Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 16, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
NHỚ ĐẾN QUÊ TÔI (Liên Trì Dục Nguyệt)
Webmaster


NHỚ ĐẾN QUÊ TÔI
Liên-Trì Dục Nguyệt

Quê tôi, tỉnh Quảng-Ngãi, nơi được coi là “địa linh, nhơn kiệt”, đã nổi tiếng sản sinh ra những “danh nhân thời-đại” cả THIỆN và ÁC.

Nghe và biết, từ thời phong-kiến có Đức Tả-Quân Lê-Văn-Duyệt người làng Bồ-Đề (Mộ-Đức), hiện nay còn lăng thờ trước tòa tỉnh Gia-Định Sài-Gòn, gọi là Lăng Ông (Bà Chiểu); thời Pháp thuộc có Nguyễn-Thân với uy quyền “tiền trảm hậu tấu”, thời Việt-Nam Cộng-Hòa và Cộng-sản có Lê-Văn-Tỵ, Phạm-Văn-Đồng, Trần-Văn-Trà, Trần-Nam-Trung, cả gốc gác của Trần-Thiện-Khiêm... và đến hiện tại là Trần Đức-Lương (quán ở xóm 3, thôn Diên-Trường, xã Phổ-Khánh, huyện Đức-Phổ) đang là Chủ-tịch nước (nước CHXHCN.VN); người cùng thế-hệ với tôi, xuất thân dưới mái trường Nguyễn-Nghiêm (sau đổi là Trung-học Phổ-thông cấp II Đức-Phổ 1947-1954) nhưng khác khoá (Chúng tôi ra trường năm 1952, Trần Đức-Lương vào trường năm 1951). Cũng như các bạn đồng lứa lúc bấy giờ cùng nô-nức học-tập trong hoàn-cảnh thiếu-thốn bởi chiến-tranh chống Pháp. Để rối thế-cuộc xoai vần, chúng ta đã đứng riêng hai phía: Tự-do và Cộng-sản và mãi mãi như một đối-nghịch suốt cuộc đời.

May mắn hơn các cựu đồng môn cùng quê đã ở lại miền Nam sau hiệp-định Genève 1954 cắt chia đất nước, đã là những sĩ-quan của QL.VNCH hay các cấp hành-chánh, phải hứng chịu sự trả thù dã-man tàn độc của Cộng-sản khi bị lùa vào các “trại cải-tạo” sau ngày miền Nam hoàn-toàn phủ lên cái mền “giải-phóng” và trong lúc những con người ưu-tú đang cay-đắng cúi mặt nghe lời “giảng” của quý thầy “răng hô dép lốp” bài toán nhân chính-trị “hai lần hai là... tám” thì tôi, nhờ là dân, không bị chụp lên đầu cái mũ “nợ máu” hay “phản-động” nên có nhiều dịp gặp lại một số bạn học cũ (1952 trở về trước) từ Hà-Nội vào “tiếp-thu” Sài-Gòn. Phần đông đều mang những chức-vụ và học-vị khá cao (!): Tiến-sĩ, Phó Tiến-sĩ, Giáo-sư, Tổng Giám-đốc và cả cấp Bộ...

Nhất là thời-gian tham-gia các công-trình thủy-lợi tại địa-phương (Đức-phổ) mà nông-dân đã ước mơ từ thời Pháp thuộc chưa thực-hiện được bởi chiến-tranh và phá-hoại của Cộng-sản.

Có những cán-bộ nằm vùng đang làm việc ở Sài-Gòn cũng biết quá-khứ của tôi (rời Quảng-Ngãi vào Sài-Gòn lập nghiệp vào cuối 1957); còn nơi chôn nhau cắt rốn từ già đến trẻ đều rõ lý-lịch của tôi, nên bảo tôi là “phản-động” thì cũng ngượng mồm!(?).

Tuy nhiên, càng gần-gũi và tiếp-xúc với thực-tế, tôi đã cân nhắc để đánh đổi sự luyến-tiếc quê-hương bằng sự tự-do nơi xứ người nên đã ra nước ngoài theo diện O.D.P. năm 1990.

Trong cuốn Video “Liên-hoan xuất-cảnh” của tôi còn ghi lời phát-biểu của một bạn học cũ đang là cán-bộ tại thành-phố Sài-Gòn:

-“...Anh ra đi chúng tôi mất một người bạn tốt mà anh em thân-thích có chung nhận-xét rằng: thuồng-luồng không chịu ở cạn (?)!...”

Bốn năm sau tôi về thăm quê-hương, nhất là mẹ tôi đã chín mươi tuổi đang sống với gia-đình người em gái (lấy chồng khác xã) mà bà muốn được nằm xuống bên mồ mã ông-bà nên đã không theo chúng tôi xuất cảnh.

Việc về và đi của chúng tôi không có gì trở ngại. Chỉ tiếc là thời-gian quá ngắn – chỉ có 4 tuần - lại phải ở hai nhà (Sài-gòn + Quảng-Ngãi) nên chưa thăm đủ bà con và bạn bè. Mặc-dầu sau đó dư-luận từ quê nhà cho tôi biết lúc tôi đi rồi thì có Công-an huyện Đức-Phổ đến nói oang-oang:

-“...Tiếc quá, nếu tôi đến sớm đã bắt được tụi phản-động!(?)...”.

Những người trong xóm đứng nghe phải bụm miệng cười theo (vì cả cha, ông, anh, em của họ đều cùng chung sinh quán và chơi thân với tôi).

Trở về xứ người tôi mãi suy-nghĩ đến hoàn-cảnh thiếu-thốn của bà con làng xóm; nhớ đến những người nông dân đã từng cày ruộng cho thầy tôi, những phụ-nữ đã từng gặt mướn cho mẹ tôi, có người đã nhắc lại lần đút cơm cho tôi hồi 3, 4 tuổi trong những bữa gặt và cấy mướn. Chắc họ thấm-thía hơn tôi nhiều vì đã sống bằng cái tuổi trưởng-thành để chứng-kiến nhiều chế-độ (Pháp thuộc, Cộng-sản, Quốc-Gia; từ-ngữ của họ thường dùng) và để so-sánh cuộc sống mà họ đã trải qua. Hình như phần đông đều thừa-nhận một các nông-cạn: “...thời Tây, ông xã Đường (Lý-trưởng thôn tôi, cha chị Hồng, Đức-Phở) xách roi cặc bò quất mấy ông đi họp kín (?) mà sướng”. Có cúng đình cúng miễu hàng tháng hàng năm; có ruộng công điền làm quỹ lo tế-nhục (cúng thịt) ai ai cũng được hưởng. Thời Quốc-gia thì biết ăn đồ hộp của Mỹ nguyên thùng để nhớ lại cái thời đi dân-công đánh đồn Mang-Đăng, An-Khê, Kontum, Eo-Gió ...lượm được cái lon vỏ đồ hộp hay đồ uống vứt ngoài rào đồn Tây đã mừng như được báu vật, đem về chưng tuốt lên bàn thờ làm ống cắm nhang! v.v... Đến ngày “giải-phóng” (từ ngữ họ dùng, rất dị-ứng với người viết) thì tưởng đâu đã sướng đến nơi! Ai ngờ ngày vô hợp-tác-xã mới biết câu vè “cời làm cối ăn” (tức nông dân đội nón cời làm vất-vả cho cán-bộ đội nón cối hưởng-thụ); họ còn đọc cả nhiều bài vè rất mộc-mạc, súc-tích. Chẳng hạn:

Sáng ra rọi đuốc đi làm,
Trưa về u cái cẳng,
Tối nằm chổng khu
!...”

Nghe qua rất bình-dân và thực-tế với cái cảnh lao-động của nhà nông quê tôi, nhưng nếu nói lái một số từ ở mỗi câu đều thấy cả một sự mỉa-mai tội nghiệp (rọi đuốc=ruột đói; u cái cẳng=ăn cái củ; chủ khổng khu=chủ không: chủ con số 0)!

Họ nói mà không sợ bị ghép tội phản động vì họ là những người đã chịu đựng gian-khổ và hy-sinh nhiều nhất cho chế-độ; họ là những người “bám trụ”, những người đã “chạy núi”, có con đang là bộ-đội (CS) hoặc đã là liệt-sĩ... Trong nhà của họ ít nhất cũng có treo một trong những tấm bằng “gia-đình liệt-sĩ”, “gia-đình cách-mạng”, “gia-đình vẻ-vang” v.v... Họ còn phân-trần với tôi (như ông Lê ở xóm Phước-Kỳ):

-“Chú xem đó, trước kia tôi cũng làm mướn nhưng sống thế nào? Bây giờ thì như chú thấy đây!” (vừa nói ông vừa chỉ toàn thân).

Tôi thấy trên là một áo nhà binh vá bằng trăm mảnh vụn khác màu, dưới là một quần xà-lỏn may bằng bao cát mà ông nói là vải Triều-Tiên! Thật không gì cảm-động bằng, để rồi ngày hôm sau, lúc tôi đang thăm viếng nhà người quen cùng xóm thì vợ ông (bà Lê) chống gậy đến chào tôi và nói:

-“Nghe người ta nói chú đã phát hết cho bà con chỉ còn thiếu có tôi (bà nghe tôi biếu tiền mặt cho mấy nhà quá khó) nên tôi đến thăm và xin chú!”.

Tôi đã cảm-động dốc túi hết số tiền có sẵn chừng vài chục ngàn đồng VN trao cho bà. Đó cũng là lần tặng cuối cùng trước khi tôi trở vào Sài-Gòn để về Úc.

Thật tình tôi không muốn nhắc lại mẫu chuyện xúc-động đó vì đến nay cả hai ông bà đã qua đời nhưng tôi không cầm được nước mắt khi nhớ lại hình-ảnh đó. Người trong thôn còn kể: “Bà Lê đã 70, 80 tuổi mà hàng ngày phải dầm mình dưới sông dưới suối để bắt ốc. Một ngày bắt ốc thì một ngày nghỉ để mang xuống chợ Trà-Câu bán. Mà đâu phải nhiều cho cam. Chỉ mua được vài lon gạo là cùng! Vậy làm sao đủ sống cho hai nhân khẩu. Nhiều người nhắc tôi có còn nhớ khoảng giữa thập niên 1980, tôi ở Sài-Gòn về đã nghe kể:

-“Bí-thư xã truyền lệnh: “Theo trên (từ-ngữ cán-bộ CS thường dùng để chỉ cấp cao hơn mình) thì các xóm ven sông (những xóm thôn đã được cấu-tạo bằng phù-sa sông ngòi, được hình thành từ đời ông cao tằng cố tổ, dân đã sống an vui với vườn tược sum-suê cây ăn trái...) phải dời lên vùng cao tức triền núi hoặc trong núi để điện-khí-hóa!(?). Thế là từ lớn đến bé, từ cán-bộ trí-thức đến cán-bộ chạy núi (vô trí-thức), từ cán-bộ tập-kết đến cán-bộ nằm vùng một phen tranh cãi ỏm-tỏi.

Tất nhiên người dân nào đã bị đội lên đầu cái mũ “phản-động” hay “mắc nợ máu” thì phải miệng câm như thóc, nuốt nước bọt đợi ngày tàn!...

Cuối cùng hình như thấy được cái kết quả mà “đỉnh cao trí-tuệ loài người” đã thất-bại đâu từ ngoài Bắc nên các thôn xóm ven sông trồng cây ăn trái thôn xã tôi chưa bị bứng gốc! Thiếu chút nữa là thuyết duy-vật biện-chứng của họ đã thành hiện thực (CS nói thủy-tổ loài người là loài khỉ vì vậy có người lý-luận thêm là loài khỉ phải chuyển hóa hàng triệu năm mới thành loài người. Song-le, với đà “tiến nhanh, tiến mạnh...của XHCN hiện tại thì chỉ cần một tháng loài người (như Việt-Nam) sẽ biến thành loài khỉ!). Hú hồn cho bà con làng xã tôi cũng như các thôn xã khác trong tỉnh thoát nạn! Họ chỉ cần miếng ăn trước “điện-khí-hóa” cho nên hơn 20 năm sau (cuối 2000) điện mới kéo dây đến xã tôi, mà dân có người chưa được hưởng vì họ không có tiền trả đường dây! Họ tự an-ủi cứ sống như thủy-tổ ông-bà đã sống qua 20 thế-kỷ.

Nhiều người dân thầm hỏi nhau đây có phải là do “trên” hay chỉ vì lá cờ hoặc bằng khen danh-dự để làm “lấy điểm” ở một số thôn xã? Một số xã mà cán-bộ quá non kém, thiếu văn-hóa, nhưng lúc nào cũng nhìn cái hào-quang của những mãnh bằng khen đã có thành-tích chống Mỹ từ thâm-sơn cùng-cốc. Chẳng thế mà đã có những cán-bộ tập kết về hưu khuyên con đang làm cán-bộ xã...

-“Mầy phải thận trọng trong các kỳ họp ở huyện. Phải đắn-đo lợi hại cho nhân-dân, đừng cứ lúc nào thấy những việc khó khăn cứ đưa tay phát-biểu: “chuyện đó huyện để xã tôi!” là chết bà con đấy!”.

Công-nhận ông già tập-kết đã về hưu ấy tốt và có chút hiểu biết trong cách “lãnh-đạo” nhưng ông ấy không thể ngờ được những cái “lầm” thuộc tầm-cỡ chính-sách như cách chuyện trồng mía ở quê tôi.

Là dân Quảng-Ngãi, ai cũng biết thổ-nhưỡng rất thích hợp cho việc trồng mía và làm đường. Chả thế mà thời Việt-Nam Cộng-Hòa chính-phủ đã cho xây-dựng nhà máy đường tại thị-xã. Tuy nhiên việc khai-thác là do tự phát của nhà nông. Chưa bao lâu thì đất nước rơi vào tay Cộng-sản, nhà máy đường trở thành cơ-sở quốc-doanh nhưng việc sản-xuất chưa đạt yêu-cầu dưới phương thức hợp-tác-xã. Dầu vậy, việc mua bán cũng tiến-hành đâu được mấy năm. Có lúc nhà máy bị kẻ xấu bỏ cọc sắt chung vào mía cho nặng cân nên máy hỏng phải ngưng hoạt-động. Nhân cơ-hội ấy dân được quyền “tự sản tự tiêu” và thi-đua “hồ-hởi phấn-khởi”. Nhà nào, xóm nào, thôn nào, xã nào cũng trồng thật nhiều mía. Rồi thừa dịp ấy nhà nước khuyến-khích thêm bằng cách cho vay vốn mua phân-bón, cấp mía giống... để dân trở lại bán cho nhà nước. Niềm tin kết-hợp thực-tế đã cho phép cán-bộ tha-hồ thóa-mạ bọn phản-động đã bêu xấu xuyên-tạc chế-độ ta. Dân chúng cũng thầm gật đầu khen đúng. Họ thi-đua làm đơn xin vay tiền, họ còn đề-xuất góp công kiến-tạo đường-sá vào tận xóm thôn hẻo-lánh, hóc hố núi rừng để xe tải vào chở mía cho nhà máy. Hạnh-phúc lại đã đến rồi! Ước mơ xe Honda, xe Cúp (chưa ước đến xe hơi vì chưa có đường để chạy) rồi đây nhà nào cũng có. Họ cùng thầm tính cho nhau ai nhiều mía sẽ có nhiều xe. Thế là từ ông cán-bộ về hưu, từ người nông-dân thiếu đất... đều hăng-hái rủ nhau hợp-tác khai-phá đất tận núi rừng để trồng mía. Cả thôn xã tôi ở đâu cũng là mía. Chỉ nhìn được cái sân còn chung-quanh đều bao-bọc bởi mía nên khó có tầm nhìn ra xa, kể cả nhà sát rào. Cán-bộ và nhân-dân đều nghiệm đúng...:

“Một việc dễ không dân cũng chịu,
Trăm nghìn việc khó dân liệu cũng xong!...”

mà ủy-ban xã đã treo dọc đường.

Bài toán cộng trừ nhân chia trong trí mỗi người lớn dần theo thời-gian gần ngày thu-hoạch. Đùng một cái, dân được tin nhà nước đã hạ giá mía thu mua theo hợp-đồng vì “trên” (lại cũng TRÊN) đã quyết!(?). Thiên-hạ nhốn-nháo, nhất là những cựu cán-bộ, tân cán-bộ, tập-kết, hưu-trí...tha-hồ thảo-luận phương-sách đối-phó. Bây giờ trong dân-chúng mới có dịp luận bàn: Luật thương-trường là lời ăn lỗ chịu nhưng xã hội ưu-việt bây giờ thì lời nhà nước hưởng mà lỗ thì dân phải gánh. Bởi phương-châm: “Đảng lãnh-dạo, dân làm chủ, nhà nước quản-lý”; nên cuối cùng người dân chẳng biết làm chủ được cái gì? Đã có người ví-von giải-thích: Dân như một con bò, đảng là ý nghĩ của người chủ (nên cày, bừa đám nào sau trước...”. Khi thu-hoạch hoa-màu thì nhà nước quản lý (giữ) hết! Rốt-cuộc con bò chỉ làm chủ được mồ-hôi của nó thôi. Mà mồ-hôi, ôi cũng đã đổ mất từ lâu rồi!

Dân lo bàn-bạc làm đơn khiếu-nại để tìm sự công-bằng trong sự bán mía khấu-trừ nợ cho ngân-hàng...

Cuối cùng mía đã trỗ cờ trắng đồng mà việc thu mua chưa ngã-ngũ. Nhiều chủ mía cậy mình là cán-bộ muốn đề xuất đốt cả đồng mía cho bỏ ghét, nhưng chắc còn sợ ghép tội “phá-hoại tài-sản xã-hội chủ-nghĩa” nên chưa dám làm thì trên để cho “tự sản tự tiêu”. Thế là lò đường thủ công mọc lên như nấm và đường đã được đổ vào ghè, vào muỗng, vào lu...để mai mốt bán theo từng loại mà trả nợ cho ngân-hàng nhưng “trên” (lại cũng Trên) hạ giá thu mua đường (vì tính theo tỷ-lệ giá mía). Lỗ quá nhiều nên không thể bán cho nhà nước mà trừ nợ thì bán cho thị-trường tự-do. Không có môn-bài bán tại tiệm hay chợ thì bán dọc đường. Chỉ cần đem đến Quốc-lộ I bán cho xe buôn hai chiều Nam Bắc cũng dễ.

Hy-vọng trong sáng của người lao-động ở nông-thôn là không muốn mang nợ-nần cái đã, còn lại lời ít hay hòa vốn cũng được! Nhưng không! Ai không bán cho nhà nước thì có các trạm thu mua “yết-hầu” chận đến khắp ngõ-ngách dẫn đến Quốc-lộ I. Thành ra ai bất tuân đã bị tịch-thu đường ngay tại trạm, tất nhiên còn nhiều hệ-lụy tiếp theo. Tôi chắc cho đến bây giờ tại Quảng-Ngãi ta vẫn còn nhiều nơi chưa giải-quyết các khiếu-nại của dân về việc tịch-thu đường trong khi “đường tang-vật” cũng đã bị bốc hơi từ lâu.

Ở miền Trung và riêng Quảng-Ngãi ta thì chuyện mía đường như vậy. Còn ở miền Nam (đồng-bằng sông Cửu-Long) thì việc thu mua lúa gạo. Cũng vẫn cái màn “cho vay rồi hạ giá mua thành phẩm”. Thì ra ở đâu họ cũng chỉ áp-dụng một phương-trình:

“Nước giàu dân chết mặc dân!”

Nhưng nếu ai đứng ra vạch trần cái âm-mưu lố-bịch nầy sẽ bị gán là “phản-động” và nhận hậu quả không lường.

Thảo nào từ thôn xã đến trung-ương, từ nông-thôn đến thành-thị những ngôi nhà nào đồ-sộ nguy-nga nhất đều là nhà của cán-bộ. Nó tỷ-lệ thuận với tước-vị của chủ nhà. Còn các cơ-sở quốc-doanh được ưu-tiên mọi mặt mà hậu quả đều lỗ. Không biết tiền nó đi về đâu?!

Có lần tôi nêu câu hỏi nầy với một số bạn cũ thuộc diện “trí-thức” từ miền Bắc về, họ cũng chỉ trả lời bằng những nụ cười trơ-trẽn!

Tôi nghe kể và gặp lại một số bạn học cũ từ bậc Tiểu-học ở cùng thôn-xã và Trung-học ở huyện (1945-1954) của trường Nguyễn-Nghiêm cũ (rất tiếc và không biết các bạn của trường Lê-Khiết) đã tập-kết ra Bắc trở về thăm hoặc làm việc tại miền Nam với nhiều chức-vụ và học-vị khá cao như: Phó giáo-sư Tiến-sĩ Tôn Thất Học, Giáo-sư Tiến-sĩ Phạm-Duy-Hiển, Phó Giqó-sư Tiến-sĩ Võ Trọng Hốt, Kỹ-sư Nguyễn Thị Nga-Liên, Kỹ-sư Tô-Đình Mai, Kỹ-sư Tô Văn Vĩnh, Kỹ-sư Đinh Úc, Tiến-sĩ Nguyễn Thới Nhâm (An-Tây), Tiến-sĩ Trịnh Bốn (Phổ-Cường), Tiến-sĩ Nguyễn Thị Xuân-Lan, Tiến-sĩ Hà Ký (anh chị Hồng Đức-Phổ), Tiến-sĩ Nguyễn Thới Giáp (em ruột TS Nguyễn Thới Nhâm và Bác-sĩ Nguyễn Thới Bình, cựu Phó Giám-đốc Bệnh-viện Quảng-Ngãi) nay bị mù hiện ở Nha-Trang, giáo sư Đỗ Đức Huyến, Giám-dốc nhà máy phân bón Trà-Nóc (Cần-Thơ), Đỗ Đức Miên (đã qua đời)... Đặc-biệt là Giáo-sư Tiến-sĩ Nguyễn Quyên (xã Phổ-Quang) vào làm việc giảng dạy tại Cần-Thơ. Quyên thuộc lứa tuổi đàn anh tôi từ lớp đệ tam niên trường Đức-Phổ (trước khi trường sơ-tán về Thủy-Triều năm 1950) đã được thầy Trương Dương Tấn khen... “có khả-năng và bản-lãnh toàn-diện cả về văn, toán, lý, hóa, sinh, ngoại-ngữ...” tâm-tình suốt mấy tiếng đồng-hồ. Cùng ôn lại thời thơ-ấu đi học chung đường và lúc anh đã đi tập-kết.

 

Anh giải-thích cho tội nghe về học vị “Phó Tiến-sĩ”. Anh bảo chắc tụi tôi ở miền Nam nghe lạ tai lắm? Theo anh cũng đáng nực cười, vì chưa nghe “Phó Bác-sĩ” mà lại có “Phó Tiến-sĩ”!. Học-vị Tiến-sĩ như anh thì quá xứng-đáng qua quá-trình quyết-tâm tu-nghiệp tại Liên-Xô. Tìm thầy, tìm sách vở đã quả là khó. Tìm giáo-sư bảo-trợ lại càng khó hơn. Hàng chục nghìn sinh-viên khối Cộng-sản thời đó chẳng mấy ai chịu khổ công như anh. Có lúc phải cột võng nằm canh ở cổng trường để tìm ông thầy bảo-vệ luận-án (?). Thành-tích học-vị của anh ở miền Bắc nhiều thầy đều biết. Còn Phó tiến-sĩ, theo anh, chẳng qua là cái biên-nhận trả nợ áo cơm viện-trợ của nước đàn anh (Liên-Xô, Ba-Lan, Tiệp-Khắc...) cho các đấng sinh-viên nhờ lý-lịch chứ không nhờ trí-tuệ ra nước ngoài chẳng làm nên tích-sự, lại đã ở lâu quá rồi, thôi thì lãnh đỡ cái “Phó Tiến-sĩ” mà về nước. Từ đó đẳng-cấp Phó Tiến-sĩ mới ra đời. Cho đến bay giờ Việt-Nam đã cho vào đẳng-cấp học-vị!(?).

Cuộc đàm-đạo cởi mở với anh về trí-thức miền Bắc còn có những chuyện thấy nực cười. Trí-thức đã như vậy, trách gì thiếu học mà lãnh-đạo nhất là lãnh-đạo ở nông-thôn, mọi thất-bại là cái chắc.

Bạn có biết không? –Làm Cộng-sản chỉ có Liên-Khu 5 (Nam, Ngãi, Bình, Phú) là vô-địch cả nước. Mà Quảng-Ngãi là đứng đầu cả Kiên-Khu 5!

Nhớ lại ngày Việt-Nam Cộng-Hòa sụp-đổ (30-4-1975) khiến hơn 2 triệu rưỡi người Việt liều chết bỏ nước ra đi, Cộng-sản đã gọi đó là “bọn trộm cướp, đĩ-điếm, phản-động...” để rồi sau đó, cần lợi-dụng lòng tốt của họ giúp-đỡ bà con ở quê-hương khỏi chết đói(?) Phạm Văn Đồng đã cho đổi thành cụm từ “khúc ruột ngàn dặm”.

Phải chăng đó là lời nhắn khéo cho cái đám Việt kiều “phải liệu hồn”! Nhất là cuối 1997, Võ Văn Kiệt đã ký nghị-định 81/CP cho phép công-an từ cấp Huyện trở lên được trọn quyền bỏ tù bất cứ ai “nếu muốn” trong thời gian 364 ngày 23 giờ 59 phút (nghị-định nhắc cán-bộ phải xin tái hạn giam giữ trước khi đồng-hồ chỉ đúng 1 năm! Và cứ thế mà tiếp-tục đến vô hạn định!).

Người viết đã từng bị công-an phường Trần-Hưng Đạo (thị-xã Quảng-Ngãi) tự ý bắt giam tại Lao-xá Quảng-Ngãi 18 ngày đêm. Liên-lạc được thân-nhân can-thiệp mới nhận được lệnh tha có ghi:

“... bị bắt vì: Lai lịch bấc minh (chữ “bấc” viết “c”).

Được tha vì: Lai-lịch đã rõ”.

Ký tên Phan Trần Kảnh (chữ “K”).

Lượng-giá quyền năng của chính-quyền (Quảng-Ngãi) ta là như vậy; nhưng tôi vẫn nghĩ đến chuyện phải về để thăm mẹ, chúc thọ bà và nhất là trùng-tu lại tất-cả mồ mả ông bà đã được mai-táng từ cả thế-kỷ nay. Các bạn, một số khuyên tôi không nên về, một số bảo tôi như sắt đã trui lò rèn việc gì phải sợ?! Rồi mọi việc đều trôi-chảy.

Tôi đáp máy-bay xuống phi-trường Tân-Sơn-Nhất (Sài-Gòn) ngày 15/2. Sau đó mọi thủ-tục đều thông-suốt bởi vì tôi đã thuộc lòng và ứng dụng “thủ-tục đầu tiên” từ lúc bắt đầu sắp hàng để trình hộ-chiếu, ngoại trừ một vướng mắc tí xíu ở khâu cuối cùng. Số là trong khâu trình giấy, tôi được một công-an chỉ đem va-li đến cho vào máy rọi. Nhưng khi vừa đặt va-li lên thì tôi nghe tiếng một nữ nhân-viên tại quày (phía tay phải) hỏi “Ông kia làm gì thế? Giấy khai của ông đâu?”. Tôi trực nhớ ra là mình chưa làm “thủ tục đầu tiên” ở chỗ nầy nên tôi vội-vã và kín đáo nhét cái thủ tục đó dưới giấy. Thế là va-li qua máy trót lọt. Nghĩ rằng còn phải đẩy va-li vào phòng (?) để khám, tôi hỏi tiếp: “Bây giờ tôi phải đi đâu?” (ý hỏi vào phòng nào?), cô ta đã nhanh-nhảu trả lời: “Đi về chứ đi đâu” thật nhẹ-nhõm! Mà có lẽ lúc bấy giờ Việt kiều chưa u-mê lắm nên chưa thấy treo bảng “Không có giấy tờ gì khác ngoài thông-hành và vé phi-cơ”.

Về phường, mấy anh công-an vốn đã quen biết gia-đình tôi bảo “cứ tự-động ghi vào sổ cho anh em kết bia thôi!” OK!

Mười ngày ở tại thành-phố Sài-Gòn tôi lại có dịp gặp anh em bạn-bè cũ, đủ mọi thành-phần (“ngụy quân”, “ngụy quyền” cán-bộ “cách-mạng”, giáo-sư, giám-đốc, chuyên-viên... và cả giới lao-động). Họ tâm-tình rất cởi-mở, thân-mật. Tuy-nhiên có lúc vui miệng tôi hỏi nhỏ những cán-bộ chí thân về các tin-tức mất dân-chủ mà thế-giới hay nói đến thì họ đều mù tịt! (Càng rõ thực tế, tôi càng phải thận-trọng)...

Ngày 26-2 tôi đáp xe đò (không thuê xe du-lịch) để về Quảng-Ngãi. Vì xe hỏng dọc đường tại địa-phận Phan-Rang nên đến nhà trễ mất nửa ngày. Gặp được mẹ tôi và bà con thân-thích lúc 6:30 sáng ngày 27-2 và sau đó, đợi đến giờ cơ-quan làm việc, tôi nhờ các cháu đến UBND xã làm thủ-tục đăng-ký tạm trú rồi vào thẳng đăng-ký tại công-an huyện. Nhờ có người quen làm việc ở huyện nên việc đăng-ký với công-an cũng dễ-dàng.

Ở với mẹ tại gia-đình bên chồng người em gái (khác xã) được 2 ngày. Ngày 2-3 thì tôi về xã của tôi, nơi có người em trai đang trông coi nhà từ-đường và trực-tiếp đăng-ký tạm trú tại UBND xã. Tất nhiên không quên ủng-hộ 1 triệu tiền Việt-nam để sắm “văn-phòng-phẩm”. Lại một dịp gặp lại người quen, là cán-bộ tập-kết, cán-bộ đã về hưu, thân-hào nhân-sĩ... đang có mặt tại cơ-quan xã để làm việc của họ. Ai ai cũng mừng-rỡ và dành mọi thiện-cảm cho tôi.

Năm ngày sau, 7-3 thì tôi trở về nhà người em gái để tổ-chức mừng Lễ thọ mẹ 92 tuổi. Cũng là dịp để tôi gặp thêm bà con bạn-bè trong số hơn vài trăm thực khách. Có người làm tại tỉnh, có người đang làm ở tỉnh khác, có người đang làm việc tận Hà-Nội. Thời-gian nầy tôi cũng đi thăm số bạn-bè và em cháu đang làm việc tại thị-xã (Quảng-Ngãi). Nhờ đó tôi nhận được lời dặn “đừng bao giờ đưa bản chính giấy tờ (passport chẳng hạn) cho bất cứ ai dầu là công-an. Vì dễ bị hỏi xem rồi bọc túi đi luôn, muốn xin lại cũng “nhiêu-khê” lắm. Tôi đã copy sẵn từ lúc còn ở Sài-Gòn, nhưng nghe đứa cháu (lại là cựu cán-bộ công-an) dặn tôi nói thêm nếu công-an hỏi chú sẽ nói đang gởi nhà cháu!

Tuần-lễ sau là những ngày tôi tìm và bàn-thảo hợp-đồng với thợ xây mồ mả, chờ ngày khởi công.

Khoảng 8:30 sáng ngày 13-3, quần-áo chỉnh-tề ngồi uống trà sáng với người em trước khi đi dự đám cúng đầu năm nhà ông anh cô cậu cùng xóm, thì có hai người sắc-phục công-an đi 2 xe Honda vào nhà em tôi. Họ dựng xe trước sân và đi thẳng vào phòng. Linh-tính báo trước cho tôi sự “rắc-rối” có lẽ đã bắt đầu. Tôi nhìn chào 2 người và thấy họ có đeo trên ngực áo hàng chữ “công-an Đức-Phổ” dưới là chữ tên Tuyết, người kia cũng vậy nhưng chữ tên Thời và cuộc đối-thọai bắt đầu:

Tên Tuyết hất hàm hỏi tôi:

-“Anh có nhớ tôi không?”

-“Nhớ”, em tôi trả lời.

Đoạn nhìn vào tôi, anh ta nói:

-“Còn ông ở Úc mới về cho tôi coi giấy”.

-“Ông muốn giấy gì?” Tôi hỏi.

-“Các giấy tùy thân, passport, đăng-ký tạm trú”.

Nhớ lời dặn của người nhà tại thị-xã, tôi vào phòng đem ra trình passport, đăng-ký tạm trú (nhưng passport là bản copy).

-“Giấy hộ-chiếu ông là bản copy, không hợp-lệ. Ông có biết giấy tờ không hợp lệ là tôi có thể trục-xuất ông bất cứ lúc nào cũng được không?”.

-“Có, biết”. Tôi trả lời và nói thêm:

-“Nhưng nếu giấy tờ tôi không hợp-lệ thì tôi không thể nào đến đây được để ông phải trục-xuất. Vả lại giấy bản chính tôi đã trình tại đồn công-an huyện từ ngày mới về 27-2. Bây giờ thì tôi gởi bản chính cho người nhà cùng ngành với các anh tại thị-xã. Nếu cần tôi sẽ đi lấy về trình các anh. Muốn xác minh sớm hơn, các anh có thể điện-thoại hỏi”.

Nhìn tôi từ đầu đến chân, tên Tuyết hỏi:

-“Bây giờ ông định đi đâu?”.

-“Tôi đi dự đám cúng đầu năm nhà ông anh cô cậu gần đây cùng xóm thôi”.

Cả hai công-an cùng đi ra sân, chụm đầu vào nhau nói nhỏ điều gì, đoạn trở vào. Tên Tuyết nói:

-“Tôi bằng lòng để ông đi dự đám cúng nhưng 12 giờ trưa ông phải vào UBND xã để chúng tôi làm việc. Chúng tôi chờ ông ở đó”.

-“Các anh có thể làm việc với tôi ở đây, không thì tôi không bảo-đảm đến đúng giờ!(?). Tôi nói thế.

-“Tùy ông, nếu không đến ông sẽ chịu trách-nhiệm”.

Nói xong cả hai nổ máy xe đi.

Đến đám cúng tôi gặp rất đông bà con, nhất là trong họ-hàng có nhiều người làm cán-bộ cấp tỉnh (Gia-Lai Kontum, Quảng-Nam Đà-Nẵng, Buôn-Mê-Thuột, Cần-Thơ... có cả từ Hà-Nội).

Tôi đem vụ việc vừa rồi ra để hỏi ý-kiến. Đa số bảo là không đi đâu hết! Họ còn nói thêm tôi đã là Việt-kiều thì không thể hành-xử một cách tùy-tiện như đã quen thói với nhân-dân địa-phương! Mấy cán-bộ đó tiếp:

-“Vì cung-cách làm việc thế nầy nên mặc dầu có sinh quán ở Quảng-Ngãi mà chúng tôi không muốn về địa-phương!”. Ba bốn người rải rác từ phía xa cũng nói: “tôi cũng vây!”.

Biết vậy nhưng tôi lo vì còn phải ở lại tiến-hành việc xây mồ mã, sẽ có thêm rắc-rối (?). Họ đề-nghị để hai người em cô cậu với tôi – một cán-bộ tỉnh đổi về huyện nay đã về hưu và một đang làm công-tác bảo-vệ yếu-nhân tại tỉnh (là hai anh em ruột) có biết hai tên công-an (Tuyết và Thời) cùng vào UBND xã gặp họ xem thử vấn-đề gì. Khi hai người trở về cho biết là hai công-an không tiết-lộ vấn-đề gì và đã về huyện.

Đám cúng giải-tán, tôi theo người em (bảo-vệ yếu-nhân) về tỉnh. Hy-vọng kể lại cho mấy người quen đang làm việc ở tỉnh để giúp cách “đề-phòng” nếu cần. Tức thì người quen làm ngành công-an bốc điện-thoại gọi về Công-an Đức-phổ. Gác điện-thoại xuống, cháu cho bết đã hỏi Trưởng công-an Đức-Phổ: hai công an Tuyết & Thời có đi công-tác tới xã Phổ-Phong chứ không phải Phổ-Nhơn. Việc hai anh ấy làm không phải lệnh của huyện (?)! Vậy chú chẳng có gì phải lo. Người kia là cựu Giám-đốc bệnh-viện Quảng-Ngãi rất quen thân với Đại-Tá giám-đốc . . . Tôi sẽ đưa anh đến để trình-bày.

Cơm nước xong, người em là bảo-vệ yếu nhân theo Bác-sĩ đến ngã tư thị-xã, ông đổi ý, bảo nên đến ông Phó Diệu (?) phụ-trách ngoại-vụ mới trực-tiếp vấn-đề hơn. Đến nhà ông Phó Diệu, nhờ gắn nhiều đèn nên sân rất sáng, bởi vậy từ trong nhà ông đã nhìn thấy rõ chúng tôi. Ông mời bác-sĩ vào nhà và chúng tôi đi theo ngồi vào bộ salon gỗ cẩm-lai; ông sai người mang nước đá lạnh rồi cho người ấy về. Bác-sĩ vui-vẻ nói:

-“Nhà sáng-sủa thế nầy mà không cho Việt kiều mướn lấy tiền?”.

-“Ai mà tới cái “hóc bà tó” nầy.

Rồi ông tiếp ngay:

-“Mà tôi đã nói với bác-sĩ rồi. Chúng tôi đều nhất-trí cả, bác-sĩ khỏi lo”.

Bác-sĩ trả lời:

-“Theo tôi thì mình có 10 người để mua 10 ký thịt, nó đi rồi thì mình chỉ còn 9 người tất sẽ mua được nhiều hơn. Thôi ông phó đưa cho tôi đem về cho nó đi! Vả lại trên đã chấp-thuận cho nó rồi mình ngăn-cản làm chi?”.

Ông phó trả lời:

-“Biết là vậy, nhưng ông Đại-tá hưu-trí đã khiếu nại thì mình phải cứu xét chứ?”.

Chúng tôi hai anh em còn lại không hiểu là vụ việc gì cả. Ông phó lại tiếp:

-“Còn có Việt kiều nào ở Úc mới về nói là để xây mồ mả cho ông bà gì đây. Tên nầy cũng quan-trọng lắm, đã quay Video bức tường Bá-Linh sụp-đổ đem về đây rồi bảo CHXHCN Việt-Nam mình cũng đổ như vậy; mà bác-sĩ thấy có đổ đâu?!...”

Mẹ kiếp! Cái ông Việt kiều nào ở Úc đó đang ngồi ở trước mặt ông đây! Quả thật ông không biết?! Thì cũng như ông không đủ trí nhớ để nhớ rằng bức tường Bá-Linh đã được xây từ ngày 13-8-1961 và bị đập đổ ngày 9-11-1989 (lúc mà cái ông Việt kiều Úc còn đang ở bên Việt-Nam làm sao đi quay Video được???!!!”).

Thôi thì bất lợi đã phủ trùm, cả ba chúng tôi tìm cách cáo từ khéo chưa kịp uống nước. Về đến nhà hỏi ra mới biết, trước đây có anh C.V.C (Cao Văn Chư) quán thôn An-Tây xã Phổ-Nhơn, Đức-Phổ, cựu tù nhân chính-trị giam tại Kim-Sơn hơn 5 năm, được xuất-cảnh diện HO (danh-sách HO 37). Mọi thủ-tục đã hoàn-tất chờ đăng-ký chuyến bay thì trước đó một ngày, công-an Quảng-Ngãi đi xe gắn máy đến tận nhà bảo xuất-trình passport để xem rồi bọc túi đi luôn. Đương sự đã làm ba bốn chục đơn khiếu-nại gởi khắp nước (Sài-Gòn, Hà-Nội) và đích thân đi nạp tại Hà-Nội + Sài-Gòn. Dĩ-nhiên phải nhờ tất cả ai quen biết đang làm việc ở tỉnh xin dùm. Bác-sĩ nguyên giám-đốc (như đã nói) là một. Thành ra thay vì bác-sĩ hỏi việc của tôi thì đã bị ông phó Diệu trả lời, việc bác-sĩ đã nhờ từ trước.

(Việc nầy C.V.C. phải nhờ bạn thân từ nước ngoài gởi thư trình-bày cho văn-phòng ODP tại Thái-Lan nhờ can-thiệp. Văn-phòng ODP đã điện-tín (nhờ Hà-Nội và Quãng-Ngãi) chuyển cho đương-sự, mời trực-tiếp đến văn-phòng ODP tại Sài-Gòn trình-bày. Sau đó đương-sự mới được cấp Passport mới từ Hà-Nội để xuất-cảnh sang Mỹ cuối năm 2000 (sau 5 năm khiếu nại) hiện đang trú ngụ tại Philadelphia còn passport vẫn còn nằm trên bàn ông phó Diệu?).

Ăn bánh ngọt và uống trà khuya với ông cựu giám-đốc, ông than-thở:

-“Làm công-tác như tôi là để cứu người trong khi đó cũng cùng cấp (tỉnh) thì ông ấy có thể giết người không ai biết! (ý ông bác-sĩ ấy nói ông ta đã nghe lời cấp dưới hoặc của cộng-tác-viên mà không chịu nghiên-cứu vấn-đề đúng, sai có thể giết chết người)! Đêm đó tôi suy-nghĩ mãi không ngủ được. Sáng sớm tôi từ-giã chủ nhà ra đón xe đi Đà-Nẵng. Bởi tự mình cũng không đủ niềm tin cũng như bạn bè đầy đủ nhiệt-tình vẫn cảm thấy nhiều lo-lắng. Tôi nghĩ, đến tỉnh khác ắt có thể tránh được cái tình-trạng tôi đang có ở Quảng-Ngãi. Tôi ghé thăm và xin trú tạm tại nhà người bạn ở Tam-Kỳ, đồng thời dùng điện-thoại liên-lạc trở lại người quen ở Quảng-Ngãi nhờ họ “lượng-giá” vấn-đề để cho tôi có thể trở về Đức-Phổ lo việc xây mả mồ. Họ nhất-trí yêu-cầu tôi trở về để cùng họ vào công-an Đức-Phổ.

Trưa 17-3, từ Tam-Kỳ tôi về đến Quảng-Ngãi để cùng những vị quen thân vào đến Đức-Phổ. Khoảng 5 giờ chiều, chúng tôi đậu xe ô-tô tại một tiệm ăn trong thị-trấn để chờ. Trong khi đó những người quen từ Quảng-Ngãi vào gọi điện-thoại mời ông Trưởng công-an đến. Mời không có, phải nhờ một công-an viên đi tìm. Công-an viên trở lại bảo tìm không được ông trưởng, đã bị người nầy trách ngay:

-“Anh là nhân-viên thường trực mà không biết “ông xếp” ở đâu thì vô lý quá! Bộ anh tưởng tôi không phải người trong ngành như anh sao?”.

Vừa lúc đó có vài xe Honda đến đều chở 2 người trên mỗi xe. Tất nhiên đều là bạn thân có quyền có chức. Tôi nghe giới-thiệu trong số đó có ông bí-thư xã Phổ-Quang, ông... Đặc biệt có giới-thiệu ông Tâm sắp nhậm chức Bí-thư Tỉnh Quảng-Ngãi. (Nay thì đã bị cách chức, nghe đâu do vụ Dung-Quất).

Rồi chúng tôi vừa ăn uống vừa nói chuyện. Chủ yếu là chuyện của tôi, với yêu cầu của tôi là được thanh-thỏa trước mặt các vị chức quyền công-an tại đây để tôi an-tâm với công việc đang làm và quyền tạm trú tại thôn và xã của tôi. Nhưng không có người đối-diện thành ra việc của tôi như có nguyên đơn, có nhân-chứng mà không có người xử(?)!

Dầu vậy, tôi cũng có thêm được một số “nhân chứng” cỡ lớn nên bớt “sợ-sệt” và quyết-định ngủ đêm tại Đức-Phổ để sáng hôm sau trực-tiếp đến công-an huyện chứ không theo xe về tỉnh ngay đêm đó.

Ngày 18-3, khoảng hơn 8 giờ sáng, tôi được người quen (làm ở huyện) đưa đến công-an huyện (sau khi được người em làm tại tỉnh dặn đêm qua rằng nếu chú vào công-an mà có vấn-đề gì anh gọi cho em ngay). Thế nên tôi rất vững tâm ngồi chờ. Người quen vào phòng trưởng Công-an thì tôi nghe cuộc đối-thoại từ trong phòng:

-“Có ông chú ở Úc về muốn gặp quý anh để trao đổi (?)”.

-“Tôi không có mời nên tôi không tiếp”.

-“Anh không mời mà người ta muốn gặp thì anh phải tiếp chứ?”.

-“Thôi, để tôi giao cho anh Thọ”.

Và chúng tôi cùng ngồi chờ tại phòng đợi dưới nắng chói sớm mai. Khoảng 9 giờ sáng tôi được mời vào phòng chấp-pháp. Người tiếp tôi mang lon Đại-úy có gắn bảng chức vị Trưởng phòng Chấp-pháp trên chữ Thọ.

Đại-úy Thọ rất vui-vẻ chào hỏi và muốn tôi cho biết mục-đích “cuộc gặp-gỡ” nầy. Tôi vừa mở miệng thì thấy hai công-an tên Tuyết và Thời đến. Chả cần chào hỏi, công-an Tuyết nói:

-“Tôi tưởng ông đi luôn rồi chứ?”.

-“Không, tôi vẫn còn ở đây để được gặp quý ông”, tôi đáp.

Đại-úy Thọ mời hai anh trở về phòng (?). Tôi bắt đầu kể lại tất cả chi-tiết vụ việc đã xẩy ra kể cả dư-luận của lần về trước. Cuối cùng xin Đại-úy cho biết sự nhận-xét của quý cơ-quan đối với cá-nhân tôi! Sẵn trớn, tôi nói luôn:

-“Về phần tôi, tôi muốn đánh dấu cuộc gặp-gỡ nầy bằng văn bản để bảo-đảm rằng tôi là người không có tội. Tôi xin giấy để được tự ghi lại vừa lúc đó cả hai công-an Tuyết và Thời lại đến. Đại úy Thọ bảo hai người lấy giấy cho tôi, họ trả lời:

-“Giấy đâu mà giấy!(?).

Đại-úy Thọ một lần nữa mời họ về. Rồi đích-thân ông đưa giấy cho tôi. Ông bảo:

-“Chú cứ viết gì tùy ý rồi để lại cho tôi” rồi sang phòng khác.

Một mình tôi tự viết như cái kiểu “tự kiểm” để cho họ vừa lòng. Tất nhiên không quên ghi lại một số nhận xét của mình về các hành-động đã qua của công-an như dạy khéo họ về cái lễ-độ, ngay thẳng và nhất là đừng bao giờ có thái-độ kể cả khi đứng trước dân cứ coi mình là kẻ có quyền để cai-trị dân chứ không phải là đầy tớ của dân như “bác Hồ” (của họ) dạy. Phải lấy các điều mà “bác Hồ” của họ đã nói thì mới không sợ ghép tội mỉa-mai xuyên-tạc (mặc dầu những lời dạy đó cũng chỉ là một lối lừa bịp những kẻ dưới quyền)!.

Tôi say-sưa viết có đến 4, 5 tờ giấy cỡ A4 và đọc đi đọc lại nhiều lần. Phải cẩn-thận, nếu có lời nào tỏ ra phản-động thì đây là bằng chứng để họ bỏ tù mình! Viết xong, tôi sang báo cho Đại-úy Thọ biết, tức thì 2 công an Tuyết và Thời sang trước lấy đọc. Xong họ bỏ xuống và bảo tôi:

-“Viết thế nầy thì có gì đặc-biệt đâu! (?)”.

-“Vậy ông muốn tôi phải viết những gì?”, tôi hỏi lại.

Vừa lúc ấy Đại-úy Thọ về đến, cầm xem cám ơn tôi rồi cất.

Trước khi chia tay, hết sức khéo-léo, lịch-sự và khiêm-tốn tôi trao cho Đại-úy Thọ $100 USA gọi là quà văn-phòng phẩm nhưng đã bị thẳng-thừng từ-chối. Đại-úy nói chỉ cần món quà nào cực “hiện-đại” và “cơ-động” thôi. Cất lại tiền, ra về tôi vẫn không nghĩ ra “hiện đại” và “cơ-động” cụ-thể là quà gì (?). Có lẽ là điện-thoại di-động chăng(?) nhưng bấy giờ địa-phương chưa được phủ sóng!

Đã quá 12 giờ trưa theo lời dặn, người quen tôi đến đón. Chúng tôi ra tới ngỏ Công-an huyện thì một công-an đi xe Honda vào, chào hỏi người quen tôi (vì cùng làm ở huyện) nhưng khi nghe nói đến tôi (từ Úc về) vào thăm các anh. Và khi nghe nói đến tên tôi thì anh bảo dừng lại và mời tôi vào phòng anh “làm việc”(?) (lại cũng làm việc mà anh ta không biết tôi đã làm việc với xếp của anh: Đại-úy trưởng phòng Chấp-pháp công-an huyện Đức-Phổ từ 9 giờ đến bây giờ!). Đến cửa phòng anh hỏi tôi có biết anh là ai không? Tôi đáp không. Tức thì anh ta tự giới-thiệu:

-“Tôi là Âu, tôi có đầy đủ hồ-sơ của ông và muốn nhốt ông bất cứ lúc nào cũng được!”.

Người quen tôi cũng vừa đến nơi nghe rõ tỏ ý bất-bình trả lời:

-“Thì anh cứ nhốt đi!. Anh làm như ông nội người ta(?).

Nói đoạn nó kéo tay tôi bảo về ăn cơm và thêm:

-“Tôi thách anh đó!”.

Đi theo người quen mà tôi cứ suy thầm trong bụng: “Mẹ kiếp! Sao ở cái chỗ đã sinh ra mình, đã có nhiều thầy dạy-dỗ mình từ thời thơ-ấu cái lễ-nghĩa ở đời vậy mà sao bây giờ lại sản-sinh toàn cái loại ỷ quyền cậy thế, xem mình có súng bên hông là cha thiên-hạ!”.

Thảo nào năm 1994 (?) ông Phan-Văn Khải nhân kinh-lý thăm tỉnh sau trận lụt đã nhận xét (báo Tuổi Trẻ đăng lại):

-“Tỉnh Quảng-Ngãi là một tỉnh có trình-độ quản-lý hành-chánh kém nhất nước!”...

Cơm nước xong tôi rời thị-trấn Đức-Phổ về nhà người em, dặn-dò thêm công việc sửa sang mồ mả với thợ xây rồi đi luôn về thị-xã Quảng-Ngãi.

Sáng hôm sau lại trở ra Đà-Nẵng tiếp-tục một sự “lánh nạn” bất-đắc-dĩ.

Chờ đến ngày xây xong mồ mã, em tôi cúng tạ ông bà, có mời đông-đủ bà con, kể cả cán-bộ xa gần, tôi tranh-thủ về dự lần cuối để chi tay về Sài-Gòn rồi trở qua Úc.

Về Úc một năm, mãi xót-xa cho sự thiếu-thốn của bà con mà biết chắc không thể về để thăm được, con tôi làm hồ-sơ bảo-lãnh cho em tôi (tức chú nó) sang du-lịch Úc. Mọi việc được trôi-chảy, sở-di-trú Úc OK, phòng tổng Lãnh-sự Úc tại Sài-Gòn thông-báo cho em tôi đệ-trình passport trong vòng 49 ngày để được cấp VISA sang Úc. Mừng như được vàng, em tôi đem hồ-sơ đến xin tại công-an Quảng-Ngãi, được cán-bộ phòng Quản-lý Xuất Nhập cảnh là Nguyễn Xuân Viên ký nhận. Chờ gần một tháng, em tôi nhận được giấy báo tin (cũng cảnh công-an Quảng-Ngãi, Phòng Quản-lý xuất nhập cảnh) ghi rằng:

. . . . . . . . . .

Ông không đủ điều kiện cho xuất cảnh”
Ký tên: P. Trưởng phòng Quản-lý Xuất Nhập cảnh,

Vũ Xuân Viêm.

Vô cùng ngạc-nhiên khi nhận được kết-quả như vậy, con tôi (người bảo lãnh) có viết thư khiếu nại – xin cho biết lý do, gởi đến các nơi: Tổng Bí-thư, Thủ-tướng chính-phủ, Chủ-tịch nước, Văn-phòng Quốc-hội, báo Pháp-Luật, báo Công-an TP. HCM, báo Tuổi Trẻ v.v... gởi theo phương-thức hồi báo (tức là có ký nhận vào phiếu gởi của bưu-điện trả hoàn về Úc) thì biết các cơ-quan gởi đều đã nhận. Vậy mà không có bất-cứ sự trả lời của cơ-quan nào! Thậm chí đến ngày Sở Di-Trú Úc có thư hỏi con tôi (người bảo lãnh) lý do chú nó không đi Úc? Nó cũng đành trả lời “Không rõ”. Rõ-ràng một thực-tế mà đối với cách hành-xử của các nước tiền tiến, văn-minh coi là vô lý!.

Nhưng đâu đã hết, công-an Đức-Phổ cho mời thân-nhân tôi có quan-hệ hằng ngày với em tôi đến cơ-quan chỉ để hỏi có mỗi một câu: “Ông L.V.C. (tên tôi) bây giờ đã tiến-bộ chưa?”. Một câu hỏi mà chỉ có người hỏi mới trả lời được!!

Họ còn thách-thức thêm “Tôi không cho đi thử ai làm gì tôi?!”

Tôi biết và mọi người hiểu chuyện đều biết là phải chăng họ đã liệt gia-đình chúng tôi vào danh-sách trù dập? (bởi trước đây tôi đã bảo lãnh cho người em gái cư-ngụ tại TP/HCM sang Úc dễ-dàng; đã ở lại đến 3 năm mới trở về, thế mà người em trai cư-ngụ tại Quảng-Ngãi thì vậy!(?).

Thôi đành chịu bởi giấy mực chẳng là cái gì để cho mình thỏa-mãn!....

Hai năm sau, mẹ tôi từ-trần tại quê nhà, thọ 94 tuổi. Tất nhiên tôi quyết-định không về để cùng chung ý-nghĩ với số anh em, tôi đành chịu bất hiếu với đấng sinh-thành chứ không để mang lụy vào thân với cái địa danh đang nổi lên nhiều “danh nhân ác”.

Dầu vậy, xem băng ghi hình đám tang của bà cụ, tôi thấy có rất đông người đưa tiễn, có đến hơn vài trăm, có xe tang, xe khách, cờ-phướng rợp đoàn. Họ là những người thân của mẹ tôi từ thời Pháp thuộc, những người thân của chúng tôi trong thời 9 năm kháng-chiến, thời Việt-Nam Cộng-Hòa, anh em cũ, bạn-bè xưa... Đoàn người đã đi bộ cung nghinh quan-tài trong nhà tổ mộ rồi lên xe vòng qua 3, 4 xã (Phổ-Thuận, Phổ-Văn, Phổ-Ninh, Phổ-Hòa) qua cả cơ-quan huyện Đức-Phổ để về an-táng theo ý muốn của bà lúc sinh tiền, là nơi chôn nhau cắt rún của tôi.

Trong đám người tiễn đưa hay dừng chân mặc niệm khi linh-cữu cụ bà đi qua, chắc-chắn đã có nhiều người hỏi nhau về tên tuổi và lai-lịch của bà. Họ sẽ được trả lời đầy đủ bằng sự hiện-diện của người đưa đám. Và chắc phải nhắc đến tên người trưởng nam của cụ là tôi đang ở nước ngoài và không có mặt!

Dẫu có ai đó chỉ-trích sự bất-hiếu của tôi thì cái nguyên-nhân đưa đến sự bất-hiếu đó cũng làm cho tôi khuây-khỏa được nhiều. Chắc họ đều biết vậy.

Tôi viết lại “NHỚ ĐẾN QUÊ TÔI” để cùng bạn bè, cùng trang lứa, cùng địa-phương thêm một lần nữa nhìn vào thực-tế mà suy-gẫm.

Mỉa-mai thay, tại nhà em tôi cũng đang treo hai cái bằng:

- Một “Gia-đình liệt-sĩ” (em gái út của tôi thoát-ly 1964 hy-sinh!)
- Một “Gia đình vẻ-vang” (gia-đình đã đóng góp cho Cộng-sản).

Cá nhân tôi thì thấm-thía thêm rằng:

“Với chính-quyền Việt-Nam hiện tại, đặc-biệt là chính-quyền tại địa-phương Quảng-Ngãi ta thì:

“Ngụy quân, Ngụy quyền, Ngụy dân, tất cả đều là Ngụy”.
Nhờ đó mà cụm từ “địa-linh nhơn kiệt” thêm phần “tô thắm” (?) cho quê-hương chúng ta!”.

Melbourne, tiết Lập-Đông Quý-Mùi 2003
Liên-Trì Dục Nguyệt.

Trích trong "Đặc San Quảng Ngãi Xuân Ất Dậu 2005" của Hội Ái Hữu Đồng Hương Quảng Ngãi Georgia".


* * *

Xem thêm bài cùng chủ đề tại đây
Trở về www.nuiansongtra.net  

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh