"Tiếng sóng lạnh vỗ đôi bờ kim cổ”:
NỖI LÒNG CỦA NGƯỜI SỐNG XA QUÊ HƯƠNG
Lê Ngọc Trác
"Hắc dạ thiều quang hà xứ tâm?
Tiểu song khai xứ liễu âm âm
Giang hồ bệnh đáo kinh thời cửu
Phong vũ xuân tùy nhất dạ thâm
Ky lữ đa niên đăng hạ lệ,
Giang hương thiên lý nguyệt trung tâm
Nam Đài thôn ngoại Long giang thủy
Nhất phiến hàn thanh tòng cổ câm (kim)"
Nguyễn Du
(Thanh Hiên thi tập)
(Đêm đen nào thấy ánh dương trong?
Hàng liễu âm thầm đứng trước song
Ốm liệt giang hồ bao tháng trải
Xuân về mưa gió suốt đêm ròng
Lâu năm đất khách đèn chong lệ
Ngàn dặm quê hương nguyệt dãi lòng
Ngoài xóm Nam Đài Long thủy chảy
Trôi hoài kim cổ một dòng không!)
Nguyễn Xuân Tảo (dịch)
Bài thơ "Xuân dạ" trong Thanh Hiên thi tập thi hào Nguyễn Du (1755 - 1820) viết bằng chữ Hán. Đây là bài thơ ghi dấu một thời kỳ gian khổ của Nguyễn Du. Gia đình ly tán, Nguyễn Du phải trôi dạt nhiều nơi, sống xa quê hương. Bao năm dài, Nguyễn Du nặng lòng thương về miền cố thổ. Thơ Nguyễn Du dù sáng tác bằng chữ Nôm hay chữ Hán đều mang nhiều hình ảnh, đầy thi tính và tình cảm. "Xuân dạ" là hoàn cảnh sống và nỗi lòng của Nguyễn Du trong những năm dài lận đận sống xa quê hương trong cuộc đời của thi hào "nhất phiến tài tình thiên cổ lụy".
Thi tài và tác phẩm của Nguyễn Du đã đi qua năm tháng, vượt thế kỷ. Hơn 200 năm qua, nhiều thế hệ đều đồng cảm với "Xuân dạ" của Nguyễn Du. Nhất là, những người mang tâm sự thương nhớ về quê hương, cố thổ. Và, Minh Triết - Trần Thiện Đạt là một trong số đông trong chúng ta cảm kích, tôn kính thi hào Nguyễn Du.
Ngay sau khi đọc "Xuân dạ" của Nguyễn Du, Minh Triết Trần Thiện Đạt đã dâng tràn cảm xúc viết bài thơ "Tiếng sóng lạnh vỗ đôi bờ kim cổ":
"Con sóng vỗ - trăng buồn soi bến lạnh
Đời tha hương ngùn ngụt khói tuôn sầu
Dòng mực chảy - tấm lòng son hiu quạnh
Nỗi niềm riêng Người viết gửi về đâu!?
Đêm vào khuya - Trăng đã chếch hiên ngoài
Sông Lam chở lòng xưa về trú ngụ
Thôn Nam Đài đã xa ngày tháng cũ
Vọng ngàn sau tiếng sóng lạnh hồn thơ
Cổ kim ơi - vẫn một ánh trăng mờ
Chia hai nửa: quê người và cố xứ
Để một nửa nhớ thương về quá khứ
Và nửa buồn bàng bạc suốt đêm nay".
Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT
Hơn 200 năm trước, trong quãng đời 10 năm lưu lạc, đèn chong lệ nơi đất khách thương về cố xứ, trong tâm hồn nhà thơ Nguyễn Du đầy một màu trăng. Hôm nay, ở phương trời xa lạ, trong hồn Minh Triết Trần Thiện Đạt vẫn tràn đầy một màu trăng thương nhớ. Màu trăng chia đôi: Nửa quê người và nửa vầng trăng cố xứ.
Nhà giáo - nhà thơ Minh Triết Trần Thiện Đạt là người con của làng Hải Châu, xã Nghĩa Hiệp, một làng quê nghèo bên dòng sông Vệ, Quảng Ngãi. Anh là đồng hương của chúng tôi. Cách đây gần 60 năm, Minh Triết Trần Thiện Đạt theo học những năm đầu bậc tiểu học ở trường làng Hải Châu - ngôi trường làng vách đất mái tranh. Ngày ấy, chúng tôi còn để tóc miểng rùa, thường hay đứng cạnh ngôi trường làng ngóng nhìn xem các anh tập hát, tập đọc trong lớp. Thế rồi lớn lên, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, chúng tôi đều sống xa quê hương. Trong những năm dài sống ở xứ người, những người con của quê hương Hải Châu đều nhớ về dòng sông Vệ - dòng sông gầy như dáng mẹ, liêu xiêu trong gió mưa, nắng quái quê nghèo. Nhớ những mùa vàng hoa cải, nhớ đồng chiều thơm mùi rơm rạ, có cánh diều no gió sau lủy tre làng. Ai cũng mong một ngày về thăm cố xứ.
Minh Triết Trần Thiện Đạt đã viết những dòng thơ khi trở lại quê nhà đầy cảm xúc. Có lẽ, đây là tâm sự chung của nhiều người:
"Về thăm quê, thăm lại tuổi thơ tôi
Thấy nắng vàng rung rinh chùm khế ngọt
Tưởng con dế còn gọi mời giọng hót
Cỏ ven đường xao xuyến dấu chân xa
Chiều bâng khuâng cánh vạc vỗ trăng ngà
Tôi lặng để lòng mình thương biết mấy
Chào tuổi nhỏ - Thôi giã từ buổi ấy
Tôi trở về với mái tóc pha sương..."
Đời người như dòng sông. Biền biệt bao năm, ngày về, muốm tìm lại hình ảnh thân yêu ngày xưa. Thế mà chỉ còn nỗi xao xuyến… dấu chân xa:
“Anh lưu lạc mười năm trời - mộng cũ
Gặp em rồi thế sự hóa phù du
…
Này hỡi bé, chút lòng tha thiết gửi
Mộng dẫu tàn, đôi mắt vẫn đăm đăm
Gió mãi hát trên bờ môi muôn thuở
Đôi mắt còn ướt mãi đến trăm năm.”
(ĐÔI MẮT- thơ Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT)
Sống lưu lạc ở phương trời xa lạ, lòng đong đầy thương nhớ quê hương. Ấy thế mà ngày về ngậm ngùi ngâm bài phương thảo thê và hồn mơ về cố xứ. Phải chăng đây là nỗi lòng của những người sống xa quê hương cố thổ!
LÊ NGỌC TRÁC
* * *
Xem bài khác cùng tác giả tại đây
Xem bài khác liên hệ chủ đề tại đây
Trở về trang www.nuiansongtra.net