Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 23, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
NHỮNG THÁCH THỨC VỚI TÂN LÃNH ĐẠO TRUNG HOA
Webmaster
Các bài liên quan:
    THE CHALLENGE FOR CHINA’S NEW LEADERS
    WHAT CHINA’S LEADERSHIP TRANSITION MEANS FOR THE UNITED STATES?
    THAY ĐỔI LÃNH ĐẠO TRUNG HOA CÓ NGHĨA GÌ VỚI MỸ?


NHỮNG THÁCH THỨC VỚI TÂN LÃNH ĐẠO TRUNG HOA
Yukon Huang - Đình Ngân dịch

March 7-2012


Khi Đặng Tiểu Bình tiến hành mở cửa nền kinh tế Trung Quốc (TQ) cách đây 3 thập niên, ông đã dựa trên tiền đề rằng tự do hóa kinh tế cần đi trước tự ho hóa về chính trị. Và đối với cả một thế hệ nghèo khó còn đang tìm đường thoát khỏi những tàn dư của cuộc Cách mạng Văn hóa, người ta đặt nặng cơ hội có một cuộc sống vật chất sung túc hơn nhu cầu đổi mới về chính trị.




Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh (Ảnh: stoicviking/flickr)


Sự đánh đổi đó được duy trì trong suốt nhiều năm, tới năm 2008, TQ vẫn đứng đầu danh sách 24 quốc gia trong khảo sát Pew Global Attitudes về mức độ hài lòng của người dân đối với nền kinh tế nước nhà.

Tuy nhiên, gần đây, những thảo luận vệ chuyển hóa chính trị ở Bắc Kinh đang cho thấy những dấu hiệu đổi mới. Một tầng lớp trung lưu đang lên, với những tư tưởng xã hội mới, đã đổ ra đường để chỉ trích phản ứng của chính phủ đối với vụ bê bối sữa bẩn năm 2008, trận động đất ở Tứ Xuyên năm 2008, và điều kiện làm việc khắc nghiệt của lao động di cư tại các nhà máy như của công ty sản xuất điện tử Foxconn, nơi trở thành tâm điểm theo dõi của cả thế giới mới vừa tháng trước. Những điển hình trong số rất nhiều bất ổn này phản ánh nỗi bức xúc ngày càng cao trong dân chúng với ba khía cạnh căn bản của sự trỗi dậy hiện nay của Trung Quốc. Thứ nhất, cung cách quản lý kinh tế của Bắc Kinh đã tạo ra những bất bình đẳng lớn. Thứ hai, hệ thống kinh tế đã dẫn tới những tranh chấp khó giải quyết xung quanh nguồn tài nguyên có hạn là đất đai. Và thứ ba, hệ thống của Trung Quốc dựa nhiều vào lao động di cư, những người bị mất nhiều quyền lợi và sự bảo vệ, do đó chính là bộ phận có xu hướng muốn tiến hành biểu tình nhất.

Các vấn đề trên phản ánh sự thất bại trong chương trình cải cách của Bắc Kinh những năm gần đây. Đã có những kế hoạch củng cố hệ thống tài chính nhằm giải quyết vấn đề bình đẳng xã hội và mất cân bằng trong phân phối thu nhập trong giai đoạn tăng trưởng nhanh. Thế nhưng, các kiểm soát chặt chẽ đối với việc sử dụng các tài nguyên quan trọng như đất đai và lao động đã tạo ra những sự bóp méo, khiến căng thẳng xã hội càng thêm trầm trọng. Và điều này đặt ra câu hỏi cho giới lãnh đạo mới thụ phong vào cuối năm nay: liệu họ có sẵn sàng đụng chạm đến nhiều quyền lợi được bảo đảm bất di bất dịch để thúc đẩy thay đổi hơn nữa và đưa Trung Quốc theo con đường bền vững đi tới tương lai?

Đặng Tiểu Bình lẽ ra đã có thể tránh được kết cục này. Khi ông phát động chương trình cải cách kinh tế vào cuối những năm 1980, ông đã dựa trên mô hình tăng trưởng áp dụng đầy thành công của các con hổ châu Á khác - tập trung vào đầu tư và xuất khẩu. Nhưng ông đã quá tập trung sản xuất và tài nguyên quốc gia vào các khu vực dọc duyên hải, nơi chỉ có 1/3 dân số cả nước sinh sống. Ban đầu, khoảng một nửa các chi tiêu chính phủ đổ vào các khu vực này, nhưng đến giữa những năm 1990, con số trên đã đạt đến gần 2/3. Khu vực duyên hải bùng nổ nhanh chóng, trong khi phần lớn diện tích phía tây rộng lớn của nước này lại trở nên ngày càng tụt hậu.

Mất cân bằng về địa lý này đã làm nảy sinh những chênh lệch rõ rệt một cách bất thường về thu nhập giữa từng khu vực. Trước khi tiến hành tự do hóa những năm 1970, bất bình đẳng thu nhập, tính theo hệ số Gini, chỉ thấp 0.25 - khi đó, mọi người đều tương đối nghèo. Hiện nay, hệ số này đang ở rất cao, tới 0.47. Mặc dù con số đó tương đương với Singapore và Malaysia (và thấp hơn của Thái Lan và nhiều quốc gia Mỹ Latinh khác), nhưng đó là những thay đổi đầy mau lẹ và bất ngờ. Chỉ trong vòng 3 thập niên, với sáng kiến này, nhiều người đã trở nên giàu có đến mức hơn cả những gì có thể tưởng tượng ra trong những năm 1970. Trong khi đó, khi bảo hộ ruyền thống của nhà nước dành cho các nông trại và hợp tác xã biến mất, người dân ở khu vực nông thôn cũng bị mất luôn quyền được tiếp cận các dịch vụ y tế và bảo đảm thu nhập tối thiểu.

Bất bình đẳng có thể kiểm soát được, như Hàn Quốc đã làm với nỗ lực bảo đảm chất lượng các dịch vụ xã hội như nhau giữa khu vực nông thôn và thành thị giàu có trong suốt quá trình toàn cầu hóa. Thực tiễn trên tại Trung Quốc còn đáng ngạc nhiên hơn nếu xét bản chất nguồn gốc chủ nghĩa bình quân của nước này. Thực sự, nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng thông qua các dịch vụ xã hội đã thất bại. Ban đầu, những dịch vụ như vậy được xem như là mệnh lệnh của chính quyền trung ương, nhưng nền tảng tài chính yếu kém của Bắc Kinh (tỷ trọng doanh thu dịch vụ trong GDP giảm xuống chỉ còn 12% vào giữa những năm 1990) khiến cho các nỗ lực tái phân phối lớn khó duy trì. Trách nhiệm được đổ xuống các cấp địa phương, nhưng nguồn vốn lại không theo cùng. Vấn đề không phải do thiếu tài chính. Tiền thuế của Bắc Kinh vẫn tăng đều đặn, nhưng số tiền đó đơn giản không được đầu tư cho các chương trình xã hội, do ưu tiên của Bắc Kinh muốn hỗ trợ cơ sở hạ tầng để tiếp tục duy trì tăng trưởng cao.

Hệ thống thuế của Bắc Kinh cũng đầy mâu thuẫn về mặt kinh tế. Trong một chế độ cộng sản, tiền thu thuế thường được hướng tới để tái phân phối. Nhưng ở Trung Quốc, các khoản thuế tiêu dùng gián tiếp (ví dụ như thuế doanh thu và thuế VAT) chiếm phần lớn trong tổng doanh thu thuế. Không những không được tái phân phối, thuế gián tiếp còn làm trầm trọng thêm bất bình đẳng, bởi người nghèo sử dụng phần lớn thu nhập cá nhân vào tiêu dùng. Trung Quốc có thuế thu nhập, được thiết kế theo nguyên tắc nhằm đánh vào người giàu, nhưng hầu hết các hộ gia đình có thu nhập dưới ngưỡng quy định phải đóng thuế này. Còn người giàu thì thường tìm ra không ít cách để tránh trách nhiệm đó càng nhiều càng tốt.

Doanh thu khổng lồ của các doanh nghiệp nhà nước là nguồn thuế lớn không được khai thác để chuyển sang tài trợ các chương trình xã hội. Nhưng không giống như ở các nước khác, doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc không phải trả những khoản lợi tức lớn cho chính phủ. Khi lợi nhuận tăng cao trong thập niên qua, ảnh hưởng của họ trong hệ thống chính trị cũng theo đó mà mạnh lên. Do vậy, bất cứ động thái nào muốn thay đổi bộ luật doanh nghiệp đều nhanh chóng bị gác lại, và chỉ một số ít tiền các công ty này đóng góp bằng cổ tức không được đi vào ngân sách nhà nước mà vào các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ khác.

Giả sử nếu doanh nghiệp nhà nước thanh toán cổ tức 30-50% doanh thu của họ cho chính phủ - như các doanh nghiệp trên thế giới khác thường phải làm- mỗi năm, ở Bắc Kinh sẽ thu về khoản ngân sách tương đương với 2-3% GDP. Với những quỹ này, Trung Quốc có thể tăng chi cho các chương trình xã hội lên thêm 1/3-1/4 lần, qua đó tăng đầu tư cho giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội gần hơn với chuẩn mực quốc tế.

Do người dân không thể dựa vào Bắc Kinh hay các trợ cấp chảy từ hệ thống thuế hợp lý, họ phải tính chuyện bán bớt các quyền đất đai - đa số cho các nhà phát triển có các mối quan hệ tốt. Quan chức địa phương thường ép dân địa phương và chủ sở hữu tài sản thành thị bán đất của họ. Các quan chức này mua với giá thấp và sau đó ăn chênh lệch với nhà phát triển rồi bỏ túi phần phục vụ nhu cầu cá nhân. Do quá trình này thường dễ dẫn đến hành vi tìm kiếm đặc lợi nên nó là nền tảng tích tụ những ngờ vực của người dân Trung Quốc đối với các chính quyền địa phương trong thập niên qua.

Tăng cường tính minh bạch trong mua bán nhà đất sẽ còn phải đi rất xa nữa mới mong đẩy lùi được những bức xúc của người dân Trung Quốc đối với sự bất bình đẳng giữa các khu vực. Với một số người, bồi thường công bằng cho chủ sở hữu đất sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc di dân, giải tỏa áp lực. Để các gia đình ở nông thôn tái định cư, họ cần có thể thanh lý các tài sản đất đai. Không có tiền, những người tương lai phải di cư sẽ đành miễn cưỡng từ bỏ các quyền vốn là tất yếu trong gia đình họ suốt nhiều thế hệ để đi tìm kiếm những cơ hội tốt hơn. Nhưng nếu người nghèo có thể tự lựa chọn và tìm kiếm vận may ở nơi khác, Trung Quốc sẽ ít xung đột hơn về hệ thống chính trị và kinh tế mà dường như đã khóa chặt dân cư nông thôn vào nghèo đói.

Dĩ nhiên, khả năng di cư sẽ không giải quyết được triệt để vấn đề bất bình đẳng. Mặc dù khu vực nông thôn là những nơi nghèo nhất, nhưng có lẽ không ai cảm nhận thấy sự bất lực của chính phủ trong việc đáp ứng các dịch vụ xã hội hơn 250 triệu lao động Trung Quốc đã di cư ra các siêu thành phố. Nhóm này lập nên bời dòng người di cư liên tục từ khu vực nông thôn bắt đầu từ những năm đầu tiên của cuộc cải cách Đặng Tiểu Bình, lạc quan đến mức họ có thể tìm thấy việc làm có thu nhập tốt. Nhưng họ không bao giờ được cấp quyền định cư chính thức, vì thế họ không đủ tiêu chuẩn nhận bảo hiểm y tế hay đảm nhiệm các công việc có thu nhập tốt hơn.

Ban đầu, những sự tước đoạt này có vẻ không quan trọng, bởi hầu hết người di cư đều xác định thời gian làm việc của họ tại các thành phố chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, theo thời gian, khi lương và việc cung cấp các dịch vụ xã hội ở nội địa không theo kịp với khu vực duyên hải, những gì bị coi là tạm thời đã trở thành thường trực. Với người di cư, cuộc sống ở thành phố không có quyền định cư chính thức dù có không tốt, nhưng vẫn ổn hơn là phải quay trở lại quê nhà. Hiện nay, ở các thành phố, dân nhập cư - nhiều trong số đó xác định ở lại lâu dài - đã bắt đầu đòi nhận được thêm những sự bù đắp và nhiều quyền lợi hơn nữa.

Nhưng bản thân chính quyền trung ương lại không phải chịu nhiều áp lực tiến hành những thay đổi căn bản. Đó là vì mục tiêu của hầu hết người biểu tình nhắm tới - dù là lao động di cư hay người dân của các ngôi làng - chính là các doanh nghiệp và quan chức địa phương. Xung đột giữa người dân Vũ Hán, một ngôi làng chài ở tỉnh Quảng Đông, và các chính quyền địa phương xung quanh việc bán đất gây tranh cãi là một ví dụ đáng lưu tâm.

Vẫn là những chi tiết quen thuộc: dưới áp lực của các chính quyền địa phương, đất nông thôn được chuyển giao cho nhà phát triển với mức giá danh nghĩa. Khi dân làng phát hiện điều gì đã diễn ra, họ đổ ra đường. Cảnh sát địa phương bắt bớ nhiều người biểu tình, và một đại diện của ngôi làng đã chết trong trại giam. Người dân sau đó gửi đơn khiếu nại lên quan chức cấp tỉnh và trung ương, những người đã xuống nước trước yêu cầu tổ chức một cuộc bầu cử mang tính đại diện hơn của dân làng và rà soát lại việc chuyển nhượng đất. Bằng cách đó, Bắc Kinh đã củng cố cảm nhận rằng chính phủ là "vị cứu tinh" tiềm năng chống lại sự lạm quyền của các quan chức tham nhũng địa phương.

Quan điểm cho rằng tự do hóa kinh tế dẫn tới tự do hóa chính chị là một nhận định đã có từ trước đây - và đã chứng tỏ là đúng ở nhiều nước, từ Hàn Quốc cho tới Chile. Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ đối mặt cùng với các lực đẩy tương tự. Tuy nhiên, nước này là một trường hợp đặc biệt. Cung cách quản lý chính trị phân cấp và những khác biệt lớn giữa các khu vực trong thái độ và tập quán đã thúc đẩy một sự khác biệt rõ rệt giữa cách nhìn nhận của phần đông người dân Trung Quốc với chính quyền địa phương và quan điểm của họ đối với giới lãnh đạo ở Bắc Kinh. Thực vậy, các lãnh đạo cấp cao ở thủ đô vẫn được đánh giá là luôn tâm niệm lợi ích cao nhất cho người dân, trong khi giới lãnh đạo địa phương luôn bị quy trách nhiệm cho bất cứ điều gì nảy sinh trong đời sống hằng ngày của người dân. Do đó, lo ngại của Bắc Kinh về các cuộc biểu tình khu vực có lẽ đã hơi bị thổi phồng. Ở Trung Quốc ngày nay, dù tốt dù xấu, vấn đề của địa phương chỉ sẽ dẫn tới những cải cách ở địa phương.

Thay đổi thực sự hệ thống ấy sẽ là một quá trình lâu dài và chậm chạp, và cho đến nay, chính quyền đã miễn cưỡng phải cung cấp thêm các phương tiện để người dân bày tỏ các khiếu nại. Họ cũng ít dễ dãi hơn với những kiểu quản lý thí điểm ở cấp làng xã như cách đây một thập niên, khi rất nhiều những sự thí điểm được đưa ra. Mặc dù Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế ấn tượng, thế hệ các nhà lãnh đạo cấp cao mới sắp nhậm chức trong năm nay phải tìm kiếm biện pháp tiếp tục thúc đẩy tự do hóa về chính trị để không chỉ đáp ứng nguyện vọng của dân chúng mà còn có thể chấp nhận được trong chính hệ thống đảng. Khi một nước tăng trưởng quá nhanh, càng trì hoãn thay đổi sẽ chỉ khiến con đường phía trước của nó thêm gập ghềnh.

Yukon Huang
Đình Ngân dịch
 


* * *

Xem bản Anh ngữ tại đây
Xem bài liên hệ chủ đề tại đây
Xem“Kiến thức - tài liệu” tại đây
Trở về homepage www.nuiansongtra.net  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh