Mở speakers ON, click vào mũi tên màu trắng vào khung có audio file
để nghe âm-thanh. Muốn nghe file khác, click vào hai gạch song song
thẳng đứng (nằm dưới cùng góc trái trong khung) để OFF audio file đang phát
và click vào mũi tên màu trắng trong khung có tên audio file kia để nghe.
HOA BIỂN
Sáng tác: Anh Thy
File audio 1: Hòa tấu guitar Vô Thường
File audio 2: Tiếng hát Hoàng-Oanh
ĐỜI THỦY THỦ
CHƯƠNG 4
Đúng vào lúc anh chiêu đãi viên bắt đầu dọn dẹp ly chén của bữa ăn sáng thì tiếng còi làm việc vang lên. Tôi nói với Tâm:
- Tao lên nhà bếp xem tụi nó dọn dẹp.
- Khỏi lo! Ban ẩm thực chưa từng bị khiển trách. Tất cả hỏa đầu quân đều tận tụy, nấu ăn ngon, sạch sẽ và phục vụ khỏi chê. Cả năm nay tao chưa hề phải đề nghị phạt người nào. Chỉ đề nghị thăng cấp.
Tôi ngần ngừ:
- Tao còn vô số việc phải học hỏi và làm bảng tường trình. Ngồi đây, ông hạm trưởng vào thấy…
Tâm cười, ngắt lời:
- Mày hiện là phụ tá của tao. Trưởng ban còn ngồi đây mà phụ tá bỏ đi là bị … củ đấy. Nhâm nhi thêm tý cà phê đã. Hạm phó tám giờ rưỡi mới vào. Hạm trưởng đúng chín giờ.
Tôi dợm đứng lên thì Tâm đã tiếp:
- Mày đã biết có lệnh cấm trại 50%?
Tôi ngạc nhiên:
- Sao vậy?
- Phật giáo tổ chức biểu tình lớn sáng nay. Có thể có rắc rối, lộn xộn.
Tin Phật giáo tổ chức biểu tình lớn không làm tôi ngạc nhiên. Ngày nào Dũng cũng nghe thuyết pháp ở chùa Ấn Quang và đã cho tôi biết từ hai ngày trước. Dũng còn rủ tôi tham gia nhưng tôi thẳng thừng từ chối. Tôi nói tôi đã là một quân nhân và không muốn dính dáng chính trị…
Tâm đổi giọng hăm hở:
- Tao ngồi tính toán thì thấy rằng cả tao lẫn mày đều không bị rơi vào phiên trực hôm nay. Nghĩa là chiều nay mình vẫn đi gặp Tuyết theo chương trình. Nếu không thì… khổ đấy, vì không gặp được hôm nay thì phải đợi thứ ba tuần tới. Mà tuần tới thì không có gì bảo đảm không đi công tác hay không bị trực…
Qua cách nói của Tâm, tôi hiểu rằng Tâm vẫn còn yêu Tuyết. Vậy thì Tâm muốn tôi gặp Tuyết làm gì? Tôi đang thất tình, ngộ lỡ tôi lại yêu Tuyết như ngày xưa thì sao? Khổ nỗi từ khi biết tin, tôi thấy không lúc nào là không nôn nao giây phút gặp lại nàng. Tôi dứt khoát đứng lên:
- Tao còn ăn trưa ăn tối với mày dài dài, dư thời giờ tán dóc! Cái tao lo là bảng tường trình nạp cho hạm trưởng. Ổng mà tặng củ thì phải nặng hơn mày.
Tâm gật đầu:
- OK. Trong thời gian mày học hỏi ở nhà bếp tao xem lại sổ sách kế toán. Đúng mười một giờ mày xuống đây, tao sẽ chỉ dẫn và bàn giao…
Tôi trợn mắt:
- Bàn giao? Hạm trưởng cho tao một tuần…
Tâm cười nhẹ:
- Thì bàn giao sổ sách trước, công việc học từ từ.
Tôi vói tay lên giá vớ chiếc mũ cát két đội lên đầu bước ra khỏi phòng. Tôi xoay qua trái, đi ngang qua bốn cặp giường treo dành cho sĩ quan trước khi bước lên một cầu thang nghiêng dẫn lên nhà bếp. Đây là một dãy hẹp nằm dọc theo vách tả hạm, bên trên trần là phần lộ thiên đặt các khẩu đại bác 20 ly. Hai nhân viên đang lau dọn bốn bếp điện, mỗi bếp có mặt phẳng bằng sắt dài một thước nối liền nhau trông như một chiếc bàn dài . Nồi niêu son chảo nằm chồng chất trong một bồn lớn gắn liền với bếp điện. Trung sĩ Quân đang đổ bỏ thức ăn dư thừa vào máy tống rác, nhìn ngang thấy tôi vội đừng nghiêm, lên tiếng:
- Chào thiếu úy. Xin lỗi đang dở tay.
Tôi cười thông cảm:
- Không sao. Anh cứ tiếp tục.
Nhưng anh vội vàng rửa tay. Tôi còn nhớ anh. Hôm qua hạm phó đã giới thiệu anh là bếp trưởng và là phụ tá ban ẩm thực của Tâm mà cũng là của tôi trong vài ngày tới. Quân giới thiệu các nhân viên dưới quyền. Hai nhân viên đang dọn dẹp là Hạ sĩ Ngân và thủy thủ Bảo ngành tiếp vụ lo đi chợ và phân phối thức ăn cho hạ sĩ quan- đoàn viên. Hạ sĩ nhất Ngọc, kế toán viên kiêm nấu ăn. Thủy thủ nhất Lâm, chiêu đãi viên lo phục vụ bàn ăn sĩ quan. Anh này có biệt danh là Robert Tay Bưng vì mỗi ngày bưng chén, đĩa chạy lên xuống cầu thang. Tất cả đều còn rất trẻ. Ngay trung sĩ Quân cũng chỉ chừng hăm bốn, hăm lăm. Tự dưng tôi cảm thấy yêu mến họ ngay. Tôi thân mật nói với Quân:
- Tôi muốn xem qua kho lương thực. Khi nào anh rảnh cho tôi biết.
Trung sĩ Quân niềm nỡ:
- Thiếu úy có thể xem ngay bây giờ.
Anh dừng trước cái máy to lớn đang chạy rầm rập, bên trong đầy bọt nhào lộn sau tấm kính trong suốt:
- Đây là máy rửa chén. Thường thì phải rửa 3, 4 đợt mới hết mọi thứ cho một bữa ăn.
Quân mở cửa kho kề cạnh nhà bếp. Ngay bên mặt là một khoảng trống với hai bệ đều đang chất đầy các bao gạo. Quân cho biết mỗi tháng lãnh gạo một lần và luôn luôn dự trữ một cấp số. Ở vách đối diện là một máy làm nước đá đủ cung cấp suốt ngày cho toàn thể thủy thủ đoàn. Dọc theo hành lang nhỏ là ba buồng chứa có độ lạnh khác nhau thích hợp từng loại thực phẩm. Mỗi buồng đều có ổ khóa màu trắng đặt ngay ở tay cầm. Trung sĩ Quân mở khóa từng buồng. Buồng đầu tiên chứa thức ăn hộp, kế đến là buồng chứ rau cải và cuối cùng có độ lạnh nhất là buồng chứa thịt cá. Tôi đứng chưa đầy ba mươi giây mà đã thấy buốt da. Trừ buồng chứa đồ hộp, cả hai buồng lạnh còn lại gần như trống trơn.
Tôi ngạc nhiên hỏi Quân:
- Ủa! Trông sao mà lèo tèo quá vậy? Lấy gì nấu nướng?
Trung sĩ Quân cười nhẹ:
- Thưa thiếu úy, đó là phần ăn buổi chiều cho nhân viên trực. Khi tàu về bến chúng tôi đi chợ hàng ngày và chỉ mua thực phẩm đủ cho nhân viên hiện diện. Hai phần ba kia được đi bờ. Tôi phân công nhân viên nhà bếp theo cách thức là nhân viên trực ngày hôm sau, trước khi về tàu ghé chợ mua thức ăn. Như vậy mỗi ngày đều được ăn thức ăn tươi. Theo nguyên tắc thì phải nấu ăn cho toàn thể thủy thủ đoàn nhưng làm như vậy vừa phí thực phẩm vừa phí công nấu. Một lợi ích khác quan trọng hơn là số tiền đi chợ và số gạo thặng dư đó được xung vào quỹ xã hội. Khi một nhân viên thực sự gặp khó khăn, một ủy ban sẽ cứu xét tương trợ và đích thân hạm trưởng hoặc hạm phó ủy lạo.
Tôi gật đầu ra vẻ hiểu biết. Quân tiếp lời:
- Ông hạm trưởng này chịu chơi lắm. Cuối năm, thấy quỹ xã hội còn nhiều, ông cho mở tiệc tất niên, ăn uống, nhảy nhót tưng bừng..
Quân nói một cách vui thích nhưng tôi lại thấy lo rầu. Nhảy nhót không phải là …nghề của tôi. Ca hát thì may ra được gọi là… tài tử! Nhưng tới đâu tính đó. Không nhảy được thì kiếm đào ngồi rì rầm hoặc xem thiên hạ quay tròn, uốn éo cũng vui mắt chán! Tôi thành thật nói:
- Đáng buồn là tôi không biết nhảy. Chắc là anh nhảy giỏi lắm?
Giọng Quân hăng hái:
- Cũng vừa đủ cho đào … hài lòng! Ông thầy đừng lo, thằng em sẽ hết lòng chỉ dẫn ông thầy. Dễ lắm! Sau bốn tuần là dư sức … lả lướt các điệu phổ thông.
Tôi lắc đầu:
- Cám ơn anh, mình bàn chuyện này sau. Thôi anh trở lại công việc, tôi phải sang khu vực khác.
Tôi bước qua một cửa thông nhỏ hẹp ra lòng tàu. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột làm tôi khó thở. Nắng bắt đầu gay gắt, chan hòa. Tôi bước về phía mũi tàu đang mở rộng, phơi bày dòng sông lấp lánh. Tôi đứng khoanh tay trên tấm sắt rộng lớn, nặng nề đang hạ ngang sàn tàu, một phần nhô khỏi hai cánh cửa mà khi tấm sắt được nâng lên thẳng đứng, hai cánh cửa được khép kín lại thành mũi tàu. Tấm sắt này được hạ xuống gác lên bờ mỗi lần tàu ủi bãi để bốc dỡ hoặc nhận hàng. Nó có nhiều thanh ngang cách đều nhau hàn dính vào mặt bằng nhằm làm tăng độ bám khi xe lên xuống và có vô số các lỗ nhỏ xinh xinh để giúp rơi rớt phần nào bùn đất từ các bánh xe trây trát lên.
Từng cơn gió nhẹ không đủ làm khô các giọt mồ hôi bắt đầu âm ỉ. Hai chiến hạm đang im lìm nghỉ ngơi ở cầu bên cạnh. Nhiều chiếc khác xa hơn. Và xa hơn nữa là bóng dáng những chiếc thương thuyền còn rõ nét giữa những tòa nhà vươn cao. Bên kia bờ, những ngọn dừa xum xuê cành lá buông thõng bên trên các nóc nhà tôn bạc phếch. Vài ba chiếc phao đen trắng trơ vơ, đong đưa. Một cành cây khô cùng vài thứ rác rưởi trôi chầm chậm theo các đợt sóng lăn tăn luồn vào bên dưới tấm sắt đổ bộ.
Tôi có cảm tưởng bước đầu hải nghiệp của tôi trôi êm như nước xuôi dòng. Tôi nghĩ là tôi đã gặp nhiều may mắn. Việc gặp lại Tâm đã giúp tôi đỡ ngỡ ngàng ở nơi chốn lạ. Tôi thích nụ cười hiền hòa của ông hạm trưởng, lối nói chuyện cà tửng thân mật của hạm phó. Các sĩ quan thì xem chừng không hách xì xằng kiểu đàn anh đàn em. May mắn hơn cả là được đổi xuống loại tàu chuyển vận và đổ bộ. Theo tiết lộ của Tâm, đây là loại tàu … tà tà và mang chữ thọ khá to. Khác với các tàu tuần dương, trợ chiến hạm, giang pháo hạm thường phải tham dự hành quân, tuần tiểu và yểm trợ hải pháo lâu vài ba tháng, loại tàu chuyển vận và đổ bộ này thường chỉ đi công tác ngắn hạn, không quá hai tuần. Tôi đã phải xa Sài Gòn suốt thời gian dài. Tôi đã quá nhớ các quán kem, các quán cà phê có nhạc thời trang êm dịu và có cô nàng ngồi sau quầy mơn mởn, dễ thương. Tôi nhớ những bộ mặt già trẻ xấu đẹp thư thả ngược xuôi trên vỉa hè chừng không bao giờ dứt. Tôi mừng là đã bỏ học để chọn nghề đi biển. Mỗi chuyến công tác là đến một bến bờ khác nhau và vừa đủ nhớ nhung để trở về bến cũ.
Tôi vừa bám tay vừa bước chân lên các thanh sắt ngắn gắn trên thành tàu lần lên sân thượng tả hạm. Chiến hạm cặp cạnh có lối kiến trúc hoàn toàn khác biệt. Tôi nhận ra đó là loại tuần dương. Sân mũi là một ổ súng bề thế 76,2 ly. Sân giữa là hai khẩu 20 ly và sân sau mỗi bên một khẩu 40 ly. Chẳng bù loại tàu tôi chỉ có một khẩu 40 ly đôi là chủ lực. Lời một huấn luyện viên văng vẳng: “Loại tuần dương dành cho những người thích hải chiến”. Nó gần như có đủ các loại máy móc hiện đại dùng cho việc hải hành, các loại súng tối tân tác xạ đồng bộ và các dụng cụ tân tiến để săn và diệt tàu ngầm. Tôi nhủ thầm: “Rồi sẽ có ngày mình được đổi đi loại này”.
Tôi bước về phía lái. Khẩu đại bác 20 ly đang được tu bổ cản ngang lối đi. Tôi ngắm nghía ra chiều hiểu biết. Tôi đã được học thật kỹ loại súng nầy và còn nhớ rõ từng cơ phận và cách tháo ráp. Trí thoáng ôn lại các trở ngại thông thường. Tôi mở điện bộ máy ngắm, chờ một chốc rồi ghé mắt vào. Máy còn hoạt động tốt. Tôi quay súng qua lại, nâng nòng chỉ thiên rồi hạ thấp. Lại nâng ngang tìm mục tiêu và dừng ở đỉnh cột cờ Thủ Ngữ.
Tôi chợt nhận ra những giọt mồ hôi đang lăn dài trên ngực và lưng áo ướt đẩm thấm vào da thịt. Tia nắng hừng hực bắt đầu làm tôi mệt mõi khó chịu. Đêm trước ở nhà Hiền tôi đã đờn ca với Dũng đến gần sáng mới chịu tắm rữa sạch sẽ cho tương xứng với bộ đại lễ. Và đêm qua lạ chỗ, lạ giường cứ nằm thao thức. Tôi nghiêng cổ tay nhìn đồng hồ. Còn hơn một tiếng mới tới giờ gặp lại Tâm. Tôi cho súng vào thế phòng không vừa lúc một nhân viên xuất hiện. Anh ta đưa tay chào:
- Xin lỗi thiếu úy, em đi uống nước.
Tôi xua tay:
- Trời hôm nay quả là nóng.
Tôi muốn tiếp lời mà phân vân không biết xưng hô thế nào. Tôi lớn hơn một hai tuổi nhưng cấp bậc thì hơn nhiều, gọi anh không mấy ổn. Tôi chọn một tiếng ra vẻ đàn anh mà thân mật:
- Chú phụ trách bảo trì mấy khẩu đại bác?
- Dạ bốn, hữu hạm. Bên tả hạm do hạ sĩ Cẩn lo.
- Ngày nào cũng tu bổ?
- Dạ không. Chỉ sau khi về bến và sau đó mỗi tuần một lần.
- Nếu không tu bổ, thì làm gì?
- Dạ gõ sét, tạp dịch.
Tôi nhìn khuôn mặt bầu bĩnh chưa quá hai mươi tuổi:
- Sao không tiếp tục học mà lại chọn làm lính Hải quân?
- Em thi rớt tú tài phần một, chọn ngay Hải quân cho khỏi bị gọi động viên đi bộ binh. Em ớn lội bộ lắm. Thiếu úy có thể không biết em, còn em thì biết thiếu úy từ thời ở quân trường. Thiếu úy đi kiểm soát các vọng canh và hỏi mật khẩu.
Tôi nhớ những đêm đảm trách trực nhật. Cứ mỗi đầu giờ, sinh viên trực phải đi một vòng doanh trại kiểm soát việc canh gác. Mỗi góc quân trường là một lô cốt. Giữa hai lô cốt là một hay hai vọng gác. Bên trong lô cốt và vọng gác đều tối tăm nhưng bên ngoài thì đèn sáng trưng. Tôi vui khi thấy mình được quan tâm.
- Bạn em học giám lộ cũng rất thích thiếu úy. Nó nói thiếu úy đánh đèn rất… nghề.
Lại thêm một bất ngờ. Khu vực trường sinh viên sĩ quan và trường chuyên nghiệp hạ sĩ quan-đoàn viên mỗi nơi được trang bị một đèn hiệu để các khóa sinh thực tập truyền tin. Ban đêm, khi rảnh là tôi ra đó chớp đèn qua khu đoàn viên. Thường là hỏi qua lại anh tên gì, khóa nào, mấy tuổi, quê quán. Rồi mỗi ngày một đi sâu vào gia cảnh, tâm tình. Tôi chỉ lo thực tập nên không quan tâm người đối tác. Vả lại, số lượng đoàn viên đông gấp năm lần con số sinh viên, không tài nào nhớ mặt. Tôi hỏi thân mật:
- Chú đó cũng đổi về tàu này?
- Thưa thiếu úy không. Nghe nói đổi về giang đoàn.
- Có dịp gặp cho tôi gửi lời thăm …
- Rất tiếc là em cũng mất liên lạc.
Tôi vỗ vai anh chàng trọng pháo dễ thương:
- Rất vui có chú đi cùng tàu. Gặp lại sau.
Tôi định bước tiếp về phía lái nhưng chợt thấy một số người đứng bên hữu hạm, cả quan lẫn lính đang nghiêm trang hướng nhìn lên bờ. Tôi bước lên chiếc cầu nhỏ hẹp bắc ngang lòng tàu. Đến cuối chiếc cầu, tôi dơ tay chào trung úy Tùng, sĩ quan trực. Một hạ sĩ quan và hai đoàn viên chào tôi. Tôi chào đáp rồi hỏi anh trung sĩ:
- Có chuyện gì vậy, trung sĩ?
Anh đáp rồi quay vội nhìn xuống cầu tàu:
- Thưa, hạm trưởng đang đến…
Tôi nhìn theo anh đúng lúc ông hạm trưởng đặt chân lên hạm kiều. Tôi nghe tiếng “Nghiêm” từ trung úy Tùng tiếp liền theo là lời ngắn gọn:
- Chú ý! Hạm trưởng về tàu.
Tất cả đưa tay lên chào. Tôi hấp tấp làm theo, thế đứng cứng ngắt. Cùng lúc đó một tiết đoạn âm điệu lạ tai “í e, í e, e í….” phát ra từ chiếc còi nho nhỏ từ miệng anh chàng thuỷ giám lộ. Dứt còi hiệu, anh cũng đứng nghiêm chào.
Đến đầu hạm kiều, hạm trưởng dừng lại, hướng mặt về lá quốc kỳ đang phất phới trên trụ cờ ở cuối lái, rồi trịnh trọng nâng tay lên ngang mày. Chưa đầy một giây ông bỏ tay xuống, bước chân lên chiến hạm. Ông tươi cười chìa tay cho sĩ quan trực bắt và nói bằng giọng vui vẻ:
- Sao? Có gì lạ không?
Giọng trung úy Tùng nghiêm túc:
- Dạ không, thưa hạm trưởng.
Ông nói “Tốt” khi mắt hướng vào tôi. Ông cười mỉm trước khi bước vào khung cửa có cầu thang dẫn xuống phòng làm việc sĩ quan. Trung úy Tùng bước theo ông. Anh giám lộ chạy nhanh trên các bậc thang dẫn lên đài chỉ huy.
Thời còn thụ huấn, tôi đã nghe nói về thủ tục chào đón hạm trưởng rời tàu, về tàu. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến. Hành động chào kính của ông hạm trưởng thật ngắn ngủi mà sao quá trang nghiêm, đầy xúc cảm. Tôi thấy rõ là tôi kính trọng ông hơn sau buổi đầu trình diện. Tiếng còi trầm bổng đã nâng ông cao thêm. Tôi tưởng tượng một ngày kia tôi trở thành hạm trưởng. Ôi chao, sao quá xa vời…
Chiến hạm của Lực lượng Hải...thúng chai (Webmaster chú)
Bây giờ tôi mới có dịp trông mặt hai nhân viên trực. Tôi chợt để ý bảng tên Lý Long Thành của anh lính gác và vội nhìn phù hiệu ngành nghề bên cánh tay. Không ngờ tôi đang “chạm trán” anh chàng ba gai được hạm phó dặn dò là thận trọng. Tôi nghiêm giọng hỏi:
- Anh là hạ sĩ vận chuyển Thành?
Giọng Thành ráo hoảnh:
- Dạ đúng, thiếu úy.
Thành có dáng cao ráo, mặt xương xẩu hằn những nét du đảng. Tuổi hẳn không quá ba mươi. Tôi chưa biết nói gì thêm thì câu hỏi của hạm trưởng lúc tôi trình diện chợt vẳng lên. Tôi hỏi ngay:
- Anh có gia đình chưa?
- Dạ rồi, sáu con.
- Sáu? Chà, đông con dữ…
Tôi buộc thành lời mà nhớ đến ba tôi. Ông có năm con với bà vợ sau và ông đã phải vô cùng vất vả lo chăm sóc chúng. Ý là ông có nghề kiếm ra tiền mà đôi lúc còn thở than.
Hạ sĩ Thành cười buồn:
- Mệt lắm thiếu úy ơi!
- Vợ anh có đi làm?
- Trước kia, mới vài đứa, thì còn gửi nội ngoại để đi làm. Từ đứa thứ tư là nó phải nghỉ ở nhà.
Tôi hiểu là anh mệt tới cỡ nào nhưng vẫn tò mò:
- Anh đi lính mấy năm rồi?
- Dạ mười.
Tôi không ngăn được lời trách cứ:
- Mười năm lính mà mới đeo lon hạ sĩ. Anh ba gai có ích gì đâu!
Anh đưa tay gãi đầu:
- Thì cái tánh nó như vậy. Nhưng tôi cũng ráng… tu tỉnh được cả năm rồi.
Tôi cười:
- Ráng tu tỉnh cả đời là hay nhất.
- Chắc là phải vậy. Sáu con với lương hạ sĩ muôn năm thì không cách gì sống nỗi. Phải bắt cái lon hạ sĩ nhất mới khá được thiếu úy ơi! Cứ hăng máu hoài chỉ khổ vợ con.
Tôi không biết sự khác biệt của hai mức lương nhưng gật đầu khích lệ:
- Ráng tu để khỏi tù thì sớm lên hạ sĩ nhất thôi. Vài năm sau lại thăng trung sĩ.
Thành nhìn thẳng vào mắt tôi, không chớp:
- Cám ơn thiếu úy an ủi. Tôi nhất định cố gắng.
Tôi như thấy tia nhìn có mang theo đôi chút ấm áp thân tình. Tôi hình dung sáu đứa con của Thành đang nheo nhóc không được ăn no mặc đẹp như năm đứa em cùng cha khác mẹ với tôi. Thật bất ngờ, tôi buột miệng:
- Còn khi nào thật sự gặp khó khăn, anh cứ gặp tôi. Chúng ta thử cùng tìm giải pháp.
Mắt Thành chớp nhanh đầy vẻ ngạc nhiên. Anh nói nhỏ:
- Thành thật cảm ơn thiếu úy.
Tôi thầm trách mình sao nhạy miệng. Có thể tôi đã dành cho Thành nhiều cảm tình. Tôi không hiểu tại sao. Tại vì khuôn mặt xương xẩu già trước tuổi? Hay tại vì Thành mang cái vóc dáng của tay du đảng Trần Đại của quyển “ Điệu Ru Nước Mắt” tôi vừa đọc xong ở nhà Dũng?
Quả là tôi nói liều. Tôi chưa vợ chưa con, chưa trải nghiệm gian nan thì lấy tư cách gì mà giúp giải quyết khó khăn cho kẻ đã có gia đình và có cuộc sống dày dạn hơn. Còn giúp tiền giúp bạc thì là cả một sự khôi hài. Tôi đang nghèo sát ván. Lương thiếu úy mới ra trường của tôi xem ra chưa hẳn đã đủ cho ba bữa ăn và những nhu cầu không thể không thỏa mãn…
Tôi ngường ngượng nhìn về tấm bảng nhật vụ treo cạnh hạm kiều. Một dòng chữ bằng phấn trắng nổi bật chiếm gần trọn khung chữ nhật màu xanh nước biển: “Cấm trại 50%”. Tôi chợt nhớ cái hẹn với Tâm mười một giờ. Tôi nhìn chiếc đồng hồ trên bảng nhật vụ. Còn năm phút nữa. Tôi lại nhìn dòng chữ cấm trại 50%. Nếu đúng như Tâm nói là chúng tôi không nằm trong phân đội cấm trại thì chiều nay tôi sẽ được gặp lại người xưa.
Tôi hình dung Tuyết qua lời mô tả của Tâm. Rồi không biết do mối liên kết nào mà thay vì hình bóng Tuyết hiện ra lại là vóc dáng của Hiền. Và vóc dáng tuyệt vời đó mỗi lúc thêm rõ mồn một. Cùng với vóc dáng là cái cảm giác nhớ nhung da diết ào ạt xâm chiếm. Cuối cùng tôi gần ngợp thở với niềm khát khao gặp lại nàng. Tôi bước đi mà miệng lầm bầm: “Giá mà cấm trại 100% càng tốt!”
Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ 4 & HQ 1
CHƯƠNG 5
Tâm rẽ chiếc Vespa vào một ngõ hẻm tương đối rộng của đường Võ Di Nguy chừng vài mươi thước rồi thắng xe. Anh tắt máy, ngoảnh mặt nói: “Nhà nàng đấy!”. Tôi tuột khỏi xe, đứng ngắm căn nhà hai tầng trước mặt nằm giữa một dãy phố khang trang. Cửa chính sơn màu xanh đọt chuối và cửa sổ che màng màu xanh phơn phớt. Trên lan can bao lơn là bốn chậu kiểng đang nở rộ. Chậu hoa màu trắng đặt chen cạnh hoa màu tím. Tôi không biết là hoa gì nhưng hoa màu trắng có đóa lớn hơn và thưa hơn.
Tâm dựng xe, xoay chìa khóa bỏ vào túi quần đắt tiền màu xám nhạt. Chiếc áo sơ mi có những đường nâu ngang dọc tạo thành những ô vuông đẹp mắt. Chả bù tôi mặc chiếc áo thung trắng cổ lật, nhăn nheo, bỏ ngoài chiếc quần kaki xanh làm việc. Đó là bộ đồ đẹp nhất còn lại sau một tuần tôi ở nhà Hiền không giặt giũ.
Tâm xăm xăm tiến về phía cửa. Tôi lúng túng bước theo và nhận ra tim đập mạnh khi Tâm nhấn chuông. Tôi nghe tiếng reo văng vẳng. Đợi chừng ba mươi giây, Tâm nhấn lần thứ nhì. Không hiểu sao tôi mong Tuyết không có ở nhà. Suốt hôm qua và cả hôm nay tôi nôn nao giờ phút này nhưng giờ tôi cảm thấy chưa sẵn sàng. Tôi không biết sẽ nói gì với Tuyết. Chúng tôi đột ngột bặt tin nhau cũng đã hơn hai năm.
Có tiếng vặn khóa và cánh cửa hé mở. Tôi đăm đăm nhìn cô gái đang ngắm tôi bằng đôi mắt mở lớn. Tuyết đó sao? Những gì tôi hình dung về Tuyết trên đường từ chiến hạm đến đây đều sai lạc. Trước tôi không phải là cô bé Tuyết e thẹn, dễ thương, tóc thề ngang vai. Đó là một thiếu nữ có nét đẹp sắc sảo, mái tóc uốn gợn ôm lấy cổ và thân thể tràn đầy quyến rũ trong bộ đồ màu tím nhạt mong manh.
- Anh Bằng!
Tuyết gọi bằng âm thanh gần như thảng thốt rồi mở rộng cửa ôm vội lấy tôi. Tôi cũng ôm chặt lấy thân hình nẩy nở tuyệt mỹ. Tôi cảm nhận nhịp tim của Tuyết qua bộ ngực căn phồng áp sát ngực tôi. Mùi thịt da thơm tho ngọt liệm. Vừa khi tôi nhớ đến cái xúc cảm lần đầu ôm Tuyết thì Tuyết đã nới vòng tay. Tôi định ghì xiết nhưng chợt thấy Tâm đang đứng cạnh nên cũng vội thả lỏng. Tuyết bước sang ôm lấy Tâm, thì thầm:
- Anh đến, em rất vui.
Tâm vỗ nhẹ lưng Tuyết:
- Anh cũng rất vui thấy em vui.
Tuyết mở rộng cánh cửa, vồn vã:
- Mời hai anh vào nhà. Bất ngờ quá…
Tâm đứng yên, cười tươi:
- Anh đã hứa anh sẽ mang Bằng đến và hôm nay anh đã giữ lời. Việc anh coi như xong. Xin chúc cả hai… hạnh phúc.
Tâm vẫy tay từ biệt rồi quay lui. Tuyết vội nắm chặt cánh tay Tâm. Giọng nàng thân mật:
- Đâu có bỏ đi dễ dàng vậy được. Hôm nay là ngày dành cho anh mà! Anh phải ở lại để em… chứng minh rằng em không còn yêu anh Bằng!
Tôi bật cười:
- Anh đến đây cũng đâu mong được Tuyết còn yêu, còn thương. Anh đến chỉ muốn nhìn lại… người xưa sau thời gian dài không gặp.
Tuyết nắm tay tôi bằng bàn tay còn lại, kéo cả hai chúng tôi vào nhà. Tuyết khóa cửa, đưa chúng tôi đến tận bộ sa lông màu trắng sang trọng:
- Hai anh ngồi đó.
Chúng tôi ngồi lên chiếc ghế nệm dài bằng da ngà ngọc, êm ái.Tuyết đứng ngắm nghía hết người này sang người kia rồi gật gù:
- Cả hai đều… đẹp trai như nhau. Muốn chọn một người thật khó! Tạm thời em chọn cả hai!
Tâm cười lớn:
- Được như vậy cũng là phước cho anh! Ngày xưa, đang yêu anh, tự dưng em… bẻ lái sang Bằng. Cho tới bây giờ Tuyết vẫn còn nợ anh một lời giải thích.
Tôi nhích xa Tâm và nói với Tuyết:
- Vì chọn cả hai nên để công bằng Tuyết đến đây ngồi ở giữa.
Tuyết lắc đầu, ngồi lên chiếc ghế đơn đặt cạnh rồi tiếp tục nhìn chúng tôi. Dường như là Tuyết đang lựa lời:
- Anh Bằng giải thích dùm…
Tôi lúng túng châm điếu thuốc lá. Quả là khó giải thích. Sau cái đêm tôi liều mạng ôm Tuyết, tôi thấy mình quá nông nổi nên tránh né cả Tuyết lẫn Tâm. Nhưng cũng từ sau đêm đó hình dáng của Tuyết, mùi hương của Tuyết ám ảnh tôi không nguôi. Vài tháng sau, trong một tối nhớ quay nhớ quắc, tôi tha thẩn qua lại nhà Tuyết nhiều lần. Chợt tôi thấy Tuyết mở cửa bước ra ngồi trên một ghế tựa trước sân, xung quanh là ánh sáng rỡ ràng của vầng trăng vằng vặc. Chân tôi vẫn tiếp tục bước làm như một kẻ qua đường nhưng lòng thì muốn cất tiếng gọi nàng. Khi tôi quay lại, Tuyết đang ngồi chòm hõm, tay như đang viết gì trên mặt đất. Tôi liều mạng len lén đến đứng phía sau nàng. Tôi say mê ngắm mái tóc thề xỏa kín nửa phần lưng thanh tú. Tuyết đang khe khẻ hát bài Nỗi Lòng: “Yêu ai, ai hiểu được lòng. Thầm kín những đớn đau với riêng lòng ta. Ấp ủ lạnh lùng tình yêu kia mà người nào hay”. Tuyết vừa hát vừa viết chữ lên cát. Tuyết xóa chữ vừa viết xong rồi lại bắt đầu. Chỉ mới đọc đến mẫu tự thứ hai mà tim tôi suýt văng khỏi lồng ngực. Vừa khi chữ “Bằng” hoàn tất, Tuyết vội xóa đi. Và lại nắn nót từng nét…Không kềm được nỗi vui sướng, tôi kêu khẽ: “Tuyết”. Tuyết đứng phắt lên, hốt hoảng, rồi ôm chặt tôi…
Tôi ngồi im chúm chím cười. Tâm hết nhìn Tuyết lại nhìn tôi, kiên nhẫn chờ. Anh rút điếu thuốc, bật quẹt, thư thả phì phà. Cuối cùng Tuyết lên tiếng:
- Trước hết, em rất chân thành xin lỗi anh Tâm về việc ngày xưa em đột ngột… bẻ lái sang anh Bằng.
- Cho em bào chữa bằng một lời ngắn gọn: Con tim có lý lẽ của nó…
Tâm gục gặc đầu:
- Ngắn gọn và…chí lý! Còn về lời xin lỗi, cho anh từ chối! Trong tình yêu, xin lỗi chỉ làm thêm… đau lòng!
Chúng tôi cười vang. Tâm lại lên tiếng:
- Thôi! Coi như xong chuyện ngày xưa. Giờ đến chuyện ngày nay. Lần này, Tuyết tham lam chọn cả hai. Hãy như lần trước, Tuyết nên dứt khoát chọn một.
Nụ cười nhếch mép của Tuyết làm đôi môi thắm mọng thêm gợi cảm:
- Em nói… tạm chọn thôi. Nếu một ngày đẹp trời nào đó, một trong hai anh mở lời trước là muốn cưới em làm vợ. Em sẽ chọn người đó. Em quá sợ sống một mình. Và quá sợ phải bắt đầu quen biết một người xa lạ. Em đang mong mỏi một mái ấm gia đình. Em tin là em sẽ là một người vợ hiền, một bà mẹ tốt…
Tôi và Tâm ngơ ngẩn nhìn nhau. Tuyết tung ra đòn bất ngờ làm cả hai chúng tôi tê liệt. Nụ cười nhẹ trên khuôn mặt đẹp mà buồn:
- Em nói nghiêm túc. Nhưng hai anh không phải trả lời ngay. Hạn chót là một năm.
Tôi ngắm nghía khuôn mặt tròn, da mịn màng và ánh mắt tinh anh. Được một người vợ như Tuyết thì còn gì mong mỏi hơn nhưng tôi thấy rõ là tôi chưa sẵn sàng. Ít ra là cũng nhiều năm. Tâm cũng đang đăm đăm nhìn Tuyết, không một cử động nào khác giúp tôi đoán là anh đang nghĩ gì. Tôi lại hướng về Tuyết, hai bàn tay thon thả có móng dài tô hường đang ôm lấy khuôn mặt. Mái tóc ngắn với các dợn sóng rơi phủ hai bên tai. Tuyết hiện tại hoàn toàn không giống Tuyết của tôi ngày xưa. Ngày xưa Tuyết của tôi tóc thề, e ấp, không son phấn. Tôi không phân định được tôi thích hình ảnh nào hơn.
Tiếng tôi vang lên trong không gian tĩnh lặng:
- Cho anh nói lên một nhận xét. Tuyết đã hoàn toàn thay đổi. Nếu Tâm không nói trước, nếu anh tình cờ gặp em ngoài phố anh không nhận ra em.
Tuyết buông thỏng đôi tay, ngẩng mặt, cao giọng:
- Nhưng anh Tâm lại nhận ra em giữa chốn đông người.
Tâm giọng cợt đùa, bồi thêm phát súng ân huệ:
- Rất dễ hiểu vì hình bóng Tuyết lúc nào cũng khắc sâu trong tim anh.
Tuyết bật cười:
- Nói dậy mà không phải dậy.
Tôi lại nhận ra thêm một đổi thay bất thường ở Tuyết. Ngay từ phút đầu gặp lại tôi đã ngờ ngợ. Tuyết không nói bằng giọng Huế của một thời tôi say đắm. Tôi bật hỏi:
- Tuyết bắt chước giọng Sài Gòn? Đừng! Anh thích nghe giọng Huế. Nghe giọng Huế để nhớ một người anh từng yêu.
Tuyết cười thật tươi. Nhưng Tuyết đã hiểu lầm. Tôi không ám chỉ Tuyết. Tôi vừa nghĩ đến một người con gái khác, cũng người Huế, cũng ở cùng đường nhà Tuyết ở Nha Trang mà tôi đã cho rằng số mệnh dun rủi tôi gặp nàng thay cho Tuyết biến đi không còn dấu vết.
- Em bỏ luôn giọng Huế rồi. Nghe cái âm trọ trẹ thêm buồn mà người Sài Gòn cũng không ai muốn nghe. Em muốn thành người Sài Gòn trăm phần trăm…
- Tại sao?
- Tại vì em muốn quên quá khứ, gốc gác của mình. Thật lòng mà nói, hai tháng trước gặp lại anh Tâm, em rất vui mừng mà cũng ngỡ ngàng. Vui mừng vì em đang quá cô đơn. Còn ngỡ ngàng vì gặp anh Tâm, em có linh tính là sẽ gặp lại anh, kẻ mà em quyết tâm cắt đứt.
Tôi ngồi thẳng người, ngạc nhiên:
- Tại sao lại quyết tâm cắt đứt?
Tuyết quắc mắt:
- Anh còn dám tỉnh bơ hỏi tại sao? Tại vì chỉ mới xa vài tháng mà thư của anh thưa dần rồi dứt hẳn.
Tuyết nhìn thẳng vào mắt tôi và tôi chết lặng. Lúc đó tôi bắt đầu yêu Hiền, bắt đầu khổ vì Hiền. Những lời nồng nàn trong thư Tuyết không đủ xóa bóng dáng của Hiền. Và ngày qua ngày tôi quên bẳng Tuyết…
- Đang buồn bị anh bỏ rơi, thì đột ngột em mất luôn cả cha lẫn mẹ.
Tôi sửng sốt:
- Hai bác đã mất?
- Chừng hơn nửa năm sau khi các anh vào Sài Gòn thì ba mẹ em bị tai nạn máy bay. Em không dám sống một mình trong căn nhà nên vào Sài Gòn tìm anh. Em đã đến ký túc xá và họ bảo anh không còn ở trọ. Em đến đại học khoa học mấy hôm liền nhưng anh không đến lớp.
Tôi còn nhớ cái lý do tôi rời ký túc xá nhưng không nhớ vì sao tôi không đi học. Lúc đó Dũng đã rủ tôi về ở chung nhà và cái động lực chính khiến tôi đồng ý chỉ vì muốn gần Hiền.
Tôi đứng lên, bước gần hơn, nắm tay Tuyết, xúc động nói:
- Anh quá sức tệ hại, Tuyết tha lỗi cho anh. Anh chân thành chia xẻ nỗi đau buồn…
Tâm cũng đến bên Tuyết, ngồi sát vào nàng:
- Anh lại càng tệ hơn. Anh có nghe tin tức tai nạn máy bay lúc đang ở quân trường nhưng không biết ba mẹ của Tuyết cũng là nạn nhân. Nếu anh biết, anh đã đến… Suốt hai năm thụ huấn, anh không đến nhà Tuyết vì… tự ái, vì nghĩ Tuyết đã là của Bằng!
Giọng Tuyết đầy phiền muộn:
- Em không biết anh nhập trường Hải quân. Nếu biết, em đã không phải lặn lội đi tìm anh Bằng. Nếu biết, mỗi tuần em đã vào thăm anh…
Tôi chợt nhớ ra, hối hả nói:
- Anh nhập khóa sau Tâm một năm. Ngày đầu được đi bờ, anh đến ngay nhà Tuyết. Anh đã sững sờ khi được người chủ mới bảo là Tuyết đã dọn đi và không biết đi đâu.
Tuyết ngẩn lên, nước mắt ven mi:
- Em xin lỗi đã làm các anh mất vui. Em tự hứa là sẽ không kể cho bất cứ ai mà rốt cuộc lại nói với hai anh. Thôi chuyện cũng xưa rồi, hãy vui với hiện tại. Hai tháng qua, em đã hỏi đủ chuyện về anh Tâm và không còn gì thắc mắc. Còn anh Bằng, từ ngày chia tay, anh yêu những ai? Bắt đầu bằng người đẹp đã làm anh quên Tuyết.
- Thật lòng mà nói, từ phút giây gặp lại Tuyết, anh hoàn toàn không còn nhớ là đã yêu những ai. Nói khác đi, là tất cả những hình bóng anh đem lòng yêu thương sau Tuyết, bây giờ đều nhập lại thành một, thành người đang ngồi trước mặt anh.
Tuyết bật cười:
- Anh vẫn có những lời tán thật khéo. Những lời đó và vòng tay ôm của anh lúc nào cũng ám ảnh em…
Tâm la lên:
- Trời ơi! Muồi rệu!
Tuyết giẫy nẩy:
- Anh mà còn phê bình kiểu đó là em đuổi anh về đấy.
Tâm đứng lên:
- Thì anh đã muốn về từ lâu. Anh ở đây chỉ thêm… thừa, chỉ thêm chua xót chứng kiến người xưa của mình tái ngộ với người xưa đến sau mình.
Tâm bước ra cửa. Tuyết đứng lên chạy theo Tâm, giọng dịu dàng:
- Em chỉ đùa, em xin lỗi. Ai cũng đều là “người xưa” cả. Hãy vì em, xin anh ở lại.
Tuyết choàng tay qua lưng Tâm đẩy anh trở vào. Tâm nhìn tôi, rùng vai như muốn nói … không phải tại tao. Tôi cười:
- Mày về là tao lội bộ về tàu. Đi tắc xi khuya khoắt nó chém, chịu sao thấu!
Tâm cười ngồi lại chỗ cũ trên ghế dài cạnh tôi. Tuyết đưa tay bật sáng đèn rồi đi thẳng vào bếp nói vói lại:
- Em đã chuẩn bị cơm tối. Thật tình là để mời anh Tâm vì không biết là có cả anh Bằng. Tuy vậy ba người ăn… càng ngon.
Tôi và Tâm nhìn nhau. Tôi đưa thuốc lá mời Tâm. Chúng tôi đua nhau hít và nhả khói. Tôi đưa mắt khắp gian phòng. Gần cửa chính là chiếc cầu thang hình xoắn ốc bằng gỗ nâu dẫn lên tầng nhì. Trên hai vách đối diện là những khung hình chụp thắng cảnh ở các bờ biển trong đó tôi nhận ra ba tấm là thuộc biển Nha Trang: Một chụp từ biển nhìn vô cầu đá với hải học viện và biệt điện cựu hoàng. Một là vùng biển xanh thăm thẳm ôm ven bờ cát trắng hình cánh cung và một là hình ảnh Hòn Chồng với hòn đá trơ vơ có vết chân khổng lồ in sâu. Những nơi này tôi và Tuyết từng trải qua những giờ hạnh phúc vào cuối tuần…
Trong mắt em - In your eye!
Tuyết bước tới lui từ cái bếp gọn gàng sang chiếc bàn ăn hình vuông trải khăn trắng có hoa văn chấm phá. Nhìn cái dáng nở nang quyến rũ trong bộ đồ khít khao, tôi muốn nhào tới liều mạng ôm nàng một lần nữa. Và lần này sẽ thẩy tung nàng lên giường… Tôi liếc nhìn Tâm. Anh cũng đang nhìn nàng đắm đuối. Tự dưng tôi thở dài. Có lẽ Tuyết đang cần một người đàn ông làm chồng nhưng cả hai chúng tôi đều còn ở tuổi thích độc thân. Yêu thì có yêu nhưng chưa hề có ý muốn bị ràng buộc.
Tuyết ngoắc chúng tôi từ bàn ăn:
- Xong rồi, xin mời hai anh. Anh Bằng cũng uống bia như anh Tâm, hỉ?
Tôi xót xa gật đầu. Tuyết khui thêm một chai “33” Tâm ưa thích. Món ăn không mấy thịnh soạn. Tô nước canh, dĩa rau muống luột, dĩa cá nục kho khóm đầy ớt xanh. Và dĩa đậu xào nhiều tỏi. Không khách sáo, chúng tôi ăn ngon lành. Tuyết chỉ ăn cầm chừng:
- Về đây, anh Bằng ở vùng nào?
Tôi cười:
- Vùng bến Bạch Đằng!
Tâm chen vào:
- Nó cũng vô gia cư như anh và đang ở cùng tàu anh.
Tuyết tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Hai anh ở cùng tàu, thích quá hỉ? Chà! Chuyện gì, hai anh cũng nói toạt cho nhau. Chỉ có em là thiệt thòi, không được biết…
Tôi xăng xái:
- Tuyết muốn biết gì nào?
- Muốn biết cái mà em đã hỏi và lần này anh không được né tránh. Sau khi xa Tuyết, anh phải lòng thêm bao nhiêu cô nữa?
Tôi gắp một miếng cá bỏ vào miệng, thư thả nhai. Tuyết nhìn tôi đăm đăm chờ đợi. Tôi nói chậm:
- Tuyết có thể không tin, mà là sự thật. Chỉ có hai người.
- Cùng một lúc?
- Cùng lúc, nhưng hai nơi khác nhau. Khi chia tay Tuyết về Sài Gòn, anh yêu một người. Chừng trở lại Nha Trang không có Tuyết, anh yêu thêm người nữa. Kết quả là hiện tại cả hai đều chê anh!
Tuyết cười sằng sặc:
- Anh kể chuyện… khôn hỉ. Nhưng đừng tưởng thế mà chiếm lại em được! Em bây giờ… khôn hơn! Bây giờ… ai em cũng yêu!
Tâm buông đũa, nhướng mắt:
- Tức là anh cũng được Tuyết yêu?
Tuyết cười, gật đầu:
- Tất nhiên. Tình đầu mà!
- Nghĩa là anh có quyền… hôn Tuyết?
Tuyết lại gật đầu, tủm tỉm:
- Ai cũng có quyền hôn Tuyết!
Tâm đứng lên:
- Bảo đảm không tát…
Tuyết không động đậy, giọng thản nhiên:
- Bảo đảm!
Tâm bước sang nâng cằm Tuyết lên và mặt anh hạ xuống. Hai đôi môi gắn chặt. Một lúc, chính Tâm là người dang ra trước. Anh cười, đưa tay chùi đôi môi trong lúc tim tôi như thắt lại. Tâm nói bằng giọng trầm buồn:
- Đau thật! Thì ra em chỉ muốn chọc tức Bằng.
Tuyết đứng lên bước qua bếp lấy dĩa nhãn no tròn. Khi đặt dĩa nhãn xuống bàn ăn, nàng yên lặng nhìn Tâm, rồi chầm chậm nói:
- Chẳng việc chi mà em phải chọc tức anh Bằng. Nếu vừa rồi người hôn em là anh Bằng, chả lẽ em muốn chọc tức anh? Em chỉ muốn… chỉ muốn… thay cho lời xin lỗi.
Tâm cười rũ rượi:
- Anh khoái cái kiểu em xin lỗi. Nhưng nếu em xin lỗi vì em yêu Bằng mà không yêu anh thì cho anh xin! Anh yêu em nhưng không đến nỗi… phát điên để em phải an ủi. Ngày xưa, khi biết em yêu Bằng, anh kiếm người khác… trám vào ngay. Đời quá ngắn ngủi, đau khổ chi cho… đau khổ. Lúc nào anh cũng vui vẻ vẩy tay: “Buồn ơi! Chào mi”. Nếu em vẫn còn yêu Bằng, thì cứ tự nhiên yêu. Lại nếu thành chồng thành vợ, anh chân thành chúc hạnh phúc. Anh hứa luôn luôn sẽ là… bằng hữu tốt của cả hai!
Tuyết xua tay:
- Chắc chắn là không có chuyện đó. Anh còn cho thấy anh có quan tâm đến em. Với anh Bằng thì tuyệt không. Số em là… số khổ nên ngày xưa mới dại dột … dứt tình anh. Nhưng cũng thật lạ lùng, ngày gặp lại anh, em mừng vô cùng. Em có ngay cái ao ước được làm vợ anh. Chỉ nghĩ thôi mà em đã thấy hạnh phúc. Nhưng suy đi tính lại, em thấy không ổn. Anh chắc là khó quên một thời bị bỏ rơi. Bây giờ gặp lại anh Bằng, lại càng thấy không ổn. Em đang mang cái mặc cảm từng phụ bạc anh.
Tuyết dừng lại, nhún vai:
- Ngày xưa đã một lần không kham nỗi đau buồn em phải bán nhà chạy trốn vào đây. Bây giờ em đang có ý nghĩ lại phải bán nhà chạy trốn khỏi thành phố này. Chạy trốn cả hai anh…
Tôi lớn tiếng:
- Đừng có khùng!
Tâm phụ họa:
- Đừng có điên!
Tôi nói đùa, hy vọng xóa tan nỗi buồn của Tuyết:
- Em đã đưa ra cái hạn một năm, rằng trong thời hạn đó, nếu ai ngõ lời cầu hôn em trước, em sẽ làm vợ người đó. Vậy, em đừng vội bán nhà. Biết đâu một ngày rất gần, hoặc nhiều lắm là dăm ba tháng tới, em thấy người nào đó… đẹp trai hơn hai anh. Thế là… tiếng sét ái tình!
Tuyết nhăn mặt:
- Anh lúc nào cũng đùa được!
Tôi phản đối:
- Anh không đùa. Tiếng sét ái tình nó giáng bất ngờ, có chạy trốn cũng vô ích. Ngay chính với Tuyết, anh đang bị tiếng sét giáng cho lần thứ nhì…
Tâm nói chậm rãi:
- Bằng nói đúng. Anh cũng bị tiếng sét lần hai…
Giọng Tuyết bực bội:
- Thì hai anh ôm lấy tiếng sét mà cùng biến đi cho khỏi rắc rối…đời em!
Tuyết đứng lên, lặng lẽ dọn chén dĩa. Tôi và Tâm vội vàng tiếp tay. Tuyết mở nước chảy vào chậu, bắt đầu lau rữa. Tôi muốn lên tiếng mà không tìm được ý tưởng hợp tình hợp cảnh lúc này. Tâm bước đến bên Tuyết khi tôi cầm ly bia đi về chiếc sô pha. Anh nói nhỏ gì đó nhưng Tuyết lặng thinh.
Đứng xớ rớ một lúc, Tâm thất thểu bước ra ngồi cạnh tôi châm thuốc. Tôi cũng rút một điếu. Tôi không hiểu thái độ của Tuyết. Đang vui đó rồi buồn đó. Tôi cho là đã đến lúc ra về. Tuần tới gặp lại, hy vọng mọi sự sẽ trôi qua. Tôi dứt khoát đứng lên:
- Tụi anh xin… từ biệt. Mong Tuyết bỏ qua mọi chuyện không vui…
Tuyết quay phắt lại, giọng giận hờn:
- Hai anh không biết là gặp lại hai anh, em mừng lắm sao? Nói cho cùng, đời em chỉ còn hai anh là thân thiết gần gụi… Nhưng em không thể chọn cả hai mà cũng không thể chọn người nào. Gần hai anh càng chuốc thêm khó xử! Chỉ có trốn hai anh mới bớt khổ!
Tôi ra dấu với Tâm. Anh buồn rầu đứng lên. Tuyết rữa tay, lau khô, bước theo chúng tôi.
Tâm đạp cho máy nổ. Tôi choàng chân leo lên yên sau. Tuyết nói lớn:
- Hôm nào rảnh, mời anh Bằng đến chơi.
Tôi nhìn sâu vào mắt Tuyết:
- Cái cách em mời như là một lời đẩy đưa! Có lẽ anh không đến nữa, tốt hơn.
Tâm quay lại, giọng phiền giận:
- Mày được mời mà còn làm cao. Có mày Tuyết lại… chê tao!
Tuyết vươn tay đập vào vai Tâm, miệng cười tươi:
- Mỗi tối thứ ba em đã dành cho anh, còn đòi mời mọc gì nữa…
Tâm và Tuyết trao nhau ánh mắt thân tình. Tôi lại nghe nhói ở tim, nghẹn ở họng. Tâm mở đèn, ánh sáng quét dài trên mặt đường đầy sỏi đá. Chiếc xe rú lên, vọt tới, bánh nghiền trên mặt đường tạo những âm thanh xao xuyến.
Ra đến đường lớn, Tâm quay lại:
- Tuyết còn yêu mày!
- Tao nghĩ trái lại, nó yêu mày!
- Bậy!
- Cái cách nó nhìn mày, cử chỉ nó dành cho mày ra chiều… âu yếm lắm!
Tâm nói sau tiếng cười:
- Mày ghen đấy à? Coi vậy chớ không phải vậy! Cách đây hai tuần, tao ở lại nhà nó tới thiệt khuya. Thấy nó tỏ ra thân mật và trông nó thật ngon lành, tao ôm nó hôn đại…
Tâm ngưng nói. Tôi nghĩ đến lần tôi… ôm đại Tuyết và ngập ngừng hỏi:
- Rồi sao?
- Rồi nàng xáng cho tao một bạt tai!
- Rồi sao?
- Rồi tao phải rối rít xin lỗi!
- Rồi sao?
- Rồi Tuyết đuổi tao về!
- Rồi?
- Thì tao đành phải về!
- Về?
- Chớ ở lại thì thế nào cũng lại lạng quạng và lại ăn tát.
Tôi thở ra. Tôi đã hiểu vì sao Tuyết để cho Tâm hôn trước mặt tôi. Với Tuyết thì đó là cách nàng xin lỗi đã tát Tâm. Nhưng với tôi, nó còn hơn một lời xin lỗi. Tuyết cho tôi thấy là nàng không sợ tôi buồn. Tuyết cho thấy lần này tôi chỉ là cái bóng mờ. Tôi nói lớn hơn tiếng máy xe:
- Nếu tao là mày, tao sẵn sàng nhận thêm cái tát thứ hai, thứ ba… cho tới khi nàng thôi tát.
Tâm lặng lẽ lái xe. Một lúc sau anh quay lại, cười cười:
- Mày nói có lý! Tao… khờ thật.
CHƯƠNG 6
Hai ngày liền sau đó, ngoại trừ các bữa cơm lai rai bia và tán gẫu với Tâm cùng các quan bị cấm trại, tôi nghiền ngẫm quyển Huấn thị Điều hành Căn bản chiến hạm. Sách mở đầu bằng một Sơ đồ tổ chức. Ô hình chữ nhật cao nhất ghi Hạm trưởng. Ô nhỏ hơn ngay bên dưới ghi Hạm phó. Dưới hạm phó là các ban ngành: Chiến tranh chính trị, An ninh, Truyền tin, Huấn luyện, Hải hành, Cơ điện khí, Vận chuyển, Phòng tai, Trọng pháo, Ẩm thực. Chương đầu tiên dành cho việc mô tả nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của Hạm trưởng. Có một câu tôi đọc qua là nhớ ngay: “Hạm trưởng có toàn quyền sử dụng mọi biện pháp để duy trì an ninh trật và bảo vệ sinh mạng cùng tài sản quốc gia.” Và dĩ nhiên chương tôi đọc kỹ nhất là phần nhiệm ban ẩm thực mà tôi sắp nhận lãnh và chương nhiệm vụ sĩ quan trực nhật. Sáng nay đang cố ghi nhớ vài trang cuối thì tôi được Tâm khởi sự hướng dẫn cách nhật tu sổ lương thực và cách thiết lập danh sách lương bổng hàng tháng cho toàn thể thủy thủ đoàn. Tuy nhiên chỉ vừa bắt đầu thì Hạm trưởng bước vào. Theo sau ông là Hạm phó và sĩ quan trực nhật. Tôi và Tâm đứng lên chào. Ông ngồi vào chiếc ghế đầu bàn dành riêng cho ông. Hạm phó ngồi cạnh ông dãy bên tay phải. Trung úy Hào bên trái. Các sĩ quan lần lượt đến, ngồi vào ghế của mình theo thứ tự thâm niên.
Thấy đã đông đủ, Hạm trưởng nở nụ cười tươi và lên tiếng bằng giọng trầm ấm:
- Thế nào? Mọi người đều vui vẻ khỏe mạnh chứ?
Vài sĩ quan ồ ồ lên tiếng:
- Cám ơn hạm trưởng.
Ông nhìn thẳng vào tôi ở cuối bàn trực diện ông:
- Còn thiếu úy Bằng? Sau gần một tuần, hẳn là anh đã tóm thâu được phần nào hiểu biết căn bản về tổ chức và cấu trúc chiến hạm? Sẵn sàng nhận công tác đầu tiên chứ hả?
Tôi mạnh dạn:
- Thưa hạm trưởng, rất sẵn sàng!
Ông nhìn xuống tập công văn đóng dấu Mật/Khẩn, cười mỉm:
- Thiếu úy Bằng sẵn sàng thì hẳn mọi người dư sẵn sàng! Vậy thì tôi báo cho một “tin mừng”: Sáng chủ nhật, chiến hạm sẽ đi công tác. Khởi hành đúng mười giờ.
Tôi nhận cái nháy mắt đầy ý nghĩa của Tâm: “Vậy là thứ ba tới hết mong gặp nàng”. Giọng hạm trưởng khô khan:
- Lưu ý tất cả các anh, những gì tôi nói sau đây được coi là mật. Có nghĩa là các anh không được tiết lộ cho bất cứ ai, gồm cả nhân viên và người thân. Công tác thì giản dị nhưng hành trình thì khá gian nan. Tàu chúng ta sẽ đi Năm Căn. Năm Căn nằm ở mũi Cà Mau. Tôi nghĩ là tất cả các anh đều có nghe “chiến dịch Sóng Tình Thương” do Hải Quân điều động nhằm bình định và tái lập quận Năm Căn. Cuộc hành quân quy mô đó khai diễn từ đầu năm và sau hai tháng đã đạt kết quả mỹ mãn. Quận đã thành hình với bốn ngàn dân trở về sống bằng nghề làm than đước và đánh cá. Tuy nhiên thỉnh thoảng địch vẫn xuất hiện tiếp tục quấy phá. Suốt tuần qua, một tiểu đoàn bộ binh đã mở cuộc hành quân tảo thanh vùng này. Nhiệm vụ chúng ta là đến Năm Căn bốc tiểu đoàn bộ binh đưa về Đại Ngãi. Thú thật là tôi chưa từng đến nơi này. Chúng ta sẽ vào Năm Căn bằng cửa sông Bồ Đề, mất chừng hai tiếng. Dọc sông Bồ Đề là rừng đước, cây thon cao, ít lá nên dễ quan sát. Theo tin tình báo thì địch ở Năm Căn chỉ là các du kích địa phương. Tuy vậy chúng ta vẫn phải cẩn tắc vô ưu, phải chuẩn bị phản ứng tối đa. Địch cũng có thể bắn ra tàu từ các lò gạch. Mỗi lò gạch cách nhau vài trăm thước. Nhớ cho kỹ: Không được tự ý tác xạ. Chỉ bắn khi bị bắn và ngưng ngay khi có lệnh.
Hạm trưởng nhìn sang hạm phó:
- Dòng sông tương đối rộng nhưng các không ảnh chụp cho thấy có rất nhiều hàng đáy, vì vậy việc vận chuyển xem ra không mấy êm xuôi. Tôi muốn có hạ sĩ Thành đi chuyến này. Nếu đang cho đi phép thì cũng phải gọi về tàu. Tôi cũng rất cần Trung sĩ nhất thám xuất Tạo. Lòng sông thì khá sâu nhưng cửa sông lại cạn, chúng ta chắc chắn là phải dùng máy đo chiều sâu. Ngoài ra, tùy tình hình và thủy triều, có thể chúng ta phải quay về vào ban đêm. Vì vậy tôi muốn chiếc radar phải luôn chạy tốt bằng cách có đủ các bóng đèn thay thế. Đi ban đêm, địch khó thấy ta nhưng ta lại dễ thấy địch. Khi bị phục kích, nhân viên được phép tức khắc phản pháo vào ánh lửa trên bờ.
Còn việc tiếp nhận tiểu đoàn bạn, tôi sẽ gặp tiểu đoàn trưởng thảo luận các biện pháp an ninh và an toàn trước khi cho nhập hạm. Điều quan trọng nhất là Hạm phó và sĩ quan an ninh phải chắc chắn tất cả vũ khí, trừ vũ khĩ cá nhân của sĩ quan, đều được tập trung ở sân lái. Tôi sẽ có chỉ thị chi tiết tại chỗ. Và đây là việc mỗi các anh cần làm.
Ông tiếp tục hướng về hạm phó:
- Hạm phó có thể cho phân đội không trực đi bờ kể từ trưa nay. Phân đội còn lại đi bờ ngày mai. Thông báo tất cả nhân viên phải có mặt điểm danh lúc 8 giờ sáng chủ nhật. Mười giờ cho nhận còi nhiệm sở vận chuyển. Tất cả mặc tiểu lễ để dàn chào Bộ tư lệnh Hải quân và thủ đô Sài Gòn. Sau buổi họp, đánh ngay công điện cho các chiến hạm cặp phía ngoài tách ra đúng mười giờ để mình rời cầu. Kiểm soát tình trạng sẵn sàng của chiến hạm. Nhận rõ chứ?
- Thưa vâng!
- Công việc sĩ quan cơ khí như sau. Đôn đốc và hoàn tất sửa chữa máy chánh trước 4 giờ chiều mai. Kiểm soát tình trạng hai máy neo mũi và lái. Lấy đầy dầu và nước ngọt. Nhận rõ?
- Thưa rõ!
- Sĩ quan truyền tin liên lạc phòng sáu lãnh tài liệu truyền tin và nhật tu. Phải bảo đảm tình trạng khiển dụng các máy vô tuyến. Qua phòng hành quân nhận đặc lệnh hành quân. Nhận rõ?
Trung úy Hào:
- Thưa, nhận rõ!
- Thiếu úy Tâm và thiếu úy Bằng chuẩn bị thực phẩm bảy ngày. Chuẩn bị bảng lương cho nhân viên để nạp Phòng Tài chánh ngay khi về bến cho kịp định kỳ. Thiếu úy Bằng sẵn sàng nhận chức Trưởng ban Ẩm thực khi thiếu úy Tâm chuyển sang làm Trưởng ban Trọng pháo.
Tôi và Tâm cùng đáp:
- Nhận rõ.
- Trung úy Tùng?
Trung úy Tùng sốt sắng lên tiếng:
- Có tôi.
- Cho nhân viên bảo trì các khẩu đại bác và mang một số lượng đạn tương đối đến các ụ súng và cho ràng buộc cẩn thận trước khi ra cửa biển. Xem lại xem có đủ áo giáp và nón sắt. Xin bổ sung ngay nếu thiếu.
Ông tiếp lời, giọng vui vẻ:
- Có lẽ anh nghĩ là tôi quên? Về việc anh thuyên chuyển, anh liên lạc Bộ chỉ huy Hải Lực hỏi xem kết quả đơn xin nghỉ phép thường niên của anh ra sao. Nếu đã được chấp thuận, anh bàn giao mọi việc cho thiếu úy Tâm và rời tàu trước giờ khởi hành. Đồng ý chứ?
Tùng nói bằng giọng cảm động:
- Cám ơn hạm trưởng nhưng tôi muốn đi thêm chuyến này. Rời tàu đột ngột quá cũng buồn!
Hạm trưởng xoa tay, mỉm cười:
- Càng hay. Rất có thể chuyến công tác này chúng ta có dịp “thử súng”. Có anh tôi yên chí hơn.
Hạm trưởng nhìn lướt qua các sĩ quan:
- Ai trực ngày mai?
Hạm phó đáp:
- Dạ tôi!
- Thế thì nhất rồi. Nhớ chỉ thị nhân viên giám lộ chạy la bàn lúc 2 giờ sáng. Anh gặp tôi lúc hai giờ chiều nay để chuẩn bị hải đồ và hải trình.
- Thưa vâng!
Hạm trưởng chống hai bàn tay lên mép bàn trong tư thế sẵn sàng đứng lên:
- Có ai thắc mắc gì không?
Thiếu úy Được cười:
- Thưa tôi bị thất nghiệp!
Hạm trưởng gật đầu, tỏ vẻ hài lòng:
- Việc của anh thì… khó khăn đấy. Anh xem lại các dụng cụ phòng tai, áo phao, các bè nổi, phải chắc chắn là còn đủ cấp số. Kiểm soát các hộp mưu sinh thoát hiểm để bảo đảm mọi thứ còn đầy đủ và không quá hạn.
- Sẽ làm ngay, thưa hạm trưởng.
Ông lướt nhìn từng người, xoa hai tay, mỉm cười:
- Đêm qua tôi có làm mấy đoạn thơ khá vừa ý. Sẵn có mặt đông đủ, tôi đọc cho các anh nghe:
“Mắt tôi đã rướm buồn ly biệt.
Chân ngập ngừng đi lúc tiễn nhau.
Ven xóm bao lần nghe tiếng sóng.
Bôn chôn luống nước đuổi theo tàu.
Mây hồng rợp bóng trời quan hải.
Gió cũng xôn xao biển sóng cười.
Nhưng đã xa em hàng mấy dặm.
Xuân làm sao thắm mảnh tình khơi”.
(thơ Hữu Phương).
Hạm phó gục gặc, cười nụ:
- Hay! “Bôn chôn luống nước đuổi theo tàu. Gió cũng xôn xao biển sóng cười”. Tôi khoái nhất hai câu này, không chỉ mang hình ảnh đẹp mà chất chứa cả một… tâm sự người đi biển.
Vẻ mặt hạm trưởng sáng rỡ:
- Đó chính là hai câu tôi ưng ý nhất. Vậy mà tôi cứ tưởng hạm phó của tôi… dốt thơ!
Trung úy Hào, giọng cợt đùa:
- Câu “Gió cũng xôn xao biển sóng cười” còn gợi ta thấy cái hình ảnh sóng lăn tăn đùa giỡn vui mắt. Nhưng câu này lại gợi tôi nhớ một câu khác trong tập Tâm Sự Người Đi Biển được hạm trưởng tặng lúc mới đổi xuống tàu: “Chưa đến với em môi sóng đã cười”. Mong rằng sáng chủ nhật này mình ra cửa biển sẽ gặp môi sóng xôn xao chớ không… môi sứt lao chao! Cười bằng… môi sứt thì chỉ có nước ói với mửa!
Chúng tôi cười ngặt nghẽo. Hạm trưởng vừa cười vừa đứng lên, nói với Tâm trước khi bước vào phòng riêng:
- Thiếu úy Tâm theo tôi lấy tiền ẩm thực.
Tâm đẩy ghế, lách người bước theo ông, giọng đùa cợt:
- Vẫn có những “đêm cháo gà” như chuyến trước, thưa hạm trưởng?
- Tôi không phản đối.
Tâm nheo mắt làm một cử chỉ có tiền đến nơi. Tất cả dõi mắt về phía cửa buồng. Một lúc sau Tâm hiện ra, tay cầm sấp bạc mới, mặt hí hửng. Trung úy Hào xô ghế định phóng đến nhưng anh sựng lại vì hạm trưởng cũng bước theo ra kèm với vài cái lắc đầu ngao ngán dành cho Hào. Anh bẽn lẽn ngồi xuống nhưng vừa khi hạm trưởng khuất dạng anh xòe bàn tay trước mặt Tâm, năm ngón tay lúc lắc:
- Ê, Thiếu úy Tâm! Hì! Hì!
Tâm lạnh lùng bỏ tiền vào tủ sắt, miệng lầm bầm:
- Thôi đi ông! Ông mượn hết một ngàn rồi!
Thấy tôi còn lơ mơ, thiếu úy Được giải thích:
- Phàm những kẻ độc thân đi biển như chúng ta, ai ai cũng thiếu hụt kinh niên. Lương lãnh ra, lả lướt vài ngày ở bờ xa bến lạ là… đi đứt. Cho nên sĩ quan ẩm thực luôn luôn là… vị cứu tinh!
Trung úy Hải đưa ra ba ngón tay dí dí trước tôi, miệng cười hì hì:
- Tân sĩ quan ẩm thực hiểu tôi muốn nói gì không? Cười hì hì là cười cầu tài. Mỗi ngón tay tượng trưng cho một trăm. Nhớ đấy, nay mai tôi sẽ dùng đến.
Tâm nói lớn:
- Mày mà yếu lòng là… có khi đói cả tàu đấy. Tiền thì luôn luôn có dư, nhưng cho mượn nhiều quá, lỡ tàu đi công tác dài hạn là không còn tiền đi chợ. Cho mượn vừa phải thôi. Nhất là coi chừng… hạm phó. Chuyên viên sử dụng... lục mạch thần kiếm!
Tôi cười thành tiếng:
- Nhận hiểu! Nhận hiểu năm trên năm.
Hạm phó đưa hai ngón tay trước Tâm:
- Hôm nay ta đi bờ. Hì! Hì!
Tâm lắc đầu nhưng bước trở lui về phía tủ sắt! Chúng tôi cùng cười vang trước khi giải tán mỗi người lo phần việc của mình.
Tôi cầm quyển Huấn thị Điều hành Căn bản đặt lại trên giá. Tôi rất hài lòng với nội dung của nó. Nó giúp tôi vỡ lẽ một nghề nghiệp tưởng là đơn sơ nhưng quả là có lắm điều rối rắm, chằng chịt. Muốn trở thành một hạm trưởng, tôi phải qua từng ban ngành, phải rành rẽ từng ban ngành cùng các mối quan hệ đồng bộ giữa chúng. Yếu kém về bất cứ ngành nào cũng khiến cho việc chỉ huy mất hiệu quả. Tôi tự hứa là sẽ theo sát việc ăn uống để mọi bữa ăn đều ngon lành, đầy đủ. Ngay nhiệm vụ đầu tiên, đã là bước đi quan trọng: Có thực mới vực được đạo mà!
- Ê, Bằng! Lại đây tiếp tục vụ lập danh sách lương bổng hàng tháng đi chứ…
Tôi bước sang ngồi cạnh Tâm và chú tâm theo dõi lời anh. Mỗi tháng bảng lương luôn luôn có sự thay đổi, không nhiều thì ít. Nhân viên thăng cấp, thăng trật, cưới vợ, đẻ con…Tôi tò mò dò theo vần T để xem tiền lương của hạ sĩ Thành. Lương hạ sĩ với vợ sáu con còn dưới mức lương thiếu úy độc thân của tôi. Tự dưng tôi cảm thấy ngỡ ngàng. Tôi sống một mình mà còn chật vật huống hồ cả nhà tám miệng ăn sẽ thiếu thốn cỡ nào! Liệu đúng là có phép màu: “Trời sinh voi sinh cỏ”? Tôi hỏi Tâm về sự khác biệt lương bổng giữa một hạ sĩ và một hạ sĩ nhất. Anh cho biết là khá nhiều vì hạ sĩ nhất không còn kể là lính nữa mà đã lên cấp hạ sĩ quan…
Tôi đang dò danh sách để tìm lương trung sĩ thì chợt nghe tiếng Tâm:
- Có việc gì đó anh?
Tôi quay lui theo hướng Tâm nhìn. Anh lính gác đứng ngay cửa chào tôi:
- Thưa thiếu úy, thiếu úy có người nhà tìm.
Tâm cười cười:
- Thiếu úy Tâm hay thiếu úy Bằng?
- Thưa, thiếu úy Bằng.
Tôi ngạc nhiên:
- Tôi?
- Dạ. Cô ấy nói muốn gặp thiếu úy Bằng.
Tâm lên tiếng đúng với ý nghĩ của tôi:
- Tuyết chăng?
Tự dưng tôi không muốn gặp Tuyết. Tôi bảo Tâm:
- Mày lên gặp Tuyết nói tao không có ở tàu.
Tâm cự nự:
- Bậy bạ! Mày đi mời Tuyết xuống đây. Lâu nay tao đã có ý mời mà còn ngại. Nếu mày không muốn nói chuyện thì tao nói.
Tôi vẫn lắc đầu:
- Đâu có đưa xuống chiến hạm được.
Tâm gắt khẽ:
- Tao bảo được. Sĩ quan nào cũng lai rai mời bồ bịch xuống để khoe tàu.
Thấy không còn cách nào khác, tôi miễn cưỡng theo anh lính gác. Đứng ở đầu hạm kiều nhìn xuống cầu tàu, tôi nhận ra ngay người con gái đứng tựa lan can nhìn về công trường Mê Linh không phải là Tuyết. Cùng lúc tôi nhận ra bóng dáng quen thuộc của Hiền. Tôi nghe tim đập mạnh nhưng vẫn đứng trơ không phản ứng. Anh lính gác đưa tay chỉ Hiền:
- Cô đó đó!
Tôi nói cám ơn anh rồi chầm chậm bước xuống. Được nửa cầu thang thì Hiền quay lại mỉm cười, vẩy vẩy tay. Tôi tiếp tục đi và Hiền tiến lại chân hạm kiều. Tôi đưa tay kéo Hiền bước lên. Hiền lặng lẽ theo sau tôi lên tàu và đi quanh co xuống các bậc thang. Chiếc áo dài màu trắng vướng víu khiến Hiền một tay nắm hai vạt một tay bám vai tôi.
Tâm trố mắt nhìn Hiền. Tôi nói:
- Thất vọng quá hả? Giới thiệu với Hiền, thiếu úy Tâm, người xúi anh bỏ học đi Hải quân.
Tâm cười thật tươi, xăng xái:
- Đâu có ngờ ông Bằng quen được một người đẹp đến thế này. Vậy cứ dấu anh em.
Hiền ngắm nghía Tâm:
- Em còn nhớ anh Tâm.
Tâm kêu to:
- Chết tôi rồi! Hóa ra tôi quá vô tình! Xin cho một chút gợi ý…
Tôi cười:
- Mày không nhận ra hả? Em gái thằng Dũng …
Tâm nhìn kỹ hơn rồi vẫn lắc đầu:
- Tao biết Dũng có em gái nhưng chịu thua, không nhớ ra.
Anh chiêu đãi xuất hiện đúng lúc. Tôi hỏi:
- Hiền uống cà phê, nước ngọt?
- Hiền xin một ly nước lạnh.
Anh chiêu đãi sốt sắng mang đến. Tâm đứng lên:
- Lần sau nhớ mang thêm một người đẹp như cô Hiền để giới thiệu tôi nghe. Đến một mình là không công bằng.
Khi Tâm vừa khuất, Hiền lên tiếng:
- Anh nhất định không đến nhà Hiền? Anh Dũng có hỏi anh.
Tôi nói đẩy đưa:
- Hiền tìm ra tàu anh thật tài. Anh đâu có nói anh đi tàu nào!
Hiền cười buồn:
- Thì tàu nào Hiền cũng hỏi. Bắt đầu từ cầu tàu ở cuối đường Nguyễn Huệ…
Hiền đã đi đúng con đường “trình diện tân đáo” của tôi. Rời nhà Hiền tôi đi tắc xi đến cầu A. Cuốc bộ qua Bộ tư lệnh Hải quân đến cầu B và tìm ra tàu cặp ở cầu C ngay cuối đường Cường Để. Một nỗi xúc động nhẹ nhàng len lỏi. Hiền hẳn phải thực lòng yêu tôi mới chịu khó lang thang giữa chốn ba quân thế này. Tôi phải nói gì cho Hiền vui đây? Từ khi gặp lại Tuyết, tôi gần như quên hẳn Hiền. Nhưng lần này không phải vì tôi nồng nàn với Tuyết mà quên Hiền. Tôi đã dứt khoát quên Hiền. Tâm trí tôi cứ mãi băn khoăn không biết là nên tiếp tục gặp gỡ Tuyết hay là chấm dứt hẳn để Tâm và Tuyết khỏi bận lòng với sự hiện diện của tôi. Ngày xưa Tâm đã đến với Tuyết trước tôi và …mất Tuyết. Giờ đây Tâm cũng lại đến với Tuyết trước tôi. Lần này tôi nên rút lui mới phải đạo. Tuyết cũng đã nói thẳng thừng là Tuyết cần một người chồng cho cuộc sống không còn buồn đau đơn độc. Tôi hy vọng là Tâm sẵn sàng…
- Cái huy hiệu đẹp quá!
Tiếng reo của Hiền mang theo sức mạnh kéo bộ mặt thẩn thờ của tôi ngẩng lên. Hiền đang say sưa ngắm chiếc huy hiệu gắn ở vị trí trang trọng nhất trên tấm vách ngay sau chỗ ngồi của hạm trưởng. Đó là huy hiệu của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, có dạng hình tròn với lá cờ vàng ba sọc đỏ tạo thành đường viền. Hai chữ Tổ Quốc Đại Dương màu đen tương ứng ở đỉnh và ở đáy. Trên phần nền nửa biển xanh thẳm nửa trời xanh lơ là bản đồ Việt Nam với chiếc mỏ neo và ngôi sao Bắc Đẩu định hướng. Đây là huy hiệu được vẻ trên một bức tường nhỏ biệt lập thiết trí ngay trước sân cờ của quân trường mà ngày nào chúng tôi cũng hoặc đi, hoặc chạy ngang qua. Cái huy hiệu nhắc nhở chúng tôi lúc nào cũng phải đặt Tổ Quốc và Đại Dương lên trên hết, trên cả sinh mệnh của mình. Và có lẽ vì đã quá quen mắt nên không còn quan tâm xấu đẹp…
- Và cái phòng làm việc thật dễ thương, mát mẻ. Vì vậy mà anh quên Hiền chăng?
Tôi vẫn không biết lên tiếng thế nào…
- Ngày mai thứ bảy, anh đến nhà Hiền chơi. Hiền đích thân nấu cơm đãi anh.
Tôi nói chậm rãi, cố lấy giọng thân mật:
- Hiền ạ, anh muốn lắm nhưng tiếc rằng ngày mai anh bị… cấm trại.
- Cấm trại?
Tôi giải thích:
- Thì biểu tình tùm lum, tụi anh bị ảnh hưởng.
- Còn ngày mốt?
- Ngày mốt anh đi công tác.
Hiền nhìn tôi, ánh mắt ngờ vực:
- Công tác thật hay tại anh không muốn đến?
- Công tác. Nếu không tin, mười giờ chủ nhật Hiền đến đây tiễn anh.
- Anh đi bao lâu?
- Độ mười ngày.
- Anh đi đâu?
Tôi ngần ngừ rồi đổi giọng đùa cợt:
- Đi… nơi sẽ đến!
Hiền nhăn nhó:
- Không muốn nói thì thôi.
Tôi đành phải nói láo:
- Anh mới đổi xuống, chưa rõ công việc…
- Chưa rõ mà sao biết đi mười ngày?
Một cảm giác khó chịu nổi lên, tôi sẳng giọng:
- Cái nào nói được thì anh nói, cái nào không nói được, anh không thể. Xin đừng hạch sách…
Hiền ngắt ngang, rối rít:
- Hiền xin lỗi. Vậy, sau mười ngày Hiền chờ anh ở nhà. Bây giờ thì Hiền phải về, Hiền có lớp buổi chiều.
Tôi lặng thinh đứng lên. Tôi không muốn giữ Hiền và cũng không muốn hứa là sẽ tới. Mấy ngày qua Hiền đã thoát khỏi tâm trí tôi và tôi đã thấy nhẹ nhõm. Hy vọng nay mai, tôi sẽ có can đảm nói với Tâm là tôi đã quyết định dứt khoát không gặp Tuyết nữa. Chừng đó tôi tin là tìm được sự thanh thản hoàn toàn. Cái tôi đang cần là dành hết tâm trí cho việc học hỏi hải nghiệp. Rồi sau đó, sau đó tôi sẽ ghi tên học môn triết và… làm quen người mới. Với những người xưa, với tất cả yêu thương lần cuối, tôi trân trọng xếp vào hồ sơ… dĩ vãng!
Chúng tôi đứng chờ tắc xi ngay tại góc đường Cường Để-Bạch Đằng. Hiền thỉnh thoảng nhìn tôi âu yếm và không che dấu nét hân hoan. Tôi thì bực bội trông ngóng tắc xi. Cuối cùng Hiền leo lên xe, nói vói:
- Thôi Hiền về. Nhớ là Hiền mong chờ ngày anh trở lại.
Tôi như người vô cảm, vẫn lặng thinh, cũng không buồn vẫy tay từ biệt…
VŨ THẤT
(Xem tiếp chương 7)
Note: This article was originally published on 02:17:56 PM, Mar 08, 2012 and has been updated with additional material. Webmaster
* * *
Các chương khác:
Chương 7, 8 & 9
Chương 10, 11 & 12
Chương 13, 14, 15 & Chương kết
* * *
Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Hải Quân VNCH: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net