Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 16, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
NĂM MỚI NĂM ME
TRẦN Ỷ


Dịp trọng đại nhất trong quãng đời thơ ấu của tôi là cái Tết. Qua mùa mưa lụt đã bắt đầu trông Tết rồi. Có cái gì đẹp, cái gì ngon cũng để dành đến Tết. Tết như có sức hấp dẫn kỳ lạ: thêm một tuổi cho mau lớn đã đành, mà mọi vật đều sẽ đổi mới. Cái gì rồi cũng khá hơn, được ăn, được chơi thỏa thích. Bao kỷ niệm dạt dào, tươi đẹp chất chứa trong lòng, năm tháng khó tàn phai.

Gặt hái xong mùa tháng tám là mẹ đã bắt đầu cho may quần áo mới cho chị em chúng tôi. Xin nói rõ rằng khi mới biết mặc quần thì ngày thường chúng tôi chỉ được mặc quần áo vải ta là thứ vải khổ bốn tấc dệt ở nhà bằng chỉ khún. Quần thì để trắng, áo mẹ nhuộm đen cho lâu dơ. Lớn lên một chút mới được mặc áo vải tám hay vải bảy. Loại vải tám mềm tay màu kem, vải bảy thì dày và trắng bạch, mặc chắc hơn. Nhưng đến Tết thì phải có một cái quần vải quyến nhỏ sợi, trắng mềm và một cái áo dài đen bằng vải săng-đầm (nơi khác gọi là vải dù). Hai loại này là hàng vải Nhựt bổn, nhớ như là hiệu Optorg.

Quần áo đẹp chỉ được mặc trong mấy ngày Tết rồi xếp cất đợi khi giỗ chạp hay đi ăn giỗ, ăn cưới mới đem ra dùng. Hồi đó còn may tay chứ chưa có máy khâu. Ông thợ ngồi tại nhà tôi may quần áo cho gia đình tôi là ông Hồng, người thợ khéo nhất làng. Ông dong dỏng cao, dáng dấp nho nhã. Tôi nhớ nhất là cái vạch của ông có gắn một cục sáp ong bèn bẹt để dắt kim may và cái bàn ủi bằng đồng thau chạm trổ có cán cầm để ủi hàng lụa. Có quần áo mới thì lại càng trông Tết để được diện bảnh, nhưng Tết còn xa lắc xa lơ!

Cha tôi bắt đầu in bài tam cúc. Hình những quân bài đã được khắc sẵn trên các khung bằng gỗ. Chỉ cần phết mực tàu lên khung rồi in trên giấy quyến. In xong, bồi lên bìa màu, đem phơi thật khô rồi cắt ra từng quân bài xếp đủ bộ cột lại. Mươi bộ là đã đủ dùng và bán cho một số ít gia đình biết chơi loại bài này trong những ngày xuân nhật.

Rồi các tay làm pháo trong làng lần lượt mua diêm sinh về chuẩn bị pháo Tết. Ông Hương Văn và con trai là anh Sính năm nào cũng lo pháo rất sớm. Bác tôi, ông Thừa Gia, cũng lão luyện trong nghề này. Tôi nhớ trên bàn thờ nhà bác có một cái quả đựng pháo bằng kim loại tráng men, vẽ hình nhiều màu rất đẹp. Nghĩ đến pháo tôi càng thêm rạo rực, y như đã nghe mùi thuốc pháo rồi. Có lần tôi lén cà thuốc pháo để làm pháo chuột đốt chơi. Tôi cà diêm với lưu huỳnh thật nhuyễn rồi gia thêm than lõi cây khoai mì theo phân lượng mà tôi đã học lóm. Nhưng nghe nói nguy hiểm lắm. Rủi có một hạt cát rơi vào trong lúc cà là thuốc bùng cháy liền làm nám mặt, mù mắt hoặc cháy nhà. Và nếu anh tôi mà hay được là no đòn, nên tôi thử chơi một lần cho biết rồi không cà nữa.

Nhưng Tết chưa đến đâu ! Còn cả một tháng chạp nữa. Sau lập đông thì đêm dài ngày vắn, nắng chiếu nghiêng nghiêng ngả màu vàng. Không khí nông thôn đã bắt đầu rộn rịp khác thường : vừa lo cấy mùa tháng ba, đồng gò cấy trước, ruộng trũng cấy sau, cho đến Tết là vừa bít ruộng, vừa lo giẫy mả tháng chạp. Mỗi nhà, mỗi họ lựa chọn một ngày tùy ý hoặc trùng với một ngày giỗ nào đó trong tháng. Đoàn ngưởi đi giẫy mả kẻ vác cuốc để giẫy cỏ, người vác trang để khỏa bằng lớp đất trên mặt mả, người lại mang một đùm lá để quét cho sạch. Chỗ nào hư sụp thì đắp điếm lại cho khang trang. Không khí làm việc thường trang nghiêm vì đối với người đã khuất phải tỏ lòng kính trọng, tuy rằng không có tục cắm nhang nơi mả như ở các nghĩa trang thành thị. Việc cải táng là chuyện bất đắc dĩ, chỉ trong trường hợp động mồ động mả hoặc rễ cây đâm vào chỗ nghiệt khiến con cháu điêu đứng thì mới tính đến chuyện dời. “Mồ yên mả đẹp” là câu nói đầu môi của người Việt. Tảo mộ xong thì về nhà cúng chung những người khuất mặt trong gia đình, gia tộc.

Trong khi đó chợ Cây Sung họp mỗi ngày một sớm hơn và tan muộn hơn. Người đi chợ cũng đông hơn. Chợ thêm nhiều màu sắc do những gánh cải cay, dưa kiệu ; những thùng bánh nổ, bánh in ; những cây cắm đầy trống bủng (trống bỏi), trống chầu ; những gánh đồ chơi trẻ con bằng đất và đã có một số pháo bắt đầu đem bán. Tuy vậy không ai dám đốt pháo ở chợ. Mọi người đều có tinh thần tự trọng trong việc giữ gìn trật tự.

Bọn trẻ chúng tôi chú ý nhất đến bánh trái và đồ chơi. Những con lợn, con ngựa, con cá nặn bằng đất sét nhồi với giấy bổi, bên ngoài phết vôi và vẽ hình đủ màu sắc. Không khí Tết rộn lên vì tiếng khua của trống bủng, trống chầu. Đây là các loại trống cho trẻ con chơi làm bằng một cái khung tre hai mặt căng giấy rất thẳng. Một que tre vót tròn bằng chiếc đũa đâm xuyên qua khung theo đường kính để làm cán cầm. Khi xoay cán trống giữa hai lòng bàn tay thì hai cái tua bằng nhợ xâu hai bên khung phẩy qua phẩy lại ngược chiều nhau, đầu tua gắn cục đất sét va vào mặt trống kêu giòn giã. Trống bủng mặt nhỏ hơn căng bằng giấy màu, cũng có loại căng bằng bong bóng heo đắt tiền hơn, tiếng ngắn và cao. Trống chầu khung lớn hơn, mặt to bằng cái đĩa, căng bằng giấy mỏng có phết hồ trắng vẽ hình trạng nguyên cỡi ngựa che lọng. Loại này tiếng trầm và dài. Tụi nhỏ chúng tôi mua rồi thi nhau xem trống đứa nào kêu to hơn. Nếu âm thanh bị giảm, chỉ cần đem phơi nắng hoặc hơ lửa thì mặt trống lại căng ra, tiếng kêu sẽ thanh như trước. Lúc nào nghỉ chơi thì đem cắm lên bồ lúa hoặc phên vại.

Các chị tôi cũng bắt đầu làm bánh mứt: bánh nổ, bánh in, bánh bò, bánh thuẩn, mứt bí, mứt gừng... Nhà có đầy đủ dụng cụ, từ cối xay, cối giã, khuôn bánh in, bánh nổ bằng gỗ cho đến khuôn bánh bò, bánh thuẩn bằng đồng thau. Công việc này thường phải làm về đêm vì ban ngày còn phải lo cơm nước cho người cày, người cấy và phải phụ giúp việc buôn bán ngoài tiệm, trên chợ.

Việc làm bánh mứt là dịp các chị trau dồi nữ công để mai sau về nhà chồng được vị nể. Còn tôi thì đêm nào học xong cũng ngồi chò hỏ một bên để xem đến tận nửa đêm. Vui quá mà làm sao đi ngủ được ! Các chị vừa nện bánh vừa kể chuyện đời xưa. Đến những tình tiết vui thì chị em cười rúc rích hoặc cười ngả nghiêng ngả ngửa. Chuyện Tấm Cám, chuyện Thạch Sanh chém chằn, chuyện Vân Tiên Nguyệt Nga và bao nhiêu chuyện khác... Có những chuyện kể đi kể lại năm này qua năm khác mà sao nghe vẫn cứ hay, nhất là do chị Sáu kể. Hồi đó chị chưa lấy chồng. Lối kể của chị thật là duyên dáng, nhưng chị rất đa sầu đa cảm, đến những đoạn buồn thảm thì nước mắt chị lại tuôn tràn.

Bánh in hình vuông được phong trong giấy ngũ sắc, bốn góc có tua, trên mặt dán nhiều lớp hoa thị khác màu, thật công phu. Bánh nổ phải nện thật chắc bằng vồ, rồi đem sấy lửa than cho giòn. Dĩ nhiên bánh nào bị sứt mẻ liền được tiêu thụ ngay tại chỗ, thằng em út là tôi luôn luôn có phần. Muốn cho bánh được thơm, phải pha quế bột. Về sau này, ăn bánh ở nơi khác mà không có mùi quế thì tôi cảm thấy nhớ nhớ và kém ngon, dù có pha va-ni hay gì gì khác.

Hăm ba tháng chạp đưa ông Táo về trời. Ở quê tôi chỉ cúng thường thôi, không vẽ vời cá chép và cũng không cầu cạnh gì nơi ông Táo mà chỉ vái ông đi bình yên: “Đông trù tư mệnh, Táo phủ thần quân...” Đây cũng là dịp thay ông Táo mới nếu ông Táo cũ bị sứt mẻ, khập khiễng không còn dùng được.

Cứ cách đôi ba năm, cha tôi đắp ông Táo mới một lần bằng đất sét nhồi trấu, nặn khá công phu để có hình dáng cân đối, ba ông đồng nhau, chân vững, thân hơi nghiêng và đầu khom về phía trước. Nắn xong phải miết và nghè cho láng, phơi thật khô rồi nung trong lửa trấu nhiều ngày cho đến khi màu đỏ ngả sang màu ngăm đen là được. Mỗi kỳ chỉ đắp ba bộ thôi, một bộ ba ông. Nói là ba ông chứ trong đó có một bà có khoét một lỗ nhỏ giữa bụng. Đó là ông Táo chúa ( không ai gọi là bà Táo). Sau khi ông Táo mới an vị thì người ta bưng ông Táo cũ bỏ ở gốc cây cầy ngoài động cùng với hỏa lò hư, bình vôi bể. Tuy gốc cây cầy nằm gần sát lối đi, nhưng không ai dám bước giẫm lên trên, vì đó là những thứ được trọng vọng. Như bắc nồi cơm lên đầu ông Táo thì phải đặt ngay ngắn, nhẹ nhàng, cũng không nên cầm đũa bếp khõ lên đầu ông Táo.

Tới ba mươi tháng chạp thì dựng nêu. Đó là một ngọn trúc cắm ở bìa sân, lưng chừng ngọn treo một cái rọ tức là một cái giỏ tre lớn bằng cái mõm bò, trong để trầu cau, vàng bạc. Cha tôi dựng nêu có một đôi lần rồi bỏ hẳn tục này.

Trước ngày dựng nêu, phải lo quét dọn bàn thờ ông bà cho kịp. Chân đèn, lư hương và những vật bằng đồng thau khác như hộp trầu, thau đồng, mâm thau ... đều được ngâm trong nước lá bứa, loại lá có chất chua như acid làm nhả ten đồng. Ngâm chừng một ngày rồi chà lá bứa cho đến khi mặt đồng thau ánh lên như mới. Công việc này khá nặng nhọc, tôi còn bé không làm nổi, chỉ giúp những việc lặt vặt. Những tự khí tự vật khác bằng gỗ cẩn xa cừ như tam sơn, ngũ sự cũng được chà rửa thật sạch. Chén bát xưa trên bàn thờ được đem chà tro, rửa trắng tinh.

Sau khi đã xếp những tự khí tự vật lên bàn thờ thì cha tôi dán những câu đối đỏ lên cột. Ông viết câu đối lên loại giấy hồng đơn có kim nhũ. Chữ cha tôi đẹp và sắc, rất ưa nhìn. Tuy không được cha giảng cho nghe ý nghĩa những câu đối nhưng về sau tôi lần lần suy ngẫm mà hiểu qua đại ý. Tôi chỉ nhớ nằm lòng được hai câu này :

Tửu trung bất ngữ chơn quân tử
Tài thượng phân minh đại trượng phu.

Ý nói rượu vào mà lời không ra mới thật là người quân tử. Tài chánh phân minh, sòng phẳng mới đúng là kẻ trượng phu.

Như thường lệ, Tết đến, các tiệm bán sỉ tạp hóa và thuốc bắc ở Vạn Thu Xà (như tiệm Đông Ích) gởi biếu quà Tết cho các khách hàng quen thuộc: trà, bánh mứt, rượu, đặc biệt là có hồng khô, táo đỏ là những thứ ở quê không có.

Năm nào bán heo mẹ tôi cũng chừa lại một con để sáng 30 Tết làm thịt. Ngày này đặc biệt 3 giờ chiều đã tan chợ. Ai nấy đều hối hả về nhà cho kịp nấu cúng rước ông bà. Trông ra đồng ruộng đã vắng bóng người. Lúa đã cấy bít đồng trông như một tấm thảm xanh non gờn gợn dưới cơn gió nhẹ. Đến 4 giờ chiều thì đường sá vắng tanh, mọi hoạt động xã hội ngừng hẳn, sự sống như tập trung hoàn toàn dưới những mái nhà, trong không khí đầm ấm quanh bàn thờ gia tiên.

Mẹ và các chị tôi bận rộn bếp núc. Những phẩm vật dâng cúng được lần lượt xếp thẳng hàng trên bộ ván, món nào theo món nấy. Khi đã đủ món thì sắp lên mâm thau, đĩa này chồng lên đĩa kia thành nhiều tầng cao nghệu. Lối dàn mâm phải theo một quy cách nhất định: dưới cùng là bánh tét, bánh tẻ, những món ăn sau cùng; càng lên trên thì đĩa càng nhỏ lần; trên cùng, ngay chính giữa phải là đĩa nem chả. Mỗi mâm đều có một bánh tráng đặt lên trên. Dàn mâm xong mới đặt lên bàn thờ, những chén cơm đầy được đặt xung quanh mâm.

Cha tôi vận áo rộng xanh, bịt khăn nhiễu bước đến trước bàn thờ với dáng điệu rất trang nghiêm, đường bệ. Sau khi thỉnh một hồi chuông thanh vắt, ông bắt đầu hành lễ. Đến khi khấn thì ông quỳ gối, hai tay cung lên ngang mày, rì rầm khấn bằng chữ nho. Anh tôi và tôi đứng hầu hai bên bàn thờ để thắp đèn nhang, đốt trầm, châm rượu, châm trà... Cha tôi lạy xong thì đến lượt anh em chúng tôi. Tuy còn bé nhưng tôi vẫn phải bận áo dài cúc cung hưng bái như người lớn. Tôi cũng thông thạo mọi quy cách hành lễ, chỉ có điều không biết khấn bằng chữ nho mà thôi.

Lễ xong, cha tôi dùng trà, những tách trà vừa mới cúng, cũng có khi mẹ tôi tham dự. Trẻ nhỏ chúng tôi không dám uống trà cúng, sợ mau bạc tóc. Cha tôi vừa dùng trà vừa tiết lộ những đặc điểm của năm sắp đến theo niên lịch. Ví dụ năm mới là “đại lợi đông nam”, tức Đông Nam sẽ là hướng thuận lợi nhất để xuất hành hoặc để hướng mọi việc làm ăn ngõ hầu đạt được kết quả tốt đẹp nhất.

Xong tuần trà đến dùng cơm. Mâm cơm được đưa từ bàn thờ xuống, có nắm đũa gác nằm ngang, trên cái bánh tráng, bên ngoài là nhạo rượu với vài cái ly con và tô nước tráng để súc miệng trước khi cầm đũa. Tiếng bẻ bánh tráng kêu lốp bốp, nhai giòn tan, tạo một không khí vui tươi cho bữa cơm cuối năm vốn đã thịnh soạn. Cha tôi rất ít khi uống rượu, chỉ nhấm nháp vài chén, còn tôi thì được mẹ tiếp cho mọi thứ ngon lành. Mẹ tôi nhìn tôi cười, để lộ hàm răng đen nhánh. Có lẽ đây là bữa cơm ngon nhất trong năm.

Kể từ lúc rước ông bà, mọi việc đều phải vào khuôn khổ, người ta gọi là vào “khem”: đi đứng cẩn thận, ăn nói cữ kiêng, không được ồn ào, ăn nói thô tục, nhà nhà đóng cổng, không ai tới nhà ai. Đêm lắng nghe con gì lên tiếng trước, báo hiệu cho biết năm tốt hay xấu, được mùa hay mất mùa. Nếu nghe tiếng chó sủa thì là năm nhiều trộm đạo, chuột rúc thì mất mùa. Tiếng tu hú báo hiệu một năm buồn thảm, có thiên tai địch họa, tiếng cú mèo thì nhiều chuyện buồn; con chim heo bay ngang nhà nào thì không khéo nhà ấy có người chết... Họ nói vơi nhau như thế thôi chứ chẳng mấy ai tin. Dân làng tôi có tiếng là gan dạ, họ biết giữ gìn mà chẳng biết sợ là gì. Đặc biệt quê tôi hồi đó chẳng thấy ai nói đến giao thừa, chẳng thấy ai thức đợi mừng giao thừa rồi đi lễ chùa hái lộc.

Trong ba ngày Tết mỗi ngày cúng ba lần: sáng sớm cúng bánh nước, trưa tối cúng cơm. Bát cơm cứ vơi lần so với lần cúng trước, cho đến chiều mồng ba cúng tạ thì chỉ còn lưng lửng non nửa chén.

Sáng mồng Một, chúng tôi được mặc quần áo mới. Cái quần vải quyến mới toanh chưa có nếp nhăn bước đi sột soạt nghe vui tai làm sao! Sáng nay được thêm một tuổi rồi, thế tất được bà con mừng tuổi bằng tiền nên tôi không quên cài chuỗi xâu tiền vào nút áo dài. Đó là một sợi lát xe lại chập làm đôi xoắn với nhau rồi cột thắt ở đầu để giữ tiền khỏi tuột. Đầu kia, chỗ gập đôi, có hình cái tròng để cài vào nút thứ hai của áo dài. Sợi chuỗi được bỏ vào trong, phía sau thân áo. Đến gần trưa, cúng và ăn xong, tôi sửa soạn đi cùng cha tôi về mừng tuổi ông bà tại nhà thờ lớn và bên ngoại ở Trà Niên.

Tôi lẽo đẽo theo sau cha tôi, vừa đi vừa thích thú ngắm cảnh vật xung quanh. Trông ra đồng ruộng vắng hoe không một bóng người, lơ thơ vài con cò trắng lò dò bước, cổ cất cao trên ngọn lúa, chốc chốc cất cánh bay lên, đáp nhẹ nhàng xuống đám ruộng khác. Trên đường, thỉnh thoảng chúng tôi gặp bà con trong làng đi từng toán đôi ba người. Lớn thì khăn đen áo dài, che dù, đi guốc, đàn bà thì áo dài nón gò găng hay nón lá tùy theo giàu nghèo, miệng bỏm bẻm nhai trầu môi đỏ thắm, chiếc khăn trầu vắt vẻo bên hông. Toán nào cũng đèo theo ít nhất một đứa trẻ tay xách gói trà, gói bánh, ve rượu, đứa nào cũng xúng xa xúng xính trong chiếc áo dài. Gặp nhau quen mặt, chúng tôi chỉ nhìn nhau cười mỉm chứ không kêu réo ầm ĩ như ngày thường. Mọi ngày phần đông dân làng tay lấm chân bùn, áo cụt vắt vai, quần cháo lòng trật bồ lương, ống cao ống thấp. Nhưng Tết nhất là phải đúng lễ nghi, phẩm phục đường hoàng, dung mạo trau chuốt, cử chỉ nghiêm chỉnh, lớn cũng như nhỏ. Nhìn vào sân vào nhà thì cửa ngõ mở toang, chỗ nào cũng sạch sẽ, tươm tất, bàn thờ cuộn sáo lên cao, có đèn chong, có cành mai hoặc nắm hoa vạn thọ, tệ lắm cũng có ít nhánh trường sinh hoa tua tủa như lồng đèn. Có nhà còn đốt pháo tre đì đùng, báo hại những con chó cong đuôi chạy tán loạn.

Tôi theo chân cha tôi leo lên con đường dốc đầy sỏi đá trước khi đến nhà thờ lớn. Đây là nhà ông Duẩn, anh ruột ông nội tôi. Sau khi vấn an bà Bốn và bà Năm, cha tôi đặt rượu trà lên bàn thờ rồi hành lễ. Tôi cũng phải lạy đủ các gian từ đường. Quả pháo trên bàn thờ thu hút tâm trí tôi nhiều nhất. Tôi cũng không quên chạy u ra vườn nhìn xuống cái giếng sâu thăm thẳm, mặt nước hun hút âm ty chỉ rộng bằng cái miệng thúng.

Bà tôi mù. Bà thường ngồi trên một cái võng ở gian trong, không mấy khi ra nhà ngoài. Không biết ông thầy tướng số nào cho biết số bà có thể bị thiên lôi nên mỗi khi trời nổi cơn giông , bà cứ ngồi nhai nổ, ý rằng “trời đánh tránh bữa ăn”. Bà xoa đầu tôi hỏi han việc học rồi mừng tuổi. Tôi hân hoan nhận lãnh vì đây là món quà đầu tiên. Tôi tháo giây lát ra khỏi nút áo rồi trịnh trọng xâu tiền vào. Sau khi “ngồi mâm” xong, cha con tôi cáo biệt lên đường về quê ngoại. Tôi tiếc bác tôi không đốt ít trái pháo tre cho vui tai, vì thường ngày bác chịu chơi lắm, nhưng ngặt có mặt cha tôi bác không dám đốt.

Qua cầu Mương Nha nước chảy ro re trong vắt, tôi đặt chân lên đường tư ích cát trắng phau, bắt đầu men theo cánh rừng gọi là cấm Trà Niên. Trời, đường vắng vẻ quá, cây cối rậm rạp mà lại đi vào giờ ngọ! Tôi sợ ma quá chừng nên vọt ra phía trước. Bìa rừng có hoa sim tím hớn hở dưới ánh nắng xuân. Qua cấm Lưỡi Cày, cấm Thanh Giang đến miếu thành hoàng dưới gốc cổ thụ. Chỗ này ưa có ma lắm đây!

Còn một đỗi nữa là đến vùng có nhà cửa thuộc thôn Văn Hà. Đi ngoằn ngoèo trong xóm một đỗi nữa là đến nhà bà ngoại. Nhà cửa vườn tược cũng quy mô chẳng kém nhà thờ bên nội bao nhiêu. Các nghi thức cũng diễn ra y như lúc lễ nhà thờ. Mẹ tôi là gái út được ngoại tôi cưng lắm. Ngoại vuốt ve, hôn hít tôi, hỏi sao mẹ tôi không về và mừng tuổi nhiều tiền lắm. Đến lượt mợ Mười cũng lì xì, chuỗi tiền tôi đã căng phồng dưới lớp áo. Ông ngoại và cậu Mười tôi, người con trai duy nhất, đã qua đời, tôi không biết mặt. Con của cậu Mười tôi là Ôn, Nhuận, Thục, Tân, Vị, Kinh, chứng tỏ cậu tôi rất mộ đông y. Vị, Kinh hai cô gái út đồng trang lứa với tôi, xoắn lấy tôi vì anh em ít gặp, đưa tôi chạy tung tăng ngoài vườn dâu hoặc sang nhà cậu Huân chơi. Kỳ nào về ngoại với mẹ thì tôi được ở chơi lâu, có khi đến hôm sau. Còn đi với cha thì nhất thời nhất khắc, không lê la được.

Cáo biệt ngoại, tôi ghé lại nhà chị Ba tôi, có chồng gần đấy. Trở về Quýt Lâm tôi ghé nhà chị Sáu tôi rồi mới về thẳng nhà. Tính ra từ trưa cho đến tối, tôi đã “ngồi mâm” không biết bao nhiêu lần, chưa kể mứt bánh. Bảo gì mà không mong Tết như điên!

Đêm nay mới được thong thả ngồi trước hè để nhìn làng trên xóm dưới chìm đắm trong màn đêm. Tiếng ếch nhái ở bờ ruộng vọng lên như khúc nhạc hòa tấu của canh trường. Nhìn về Văn Hòa, chốc chốc lại có một đường pháo thăng thiên vọt lên cao không quá lũy tre. Có quả lên thẳng tắp, có quả lên tà tà, có quả còn vẽ ngoằn ngoèo trước khi cong xuống và tắt ngấm.

Qua mồng hai Tết, bớt bận rộn việc nhà, tôi thả đi chơi. Mà đi chơi thì không đâu vui bằng lên chợ Cây Sung. Chợ cách nhà không đầy một cây số nhưng ngại lắm. Phải rủ cho được ba bốn đứa mới dám đi, vì phải qua động Giàng, chỉ dài non một trăm thước nhưng rậm ơi là rậm. Nơi đây có bà Giàng lâu lâu lại “giáng hạ” về đêm như một tên lửa trên trời sa xuống những cây cổ thụ cao nhất. Ba bốn đứa trẻ đi qua là chạy u một mạch đến gần chợ, gặp người mới chậm chân bước đều. Vui thật! Đủ các trò vui, có tiếng trống, tiếng đàn cò. Lôi cuốn nhất là những sòng xóc dĩa, trên úp một cái chén, mặt nhẵn là “sấp”, mặt có chữ là “ngửa” xoa vôi cho dễ thấy. Ông bầu hay người cầm cái bưng lên rồi xóc, tiền va vào chén nghe rổn rổn êm tai lạ. Xóc một hồi rồi hạ xuống. Trên chiếu vạch một lằn ranh, một bên là chẵn, bên kia là lẻ. Ai đánh bên nào đặt tiền bên đó. Mở chén ra mà chẵn thì lùa tiền bên lẻ, chung tiền bên chẵn, và ngược lại. Giản dị như thế nên phần đông là con nít chơi, đứa nào cũng có tiền lì xì. Có sòng có cả đàn bà con gái. Riêng tôi cũng ghé lại đánh chơi đôi ván cho vui rồi đứng xem. Tôi sợ cha tôi biết, người không bằng lòng. Bề gì cũng học trò, lê la cờ bạc không tốt. Có khi cũng gặp cảnh “xênh sòng” vì có đứa nghịch ngợm nào đó thua sạch túi, nóng mũi phá hôi. Ở sòng khác lại không xóc bằng tiền mà dùng những con tào cáo (thò lò) sáu mặt. Chơi loại này thì ăn thua lớn hơn. Bảo là lớn chứ không bao nhiêu vì làng tôi nghèo, giải trí một cách phân phải. Cũng có thai bài chòi nhưng tôi chẳng hiểu gì cả và cũng chẳng nhớ. Điệu hát bài chòi thì giọng đàn đi theo giọng hát nghe rỉ rả buồn thương. Đến như sắc bùa thì thật là lôi cuốn. Trẻ nít chúng tôi thường ví von:

“Sắc bùa là sắc bùa xè
Mau mau tới Tết ăn chè với xôi
Sắc bùa là sắc bùa ôi
Mau mau tới Tết ăn xôi với chè”.

Đạo diễn phường bùa là ông Kìm, đến giờ tôi vẫn nhớ rành rành từng nét mặt và dáng điệu. Cổ ông đeo một cái trống “tùm vinh” hình trụ mà dài thoòng ngang trước ngực, hai đầu trống bịt bằng da trăn, bìa được căng bằng những sợi dây đan xéo theo thành ống. Ông dong dỏng cao, mắt sâu thăm thẳm, hai tay vỗ trống nhịp nhàng, mặt vênh lên, cũng lắc lư như các nhạc trưởng trong buổi hòa tấu. Phường bùa gồm toàn là thanh nữ, độ mấy chục cô, lựa chọn trong hàng có thanh sắc. Mỗi cô chít khăn lục soạn, eo thắt khăn trừu điều, tay cầm bộ sinh tiền, vừa hát tay vừa khuấy động bộ sinh, dưới sự điều khiển của nhạc trưởng. Đôi tay mềm mại, tiếng tiền nhảy nhót khua vang theo một nhịp điệu lúc tưng bừng, lúc lắng dịu, đi đôi với giọng hát dừng giựt mà thanh. Đại để là chúc Tết mọi người: minh niên năm mới, giàu sang phú quý... Đến nước này thì tiền của thính giả bao nhiêu cũng moi ra để tưởng thưởng. Phường bùa lần lượt rảo đến các nhà có máu mặt để chúc Tết.

Sau ngày ông Kìm chết đi thì không còn ai nối nghiệp, phường bùa cũng không còn ai biết đến nữa. Mãi đến sau năm 1975 mới thấy trong những cô ca hát nhạc dân tộc, có một cô có nhịp sinh tiền trên tay.

Chiều mồng ba là lễ cúng tạ, tiễn ông bà ra đi tức là hết Tết. Tắt đèn, hạ sáo, đốt giấy tiền vàng bạc. Hồi đó còn có tục đem dán vàng bạc lên các nông cụ: cày cuốc, ghe xuồng, cối xay, cối giã, vựa lúa, kể cả sừng trâu...

Một việc mà ai cũng trông mong là đêm mồng ba Tết có thi đốt pháo bông tại Gò Cam, một cái gò từ giữa thôn nhoi ra cánh đồng như một tiền đình. Đốt tại đó thì các nhà trong xóm đều thấy rõ, khỏi cần ra đến nơi, trừ xấp nhỏ chúng tôi, xem cái gì cũng muốn thấy tận nơi, tận mặt.

Bảo rằng thi nhưng không có phần thưởng, ăn tiền ăn bạc gì. Các nhà chuyên nghề pháo muốn thi thố tài năng cho thiên hạ biết tay. Pháo ai kêu lớn hơn, pháo ai xịt bụp, pháo ai lên đẹp, trổ hoa đẹp, nhất là pháo thăng thiên, pháo bông, có năm lại có cả khí cầu nữa. Pháo thăng thiên đua nhau vút lên không, lên đến mức tận cùng thì trổ hoa rồi nổ một tiếng trước khi tắt. Pháo bông thì lần lượt phun ra các loại hoa, hết hoa cải đến bát tiên, thật là đẹp mắt. Khí cầu của gia đình anh Sính là một quả cầu kính độ 8 tấc tây, bồi bằng giấy bổi hay giấy bắc trên một khung tre, bên dưới chừa trống một lỗ bằng cái đĩa bàn để hun khói và xuyên cây cốt có đính một khía vàng bạc xoay tròn, tẩm dầu để tiếp thêm khói cho lồng cầu lên cao và bay lâu. Trước hết phải đốt rơm đủ cho khói chui vào khí cầu. Khi cầu đủ sức vọt lên thì châm lửa cho khía vàng bạc cháy rồi buông dây chằng. Cầu lên mỗi lúc một cao dần, trước sự thán phục của mọi người. Tiếng trầm trồ vang dậy đuổi theo khí cầu rực rỡ như chiếc đèn lồng bay lửng lơ theo chiều gió nhẹ rồi mất hút ở đỉnh non xa. Một trò chơi tập thể vô cùng thú vị đã chấm dứt ba ngày Tết.

Nhưng Tết nào đã hết! Còn một trò giải trí khác diễn ra dài dài, đó là đánh bạc. Trong xóm tụm nhau từng năm bảy người hoặc vài mươi người để xe bong sấp ngửa, hốt chẵn lẻ, hốt lú, đánh “các tê”. Những người khá thì tổ chức chơi bài tam cúc tại nhà, có khi kéo dài đến mấy ngày đêm. Mẹ tôi thích chơi loại bài này với mấy bà con trong xóm. Cha tôi thì không. Tôi chưa bao giờ thấy ông ngồi vào sòng bài. Điều này đã ảnh hưởng đến tâm tính tôi: không ưa bài bạc, kể cả cờ tướng. Một chi tiết khá buồn cười là anh Bốn Quyển thường lén bà nội đi đánh bạc. Bà trên tám mươi tuổi nhưng tiếng gọi còn vang xa lanh lảnh, đầu thôn cuối xóm đều nghe, anh Quyển ở sòng nào cũng tức tốc chạy về. Những khi trúng bạc được khá, tính rút lui để khỏi bị thua lại thì tự dưng anh “dạ” lên một tiếng thật to rồi co giò chạy, mặc dù không ai nghe tiếng bà gọi anh!

Mọi người tiếp tục vui chơi đến chiều mồng bảy cai hạ (cây nêu) thì chấm dứt để lo làm lụng. Một năm gian khổ lại bắt đầu. Riêng tôi thì được ngày tốt cha tôi cho khai bút. “Minh niên khai thần bút...” một năm gian khổ cũng bắt đầu đối với tôi.

Tết ơi, hẹn cuối năm nay nhé!

TRẦN Ỷ

(Trích từ tác phẩm QUẢNG NGÃI MẾN YÊU tập 2, gồm nhiều tác giả
do Hội ĐH & TH Quảng Ngãi miền Nam California ấn hành năm 2006)



* * *

Xem các bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về homepage www.nuiansongtra.net  

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh