Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 09, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
SÁU VỊ PHÓ BẢNG NGƯỜI QUẢNG NGÃI
LÊ HỒNG KHÁNH


Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), trong kỳ thi Hội tại kinh đô, ông Nguyễn Bá Nghi thi đỗ Phó Bảng, trở thành người đầu tiên trong số 11 người Quảng Ngãi từng được vinh danh trên bảng vàng đại đăng khoa Ttiến sỹ, Phó bảng) thời Nho học. Ngoài 5 vị Tiến sỹ, có 6 người đỗ phó bảng, đó là:

1. Phó bảng Nguyễn Bá Nghi (1807 – 1870)

Nguyễn Bá Nghi, tự là Sư Phần, sinh năm Đinh Mão (1807), người làng Thời Phố (sau đổi là Lạc Phố), huyện Mộ Hoa, nay thuộc xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức. Khoa thi hương năm Tân Mão (Minh Mạng năm thứ 12 – 1831) ông đỗ cử nhân tại trường thi Thừa Thiên, xếp thứ 10 trong số 12 người được lấy, năm sau (1832) đỗ tiếp phó bảng, khi mới 26 tuổi.

 

 

 

Nguyễn Bá Nghi làm quan triều Nguyễn, trải 3 đời vua (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức), từng giữ nhiều trọng trách: Khâm sai đại thần, Thượng thư, Tổng đốc, Kinh diên giảng quan, Cơ mật viện đại thần… Đường hoạn lộ của ông kéo dài gần 40 năm, trải khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam; nhiều gian nan, ghập ghềnh, khi thăng, khi giáng, nhưng lúc nào ông cũng thể hiện là một người mẫn cán, kiên nghị, giàu kiến văn, chuộng thực tiễn.

Nguyễn Bá Nghi từng được vua Tự Đức giao nhiệm vụ tổ chức trùng tu đền Quốc tổ Hùng Vương và là người vận động các nhà khoa mục, văn thân ở quê nhà xây dựng Văn chỉ huyện Mộ Đức, hiện nay vẫn còn di tích. “Sư phần thi văn tập” là trước tác của ông để lại cho đời sau.

Nguyễn Bá Nghi là người làm chủ khảo các kỳ thi Hương năm Mậu Thân (1848) tại trường Gia Định, năm Canh Tuất (1850) tại trường Hà Nội; Quan duyệt quyển các khoa thi Hội năm Giáp Thìn (1844), Chế khoa năm Tân Hợi (1851).

Ông mất tại Sơn Tây năm Canh Ngọ (1870). Phần mộ hiện tọa lạc tại quê nhà, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Con trai Nguyễn Bá nghi là nhà yêu nước Nguyễn Bá Loan (1857 – 1908), một yếu nhân trong các phong trào Cần vương, Duy Tân, Kháng thuế ở Quảng Ngãi.

2. Phó bảng Lê Thúc Đôn (1805 - ?):

Lê Thúc Đôn sinh năm Ất Sửu (1805), người làng Phú Nhuận, huyện Bình Sơn, nay thuộc xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, đỗ phó bảng năm 34 tuổi.

Ông đỗ cử nhân khoa Đinh Dậu (Minh Mạng năm thứ 18 – 1837) tại trường thi hương Thừa Thiên, xếp thứ 12 trong số 32 người được lấy đỗ. Năm Mậu Tuất (Minh Mạng năm thứ 19 – 1838) ông đỗ phó bảng

Sau khi thi đỗ phó bảng, Lê Thúc Đôn ra làm quan, từng giữ chức Bố chánh Thanh Hóa; mất trong trường hợp nào và năm nào chưa rõ.

3. Phó bảng Đỗ Đăng Đệ (1814 – 1888):

Đỗ Đăng Đệ là ông nội Tiến sỹ Đỗ Quân, tự Thứ Khanh, hiệu là Tùng Đường, nổi tiếng hay chữ từ nhỏ, đỗ cử nhân khoa Tân Sửu - Thiệu Trị thứ 1 (1841) tại trường thi Hương Thừa Thiên; đỗ Phó Bảng khoa Mậu Dần - Thiệu Trị thứ 2 (1842) – cùng khoa với Tiến sỹ Trương Đăng Trinh.

Sau khi thi đậu ông được bổ làm Kiểm thảo ở Hàn Lâm Viện, sung nội các hành tẩu rồi lần lượt được đưa đi giữ các chức Huyện Tể Tuy Hòa, đồng Tri Phủ Thuận An, Tri Phủ Nghĩa Hưng (Nam Định); lại được điều về kinh làm Giám sát Ngự Sử. Sau các vụ thanh xét về nhũng lạm, nhận hối lộ của các quan lại đầu tỉnh ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, ông được vua Tự đức khen ngợi, chuyển làm Hộ Thừa biện, rồi Viên Ngoại lang bộ Hình, Lang Trung Bộ Binh, Án sát sứ Bình Thuận.

Tháng 10 năm Tự Đức thứ 12 (1859), khi ông đang nghỉ chức để cư tang mẹ thì có chỉ của Vua gác tình riêng lo việc xã tắc; sung chức Bang Biện quân thứ Quảng Nam, rồi Bố Chánh sứ Định Tường. Năm 1860, Thành Định Tường thất thủ, Đỗ Đăng Đệ bị cách chức. Dần dần được phục, giữ các chức Thượng Biện quân vụ, Bang Biện quân thứ, Hồng Lô tự khanh, Biện lý bộ Hình (1865), Kinh Triệu Doãn. Năm Tự Đức thứ 21 ông được vua khen, ban thơ, đổi làm Biện lý bộ Hộ. Nhưng năm sau ông lại bị 2 lần giáng cấp, giữ Thị Lang rồi Tham Tri bộ Hộ.

Năm 1876 (Tự Đức 29) Đỗ Đăng Đệ được sung chức Chủ khảo trường thi Thừa Thiên, Tiến thăng Thự lễ bộ Thượng thư, sung Quốc sử quan phó Tổng tài kiêm quản Quốc tử giám. Năm 1879 (Tư Đức thứ 32) làm chủ khảo thi Hội. Năm sau, làm Chánh sứ toàn quyền đại thần, trong cuộc thương thảo với sứ thần Y Pha Nho. Năm 1881, mùa thu, ông về hưu hàm Thự Thượng thư bộ Lễ và mất ở quê nhà năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), thọ 75 tuổi.

Đường hoạn lộ của Đỗ Đăng Đệ đầy gian nan, gập ghềnh nhưng ông nổi tiếng là người thông minh, tài năng toàn diện, giỏi cơ mưu, tận lực thực hiện chức trách, được cả triều đình nể phục. Ông là tác giả “Tùng Đường di thảo” chưa được phổ biến lắm ở đời.

4. Phó bảng Võ Duy Thành (? – 1846)

Võ Duy Thành hiệu là An Khê, người làng Đại An, huyện Chương nghĩa, nay là thôn Đại An Đông, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành.

Năm Canh Tý (Minh Mạng năm thứ 21- 1840), ông thi đổ cử nhân tại trường thi Thừa Thiên, xếp thứ 19 trong số 29 người được lấy đỗ cử nhân; đến năm Giáp Thìn đỗ phó bảng. Sau khi thi đỗ ông được bổ làm quan, từng giữ chức tri phủ Tân Long (tỉnh Gia Định). Trước khi thi đỗ cử nhân và sau khi hưu quan ông đều có mở trường dạy học.

Em ruột Võ Duy Thành là Võ Duy Ninh (1804 – 1859), cử nhân khoa Giáp Ngọ (1834) – vị chỉ huy cao cấp của triều đình đầu tiên hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Võ Duy Thành mất năm Bính Ngọ (1846), phần mộ hiện tọa lạc tại xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa.

5. Phó bảng Lê Văn Vịnh (1811 - ?)

Lê Văn Vịnh sinh năm Tân Mùi (1811), người làng Chánh Mông, tổng Nghĩa Điền, huyện Chương Nghĩa, nay thuộc thành phố Quảng Ngãi, đỗ phó bảng năm 38 tuổi.

Năm Thiệu trị thứ 6 (Bính Ngọ - 1846), Lê Văn Vịnh thi đỗ cử nhân tại trường thi hương Thừa Thiên, xếp thứ 42 trong số 46 người được lấy đỗ cử nhân. Hai năm sau (Mậu Thân – 1848), ông đỗ phó bảng. Khi ra làm quan, Lê Văn Vịnh từng giữ các chức Tri huyện, Đốc học, Viên ngoại lang,..

6. Phó bảng Phạm Văn Hành (1847 - ?)

Phạm Văn Hành sinh năm Đinh Mùi (1847), người làng Thuận Phước, nay thuộc xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn.

Phạm Văn Hành đỗ cử nhân khoa thi hương năm Bính Tý (Tự Đức thứ 29 – 1876) tại trường thi Bình Định, đứng đầu (thủ khoa) trong số 12 người được lấy. Năm Đinh Sửu (Tự Đức thứ 30 – 1877) ông đỗ phó bảng.

Ông mất sớm, chưa kịp ra làm quan.

 

 

Di tích Văn Thánh Huế 

 

Cuộc đời và sự nghiệp của các bậc đại khoa, các nhà khoa bảng Quảng Ngãi còn không ít điều đến nay chưa được rõ, thậm chí còn nhiều khuất tất. Tìm hiểu kỹ lưỡng, đánh giá đúng đắn về các vị cũng là một cách tường minh về nhân cách kẻ sĩ Quảng Ngãi.

Lê Hồng Khánh

* * *

Xem các bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về homepage www.nuiansongtra.net  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh