Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 07, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
NHỚ LẠI MỘT THỜI LÊN TỈNH HỌC
CHU THIÊN TỬ


Tỉnh là đơn vị hành chánh ai cũng hiểu và đã có tự bao đời. Thời 1954 – 1975 Tỉnh Quảng Ngãi có 10 Quận là: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Sơn Hà, Trà Bồng, Ba Tơ và Minh Long, và 01 Thị Xã là Xã Cẩm Thành. Về phương diện địa lý thì xã Cẩm Thành có thể xem là thuộc Quận Tư Nghĩa nhưng về phương diện hành chánh thì xã Cẩm Thành trực thuộc Tỉnh mà không thuộc Quận nào. Các cơ quan đầu não của Tỉnh đều đặt ở Thị Xã (xã Cẩm Thành). Người ở Quận về Thị Xã để quan hệ công việc hay làm ăn buôn bán gọi là lên Tỉnh, ra Tỉnh, về Tỉnh,… Từ Tỉnh bây giờ ngầm chỉ Thị Xã hay xã Cẩm Thành. Cư dân ở Tỉnh (Thị Xã) thì văn minh, thanh lịch hơn người ở quê. Trong bài thơ CHÂN QUÊ Nguyễn Bính có câu:

“Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”.

Và năm ấy cũng vào cuối Thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc lòng tôi đầy nao nức vì mai đây sẽ bước chân lên học ở tỉnh thành (1).

Đó là mùa Thu năm 1960, năm đầu tiên tôi phải xa nhà lên tỉnh trọ học.

Tôi được sinh ra và lớn lên ở một làng quê hẻo lánh, đó là làng Kim Thành của xã Hành Dũng huyện Nghĩa Hành, một xã cực Tây giáp ranh với huyện Minh Long.

Từ năm 1960 trở về trước, tỉnh Quảng Ngãi có một trường công lập cấp II; III duy nhất đó là trường Trần Quốc Tuấn. Có thể nói là trường đã: “đón chào trai trẻ muôn phương đến” (2); học sinh đầu vào của trường được tuyển chọn qua một kỳ thi vô cùng nghiệt ngã; niên khóa 1960 – 1961, mười huyện (quận) và thị xã Cẩm Thành gồm hơn hai ngàn thí sinh chỉ nhận bảy (07) lớp Đệ thất chưa tới bốn trăm học sinh.

Mùa hè năm ấy anh tôi đã dẫn tôi lên tỉnh dự thi và may mắn tôi đã trúng tuyển. Cả xã tôi lúc bấy giờ chỉ có một trường Tiểu học và một lớp Nhất. Lớp của tôi năm ấy đậu vào Đệ thất được ba người.

Được vào học trường công Trần Quốc Tuấn là niềm tự hào và hy vọng cho học sinh Quảng Ngãi thời bấy giờ nhưng cũng vô cùng gian khổ cho bản thân tôi. Là cậu bé từ vùng nông thôn nghèo khó, cha mất sớm, mẹ tôi với mấy sào ruộng khô cằn không nuôi nổi đàn con năm đứa, nhà tôi thường xuyên cơm độn mắm rau bữa no bữa đói thì việc cho con lên tỉnh học là một vấn đề nan giải cho bản thân bà. Tuy nhiên khi được tin tôi đậu vào trường công (khó hơn vào Đại học); mừng vui pha lẫn chút tự hào nên bà quyết định cho tôi tiếp tục việc học. Khốn nỗi nhà tôi lên thị quá xa mà không sắm nổi chiếc xe đạp vì vậy mỗi tuần tôi phải đi bộ hai bận mỗi bận mười lăm cây số, bận lên vào chiều Chủ nhật và về vào chiều thứ Bảy. Việc đi bộ một quãng đường xa đối với tôi ngoài sự nhọc nhằn về thân xác còn thêm nỗi khổ tâm về tinh thần. Số là từ Nghĩa Hành đi thị xã có tuyến xe Lam (Lambretta) loại xe chở khách hạng nhẹ. Các bạn con nhà khá giả học trường công hoặc tư thục thường đi bằng xa Lam hay xe đạp; mỗi lần xe chạy qua tôi thấy thẹn thùng mặt nóng ran vì thấy có đôi bạn nhìn lại cười mình phải đi bộ “tội nghiệp” nhưng đành chịu vậy thôi!

Đầu năm Đệ thất (1960 – 1961) tôi may mắn được xét cấp học bổng vì con nhà nghèo, mồ côi cha và học lực khá. Cả lớp có ba người và năm sau chỉ còn mình tôi vì hai bạn kia không còn đạt tiêu chuẩn học lực.

Trường Trần Quốc Tuấn những ngày đầu đối với tôi sao mà uy nghiêm quá! Thầy cô nghiêm nghị, lạnh lùng và khá cách biệt với học sinh, hay tôi quá nhút nhát mà cảm nhận vậy chăng! Trường gồm ba dãy hình chữ u, đáy chữ u hướng ra cổng trường và quốc lộ với dòng tên: “Trung học Trần Quốc Tuấn”. Giữa sân trường có trụ cờ với nhiều bậc cao dần; gần đó có cây dầu lai quanh năm tỏa mát; sân trường được chia làm bốn mảng bởi hai lối đi hình chữ thập, mỗi mảng có diện tích gần bằng nhau và được trồng cỏ xanh mướt quanh năm. Mỗi sáng thứ hai có lễ thượng kỳ (chào cờ và kéo cờ lên), mỗi chiều thứ bảy có lễ hạ kỳ (chào cờ và kéo cờ xuống). Học sinh sắp hàng theo từng lớp và hát quốc ca, không khí rất trang nghiêm. Ngày nay, trường đã cách tân rất nhiều nhưng vị trí vẫn còn giữ nguyên.

Năm học đầu lòng tôi lo lắng xiết bao! Cả lớp không một bạn quen, không đầy đủ sách vở, giọng nói của thầy cô lại quá xa lạ (đa số thầy cô là những người gốc Bắc và gốc Huế). Những môn học lạ với chúng tôi là Anh văn và Hán văn. Anh văn do thầy Nguyễn Duy Vinh về sau là thầy Vũ Đức Vượng, cả hai thầy đều là người gốc Bắc, khó khăn lắm tôi mới nghe kịp (ngay cả lúc thầy nói tiếng Việt tôi cũng nghe không rõ). Dạy môn Hán văn là cụ Tú tài Hán học Lê Kỉnh, có lẽ hình ảnh ông Đồ trong thơ Vũ Đình Liên tái hiện đây chăng? Thầy Kỉnh với áo dài đen, khăn đóng, chân đi guốc mộc, chữ Hán thầy viết gần như “Phượng múa rồng bay” bài học đầu tiên tôi còn nhớ là: “Nhân hữu nhất thủ, nhị mục nhị nhĩ” (người có một đầu, hai mắt hai tai) (Con xin tạ lỗi vì chữ đã trả lại cho thầy không ghi nguyên chữ Hán nổi).

Thời gian qua mau, khó khăn buổi đầu cũng dần qua, tôi cũng thích nghi dần với cuộc sống xa nhà và chế độ học tập mới. Cuối năm tôi được xếp vào loại khá và được lãnh một lần số tiền học bổng cả năm tổng cộng là một ngàn tám trăm đồng (1 tháng 200đ x 9 tháng). Tôi quá mừng rỡ và sắm ngay chiếc xe đạp để làm phương tiện đi về cho những năm học sau. Kể từ năm sau (Năm đệ lục) tôi đã có niềm tin và phương tiện để đến trường nhưng vẫn khổ sở với cái dạ dày vì chỉ được ăn hai bữa cơm mỗi ngày (trưa và tôi). Mỗi buổi trưa, khi tan trường, về đến nhà trọ tôi sắp lả người vì mỏi mệt đói khát. Sau một đêm dài với một buổi sáng tổng cộng mười mấy giờ không có thức ăn, dạ dày sao không đòi hỏi được?

“Năm này năm nọ thoáng qua mau!”

Mỗi năm mỗi lớp, hết năm Đệ Lục chúng tôi đã lớn dần và đã là đàn anh của các lớp kế sau. Đầu năm Đệ Ngũ lòng thấy xao động ngẩn ngơ, thấp thoáng nỗi buồn không tên vì các bạn nữ đã đi học riêng tại trường Nữ Trung học vừa được tách ra từ trường mẹ Trần Quốc Tuấn. Trường Nữ chỉ dạy đến lớp Đệ tứ (lớp 9) và khi lên lớp Đệ Tam (lớp 10) các bạn nữ lại trở về trường mẹ (Trần Quốc Tuấn).

Sau khi tốt nghiệp kỳ thi trung học Đệ I cấp (Đíp-lôm), tôi tiếp tục học lên lớp Đệ tam (lớp 10), đó là lớp Đệ tam B1. Lớp tôi năm ấy khoảng 50 học sinh nhưng chỉ có 2 bạn nữ, có lẽ nữ sinh thời bấy giờ e ngại Ban Toán – Lý – Hóa nên ít người theo học. Năm sau lên lớp Đệ nhị và vượt qua kỳ thi Tú Tài Bán Phần. Năm kế tiếp lên học lớp Đệ Nhất (lớp 12). Năm học này chúng tôi được học môn Triết học thay môn Việt văn. Triết học ban B (Toán, Lý, Hóa) gồm hai phần là Luận lý học và Đạo đức học, ban A (Lý, Hóa, Sinh) thêm phần Tâm lý học.

“Bảy năm đằng đẳng chẳng bao lâu,
Thời gian xuôi chảy nước qua cầu”.

Thấm thoắt năm cuối cấp và niên học cuối cùng cũng qua nhanh, một mùa Hè với bao “khổ học” đã qua, đa số chúng tôi tốt nghiệp Tú tài toàn phần (phần II). Đó là mùa hè năm 1967. Qua kỳ thi chúng tôi đều mỏi mệt, gầy ốm đôi phần. Sau những hôm xem bảng tại trường và sau những lần gặp nhau lẻ tẻ, chúng tôi đã vĩnh viễn chia tay nhau và mãi mãi rời xa mái trường vô vàn mến yêu, nơi đây có cây phượng vĩ ngoài cổng mỗi độ hè về trổ hoa đỏ ối, có cây dầu lai quanh năm tỏa mát sân trường xa bao thầy cô kính mến cùng bao bạn bè thân thương.Ôi!Cuộc chia ly sao mà buồn vậy! Ngày nay mỗi khi hồi tưởng,lòng tôi thương tiếc ngậm ngùi … thảm hại thay thời bấy giờ chúng tôi đa số gốc gát chân quê, không ai tập hợp để nói năng điều gì hay tổ chức bữa tiệc chia tay hoặc thản chụp đôi “pô” hình để làm kỷ niệm mai sau …

Bốn mươi năm sau tức vào năm 2007, tôi gặp lại vài người bạn thân và có được một tấm hình chụp chung cả lớp vào năm học cuối cùng (năm Đệ Nhất 1967). Ôi quý hóa làm sao! Ngắm lại hình xưa, bồi hồi xúc động, tôi cảm tác mấy câu thơ như sau:

Bốn mươi năm chẵn ngắm hình ta
Trẻ trung nay đã hóa ra già
Thời gian như nước qua cầu vội
Còn đọng gì chăng tuổi mộng hoa!

Đang khi ngồi viết những dòng này thì nhà ai bên cạnh lại ngân vang nhạc phẩm của Thanh Sơn: “Ngoài kia hoa phượng rụng rơi tơi tả, dư âm làm sống lại đời ta, dù ngăn cách nhớ hoài ngày qua …”. Sao mà giống tâm sự của mình lúc này quá vậy!

Và để thay lời kết xin có bài hò LÝ TÌNH TANG (Dân ca Quảng Ngãi) gọi là chút lòng hướng về quê hương, về ngôi trường cũ vô vàn mến yêu.

QUÊ HƯƠNG CÙNG VỚI NGÔI TRƯỜNG MẾN YÊU (3)

Ai về xứ Quảng quê (hương) tôi. (1)
Núi sông hòa nhã (2) dân thời tài ba (3)
Xa xa Thiên Ấn (hà) niêm hà (1)
Trà giang lộng nguyệt (2) cát pha (màu) trăng vàng (3)
Đây rồi Thiên Bút Phê Vân (1)
Ngàn năm còn đó (2) tần ngần nhìn mây (3)
Giữa lòng đô thị hôm nay (1)
Trường Trần Quốc Tuấn (2) tự ngày xa xưa (3)
Thăng trầm lịch sử (mưa) nắng mưa (1)
Dang tay trường vẫn (2) đón đưa (người) bao người (3)
Về đây cùng học cùng chơi (1)
Mai ngày khôn lớn (2) mỗi người một phương (3)
Dù đi xa vạn nẻo đường (1)
Quê hương trường cũ (2) mãi vương vấn lòng (3)

Ghi chú:

(1) Đạo văn Thanh Tịnh
(2) Câu thơ trong bài Nhớ Về Trường Xưa của chính tác giả
(3) Về bài hò Ba Lý

- (1) Ta lý tang tình mà nghe ta hò Ba Lý Tình Tang: “Xứ Quảng quê hương tôi”
- (2) Ta hố
- (3) Khoan hố khoan ta hố hò khoan.

Chú thích: Có người hò là: Ba Lý tang tình mà nghe… ở đây tác giả dùng “Ta Lý” để khỏi lặp với từ “Ba Lý” liền sau đó.

Tân Phú, Đồng Nai, ngày 04-04-2012
Nguyễn Thái Ất  bút hiệu CHU THIÊN TỬ
Cựu học sinh Trần Quốc Tuấn Khóa 1960 - 1967

* * *

Xem các bài khác cùng tác giả tại đây
Xem các bài khác cùng chủ đề tại đây
Trở về homepage www.nuiansongtra.net  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh