PHI-CƠ GIÁN-ĐIỆP EP3 ARIES CỦA QUÂN-LỰC MỸ.
Lê Chánh Thiêm.
1. Đại-cương:
EP3 Aries là loại máy bay của quân-đội Hoa-Kỳ được các nhà chuyên-môn cho là “điệp-viên trên không” dưới tên gọi tắt là ARIES (Airborne Reconnaissance Integrated Electronic System: hệ thống do thám điện tử hội nhập trên không).
Tuy là loại máy bay 4 động-cơ cánh quạt bán phản lực, với vẻ xấu-xí, cũ kỹ bên ngoài nhưng có thể bay lâu 12 giờ, bay xa 6.000 km không cần tiếp-tế nhiên-liệu.
EP-3 Aries II do Lockheed Martin Aeronautical Systems Company chế-tạo, dùng trong các công-tác do-thám cho quân-đội Mỹ
.
2. Trang-bị và hoạt-động:
EP 3 Aries được trang bị những phương-tiện kỹ thuật cao với các loại radar, các thiết-bị tín-hiệu điện-tử, các máy liên-lạc cực mạnh gọi là “long-range electronic surveillance equipments”, thường được gọi đùa là “bộ máy ghi thu băng và làm nhiễu sóng” (recording and jamming).
Thông thường, mỗi chiếc EP-3 Aries có 24 nhân viên, 19 người trong số này là các chuyên gia của Hải quân Mỹ, mỗi người có một nhiệm vụ tình báo riêng. Phi hành đoàn là những chuyên viên kỹ-thuật giỏi, chuyên-gia điện-tử rành nhiều nghề, có kiến thức cao, thường là các chuyên-gia ưu-tú trong quân đội nên hoạt động hữu-hiệu. EP 3 được dùng trong các khoảng trống trên không trung giữa các vệ tinh viễn thám không thể phủ trùm lên nhau.
EP 3 Aries có thể phát-giác những tín hiệu điện-tử, truyền-tin, trinh thám... rất xa của mục-tiêu cần do-thám; có thể xoay các antenna đến hướng cần theo-dõi mặc dầu phi-cơ đang bay hướng khác. EP 3 Aries có thể nhận các liên lạc vô tuyến (các máy truyền-tin, radio, E-mail, cellular phone, fax, telegram...) và hữu tuyến qua các thiết-bị điện-tử do hãng Texas Instruments thiết kế. Các nhân viên phi-cơ có thể giải các bản mật mã, có thể biết được nhiều thứ ngôn-ngữ, ngay cả các thổ ngữ ở khu vực cần do-thám mà đối phương thường dùng các loại thổ ngữ nầy để đề phòng bị nghe lén.
Chúng ta biết người Mỹ áp-dụng phương-pháp “an-toàn” nầy khi dùng người Iroquois (da đỏ) làm hiệu thính viên vì ngôn ngữ nầy không có chữ viết. Người Tàu cũng biết dùng tiếng Mông Cổ vì ngôn ngữ nầy khó học, khó nói để tin-tức khỏi bị lộ.
Biết được điều quan-trọng nầy cho nên trên EP-3 Aries còn có một máy xử lý giọng nói tự động, có thể xác định ngôn ngữ của người đang nói, phân biệt được giọng nói, xác định được vị trí người đang nói (đang ở trên máy bay, trên tàu hay trên mặt đất), đây là một phương tiện tân tiến.
Đa-số các máy bay EP 3 Aries do Hải-Quân Hoa-Kỳ điều hành, đóng tại các căn-cứ: Whidbey Island (tiểu bang Washington, gần Seattles), căn cứ Không quân Rota ở Spain (Tây-ban-Nha) và căn cứ Không quân ở Okinawa, Nhật để theo-dõi 3 khu vực. Hải Quân Mỹ hiện có 12 chiếc EP-3 Aries đang hoạt động, 6 chiếc tại căn-cứ Whidbey, số còn lại đóng ở căn cứ Rota và Okinawa.
EP 3 Aries nhận và chuyển các thông tin cho Quân-Lực Mỹ để giám định, phân loại để chuyển đến các nơi liên-hệ hầu có biện-pháp thích-nghi kịp thời. EP-3 Aries được sử dụng để theo dõi các hoạt động của Hải quân (với Không quân là nhiệm vụ của máy bay do thám RC-135). Tuy nhiên, chúng cũng có thể nhận và chuyển các tín hiệu những tin tức trong vùng trách-nhiệm.
Khi cuộc chiến-tranh lạnh chầm dứt, mục-tiêu theo-dõi đã thay đổi. Hiện nay, các chuyến bay do thám thường tập trung ở 3 khu vực: eo biển Đài-Loan (giữa Đài Loan và Đại lục) và hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nơi có trữ lượng dầu lớn, đang có tranh chấp. Trong khu vực đầu, Mỹ theo-dõi chặt-chẽ mọi hoạt-động quân-sự của Trung Cộng ngõ hầu Ngũ Giác Đài có các quyết-định kịp thời. Ken Allard, nhà phân-tích quân-sự của hệ-thồng truyền thông NBC nhận-xét:
-“Loại máy bay này rất quan trọng trong việc theo dõi hoạt động quân sự của Trung Quốc. Chúng tạo lợi thế chiến lược cho những người ra quyết định ở Mỹ”.
Chiếc EP-3 Aries II đụng-độ với Không quân Trung Cộng và buộc phải hạ cánh xuống đảo Hải-Nam khi đang thi hành công-tác do-thám Trung-Cộng. Trong chuyến bay nầy, Hoa Kỳ muốn bắt tín-hiệu khai hỏa từ các chiếc Khu-trục hạm (destroyer) của Hải-quân Trung Cộng đang diệu võ dương oai với Đài-Loan. Trên chiếc Khu-trục hạm này có trang bị các loại hỏa tiễn do Nga chế tạo. Nếu lấy được mật-mã khai hỏa, sẽ có lợi cho Mỹ vô ngần
Nếu biết được mật mã của hỏa-tiễn, nếu có chiến-tranh, lúc Trung Cộng khai hỏa hỏa-tiễn, Mỹ có thể điều khiển hỏa-tiễn bay đến mục-tiêu nào họ muốn, có thể đó là một cơ-sở quân sự, một chiến-hạm, phi trường nào đó của Trung Cộng hay nơi phóng nó ra. Đây là một trong các nhiệm-vụ quan-trọng của toán EP-3 Aries ở khu vực nầy trong công-tác do-thám mà quân-đội Hoa-Kỳ đặt nặng.
Trong biến-cố EP 3 Aries II tại vùng biển Hải-Nam vừa qua đã tạo nên một cuộc đấu trí về pháp lý, từ-ngữ... giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng. Khi phi-cơ bị lâm nạn, phi-hành đoàn đã phá hũy nhiều máy móc, dụng-cụ do-thám... quan-trọng trên phi-cơ để phi tang những chứng cớ mà phía Trung Cộng có thể dựa vào đó để làm lớn chuyện.
Thật sự, ai ai cũng biết nhiệm vụ của phi-vụ EP 3 Aries II này nhưng Hoa Kỳ cứ “chối” và cho rằng họ có quyền làm những gì họ muốn trên không phận quốc-tế, giống như vụ máy bay do-thám U-2 bị rơi trên đất Nga năm 1960, suýt gây ra đụng-độ giữa Nga và Mỹ.
Chúng ta biết khi chiếc U 2 bị rơi, phi-công Francis Gary Powers bị Nga bắt, cả thế giới lo ngại sẽ xảy ra chiến tranh giữa hai nước đầu sỏ hai khối. Khi chiếc U-2 bị bắn hạ, phía Mỹ có phản ứng như một người ăn trộm bị bắt quả tang khiến vai-trò của Mỹ trên thế-giới bị ảnh-hưởng không ít.
Thoạt đầu, chính-phủ Mỹ bịa ra một chuyện vu-vơ để chạy tội sau vài ngày ngần-ngừ. Nhưng rồi sau đó Tổng-thống Hoa-kỳ Eisenhower đã quyết-định xác-nhận trước dư-luận thế-giới là Mỹ đã có do-thám Nga qua vụ U-2. Sự kinh-ngạc đến độ đau lòng ở các đồng-minh của Mỹ không phải là lời thú tội trái ngược với nguyên-tắc sơ-đẳng của ngành gián-điệp ấy mà là lời xác-nhận đó cho rằng “nước Mỹ có quyền làm như thế và sẽ tiếp-tục việc do-thám này”. Đồng ý hiểu ngầm là một nước có quyền tự bảo-vệ bằng cách do-thám nước khác với tất cả các phương-tiện mình có nhưng một vị nguyên-thủ quốc-gia như Mỹ thì không nên tự thú như thế trước công luận. Vào ngày 11-5, Eisenhower tuyên-bố:
-“Vì nền an-ninh chung của thế-giới, chúng ta bó-buộc phải làm như vậy. Từ khi tham chính, tôi đã ra lệnh cho các viên giám-đốc các cơ-quan tình-báo phải dùng đủ mọi phương-tiện sẵn có để do-thám địch-tình hầu tránh cho thế-giới tự-do một cuộc tấn-công bất-ngờ”.
Người ta cho rằng có lẽ đây là lúc “cái cung-cách lễ-phép giữa hai đối thủ đã hết, chả cần dùng liên-lạc ngoaiï-giao để dò-dẫm nhau nữa”.
Về phía Nga, tuy máy bay U 2 của Mỹ rớt ngày 1-5 nhưng mãi đến ngày 5-5, con cáo già Khrouchtchev mới tung vụ U-2 ra ánh-sáng trong cuộc họp ba ngày của Hội-đồng Tối-cao Xô-viết ở điện Cẩm-linh.
Theo thường lệ, ông ta đọc bài diễn-văn khai-mạc đề-cập đến các việc thay-đổi trong chính-quyền, các sắc thuế, lương-bổng, vật-giá,... Ông kéo dài bài diễn-văn lê-thê đến 3 tiếng đồng-hồ rồi đột-nhiên ông đề-cập đến vụ chiếc U-2. Ban đầu, ông nói bình-thường rồi to dần, to dần đến độ chửi rũa. Nikita Khrouchtchev tố-cáo “Mỹ cho phi-cơ do-thám lãnh-thổ Nga” và ông hứa sẽ tố cáo và “làm tới nơi”, Nga “sẽ ăn thua đủ”.
Lời tự thú của TT Eisenhower khiến cho Khrouchtchev ở vào một tình-trạng khó nói bởi vì chính Tổng-thống Mỹ đã tự cho mình có quyền xâm-phạm vào lãnh-thổ Nga-sô. Trước ngày khai-mạc hội-nghị thượng-đỉnh Paris, Khrouchtchev đã để lộ sự tức-giận dữ-dội làm rung-động cả thế-giới. Khi dự triển-lãm các dư-vật của chiếc U-2 được trưng-bày ở Công-trường Gorki, ông đã tỏ ra vui-vẻ nhưng khi các phóng-viên đến phỏng-vấn, ông đã tỏ vẻ giận-dữ khi đề-cập đến “sự đe-dọa của người Mỹ sẽ tiếp-tục các chuyến bay do-thám”. Càng lúc càng giận-dữ, ông ta tuyên-bố hũy-bỏ lời mời Tổng-thống Mỹ đến viếng Nga vào tháng sau vì ông cho rằng “vụ U-2 sẽ làm cho dân Nga không thể dành cảm-tình cho vị nguyên-thủ quốc-gia Mỹ được”.
Trước khi lên đường phó hội tại Paris, CIA đã báo cho Tổng-thống Einsenhower biết là có thể “Khrouchtchev sẽ sử-dụng hội-nghị như một phương-tiện tuyên-truyền chống lại Mỹ” nhưng Tổng-thống biết làm sao hơn.
Ngay trong buổi hội-nghị sơ-bộ đầu tiên, Khrouchtchev đã gay-gắt lên án Eisenhower rồi rời phòng họp, sau đó bỏ luôn hội-đàm. Trước khi trở về Nga ông còn chủ-tọa một cuộc họp-báo với toàn những lời chửi-rũa và đập bàn ầm-ỹ. Không ai đoán trước được ý-định của Khrouchtchev nhưng theo CIA thì rất có thể cơn giận-dữ của ông ta chỉ biểu-lộ vào phút chót.
Cái triết-lý của nghề gián-điệp coi như được đúc-kết bởi ý-kiến của hai nhân-vật cao-cấp trong chính-quyền Hoa-Kỳ khi nội-vụ đã lắng chìm vào quá-khứ. Tại Hoa-Thịnh-Đốn, khi một phóng viên đài NBC phỏng-vấn, tùy-viên báo-chí Tòa Bạch-ốc, ông Hagerty, về bài học thu-lượm được sau vụ U-2, ông ta nói:
- “Đáng lý đừng để địch bắt được mình”.
Bộ-trưởng quốc-phòng Thomas Gates, nhân-vật thứ hai khi được hỏi, đã nói:
-“Tốt hơn là đừng để một tai-nạn như thế xảy ra”.
Người đã “để tai-nạn xảy ra” và “để cho địch bắt” tức là phi-công Powers đã bị chính-quyền Nga kết án 10 năm tù cấm-cố trong một phiên xử vào tháng 10 năm 1960 mặc dù đang bị thương. Trở về Mỹ sau khi hai phía Nga Mỹ thỏa-thuận trao đổi Powers và Rudolf, một điệp-viên của Nga với cấp bậc Đại-Tá, bị bắt tại Mỹ trước đó và cũng đang bị chính-quyền Mỹ bỏ tù.
Powers trở lại nhiệm-vụ của mình và sau này trở thành một huấn-luyện-viên cho phi-công lái máy-bay U 2. Đến tháng 11-1976, Powers trở thành phóng-viên truyền-hình cho hãng KNBC ở Los Angeles, chuyên đưa tin trực-tiếp từ phi-cơ về tổng đài trong các chương-trình về: khí-tượng, giao-thông, cảnh-sát truy-nã tội phạm, xe hơi chạy nhanh,...
Ông ta tử thương vào tháng 8 năm 1977 tại Nam California trong một tai nạn máy bay khi đang thi-hành nhiệm-vụ, lúc mới 47 tuổi.
Vụ máy bay do-thám U-2 chìm dần theo thời-gian. Người Nga tức-giận, hằn-học nhưng rồi cũng chẳng làm gì Mỹ được ngoài việc “cho” viên phi-công bản án 10 năm tù giam.
Trong vụ EP3 Aries tại eo biển Đài-Loan, Trung-Cộng lại theo bước đi của các “đồng-chí” Nga vĩ-đại của mình thuở nào, ngoài cuộc chiến từ-ngữ của hai chữ “xin lỗi”, họ chẳng làm gì người Mỹ được.
Người Pháp có câu ngạn ngữ, được dịch ra Việt ngữ: “Lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”, quả đúng vậy!
Lê Chánh Thiêm.