Moyen 2è année)
- Lớp Nhất
Lớp Nhì nhị niên được thêm vào bậc Tiểu học Pháp-Việt và được thực hiện đầu tiên từ niên khóa 1927-1928. Ở 3 lớp cao này, tiếng Pháp là ngôn ngữ giảng dạy chính, Quốc ngữ và chữ Hán là phụ; học sinh chỉ học với giáo viên Việt Nam nhưng thi cử với giám khảo người Pháp. Mỗi kỳ thi có phần vấn đáp và phần thi viết, thi hỏng được thi lại kỳ nhì, nếu thi hỏng một phần thì chỉ thi lại phần đó. Bằng Tiểu học Yếu lược Bản xứ cũng được gọi là bằng Tuyển sinh, bằng Tiểu học Pháp - Việt hoặc bằng Tiểu học Cụ thể Đông Pháp (Certificat d’Études Primaires Complémentaires Indochinoises) cũng được gọi là bằng Khóa sanh, người thi đậu được gọi là anh Khóa hay thầy Khóa.
Mẫu bằng Tiểu học Yếu lược Bản xứ cho thấy đã do chính phủ bảo hộ cấp, được ghi với 2 ngôn ngữ Pháp và Việt, có dấu ấn ký của 4 người: Thủ hiến Học chánh Trung kỳ là Henri Délitre, Công sứ Pháp tại Quảng Ngãi, Thủ hiến tỉnh tức Tuần vũ Nguyễn Bá Trác, Đốc học tỉnh Quảng Ngãi (như Giám đốc Học chánh Quảng Ngãi – Directeur des Écoles de Quảng Ngãi) là Phạm Văn Diệu, và sau cùng là hình và chữ ký của người thi đậu. Bằng Tiểu học Pháp-Việt, theo các vị Thầy và cựu học sinh trước năm 1933, chỉ được ghi bằng Pháp ngữ và cũng có đầy đủ các dấu ấn ký của các viên chức đương nhiệm như bằng Tiểu học Yếu lược Bản xứ.
Số thanh niên trong tỉnh đi học thời ấy còn rất ít, do người Pháp không tích cực phát triển trường ốc, ngoài ra Tân học còn khá xa lạ với dân chúng. Tuy vậy, người đi học cũng được nể trọng, khi đỗ đạt được nhiều ưu đãi như miễn lao dịch ở địa phương và được ngồi ở chiếu trên trong những dịp đình đám. Hầu hết người đỗ đạt được trọng dụng trong ngành giáo dục và các cơ quan chính quyền. Các số liệu được Nguyễn Bá Trác ghi lại (sđd tr.477) số học sinh tỉnh thành 440/ dân số tỉnh thành 1800 vào năm 1932 là tỉ lệ 25%, số học sinh toàn tỉnh 5,245/ dân số Quảng Ngãi 438.699 là tỉ lệ 11%. Nhìn qua, đây là các tỉ lệ học sinh đến trường khá thấp, nhưng chắc chắn số lượng học sinh này đã cao hơn nhiều so với số nho sinh cựu học trước năm 1918, khi cả (chỉ có) 3 trường Nho học cùng đóng cửa (trường Chánh Lộ ở góc đông bắc ngã tư chính Thị xã – thành lập năm 1839, trường Đức Phổ ở thôn Liên Chiểu – thành lập năm 1900 và trường Nghĩa Hành – thành lập năm 1903).
Cũng cần nói thêm, ngoài các trường tân học công lập kể trên, theo Nguyễn Bá Trác (sđd tr.474) đến năm 1933 ở Quảng Ngãi còn có 4 trường tư thục với 4 giáo viên và 71 học sinh.
* Trường ốc và các chi phí giáo dục:
Riêng trong năm 1933, theo Nguyễn Bá Trác (sđd tr.475) 3 trường Tiểu học Pháp-Việt ở tỉnh thành cũng như Mộ Đức và Bình Sơn được xây gạch và lợp ngói, 8 trường Sơ đẳng Tiểu học ở các phủ, huyện cũng vậy, riêng trong số 91 trường Dự bị chỉ có 6 trường xây gạch lợp ngói và số còn lại đều lợp tranh. Tất cả trường công lập đều miễn phí, tiền xây dựng trường do các địa phương cung cấp và cũng có sự đóng góp của những người giàu có.
Chi phí cho ngành giáo dục năm 1933 là 66.744$00 lấy từ ngân sách tỉnh, về sau riêng các trường Dự bị các xã thôn phải tự cung cấp chi phí mỗi năm chừng 21.500$00
Biểu 2a. PHÂN BỔ CÁC TRƯỜNG TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG TỪ 1913-1933
Biểu 2B. CÁC THÀNH PHẦN GIÁO CHỨC NIÊN KHÓA 1932-1933
GIẢNG DẠY Ở CÁC TRƯỜNG KÊ Ở BIỂU 2A
Muốn tìm hiểu về trình độ, khả năng, cấp bậc, chức vụ, và hạng ngạch của các viên chức giáo dục hoặc giáo viên thuộc bậc Tiểu học nói chung như được ghi trong biểu 2b trên; có thể căn cứ vào tác phẩm Thi cử và nền Giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc do Trần Bích San biên soạn, qua tiểu mục Giáo chức nền giáo dục phổ thông Pháp-Việt.
- Tư học cũng được gọi là Đốc học (Doctrine) là nhà giáo đã đậu bằng Cao đẳng Tiểu học/ bằng Thành chung (Diplôme d’Étude Primaire Supérieures Franco-Indigène) có bổ túc ngành Sư phạm (Section Normal). Đốc học có 3 hạng: Hạng giáo viên dạy lớp Nhì hoặc lớp Nhất ở trường Tiểu học Pháp Việt như Đốc học Nguyễn Kỷ, hạng cao hơn đảm nhiệm chức Hiệu trưởng các trường Tiểu học Pháp-Việt như Đốc học Phạm Phú Hưu (trường Bình Sơn) hoặc Đốc học Nguyễn Định (trường Mộ Đức), hạng thâm niên và có khả năng có thể đảm nhiệm Giám đốc Giáo dục tỉnh (Directeure des Écoles) như Đốc học Phạm Văn Diệu được gọi là Kiểm giáo.
- Trợ giáo: Có bằng Tiểu học Pháp Việt và học thêm một năm lớp Sư phạm (Cours de Pédagogie) như các vị Trợ giáo Võ Đình Dương, Trần Châu, Trần Trọng Hải v.v... thường dạy các lớp Năm, Tư, Ba. Cũng có Trợ giáo có bằng Thành chung nhưng chưa có bổ túc sư phạm như Trợ giáo Thái Đức Nhuận hoặc Trợ giáo Nguyễn Tấn Đức đã dạy các lớp Nhì và Nhất.
- Giáo viên: Chỉ đỗ bằng Tiểu học Pháp-Việt và chưa học 1 năm Sư phạm, thường chỉ dạy lớp Đồng ấu tại các trường Dự bị ở các làng xã như các giáo viên Trần Hòa, Bùi Bích, Bùi Đồng v.v...
- Giáo viên cựu ban: Là các nho sinh Hán học thời trước, biết chữ Quốc ngữ, tạm thời dạy lớp Đồng ấu và dần dần sẽ được thay thế.
- Phụ giáo Hán tự: Thông thạo chữ Hán và biết chữ Quốc ngữ căn bản, dạy chữ Hán như là môn học phụ cho học sinh tất cả các lớp thuộc bậc Tiểu học.
* * *
Tất cả những sự kiện và diễn biến về Giáo dục Tân học và chữ Quốc ngữ đã trình bày trong thời kỳ 20 năm đầu tiên, đã trải qua 3 đời vua nhà Nguyễn và qua thời của 8 vị Tuần vũ Quảng Ngãi.
1. Từ Thiệp 1913 (Quí Sửu) Duy Tân thứ VI
2. Trần Tiễn Hối 1916 (Bính Thìn) Khải Định thứ I
3. Đặng Ngọc Oanh 1918 (Mậu Ngo) Khải Định thứ III
4. Nguyễn Đình Hiển 1923 (Quí Hợi) Khải Định thứ VIII
5. Tôn Thất Chữ 1925 (Ất Sửu) Khải Định thứ X
6. Phạm Liệu 1927 (Đinh Mẹo) Bảo Đại thứ I
7. Ngô Đình Khôi 1928 (Mậu Thìn) Bảo Đại thứ II
8. Nguyễn Bá Trác 1930 (Canh Ngọ) Bảo Đại thứ IV
9. Nguyễn Bá Trác 1933 (Quí Dậu) Bảo Đại thứ VII
PHẠM ĐÔNG VĂN
(Trích Đặc san QUẢNG NGÃI Xuân Nhâm Thìn 2012
của Hội ĐH & TH Quảng Ngãi miền Nam California)
* * *
Xem các bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về homepage www.nuiansongtra.net